User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Bốn mươi sáu năm trôi qua nhìn lại kỷ niệm thời son trẻ, trong thời chiến chúng ta phải thi hành bổn phận làm trai chống cộng bảo vệ miền Nam tự do. Nhưng biến cố lịch sử 30.4.1975 cộng sản chiếm miền Nam, số phận chúng ta cùng trôi theo vận nước bị nhà cầm quyền CS bắt tập trung vào tù từ Nam ra Bắc, nhiều người đã qua đời. Ra tù vì tự do và cuộc sống… một số người phải tha phương, kẻ chân trời người góc biển xa khơi. May mắn tôi về sớm vượt biển nhiều lần đến được bến bờ tự do.
 
Vui buồn năm tháng từ  Chí Linh – Rạch Dừa – Học Viện Thủ Đức
 
tanh1 
Chúng ta ôn lại kỷ niệm xưa vui buồn, không phải để luyến tiếc hay khơi dậy lòng hận thù. „Mùa Hè Đỏ Lửa“ 1972 chiến sự khốc liệt. Lệnh Tổng Động Viên ban hành, sinh viên được hoãn dịch học vấn bị sụt một tuổi „phải xếp bút nghiên“. Thay vì nhập ngũ vào trường Sĩ Quan Thủ Đức, chúng tôi thi vào ngành Cảnh Sát. Trung tâm vùng I, thi ở trường nữ Trung Học Hồng Đức, Đà Nẵng. Đại Úy Ấm thời cảnh phục còn áo trắng làm Giám Thị cho biết hơn 3000 người nộp đơn dự thi hãy cố gắng làm bài cho đậu vào ngành có „chữ Thọ“. Từ 1971 hầu hết SVSQ tân tuyển vào Cảnh Sát, ra trường cấp Thiếu Úy phải có tối thiểu bằng Tú Tài II trở lên, và qua một kỳ thi tuyển.
 
Đề thi: bài nghị luận: “Tự do ví như dòng nước rất cần cho đời sống, song nếu không có bờ thì sẽ tràn lan nguy hại“
 
– Bài Sử Địa: “Chính sách bế quan tỏa cảng của thời Gia Long – Minh Mạng dẫn đến hậu quả gì, tác hại ra sao?“
 
Sinh ngữ: Dịch bài Ra Khơi sang tiếng Anh hay Pháp (tùy thí sinh chọn)
 
Từ ngày 19 đến 20.07.1973 trình diện tại Học Viện Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia (HVSQCSQG) Thủ Đức. Bắt đầu cuộc đời „ông cò“ mái tóc dài bị cắt ngắn còn 3 cm, đội bere đen nhìn hình mình trong kính thật ngố. Từ đó bắt đầu vui buồn đời sống quân trường, nhận quân trang, giày bố, giày boot de sault mới tinh, quần áo của các khóa đàn anh để lại, tôi mặc vừa nên không cần phải tìm người đổi. Tổng số trên 450 Sinh Viên Sĩ Quan 220 là tân tuyển còn nữa kia là những người đã phục vụ trong ngành CSQG ít nhất 5 năm, có trình độ Trung Học được tuyển chọn để theo học khóa Sĩ Quan.  
 
hvcsqg
 
Từ Học Viện thành lập Liên Đoàn SVSQ, đưa xuống Trung Tâm Huấn Luyện CSQG Rạch Dừa (TTHLCSQGRD) Vũng Tàu, học căn bản bán quân sự, sau đó chúng tôi được chuyển tiếp vào Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia trong rừng Chí Linh làm quen đời sống của nông thôn, chúng tôi nhận quần áo bà ba đen trở thành „Cán Bộ Áo Đen“. Ở trong những doanh trại bằng gỗ rừng lợp lá, giường ngủ là những cái sạp làm bằng cây đước nhỏ ghép lại, trại trong vườn trồng sắn cỏ mọc xanh rì, ngày đầu phải nhổ sạch cỏ tránh rắn rít có nơi ẩn núp. Vườn này của các khóa Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn làm trong tinh thần tự quản, tự phòng và tự phát triển. Theo chương trình chúng tôi ở rừng Chí Linh 2 tuần ngày đến Hội Trường nghe giảng chính trị, về đời sống nông thôn… thức ăn do nhà thầu cung cấp đầy đủ. Chúng tôi ở Tổng Đoàn 4 gần biển, buổi chiều ra bãi biển ngắm mây trời, nhìn sóng nhấp nhô từ xa khơi chạy vào bờ xóa hết dấu tích của những con dã tràng siêng năng xe cát. Gió thổi rì rào qua rừng phi lao trên cồn cát vàng nhạt với những đàn nhông chạy tìm mồi, phong cảnh nơi nầy thật bình yên không nghe bom đạn trong cuộc chiến.
 
nqdhinhcu1
 
Chính phủ tổ chức khóa „Cán bộ hóa Công chức“ cho tất cả nhân viên ở các ty sở hành chánh theo học một tháng, khóa chúng tôi chuyển sang Tổng Đoàn 5 phải ở lại học thêm một tháng. Chia ra từng Trung Đội ở chung với công chức các ngành, nhóm tôi ở chung với những người thuộc Bộ Phát Triển Sắc Tộc, nhạc sĩ Nguyễn Đính có bộ răng vàng sáng chói vui tính. Tôi có thêm bạn mới Cao Hòa làm Đốc Sự Hành Chánh còn độc thân vui tính, gốc dân tộc Thái trắng (Bắc di cư) hơn tôi 3 tuổi, thời gian trở về học viện đi phép cuối tuần thỉnh thoảng tôi ghé thăm đi chơi với anh.
 
Đêm mãn khoá ở Vũ Đình Trường Chí Linh với ánh sáng từ những ngọn đuốc là biểu tượng hành trang của Cán Bộ, mang về đến tận vùng nông thôn xây dựng! „ấp làng đời mới“ giúp cho người dân có đời sống tốt đẹp hơn. 
 
Trở về TTHL Rạch Dừa, chúng tôi gọi là „Trung Tâm Cá Mối, Cá Lẹp“ bởi vì hằng ngày Phạn xá cho ăn món chính là: cá mối, cá lẹp kho, ăn với cơm gạo lức đỏ cũng có món canh rau… Ông Mã Thiết nhà thầu muốn lời nhiều nên cắt xén bớt phần ăn, bàn ăn không sạch. Chúng tôi là sinh viên từ Đại Học chấp nhận cho qua ngày, nhưng anh Cường là người từng sống trong ngành CSQG nhiều năm, làm Đại Đội Trưởng khóa sinh, kêu gọi anh em tẩy chay không ăn trưa để phản đối nhà thầu. Chỉ Huy Trung Tá Nguyễn Kim Chi (c), ra lệnh Đại Úy Chính Tiểu Đoàn Trưởng khoá sinh phạt chúng tôi chạy quanh sân cờ nhưng từ đó Phạn xá cải thiện thức ăn, nước uống sạch sẽ hơn. (anh Cường ra trường về làm ở Vĩnh Long đã qua đời) 
 
Trung tâm Rạch Dừa huấn luyện nhân viên CSQG là chính, sinh viên SQCS trong giai đoạn I. Buổi sáng ngủ dậy phải chà láng chung quanh các bồn hoa và gốc cây. Học nhiều môn trong đó có điều khiển giao thông làm „chim bay cò bay“ ở các ngả tư đường khi không có đèn xanh đỏ, SVSQ lúc thực tập ở ngả tư nhiều xe qua lại chưa có kinh nghiệm và vì run thổi còi không kêu! Về môn chiến thuật, chiến lược, tháo ráp súng carbin, tập bắn… gần mãn khóa phải đi di hành với đầy đủ quân trang, súng đạn. Đến TTHL Vạn Kiếp để đi đoạn đường chiến binh. Bò hỏa lực dưới kẽm gai đạn đại liên 30 bắn bay kêu vun vút trên đầu, ai cũng sợ vỡ sọ nên bò sát đất!
 
Đời sống quân trường đổ mồ hôi, nước da sạm nắng, thể lực khoẻ. Hơn 3 tháng ở Vũng Tàu với nhiều kỷ niệm đầu đời, cuối tuần tôi đi phép với Tăng Văn Châu có anh là Sĩ Quan Hải Quân ở Cát Lở cho mượn xe Vespa đi chơi biết nhiều nơi ở Vũng tàu thật là vui. Lễ mãn khóa giai đoạn I, tối gắn Alpha ở sân cờ và đêm văn nghệ, ban nhạc do Nguyễn Đình Lộc đại diện về Sài Gòn mướn ban nhạc „Dream brand“ trình diễn không hay anh em cùng khóa gọi Lộc là „Lộc dream“.
 
Trở về Học Viện chia ra 4 Đại Đội là: 31-32-33-34 mỗi Đại Đội có 2 Sĩ Quan Cán Bộ chỉ huy: Tr/Úy Phan (lùn) Đại Đội Trưởng 31, Đ/Úy Lân 32(c), Đ/Úy Năm (đen) 33, Đ/Úy Sâm 34 (c). Chúng tôi thuộc Đại Đội 33 ở tầng lầu trên, 34 dưới nên biết nhau nhiều hơn. Đại Đội 33 họp bầu SVSQ Đại Đội Trưởng, Đ/Úy Năm chọn trước anh Tiết là người lớn tuổi trong ngành, chúng tôi không đồng ý muốn bầu nhóm SVSQ tân tuyển, liền bị phạt chạy 10 vòng sân cờ để dằn mặt, cuối cùng anh Tiết vẫn làm theo ý của Đ/Úy Năm, ngày mãn khoá Đại Đội 33 hai người (Dũng và Hộ) bị đánh rớt vì lý do hạnh kiểm! Tr/Úy Hòa Đại Đội Phó gần với anh em hơn, tính tình ông rất dễ mến. Anh em cùng khoá muốn tìm thăm hỏi, nhưng không biết tin ông sau cuộc đổi đời. Đại Úy Thủy Tiểu Đoàn Trưởng anh em rất sợ mỗi sáng thứ Bảy, ông xét phòng rất kỹ, cánh quạt trên trần nhà, chúng tôi không để ý lau bụi bị ông phát hiện, nhưng ông chỉ cảnh cáo chưa cúp phép lần nào, tính công bằng nên sinh viên nể sợ, ông đã tập cho sinh viên một thói quen lau chùi phòng sạch, tủ áo quần ngăn nắp, ra giường thẳng đến bốn góc, giày đánh bóng… nhờ Đại Úy Thủy tôi đã học được ngăn nắp, thi hành lệnh đó cho tới nay. Nhớ ơn cựu Thẩm Phán Trần An Bài cho chúng tôi thăm nhà tù Chí Hòa, theo dư luận nơi đó có „con ma vú dài“ xuất hiện hằng đêm. Chí Hoà xây giống lò bát quái, khu “nguy hiểm” bên trong song sắt tướng cướp Điền Khắc Kim nhỏ con từng nổi tiếng ăn cướp, hiếp dâm tại Sài Gòn, nhà tù là địa ngục trần gian, thương nhất đám trẻ vị thành niên cũng bị nhốt. Thầy Bài dạy chúng tôi đi làm phải có đạo đức, liêm chính. Khi ký vào biên bản… nếu điều tra không kỹ có thể làm người ta ngồi tù oan sai, Sinh Viên Sĩ quan đều kính mến thầy Trần An Bài. Ông định cư San Jose học lại lấy bằng Tiến Sĩ, những thập niên trước ông làm chủ bút tờ Chính Nghiã?
 
nqdhinhcu
 
Đ/Úy Thủy đi H.O đến Goergia Atlanta, nơi đó anh Bành Kim Hoàng cùng khóa 8. Đ/Úy Nguyễn Văn Nhì, phòng An Ninh cảnh lực Học Viện, xuân về anh thực hiện Đặc san Phượng Hoàng Goergia, tôi thường góp bài. Đ/Úy Năm không đi theo diện H.O. Bạn Kha đã tìm ông hội ngộ với anh em trong tuổi già vui vẻ. Chúng tôi gặp nhau sau cuộc đổi đời ôn lại kỷ niệm xa xưa trôi qua lặng lẽ, nhiều bạn cùng khóa đã ra đi về bên kia thế giới! 
 
Thời ở H.V hàng ngày hai buổi xếp hàng mang cặp đến lớp học nhiều chuyên môn, cho ngành CSQG. Ban Giảng Sư Đoàn là những người thầy tài năng kinh nghiệm, dạy cho chúng tôi trở thành những người chỉ huy phải có kinh nghiệm làm việc, không thể thiếu đạo đức, phải thanh liêm, công bằng và bác ái. Ngày hai buổi đi học phải xếp hàng đi theo nhịp 1-2-3-4, nhạc phẩm Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang. Đại Đội (đđ) 33 của chúng tôi hát rất hùng hồn, đã đi vào trong tim và ký ức.
 
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng
……
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên
 
 
Chiều thứ Sáu và sáng thứ Bảy, chúng tôi phải tập đi diễn hành có súng Garant trên vai hơn 4 kilo, dài 1m,10 trên có gắn lưỡi lê (Grant sản xuất năm 1936 không còn sử dụng trên chiến trường chỉ dùng đi diễn hành cho đẹp), tham dự ngày mãn khoá của khoá 7 (khoá đàn anh đi diễn hành không có súng đi ngang qua khán đài chỉ chào tay). Dù trước đó ở Rạch Dừa chúng tôi cũng đã tập trước nhưng về HV thì nghiêm hơn, xếp hàng từ cao xuống thấp theo đội hình, các bạn nào hơi thấp thì không đi diễn hành làm các công việc khác cho doanh trại. Thiếu Tá Phước, Thiếu Tá Chánh hướng dẫn tập dợt cho ngày ra trường rất khó tính, phải đi đúng nhịp, ngay thẳng, hàng trái phải chào tay khi qua khán đài danh dự. (Các bạn còn trong tù, hay chưa đến định cư Mỹ, thời đó tôi đọc báo thấy cựu Đại Tá Trần Minh Công từng làm „Xứ Bộ Trưởng“ cựu Đại Tá Phạm Văn Liễu (c), người của mặt trận gọi ông là anh Bảy, đến Đức vận động cho Mặt trận Hoàng Cơ Minh (Tướng Minh đã hy sinh trên đường về nước). Chúng tôi mừng cho hai vị cựu Sĩ Quan cao cấp CSQG vượt thoát khỏi VN không bị tù đày.
 
Thỉnh thoảng Trung Tá Viện Phó Phạm Công Bạch (c) cũng kiểm tra xem diễn tập,  Thiếu Tá Phước và Chánh chỉ huy diễn hành cho đến lúc ra trường chưa bao giờ phạt chúng tôi. Thương tiếc Đại Tá Đàm Trung Mộc vị thầy khả kính, Thiếu Tá Quách Trung Chánh Liên Đoàn Phó, ông có lỗ tai lớn như Đức Phật theo tướng số thì sống thọ, không ngờ ông cũng qua đời trong trại tập trung ngoài Bắc! Tháng cuối gần xong khóa học, chúng tôi rất vui được đi thực tập Trưởng cuộc ở các quận, tiếp xúc trực tiếp công việc trong tương lai.
 
Hồi tưởng lại ngày 16.08.1974 mãn khóa tại Học Viện, đêm văn nghệ mướn ban nhạc Thăng Long của Phạm Đình Chương, ca sĩ Thái Thanh, Lệ Thu và trong  khoá 8 có nhiều người hát rất hay… Chúng tôi được phân chia đi bốn vùng chiến thuật. Tôi về Sadec làm việc còn lãnh lương như ở Học viện là 14.700 đồng, hy vọng trước sau gì mình cũng lãnh lương một lần đủ tiền mua chiếc xe Honda cũ làm phương tiện đi lại, làm quan chưa lãnh lương! thì ngày 30/4 đến.
 
mankhoa
 
Khóa của tôi 220 sinh viên tân tuyển. Sau lễ mãn khoá các bạn gốc miền Nam được chọn trước cho ngành đặc biệt về học thêm ngành tình báo làm việc tại Sài Gòn. Tôi thích ngành nầy vì mặc civil tiếp tục vào các trường Đại Học làm việc vừa học thêm vài năm sẽ lấy bằng Cử Nhân có tương lai hơn, nhưng không có tên trong danh sách về ngành nầy.
 
Ngày 15.03.1975 tôi xin phép Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phan Văn Cao (c) về Sài Gòn tìm gia đình di tản từ Đà Nẵng vào. Sau một tuần hết phép quốc lộ bốn bị cắt tôi vào Bộ Tư Lệnh trình diện, chứng kiến những ngày đau buồn cuối cùng ở Sài Gòn! đến đường Bạch Đằng dòng người chen nhau lên tàu, ở Tòa Đại Sứ Mỹ… lòng mình cũng muốn đi theo, nhưng vì trách nhiệm không dám đào thoát, Chuẩn Tướng Nhu (c) còn hiện diện tại công sở (ông đã qua đời trong trại tù). Ông Tướng Tư Lệnh nhanh chân cao chạy bay xa!
 
Hoàn cảnh „thua cuộc“ thật buồn! CS chiếm miền Nam, theo lệnh của Uỷ Ban Quân Quản CS và lời khuyên của mấy sinh viên phản chiến khuyên tôi nên trở lại Lấp Vò trình diện may ra sớm được khoan hồng vì mới ra trường chưa đụng chạm nhiều, để điạ phương xác nhận. Tôi về Lấp Vò nhiều người ngạc nhiên tưởng tôi đã đi rồi, còn ở lại chung số phận với anh em chờ ngày trình diện, tôi gặp lại Thiếu Tá Võ Văn Hổ (c), Thiếu Tá Lê Quang Trung(Úc). Trung Tá Cao (c) xuống tàu Giang Cảnh với Đại Tá Tỉnh Trưởng ngày cuối cùng tìm đường ra khơi.
 
Ngày trình diện ở trường Trung Học Tạ Thu Thâu Lấp Vò, làm bản tự khai, lý lịch. Cán bộ từ trong bưng ra bản chất nông dân miền Nam dễ chịu, ngược lại ông giáo cấp II nằm vùng hỏi cung tại sao tôi gia nhập ngành CS? ăn hối lộ nhiều chưa? Tôi trả lời, tôi mới ra trường làm việc với tinh thần „Công Minh Liêm Chính“, nếu ông không tin thì hỏi dân ở đây thì biết, tôi cũng giống như ông đi làm lãnh lương chỉ khác nhau công việc… hắn nhìn tôi với nụ cười nham hiểm rồi lấy bút đỏ ghi vào bản tự khai những gì đó, loại cách mạng 30 của giờ thứ 25 muốn lập công rất nham hiểm! Hai ngày sau an ninh quận gọi tôi hỏi cung, tôi trình bày những gì tôi nói với ông thầy giáo chân thật không chống đối, tôi ra trường về đây làm việc thời gian ngắn chưa bằng thời gian những người thâm niên nghỉ phép. Từ Sài Gòn tôi về đây trình diện với địa phương có thể kiểm chứng những ngày tôi làm việc ở đây được mời ăn giỗ thì nhiều, không hối lộ hay nợ máu với ai. Ông Năm Đen Trưởng Ty An Ninh bảo tôi: chú viết lại bản tự khai, ông đọc lại chậm rãi suy nghĩ, ký tên đóng mộc lưu vào hồ sơ. Hồ sơ theo tôi vào tới trại tập trung ở tỉnh, mỗi lần làm bản thu hoạch, lý lịch tôi viết y như vậy không thay đổi. Cảnh tù cải tạo giống nhau nên tôi không nhắc lại làm gì, chỉ buồn có một thiểu số hèn hạ cuối đầu quỳ gối nịnh bợ Cán bộ quản giáo… Cho đến nay thế giới văn minh, nhưng cũng còn những người quỳ gối để mưu cầu danh lợi, dù họ có đến đỉnh vinh quang, tôi cũng không thích hành động hèn hạ đó.
 
Cộng sản ghét ngành Cảnh Sát, dù mới ra trường cũng phải gỡ lịch ít nhất 2 năm, ngành Đặc Biệt, An Ninh Cảnh Lực Trần Quang Đức thì 4 năm, các bạn Đào Kim Hùng, Nguyễn Văn Tánh, Ngô Văn Bé… và những bạn hoạt động ở các phân khoa Đại Học Vạn Hạnh, Đại Học Sài Gòn bị tù lâu hơn. Hùng khai lý lịch thế nào bị đưa ra Bắc (ở huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh) g lịch hơn 7 năm ngang với cấp Tá làm tù lao động khổ sai! Nguyễn Văn Tánh (đđ34) về Đại Học Luật, Tánh tập trung với tôi một trại nhưng ở khung khác, sau đó Tánh bị đưa đi một mình vì tội „tình báo CIA“ không biết đưa đi đâu lành hay dữ cho người bạn trẻ của tôi! „một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ“ tôi cảm thấy buồn ngồi một mình dưới gốc cây Ô Môi trơ cành vì lá bị tù nhân hái hết trị bệnh lác đồng tiền. Suông (đđ 34) thuộc ngành đặc biệt có thẻ phóng viên theo dõi thành phần thứ 3, đến nói nhỏ tôi đừng cho ai biết việc làm của Suông. Tôi nói với Suông „con chó nó không ăn thịt chó“ bạn yên tâm hồn ai nấy giữ. Ngày hội ngộ mừng gặp Tánh, cho biết ngày ấy bị đưa về nhốt ở Cao Lãnh hơn 4 năm với Đại Úy Hà Văn Sang Chỉ Huy Trưởng quận Đức Thịnh! Trong „cái xui cũng có cái hên“ ai ở tù trên 3 năm, may mắn được đi theo diện H.O Humanization Organization (Tổ chức nhân đạo) từ năm 1990. (1)
 
Cựu Thiếu Tá Ngô Bá Phước, cựu Đại Tá Viện Trưởng Trần Minh Công, Tiến Sĩ Trần An Bài mấy chục năm hội ngộ với anh em khóa 8 ở California Quý ông còn phong độ. Thầy, trò tóc đều bạc theo thời gian. Khóa 8 có vài ba bạn chạy ngày cuối cùng 30/4 đến định cư tại Mỹ lúc còn trẻ độc thân đi học lại tốt nghiệp Đại Học. Đến Đức chương trình học khó nhất là tiếng Đức, bằng Đại Học không công nhận nhưng bằng Tú Tài I và II dịch sang tiếng Đức gọi là (Bakkalaureatzeugnis Teil I & I I) phải qua cơ quan kiểm định bằng (Zeugnisse Anerkennungsstelle) của Bộ Giáo Dục để được công nhận vào Đại Học, nhưng phải học năm dự bị, không phải đóng tiền học phí như bên Mỹ, Đức còn cho mượn tiền học không có lời, nhưng ra trường rất khó.
 
cali csqg 3
 
Bạn Hoàng Công Sũng sau 6 năm tù từ ngoài Huế chạy vào miền Tây vượt biên sang Mỹ năm 1985, tôi đi đường bộ từ Châu Đốc sang Miên, thất bại, đi đường biển Cà Mau bị gạt, chạy thoát thân không bị bắt… lần cuối cùng sắp trắng tay, đi ghe từ cồn Phụng Long Xuyên theo dòng Hậu Giang ra cửa Trần Đề. Mấy ngày lênh đênh trên biển được Cap Amanur vớt đưa vào Singapore, vượt biển đổi mạng mình với sóng gió, hải tặc số người chết 50%, ghe đi trên sông mà dám ra biển! Tạ ơn Chúa may mắn tôi đến được bến bờ Tự Do. Thời đó cô em bên California làm bảo lãnh phải chờ lâu, năm 1980 tôi định cư Đức. (2).
 
Sau nầy nhiều bạn đi theo diện H.O tuổi không còn trẻ đã lập gia đình có con cái, không thể tiếp tục học Đại Học, chấp nhận công việc mới để lo cho gia đình. Các con của nhiều bạn hội nhập, thành công phần đông tốt nghiệp Đại Học các ngành Kinh Tế, Khoa Học, Y Khoa, Luật… làm sáng danh con cháu hậu duệ của VNCH.
 tanh
 
Nhờ có chương trình H.O càng ngày gia đình Cảnh Sát Quốc Gia tăng dần. Quý vị niên trưởng thành lập Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia ở California. Có sinh hoạt hằng năm là một sợi dây liên kết nhiều cựu đồng môn ngành Cảnh Sát. Hàng năm có Đặc San Phượng Hoàng số báo xuân. Tiệc cuối năm tạo cơ hội anh em gặp nhau ôn cố tri tân, tham gia chương trình CÁM ƠN ANH giúp TPB VNCH. Nhiều lần tôi đến Mỹ nhưng chưa biết các bạn cùng khóa, tình cờ tôi gặp cựu Thiếu Tá Phan Quang Nghiệp tại nhà người bạn ở Sans José là bạn tù lâu năm với cựu Thiếu Tá Phan Tấn Ngưu. Nước Mỹ rộng thênh thang, tiểu bang California gần bằng nước Đức. Ở Đức ít người Việt tỵ nạn, tôi làm việc ở Siemens hơn 30 năm nên đồng hương không ai biết tôi từng làm ông cò.
 
Nhờ những năm sau có FB, bạn bè tìm nhau dễ hơn, một bạn biết tin giới thiệu với nhau tôi liên lạc và biết tin các bạn cùng khóa ở California: Huỳnh Quốc Công, Nguyễn Châu, Nguyễn Văn Chừng, Hoàng Công Sũng, Huyên (Rồng Trời), Bình (bú), Trần Quang Kỳ (làm trưởng ban văn nghệ cuối năm của Tổng Hội CSQG), Trịnh Kỳ (c), Ôn Văn Đức, Nguyễn văn Ngọc, Trần Hùng, Nguyễn Ngọc Sơn, Phan Văn Hưng, San Jose thì có: Nguyễn Hữu Độ, Kháng, Nguyễn Hiếu, Lạc văn Thu… Dallas có: Lê Mẫn, Hoàng Lịch, Trương Văn Sừng, Lâm Bác Văn lòng tong. Houston có: Trần Quang Đức, Trần Đình Huế, Đào Kim Hùng, Hiếu (phạn xá) Huỳnh Văn Minh(33), Huỳnh Minh(32) Seatle Các nơi khác: Nguyễn Văn Hòa, Khổng Văn Bao, Nguyễn Văn Tánh, Nguyễn Văn Chói, Ánh, Bùi Lợi, anh Khanh (tai lừa) Bành Kim Hoàng, Hồ Văn Hòa Canada, Phùng Huy Đức, Hawaii, . … Các bạn khóa 8 họp mặt hàn huyên tâm sự vui vẻ, như Hoàng Lịch nói chúng ta cùng tắm lại dòng sông tuổi ngọc.
 
Người còn, người mất sau cuộc đời dâu bể! Có nhiều bạn vượt biển thất bại bị bắt bỏ tù tiếp, trắng tay phải chấp nhận số phận. Bạn khác ở tù trên 3 năm có thể đi diện H.O, nhưng hoàn cảnh gia đình mẹ già không ai chăm sóc vì chữ hiếu phải ở lại. Tôi xin lỗi không biết tin các bạn, hay quên tên không nhắc trong bài, dù ở phương trời nào chúng ta cùng chung một kỷ niệm vui buồn đời sống quân trường, ăn cơm nhà bàn, rồi cùng ăn cơm tù… (hình hội ngộ Houston)
 
houston
 
Trần Quang Đức và Thảo con gái từ Houston sang Âu Châu đi nhiều nước ghé Münich chơi với gia đình tôi rất vui. Đào Kim Hùng- Nguyễn Văn Tánh, Đạo từ Mỹ về gặp nhau tại Sài Gòn. Ngô Văn Bé ở Đức cách xa nhau hơn 900km, liên lạc qua phone chưa gặp nhau. Tôi gọi thăm các bạn trong tình thân, gợi nhớ kỷ niệm một thời, luôn tôn trọng đời sống cá nhân, công việc… Thời ở Học Viện ít nghe các bạn chửi thề, có thể sống lâu năm dưới XHCN bị áp lực, đè nén nên có đệm thêm một chút, các bạn khác khóa Huỳnh Công Chánh (gặp ở San Diego), Đoàn Quang, Ngô Văn Năm… Tôi gọi thăm các bạn một vài lần, nghe mấy bạn bận tôi tôn trọng.
 
Đại Đội 33 của tôi chỉ có 3 người Quảng Nam là Hộ, Linh và tôi, (hiện nay Hộ làm nông dân nghèo, Duy Linh bị tai biến ngồi xe lăn), ngoài ra phần đông Quảng Trị, Huế. Luân (c) Bình Định, Chu Quảng Ngãi. Có nhiều tên giống nhau nên có hỗn danh không biết ai đặt tên nhắc lại cho vui không có ý gì xấu như: Hùng sợ ma, Hùng xà mâu, Hùng ù ù cạc cạc, Hùng thao diễn, Bình bú, Bình sức, Công ngủ, Công râu, Châu ba con nhí. Nguyễn Châu (?), Long mọi, Thanh long, Đức già, Đức trẻ. Bé thầy cúng, Bé mập, Hoàng Bành Châu Đốc, Hoàn Tây Ninh, Cảnh lép… Riêng Hồ Tấn Hạp bị anh em khai tử dù còn sống, cuộc đời thay trắng đổi đen, bạc nghiã mấy ai thương.
 
Sau nhiều thập niên trở về Sài Gòn thay đổi, nhiều đường phố đổi tên xa lạ mình không biết họ là ai qua lịch sử! đi xe nghe ấy chú tài xế Taxis chửi cảnh sát giao thông, nhiều sĩ quan cấp Úy – Tá đứng đường phạt xe… Trước 1975 làm gì có sĩ quan Cảnh sát gác đường, trên xa lộ Đại Hàn có xe tuần cảnh giao thông, trưởng xa là cấp Thiếu Úy nếu có.
 
Hè 2019 từ Tokyo tôi quá cảnh ở lại Sài Gòn. Tôi nhờ bạn Kha mời vợ chồng các bạn tới quán Hương Cau gần (nhà thờ Tân Sa Châu trước năm 1975, LM. Trần Hữu Thanh chống chế độ!) rất tiếc quý bà bận không đi theo, chỉ có Long ở Bình Dương chở theo bà xã ngồi với nhà tôi đỡ buồn. Điểm danh các bạn hiện diện: Kha, Ninh, Dũng, Danh, Chu, Thụy, Long, Luân, Đạo, Thế, Hớn và Tạo bận không đến, gặp các bạn mừng vui, nâng ly chúc tụng sức khỏe, hát Karoke giọng ca về già của các bạn còn ngọt hơn hợp mứt gừng của bạn Chu tặng nhưng nay chỉ còn lại dư âm ngày hội ngộ.
 
Còn các bạn chưa gặp: Hà, Hớn, Lân, Cường, Cảnh, Bình (sức) Tạo, Vinh (c), Linh, Liên, Nghiêu, Nhân, Kiệt (c)…Các bạn: Kha, Chu, Lân được Visa từng đi du lịch Mỹ, các bạn bên ấy đón tiếp rất thân tình. Nhờ bạn ở Sài Gòn tìm giùm: Tăng Văn Châu, Trần Tấn Đạt, Nguyễn Văn Hóa mong gặp các bạn. Thỉnh thoảng bạn Kha nhắn tin anh em ngoài nầy, giúp các bạn ở quê nhà có hoàn cảnh khó khăn bệnh tật, hay qua đời. Việc làm rất hay thể hiện tình thân một thời ở Học Viện, tôi tôn trọng ý kiến các bạn, tránh những vấn đề nhạy cảm qua bài viết.
 
Sau cuộc biển dâu chúng ta còn sống biết nhau là một niềm vui của tuổi già. Tôi về thăm gia đình bác Ba Ty ở Lấp Vò sau 1975 cho tôi ăn một tuần không lấy tiền, anh Tư Trãi ở Sadec cho tôi mền chiếu mang theo vào trại, tôi mang ơn dù đã đáp trả, nhưng không thể hết vì lúc tận cùng mình được giúp đỡ „miếng khi đói bằng gói khi no“ xin ghi nhớ ơn nầy mãi mãi. Thăm những nhân viên còn thương mến tôi, gặp nhau nước mắt lưng tròng có vài người đã qua đời!
 
Hiện nay có trang online của Học Viện:  https://www.hocviencsqg-vnch.org.
 
Trang mới nầy bài viết, tin tức phong phú mong đó là nhịp cầu, thế hệ chúng tôi đã qua 70 mùa thu lá rụng, các niên trưởng tuổi già sức yếu, mỗi năm thêm cáo phó, kiếp phù sinh của con người như cái bóng, như sương đầu núi thoáng đó mất đi! thời gian đi qua mãi, không chờ đợi ai. Yêu, thương, ghét, giận bỏ hết để tâm hồn nhẹ nhàng, thảnh thơi cho đến cuối cuộc đời. Hơn nửa đời người tôi sống ở Đức trải qua nước Đức thống nhất hai miền Đông – Tây, hợp nhất lòng người, trong hòa bình, không có trại tập trung cải tạo hay trả thù cá nhân… Hàng năm ngày 03-10 kỷ niệm ngày thống nhất là niềm vui hãnh diện của người dân Đức hùng mạnh. Trong khi ngày 30-4 thì tôi cảm thấy ngậm ngùi, vết thương lòng như còn rỉ máu! mời đọc bài viết về thống nhất nước Đức:  https://bit.ly/3EOgqUr
 
Năm 2014 trước khi về hưu chúng tôi đến Houston cùng với cậu mợ thuê xe từ đó qua Luisiana – Florida-Sth.Carolina, N.Carolina -Virgina- Washington D.C- Philadephia – New York – Quebéc – Ottawa- Montreal – Toronto- Niaga fall- Ohio – Kentucky – Tennesse-Akansas Dallars. Đất Mỹ rộng phong cảnh đẹp thời đó tiền xăng, ăn uống, Hotel (Motel) rẻ hơn Âu châu nhiều. Bên California những năm trước chúng tôi đi nhiều nơi xuống biển lên núi, qua sa mạc…
 
Mong hết dịch Covid tôi bay sang Mỹ thăm anh chị em, sẽ nhắn tin mời các bạn ở Westminter, Sans Jose, Houston, Seatle các nơi đó đều có người nhà của tôi, mong có dịp uống cafe hay lai rai vài ly beer với các bạn cho vui, tôi không làm phiền các bạn phải đón đưa, nhiều bạn còn đi làm hay ở nhà giúp con đưa đón cháu nội, ngoại, cuộc sống phồn vinh ở Mỹ nhưng thời gian thì giới hạn.
 
Năm mới 2022 chúng ta cùng đốt nén nhang lòng tưởng niệm, những niên trưởng, những bạn đã hy sinh trong những ngày tàn cuộc chiến. Kính chúc quý niên trưởng, các bạn cùng khóa bình an, khoẻ mạnh và hạnh phúc bên con cháu.
 
Chúc mừng các bạn Kha, Hớn, Hùng và con trai của Chu chiến thắng bệnh Covid tiếp tục với ngày tháng rong chơi. Thành kính chia buồn với các bạn: Minh, Tánh, Hùng thân mẫu đã qua đời ở Việt Nam, Huỳnh Huỳnh Minh và Tánh không về đưa thân Mẫu đến nơi an nghỉ cuối cùng!
 
Nguyễn Quý Đại   
 
Cám ơn hai bạn Hoàng Công Sũng và Trần Quang Đức gởi cho hình họp mặt tại Cali và Houston.
 
2/ Năm 2009 chúng tôi một nhóm thuộc Cap Anamur tổ chức đêm văn hóa mời đại diện chính quyền vinh danh ân nhân người Đức, đã mở vòng tay nhân ái cứu thuyền nhân Việt Nam „Boat People“ trên biển Đông. Thực hiện Đặc san song ngữ  Việt Đức: Hồi Tưởng 30 Năm Tỵ Nạn „Erinnerung an 30 Jahre Flüchtlingsdasein“ nhớ ơn Tiến sĩ Rupert Neudeck người khởi xướng con tàu ra khơi cứu người vượt biển. Năm 2017 Ô. Bà Rupert Christel Neudeck thực hiện tác phẩm Was man nie vergessen kann“ tôi góp bài Ra Khơi được nhà xuất bản Peter Hammer verlag chọn sửa tựa đề „Gleichgütiltigsauten die Möwen der Tragödie zu“ độc giả Đức hiểu thêm cảnh vượt biển và hội nhập thành công của người Việt. Tôi có gởi đường link cho bạn Ngô Văn Bé thích thì mua đọc. Tiền bán sách giúp cho người nghèo của Hội Grünhelme. Tôi thích sống độc lập, không theo đảng phái hay làm chính trị, sống và chết với quê hương thứ 2 nầy, nhưng lòng luôn hướng về VN yêu quý.
 
Mời đọc thêm tài liệu
 
Ân Nhân của chương trình HO.
 
Bà Khúc Minh Thơ đề xuất thực hiện. Chồng bà là một sĩ quan đã qua đời trước khi trở thành một HO và bà có rất nhiều bạn bè của chồng vẫn nằm trong trại cải tạo. Từ ý tưởng giúp đỡ những gia đình quân nhân VNCH, bà thành lập và vận động mọi người tham gia Hội Gia đình Tù nhân Chính trị Việt Nam để tạo tiếng nói giúp đàm phán với chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
 
Trong quá thực hiện và làm việc với nhà cầm quyền hai nước, bà Thơ có sự giúp đỡ của hai người bạn Mỹ là ông Robert Funseth – người đặc trách chương trình tỵ nạn của Bộ ngoại giao. Thứ hai là ông Shef Lowman – nhân viên của Bộ ngoại giao, một người hiểu nhiều nhất chương trình tù nhân chính trị, cũng như những người bị bắt ở tù. Ngoài ra bên lập pháp còn có Thượng Nghị Sĩ John McCain, Thượng Nghị Sĩ Edward “Ted” Kennedy và hầu hết phần đông những thượng nghĩ sĩ, dân biểu mà hồi xưa là cựu chiến binh Hoa Kỳ.
 
Điều kiện định cư theo diện HO
 
1/ Giai đoạn 1 kéo dài 6 năm từ năm 1990 đến năm 1996. Vì lý do chính phủ Hoa Kỳ lúc bấy giờ không đồng ý tạo điều kiện trong thời gian dài như 10 hoặc 20 năm. Do đó, đợt 1 của visa HO chỉ kéo dài đến năm thứ 6. Tuy nhiên bà Khúc Minh Thơ – người khởi xướng nhận thấy 6 năm là chưa đủ để những cựu binh lính và gia đình của họ định cư Mỹ. Vì vậy, 10 năm sau, chương trình được mở lại vào năm 2005 và kết thúc đợt thứ 2 này vào năm 2008. Thì ngừng hoạt động.
 
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com