
Bạn Trâm chuẩn bị nồi để nấu cơm. Đoan nói:
“Khoan đã, Trâm, chờ mình một lát.”
Rồi Đoan mở túi xách, lấy ra một gói nhỏ. Trâm nhìn, tỏ ý chưa hiểu. Đoan nói:
“Mình có mang lon gạo.”
Đôi mắt Trâm mở to, rồi nhìn xuống, nhưng Trâm không phản đối. Trâm đổ “lon gạo” của Đoan vào nồi, rồi giở nắp thùng gạo lấy thêm hai lon nữa, đem vo.
Thấy Trâm buồn buồn, Đoan an ủi bạn:
“Trâm nè, ai cũng vậy, không phải chỉ tụi mình. Thời buổi này, gạo ăn theo “tiêu chuẩn”, không phải như trước. Tụi mình phải chấp nhận và… đừng nghĩ gì hết. Mình đi học, được bán gạo cũng khá, Trâm đừng lo. Má mình dặn đến thăm ai, ở lại ăn cơm, cũng nhớ mang phần gạo của mình.”
Trâm gật đầu nhè nhẹ. Đoan nghĩ thật nhanh đến một cảnh diễn ra mỗi đầu tháng trong sân trường. Nơi đó, các sinh viên xúm xít cân gạo và các loại “nhu yếu phẩm”, mang phần của mình về nhà. Rồi thì trong khu phố, cảnh những người dân xếp hàng “mua gạo theo sổ” cũng diễn ra mỗi ngày. Nói “gạo” là nói chung thôi, thật ra trong đó phần “độn” chiếm đa số. Phần “độn” có thể là bo bo, có thể là bột mì, cũng có thể là khoai lang hay khoai mì xắt lát phơi khô. Nồi cơm nấu từ gạo và một thứ khác được gọi là nồi “cơm độn.” Mỗi ngày hai bữa cơm độn. Bo bo thì quá cứng vì vỏ ngoài chưa tróc, nấu trước cho mềm rồi cho gạo vào nấu tiếp, trở thành một “bản song ca” chói tai. Khoai lang hay khoai mì xắt lát phơi khô thường bị sượng, ghế vào cơm rất khó ăn. Chỉ có bột mì tương đối dễ ăn hơn, vì người nấu có thể chế biến thành bánh mì, nui hay mì sợi. Và từ lúc nào, hai chữ “tiêu chuẩn” đã trở thành quen thuộc, thường nghe trong lời nói chuyện của mọi người. Gạo tiêu chuẩn, thịt cá tiêu chuẩn, đường tiêu chuẩn, bột ngọt tiêu chuẩn… nghe mãi thì quen.
Hai đứa nấu cơm, luộc rau xong, nhưng để đó. Ăn phải có giờ! Chờ mạ và em của Trâm về sẽ cùng ăn. Đôi bạn bắt đầu mang chồng nón lá ra, làm phần việc của mình: viền nón lá bằng chỉ màu. Không biết ai đó đã có sáng kiến viền nón thế này, trước đây Đoan chưa hề thấy. Có lẽ là để cho “màu mè” bắt mắt? Đoan và Trâm dùng kim lớn và chỉ len màu xanh hoặc đỏ vắt xung quanh vành nón, ra hình rẻ quạt ba chân, như dấu chân chim. Xem vậy chứ không hề dễ, phải làm sao cho đều và cho nhanh thì mới kịp giao. Tiền công thì rất eo xèo, mỗi cái nón viền xong chỉ được vài hào. Không chỉ việc này, mà Đoan cùng với nhà Trâm làm rất nhiều thứ việc lặt vặt khác để kiếm tiền, nào dán bao giấy, nào vẽ chụp đèn, nào kết nút áo, nào vấn thuốc lá… Chưa hết, hai đứa còn rủ nhau đi Lái Thiêu, Bình Dương mua đường tán ở ngay lò đường về bán lẻ. Thời thế tạo việc làm! Ai cũng muốn kiếm thêm chút tiền để mua gạo, mua thức ăn. Tất cả mọi thứ đảo lộn sau cuộc đổi tiền. Cách sống rộng rãi của người miền Nam dần dần mất đi. Cùng lúc với chuyện đổ ra làm những việc thủ công lặt vặt, là chuyện bán đồ đạc trong nhà để có tiền ăn. Cái gì cũng bán, từ cái tủ gỗ chạm xà cừ hay cái mâm đồng quý cho đến quần áo cũ, giấy vụn…
Viền xong chồng nón lá, hai đứa lên lầu. Từ ngày Trâm thi rớt Tú Tài và nghỉ học, đôi bạn chỉ còn gặp nhau vào cuối tuần. Những lần như thế hai đứa lại mang đàn ra đàn hát với nhau. Có khi ba của Trâm nói vui:
“Hai đứa ni, no cũng đàn, đói cũng đàn.”
Và ông cũng là người giúp đỡ hai đứa nhiều nhất. Ông gắn điện vào cây đàn guitar thùng của Trâm, ông lo dàn âm thanh cho lũ trẻ chơi đàn mỗi khi họp bạn, ông lăng xăng chụp ảnh cho lũ trẻ, loại máy ảnh to cồng kềnh, mỗi lần chụp xong một tấm hình lại phải quăng đi một cái bóng đèn.
Thế mà…
Hai đứa cùng thở dài khi nhìn thấy cây đàn và những tấm hình vui vẻ ông chụp cho lũ nhóc và phóng to treo trên tường. Trâm thốt lên:
“Nhớ Ba quá!”
Đoan cũng nói:
“Nhớ Ba quá!”
Rồi hai đứa nhìn nhau, ứa nước mắt.
Đoan biết ba của Trâm qua hình ảnh một ông già nhân hậu, tuổi ngoài bảy mươi. Ông là Thiếu Tá Bộ Binh đã giải ngũ rất lâu rồi, nhưng vẫn phải vác hành trang đi vào trại tập trung có tên “trại cải tạo”. Dù bề ngoài ông có vẻ khỏe mạnh, nhưng với tuổi tác của ông, người nhà không thể nào yên tâm cho được. Mạ của Trâm khóc hết nước mắt rồi cũng phải cam chịu làm người chinh phụ thêm một lần nữa. Thời gian đầu không có tin tức gì. Cho đến mấy tháng sau, nhà nhận được thư ông, nói rằng ông đang ở trại tù Suối Máu. Suối Máu, thế thôi! Không thư từ gì thêm. Không cho thăm viếng. Không biết ngày về.
Đoan đàn cho Trâm hát. Bài hát không còn vui vẻ. Giọng hát của Trâm như nghẹn lại. Tiếng đàn của Đoan nghe ray rứt. Ngày mai đến trường lại họp tổ, lại học chính trị, lại phê bình, kiểm điểm… Đoan chỉ còn đứa bạn này là không xa cách với mình. Thôi thì viền nón, dán bao, vẽ chụp đèn, vấn thuốc lá với bạn. Thỉnh thoảng lại rủ nhau đạp xe đi Lái Thiêu, đi Bình Dương mua đường về bán, thưởng thức tại chỗ những mẩu đường “rẻo” nóng hổi ngon như kẹo “sô-cô-la”, quà tặng của người chủ lò đường tốt bụng.
Trâm chợt ngừng hát, hỏi:
“Đoan ơi, không biết… Ba ở trong đó có được đàn không nhỉ?”
“Ồ, không biết đâu Trâm ơi! Mà dù họ có cho Ba đàn, Ba làm sao có cây đàn?”
“ Chắc Ba sẽ tự làm cây đàn. Ba giỏi lắm mà, cái gì Ba cũng làm được.”
“Ừ, Ba vẫn thường chế các dụng cụ cho tụi mình đó!”
“Không biết… Ba có phải làm việc nặng nhọc không nhỉ?”
“Có thể. Nhưng Ba đã già quá mà, chắc họ phải đối xử khá một chút.”
“Làm sao biết được. Ba ở tù mà!”
Hai đứa im bặt, chợt thấy mình ngô nghê như con nít. Đúng là không biết gì hết.
* * *
Suối Máu! Cái tên mới nghe thì sợ, nhắc mãi cũng quen. Đoan băn khoăn tự hỏi không biết cậu của mình có đang ở trại Suối Máu hay không. Và anh Đan nữa. Họ đều đã đi “trình diện” và chưa thấy nhắn về, chưa biết ở đâu.
Mỗi ngày, ở nhà dì, mâm cơm càng lúc càng buồn. “Buồn”, thật ra là khổ. Thịt cá hầu như còn rất ít, rau chiếm phần nhiều. Còn cơm gạo càng thảm hơn. Nồi cơm nấu xong nhìn thấy màu xám xịt. Cơm độn, màu khoai chiếm nhiều hơn màu gạo. Có khi đang nhai, trúng phải lát khoai sùng, nghẹn ngào không muốn nuốt. Gạo thì chẳng khá gì, chỉ là gạo mục, gạo mốc, có lẫn sạn và sâu. Có hôm dì reo lên vì đã “phát minh” ra cách mới để nấu bo bo cho mềm. Dì khoe đã tìm thấy chỗ có máy xay gạo, họ nhận xay bo bo cho vỡ nhỏ ra, vỏ hạt cũng tróc đi, nấu sẽ mềm và ăn không “chợt ruột.” Thật thế, sau một thời gian biết ăn bo bo, nhiều người đã bị chứng đi tiêu ra máu.
Thế nhưng cái khổ vì ăn vẫn không đáng kể. Cái khổ tâm của gia đình mới là quan trọng. Ánh mắt, vâng, ánh mắt của những đứa con của cậu, thật khó tả. Cậu vào “trại cải tạo”, một thời gian sau mợ gửi đám trẻ cho dì, mợ đi buôn cùng bạn bè để kiếm tiền nuôi con. Nói là “đi buôn” cho sang, mợ chỉ là buôn bán nhỏ, tìm những mối hàng như trà, cà phê, gạo, đi từ tỉnh này qua tỉnh nọ để bán. Những người “đi buôn” như mợ mang những cái túi như túi quần áo, đi trên những chuyến xe đò nhếch nhác, đa số là những chuyến xe đêm, trốn tránh bọn thuế vụ. Có khi cũng bị bắt vào trạm, bị tra hỏi, bị thu hàng, bị phạt tiền, mất trắng.
Những đứa trẻ thiếu tình cha mẹ, dù sống an lành với bà con, vẫn như khắc khoải, như mong chờ một cái gì. Gia đình cậu mợ không thể trở về Đà Nẵng như những gia đình khác, như vợ con anh Đan chẳng hạn. Lũ trẻ không có chỗ để tiếp tục đi học. Không muốn ngồi chơi, hai đứa lớn, tuổi mười bốn mười lăm, ngày ngày vác túi trên vai đến nhà người bà con để vấn thuốc lá bán lẻ. Mấy đứa nhỏ ở nhà. Chờ, và chờ. Buổi tối, hai cháu lớn về nhà, người nhễ nhại mồ hôi, ánh mắt mệt mỏi. Những ánh mắt khi vào bàn ăn cơm mới thật là khó tả. Cơm độn. Cơm rau. Không có gì hấp dẫn. Cả nhà dì không biết phải làm sao. Mọi người ăn cơm nhưng tránh nhìn ánh mắt của nhau. Tội nghiệp.
Thương cậu và anh Đan đi mà chưa có tin về. Họ có ở đó, Suối Máu, hay không? Suối Máu, nghe đã quen dù chưa đến. Nhưng có một điều khá chắc chắn, là ba của Trâm đang ở đó.
Ý nghĩ đến thật đột ngột nhưng đủ mạnh mẽ để Đoan chia sẻ với Trâm. Và, đôi bạn đã quyết định làm một chuyến đi.
* * *
Hai đứa không dám nói cho nhà biết, hẹn nhau ra ga xe lửa, đi từ Sài Gòn ra Biên Hòa. Mỗi đứa đi một chiếc xe đạp, chọn đi toa chở hàng để có thể bỏ xe đạp lên, nhưng người thì phải đứng vì không có ghế. Toa xe chật ních các bạn hàng, họ cũng đứng, bên cạnh là những túi, những bao, hoặc cả gióng gánh.
Vậy mà hai đứa cũng đã đứng được mấy tiếng đồng hồ trên toa chở hàng. Xe lửa chạy ì ạch, giục giặc như người say rượu. Lâu nay không ra khỏi thành phố, hai đứa ngắm cảnh bên đường như người lạ mới đến. Con đường này, Đoan giật mình khi nhớ đến những ngày ly loạn, chập chùng người và xe đổ về Sài Gòn từ các nẻo. Cũng con đường này, Thắng trở về trên xe tải thương của đơn vị. Trong tâm, vang vọng tiếng gọi như gió thoảng “Thắng ơi! Thắng ơi!” Đoan bàng hoàng. Thắng cũng như gió, đã biến mất.
Đến ga Biên Hòa, Đoan và Trâm xuống cùng với hai chiếc xe đạp. Hai đứa nhìn theo đoàn xe lửa tiếp tục chạy. Nó sẽ chạy ra đến Bắc.
Hỏi đường, và leo lên xe đạp, hai đứa đi vào một con đường gập ghềnh, trước đây có lẽ đã là đường nhựa nhưng giờ thì loang lổ những ổ gà. Ngừng lại trước một hàng rào với cửa ra vào hẹp chút xíu chỉ vừa đủ cho một người lọt qua, hai đứa bỗng hồi hộp và hơi sợ, khi thấy cái chòi canh trong đó có khẩu súng máy chĩa vào trong trại. Một người lính bộ đội mặt lạnh ngắt hỏi:
“Đi đâu?”
Đoan nói thay bạn:
“Dạ chúng tôi muốn hỏi thăm tin tức người nhà…”
“Người nhà là sao?”
“Dạ người nhà… học tập ở trong trại này.”
Người lính lắc đầu, vẫn giọng lạnh lùng:
“Không có cho thăm hỏi gì cả.”
Trâm nói nhanh:
“Dạ không, chúng tôi chỉ muốn biết ba của chúng tôi có được khỏe mạnh không, xin ông giúp giùm. Ba chúng tôi tên là…”
Giữa câu nói của Trâm, hai đứa kịp nhìn kỹ gương mặt người lính bộ đội này trẻ măng. Nhưng thôi kệ, cứ gọi là ông, không mất gì.
Đoan tiếp lời:
“Thưa ông, từ ngày ba chúng tôi đi… học tập, chúng tôi chưa được gặp. Ông đã già lắm rồi, không biết ra sao…”
Trâm cất giọng nài nỉ:
“Ông giúp giùm, cho chúng tôi hỏi thăm, ba chúng tôi tên là…”
“Không biết.”
Gương mặt kia vẫn lạnh lùng, như thể người này đã được dạy phải làm như thế, và chỉ được phép nói những câu ngắn ngủn. Hai đứa thất vọng. Bỗng chốc Đoan nhớ lại những câu chuyện cậu thường kể cho Đoan nghe, khi xưa cậu đã đối xử nhân đạo với những tù binh như thế nào. Ba của Trâm cũng vậy. Và Lưu, người bạn y tá quân đội của Đoan, người đã gửi một cái chân trong đất, khi đối diện với thương binh phía bên kia, cũng đã không ngại ngần băng bó, chữa bệnh cho họ.
Bây giờ đã khác. Họ là kẻ thắng.
Hai đứa không hẹn nhưng cùng đưa mắt nhìn vào trại. Khu đất khô khan hầu như không có cây cỏ mọc. Nhiều ngày không có mưa đã khiến mặt đất khô nứt. Xa tít bên trong là những dãy nhà mái tôn san sát nhau. Hai đứa cố nhướng mắt lên để nhìn. Không một bóng người. Chắc họ đã đi lao động ở một nơi nào…
Bỗng nhiên Trâm rơm rớm nước mắt, lại nài nỉ:
“Ông ơi!…”
Người lính xẵng giọng:
“Về đi!”
Rồi như để thị oai, hắn chạm tay vào khẩu súng máy. Hai đứa giật mình, nhìn nhau. Trâm lắc đầu, dắt xe đạp đi trước, Đoan làm theo. Hai đứa lên xe, đi ngược trở lại con đường đầy ổ gà. Buổi xế trưa, nắng gay gắt như vỡ vụn theo từng vòng xe.
* * *
Trước khi về đến nhà của Trâm, hai đứa đi ngang một nơi đông người đứng chen chúc. Thì ra là cửa hàng bán “cá tiêu chuẩn.” Trâm chép miệng, nói:
“Họ mua cá xô, Đoan ạ.”
“Ừ, cá xô.”
Như cũng đã quá hiểu, nghe quen rồi, chẳng phải thắc mắc nữa. “Cá xô” là cá đủ loại, cá tạp, người dân mua về muốn nấu món gì tùy ý, nhưng phải chuẩn bị tinh thần là có rất nhiều xương. Gặp lúc may mắn mua được cá nạc thì đỡ khổ, còn thường thì gặp cá lăn tăn, cá vụn, cá nát, cá ươn. Có người nói vui là “cá Liên-xô”. Có người chua chát nói “cá xô” vì người mua tuy xếp hàng nhưng phải xô đẩy nhau mới mua được. Mà không dễ gì được mua cá xô. Phải có sổ.
Thấy Trâm chạy chậm hẳn lại, mắt dáo dác, Đoan hỏi:
“Sao đó Trâm?”
“Ơ… Trâm coi có mạ hay em Trâm ở đây không.”
“À, mình xem thử có bác hay em không.”
Hai đứa cùng tìm. Không thấy. Trâm lẩm bẩm:
“Lạ vậy? Sao nhà không ra mua cá?”
Nghe câu nói này cảm thấy tủi thân quá, hai đứa im lặng. Tủi thân vì muốn có cái ăn thì phải xếp hàng, có khi dang nắng, đội mưa? Tủi thân vì mình tạm có cái ăn trong khi Ba ở trong trại không biết no đói ra sao? Không giải thích được. Cảm xúc hỗn độn trong đầu. Đoan thấy như mình bị say nắng. Mà thật, cả một buổi trưa đạp xe nơi vùng khô cháy đó, da của hai đứa đã sạm đen, đầu óc chơi vơi, chỉ muốn được ngả lưng đâu đó ngủ một giấc.
Đã về tới nhà. Trời đã tối nhưng không thấy đèn. Trâm và Đoan chạy vội vào, dựng xe đạp trong sân. Có người ở trong nhà. Tiếng khóc thổn thức vọng ra. Mạ và em Trâm trong đó. Trâm kêu lên:
“Mạ! Có chuyện gì?”
Đoan nhanh tay bật đèn lên. Ánh sáng chói lòa. Mạ và em Trâm ngồi ở phòng khách, vẻ mặt trông thật lạ. Mọi người nhìn nhau, câm nín trong một khoảnh khắc tưởng như vô tận.
Mãi đến một lúc, mạ của Trâm bật được tiếng nói:
“Họ tới nhà, báo… ba con đã mất trong trại vì bệnh kiết lỵ. Họ nói mình không cần làm gì hết. Họ đã chôn ba con trong trại… Con ơi! Mình ơi! Tôi chết mất!”
Trâm kêu lên:
“Không! Mạ ơi! Ba ơi!”
Đoan ôm vai bạn. Nhưng Trâm đứng cứng ngắc như một bức tượng đồng. Cảm giác của Đoan cũng mất hết. Trong một tích tắc, Đoan như thấy mình đang đứng trước cổng trại Suối Máu. Nắng chiếu chói lòa, nhức nhối. Một đoàn người lam lũ đi dưới nắng. Có cậu của Đoan trong đó không? Có anh Đan trong đó không? Một ông già ngã quỵ. Người ta đưa ông vào một trong những dãy nhà lợp tôn. Căn bệnh quái ác hành hạ ông, hành hạ nhiều người khác. Bệnh dịch.
Ông già yêu văn nghệ, người lính già giải ngũ đã lâu, ở trong đó có được đàn không nhỉ? Mà dù được, thì đàn đâu ông đàn? Chắc ông sẽ tự làm một cây đàn. Ông giỏi lắm mà, cái gì ông cũng làm được…
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh 2017
Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 74 – tháng 4/2017