User Rating: 3 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar InactiveStar Inactive
 

Saigon1969

Cuối năm 1958, Thủ Khoa Nghĩa không nhận lên Đệ Tam, tôi lao đao lên Sài Gòn tìm trường tư học tiếp. Đọc báo thấy tên trường Hoàng Việt ở đường Phan Đình Phùng, gần nhà nhứt, tôi chưa dám đi xa, chưa quen đường, hay chạy lạc. Ngày ngày đạp xe đạp từ đường Triệu Đà Chợ Lớn. Tôi ở nhà thân nhân bán gạo, than, dầu lửa, gạo chất tới gác. Ở Châu Đốc thanh thản đã quen, Sài Gòn xa lạ, cao sang, tôi cứ nhìn các cô để tóc đuôi ngựa, đẹp quá. Tôi thì quần kaki xanh mốc, mồ hôi đổ ướt mình trên xe đạp, mắc cỡ.

Năm 1958, dân Sài Gòn đã quen tên đường bằng tiếng Việt, nhớ năm trước đi trại hè, ngủ tạm trường Tiểu Học Phan Đình Phùng, hỏi dân xích lô máy không biết, chỉ nhớ tên đường Richaud (?). Dân còn khá thảnh thơi, nhiều anh xích lô đạp nằm ngủ trưa hay đọc báo bên đường. Người Pháp và ảnh hưởng văn hoá Pháp rất mạnh, các cô trường Pháp cứ tự nhiên nói tiếng Pháp ngoài phố. Các ông còn mặc quần short trắng, áo trắng, vớ cao, ngồi ăn sáng quán Vĩnh Lợi, trên dĩa có miếng bánh mì, lát fromage, trái chuối già. Ông dùng dao cắt trái chuối thật gọn, tự nhiên, động tác rất noble. Áo dài cổ cao, vạt áo chấm gót. Nón Tây (nón cối) vẫn còn.

Đường Sài Gòn còn cây cao bóng mát, xe đạp rất nhiều, xe bus cũng dư cung cấp phương tiện di chuyển rẻ tiền, thấy xe ngựa còn lọc cọc trên tuyến đường Bảy Hiền, năm 1965 mới không còn. Xích lô đạp, xích lô máy rất thông dụng. Taxi là xe Renault nhỏ, hai ngựa, màu xanh dương. Xe gắn máy (Mobilette, Sach, Velo Solex, Gobel, Puch) khá nhiều dành cho công chức, học sinh ít dùng, xe Mobilette chừng hơn $6000. Ai cũng khen đồ Tây tốt và bền nhứt, cũng như tiếng Tây hay nhứt. Các cô mặc áo dài trắng, ẻo lả, đội nón lá, chạy Solex đẹp lắm. Xe hơi có Peugeot, Renault, Citroen, Simca, vài chiếc xe Huê Kỳ. Hàng hóa Tây được chuộng, ảnh hưởng Mỹ chưa mạnh như sau nầy.

Sài Gòn mới có phong trào đại nhạc hội, nhạc nhớ miền Bắc rất thịnh, bản “Nhớ Về Hà Nội, Chuyến Đò Vỹ Tuyến,…:. Nhạc sĩ miền Bắc chi phối nền văn học và giáo dục miền Nam. Trường tư cũ ít, trường Nguyễn văn Khuê, Lê Bá Cang… Trường tư lớn do người Bắc mở khắp Sài Gòn, thêm lớp dạy thêm, học sinh đông lắm, mở trường là có học sinh, thời thanh bình, thanh niên nô nức đi học. Thời vàng son của giáo sư.

Tôi chọn ban B, hy vọng khá toán để thi lại Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Bàn học chật chội, 6 đứa, lớp chừng trên 80 đứa, khỏi trả bài, khỏi điểm danh, chỉ kiểm soát học phí, khoảng $300/ tháng (?). Lần đầu học chung với nữ sinh, sĩ số nữ sinh chừng 1/3 tổng số, có lẽ ban B, ít nữ sinh. Nhớ Thủ Khoa Nghĩa thời tôi, sĩ số nữ sinh là 1/4. chỉ có 1 lớp A va 3 lớp nam sinh. Nữ sinh trường tư không có đồng phục, áo dài màu đẹp lắm, hình như đẹp hơn nữ sinh Châu Đốc (?). Học sinh gốc Bắc khá đông, toàn bộ giáo sư đều gốc Bắc. Tôi nhớ Luật Sư Trần văn Tuyên dạy Pháp văn, đủ biết là lương giáo còn cao, sau nầy luật sư không ai dạy học thêm. Thầy Nguyễn Phố, nhà văn Hư Chu dạy học còn hơi hướng nhà Nho.

Lớp có ban đại diện, trưởng lớp là chị Trần Khánh Tuyết, ở Châu Đốc chỉ biết già G. làm mấy năm liền. Chị Tuyết rất hoạt động, nói tiếng Pháp rất hay. Lúc đóng kịch Molière, chị đóng vai chánh, tôi khôn hồn lựa vai phụ ngắn đóng cho qua. Tôi chỉ quen chị duy nhứt, chị coi tôi như em. Sau năm học, mất liên lạc tới năm 2005, tình cờ liên lạc qua email, nghe tin tôi bịnh, chị tức tốc qua Brisbane thăm tôi đầu tháng 1/2007, 45 năm, tâm sự chuyện cũ cả tuần chưa chán. Chính chị dạy tôi chơi correspondant, bạn thư, tôi quen Kazuko, Annette Fricker.., viết thư say sưa. Suốt năm, không thu thập gì, toán lý hoá quá kém. May là tôi mua sách học thêm sinh ngữ. Ở Châu Đốc lay quay bài chép trên bảng. Ở Sài Gòn nhiều thư viện và tiệm sách, được cuốn nào, tôi học ngấu nghiến cuốn đó. Bây giờ nhớ lại thấy mình ngu, tôi học các bài toán “tủ”, vô thi trật tủ thì chịu chết. Đọc được cuốn Grand Coeur (Tâm Hồn Cao Thượng), Sans Famille (Vô Gia Đình) say sưa, có khi cảm động ngậm ngùi. Sau khi học thuộc lòng cuốn Les mots Anglais, tôi ôm tự điển học, rồi dành trọn buổi học thêm ở Centre Culturel Fransais (Trung Tâm Văn Hóa Pháp) gần Sở Thú, rồi học thêm chương trình Anh ở trường Mỹ chung với con cháu dân ngoại quốc thường.

Năm 1960, lại rớt Trung Học thêm hai keo, hết chuyện nói. Tôi ít về Tri Tôn sống trong địa ngục gia đình có đứa con thi rớt, hàng đêm nghe chửi, rớt thì học cours luyện thi. May mà gặp trường Tư Thục Hàn Thuyên có Đệ Nhị ban C, ban C khó đậu, học sinh quá ít, mở lớp không có lời, sau năm đó trường dẹp ban C, hú vía. Giáo sư dạy cho có, giảng lang bang. Ông Nguyễn D D, có tiếng là nhà văn, không tốt nghiệp Đại Học nào, vào ngâm thơ Hàn Mặc Tử, dạy không hết chương trình. Giáo sư Sử Địa cũng tà tà, không biết chương trình theo, miễn học sinh vui, không phá phách là được. Giáo sư Pháp văn thì cà kê chuyện cá nhân mình. Mỗi năm thi hai kỳ cho có, lúc vào thi thật thì phú thác cho trời. Giám khảo chấm thì hà tiện điểm, vào oral thì được dịp mắng thí sinh để tỏ uy quyền. Chỉ có ban A, B, trúng toán lý hoá là xong. Năm đó cả lớp tôi đậu Tú Tài đúng ba đứa. Thời đó, miễn còn đi học là còn hoãn dịch. Tránh được toán lý hoá là yên thân, tôi không trông cậy giáo sư trường, chỉ chuyên lo học thêm, tới đâu hay tới đó. Những bài toán lý hoá không còn ám ảnh. Ban C thi chỉ có bốn môn viết, Việt, Anh, Pháp, Sử Địa. Tôi tìm an vui trong những lá thư ngoại quốc, ước mơ lãng mạn.

Năm 1961, xách gói lo thi thêm kỳ thi Trung Học đã bỏ oral, hy vọng tìm được niềm vui, bớt áp lực gia đình chòm xóm. Năm thứ ba, nghĩa là lần thứ năm lại rớt. Tôi không về quê, viện lý do thi Tú Tài. Lại chuẩn bị hồ sơ thi Trung Học Kỳ Hai, lần thứ sáu, hết đường vô Quốc Gia Sư Phạm, thất thần như chết chưa chôn, mặt ngơ ngơ ngáo ngáo. Đang ngồi ăn cơm, ông già tôi ở quê lên, hầm hầm, trước mặt mọi người, “Mặt gà mở cửa mả, sao không nhào vô xe lửa chết đi”. Nghe chửi đã quen, mà tôi có biết xe lửa chạy đường nào mà tự tử. Ổng nói với bà già tôi, “Tao xài xể nó trước mặt thằng H. con H. cho nó nhục”. Tôi chịu nhục đã quen suốt ba năm, vết thương bây giờ còn hằng trong đầu, không cách gì xoá được. Về An Giang nộp đơn xong trở lên Sài Gòn thì có kết quả Tú Tài, vậy là không cần bằng Trung Học, tôi cũng có về thi cho vừa lòng nhà, tôi không theo dõi kết quả vì biết chắc là rớt.

Năm đó, cả Sài Gòn chỉ có bốn trường có Đệ Nhứt C, Gia Long, Petrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương. Trường tư không đủ học sinh, may là Hồ Ngọc Cẩn Gia Định có ban C, dành cho dân lục tỉnh lên, hình như năm sau lại dẹp. Lớp không có nữ sinh, 2/3 học sinh gốc Bắc. Thi viết có ba môn, Triết, Anh, Pháp, oral cũng có môn Triết Anh Pháp, ba môn nầy đủ dập toán lý hoá vạn vật. Năm nầy vui vì không bị áp lực toán lý hoá, ít thấy đứa nào lo lắng thi cử, thế nào cũng đậu. Thầy Huỳnh Hòa, giáo sư Pháp văn lớp tôi lại là chánh chủ khảo của trung tâm duy nhứt ở trường Gia Long. Bọn tôi hầu hết vào Văn Khoa, Sư Phạm và Hành Chánh, một số du học. Hơn nửa lớp ở Mỹ. Vài bản nhạc thịnh hành,”Tiếng Hát Mường Luông, Kiếp Nghèo, Em Ơi Nếu Mộng Không Thành Thì Sao..”

Thời thế bắt đầu thay đổi, cuộc sống vội vã hơn, xe gắn máy nhiều hơn, bắt đầu thành nhu cầu. Xe bus bị dẹp. Xe gắn máy khan hiếm, command lâu, phải quen biết. Giá xe tăng khá nhiều. Không khí chánh trị ngột ngạt, rất sợ mật vụ. Anh em chỉ chơi với bạn học cũ từ Trung Học lên, thấy người lạ là lã vã nói chuyện khác. Nữ sinh viên rất ít, hình như héo hắt, vài đứa chương trình Pháp còn khá tươi tắn. Sinh viên gốc Bắc nhiều hơn. Tôi gặp lại thầy học Hồ Ngọc Cẩn ghi danh học chung. Đi đâu cũng nghe than phiền bà Ngô Đình Nhu, con bà là Lệ Thủy không hiểu sao ghi danh học Văn Khoa, mật vụ vào giữ an ninh và chỗ ngồi cho cô. Trường cách Dinh Gia Long con đường, dinh được rào kẽm gai. Tôi ghi danh học Dự Bị Anh, khi lên chứng chỉ, tôi đổi qua Việt Hán dễ đậu và dễ học vì tôi gốc Hoa.

Rạp hát Đại Nam có máy lạnh đầu tiên, rồi dần dần nhiều rạp hát quanh khu Quận Nhứt có máy lạnh. Công chức hay vào xem buổi trưa tránh nóng. Đây là một hiện tượng, lần đầu ngồi phòng lạnh sướng lắm. Thông thường, chỉ có quạt máy, nóng bức, khán giả đã quen chịu nóng. Nhiều rạp bình dân, chiếu hai phim, permanent, xem đi xem lại suốt ngày cũng được. Phim nói tiếng Pháp, phụ đề Việt ngữ, dù là phim Cowboy. Rạp Long Phụng chiếu phim Ấn Độ thường xuyên, nhiều khán giả ghiền nhạc Ấn Độ du dương. Phim Việt Nam biến đâu hết. Lúc còn ở Châu Đốc, có một loạt phim Việt Nam, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương, Quan Âm Thị Kính, Ngưu Lang Chức Nữ. Hồi đó Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng còn trẻ đẹp lắm. Trước khi bắt đầu, khán giả phải đứng lên chào cờ, sau đó là bài “Suy Tôn Ngô Tổng Thống” (sau tháng 11/1963 thì không còn bài suy tôn). Chợ Lớn thì tuồng Tàu, hát tiếng Quảng tôi không nghe được. Đại nhạc hội càng phổ thông, Trần Văn Trạch, Tùng Lâm, Vân Hùng, Thanh Thúy, Túy Phượng.., thấy quảng cáo ở rạp Thanh Bình. Đài phát thanh, chưa có TV, ban Thăng Long và ban kịch Dân Nam phổ thông nhứt. Khán giả đông, cải lương thịnh hành, dù là gánh Kim Chung, Bắc di cư. Thời của Thanh Nga, Thành Được, Út Trà Ôn.

Sài Gòn thanh bình khá lâu, từ 1954, ngưng chiến. Tháng 11/61, nghe tin đảo chánh, dân chúng sợ, ùn ùn mua gạo, than, nước mắm, dầu lửa dự trữ. Tiệm mấy cậu tôi ở đường Triệu Đà và Lê Văn Duyệt bán lên giá, hễ có tin gì bất an, dân Sài Gòn mua thực phẩm. Than củi có thời khan hiếm, chưa xài điện, nhà nghèo xài củi. Than đước Cà Mau, than sầm, than tạp. Tôi nhớ có chở bán tạ than cho nhà người Pháp ở villa sang trọng đường Hồ Xuân Hương. Mỗi lần có tin đồn về biến cố nào đó, tiệm than gạo bán không kịp. Tủ lạnh chưa phổ thông. Sau đó, có hai chiếc phi cơ ném bom Dinh Độc Lập, than gạo lại lên giá.

Cố vấn Mỹ khá nhiều ở Sài Gòn, năm 1961 đã vô Tri Tôn cất đồn Châu Lăng, khuynh hướng học tiếng Anh phát triển mau, Hội Việt Mỹ rất đông học viên. Các cơ quan Mỹ tuyển mộ nhân viên, thấy người bạn học mặc đầm phấn son, đứng trong đám đông chờ trước cơ sở Mỹ, tôi thấy bất ổn, lo lo.

Chắc người già còn nhớ và than phiền Bộ Luật Gia Đình của bà Nhu, cấm ly dị. Dân Biểu Trần Tấn Phát Châu Đốc hay ghé nhà chơi, hơi túng, phải nuôi hai vợ, hỏi sao không nghe ông tuyên bố gì, ông thú nhận, “Trời ơi, nó bôi tên tôi rồi sao?”. Mỗi lần lễ lớn, Sài Gòn tràn ngập bộ đồng phục xanh dương của Thanh Niên Cộng Hòa của ông Nhu và Thanh Nữ Cộng Hòa của bà Nhu.

Bắt đầu kiểm tra trưng binh, ngoài thẻ căn cước, thanh niên phải có thêm giấy “Tình trạng hợp lệ quân dịch và thẻ cử tri đi bầu”. Xin giấy chứng chỉ nầy không phải dễ, chầu chực ở bến Chương Dương, sắp hàng dài, nộp hồ sơ, đủ thứ giấy tờ, giấy về trễ, đi đường dễ bị cảnh sát hốt vì giấy cũ hết hạn. Ngày nay, người ta không cảm được cái sợ sệt về giấy tờ. Trước 1/11/63, đảo chánh ông Diệm, nghe lịnh “Giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam”, nghe rợn người, đi đâu cũng như mật vụ theo dõi, bọn tôi ít liên lạc nhau, sợ sợ. Ngày nay chúng ta quên cảm giác đó trong xã hội thanh bình là điều phước.

Nhớ năm còn ở Tân Tây Lan, tối thứ Bảy hay có party ở đại học, bọn nó chơi tới sáng. Độ gần 11 giờ đêm, bọn tôi bồn chồn muốn về, dù biết không có giới nghiêm. Trong những năm Phi Luật Tân khủng hoảng vì Tổng Thống Marcos, ra đường giờ giới nghiêm chết như chơi. Nhóm ca sĩ Phi đến Chrischurch Tân Tây Lan tham dự trình diễn South Pacific Contest. Mấy anh ca sĩ Phi lần đầu xuất ngoại, đứng thập thò trước cửa hotel, nôn nóng thèm đi chơi cho biết Chrischurch về đêm. Họ chờ cảnh sát hỏi, “Mấy giờ chúng tôi phải về hotel?”, lập đi lập lại nhiều lần mà mấy anh cảnh sát Tân Tây Lan không hiểu ý câu hỏi. “Việc gì ông hỏi tôi?” Ông trưởng đoàn Phi phải mất thì giờ giảng nghĩa chữ “curfew”, cho ví dụ ở Phi, nếu đi quá giờ giới nghiêm thì bị bắn. Anh cảnh sát Tân Tây Lan cười xòa, chữ curfew nó chỉ là ngôn ngữ thời Trung Cổ, quả là anh ta quên từ ngữ nầy, “Cám ơn ông dạy tôi chữ curfew, ở Tân Tây Lan không có giới nghiêm, ông đi về giờ nào mặc ông”. Người Phi dạy Anh ngữ cho người Anh, kể thật lý thú.

Sau cuộc đảo chánh 11/63, không khí nhẹ thở hơn. Sinh viên hoạt động rầm rộ, hội thảo, biểu tình chống trung lập của De Gaule Pháp, rồi Nguyễn Khánh đảo chánh, than, gạo lên giá, lên thì khó xuống. Tổng Hội Sinh Viên được bầu lên, các lãnh tụ hầu hết gốc Bắc và Trung. Tôi cũng chạy theo đuôi cho vui, thường hoạt động ở các Cô Nhi Viện, tránh chánh trị.

Mỹ đổ quân vào, nhân viên cơ sở Mỹ nhiều quyền lợi hơn, quân nhân Mỹ đi đầy đường, xích lô đạp, xích lô máy, taxi làm ăn lên, không rước khách Việt Nam, báo chí lên tiếng nhưng không thay đổi gì được. Hệ thống xe bus đã dẹp, phương tiện di chuyển là xe gắn máy, các tiệm buôn xe giấu hàng để bán chợ đen. Xe Mobilette xanh đã có từ 1961. Vật giá bắt đầu leo thang dần dần, công chức hạng thấp bắt đầu thấy khó khăn.

Khoảng năm 1965, đợt Honda Dame 50cc đầu tiên nhập cảng cho quân nhân, xe rất đẹp so với xe Pháp. Tin đồn là hàng Nhựt không bền, sẽ bán kí lô như thời thế chiến, giá xe Honda xuống giá thê thảm vài tháng đầu, ai bán được thì bán, bán không được thì để xài tạm, xe vẫn chưa có vấn đề. Chừng năm sau, Honda đàn ông và Suzuki, Yamaha, thêm radio cassette ào ạt chiếm thị trường Việt Nam, thay thế hoàn toàn hàng hoá và lối suy nghĩ thời thuộc địa, nghĩa là hàng Pháp chưa hẳn tốt nhứt thế giới. Lúc thi vào Đệ Thất, rất ít học sinh chọn Pháp văn làm sinh ngữ một, cứ 4 lớp Anh văn mới có một lớp Pháp văn. Ngày nay, Pháp văn không còn trong chương trình tTrung Học, thời đã qua, thế hệ trường Tây thuộc địa đã già, ở các trường đại học, uy thế nằm trong tay mấy ông cố vấn Mỹ.

Sau năm 1963, văn học nghệ thuật còn trong vòng ảnh hưởng Bắc, tuy những bài hát nhớ đất Bắc không còn nghe hát thường xuyên trên đài Sài Gòn như trước, khuynh hướng nhạc chuyển sang tình yêu, rồi nhạc mới của lính. Sinh viên gốc Bắc bị Nam hóa dần, nói giọng Bắc lai Nam, số sinh viên Nam tăng dần, hiểu và thân nhau hơn. Cuốn “Hương Rừng Cà Mau” làm sinh khí văn chương miền Nam bừng dậy, tác phẩm nầy được đón nhận nồng nhiệt, Sơn Nam nổi tiếng từ đó. Trước đó có nhà văn Bình Nguyên Lộc, nhưng còn chìm ít ai biết. Các nhà văn gốc Bắc thường viết quanh đề tài Sài Gòn.

“Honda ôm” xuất hiện năm nào? Chắc phải sau khi nhập cảng đợt xe Nhựt, khoảng năm 1967. Dân công chức lương thấp nghĩ cách kiếm sống, dùng xe mình đưa khách kiếm thêm. Hình như giới xe ôm cũng có luật riêng giúp đỡ lẫn nhau khi có trường hợp bị khách giựt xe. Khi đưa khách trả tiền đến vùng đáng sợ, anh xe ôm đưa tay ra một hai dấu hiệu gì đó cho đồng nghiệp, một hay hai người sẽ chạy theo kín đáo bảo vệ nhau, tiền chia chát sau đó. Lần đầu tiên, nhóm xe taxi, xích lô máy, xích lô đạp xô xát với nhóm xe ôm vì quyền lợi. Lúc đó tương đối còn sống được, sau nầy đời sống chật vật, cả đến quân nhân, cảnh sát ngạch thấp công an chìm cũng chạy xe ôm. Rõ ràng là chỉ có xe Nhựt, yên liền rộng, thấp, vừa tầm người Á Châu, chỗ gác chân thoải mái mới sử dụng được trong việc kiếm ăn nầy. Xe Nhựt lại hết sức bền bỉ, ít hao xăng chạy suốt từ Sài Gòn ra Vũng Tàu không nằm đường. Xe Pháp như Mobilette, Sach, Puch chạy không nổi, yên xe nhỏ, chông chênh. Năm 1970, chiếc Honda cũ chừng $70,000. Tôi mua chiếc xe Puch $25,000, thay đồ lô, gãy căm, nổ vỏ, đứt thắng, đứt dây số đều đều. Chủ là ông Đặng Đình Đáng đầu cơ sai, giấu cả kho xe chờ lên giá bán cắt cổ. Trước đó chiếc xe Puch ba đèn trên $50,000, chưa dễ mua được. Ông sập tiệm, để họa cho ai mua xe ông. Tôi chỉ chạy đi học, chạy thêm năm đi làm, chiếc xe lết như rùa, sửa rồi cũng vậy. Ở Thái Lan cũng có xe hai bánh chở khách, không biết nước nào có trước.

Khi quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam, bar mọc lên theo nhu cầu chung quanh khu Mỹ đóng. Dân liên hệ đến Mỹ kiếm tiền dễ dàng nên họ xài rộng rãi, hàng hoá Mỹ mua đi bán lại, đổi đô la, rác Mỹ cũng phải thầu.. Lương công chức Việt Nam không theo kịp thời giá, lóp ngóp. Họ nuôi gà trong nhà lấy trứng bán, tạm ổn ngắn hạn.

Khoảng năm 1969, có phong trào nuôi chim cúc rầm rộ khắp Sài Gòn. Cơn sốt chim cúc lạ lùng, giá lên hàng ngày, tin đồn lan ra. Trước đó, trong báo Hương Quê, báo Nông Nghiệp viết về cái lợi nuôi cúc, chất dinh dưỡng của trứng cúc… Chủ cái ở đâu không biết, tung chim cúc ra bán, rồi cho người đi mua với giá cao hơn, lại cho người khác mang ra bán với giá cao hơn nữa, cứ thế tiếp tục. Khi giá hết lên, cặp cúc dám lên $16,000 (hơn 2 tháng lương giáo sư Đệ Nhị cấp), họ bán ra hết và không mua lại. Người nuôi cúc chờ kẻ mua ngày nầy qua ngày nọ, bầy cúc vô dụng, sạt nghiệp, có người biết ngưng đúng lúc thì có lời. Lúc đó, công chức bị mắc lừa nhiều nhứt. Tôi tự hỏi, gia đình công chức muốn ăn con gà $700 còn ngại ngùng, mâm cơm công chức đông con, cơm và rau muống làm chuẩn, chim cúc dù bổ như sâm cũng không mắc tới vậy. Mấy ông Kinh tế gia, Tiến Sĩ báo chí đâu đâu không đặt vấn đề, lên tiếng giải thích đúng lúc cho bà con nghèo nhờ. Mấy ông có chia chác vụ nầy không?

Khi Việt Nam hoá chiến tranh, quân đội và nhân viên Mỹ rút đi, giới bán bar quen xài hào phóng bị thất nghiệp ngang, việc làm không dễ tìm, họ xoay sang nghề bia ôm, họ uống và dụ cho khách uống càng nhiều càng tốt, ăn tiền huê hồng chủ, nghề không cần vốn, chủ cũng khỏi trả tiền mướn các cô, độc lập. Tôi chưa được thưởng thức thú bia ôm, không phải tôi tốt, vì chưa tới giờ. Thời đi học, lo quân dịch, đi làm, lo kiếm tiền và học bổng. Thường đêm, sau giờ dạy kèm hay học thêm, tôi chỉ ghé khu Ngã Bảy Phan Thanh Giản ăn tối. Đêm nào cũng như đêm nào, tô phở xe đẩy, khúc bánh mì fromage và ly sinh tố. Cô bán sinh tố, da trắng, đoan trang, chưa bao giờ thấy cô đùa cợt. Nét mặt vui nhưng không lơi lả, đóa hoa huệ cao sang sao xuất hiện nơi tầm thường vất vả nầy?.

Hai người đã quen mặt nhau, xa thấy nhớ. Đêm mưa tầm tã, cô đậy xe sinh tố, ngồi trên ghế, dựa hiên Trường Phan Sào Nam, hai đứa nhìn mưa. Hai tâm sự khác nhau. Tôi vừa ở Goethe Institut ra, lão Dr Hol lười như quỷ. Lão dạy chưa giảng hết bài thơ Heidenroeslein (Hoa Hồng Trong Đầm Lầy), thì có điện thoại, lão biến mất luôn cả buổi học. Tôi nao lòng nhớ mấy câu thơ,

Sah ein knabe ein Roeslein steln, Roeslein aưf der Heiden. War so jung und morgenschoen,..

Anh là thằng bé thấy hoa hồng nhỏ trong đầm lầy, tươi đẹp như buổi sáng, Em là đoá hoa hồng nhỏ. Tình yêu là đoá hoa hồng nhỏ có gai trên đầm lầy, thằng bé say tình bị gai hồng đâm. Mưa vẫn ray rứt, không ai rời nhau được, mong cho mưa suốt đêm. Sáng đó tôi nhận giấy nhập ngũ. Chợt em nhìn tôi ngập ngừng, “Hôm nay chạy khá không anh?”, tôi giống anh Honda ôm, vậy là quý hơn. Cả năm sau, mặc quân phục về thăm, mắt em sáng lên, bất giác đỏ mặt, “Anh bỏ… đi lâu quá vậy?”. Quên xay cho anh ly sinh tố, có nhớ anh thích mùi gì không, Tuyết?”.

Cùng lúc, chiến tranh khốc liệt sau Mậu Thân, nhạc Trịnh Công Sơn đáp đúng nhu cầu chán chiến tranh, quán cà phê mọc lên. Chỉ cần dàn âm thanh, căn phòng trong hẻm cũng không sao. Thanh niên vào ngồi quán nghe nhạc uống cà phê quên đời, cho đời quên họ.

Brisbane, ngày 15/1/2007
Lưu Nhơn Nghĩa

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com