User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nocaitoc
 
Điện thoại di động reo vang. Tiếng reo của hệ thống Viber. Chỉ có hai người phụ nữ ở Việt Nam thường gọi thông qua hệ thống này. Phượng, người yêu! Hà Thanh, em gái! Giờ này đã quá nửa khuya ở Sài Gòn. Nếu là em gái gọi thì chắc có chuyện không may. Mẹ của Thông đã gần trăm tuổi nên chàng luôn lo âu cho sức khỏe của Bà.

- Hi! Ai gọi tui vậy ta?

- Ta ơi! Tui là Phượng đây. Sao hôm nay người yêu không gọi nhỏ nhớ này vậy?

- Ủa! Giờ này sao em cưng còn thức?

- Thì chong đèn điện màu, nằm trên giường, thức đợi dế gáy nè!

- Hôm nay cài điện thoại tiếng dế hả?

- Dạ! Dế tỉ tê vạn cổ sầu. Anh khỏe không?

- Khỏe! Xin lỗi cưng! Anh đang chở hai anh bạn cùng khóa bay lên phi trường George Bush đón thằng bạn từ Cali qua nè. Cuối tuần này có họp khóa bay khu trục của tụi anh.

- Dạ! Em nhớ ra rồi! Nhớ anh quá hà! Hứa gọi em mỗi tối mà có bạn nên quên phải không?

- Nhớ em muốn chết luôn mà đi với bạn nên phải nén lòng. Em có nghe tim anh đang thổn thức không?

- Dạ có. Nhưng là khóc hòa tấu với tim em. Anh nhắc bạn cùng khóa làm em nhớ anh hai của em quá anh ơi!

- Ừ! Tụi anh cũng vừa nhắc đến Thiện nè. Nó nói tếu số một, mắt nhìn như con gái lúc nào cũng buồn ngủ mà là thủ khoa của khóa tụi anh đó. Tụi anh tới phi trường rồi. Sáng mai anh gọi cưng nha. Hôn em bằng nụ gió. Em có mát hai gò má không?

- Nhức nhối! Nhức nhối tim gan. Dịch Covid mắc dịch! Đáng lý ra em đang ở bên anh. Tiến thoái lưỡng nan anh ơi! Ước gì ta có nhau tình ơi!

Thông tìm chỗ đậu xe nơi lầu gửi xe của phi trường rồi cùng bạn đi bộ qua Terminal đón Hải. Tâm trí Thông miên man ngao du một thuở Sài gòn, một thời phi công Tân Sơn Nhất. Dù chiến tranh tàn khốc, đời lính sống nay chết mai mà sao vui vẻ. Tình bạn cao quý, sẵn sàng hy sinh bay thế phi vụ cho nhau. Yêu đương cũng nhiệt tình, dâng cả trái tim và cuộc đời cho nhau. Nhiều phi vụ hiểm nguy nhưng phi hành đoàn lúc nào cũng tươi cười. Gặm bánh mì sáng, cơm tay cầm trưa… bay vào lửa đạn trong tình cảnh thật “huynh đệ chi binh”. Bạn bè thân thiết hơn anh em ruột thịt. Tình yêu trai gái lãng mạn, mặn nồng… Cuộc đời dù khó khăn, gian nan, nghèo khổ, nghịch cảnh đến đâu cũng mang nét đẹp riêng của nó, miễn là có tình người! Mùa hè năm nay Houston đang nóng sốt. Nhiệt độ cao, dịch bệnh Covid 19 lan nhanh sau những ngày biểu tình rầm rộ, vì một anh da đen từng vào tù ra khám bị một Cảnh Sát da trắng chèn cổ đến tắt thở. Thông miên man nghĩ đến “Đại lộ kinh hoàng” từ Quảng Trị về Huế. Hằng ngàn thường dân vô tội, chạy khỏi vùng giao tranh đã bị Trung Đoàn pháo Cộng sản bắn tan thây, nát thịt. Thế giới làm ngơ, chẳng ai biểu tình phản kháng. Dù hình ảnh em bé bú vú Mẹ, người Mẹ đã chết, toàn thân bê bết máu được trưng bày như tội ác chiến tranh.

Mang thân phận người lính thất trận, lưu vong. Thông thường xuyên buồn trống vắng. Vợ chồng Thông đã ly dị. Họ vẫn là hai người bạn không chung tầm nhìn về cuộc đời. Con đã lớn, có gia đình riêng. Họ thường gặp nhau ở nhà con và cùng cưng cháu như thương con hồi nhỏ. Cuộc sống mỗi người đều ổn định về tài chánh lẫn sức khỏe.

Nhiều đêm Thông đọc báo lính, hay Đặc San Không Quân Bắc Cali, lòng chạnh nhớ bạn bè. Điểm danh bằng hữu, tìm về quá khứ. Thuở học trò dễ thương, thời phi công oanh liệt. Và khi không gian quấn quyện vào thời gian là lúc tình yêu có trăm lần mơ có vạn lần sầu…

Thiện, Thông là bạn cùng khóa Không Quân, chung khóa “sinh ngữ Quân đội” và cùng khóa huấn luyện hoa tiêu bên Mỹ. Quê Thông ở miền sông nước Vĩnh Long. Nhà Thiện ở đường Phan Đình Phùng. Mẹ Thiện có sạp bán vải trong chợ Vườn Chuối. Ba Thiện là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Thủy Quân Lục Chiến. Ông xuất thân khóa 17 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Không mấy khi Thông được gặp ông. Tính ông vui vẻ, nói năng hoạt bát. Tuy là cấp chỉ huy trong quân đội nhưng ông rất từ tốn, ôn hòa và tôn trọng ý kiến vợ con. Cho đến bây giờ Thông cũng chưa hiểu rõ vì sao mình rất thân với Thiện. Phải chăng hai đứa cùng có máu văn nghệ, Thông mê văn thơ và thỉnh thoảng có bài được đăng báo. Thiện mê đàn, cây Guitar là bửu bối ru mơ nhiều cô gái chung trường. Có thể vì Hồng, em gái Thiện, Hồng hốt hồn Thông từ lần đầu gặp gỡ. Nàng thật duyên dáng với ánh mắt hiền từ và nụ cười hoa búp có đôi đồng tiền lúm hai bên má như hai đầu nỗi nhớ. Nàng không mang nét đẹp sắc nước hương trời. Chỉ vừa đủ xinh xắn cho tâm hồn thơ thẩn của Thông chấp cánh bay cao. Giấc mơ của Thông có nàng Tiên dáng mảnh vai gầy, đôi tà áo trắng học trò, rảo bước chân êm lên màu lụa nắng. Lá me cảm cảnh, lìa cành bay theo như cánh bướm. Hoặc vì Phượng, em gái út của Thiện. Khác với chị Hồng, Phượng nhanh nhẹn, ánh mắt long lanh, da trắng như lai Âu Mỹ, trên môi luôn mỉm nụ cười. Một đặc điểm rất hiếm có của cô bé mười, mười một tuổi là Phượng luôn luôn cài nơ trên tóc. Với nét mặt vui tươi, dáng làm duyên qua từng bước nhẹ trên đường đến trường, trông Phượng thật dễ thương và hồn nhiên. “Áo trắng đơn sơ, tóc dài bỏ lỡ, nơ cài rực rỡ, hoa nở đường thơ”.

Thông từng tìm mua các loại nơ khác kiểu, khác màu về tặng bé Phượng. Nào chợ Bến Thành, chợ An Đông, chợ Bà Chiểu, chợ Kim Biên…. Có lần Thông chở Phượng đến khu Lăng Cha Cả, gần cổng Phi Long, Tân Sơn Nhất. Nơi có nhiều tiệm may, sửa quần áo nhà binh để nhờ may các loại nơ tìm được trong tạp chí Tuổi Ngọc, do Họa Sĩ Vivi, hoặc các Soeur vẽ kiểu và hướng dẫn thực hiện. Không thể nhớ hết những kỷ niệm của Hồng và Thông trong suốt 5 năm. Những năm Hồng học Đệ Nhị, Đệ Nhất và 3 năm đầu Văn Khoa. Thông vốn giỏi thơ văn nên có thể giúp Hồng trong nhiều vấn đề văn chương, nhiều đề tài văn học để hai đứa có thì giờ du dạo lành mạnh bên nhau. Tình yêu chân thật nhằm hướng tới hôn nhân khi Hồng tốt nghiệp và đi dạy học. Thông luôn ân cần, bảo vệ người yêu và giữ cho nàng sự trắng trong trinh tiết.

Nhưng đâu ai ngờ……

Nước mắt đạn bom nổ tung mơ ước. Hạnh phúc cuộc đời xầy xước tang thương. Nước non dân tộc thù hận chiến trường. Đời còn lại nhiễu nhương sầu trăm mối.

19 tháng 6, 1973 Thiện từ Đà Nẵng về Sài Gòn diễn binh ngày Quân Lực, là chiến sĩ xuất sắc, anh hùng diệt Tank. Thông bay phi diễn trên bầu trời đường Trần Hưng Đạo, cùng phi hành đoàn C130 thuộc Không Đoàn 53 Chiến Thuật. Mùa Hè 74, chiếc A-37 flying Dragon của Thiện bị bắn rơi trên vùng trời lửa đạn Quảng Trị. Tàu và xác Thiện nằm lại đâu đó trên lưng Trường Sơn, không tìm được. Từ đó chân dung Thiện trên bàn thờ chừng như đã lấy đi hết niềm vui trong gia đình. Mẹ Thiện mỗi lúc càng mệt mỏi, tiều tụy. Ba Thiện càng ít về vì chiến trường sôi động khắp nơi. Đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa ký xong hiệp định Ba Lê, hoàn toàn bội ước. Không thay thế vũ khí theo nguyên tắc một đổi một như đã ký kết. Cộng Sản Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris, đưa hết binh lính sinh Bắc tử Nam cùng toàn bộ vũ khí Nga Tàu tổng tấn công như câu nói ”ô nhục” của Lê Duẩn “Ta đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc và Nga“. Không còn Mỹ vẫn thí quân, đánh biển người với lính VNCH, thí quân diệt chủng!

30 tháng 4, 1975 Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử. Mặt trận Giải phóng miền Nam, theo luận điệu “đểu” của CSBV là do dân miền Nam tự đứng lên lật đổ chính phủ VNCH cũng bị bức tử theo. CSBV đánh thuê cho Nga, Tàu đem tư tưởng “phi nhân bản” tròng vào cổ toàn dân Viêt Nam. Hồng không thể để Mẹ lại, theo Thông bỏ nước ra đi trong khi Ba chưa về. Rồi Ba Hồng bị đày ra Bắc và chết tại trại Hoàng Liên Sơn. Sạp vải của Mẹ Hồng bị lập biên bản, tạm giao cho phường quản lý và biến mất đi đâu không ai biết. Nhà của Hồng phải ký hiến cho Cách Mạng để Ba Hồng sớm được khoan hồng về với gia đình. Chủ nghĩa “đểu”. Nhà Nước “đểu”, chính sách “đểu”, cán bộ “đểu” nên cuối cùng gia đình Hồng bị đày đi vùng Kinh Tế Mới. Cả nhà không hay Ba Hồng đã chết vì bị biệt giam với tội cứng đầu, chửi mắng lãnh đạo Cộng sản là đồ ngu! 

Ở Texas, Thông vừa học vừa đi làm toàn thời gian. Lúc sắp xong Đại Học cũng là khi Việt Nam cho người Việt Hải ngoại gửi phong bì 1 ký quà về cho thân nhân, đa số là thuốc Tây, là loại hàng dễ bán, dễ đổi ra tiền ngay tại nơi lãnh hàng.Vì nhà Hồng đã đổi chủ nên bao nhiêu quà gửi về mà Thông không nhận được thư hồi báo của Hồng. Sau này Thông mới biết là Chinh, thằng bạn cùng khóa ở trường bay, bị thành “vượn cổ sơ” (thơ Tô Thùy Yên) 7 năm trong “Đại Học Máu” (tựa sách Hà Thúc Sinh) đã kết hôn với Hồng nơi vùng Kinh Tế Mới. Thông không hề giận Hồng. Hoàn cảnh gia đình cần có người đàn ông trưởng thành. Vợ chồng Thu Hồng Trường Chinh đã khổ công khai khẩn đất hoang, làm ruộng muối để lo bữa đói bữa no cho cả gia đình. Mẹ Hồng tiều tụy như người ốm đói, đôi mắt lõm sâu dù chỉ mới ngoài sáu mươi. Bà lâm bệnh và mất sau khi hay tin chồng đã chết trong tù! Năm 1987, bé Lệ Ba vừa tròn hai tuổi thì vợ chồng Hồng vượt biển…. Và linh hồn đã vĩnh viễn ở lại với đại dương. Thân xác! Ôi thân xác phi công “không ai tìm xác rơi” Ôi! Đóa Hồng đỏ từng làm hồn anh si dại, mùi thơm và sắc thắm đôi môi, dáng vẻ học trò, da thịt mềm trong vòng tay anh run rẩy… Bé gái 2 tuổi chưa kịp chạm đời đã trắng hoa bọt biển. Tất cả có thể là mồi ngon cho cá mập… Cũng may là Phượng và hai người em trai đã về nhà Ngoại sau khi Mẹ mất. Dự trù đợi anh chị đến được bến bờ Tự Do, sẽ lo cho các em đi sau.

Thông nằm yên, nhắm mắt tưởng tượng lại lịch sử hiện đại của Việt Nam. Dân Việt Nam sẽ hạnh phúc biết mấy nếu vẫn được thật sự Tự Do, Dân chủ. Sẽ anh hùng biết mấy nếu vẫn chống giặc Tàu phương Bắc. Lãnh thổ vẫn toàn vẹn nếu chọn đúng đồng minh như các nước Nhật, Đài Loan, Đại Hàn. Đài Loan nhỏ nhoi là thế mà Tàu có dám xâm chiếm đâu?! Sự nô lệ Bắc phương, dâng biển đảo, lùi cột mốc, hiến đặc khu… đều do cái Đảng Cộng sản hèn hạ tạo nên. Dân Việt còn biển đâu để đánh cá, thềm lục địa đâu để khai thác mỏ dầu?! Muốn đóng cửa biên giới vì dịch bệnh cũng phải chờ lệnh Tàu. Xét cho cùng trong lịch sử Việt Nam mấy ngàn năm chưa có ai gian ác, hại dân, hại nước bằng cái tên Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản. Thông cũng không biết tên thật của hắn là gì? Vì cái gì cũng là đồ đểu!

***

Gần ba năm qua, Thông thu xếp nhà cửa, vườn sau, sân trước cho thật tươi mát. Trồng nhiều loại hoa nhưng trông rất thoáng và giản dị. Nhìn ra thơ và thoải mái tâm hồn. Chàng trang trí nhà cửa mỹ thuật. Treo tranh lập thể và lãng mạn. Phòng TV, máy hát cũng được tân trang hiện đại. Phòng ăn với bàn ghế mới gọn nhẹ, trống trải hơn trước. Sân cỏ có người chăm sóc mỗi hai tuần.

Đặc biệt trong phòng ngủ, nơi bàn trang điểm Thông chưng các ảnh chụp chung với Phượng khi về Việt Nam thăm nàng. Thông muốn dành ngạc nhiên cho Phượng bằng hằng trăm chiếc nơ đủ cỡ, đủ loại và đủ các màu sắc gần đầy các ngăn tủ áo.
Ở Sài Gòn, Phượng lo thu xếp chuyện gia đình cho gọn gàng, hợp lý. Sang tên nhà cho con trai út. Giao nhiệm vụ chăm sóc Dì Út cho vợ chồng đứa em trai. Chồng của Phượng đã chết hơn 4 năm qua do hút thuốc lá và uống rượu nhiều bao năm liền. Phượng có ý muốn sống độc thân, lo cho con trai và các cháu. Mấy lần Thông về thăm Phượng. Tình cảm anh em gắn kết như xưa. Thông nhờ Phượng đưa anh về vùng Kinh Tế Mới thăm mộ Mẹ của Phượng, Thiện và Hồng. Tháng Hai tảo mộ Mẹ bạn ở một nơi cách Sài Gòn hằng hai trăm cây số gợi biết bao kỷ niệm… Những khuôn mặt phúc hậu của Mẹ, buồn ngủ đa tình của Thiện, hiền dịu duyên dáng của Hồng và cả nét đểu đểu gàn gàn của Chinh… làm Thông rơi nước mắt và Phượng cũng khóc theo. Một lần Thông đưa Phượng du lịch Đà Lạt, không có con cháu Phượng tháp tùng. Thông nhắc lại lần Phượng cùng chị Hồng theo chàng lên Đà Lạt nghỉ hè vì Hồng vừa đậu vào Đại Học Văn Khoa. Chuyến đi bằng phi cơ của phi đoàn, chuyến về quá gian xe của người anh Huấn Luyện Viên trong Trường Võ Bị. Thông bất chợt hỏi Phượng:

- Hỏi thiệt Phượng nha. Có phải đêm đầu lần đó Phượng giận anh không?

- Không giận anh mới là lạ. Gì mà lo cho chị Hồng đủ thứ. Anh làm như chị Hồng không biết đi một mình. Không tự ăn uống một mình. Em hỏi anh gì anh cũng không nghe, không thèm trả lời, không thèm nhìn em. Anh cứ dán mắt vào chị Hồng như trên đời này không còn ai khác vậy.

- Trời ơi! Oan ơi là oan! Cà phê Tùng thời đó chơi nhạc trẻ, nhạc Hippy ỏm tỏi. Anh đâu có nghe em hỏi gì đâu! Trước khi rời khách sạn anh lựa hai cái nơ cài tóc cho em rồi mà. Anh còn thắt bím cho em trước khi cài nơ nữa. Em nhớ không?

- Em tha tội cho anh lâu rồi. Trang phục của phi công thời ấy khiến em ái mộ mấy anh quá trời. Nào áo bay đen, khăn quàng cổ xanh, đeo súng lục xệ xệ, nón xếp cánh bướm. Trình diễn hơi quá đáng nhưng trông oai hùng, hào hoa rất đỗi.

- Tại chị Hồng muốn anh mặc đồ bay khi đưa đi chơi phố hay họp bạn.

- Em biết! Em còn biết chị Hồng cho em theo để dễ xin phép Mẹ nữa đó.

- Mà Phượng cũng thích đi chơi với anh chị vậy. Tha hồ nhõng nhẽo và ăn quà. Anh nhớ em thích chuối nướng, bắp nướng có mỡ hành ở Thảo Cầm Viên, kem dâu tây Nguyễn Huệ, hột vịt lộn bến Bạch Đằng…

- Nhiều điều bí mật anh chưa biết đâu. Mấy bài thơ như “Bé Đến Trường”, “Bướm Nơ Cài Tóc”, “Áo Gió Lộng Sân Trường”… của anh đăng trong tuần báo Tuổi Ngọc. Em khoe với bạn là anh viết tặng em. Mấy nhỏ bạn lé mắt luôn! Anh còn nhớ không?

- Thì anh thấy em có nhiều cử chỉ ngây thơ, vui vô tư… nên cảm hứng viết. Lâu quá rồi! Em không nhắc ai mà nhớ.

- Vậy anh nhớ kỳ bãi trường năm Đệ Thất Trưng Vương của em không? Anh Thiện đệm đàn, em hát. Cô Hồng Phấn thổi sáo trúc, anh ngâm bài thơ “Búp Phượng Học Trò” trong quyển Tuổi Ngọc để tặng mấy nhóc tụi em. Cô Phấn hỏi thăm em về hai anh đó. Nào là bay loại phi cơ nào? Lập gia đình chưa? Có thường ở Sài Gòn không?

- Sao hồi đó tụi anh không nghe em nói?

- Em có kể cho chị Hồng nghe. Chị ba nạt “miễn bàn”! Em le lưỡi luôn!

- Chớ không phải em sợ mất phần đi chơi khắp phố Sài Gòn. Ăn bắp rang bơ trong rạp chiếu bóng. Xem “Đại Nhạc Hội” ở rạp Quốc Thanh sao?

- Dạ! Nhiều lần đi xe Vespa của anh, em nói với chị Hồng cho em ngồi giữa vì ngồi sau sợ té.

- Chở hai chị em anh cẩn thận muốn chết, chạy chậm rì sao mà té được.

- Hi Hi Hi… Dạ tại em muốn đựơc dựa vào lưng anh. Ngửi mùi áo bay cho đã đó!

- Trời đất! Cũng may là lần nào chở hai chị em, anh cũng lấy áo bay giặc ủi sẵn… Vậy nếu bây giờ anh mặc lại áo bay, em có muốn dựa lưng anh không?

Phượng liếc Thông bằng đôi mắt ướt, chu môi trang điểm nụ cười. Ra vẻ suy nghĩ mông lung. Đôi bàn tay đan nhau không lối thoát. Nàng nửa mơ nửa tỉnh khi bất ngờ nghe đề nghị của Thông. Chàng đã qua tuổi thất thập. Nàng vừa sắp đến tuổi sáu mươi. Chàng là anh rể hụt. Nàng là góa phụ điểm sương trên tóc. Rồi còn con cháu đôi bên nữa…

Thông nhìn sâu vào đôi mắt đang mang nhiều điều bí ẩn của Phượng. Chàng úp đôi bàn tay ấm áp lên đôi tay đan của Phượng. Mắt Thông chứa chút hoang dã, chút điên mê:

- Đà Lạt mù sương chỉ có một hồ Than Thở, một Đồi Thông Hai Mộ. Có cả rừng Ái Ân, cả vườn Bích Câu và Lâm Viên mà sao em lo quá vậy? Bộ không tin anh bảo bọc cho em được sao? Chúng ta nương tựa vào nhau cho bớt cô đơn. Thong dong cho chín mùi đời! Tình yêu lên ngôi, tình già treo non sợi tóc…

- Em thì tình trong như đã… Để em bàn bạc với con, thu xếp chuyện gia đình rồi tính nha! Anh hứa với em rồi đó. Mình cho nhau 3 tháng suy nghĩ cho kỹ coi có ai “rối loạn tiền đình” phát biểu “liều” không nha anh.

Phượng trả lời Thông bằng đuôi mắt biết nói và nụ cười biết làm duyên. Thông âu yếm hôn lên trán Phượng, nụ hôn nồng nàn dài bằng một đời hoa. Thông cảm được hơi ấm từ da thịt Phượng và đôi tay run run trong lòng bàn tay chàng. Trở về khách sạn, Phượng tự ôm gối sang phòng Thông. Nàng tấn 2 gối ôm ở giữa giường và dặn Thông:

- Đây là ranh giới của sự ràng buộc. Em tin anh với tất cả tấm lòng và trái tim. Anh không được phá vỡ niềm tin của em nha. Chừng nào em về với anh, chúng mình là của nhau, ái ân mới trọn lý trọn tình. Còn bây giờ mỗi đứa “riêng một góc… giường”nha anh.

- Bộ muốn thử coi anh ngủ có ngáy không hả?

- Em ngủ ngáy đó. Ít thôi! Coi anh có ngủ bên em được không?

- Ủa! Đêm qua anh đâu nghe em ngáy hay mớ gì…

- Cửa phòng em đóng kín mà!

- Ô Ồ! “Gối chăn không có linh hồn, mà sao rung động cõi lòng em ơi…”

- Mơ hay mớ ra thơ vậy bồ tèo?

Thông chìm vào giấc ngủ với niềm tin rằng chính Hồng đã đưa Phượng đến với chàng. Tình chị duyên em. Không muốn trao thân, gìn vàng giữ ngọc mà mặc áo the, chân trần, tí son, chút phấn. Còn gửi thơm cho người… Trước sau gì chàng cũng là rể của Ba Má Thiện. Thiên tình sử của Thông và Hồng như cuốn phim quay chậm trong trí nhớ. Hình ảnh Hồng và Phượng ẩn hiện lờ mờ như giấc chiêm bao, thức ngủ cùng năm tháng dài ngăn cách. Thưa Ba Mẹ, Thiện ơi! Hồng ơi! Cầu nguyện linh hồn các vị sớm siêu thoát. Gia đình, con cháu các vị đã có người để ý chăm lo. Làn khói mỏng, mùi nhang thơm cùng ánh mắt của Thiện trên trang thờ năm nào như đang quanh quẩn trong phòng..

***

Sáng sớm nơi vùng Tây Bắc thành phố Houston thật yên tĩnh. Trên cây bưởi là tiếng kêu chiêm chiếp của mấy con chim sẻ tí hon đang chuyền cành. Bầy cu đất đậu trên nhánh cây sồi “gụ gụ”, chào nắng gió bình minh. Bữa cơm hội ngộ mười hai thằng bạn phi công cùng khóa đêm qua kéo dài đến quá mười hai giờ sáng, nhắc nhở một thời binh lửa đáng tiếc trong lịch sử Việt Nam. Tiết mục cảm động nhất có lẽ là lời kể nhiều kỷ niệm với những bạn đã vĩnh viễn ở lại chiến trường của các bạn cùng phi đoàn. Ba đứa bạn độc thân về ngủ nhà Thông tối qua, đang cùng Thông nhâm nhi cà phê sáng, ăn trứng gà chiên, thịt ba rọi nơi sân vườn sau nhà Thông. Khu vườn được Thông cố gắng thiết trí patio, hoa kiểng nhằm hưởng nhàn và chờ ngày đón Phượng sang Mỹ. Patio có tranh lập thể treo tường, quầy cà phê, rượu chát để tiện thết đãi bạn bè, TV để theo dõi các trận thể thao, computer để sáng tác thơ văn và đọc bài cho các chương trình phát thanh hằng tuần. Sân vườn có hồ nuôi cá kiểng, ba cây tường vi đang nở rộ ba màu đỏ, tím và trắng. Tượng Phật Bà Quan Âm “cứu khổ cứu nạn” làm tăng vẻ yên tĩnh, thêm chút huyền bí tâm linh. Thông trồng hai cây phượng và khổ công chăm sóc, quấn dây cách nhiệt quanh thân, nhánh vào mỗi mùa đông. Hy vọng sang năm sau sẽ có hoa… làm quà tặng Phượng. Thông nhớ mùa hè năm 2007, hội ái hữu VLVBSĐ tổ chức họp mặt Liên Trường Trung Học, hai nhà báo Đặng Phương Linh, Lê Phát Được đã tặng hai cành hoa Phượng. Mỗi cành có hai chùm hoa đỏ tuyệt đẹp. Có thể nói trong hơn bốn trăm quan khách, ai cũng chụp hình chung với cặp Phượng Phượng, hoa học trò này! Tuổi thơ nào mà không đến trường, không "yêu phượng, yêu hoa đầu hè…”

Thông chụp hình bốn thằng bạn cùng khóa bay T28. Ở Việt Nam trước 75, hai thằng bay C130, hai thằng kia bay F5. Sang đây chỉ một đứa may mắn bay Boeng 737 chở khách cho US Airway. Khi ba đứa bạn vào trong nhà lo chuẩn bị để cùng đi ăn trưa “hậu phi*” ở khu Bellaire (Đại lộ Sài Gòn). Chàng gửi tin nhắn về cho Phượng bằng hai câu thơ:

“hôn em hơi thở mát da, nhớ nhung mát dạ, môi xa ướt tình” Chỉ trong tít tắt Phượng nhắn lại ”Ơn anh luôn nhớ đến em, vòng tay chưa trọn càng thèm môi xa…” Thông mỉm cười, nụ cười tươi hơn nắng, nươn tiếng lá reo, chim hót gọi Phượng qua viber:

- Hi cưng! Đêm qua ngủ ngon không? Anh gọi em hồi sáng sớm. Không nghe trả lời.

- Dạ đêm qua em ngủ bên Dì Út. Vợ chồng cậu em về quê vợ dự đám giỗ nên em qua chăm sóc Dì! Thức giấc nhiều lần với Dì nên sáng dậy không nổi. Tiệc đêm qua vui không anh?

- Gặp lại bạn bè vui lắm. Nhớ những bạn vắng số nghiệp bay lại buồn “căng mắt hỏa châu” đó cưng ạ. Nhất là anh Thiện của em. “Bọn chúng ta sanh nhầm thế kỷ” mà.

- Dạo này bên Mỹ lộn xộn quá vậy anh? Chưa kể dịch bệnh Vũ Hán nghe bắt mệt.

- Đúng vậy đó em. Ngày xưa khi Tướng Do Thái Moshe Dayan thăm Việt Nam Cộng Hòa có nói: Dân miền Nam chỉ thật sự chống Cộng sản sau khi bị cộng sản cai trị. Cũng vậy Khrushchev từng tuyên bố tại Đại hội Liên Hiệp Quốc mấy mươi năm trước rằng chúng tôi sẽ xâm nhập tư bản Mỹ từ từ thực tế xã hội chủ nghĩa. Con cháu của các con cháu quý vị sẽ thức giấc một ngày, thấy Mỹ đang sống trong chế độ cộng sản. Tư bản không có chỗ đứng. Chúng tôi sẽ mua chuộc, tiêm nhiễm tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào hàng trí thức, chính trị gia. Khi tập thể những người nghèo, không thích đi làm muốn hưởng phúc lợi bằng tiền đánh thuế cao số ít người giàu và các hãng xưởng tư nhân. Mọi truyền thống tôn giáo, lịch sử lập quốc, giữ nước bị bôi xóa. Cộng sản sẽ thành công.

- Đại tư bản Mỹ sẽ thua Cộng sản sao anh?

- Điều đó không dễ. Càng khó nếu Thống Thống Trump tái đắc cử. Mọi chiến lược của Trump đều với mục đích bao vây Tàu Cộng. Em thử nghĩ xem chủ trương toàn cầu hóa từ thời Clinton. Cán cân thương mại giữa Mỹ và Tàu, năm nào Tàu cũng lời 5, 6 trăm tỉ mỹ kim. Tàu càng có tiền càng cơ giới hóa. Đánh cắp kỷ thuật Âu Mỹ, chế tạo thêm vũ khí mới. Tàu rò rỉ mua chuộc các nhà lãnh đạo thế giới. Lập “đường lưỡi bò” liếm tận phía Nam mũi Cà Mau, xuống giáp ranh Nam Dương.

- Dạ Dân Việt Nam giờ khổ quá.

- Kế hoạch “một vành đai” của Tàu rất thâm độc. Các xứ khác chỉ nhượng một hải cảng. Riêng Việt Nam Tàu có mặt, độc chiếm da beo trên toàn cõi lãnh thổ, lãnh hải.

- Dạ em đi Bình Dương, Nha Trang, Đà Nẵng có nhiều khu phố Tàu cấm người Việt Nam lai vãng đó anh! Nhưng Mỹ mạnh và xa Tàu sao chịu ảnh hưởng được?

- Em ơi! Tám năm làm Tổng Thống của Obama, thâm thủng ngân sách hơn mười ngàn tỷ Mỹ kim, bằng tổng số thiếu nợ của tất cả mấy chục đời Tổng Thống cộng lại. Chính sách “xin lỗi thế giới” của Obama, đem tiền Mỹ rải khắp thế giới để được lòng lãnh đạo các nước. Nhất là Tàu, các viện Khổng Tử, các Viện Trưởng, Khoa trưởng trường Đại Học, Thống Đốc, dân biểu nằm trong kế hoạch “ngàn nhân tài” được Nhà nước Tàu “bứng gốc”. Em có tin là trong dịch Vũ Hán, Ký túc xá trường Đại Học Havard đóng cửa trước nhất. Trường này có trên 2000 du học sinh Tàu. Nhận 93.7 triệu đô la “từ thiện” từ chính phủ Tàu. Một ông Khoa Trưởng bị FBI bắt vì tội nhận tiền, trao kiến thức ”hóa học quốc cấm” cho giặc. Vợ chồng Viện Trưởng bị bệnh dịch Covid-19.

- Sao người biểu tình giết người, đốt phá xe cộ, phố xá, giựt sập các tượng đài mà chính phủ không ra tay vậy anh?

- Ha ha! Em cưng ở Việt Nam, quen chế độ công an trị rồi đó! Ở Mỹ mỗi Tiểu Bang có chính phủ riêng, vệ binh (national guard) riêng. Quân đội quốc gia để bảo quốc, chống ngoại xâm, bảo vệ quyền lợi quốc gia dân tộc. Ít khi can thiệp vào chuyện của tiểu bang trừ khi Thống Đốc yêu cầu. Đa số các hỗn loạn đều xảy ra trong các tiểu bang thuộc Đảng Dân Chủ. Họ chủ trương phá rối Tổng Thống trong năm bầu cử đó em.

- Sao người da đen thấy ghê quá anh? Ứng cử viên Tổng Thống, chủ tịch Quốc Hội phải quì vì họ.

- Không phải ai da đen cũng côn đồ, lưu manh cướp giựt đâu cưng. Tai nạn giữa một anh tội phạm da đen và một anh cảnh sát da trắng đã xong. Anh tội phạm chết. Anh cảnh sát vào tù. Chuyện thường ngày ở huyện, không dính dáng gì tới màu da cả. Những kẻ lợi dụng thời cơ, cộng thêm thành phần Đảng Cộng sản Antifa của Mỹ tạo cảnh hổn loạn để phá nát xã hội. Phải công nhận đồng tiền của Tàu “viện trợ” cho Đảng CS Mỹ đang làm lũng đoạn xã hội Mỹ. Thành phần chủ trương xã hội chủ nghĩa trong Đảng Dân Chủ mà lên nắm quyền Tổng Thống Mỹ năm nay sẽ là mồ chôn nhân loại mai sau. Buồn là kiến thức chính trị giới bình dân Mỹ không cao. Đa số truyền thông Mỹ có nhận tiền bảo trợ của Tàu nên phải thiên vị Tàu. Em có biết các rạp hát AMC chuyên làm film và chiếu film cũng phải nhân nhượng Tàu. Truyện Film không được nói xấu Tàu nữa đó… Tiền Tàu mua nhiều cổ phần công ty nên vậy.

- Tàu không chỉ tàn ác với Việt Nam. Phi Châu nghe nói cũng đang điêu đứng với họ phải không anh? Họ coi rẻ mạng sống dân của chính họ thì nói chi dân xứ khác.

- Chủ thuyết Cộng sản coi mạng sống con người chỉ là cứu cánh cho mục đích Đảng mà em. Cưng ơi! Anh phải chở mấy bạn đi ăn cơm “tạm biệt” ở nhà hàng Kim Sơn nha. Chiều nay có bạn cần bay về vì Thứ Hai phải giữ cháu cho con đi làm.

- Dạ anh! Cho em nhắn thăm các anh. Để chừng gặp coi em còn nhớ anh nào không? Hơn 45 năm rồi còn gì. Ngày ấy em chỉ là đứa nhóc tì thôi!

- Hôn em. Hôn em. Love you. Love you. Thông đọc mấy câu thơ ghẹo Phượng “Nhóc tì duyên dáng dễ thương, cánh nơ cài tóc còn vương nắng chiều, có người ngọng nghịu, đăm chiêu, quen mười một tuổi, yêu nhiều năm lăm”. Thông bước đến bờ hồ, mấy còn cá vàng như quen tiếng chân của chủ, lội nhanh về phía bờ. Thông rải thức ăn cho cá. Thêm thức ăn cho lũ chim, chúng thường đến ăn và tắm nước vòi sen đang phun như pháo bông giữa mặt hồ. Gương mặt hiền, nụ cười duyên, ánh mắt đa tình của Phượng cho Thông niềm tin, hướng về tương lai.Yêu đời và yêu người! Chàng thong dong bước đi trên thềm nắng mới. Tiếng cười của Phượng vẳng bên tai, bay theo cánh gió… Hoa trong vườn ý chừng tươi hơn mọi bữa… Thông khép cửa nhà, vừa đếm một, hai, ba, bốn... cùng ba người bạn bước đều theo nhịp quân hành như còn trong quân trường. Họ cười vang “một thời tuổi trẻ”, yêu và sống hết mình cho quê hương, dân tộc.

Phạm Tương Như
(Houston, Hè /2020)

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com