User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
30.4dt
 
Cứ đến tháng 4 lại nhớ đến những ngày “miền Nam được giải phóng” và chuỗi ký ức tháng Tư đen lại xuất hiện với tâm trạng không vui.
 
47 năm rồi, gần nửa thế kỷ chứ ít gì, nhưng sao vẫn gợn lên nỗi ngậm ngùi?
 
Thời đó, năm 1975 tôi vừa bước chân vào ngưỡng cửa Đại Học, con đường tương lai ươm đầy những giấc mơ tươi sáng. Vẫn biết trong  thời điểm chinh chiến, ánh hỏa châu vẫn soi sáng từng đêm, tiếng súng đại bác vẫn rền vang và người lính chiến vẫn không hề được ngưng nghỉ, phải đối mặt từng giờ với những máu chảy, đạn rơi và người dân ở vùng xôi đậu vẫn luôn luôn đối đầu với hiểm nguy…. Nhưng đó chỉ là ở những nơi xa xăm, nơi cao nguyên, nơi ngoại thành hay vùng quê cách xa phố thị… chứ tại Sàigòn, mọi người vẫn yên ổn làm ăn, vui chơi… Do đó, tôi vẫn hồn nhiên với lứa tuổi học trò, không một chút suy tư về thời cuộc, và hoàn toàn ngây thơ về chính trị…
 
Rồi tháng 3 xảy ra với những xáo trộn trong cuộc chiến, những cuộc di tản, rút lui được tin tức lan tỏa trên truyền hình, truyền thanh… và ngay tại giảng đường Đại Học - nơi những tưởng chỉ tập trung vào việc học - đã thấy những tờ truyền đơn rải khắp mọi nơi với nội dung phản chiến, giải thể chính quyền, Mỹ phải rút quân v.v.., không khí học đường cũng chộn rộn, bàn tán xôn xao… Tuy vậy tôi vẫn không tin rằng miền Nam Việt Nam sẽ thất thủ, bởi vì những trận chiến oai hùng vẫn còn đậm nét kia mà… Những trận chiến thắng lớn nhỏ trong suốt cuộc nội chiến đã chứng tỏ được sức mạnh của quân đội VNCH, mọi binh chủng đều xứng đáng để được vinh danh - chẳng hạn như ngày tổng công kích bất ngờ và vi phạm lệnh ngưng chiến của Việt Cộng trong ngày Tết Mậu Thân 1968 ở mọi nơi trên miền Nam, biết bao máu đổ lệ rơi, Huế bị chiếm đóng, người dân bị chôn sống, người chết như rạ… Đến mùa hè đỏ lửa 1972, dân chúng phải di tản, quân đội phải tử thủ và đã tạo được được những chiến thắng anh dũng, kiêu hùng của quân dân miền Nam Việt Nam, đã đẩy lùi được âm mưu xâm chiếm miền Nam của chính quyền miền Bắc, ngay cả những ngày cuối tháng Tư trước khi miền Nam thất thủ, chiến trận Xuân Lộc với 12 ngày trấn thủ cũng thật oai hùng… Nhưng cuối cùng, không ai ngờ đến, vì nhiều lý do, từ những lệnh bỏ ngõ, rút quân, di tản, bỏ rơi của đồng minh v.v… đã khiến cho miền Nam tức tưởi mất tên vào ngày 30 tháng 4 và từ đó biết bao nhiêu đau thương xảy ra khi gia đình đã phải ly tan, hoặc mất mạng trong trại tù, trên đường di tản, trong những chuyến vượt biên, vượt biển tìm tự do, và dĩ nhiên cũng có cả triệu người vui mừng hớn hở của bên thắng cuộc.
 
Ngày 30/4/1975 khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh cho binh lính buông súng đầu hàng. Không biết những gia đình khác thế nào, nhưng trong xóm tôi ở quận Tân Bình, mọi người đều xôn xao vì những tin đồn thực hư lan rộng, khiến mọi người lo âu, hoảng hốt. Nhớ đến hình ảnh Ba tôi đã lặng lẽ lên sân thượng nhà ngồi trầm ngâm một mình và từ chối những bữa ăn chung với gia đình, rồi những ngày sau đó ba má tôi thì thầm bàn tính, các bạn bè thân thiết của ba cũng ghé nhà, nét ưu tư hằn lên gương mặt từng người… Còn đám con nít chúng tôi tuy không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tương lai, nhưng thấy ba má lo âu và lặng lẽ hơn thì chúng tôi cũng không dám đùa giỡn, mọi sinh hoạt bỗng như chậm chạp, buồn tẻ hẳn đi.  
 
Ba tôi ngày hôm sau rời khỏi nhà thật sớm và khoảng giữa trưa thì ông lái xe gắn máy trở về, cùng một ông đạp xích lô chở một số thức ăn mà chỉ khi có dịp đặc biệt gia đình tôi mới được thưởng thức, một lố tập vở (có lẽ cả trăm cuốn) và 2 đầu máy may Singer, kêu chúng tôi phụ giúp khiêng vào nhà. Chúng tôi ngơ ngác nhìn ông, thì ông giải thích “tập vở là để cho các con có cái để viết và học sau này vì có thể sẽ thiếu hụt và máy may là kế sinh nhai ổn định nhất để tồn tại” Đưa gói thức ăn, ba giục chúng tôi “ăn đi các con”. Cả đám con reo lên lau nhau dọn bàn và mời ba má cùng ăn, nhưng ba má chỉ ngồi nhìn các con đang hồn nhiên tranh nhau gắp thức ăn mà mắt đượm buồn…  
 
Vài ngày sau, các binh sĩ, nhân viên cấp thấp phải ra trình diện trong 3 ngày rồi được trở về, khiến ai cũng vui mừng, cho nên sau đó  khi các sĩ quan cấp Úy và nhân viên hành chánh được thông báo phải chuẩn bị lương thực 10 ngày, các sĩ quan cấp Tướng, Tá của VNCH chuẩn bị lương thực 1 tháng để tập trung “học tập cải tạo” thì hầu như ai ai cũng hăng hái đi trình diện vì tin rằng sẽ được trở về đúng như thông báo để còn xây dựng cuộc sống mới. Thế nhưng oái oăm thay nhiều người đã phải bỏ mạng, đau ốm, tàn tật và không hề biết được ngày về trong các trại “cải tạo” đó. Ba tôi may mắn còn sống sót sau hơn 10 năm tù đày, nhưng ảnh hưởng về tâm lý của một tù nhân chiến tranh đã hành hạ ba tôi trong những năm cuối đời lưu vong…
 
Còn người dân miền Nam, nhất là những gia đình có dính líu đến “ngụy quân, ngụy quyền” cũng điêu đứng không kém. Thế là những chuyến vượt biên, vượt biển được tổ chức… số người đánh đổi mạng sống mình để tìm tự do ngày càng nhiều, người may mắn thì đến được bến bờ tự do an lành, người không may thì làm mồi cho cá biển, hoặc bị bắt lại nếm mùi tù tội. Ôi, kể sao cho xiết những thảm cảnh của người trong nước và người tha hương những năm sau “giải phóng”!!!
 
Cho nên những người sinh sống, làm việc với chính quyền VNCH vào thời đó chắc không dễ gì quên những ngày tháng lao đao sóng gió này. Nhớ lại không phải để thù oán, giận hờn mà chỉ để ngậm ngùi, thương xót, để tưởng niệm một ngày thật buồn của đất nước, hay đúng hơn là của miền Nam Việt Nam…
 
47 năm sau, thời gian vẫn chưa xóa nhòa đau buồn của những người dân miền Nam Việt Nam lứa tuổi thập niên 50, 60 trở về trước, còn những người thập niên 70 trở về sau, chắc hẳn câu chuyện của ngày 30/4 chỉ là ngày lễ hội, được nghỉ dài ngày để ăn chơi thỏa thích, chứ làm sao biết được biết bao nhiêu câu chuyện thấm đậm máu chảy, lệ rơi của người thua cuộc nhỉ?
 
Hình như trời Melbourne cũng hòa cùng nỗi buồn đau với kẻ tha hương năm nào, nên tối ngày 29/4 trời mưa như trút nước, để sáng hôm sau 30/4, bầu trời ảm đạm, âm u, những hoa lá vườn nhà rũ xuống như để tang cho những người đã hy sinh cho cuộc chiến, cho người bỏ mạng nơi tù đày, biển cả…
 
30 tháng 4, đúng là một ngày không có nắng!
 
Hồ Diệu Thảo

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com