User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
canh dep buon
 
Đến trưa, đám anh em xin được việc làm lần lượt đứng dậy rời khỏi phòng E. Anh Lân trở lại bàn giấy, có chuông điện thoại đang reo. Sau đó, một cô gái đi đến gần, yên lặng đặt bàn tay lên một chiếc ghế. Ở lối cửa bên trong vừa đi ra, ông Phò chợt dừng bước, bỗng nhiên cười vui, ồn ào ngay về trận đánh quyền anh tối hôm qua giữa Mike Tyson và Holyfield. Anh Lân gật đầu, tỏ ý đồng thuận về nhận định của ông Phò. Cũng khá lâu, cuộc nói chuyện của anh Lân trên điện thoại với người bạn mới chấm dứt.
 
- Thưa thầy, cho con xin mẫu đơn, cô gái nói.
 
- Đợi qua tuần sau đi, rồi anh Lân bắt đầu giải thích vấn đề rất cặn kẽ.
 
Trên vẻ mặt cố chăm chú nghe, nhưng có một vài điều anh Lân đề cập đến khiến cô gái lo ngại. Bỗng nhiên, với giọng quả quyết, cô nói:
 
- Thưa thầy con muốn đi tìm việc làm hơn là phải đến trường.
 
Anh Lân gỡ cặp kính trắng, qua một nụ cười nơi ánh mắt, anh nói:
 
- Cháu đừng lo, ngày nào trường cũng có liên lạc với nhiều hãng xưởng ở đây.
 
-Thầy cố giúp con.
 
- Được rồi, cháu cứ yên tâm về lớp học đi.
 
Tôi quay lại, vội vàng trả lời tiếp những câu hỏi của anh Phúc. Không nhìn tôi, đầu anh vẫn cúi xuống với cây bút tiếp tục ghi đầy đủ vào hồ sơ.
 
- Như vậy, sáng mai tôi không cần trở lại.
 
- Không.
 
- Hồ sơ này tôi sẽ rút hay là nhà trường giữ.
 
Anh Phúc ngẩng đầu lên, nhìn lại tôi hỏi:
 
- Khi hãng nó cho nghỉ việc, anh có trở lại trường không?
 
- À, tôi hiểu.
 
Anh Phúc đã hoàn tất hồ sơ của tôi, xong bóc một tờ giấy nơi cuốn lịch bàn ghi ra những điều quan trọng tôi cần phải thông báo cho nhà trường sau mười ngày đi làm việc. Tôi cầm tờ giấy anh Phúc đưa cẩn thận cho vào ngăn ví xong đứng lên chào anh. Bây giờ, anh Phúc mới cảm thấy nhẹ nhõm, nở nụ cười và đưa tay bắt.
 
Ra ngoài, tôi đi dọc mái hiên qua một căn phòng đang bỏ trống, tiếp căn này là lớp học cũ của tôi. Lúc này, vẫn đang còn giờ học. Tôi nghĩ đến cô giáo Anna, và một thoáng về những người bạn.
 
Khi đến cuối dãy các phòng học, tôi chợt trông thấy cô gái lúc nãy đang đứng chỗ có bóng cây trò chuyện với Khuê. Tôi cười hỏi cả hai người:
 
- Chưa muốn về nhà sao?
 
- Em còn ở lại học lớp điền đơn buổi chiều, cô gái nói.
 
- Rồi thầy Lân hứa hẹn như thế nào.
 
- Thầy bảo em đợi một tuần lễ nữa.
 
Khuê chia tay cô gái rồi cùng theo tôi ra về. Nghe những bước đi của mình bên cạnh một người bạn gái, tự nhiên tôi nghĩ đến bóng mát và những năm tháng đầu tiên lúc tuổi mình hẳn còn trẻ. Rồi với Khuê, có vẻ như định nói một ý riêng tư, nhưng rồi nàng cảm thấy ngượng. Nơi cặp mắt Khuê, vui hay buồn gì tôi cũng thấy có một nụ cười.
 
Ngày đầu tiên cô Hằng trên Sở Xã Hội gởi giấy thông báo của chương trình GAIN gọi tôi đến trường này ghi tên học, như tâm trạng cô gái lúc nãy tôi cảm thấy chán ngán, vừa lo âu. Rồi qua buổi trắc nghiệm, ông Phò bảo tôi:
 
- Anh ngữ của cậu còn kém lắm. Cậu phải lo đi học mới mong tìm được việc làm ở cái xứ Mỹ này.
 
- Vâng, xin bố cho vào học lớp vỡ lòng.
 
- Vỡ lòng cậu qua được rồi. Vào lớp B. cho tôi.
 
- Ai dạy lớp này hả bố.
 
- Cô Anna.
 
Ông Phò bề ngoài có vẻ ồn ào như vậy, nhưng là người rất tốt bụng. Trước đây, ông ở chung một đơn vị trong ngành tâm lý chiến với anh tôi. Ngày hôm sau, như trong mẫu giấy đã ghi tôi đến lớp học của cô Anna. Nghe các bạn nói cho biết, cô Anna là người Anh dạy học ở Mỹ hơn mười năm nay rồi. Vào buổi đầu tiên lớp học đông, và gần như đồng đều số học viên nam và nữ. Cô Anna dạy rõ ràng, dễ hiểu, những gì tôi tự học lấy một mình ở nhà đều trở nên lạ lẫm trước bài giảng của cô Anna. Vậy đó, nên được học với cô Anna làm tôi cảm thấy vui, vừa hứng thú chăm chú vào bài học, bài giảng ở lớp. Có thêm nữa là không khí rất vui trong lớp học, cùng với một số học viên nữ còn trẻ, còn rất duyên dáng với nhan sắc.
 
Khuê ngồi ở bàn thứ tư, phía ngoài, dãy bên trái. Cái vóc dáng của cô đã gầy, nhỏ bé, lại còn có mái tóc cắt ngắn ngủn như một học sinh Trung Học. Buổi đầu trông thấy Khuê ngộ nghĩnh, tôi hơi tức cười. Nhưng rồi qua thời gian, không hẳn đúng với ý nghĩ bất chợt đó của tôi mà ở Khuê, tôi thoáng nhận một đôi nét thật nghiêm trang vừa phảng phất buồn. Và ở trong lớp, Khuê khá nhất. Vừa nhạy cảm, thông minh, và có một số vốn ngữ vựng rất dồi dào nên thường tỏ ra xuất sắc khi trả lời những câu hỏi khó của cô Anna.
 
Mỗi ngày, thường lệ lớp học được nghỉ ra chơi lúc mười giờ. Bên kia hàng rào của trường là cơ xưởng hỏa xa có khu chợ nhỏ bán trái cây, và một quán nước giải khát dành cho công nhân. Bên này, muốn qua khu vực bên đó phải vòng ra phía đằng sau nhà kho rồi men theo con dốc lài nhỏ hẹp ăn tới đường ray xe lửa. Nhưng chẳng có gì trở ngại với cả đám học viên nam cũng như nữ cả. Thoắt đi, thoắt về là có một đống quà bày ra ngồi ăn trong lớp. Bữa hôm đó, bên nữ rủ mấy người trong bọn chúng tôi đi theo. Qua khỏi đường ray, rẽ phải là vào khu chợ, ở đây, có đến ba bốn gian hàng của người Miên, người Lào bày bán đủ các thứ rau quả, hàng hóa trên khoảng sân có bóng cây im mát bao phủ. Thấy nơi đây một quán chợ nhỏ giống như bên nhà, tự nhiên, tôi nhớ thật thân thiết về những hình ảnh cũ ở một tỉnh lỵ nhỏ là nơi quê quán của mình. Tôi dạo bước, vừa hút điếu thuốc, bỗng nghe tiếng Khuê gọi, sau đó cô tới gần chìa tay cho tôi một quả táo. Tôi vui, nhìn lại Khuê, lúc này hai người được gần nhau trò chuyện. Với những điều tôi nói ra bình thường thôi, nhưng lúc nghe, cùng lúc trong ánh mắt nhìn lại nhau, tôi bỗng thấy trong cặp mắt Khuê một nụ cười vừa dậy sáng lên những hạt cám nhỏ. Khi cùng nhau trở lại lớp học, tôi vui nghe rất dễ thương từng giọng nói của Khuê, và rồi, vừa tỏ tình thân như là người bạn tôi đặt bàn tay lên một bên vai Khuê.
 
Ngày hôm qua, tự dưng toàn lớp học của chúng tôi như bị băng rã. Cả hai người, anh Lân và anh Phúc xuống lớp gọi tên đến một phần ba số học viên, ngay đó, ai có tên gọi cũng đều vội vàng cắp tập vở lên văn phòng. Ngồi ngay ngắn trong phòng hội, chúng tôi cùng hướng mắt lên bục giảng nơi anh Lân đứng. Trong tư thế chuẩn bị, anh Lân gỡ cặp kính rồi đầu hơi cúi xuống với chiếc khăn mùi soa đang lau kính. Đợi một lúc, anh Phúc phát những mẫu giấy điền đơn xong, anh Lân mới bắt đầu nói đến những công việc hiện tại mà có một số hãng xưởng đang cần tuyển chúng tôi vào làm việc qua trung gian giới thiệu của nhà trường. Rồi ở lại đến chiều để hẹn cuộc phỏng vấn, trước khi những nhân viên của các công ty đến, sau bữa ăn trưa, chúng tôi được hướng dẫn một số câu nằm lòng để dễ dàng có điểm đậu.
 
Vậy rồi, sáng hôm nay chúng tôi còn đến trường một lần chót để làm thủ tục kết thúc hồ sơ của khóa học. Hôm nay, những điều anh Lân nói với các học viên thật hùng hồn và rất hay. Với chiếc kính đeo trước cặp mắt trong sáng, mái tóc lúc nào cũng chải rẽ mượt mà, chiếc cà vạt màu tím, cái áo sơ mi luôn ủi thẳng nếp, và dáng vẻ đi đứng của anh luôn tạo cho hết cả học viên một ấn tượng rất hay đẹp về ông Hiệu trưởng của nhà trường. Khuê và các chị gọi anh Lân bằng thầy, còn tôi và nhiều bạn HO khác quen với đời quân ngũ nên có sự thân mật cách gọi bằng anh để đừng quá xa cách.
 
Tiếng Khuê hỏi:
 
- Ngày mai anh đi làm chưa?
 
- Chưa. Anh còn được một ngày nghỉ nữa, sáng mốt bắt đầu.
 
- Bốn giờ chiều mai em lên ca.
 
- Cô đã biết công việc như thế nào chưa?
 
- Biết, em làm ở bộ phận khâu van tim.
 
Trên một quãng phố vắng, hai chúng tôi đi bộ. Tôi hỏi đến công việc của Khuê, nhưng về mình, tôi cũng đang lo nghĩ công việc những ngày tới. Không biết, tôi đảm trách nhiệm vụ giao hàng hay là đứng bán hàng. Nhưng tôi nhớ rõ, sau buổi phỏng vấn, cô Stephane cho biết, tôi còn phải qua trung tâm Công ty Circle K. học hai ngày ở một lớp huấn luyện.
 
Quán bánh Donuts có mái hiên, nằm bên trái là một khoảng đất còn bỏ trống, trước mặt, bóng cây cao lớn nhìn ra đường, dịch lên phía trên một chút là tấm bảng cắm màu xanh biển của trạm ngừng xe buýt.
 
- Hình như đi Irvine, xe buýt đổi chuyến ở trạm này.
 
- Không, anh. Chỗ này qua Tustin. Đi Irvine, trạm đổi ở cuối đường Grand.
 
Hai người đàn bà Mễ đang chạy băng qua khoảng đất trống. Tôi thoáng nhìn đồng hồ đeo tay, cùng lúc, trông thấy ngoài con đường một đám nắng đang rớt xuống. Ở ngoài mái hiên có hai bàn trống, và chúng tôi đang ngồi ở bàn ngoài. Khuê uống nước mát loại seven up, còn tôi, ly cà phê sữa có pha chút mùi vị quế.
 
Khuê hỏi tôi:
 
- Ngày trước, anh có ở thành phố Quy Nhơn không?
 
- Không, nhưng có biết nơi đó.
 
- Em ra trường, dạy học ở đó bốn năm.
 
- Ủa, Khuê có đi dạy học.
 
Khuê đang ăn miếng bánh, vừa gật đầu nhẹ. Bỗng dưng, tôi vướng chút phân vân. Ở đôi mắt Khuê như hiện lên một bóng im, rồi ngay sau đó, nụ cười muốn biểu hiện một hình ảnh tuy đã xa cách, dù một chút muộn màng nhưng vẫn còn có thể liên tưởng được.
 
- Anh có một người bạn thân ở thành phố Quy Nhơn.
 
- Quy Nhơn là quê của chồng em.
 
- Anh ấy dạy học?
 
- Không, anh ở trong quân đội.
 
- Nằm đơn vị Tiểu Khu.
 
- Không, anh. Ở đơn vị tác chiến.
 
Tôi có cảm tưởng như mình đang chờ đợi người nào đó sẽ đến và có mặt ở đây. Sự vật trước mắt, cố gắng lộ ra một vài dấu hiệu đang còn lẩn trong vẻ bí ẩn, đột nhiên tôi có ý nghĩ rằng Khuê và tôi đã có biết nhau từ trước.
 
Khuê nói với tôi, một giọng hơi buồn:
 
- Sau năm 1975 một năm, em vào Sài Gòn.
 
- Anh có đi một chuyến vượt biên nhưng không lọt được.
 
- Anh biết không, chồng em đã trở về báo trước cái chết mà em không tin.
 
- Anh nhà vượt biên?
 
- Không, chết trong tù.
 
- Ở trại miền Nam hay ngoài Bắc.
 
- Ngoài Bắc anh ạ. Đúng ra, em đi thăm sớm hơn nhưng giấy tờ xin khó khăn, trễ nải.
 
- Rồi sau đó ra sao?
 
- Em không tin anh ấy chết. Nhưng khi em tới trại, em không còn gặp nữa.
 
- Anh cũng ở trại miền Bắc hơn bốn năm.
 
- Hai ngày sau, em mới được quản giáo cho đi thăm mộ anh ấy.
 
Khi bật que diêm châm điếu thuốc hút, tôi hiểu rằng mình có nên không kể rõ hết câu chuyện, hay để cho nỗi buồn xưa vơi lắng, dịu đi.
 
Khuê nói với tôi:
 
- Buổi sáng đó em đi nhờ xe trâu của trại ra bến đò. Cũng may, lúc em đến ga Ấm Thượng vừa đón kịp chuyến tàu về Hà Nội.
 
Tôi chợt có cảm giác giọng nói Khuê là một thứ hơi nắng, vừa khô, ấm, và nghe giòn như một ngọn lá khô.
 
- Em chắc không nhớ, nhưng anh nhớ đã có gặp em.
 
Khuê ngước lên nhìn tôi, cặp mắt mở to:
 
- Có thực không, hồi trước, anh gặp em ở đâu?
 
Tôi nói, giọng bình yên:
 
- Anh vẫn ở nơi đó, và đợi tin tức của em.
 
- Em không hiểu, hoàn toàn không hiểu.
 
- Bây giờ em đã cắt tóc ngắn rồi, không nhớ ra ai nữa đâu.
 
- Ủa, sao mà anh biết đúng như vậy.
 
Xe buýt đang tới trạm ngừng. Từ nãy giờ, tôi đã không để ý đến một hành khách ngồi trên xe lăn cạnh băng ghế bỏ trống. Lúc này, một chiếc cầu thang máy từ trong xe buýt kéo ra và hạ xuống. Rồi sau đó, chiếc cầu thang cẩn thận từng chút khi đưa người hành khách lên xe.
 
Nối tiếp câu chuyện với Khuê, tôi hỏi:
 
- Ngày hôm sau em còn ở lại Hà Nội không?
 
- Em ở Hà Nội đến bốn ngày, Khuê đáp.
 
- Ở chơi để đi thăm thành phố.
 
- Không có đâu, không mua được vé tàu đành chịu trận. Hà Nội, có gì mà tìm kiếm, xác xơ nghèo lắm anh ạ.
 
Im lặng, hai người cùng đưa mắt nhìn ra ngoài trưa nắng. Bỗng nhiên Khuê nghe tôi nói:
 
- Vào năm đó, anh cứ tưởng em đã đi rồi.
 
- Em không đi được, dù rất muốn đi.
 
- Anh bồn chồn mong nhận được tin và thư của em. Lúc này đây, có thể em đã lãng quên, nhưng anh còn nhớ rất rõ.
 
Tôi bắt đầu kể lại câu chuyện. Vừa nghe tôi kể, Khuê rưng rưng nước mắt khóc. Câu quản giáo Hạnh nói với tôi rất rõ ràng:
 
- Anh K. đưa chị Hoàng về nghỉ đi.
 
Người thiếu phụ vẫn đang khóc ngất, gục đầu, phủ hết cả thân người và mái tóc lên ngôi mộ.
 
Tôi đứng im như là pho tượng.
 
- Chị có khóc nhiều, anh ấy cũng không thể trở về được.
 
Viên quản giáo lại nói, giọng vẫn bình thản. Tôi do dự, nhưng rồi phải theo lệnh truyền, bước tới gần bên và nắm cánh tay chị ta kéo, vừa đỡ dậy. Chị ta cố vùng vẫy, tôi cũng vẫn có bổn phận đưa chị về chỗ nhà nghỉ dành cho thân nhân.
 
Nơi đây, vẫn còn rất xa những dãy núi phía Bắc. Những dãy núi ấy trông thật lâu mới thấy hiện lên qua đám mây dáng hình một bầy ngựa trắng. Trưa, nắng đã lên cao, vừa đốt sức nóng, bỗng nhiên có một hồi trống trường dội lên làm nó dịu hẳn lại. Và nghe tiếp theo đó là những tiếng đập cánh sột soạt của mấy con gà rừng.
 
Viên quản giáo gọi tên tôi, vừa cho lệnh:
 
- Chiều nay anh còn phải đi nhận hàng nữa.
 
- Tôi đi một mình.
 
- Không, có tôi nữa.
 
Người thanh niên đi xuống lối đường dốc băng nhanh qua đám ruộng để về cơ quan của trại. Ở lối rẽ bên này, tôi và người thiếu phụ đang cố gắng từng bước. Tôi rất hiểu được nỗi khổ tâm của người vợ đã mất chồng, nhưng không thể nói gì được để an ủi.
 
Tối hôm ấy, chỉ có một ánh đèn leo lét ở khu nhà thăm nuôi.
 
Sương mờ đang còn bao quanh dòng suối. Vào lúc nghe tiếng gà gáy, người đàn ông thức dậy, sửa soạn như công tác ngày thường, rồi ngồi một mình hút thuốc lào, uống trà đặc đậm, sau đó lên đường. Ở bên cánh tay phải, luôn có đeo cái túi dết đựng đồ, và chưa hề thấy lúc nào anh ta quên không đội lên đầu chiếc nón vải.
 
Hôm nay, xe trâu phải rời trại sớm để ra bến Ngọc kịp chuyến đò. Người đàn bà cũng đã thức giấc đợi, khi nghe tiếng chuông rung liền tới đứng bên cửa nhìn ra ngoài. Con trâu đã kéo chiếc xe vào sân, dừng lại Người đàn ông nhảy xuống, và hành lý của người kia được bỏ lên xe.
 
Không lâu, xe lên đường. Bây giờ trong gió và sương lạnh lờ mờ đầu ngày, chiếc xe thong thả chạy trên con đường cái nằm ven theo con suối. Tiếng suối chảy lướt đi theo cơn gió, nhưng nghe âm vang thật quá mơ hồ.
 
Một lúc nghe khách hỏi, người đánh xe đáp lời.
 
- Khoảng một giờ trưa mới có tàu trên Ấm Thượng về Hà Nội.
 
- Ở bến đò lên nhà ga, xa không anh?
 
- Đò dọc lên tới ga, mất chừng khoảng hai giờ.
 
Rồi họ cùng lặng yên, không một ai gợi thêm chuyện. Mỗi lúc, trời sáng trong, nắng lên dần cao và bao quanh những ngọn đồi.
 
Con trâu kéo xe đổ nhanh xuống một đoạn dốc rồi lại leo dốc. Người đàn ông nhảy xuống cầm lấy sợi kéo, bỗng trong phút chốc lại nghe có tiếng khóc thật rầu rĩ, ảm đạm. Đi dựa ven theo lưng núi, cùng với cỏ cây, người đàn ông đang nghĩ đến vợ và đứa con gái nhỏ ở nhà. Mới ngày đó, đã qua mau hơn bốn năm.
 
Xe đi qua một ngả ba đường của thôn xóm, khoảng nửa giờ sau đến bến đò Ngọc. Bến đò này, quãng sông rộng nằm phía bên trên huyện Sông Thao. Qua mười tám tháng, người đàn ông đã quen thuộc bến này với mỗi ngày, hay mỗi tuần đi đón thân nhân từ miền Nam ra thăm tù cải tạo ngoài này.
 
Khi hai người cùng xuống xe, người đàn bà đứng lại một mình.. Một lúc sau, ở đầu bến gỗ quay trở lại, người đàn ông nói:
 
- Một giờ nữa đò dọc mới lên.
 
- Bây giờ anh đánh xe trở về trại.
 
- Vâng. Chúc chị đi yên bình.
 
- Tôi có nấu cơm nếp sáng nay, anh hãy ăn rồi về.
 
- Chà, không được. Chị phải cất dành đi đường xa.
 
Người đàn bà nắm vội cánh tay người kia, nói:
 
- Anh đừng lo ngại, tôi có đem tiền theo.
 
Bến đò đang có nhiều khách đợi, nhưng vẫn yên tĩnh. Hai người ngồi ăn chung bữa cơm dưới bóng cây cao lớn. Nơi đôi mắt người đàn ông có một chút màu đỏ úa.
 
- Anh được mấy cháu rồi?
 
- Có một cháu gái, chị.
 
- Gia đình anh ở Sài Gòn.
 
- Không, ở Quảng Ngãi.
 
Người đàn bà yên lặng đưa mắt nhìn lại bóng người tù trước mặt.
 
- Anh ra ngoài này đã lâu chưa?
 
- Tôi ra sau anh Hoàng một năm.
 
Nàng nói:
 
- Không ngờ được anh ạ. Những ngày sửa soạn đi tôi cứ mãi ám ảnh một giấc mơ, suốt trong mấy đêm liền, anh ấy về nhà trông rách rưới, tay cầm cái bát đòi xin gạo, nói lúc này đang đói lắm.
 
Một giọng từ tốn, người tù nói:
 
- Anh em ai cũng mong có được một ngày về với gia đình.
 
- Không biết đến bao giờ các anh mới được về.
 
- Hình như chị đang dạy học phải không?
 
-Anh nói đúng.
 
Một cách thân tình, người tù nói:
 
- Anh em cả trại nhờ tôi gởi lời chia buồn và cám ơn chị.
 
- Đâu có gì anh. Tôi mua quà ra thăm nuôi anh Hoàng, không có anh ấy, thì còn có các anh cùng là bạn tù cả.
 
Họ nói chuyện với nhau trong một niềm tin, bình thản và yên lặng. Ở bên kia bến sông, nắng đầy hơn. Buổi sáng trôi qua lâu, rồi đò dọc ghé bến. Khi chia tay, hai người có vẻ vội vàng. Nơi cặp mắt người tù thoáng một nỗi vui, tưởng như ngày mai anh sẽ được trở về. Nhưng rồi, trong một bóng dáng yên lặng, anh đứng trong nắng và cảm thấy lòng mình buồn.
 
Người đàn bà đi xuống bến trong cơn gió xoáy mạnh, vừa thổi tung cả mái tóc của nàng đang vẫy vùng, lăn lộn trên vạt lưng áo.
 
 
Nguyễn Chí Kham

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com