User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
danhtusan
 
Cuối tháng 4 năm 1975, bùng nổ một sự kiện lịch sử đầy sợ hãi và lo lắng cho người dân miền Nam: Việt Cộng chiếm miền Nam! Ngay cả tôi, một con bé vừa tròn mười lăm tuổi, đâu đã hiểu biết gì nhiều về cuộc chiến tranh hôm qua cũng đã cảm thấy một thất vọng não nề, một bầu trời u ám, một tương lai tối đen cho gia đình tôi nói riêng, và cho cả miền Nam nói chung.
 
Cái bóng đen kinh hoàng ấy đã bao trùm xuống gia đình tôi từ lúc cha tôi bị đi cải tạo. Mẹ tôi đã phải chống chọi với mọi khó khăn trong thời điểm mở đầu rất khắc nghiệt của chế độ Cộng Sản. Lao vào cuộc sống mới giành giật từng miếng cơm manh áo cho tất cả mười đứa chúng tôi và một bà ngoại già yếu với hai bàn tay trắng, không chút kinh nghiệm gì với sự bươn chải ngoài đời, và cũng không có một sự giúp đỡ nào từ phía họ hàng, người thân hay bè bạn. Mẹ tôi, dù đã cố gắng hết sức mình vẫn không kéo được chúng tôi qua khỏi con vực nghèo đói của cuộc đời. Cái nghèo đói tấn công vào gia đình tôi rất nhanh, mỗi ngày tôi đi học với cái bụng rỗng cồn cào đến run rẩy, để chán ngán ngồi nghe những bài giảng về tập thơ “Nhật Ký Trong Tù” của Hồ Chí Minh, để mệt mỏi với những bài ngợi ca về cuộc chiến thắng vĩ đại thống nhất đất nước. Đầu óc tôi bấy giờ chỉ nghĩ đến khi nào thì cha tôi sẽ được nhà nước Cộng Sản thả về? Và khi nào thì gia đình tôi sẽ được trở lại một đời sống bình thường đủ ăn, đủ mặc. Tinh thần tôi suy sụp theo cơn đói và nhất là mỗi khi đi học về tôi lại nghe tiếng gào khóc của em bé tôi trong cơn khát sữa. Tôi chán học, chỉ muốn đi làm kiếm tiền để giúp mẹ. Sau mấy ngày trốn học đi lang thang tìm việc làm, tôi đã chẳng tìm được việc gì ngoài việc làm cho mẹ tôi buồn và khóc. Mẹ đã năn nỉ tôi đi học lại, và mẹ bảo tôi, thử nghĩ xem cha tôi sẽ đau khổ biết chừng nào khi cha trở về trong cảnh gia đình tan nát, các con hư hỏng, bỏ học hành. Nghe mẹ nhắc đến cha, tôi thấy lòng mình ấm lại, mẹ tôi nói đúng, tôi phải đi hết con đường học vấn dù có nhiều chông gai trở ngại, dù phải ngồi hàng giờ, hàng tháng nghe những bài giảng chính trị khô khan, phải cần mẫn với những công tác lao động trong trường, tôi vẫn phải, và luôn phải cố gắng để không phụ lòng cha mẹ tôi........
 
Tháng 6/1977, sau khi tôi đã thi đậu xong bằng tốt nghiệp lớp 12, tôi cứ tưởng là đã trút được gánh nặng sách vở để bắt đầu đi tìm việc làm. Vậy mà không, mẹ tôi lại muốn tôi thi vào Đại Học Sư Phạm. Thật tình, tôi đã chẳng còn muốn đi học lên làm gì nữa, tôi cố trình bày với mẹ những điều tôi được biết về chuyện thi cử rằng: vào Đại Học Sư Phạm không phải là chuyện dễ, học sinh phải có lý lịch trong sạch đến 3 đời. Đó là chưa kể đến diện ưu tiên cho những thí sinh thuộc thành phần đi bộ đội, những gia đình có công với cách mạng, gia đình bần nông hay công nhân… Hơn nữa tôi cũng không muốn trở thành một giáo viên dạy Văn dưới chế độ Cộng Sản khi chính trị đã xen lẫn vào văn học. Tôi còn đưa ra gương điển hình của anh trai tôi đã thi rớt Đại Học năm trước dù rằng anh học rất khá và rất chăm chỉ. Song, những lý lẽ của tôi vẫn không thuyết phục được mẹ, và mẹ tôi với một thái độ vừa cương quyết, vừa nhẹ nhàng, vừa khuyến khích, vừa năn nỉ đã làm tôi không thể trái ý mẹ. Tôi không muốn mẹ tôi lại khóc lần nữa vì chuyện học hành của tôi. Thế là tôi ngoan ngoãn lên đường ứng thí cho mẹ vui lòng sau khi biết chắc rằng tôi sẽ không bao giờ thi đậu. 
 
Những tháng hè chờ đợi kết quả là những tháng ngày hồi hộp và lo lắng nhất, khi trong phường tôi ở rầm rộ lên phong trào “nghĩa vụ lao động”“thanh niên xung phong.” Thanh niên nam nữ, ai ai cũng phải tham gia một trong hai công tác đó nếu không có công ăn việc làm. Anh lớn của tôi đã phải đi thanh niên xung phong từ năm ngoái vì anh đã thi rớt Đại Học và cũng không thể tìm được việc gì để làm. Trong thư viết về nhà anh có nói: “Môi trường thanh niên xung phong rất cực khổ và tạp nhạp, không thích hợp cho con gái đâu”, bởi thế mẹ và tôi rất lo sợ nếu tôi không có ngay một việc làm ổn định, tôi phải có nghĩa vụ đi lao động để xây dựng đất nước, đi đào kênh, đi thủy lợi, đi thanh niên xung phong, cái nào cũng ghê!
 
Tôi không muốn xa mẹ, xa em, tôi chạy vạy mọi nơi tìm việc. Trong khi mẹ con tôi đang bối rối thì tôi nhận được giấy báo đi tập trung lao động thủy lợi vào tuần tới. Mẹ và tôi cùng quýnh quáng, mẹ dắt tôi lên phường năn nỉ họ xin gia hạn cho tôi thêm thời gian đi lao động vì tôi đang chờ kết quả thi Đại Học. Mẹ tôi cũng hỏi có cách nào cho tôi được miễn không, người cán bộ phường nói: “Nếu không đi thì phải đóng tiền, nhưng việc đóng tiền chỉ dành cho những người sức khoẻ kém, hoặc ở tuổi trung niên, con chị là thanh niên thì phải thi hành nghĩa vụ.” 
 
Mẹ con tôi ra về trong nỗi buồn lo đến méo xẹo mặt mũi. Ngày hôm sau, mẹ dắt tôi vào hợp tác xã may mặc, chỗ mẹ đang làm, cố xin ông tổ trưởng xếp cho tôi một công việc gì cũng được để tôi có thể trì hoãn việc đi lao động. Thương tình mẹ con tôi, ông xếp tôi vào tổ làm khuy áo, tổ này đang thiếu người. Tuy nhiên, ông chỉ nhận tôi vào làm công nhật chứ không nhận như một tổ viên hợp tác xã chính thức, vì thế công việc này cũng không thể bảo đảm cho tôi “thoát” được “nghĩa vụ lao động.” Thôi đành chịu vậy, tôi cũng phải làm một cái gì đó để đỡ đần cho mẹ hơn là không làm gì hết, còn chuyện đi lao động, cứ mặc kệ tới đâu hay tới đó.
 
… Rồi một sự may mắn tình cờ đã đến, tôi nhận được thư báo của trường Đại Học Sư Phạm ngay khi tôi vừa bước chân vào nhà. Trong thư, nhà trường cho tôi biết là tôi đã không đủ điểm đậu vào Đại Học Sư Phạm (tôi đã biết chắc điều này rồi) nên họ chuyển tôi xuống trường Trung Học Sư Phạm Mẫu Giáo, và có lẽ vì thành phần lý lịch của tôi không được rõ ràng, nên tôi chỉ được nhận vào học khóa cấp tốc 3 tháng, thay vì học khóa chính quy 1 năm. Tôi hết sức mừng rỡ, càng tốt, chỉ cần học thêm có 3 tháng nữa thôi là tôi đã có một công việc hẳn hoi để giúp mẹ, và cái may trước mắt là tôi đã không phải đi lao động thủy lợi, vì theo thông báo trong thư tôi phải có mặt ở trường thứ hai tuần tới. Tôi bỗng tưởng tượng đến sự vui mừng hiện trên khuôn mặt của mẹ, tôi phải rất cám ơn mẹ tôi về chuyện này, nếu tôi không chịu đi thi Đại Học như lời mẹ khuyên bảo, thì làm sao tôi có thể tìm được việc làm với mảnh bằng tốt nghiệp lớp 12, lại chưa biết một nghề chuyên môn nào cả. Tôi cũng không nhanh nhẹn như các em tôi để theo những người buôn thuốc Tây ngoài chợ trời sau giờ học. Mẹ tôi đã nhìn thấy tôi là một đứa con chậm chạp, không có khả năng lăn lộn với cuộc sống bán buôn và càng vụng về hơn trong những công việc tỉ mỉ chân tay. Bấy giờ tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi quan niệm cuộc đời là một bài toán, một bài toán thật hóc búa! Vào thời điểm đó không ai đã có thể tìm ra một đáp số chính xác cho bài toán của cuộc đời mình...
 
… Những ngày đầu đi làm của tôi cũng thật là chua chát, đắng cay. Tôi luôn chịu sự đối xử bất công của bà Hiệu Trưởng so với T. bạn dạy chung, mặc dù tôi rất chăm chỉ, đi làm đúng giờ, soạn giáo án đúng ngày. Nhưng hình như bà không bao giờ hài lòng với mọi sự cố gắng của tôi. Có nhiều hôm, vì cơn đói vật vã, khiến tôi mệt mỏi và không có sức để đi tới đi lui nhiều. Giờ vui chơi, tôi chỉ ngồi một chỗ bất động nhìn học trò chạy nhảy như chong chóng. Bà đã bực dọc la lối tôi như một đứa trẻ: “Em làm cô giáo gì mà thụ động quá vậy hả? Chẳng biết dạy học trò cho ra nề nếp gì hết. Đâu phải đi vô dạy là cứ ngồi đó hoài để lãnh tiền đâu?” Bà không biết mà chắc cũng chẳng cần biết là gia đình tôi đã không có cơm ăn gần cả tuần rồi, chỉ toàn ăn cháo độn rau muống. Hai hôm trước cháo cũng không có mà ăn, phải ăn rau muống luộc không. Tôi đang thấp thỏm chờ tháng lương đầu và chút nhu yếu phẩm đem về cho mẹ đổi lấy gạo nấu cơm. 
 
Một buổi sáng, tôi đến trường trong cái mệt và đói lả người. Tôi cố lết vào lớp tìm một cái ghế ngồi phịch xuống. Hôm đó, Thái không đến trường, cũng không thấy bóng dáng bà Hiệu Trưởng đâu. Bà thường viện cớ cho sự vắng mặt của bà là phải đi xuống phường thường xuyên đốc thúc họ cấp nhà cho trường Mẫu Giáo, chứ trường ốc như hiện giờ ai mà thèm cho con đi học. Tôi nhìn những đứa bé học trò trong lớp toàn là con nhà nghèo, đứa nào mặt mũi cũng lem luốc, mũi dãi chảy lòng thòng. Có đứa mang chân không đi học, tôi chợt xót xa nghĩ đến hình ảnh của các em tôi có khác gì những đứa bé nhà nghèo này đâu. Tôi mong cơn đói sẽ qua đi, để tôi đứng dậy phát tập cho học trò tô màu. Cái đói đã làm tê liệt cả não bộ của tôi, cả tứ chi tôi không buồn nhúc nhích. Nếu bà Hiệu Trưởng có mặt ở đây thì chắc chắn tôi sẽ bị trách móc về chuyện đi vô dạy mà cứ ngồi hoài… Bất chợt, em trai kế của tôi từ nông trường lao động ghé qua trường thăm tôi. Thấy bóng em, tôi vịn thành ghế đứng lên, chầm chậm bước ra cửa, nhìn em tôi đen đủi và già đi rất nhanh so với tuổi muời tám của em, tôi cười trong nước mắt. Không đợi tôi hỏi, em tôi nói ngay một hơi:
 
- Em mượn xe đạp của thằng bạn chạy về đưa nhu yếu phẩm cho bà, không thấy Mai ở nhà, mấy đứa nó nói Mai đi dạy ở đây. Em ghé qua thăm Mai một chút rồi phải đi liền, Mai xanh quá à.
 
Tôi cảm động không nói được, nước mắt cứ rơi. Tiếng em tôi hỏi: 
 
- Sao Mai khóc vậy? Bộ dạy ở đây cực lắm hả?
 
Tôi lắc đầu, ngập ngừng nói:
 
 - Chị… chị … đói quá, nhà mình mấy hôm nay... khổ lắm. Mẹ chạy không nổi hai bữa cơm cho cả nhà, mà chị thì... chẳng phụ gì được cho mẹ… Đi làm cứ mong lương hoài mà chưa có…  
 
Tôi sụt sịt gạt nước mắt, em tôi ngắt lời: 
 
- Em biết cái khổ của nhà mình, bởi vậy em không dám ở nhà lâu. Không biết chừng nào bố mới về cho tụi mình đỡ khổ...
 
Em tôi chợt ngừng nói và móc túi áo lấy ra một gói nhỏ đưa cho tôi: 
 
- Em cho Mai nửa cục đường tán nè, Mai ăn đi đỡ đói. Ở chỗ em mỗi lần đi lao động mệt đứa nào cũng phải thủ cục đường để ngậm cho khoẻ. 
 
Mắt tôi sáng lên:
 
- Vậy hả? Sao Thái không để dành mà ngậm cho chị làm gì?
 
- Mai đang đói ngậm liền đi cho khoẻ, em đã ăn nửa cục rồi mới có sức đạp mười lăm cây số về đơn vị bây giờ chứ.
 
Tôi cầm nửa cục đường thẻ nhìn em nghẹn ngào…
 
Em tôi nói:
 
- Thôi, em phải đi đây, Mai ngậm liền đi cho khoẻ để có sức la hét tụi nhỏ.
 
Nói rồi em đạp xe đi nhanh. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo em, vừa run rẩy bỏ cục đường vào miệng. Vị ngọt của đường, và vị mặn của nước mắt pha lẫn vào nhau trong cổ họng tôi như tắc nghẽn lại…
 
Đúng như lời em trai tôi nói, chỉ vài phút sau tôi bỗng thấy mình khoẻ hơn một chút. Tứ chi tôi đã muốn hoạt động trở lại để tôi có thể chơi đùa với những đứa bé ngây thơ trong lớp. Sau giờ học, bà Hiệu Trưởng tạt qua trường đem cho tôi một tin thật khủng khiếp: phòng giáo dục không có tiền trả lương cho giáo viên trong 3 tháng, chúng ta sẽ được “truy lãnh” 3 tháng lương vào tháng 12. Tai tôi như ù đi, tôi tưởng như con ma đói đang cào bụng tôi đến chảy máu. Trời ơi, ba tháng không lương! Tôi sẽ phải làm sao để giúp gia đình tôi trong cơn túng quẫn này? Ba tháng không lương, tan nát hết bao nhiêu hy vọng của tôi rồi. Tôi không biết tôi còn được bao nhiêu sức lực để vượt qua những cơn đói dài trong những ngày tháng tới? Ba tháng không lương, có ai tin được đó là sự thật dưới chế độ cộng sản? Đảng và nhà nước đã làm được gì cho nhân dân sau khi hòa bình, ngoài sự phát triển cái nghèo, đói và bệnh hoạn, ngoài việc hô hào dân chúng là đất nước hãy còn khó khăn, mọi người dân chúng ta phải biết khắc phục, còn phải khắc phục đến bao giờ? Thật là một nền hoà bình trong ai oán và uất hận. Trên đường về nhà tôi cứ lẩm bẩm mãi câu “ba tháng không lương” như một người khùng, rồi tôi bật khóc tức tưởi…
 
Bây giờ ngồi đây tôi vẫn còn khóc, khóc mãi trong suốt cuộc hành trình ngược dòng thời gian về một quãng đời đen tối của sự nghèo đói sau chiến tranh. Còn biết bao nhiêu điều tang thương đã xảy ra trong gia đình tôi, những năm tháng vắng mặt cha,… Có những khúc quanh trong cuộc đời gợi cho tôi nhiều xúc cảm quá đớn đau, quá xót xa, đến độ tôi không tài nào nhấc bút lên viết hết được, và phải dừng lại nỗi nhớ của mình.
 
 
Thiên Lý (trích hồi ký: Ngược Dòng Thời Gian)
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com