User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tam3
 
Ông Bà Ngoại tôi sinh hạ được 5 người con, 2 trai và 3 gái. Mãi đến khi mẹ tôi 11 tuổi, bà ngoại tôi mới sinh ra dì Thu Ba của tôi. Mười một năm làm em út trong nhà nên mẹ tôi được cha mẹ, chị và hai anh cưng chiều hết mực. Đó cũng là lý do vì sao mẹ tôi đến 9 tuổi mới bắt đầu đi học lớp Năm của trường Tiểu Học trong làng. Làng ngoại tôi, làng Niêm Phò, thuộc huyện Quảng Điền, cách Huế theo đường chim bay chỉ độ 20 cây số ngàn, phương tiện di chuyển để về Huế là xe lửa và đi đò, đò phải đi ngược sông Bồ để rồi đổ vào nhánh sông Hương, chèo đò cho tới được Huế cũng mất đến 3-4 tiếng đồng hồ. Đường bộ thì xa tít mù, đi hoài đi mãi vẫn chưa đến, trước hết phải qua đò sông Bồ, vì không có cầu, rồi phải đi băng qua những cánh đồng mà vào mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 3 ngập đầy nước với những con đỉa đói sẵn sàng bám vào chân, nên mỗi lần có việc phải lên Huế là mẹ tôi ngại ngùng vô cùng.
 
Theo chế độ học đường ngày xưa thì lớp Nhì Tiểu Học phải học đến 2 năm, gọi là lớp Nhì đệ nhứt niên và lớp Nhì đệ nhị niên. Tuy là trường Tiểu Học của làng nhưng học trò cũng phải học theo chương trình Pháp, theo chế độ bảo hộ của Tây đặt ra. Các thầy dạy ở làng tuy cùng ra lò một trường như các thầy dạy ở Huế nhưng các Ty Học Chánh thời đó ít khi gửi người về làng kiểm soát nên các thầy dạy ở làng cũng đâm ra lơ là, trình độ học trò trường làng vì thế không bằng được ở Huế, nên sau khi học lớp Nhì đệ nhứt niên ở làng, hai người anh của mẹ tôi xin phép ông bà Ngoại, nhất định lôi cô em gái nhút nhát, lười lĩnh và nhát học lên Huế để học hành cho tới nơi tới chốn. Hai người anh của mẹ tôi lúc đó đang học trường dòng Pellerin, một trường tư vẫn nổi tiếng của Huế cho tới ngày nay. Những ngày nghỉ hè hai cậu tôi về nhà và hay lôi mẹ tôi ra dạy học. Chữ viết của mẹ tôi rất đẹp, đó là do công lao của hai cậu tôi, người anh trai lớn của mẹ thật nghiêm, không hiểu sao vẫn la mẹ tôi viết chữ như "gà bới", còn người anh kia thì lúc nào cũng dỗ dành an ủi cô em mỗi khi mẹ tôi bị người anh lớn la mắng, vì thế nên mẹ tôi gần gũi với người anh kế này hơn.
 
Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp, trường nữ có nội trú là chuyện đương nhiên phải có, còn từ Trung ra đến Bắc theo thể chế bảo hộ nên mỗi miền chỉ có một trường nữ với chế độ nội trú, một ở Hà Nội và một ở Huế - trường Đồng Khánh. Suốt từ Thanh Hoá vào đến Phan Thiết chỉ có một trường nữ độc nhất ở Huế, học sinh từ các tỉnh xa xôi như Quảng Nam, Quảng Ngãi hay từ Thanh Hóa, Quảng Trị phải về Huế học, đường xá xa xôi cách trở nên chỉ có thể về thăm nhà trong những dịp lễ lớn trong năm, mặc dầu gia đình học sinh Đồng Khánh phần lớn thuộc thành phần giàu có sung túc.
 
Mẹ tôi lên Huế học, tuy làng mẹ tôi chỉ cách Huế có 20 km, nhưng bà ngoại tôi sắm sửa cho mẹ tôi đi học cứ như là gửi con đi du học xứ người xa xôi vạn dặm không bằng. Mỗi học sinh về Huế học nội trú thời đó phải đem theo 2 chiếc chiếu, 1 cái mền, 1 cái gối, 6 áo dài, 6 quần dài, áo lót, áo lá, cái chi cũng phải 6 cái và phải thêu tên tuổi đàng hoàng. Mẹ tôi đã phải tốn cả tuần lễ để thêu hai chữ L.H. lên tất cả mền chiếu quần áo đem theo, LH là hai chữ viết tắt của tên mẹ tôi, Lục Hà, màu xanh của nước…. Chỉ có giường ngủ và bàn học là của nhà trường, còn ngoài ra là học sinh phải đem từ nhà theo. Bà ngoại tôi thuê nguyên cả một chiếc đò để đưa mẹ tôi với hai cái rương quần áo và chiếu mền về Huế học nội trú trường Đồng Khánh.
 
Năm đầu vào trường Đồng Khánh mẹ tôi phải học lại lớp Nhì đệ nhứt niên, rồi lên đệ nhị niên, vị chi là mẹ tôi đã học lớp Nhì tổng cộng là 3 năm. Bất cứ một lễ lạc to nhỏ nào trong năm mẹ tôi cũng xin được về nhà, Bà ngoại tôi lại phải thuê đò đón mẹ tôi về. Mẹ tôi nói: "không chi sướng bằng được về nhà con ơi…". Những ngày đó, tan học ra lúc 5 giờ chiều, cầm cái giấy phép được rời trường trong tay, mẹ tôi chạy lúp xúp ra cổng trường, ở đây đã có dì tôi, chị của mẹ đứng đón, hai chị em theo đò về đến làng thì trời đã tối mịt. Cái không khí quê nhà với những cánh đồng ruộng bát ngát xanh mát cả một góc trời, được lắng nghe tiếng chim hót buổi sáng trong cái không khí ẩm mốc quen thuộc của quê nhà và dĩ nhiên là mẹ được bà ngoại tôi lo lắng cưng chiều đủ thứ, như thế thì làm sao mà mẹ tôi còn thích trở lại trường với những cô giáo nghiêm khắc. Ở đây mọi người chỉ toàn nói tiếng Tây và cấm không cho học sinh nói tiếng Việt! Mỗi lần quay trở lại trường là một lần mẹ tôi khóc lóc sướt mướt, mẹ vốn không bao giờ muốn sống xa gia đình, vậy mà sau khi lấy cha tôi, số mệnh đẩy đưa, đã đưa bà vào mãi tận trong miền Nam xa lơ xa lắc, đến ở một quận lỵ có cái tên lạ hoắc, Trà Ôn, không bà con thân thuộc, xa ông bà ngoại tôi và xa tất cả anh em trong nhà.
 
Với con cái mẹ tôi lúc nào cũng muốn ôm lấy chúng tôi trong vòng tay của bà, rút cục khi tuổi đời đã xế bóng mẹ cũng lại phải sống xa tất cả anh em chúng tôi. Riêng phần tôi, sống mãi tận bên kia đại dương, mỗi năm nhiều lắm chỉ về thăm mẹ được một lần. Về đến nhà chưa kịp cất valise, mẹ đã chắc luỡi tính ngày đi của tôi, mẹ chỉ ưng thời gian ngừng lại cho mẹ được giữ trong tay đứa con gái yêu quý của mẹ. Nỗi hối tiếc vì sao ngày trước mẹ không cương quyết cản lại ý định cho tôi đi học xa của cha tôi vẫn còn gặm nhấm trong lòng mẹ tôi cho tới bây giờ. Mỗi lần mẹ tôi buồn rầu nói ra tâm sự phải xa con gái như thế, mặc dầu xốn xang thương mẹ trong lòng, nhưng tôi cứ phải làm bộ gạt ngang đánh trống lãng nói qua chuyện khác cho mẹ đỡ buồn.
 
Năm lớp Nhất sau khi đậu bằng Tiểu Học "Primaire", mẹ tôi thi đậu luôn "Concours" của trường Đồng Khánh, mẹ tôi vẫn gọi là đi thi "càng cua", khó khăn cực nhọc lắm mới đậu được, vì mấy trăm người đi thi ở Trung kỳ mà chỉ lấy tuyển vài chục học sinh thôi. Bà Đốc Phước, một người em họ của mẹ, dạy học ở trường Đồng Khánh, bà đi xem điểm giùm và đã về tận làng báo tin vui thi đậu rỡ ràng của mẹ tôi. Bà réo từ ngoài ngõ "O ơi O….", bà kêu bà ngoại tôi bằng O, "chị Hà đậu Concours rồi O ơi". Ai mừng gì thì mừng chứ mẹ tôi nghe tin thi đậu của mình mà lòng buồn rười rượi như người hỏng thi, vì như thế là mẹ tôi phải trở về Huế học tiếp, học lên Trung Học, thế là hết những ngày tháng rong chơi thư thả ở nhà quê, thế là lại phải nói tiếng Tây, lại phải ăn cơm Tây, chỉ toàn là những thời khóa biểu khô khan chán ngắt, giờ giấc ngăn nắp chi li đâu vào đó, mẹ tôi chẳng thích một tí nào, nên mẹ chỉ rắp tâm xin ở nhà. Với cái quan niệm con gái đâu cần học nhiều, học cao mà cũng lấy được chồng, hai người anh của mẹ tôi phải dỗ dành mãi mẹ tôi mới xuôi tai chịu ra Đồng Khánh học. Không xuôi tai cũng không xong vì mẹ tôi bị các cậu tôi dọa, nếu ở nhà không đi học thì phải đi làm ruộng. Tuy bà ngoại tôi có nhiều ruộng lúa, tá điền ra vào tấp nập, nhưng tất cả mọi chuyện trong ngoài đều do bà ngoại tôi trông coi chứ mẹ tôi chẳng biết gì, sau này mẹ tôi hay kể về cái ngây ngô của bà cho anh em tôi nghe là khi bà bị bà ngoại hỏi "Rứa đi cấy thì đi tới hay đi lui", mẹ tôi trả lời "dạ đi cấy phải đi tới", đến khi mẹ tôi nghe ra là đi cấy phải đi lui, bà xấu hổ quá. Mẹ tôi còn kể lại rằng mẹ tôi vốn sợ đỉa, đi làm ruộng là phải lội ruộng ngâm chân dưới nước thì ôi thôi đỉa nó đeo cho chết.
 
Bà ngoại tôi rất tháo vát, cứng rắn và là người quyết định mọi chuyện trong nhà, một phần do bẩm tính trời sinh nên bà thường có những suy nghĩ thực tế và quyết định nhanh chóng, phần kia là vì ông ngoại tôi chẳng bao giờ quyết định điều gì, ông phó thác mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà cho người vợ tháo vát đảm đang của ông. Ông ngoại tôi là một cậu Ấm, một chức hàm của vua ban cho con cái của các quan lại, từ hàng tam phẩm trở lên của triều đình, người con trai đầu của các quan thì được gọi là ông Nghè, còn con thứ gọi là những cậu Ấm. Các cậu ấm con quan sống trưởng giả, thiếu thực tế, chẳng làm gì nặng nhọc đến tay chân, may mà ông tôi lấy được bà tôi, nên ông tôi sướng cả đời. Ông ngoại tôi rành rọt thuốc men, cả thuốc Tây lẫn thuốc Bắc, bàn cãi lý sự không ai bằng, nhưng ông ngoại tôi không biết trong nhà có bao nhiêu lúa bao nhiêu thóc. Bà tôi có ruộng đất nhiều, tiền bạc dư dã, là do công lao của bà tôi chứ ông tôi suốt ngày độc ẩm thơ phú và hốt thuốc biếu không cho bàn dân thiên hạ.
 
Ông bà tôi rất nuông chiều các con. Mỗi tháng bà tôi đóng học phí trường Đồng Khánh cho mẹ tôi 8 đồng bạc Đông Dương, vậy mà cậu tôi, người anh kế của mẹ tôi, còn đang đi học mà dám thuê nhà ở Huế, thuê cả người nấu cơm rửa chén, trả mỗi tháng tới 25 đồng. Hai mươi lăm đồng thời đó to lắm, bà tôi chiều con, tháng tháng chu cấp cho cậu tôi đầy đủ. Mẹ tôi kể, ngay cả mẹ tôi đến năm 18 tuổi vẫn chưa biết cái chợ nằm ở đâu. Bây giờ ngồi nghe mẹ tôi kể lại, tôi tủm tỉm cười một mình, nhớ lại năm tôi đậu Tú Tài, vì tội ham đi chơi, nên bị mẹ tôi phạt, bắt đi chợ nấu cơm cho cả nhà. Tôi cầm cái giỏ trong tay mà lòng thầm ngao ngán vì cũng không biết cái chợ mà mụ Thỉu nhà tôi vẫn đi nằm ở xó nào đường nào, hỏi thì mất mặt quá, đành xách cái giỏ ra cửa ngõ chờ các bà trong xóm đi chợ rồi cứ thế mà lùi lũi đi theo. Bí mật này tôi chưa bao giờ ngỏ cùng ai….
 
Trở lại chuyện mẹ tôi, sau khi đậu Concours, mẹ tôi về lại Đồng Khánh vào học Trung Học Đệ Nhất Cấp "Premiere Anné". Năm học này mẹ tôi thích hơn lúc học Tiểu Học, vì ngoài những giờ khô khan khó nuốt, thời khóa biểu còn có thêm những giờ Couture thêu thùa hay học nấu nướng với những cô giáo người Pháp, ít khắt khe hơn các cô giáo Việt Nam. Mẹ tôi có khiếu thêu thùa, đan móc, may vá, nấu nướng và có rất nhiều sáng kiến trong việc chế biến thức ăn. Mẹ thương yêu truyền lại tất cả cho tôi, những ngày đầu tập đan, tập móc với mẹ, tôi mê say đan móc bỏ cả học, quên cả ăn, cả ngủ. Vậy mà sau này tôi không dạy lại được con gái tôi cái gì cả…. vì nó thuận tay trái, đan móc thêu thùa mà hai người sử dụng hai tay trái phải khác nhau thì chỉ có nước bỏ cuộc….
 
Lúc này mẹ tôi đã là cô thiếu nữ 15-16 tuổi, tuổi dậy thì, nhưng mẹ tôi vẫn còn rất trẻ con, vì ngày xưa những chuyện mơ mộng yêu đương chậm hơn đời sau rất nhiều. Mẹ tôi kể rằng khi cậu Sanh tôi lấy vợ, quê nhà mợ tôi ở Quảng Bình, nhưng gia đình mợ tôi sinh sống ở mãi tận Ban Mê Thuột, nên cả nhà phải lên BMT rước dâu. Đêm động phòng hoa chúc của cậu mợ tôi, mẹ tôi vẫn xách gối đến phòng của ông anh xin ngủ ké, quên mất là anh mình đã có vợ…. Mẹ tôi thỉnh thoảng nhắc lại chuyện ngày xưa vẫn còn kinh ngạc sao ngày đó mình có thể ngây thơ khờ khạo đến như thế.
 
Lên đến Đệ Lục "Deuxieme Anné", nhập học được vài tháng thì đến Tết. Như thường lệ mẹ tôi về nhà ăn Tết, được mấy hôm thì mẹ tôi bị bệnh thương hàn, nằm liệt giường liệt chiếu mất cả tháng. Một tháng trời ở nhà được nuông chiều, mẹ tôi lành bệnh nhưng không còn cảm thấy thích thú đời sống học sinh nội trú xa nhà nữa, nên mẹ tôi xin ông bà tôi được ở nhà sau 5 năm học nội trú ở Đồng Khánh. Ông bà tôi thương con gái, thôi thì con gái học chừng đó cũng "bưa" rồi (đủ rồi), nên cho phép mẹ tôi nghỉ học ở nhà. Hai anh của mẹ tôi nghe tin cô em bỏ học nửa chừng, tức tốc thuê đò về nhà, hết dụ dỗ, khuyên lơn rồi đến la mắng, làm đủ cách cũng không lay chuyển được cô em, hai ông cậu tôi đành chịu thua. Tôi hỏi mẹ ở nhà như rứa buồn chết, mẹ không nhớ bạn nhớ trường hay răng? Mẹ tôi nói: "Bạn thì ở làng khi mô cũng có, mô có thiếu, trường học thì mẹ không thấy nhớ nhung chi mấy vì các cô giáo dạy ở Đồng Khánh nghiêm khắc quá nên mẹ cũng không gần gũi gì cho lắm, ở nhà có mệ con, có dì con, sướng hơn…".
 
Vậy chứ bây giờ cứ hai ngày mẹ tôi lại họp các cụ bạn ở nhà đánh bài tứ sắc với nhau, các cụ bạn của trường Đồng Khánh nội trú ngày xưa! Trong các cụ hay đến nhà đánh bài với mẹ tôi có cụ bà ca sĩ Minh Trang,vợ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và là mẹ của nữ ca sĩ Quỳnh Dao. Cụ bà Minh Trang cũng là dân nội trú Đồng Khánh ngày xưa, học trên mẹ tôi một đệ, bà đã mất năm ngoái. Tôi cũng đã từng được nghe cụ Minh Trang hát tặng mẹ tôi một lần trong một dịp họp mặt của các mệ Đồng Khánh. Các cụ vẫn lao xao nhộn nhịp "mi, tau" vang rân, mặc dầu cụ nào cụ nấy đều đã xấp xỉ 90 cái xuân xanh và đáng phục một cái là các cụ ngồi đánh bài cả nửa ngày mà không biết mỏi lưng.
 
Mẹ tôi vẫn ca tụng đánh bài là món thể thao của trí óc "không đánh bài đầu óc nó mụ đi"!! Mỗi lần tôi sang thăm nhà, làm gì thi làm, đến tối là vợ chồng tôi có bổn phận hầu bài cho mẹ, đặc biệt là môn mạt chược. Nhiều ngày đi chơi về mệt đừ, chúng tôi chỉ muốn nằm ngủ trong phòng, nhưng thấy cha mẹ tôi đã ngồi vào bàn mạt chược, sắp sẵn quân bài, tiền xu đã chia mỗi người mỗi tụ, hai cụ đang chờ hai vợ chồng tôi nhưng không lên tiếng kêu con cái ra, thương quá, thế là đành chui ra khỏi giường hầu các cụ vậy. Đánh bài với mẹ mới thấy đầu óc của mẹ tôi còn minh mẫn vô cùng…. Mẹ tôi có 6 cô con dâu, cô con dâu nào mẹ tôi cũng tập cho đánh chác. Bà vẫn dùng chiêu bài "Mụ mô không biết đánh bài thì vô bếp hầu cơm….", cái chiêu bài vừa năn nỉ vừa doạ dẫm. Vì thế mà các bà con dâu của mẹ tôi ai cũng là một tay cờ bạc dạo, vì đánh bài là khỏi nấu cơm rửa chén, ai lại không thích, còn hơn là phải chui vào bếp hầu nguyên cái gia đình đông người như nhà tôi, chỉ thích ăn, thích xả và không thích dọn. Nhưng xét ra chẳng đứa nào trong chúng tôi đánh bài cao tay bằng mẹ tôi cả, kể cả cha tôi.
 
Ở nhà không làm gì mấy năm thì mẹ tôi được một ông anh họ làm canh nông ở Huế về làng chỉ cách cho mẹ tôi trồng dâu nuôi tằm. Sở dĩ bà ngoại tôi ưng thuận cho mẹ tôi trồng dâu nuôi tằm một phần cũng vì ông cậu Thái của tôi, người anh kế của mẹ. Lúc này cậu Thái tôi cũng đã bỏ học, về làng làm ruộng tài tử cho gia đình. Cậu được tiếng là về làng làm ruộng chứ thực ra cậu tôi chỉ thích đi hướng đạo, đi ngao du sơn thủy, cậu sống trên mây trên mưa, cậu sống cho lý tưởng hoàn toàn chỉ có trên lý thuyết của cậu. Mẹ tôi kể, cậu nhất định cãi lời bà ngoại tôi, cậu nằng nặc đòi cho dân làm ruộng được nghỉ giải lao buổi trưa, lại còn ưng trồng thêm mấy luống mía với lời giải thích: cho người làm công có mía ăn tráng miệng, có đồ giải khát ăn cho đỡ mệt và nhờ đó năng suất sẽ tăng lên! Cậu không thích ai bị bóc lột, nhưng cái cung cách quan lại cậu tôi vẫn không bỏ, cậu chủ trương làm thế nào cho "dân" ăn sung mặc sướng nhưng "dân" tuyệt đối không được phép ngang hàng với cậu, đúng là mâu thuẩn! Vì thế bên Quốc gia gán cho cậu là cộng sản, nhưng cộng sản cũng đâu chấp nhận đấu óc tiểu tư sản của cậu, nên hoá ra cậu tôi chẳng hợp, chẳng chơi được với bên nào. Cũng vì thế mà cậu tôi, người cậu mà tôi chưa hề biết mặt, người anh mà mẹ tôi quý nhất và thương nhất, đã bị bên quốc gia bắt giữ sau khi Việt Minh lên nắm chính quyền và bị trao đổi tù binh khi đất nước bị chia cắt năm 1954.
 
Những ngày tháng trong tù, lúc đó cậu còn bị giam ở Huế, cậu có may một cái túi nhỏ màu trắng và thêu lên đó cái tên "Mỹ Nga" bằng chỉ đỏ, cậu dặn mẹ tôi nếu đẻ con gái thì lấy tên này mà đặt cho cháu. Không biết mặt cậu nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng có bóng dáng cậu qua lời kể của mẹ, người cậu đã cho tôi cái tên để đời. Những ngày trước khi hai miền đất nước bị chia đôi, cha tôi ra Bắc tìm cách liên lạc đưa cậu tôi về, nhưng cậu đã bị chuyển tù nên anh em không gặp được nhau. Từ ngày cậu tôi bị đưa ra Bắc đến khi cậu mất, mẹ tôi không hề gặp lại cậu. Mẹ tôi vẫn còn tiếc thương người anh xấu số cho tới bây giờ…. Những năm gần cuối của Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật bắt trồng đay để cung cấp cho chiến tranh, nạn đói năm Ất Dậu xảy ra vì lúa gạo miền Trung và miền Bắc thiếu thốn, cần phải được tiếp tế từ miền Nam mà đường vận chuyển tiếp tế ra Trung ra Bắc lúc bấy giờ thì bị tắc nghẽn đình trệ vì bị máy bay đồng minh thả bom. Công việc làm ruộng của cậu tôi cũng bị gián đoạn vì những biến chuyển thời cuộc, ngoài ra công việc đồng áng so ra cực nhọc vô vàn nên cậu tôi rủ cô em gái, mẹ tôi, quay sang làm nghề trồng dâu nuôi tằm, ít cực nhọc và nhân công cũng dễ kiếm hơn. Câu nói "được một mùa tằm bằng ba mùa lúa" hình như đã thúc đẩy thêm cậu và mẹ tôi nhảy vào việc trồng dâu nuôi tằm….
 
Những thửa ruộng ngút ngàn trồng dâu xanh rì của cậu tôi nằm dọc theo hai bên bờ sông Bồ, tới mùa hái lá dâu cho tằm ăn, cậu tôi dẫn cả đoàn trên dưới 10 người ra đi từ sáng sớm đến tối mịt mới quay trở về, ghe đò chở đầy những bó lá dâu thật lớn, lấp kín cả khoang thuyền. Gặp những ngày sắp có cơn mưa giông, cả đoàn phải hối hả hái cho kịp trước khi cơn mưa trút xuống, vì lá dâu ướt thì không thể cho tằm ăn được mà phải rải lá ra sàn nhà, phơi cho lá khô, cho lá ráo nước. Tằm ăn lá dâu ướt, tằm sẽ thành màu vàng và có thể chết, nếu còn sống thì cũng không kéo Kén được, đôi khi làm hư cả một lứa tằm.
 
Chuyện trồng dâu, hái dâu và phơi lá dâu là phận sự của cậu tôi, mẹ tôi không rớ tới. Chuyện chính của mẹ tôi là nuôi tằm nhả tơ và chọn tằm làm giống. Bà ngoại tôi để riêng cả mấy cái nhà sàn thật to để mẹ tôi và các chị em họ hàng hay bạn bè quen biết trong làng đến giúp việc, cũng được xấp xỉ 15 người, lo chuyện nuôi tằm và kéo tơ. Những cái nia to rộng bản phủ đầy lá dâu được để khắp sàn nhà với những con tằm làm giống.
 
Tằm là loại sâu trùng thuộc giống "Metamorphose", nghĩa là từ con sâu biến thể thành con tằm, rồi từ con tằm biến thành con nhộng, và cuối cùng thì trở thành con buớm tằm, có khả năng truyền giống và sinh sản. Mẹ tôi thường giải thích cái chu trình biến thể của tằm cho chúng tôi nghe, bắt đầu bằng con bướm tằm: con bướm cái sau khi cắn Kén chui ra, đôi cánh của nó còn ướt mèm. Chờ vài phút cho đôi cánh khô ráo, bướm cái bắt đầu bò quanh miệng nia…. Trời sinh ra cũng thật kỳ diệu, gần đó một chú bướm tằm đực cũng cắn Kén chui ra và lập tức bươn chải đi tìm bướm cái. Đôi bướm tằm làm việc truyền giống và đẻ trứng ngay sau khi cắn Kén chui ra, bướm cái không bay được và có thói quen vừa bò vừa… đẻ. Bướm tằm cái đẻ vô số trứng, đẻ vung vãi. Để các trứng tằm không bị đẻ rơi đẻ rớt, mẹ tôi lấy những cái chụp hình thù giống như cái phểu, úp lên từng đôi bướm đang tô nhau để thâu gọn chu vi đẻ trứng của bướm, dễ kiểm soát hơn. Mẹ ngồi quanh cái nia cứ thế mà lấy chụp úp lên từng đôi, từng đôi, chờ cho bướm đẻ hết trứng mới lấy cái chụp ra. Đôi bướm tằm sau khi làm phận sự truyền giống và sinh sản thì ngất ngư lảo đảo, một hai ngày sau đôi tằm nằm quay lơ bất động, cơ thể khô dần rồi tàn lụi….. Những cái trứng mới đẻ, nhỏ xíu xìu xiu, có màu tro, nằm chơ vơ lỏng chỏng trong nia, một đám trứng chưa tỏ lộ một sự sống nào cả, thế mà chỉ trong vòng 7 ngày, trứng nở thành những con sâu màu đen hình thù giống như con lăng quăng, thời kỳ này mẹ tôi gọi là "tằm ăn một". Những con sâu đen bóng từ từ lớn ra, biến dạng thành những con tằm, suốt ngày nằm phưỡn người ra ăn lá dâu, ăn đêm ăn ngày. Qua đến ngày thứ 14, lứa này gọi là "tằm ăn hai", mỗi ngày mẹ tôi phải đổ cả chục thúng lá dâu ra nia cho tằm ăn, tiếng tằm ăn lá dâu nghe rào rào rất vui tai, chúng ăn mê ăn mải, vì thế người ta vẫn gọi là "ăn như tằm ăn lên" là vậy. Những con sâu đen lúc này từ từ đổi sang màu trắng. Tằm càng ăn lá dâu thân lại càng trắng. Qua đến ngày thứ 21, những con tằm từ trắng phau bây giờ đổi sang màu đỏ hổ phách, rất đẹp, thời điểm này được coi như "tằm chín". Thế là trong 21 ngày tằm đổi màu 2 lần, từ đen ra trắng, từ trắng ra đỏ. Trong suốt quá trình 21 ngày này, lá dâu phải được tiếp tế liên tục cho tằm ăn và lá dâu phải khô, không được ướt. Nếu lá dâu ướt quá thì mấy chị em trong nhà phải xúm nhau quạt cho lá khô.
 
Khi tằm chín, mẹ tôi tỉ mỉ lượm từng con tằm bỏ vào những cái hóp là những bó tre nhỏ. Giai đoạn này cần rất nhiều nắng, càng nhiều nắng càng tốt, vì tằm cần nắng để kéo Kén. Thời gian tằm nhả tơ kéo Kén kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Con tằm nằm thu lu gọn lỏn trong những cái Kén hình trái trám, chúng tiếp tục nhả tơ nên cái Kén càng lúc càng to ra và từ đây tằm biến thể thành con nhộng. Những cái Kén thuôn, tròn, to, vàng là những Kén tốt, được lựa riêng ra để làm giống cho lứa sinh sản sắp tới. Mẹ tôi chỉ lựa ra khoảng 100 cái Kén giống, cất để vào những cái nia riêng. Tôi hỏi mẹ, nếu trong số này chỉ toàn Kén đực hoặc chỉ toàn Kén cái thì làm sao mà sinh sản cho lứa sau? Mẹ tôi cười "trời sinh mà con, khi nào cũng có đầy đủ cái và đực, có âm có dương đủ cả con ạ! ".
 
Sau khi lựa Kén giống, công việc này chỉ có mẹ tôi phụ trách vì là người chủ chốt, các chị em trong nhóm bắt đầu nấu những nồi nước sôi. Nước luộc tằm không được quá sôi, chỉ khoảng 70-80 độ Celcius. Nước sôi, họ thả vào mỗi nồi từ 7 đến 10 cái Kén, thả nhiều Kén quá các Kén sẽ quyện dính vào nhau, khó lấy tơ. Nghệ thuật kéo tơ là cả một công trình, ngó dễ mà không phải dễ. Nước nóng làm Kén nở ra, tìm ra được cái đầu dây mối nhợ của cái Kén rồi cứ thế mà kéo nhẹ, kéo đều sợi tơ ra rồi quấn tơ vào cái suốt, hết cuộn này đến cuộn khác. Loại tơ này là loại tơ hạng nhất, dệt lên thành tơ lụa bóng láng, đó là tơ tằm để may áo dài hay dệt lên thành gấm hay lụa. Sau khi kéo hết tơ ra thì con nhộng bên trong Kén lộ ra trong nồi, người ta có thể ăn con nhộng này, mùi thơm béo béo bùi bùi. Có những cái Kén chưa kịp đưa vào nước sôi để kéo tơ mà con nhộng bên trong đã đến ngày cắn Kén chui ra thì với loại Kén này không thể sản xuất ra tơ, mà chỉ kéo ra được "đũi", sợi dày hơn và thường chỉ dùng để may áo quần tây cho đàn ông, mẹ tôi vẫn gọi là đây là sợi đũi dành để dệt vải Tussor.
 
Suốt ngày mẹ tôi và các chị em bạn gái loay hoay bận bịu với lá dâu và tơ tằm, không dám bỏ đi đâu, vui cười hồn nhiên trong cái không khí trẻ trung của tuổi trẻ vô tư, lấy cái vui trong việc làm chứ không hề nghĩ đến lợi ích kiếm tiền làm giàu. Tôi hỏi Mẹ vậy thì tơ tằm sản xuất ra có đem đi bán lấy vốn lấy lời chi được không? Mẹ tôi cười "chỉ vừa đủ dùng trong vòng thân thuộc thôi con, lời lỗ chi trong việc trồng dâu nuôi tằm…..".

Mẹ đã nuôi tằm, mẹ đã trồng từng cái cây trong vườn với tất cả thận trọng và thương yêu. Mẹ làm gì cũng với tất cả tấm lòng suốt cuộc đời mẹ…… Năm 1946 khi Việt Minh lên nắm chính quyền, công việc trồng dâu của cậu tôi và nuôi tằm của mẹ tôi đành phải bỏ dở vì những phong trào thanh niên trong làng xã với chiêu bài khởi nghĩa chống Pháp lan tràn khắp các huyện các tỉnh của Thừa Thiên. Sống ở làng mạc thời đó rất gay go nguy hiểm: ban ngày Pháp về làng canh phòng chiếm giữ, ban đêm thì rút đi, nhường chỗ cho Việt Minh về hô hào tổ chức hội họp, dân chúng không tham gia cũng không được. Ban ngày lại còn sợ thêm bọn Tây lê dương say rượu làm chuyện bậy bạ. Ông bà ngoại tôi thấy không thể nào tiếp tục sống yên ở làng như trước được nữa nên đành dắt díu cả nhà chạy tản cư về Huế. Đây là thời kỳ giặc giã khói lửa loạn ly của những năm 1946-1947, ruộng vườn đất đai của ông bà ngoại tôi đành phải giao cho bà con họ hàng trong làng đứng ra cày cấy, số thu hoạch vì thế không còn được như xưa.
 
Trong khung cảnh chiến tranh điêu tàn của đất nuớc, cha mẹ tôi đã gặp nhau. Đám cưới trong chiến tranh nên tổ chức rất đơn sơ, xe hoa đưa mẹ tôi về nhà chồng là bốn chiếc xe Cyclo trong làn mưa phùn đầu mùa của tháng 12 năm 1948. Mẹ tôi mặc cái áo dài nhung đỏ, tóc vấn trần, ngày đó cha mẹ tôi không có được một tấm hình chụp chung trong ngày cưới. Sau này chúng tôi chỉ có thể cóp nhặt từ những quyển Album cũ một vài tấm hình xưa, tiếc thay chỉ là những tấm hình riêng rẽ của cha hay của mẹ, những tấm hình mà ba anh em tôi khi đi du học có đem theo một ít, chứ cha mẹ tôi khi di tản chạy trốn cộng sản đâu có đem theo được gì. Chúng tôi đem hai tấm ảnh rời, chụp ghép lại với nhau và dâng tặng cho cha mẹ nhân ngày lễ Kim Khánh kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông bà được tổ chức cách đây 13 năm. Mẹ tôi nhìn tấm hình rồi lẩm bẩm một mình "Hình này không phải là hình chụp khi còn con gái lúc chưa lấy chồng của mẹ, bọn bây làm chuyện lác lác (làm sai)…".
 
Quả thực vậy, hình này chụp lúc mẹ đã sanh ra anh tôi, mẹ không quên một chi tiết nào, mặc dầu trong hình này mẹ cũng mặc chiếc áo dài nhung đỏ, tóc cũng vấn trần nhưng lại có đeo thêm cái kiềng vàng. Mẹ nói đám cưới thời loạn lạc chiến tranh làm gì có kiềng vàng mà đeo…. . Trí nhớ của mẹ tôi tới ngày nay vẫn không ai bì được. Mẹ tôi tuy tuổi đã cao nhưng giọng nói vẫn còn trong vắt, cách phân chia thì giờ, cách làm việc nhanh nhẹn và hợp lý, đâu vào đấy, có lẽ cái ảnh hưởng của 5 năm nội trú Đồng Khánh vẫn còn điều khiển con người mẹ hay mẹ hưởng được cái di truyền của bà ngoại, bà sống mạnh khỏe không đau ốm và vẫn minh mẫn sáng suốt khi nhắm mắt lìa đời. Bà ngoại tôi mất khi bà 103 tuổi.
 
Khi anh em tôi lớn lên, một tay mẹ chăm sóc dạy dỗ anh em tôi. Đi học về mà không thấy bóng dáng mẹ trong nhà là tôi buồn lắm, chạy đi tìm cho ra mới yên, chúng tôi không quen được với cái cảnh thiếu vắng bóng dáng mẹ. Tiếc thay các con tôi sau này không có được cái diễm phúc đó…. Mẹ đã dạy anh em chúng tôi tinh thần tự do dân chủ, tập cho chúng tôi biết tranh cãi và lý luận với những buổi họp gia đình mà mẹ là cố vấn tối cao. Mẹ đã đưa ra và tập cho chúng tôi một thông lệ là tối thứ Bảy trong tuần, anh em chúng tôi đem nhau ra mổ xẻ ưu và khuyết điểm của nhau. Nói về khuyết điểm của nhau thì đứa nào đứa nấy giơ tay lên xin nói um sùm, ghi chép không kịp, đến lúc phải nói về ưu điểm của nhau thì cả bọn nín khe, đứa này nhìn đứa nọ, không đứa nào chịu mở miệng trước, mẹ phải nhắc tuồng đứa nào giỏi, đứa nào ngoan. Mẹ vẫn dạy chúng tôi "hãy nhìn cái hay, cái tốt của người khác, bớt nhìn cái xấu của người đi…". Câu nói nào của mẹ cũng là kim chỉ nam cho tôi. Anh em tôi ngày ấy thay nhau mỗi tuần làm biên bản ghi chép cho buổi họp gia đình, những nét chữ non nớt vụng dại của ngày nào, khi nhìn lại, tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ lại những ngày tháng êm đềm đã qua. Tập ghi chép biên bản của những buổi họp gia đình ngày xưa không hiểu sao mẹ vẫn nhớ đem theo trong mớ hành lý di tản của gia đình.
 
Mẹ sống nhiều với kỷ niệm, mẹ nâng niu cất giữ kỷ niệm, có thế ngày hôm nay anh em chúng tôi mới có được những kỷ vật quý báu đó. Những lần đại gia đình tề tựu đông đủ con cháu, mẹ như không biết mệt, mẹ nấu nướng trước cả tháng để anh em tôi về có cái để ăn và có cái để đem về… Bếp núc vui nhộn tiếng cười, mẹ sung sướng hầu con hầu cháu, để rồi khi đàn chim vỗ cánh bay đi, mẹ nằm xẹp người trên giường với nỗi nhớ thương quay quắt. Mẹ tôi vẫn nói mẹ là thân chùm gởi của cha tôi… Ngày nay, khi tuổi đời đã xế bóng, nhìn dáng mẹ lom khom trong vườn, hái từng bông hoa bưởi đem vào nhà để lên bàn ngủ cho thơm phòng, tôi biết mẹ không phải là thân chùm gởi như mẹ vẫn nghĩ, mà chính chúng tôi, 8 đứa con của mẹ và ngay cả cha tôi mới là thân chùm gởi trên cây Mẹ. Những con tằm bé nhỏ mẹ ươm mẹ nuôi ngày nào đã nhả những sợi tơ mảnh mai óng ánh nhưng bền bỉ, đã đem lại cho đời những tấm áo đẹp, đượm tình quê hương…….
 
Viết sao cho hết tấm lòng của con về mẹ, người mẹ kính yêu của con!!
 
 
Mỹ Nga
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com