User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Ông Bà Tư được con bảo lãnh đến nước Úc ở theo diện đoàn tụ gia đình. Nhớ ngày đầu đặt chân xuống phi trường Sydney hơn ba mươi năm về trước, Ông Bà tràn ngập niềm vui hội ngộ với hai đứa con, một trai, một gái, chúng đã vượt biên, được định cư tại Úc từ năm 1983. Ông bà cảm thấy rất ấm lòng mặc dầu thời tiết mùa đông Úc Châu lạnh lẽo.
 
Ông bà lạ nước lạ cái trước cảnh vật Sydney. Gốc gác của ông bà ở Châu Đốc, một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền cực Tây Nam Phần, giáp giới với nước Cao Miên (Campuchia). Sau này Châu Đốc trở thành một huyện của tỉnh An Giang. Ông Tư từng đi học và làm việc ở Sài Gòn, trước làm ở hãng tư, sau làm ở công sở, nhà ở Quận Bình Thạnh Gia Định, gần Lăng Ông Bà Chiểu.
 
Các con mướn nhà ở Bankstown, một căn lầu trong một chung cư, có 2 phòng ngủ hơi nhỏ. Ông Tư ngủ với con trai, Bà Tư ngủ với con gái. Ông Tư xuất thân từ gia đình nông dân, đã từng ngủ nóp, ngủ trong một căn phòng trống trải khỏi giăng mùng mà không bị muỗi chích cảm thấy thoải mái lắm.
 
Mùa hè oi bức, Ông Bà Tư thường đi rong trong khu thương mại Bankstown để tận hưởng không khí mát mẻ phát ra từ máy điều hòa không khí. Ông bà quen tính tiền Úc ra thành tiền Việt thấy giá hàng ở Úc mắc quá không dám mua.
 
Ông Bà Tư được chánh phủ Úc cho hưởng trợ cấp xã hội, khám bệnh miễn phí, đi xe và mua thuốc uống giảm nửa giá.
 
Ông bà không dám đi xe buýt vì không biết lộ trình, không biết đến chỗ nào phải xuống xe. Ông bà thường đi xe lửa, nếu xuống lầm trạm xe thì leo lên chuyến xe kế đi tiếp.
 
Ông bà đi chơi vài nơi vòng vòng Sydney bằng xe lửa, như đi đến trạm Circular Quay xuống bến Darling Harbour, ngắm Nhà Hát con sò Opera House, vườn bách thảo Botanic Garden, cầu Sydney Harbour, viếng vùng The Rocks ghi dấu tích người Anh định cư đầu tiên trên Úc Châu, ông bà cũng từng đi phà qua vùng Manly, phía Bắc Sydney. Trên phà ông bà nhìn thấy ngoài xa kia là cửa biển.
batucodon   
Cầu Sydney Harbour               Nhà hát con sò Operahouse
 
Ông Bà Tư được đi học Anh ngữ miễn phí dành cho người lớn di dân tại Trung Tâm A.M.E.S. Belmore, cách Bankstown mấy trạm xe lửa, học nghe và học nói tiếng Anh đối với ông bà không phải là dễ dàng, lúc còn ở quê nhà ông bà mãi chuyên chú học đọc và viết.
 
Thời gian thấm thoát, các con của Ông Bà Tư lần lượt lập gia đình, có vợ có chồng là người đồng hương, hôn lễ được cử hành tuy đơn giản nhưng vẫn theo nghi thức cổ truyền Việt Nam.
 
Không bao lâu ông bà có cháu nội, cháu ngoại, cuộc sống bắt đầu bận rộn, trông nom chăm sóc cháu để con cái có thời gian đi làm việc nuôi sống gia đình. Khi các cháu lớn lên, bà lo nấu ăn cho chúng, ông đưa đón chúng đi học. Nhờ có ông bà bên cạnh, các cháu biết nói tiếng Việt rất giỏi. Nhưng đi học một thời gian, nói tiếng Anh suốt ngày với thầy cô giáo và bạn bè trong lớp, các cháu quên dần tiếng Việt. Đó là điều ông bà lo lắng, vì ông bà quan niệm tiếng Việt là linh hồn của dân tộc không thể mất đi.
 
Ông Bà Tư cũng luôn mong mỏi các cháu của ông bà sẽ có vợ, có chồng là người đồng hương, cùng ăn canh chua cá kho, cùng  nói một thứ tiếng với ông bà, để cùng ông bà hàn huyên tâm sự.
 
Nhưng một bất hạnh đột ngột đến với Bà Tư, Ông Tư bất ngờ bị tai biến, phải đi cấp cứu tại bệnh viện, rồi mất luôn không một lời từ giã.
 
Bà Tư bắt đầu một cuộc sống cô đơn, mặc dầu con cháu vẫn kính thương bà hết mực, còn chăm sóc cho bà nhiều hơn trước nữa. Nhưng các con đi làm, các cháu đi học thật sớm, bà ở nhà thui thủi một mình, hết đọc sách báo đến coi phim tập, hết Paris by Night đến phim tập Việt Nam, phim tập Tàu, phim tập Hàn Quốc... Đến chiều các con, các cháu về gặp mặt được chốc lát rồi đi ngủ, nói chuyện chẳng được bao lâu.
 
Ngôn ngữ bất đồng, hàng xóm ở Úc không niềm nở như ở quê mình, gặp nhau chào hỏi xã giao rồi vô nhà, khép cửa lại, mỗi người có cuộc sống riêng tư, không nói chuyện la cà đầu trên xóm dưới. Bà Tư thấy quý cái tình hàng xóm ở quê mình, “bà con xa không bằng láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau”.
Trong nỗi cô đơn, bà nhớ quê nhà, Bà nhớ dòng sông Cửu Long mùa nước đổ, nước chứa phù sa đục ngàu từ trên Miên qua ngả biên giới Bình Di, Bắc Nam chảy xuống, cuốn theo từng giề lục bình lá xanh bông tím đẹp làm sao!
 
hoalucbình
 
Hoa lục bình - Ảnh Internet
 
Mỗi năm, khoảng tháng Bảy âm lịch nước dâng lên từ từ, mỗi ngày cao thêm chừng một hai tấc, cho nên dân địa phương gọi là nước lên để phân biệt với nước lụt dâng cao nhanh và bất chợt. Rồi nước “bò” lên ngập mặt đường, mặt nước sẽ ngập cao khỏi mặt đường từ một đến hai mét, lúc đó phù sa đã lắng đọng, nước trong vắt chảy xiết vô đồng, có thể nhìn thấy rong riêu lay dộng dưới nước, cá lội tung tăng. Người ta còn gọi đó là mùa nước lên hay mùa nước ngập. Đến khoảng tháng 9 âm lịch, nước rút hết, còn để lại đất phù sa phủ trên đồng ruộng làm xanh tốt mùa màng và cá tôm còn đọng lại trong các ao đìa làm cho nguồn thực phẩm của cư dân được dồi dào thêm.
 
Nhờ đất phù sa, mỗi năm dân địa phương chỉ trồng một mùa lúa xạ, khỏi dùng phân bón, thu hoạch đủ sống cả năm. Trên đồng có lúa, dưới nước thừa mứa cá tôm, đời sống dễ dàng, lòng người thường thật thà chất phác và rộng rãi, hiếu khách.
 
Bà Tư nghe người ta nói mà tiếc hùi hụi là bây giờ dòng Cửu Long đã cạn do các nước ở thượng nguồn đắp đập làm thủy điện, đất đai cằn cỗi, nhiễm mặn, cá tôm không còn. Nhắc đến đây Bà Tư thấy thèm món cá linh nấu canh bông điên điển, cá lòng tong kho tiêu với tóp mỡ, cá rô kho hành ớt, cá lóc nướng trui chấm nước mắm me chín, cá trê vàng nướng chấm nước mắm gừng... Trứng vịt luộc với nước mắm trong giằm ớt, cà tím nướng trộn mỡ hành không phải là cao lương mỹ vị nhưng cũng là món hảo của Bà Tư.
 
canh chua ca linh bong dien dien
 
Canh chua cá linh bông điên điển - Ảnh Internet
 
Bà nhớ bến đò Đa Phước-Cồn Tiên, đò nhỏ đò lớn tấp nập. Con sông trước chợ Châu Đốc đông ken ghe xuồng buôn bán gạo thóc. Hai bên bờ sông là những dãy nhà bè nuôi cá.
 
lang ca be chau doc
 
Nhà bè nuôi cá ở Châu Đốc - Ảnh Internet
 
Phía dưới chợ có bến đò Châu Giang-Châu Phú tấp nập hành khách; bến bắc chỗ nhà thờ đầy ắp xe nhỏ xe lớn sang sông.
 
Bà nhớ tháng Tư mùa vía Bà, khách thập phương nườm nượp đến lễ Bà Chúa Sứ ở Núi Sam, cách chợ Châu Đốc khoảng 5 cây số.
 
Bà nhớ đám giỗ ở quê mình là nơi bà con xa gần cùng nhau, mỗi người một món, kẻ xách một con cá, người mang một chai rượu, một giỏ bánh tới cúng, cúng rồi cùng nhau chén tạc chén thù. Xong đám giỗ, chủ nhà không quên tặng khách một ít quà bánh gọi là “bánh sáp đi bánh qui lại”.
 
Đám cưới rước dâu bằng tắc-ráng chạy bình bịch ven sông, người đi đám với y phục đẹp đẽ đủ màu sắc, chuyện trò vui nhộn.
 
Nhớ nhứt là ngày Tết Nguyên Đán, một ngày lễ hội chung của cả nước, mọi người hân hoan đón mừng năm mới với ước mong những điều tốt đẹp nhứt sẽ đến với gia đình. Đặc biệt thuở xưa, hồi trào Tây, lúc vùng đồng bằng sông Cửu Long còn phồn thịnh, tiền bạc kiếm dễ dàng, cái Tết kéo dài lê thê và đối với dân ăn chơi thì lúc nào cũng Tết:
 
Tháng Giêng là tháng ăn chơi,
Tháng Hai cờ bạc tháng Ba hội hè.
 
Cái Tết âm lịch bên Úc có phần tẻ nhạt vì không phải là ngày nghỉ chánh thức của chánh phủ, người đi làm không được nghỉ việc, học sinh vẫn đi học như thường.

Bà Tư nhớ quê rồi nhớ dài lên tới Sài Gòn, Gia Định. Lăng Ông Bà Chiểu trong những ngày Tết, ngày vía, đông nghẹt khách đến chiêm bái, khói hương lan tỏa khắp lăng Ông. Cúng vái xong, có nhiều nguời thắp một cây nhang lớn, thỉnh về cắm trên thếp nhang ở nhà để lấy hên.
 
lanongbachieuxua
 
Cổng Tam Quan Lăng Ông Bà Chiểu xưa - Ảnh Internet
 
Bà nhớ bạn bè, già có, trẻ có, ban đêm cùng nhau đi dạy bổ túc văn hóa cho bà con trong xóm...
 
Nhớ quê nhà ray rứt, nhưng đã trên tám mươi tuổi rồi, bảo hiểm du lịch quá mắc, cao hơn giá vé máy bay khứ hồi. Vì vậy bà không về thăm Việt Nam nữa.
 
Sống trong tình yêu thương của con cháu, nhưng Bà Tư vẫn cảm thấy cô đơn. Nơi xứ lạ quê người, vật chất đầy đủ, bà lại cảm thấy thiếu thốn, mất mát cái gì làm cho bà luôn trằn trọc, bất an. Bao nhiêu hình ảnh sinh hoạt ngày xưa ở quê nhà  là những kỷ niệm êm đẹp cứ liên tục hiện ra, như những hồn quê ẩn hiện  trong tâm tưởng của Bà Tư.
 
Cũng may ở Úc có nhiều tổ chức từ thiện chăm sóc những người gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hay già yếu, neo đơn. Nghe một bà bạn già giới thiệu, Bà Tư gia nhập một trong các tổ chức đó, Hội Người Già Việt Nam New South Wales. Nơi đó Bà Tư ghi tên vào Ban Tương Tế, đóng góp tương trợ lẫn nhau lúc cuối đời, cùng nhau chung vui sinh nhật tập thể, thưởng thức các món ăn Việt Nam như  bún bò Huế, bánh canh cua, bánh lọt..., xem trình diễn văn nghệ, nghe những bản tình ca quê hương, tập thể dục dưỡng sinh, cùng nhau đi du ngoạn, nhất là có dịp hàn huyên tâm sự bằng tiếng mẹ đẻ với những người đồng hương cùng chung cảnh ngộ, Bà Tư phần nào được nguôi ngoai, an tịnh, bà mường tượng  như những mảnh hồn quê đang phảng phất đâu đây.
 
Khiêm Cung
Sydney, 09/12/2020
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com