User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
VN
Nhớ góc bếp của mạ đến quay quắt. (Hình VnExpress)
 
Mùa này mưa nhiều quá. Mấy đêm khó ngủ vì tiếng còi tàu từ ga vọng về. Bỗng nhớ da diết xóm núi xa xôi. Một ngôi làng với vài chục nóc mái lơ thơ sau những rặng tre già. Và khói.
 
Khói lễnh loãng bay lên từ màu xanh trầm buồn của góc bếp bên khu vườn mùa đông ướt át. Đôi khi mơ đám củi gặp mưa ướt nhẹp mắt cay xè. Đôi khi phì cười vì bất chợt nhớ mẻ mứt gừng đầu tiên ngào trên bếp củi lại đường thành món chè gừng sền sệt. Như mới vừa đó, hôm qua.
 
Tấm áo bông chần hoa đào vuốt phẳng phiu dưới gối chờ sáng Mùng Một hương trầm thơm ngát trời xuân mới lôi ra bận. Mới đó tóc mai ngang trán thơm hương ổi chín thẹn thùng giấu chục bánh thuẫn thơm hôi hổi cho đứa bạn trai cùng tổ chụm đầu giải Toán. Mới đó ngày lấy chồng về phố ngóng hướng núi chiều chiều. Nghe trong tiếng mưa dông ràn rạt như có tiếng ngoại gọi: Con nhớ ôm củi khô vô bếp!
 
Bỗng nhớ góc bếp của mạ đến quay quắt. Nhớ ngọn lửa mùi tràm mùi chổi. Nhớ mùi vị những món ăn thời khốn khó. Ký ức như vòng ôm hay bàn tay vuốt ve lòng người xa quê vào những buổi chiều cuối năm giá lạnh…
 
Nó sà vô cái góc thân quen ấy sau khi thưa ba con mới về. Lần nào cũng vậy, nhất định là có mạ ở đó. Khi đang nhặt dở bó rau, lúc chiên xào chi đó cho bữa trưa, có khi chêm củi cho nồi cám heo sôi sùng sục. Hít hà mùi khói và bồ hóng thơm thơm, mở to mắt ngó nghiêng nào mẹt hột ném, gừng củ góc này, rổ khoai lang đọt bí góc kia, trái mít ai vừa hái thơm lan cả bếp… Mạ ơi! Ơ con về rồi hả? Mắt hấp háy vì khói, nó thấy mình đã thật sự về nhà.
 
16 tuổi vô thành phố đi học. Đi vài tháng, nhớ mạ nhớ ngoại quá chừng quay trở ra, rồi lại được “dẫn độ” trở vào. Bao năm rồi chừ nó có một căn bếp vài chục mét vuông sáng đèn với tủ ốp tường, tủ lạnh, lò nướng, xoong nồi sáng bóng. Nhưng riêng nó cứ thấy thiêu thiếu nhạt nhạt chi đó. Thật ra là vì nó “nghiện” mùi khói. Không phải mùi thức ăn chiên xào dầu mỡ mà là khói củi khô. Ui thiệt, khói củi khô hoặc rơm rạ lá khô nhóm mồi.
 
Thời của nó ở quê, 6-7 tuổi đã biết bồng em quét nhà. 8-9 tuổi nấu cơm mót lúa nấu cám heo tưới cây đôi khi giã gạo giúp mạ. Nghèo cực là rứa nhưng ba ngày Tết mạ dặn dò mấy đứa quét dọn lau chùi bàn thờ phòng khách đến góc bếp tươm tất gọn gàng. Mạ dạy con gái nấu nướng những món quê đơn giản thanh tao. Nó biết chùi xoong bằng xơ mướp trụng nước sôi úp lên giá gỗ. Chén đọi dăm ba cái đủ loại cũ mới vẫn thơm tho.
 
Nó nhớ như in cái giàn bếp của mạ. Là cái giàn gỗ đen bóng có đủ thứ quanh năm xông khói ở đó. Trên chùm bắp mới hái, hành củ, tỏi thơm treo lủng lẳng là những thúng mủng rá mây tre ngoại đan. Vô mùa săn của ngoại thỉnh thoảng còn có cả chân giò hươu nai. Thịt heo nhà chia một phần từ hàng xóm ủ muối để ăn dần cũng treo lên giàn bếp. Đồ dùng qua vài ba tháng đã có màu vàng nâu bóng không còn sợ mối mọt.
 
Trong mùi vị lát thịt, miếng canh rau cũng có mùi khói. Trong bộ đồ mới may, nồi nước gội đầu chanh sả cũng vương vương mùi khói. Khói ám ảnh cả những giấc mơ bay của nó. Một giấc mơ lặp đi lặp lại từ khi là đứa trẻ tóc bím… Nhón chân bay lên. Như bầy chim đập cánh bay qua đồng làng. Như con gió không chút ngại ngần đùa rỡn những vạt lúa xanh đang thì con gái. Bờ ruộng chấp chới bông cỏ dại, màu hiu hắt những đám rạ trên cánh đồng sau mùa gặt… Nhưng lúc nào cũng có khói. Kiểu gì cũng có khói.
 
Nói thế để biết mùi hương ký ức ám ảnh người ta đến mức nào.
 
Là khi con gà trống vỗ cánh phành phạch sau chái bếp với giọng gáy dõng dạc, tiếng gàu kéo nước giếng óc ách, tiếng ngoại gọi con gái con lứa dậy đi mặt trời gác đọt tre rồi kìa… Mấy chị em rửa mặt xong là thò đầu vô cửa bếp chờ mạ sai bảo. Đứa phụ cắt rau nấu cám, đứa giã cối mè đen sắp tô chén ra mâm. Nó ngửi mùi khói để biết nhà hôm ni ăn cơm độn khoai khô hay có việc chi mạ kho nồi thịt và nấu vài lon nếp.
 
Nhớ cái góc bếp của mạ là nhớ cái cối xay. Sắp đặt kiểu chi thì cái cối xay cũng luôn ở đó. Cối xay đan bằng tre đóng cọc gỗ nhồi đất sét chia làm hai thớt để xay và sàng. Nó từng đọc truyện Kiều hoặc các bài thuộc lòng khi xay lúa. Từng nấp vào cái góc hẹp của cối xay và cánh cửa gỗ trốn làm việc vặt để đọc sách. Từng khóc rất lâu trong góc cửa tối ấy vì không được theo các dì cậu đi xem phim bãi. Khóc và ngủ quên cho đến khi phim tan cả nhà nháo nhác đi tìm…
 
Những mùa đói kém thiếu hụt, những trận bão mưa tốc mái, bếp chơ vơ hai bộ kiềng ám khói và nồi niêu úp ngửa. Mạ ngồi trước ngọn đèn mù mù bóng in trên vách rang nồi muối đâụ, nghiêng lu vét mấy lon gạo cho con canh ba đi học trường huyện. Không dám nhìn mạ, nép sau cánh cửa, nó khóc.
 
goibanhchung
Tết bếp nhà mạ đều đỏ củi lửa để nấu bánh chưng. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)
 
Thiếu thốn cách chi thì dăm ba ngày Tết bếp nhà mạ đều đỏ củi lửa để nấu bánh chưng và làm bánh thuẫn. Bao năm xa quê từng được nếm thử cả trăm loại bánh. Các loại bánh truyền thống nơi xứ kinh kỳ từ bánh lá đến bánh in bột nếp bột mì bột gạo, bánh trái cây. Các loại bánh nhập công thức nước ngoài đang rất thịnh hành như bánh nho, bánh táo, bánh chocolate, croissant…
 
Nhưng chỉ cầm trên tay chiếc bánh thuẫn vừa mới nướng là hương vị của những ngày Tết tuổi thơ như ùa về. Cắn một miếng nhỏ, giòn rụm, ngẫm một giây và tan, thấm thía. Vị ngọt bùi thơm hoà quyện rưng rưng…
 
Ngoại dành một góc vườn trồng toàn cây bình tinh. Mùa thu hoạch cũng được tính toán kịp tháng Tết. Cũ bình tinh được xay thành bột và lọc nước. Thứ bột sền sệt được sấy khô trên nong tre nhờ ngày nắng gắt. Nếu gặp dông thì phải được sấy đủ trên củi than quạt hết khói mới có được rá bột trắng thơm cất vào thẩu dành làm bánh.
 
Tháng Tết thật khan hiếm trứng gà. Nhưng mạ rất kỹ khi chọn nguyên liệu. Phải là trứng gà quê. Giống gà nhà nuôi bằng thóc gạo vãi trên sân, giun dế trong vườn. Dù thiếu dăm quả trứng, bà vẫn không chịu mua loại trứng gà nuôi bằng thức ăn công nghiệp.
 
Mượn thêm nhà dì Tư chiếc khuôn gang cho mẻ sáu cái, than củi đã chuẩn bị. Nó là đứa được mẹ cho phần quẹt mở vô khuôn gang. Bột bình tinh đánh trứng gà tươi thêm nước cốt gừng và đường cát. Đánh luôn tay bằng năm cặp đũa. Hồi này người ta mua máy đánh trứng nên bỏ mất cung đoạn rôm rả phấn khích nhất. 3-4 chị em ngồi đổi tay đánh trứng và trò chuyện. Cho đến khi chậu bột dậy mùi thơm sánh vàng thì bếp than cũng đã rừng rực.
 
Không thể nói hết cảm giác mẻ bánh đầu tiên đổ ra sậy lần nữa trên than. Mùi thơm dậy cả căn bếp của mạ. Mùi hương tinh bột của giống cây mọc lên từ đất sỏi vườn nhà, mùi gừng tươi cay ấm, mùi trứng và nồng đượm than lửa. Các con tôi nói khó có loại bánh nào ngon hơn ngoại ạ.
 
chuctetongba
Con cháu khắp nơi họp về mừng Xuân mừng thọ ông bà. (Hình: Nguyễn Đức Cung)
 
Hồi này mỗi dịp Tết, chợ làng chợ huyện đều bày bán bánh thuẫn. Hương vị của vùng đất miền Trung nghèo khó năm xưa mang lại thật nhiều cảm xúc cho mỗi tiệc trà của những người khách lạ, những người quê xa xứ mỗi dịp Tết đến Xuân về. Bếp nhà mạ mỗi năm thêm quây quần đông đúc. Từ chiếc bàn gỗ phải nẹp lại chân, cha đóng bộ bàn ăn tám ghế rồi mười ghế. Mùa Tết năm rồi em dâu mua luôn cặp chiếu có hoa văn thật vui mắt đủ chỗ cho ba chục người ngồi. Con cháu khắp nơi họp về mừng Xuân mừng thọ ông bà.
 
Cả nhà nhóm bếp củi ngay trên sàn bếp. Nó và mạ không còn được đánh bột đổ bánh. Cô cháu gái sắp lấy chồng dành hết việc.
 
Bà và cô chỉ cách cho con pha nước cốt gừng cho đủ. Còn tất cả cung đoạn nướng bánh đổ bánh con học được rồi. Cô biết không, bánh nhà mình ngon hơn cả vì vị gừng thơm cay vừa đủ, rất quyện, rất thơm và có cả chút mùi khói than củi nữa, mùi hương mà các nhà máy bánh kẹo khó làm ra được.
 
Trời rét đậm. Cây mai trên sân thượng đã hé nụ. Tết này tôi trễ hẹn về quê. Nhìn mưa qua cửa kính nhòe đi cứ như khói củi ướt năm nảo năm nao về làm cay xè hai con mắt.
 
Trời mưa dầm thế, bếp mạ có đủ củi khô. Năm nay cô cháu gái lấy chồng, có ai ngồi làm bánh và chuyện trò cùng mạ. Tôi nhớ mùi khói bếp ngày Tết. Nhớ những món ăn mạ nấu, nhớ những chiếc bánh thơm mùi cây trái vườn nhà có cả vị mồ hôi, tiếng cười và những giọt nước mắt tuổi thơ khốn khó.
 
Tôi mang niềm tin từ thuở bé thơ đến khi trở thành người đàn bà tóc pha sợi bạc. Rằng không có nơi đâu ấm hơn vui hơn và bình yên hơn khi ngồi bên bếp lửa mẹ nhen, đỡ trên tay chén cơm mẹ xới. Chúng ta mãi là những đứa trẻ bơ vơ khi rời xa góc bếp của mẹ…
 
Tôi mong một ngày mùa xuân trở về…
 
Đến cửa nhà, bỏ túi xách, chạy ào ra bếp. Mẹ ngồi đó, tóc bạc nhiều và lưng đã còng thêm, nhưng mẹ đang ngồi đó, nơi góc bếp như muôn năm qua người ở đó. Và tôi là đứa trẻ hạnh phúc nhất đời!
 
Trần Ngọc Diệp
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com