User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
chimcu3
Bao nhiêu bụi tre đã được đốn để xây dựng hàng rào… (Hình: Nguyễn Bá Trạc)
 
Thuở nhỏ, một lần đang chạy theo đàn bướm đủ màu bay lượn dưới bóng tre xanh trên con đường làng trước nhà bác Tạo, chợt nghe có tiếng gáy “cúc cú cu… cu,” tôi dừng lại nghe ngóng. Đúng rồi, tiếng cu gáy đó phát ra từ vườn nhà dượng Thủ. Thế là tôi nhanh chân, chạy qua bên ấy. Vườn của dượng có nhiều cây ăn trái, đặc biệt là cây mít. Loại cây này ngoài việc cho những trái mít to đùng được dùng như làm thức ăn từ lúc mới vừa hình thành đến khi chín, còn cho nhiều huê mít mà tụi trẻ như tôi rất ham thích hái ăn, trong khi thân cây là một loại gỗ tốt dùng để làm phản, giường, bàn ghế, cửa, cột nhà…
 
Trên một cành cao của cây mít lớn nhất vườn, tôi thấy có treo một lồng chim với những chùm lá nghi trang thật đẹp mà chỉ có những đứa chuyên lục lạo như tôi mới có thể nhận ra chiếc lồng. Tôi nín thở quan sát lồng chim. Trong lồng, một chú cu đất đang xù lông cổ cất tiếng gáy. Lạ quá! Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi thấy cảnh bày trí này. Thế là tôi chạy về nhà, định báo cho Ba hay. Vừa bước vào nhà, tôi thấy có một người lạ mặt, đang ngồi trò chuyện rất thân mật với Ba trên chiếc bàn tiếp khách. Tôi định khoanh tay chào khách thì Ba đã bảo “chào dượng Lữ đi con.” Thì ra lồng chim treo bên vườn dượng Thủ là của người khách lạ này. Người khách trông rất giống Ba tôi, cốt cách phong lưu, ăn nói rất từ tốn, khoan thai. Ông là một người giàu có, quê ở Châu Sa, cách nhà cậu chừng 4-5 cây số. Thú vui chính của ông là nuôi các con chim cu đất, tập cho chúng gáy thật giỏi, để dùng làm chim mồi trong trò tiêu khiển của mình. Tiếng gáy của chim mồi vừa mời gọi, vừa rất thách đố đối với lũ chim trời, đang thong dong bay đây đó, khiến chúng phải đến gần lồng, ra sức gáy thi, rồi tung chân đá với chim mồi… Thảo nào người ta bảo, loài chim ganh ghét nhau vì tiếng gáy (hót). Chính lúc chim trời tranh tài với chim mồi, bẫy lưới được gài rất khéo léo và kín đáo trên lồng sẽ sụp xuống, nhốt luôn chú chim trời vào ngăn trước cửa lồng chim. Kết cuộc là chú chim trời được đem ra nấu cháo! Họa hoằn lắm mới có một chú chim trời được giữ lại để huấn luyện thành chim mồi, nếu chú có tiếng gáy thật tốt! Đó là những gì tôi vừa học được từ dượng Lữ sau khi tôi được Ba cho đi theo ông. Trời vừa ngả xế, dượng Lữ ra về, với hai con cu đất mập tròn. Chắc là vì mùa này quê cậu có nhiều đám mè đang chín rộ… và lũ chim cu rất mê thức ăn này.
 
chimcu2
Thú vui chính của ông là nuôi các con chim cu đất. (Hình minh họa: Jack Taylor/AFP via Getty Images)
 
Từ đó, dượng Lữ đến nhứ chim thường xuyên hơn. Mỗi lần đến, dượng luôn nhứ được chim, ít nhất cũng được một chú cu đất to lớn. Nhiều nhất thì… cũng chỉ ba bốn con!
 
Sau ngày đi theo dượng, tôi thấy việc nhứ chim như dượng sao mà phức tạp và ít hiệu quả quá. Nào là việc chọn cành treo lồng, việc gài bẫy sập thật chính xác, việc chọn hướng để đặt lồng,… Đặc biệt nhất là tôi không chịu được những khi có chim trời rất khôn ngoan, tới thách đấu gáy, thách đấu đá, nhưng không chịu nhảy vào chỗ gài bẫy, lâu cả tiếng đồng hồ! Trong khi đó, dượng có vẻ khoan khoái theo dõi từng cử chỉ, từng tiếng gáy hay bước nhảy của cả hai, chim mồi và chim trời, dường như không quan tâm đến thời gian trôi qua. Đặc biệt nhất là khi có bình trà nóng hay bình nước chè xanh để nhấm nhí thì dượng có thể quên tất cả mọi điều khác, ngoài việc chăm chú theo dõi các diễn biến nơi lồng chim. Và vì vậy, hôm nào dượng đến nhà tôi trước khi ba tôi ra đồng thì thế nào cũng có bình trà nóng đặt sẵn trong ụ để dượng dùng…
 
Tôi không bằng lòng với số lượng cu đất mà dượng có thể bắt được trong mỗi lần đến làng nhứ bẫy. Qua các buổi chăn bò ngoài đồng, tôi nhận thấy về chiều, rất nhiều loại chim tụ tập tại vũng nước nhỏ ngoài bãi cát sau làng. Rồi một hôm tôi thấy có người đến, dựng một chòi nhỏ bằng lá đùng đình, trải hai mảnh lưới thô sơ ở hai bên vũng nước, rồi ngồi thu mình trong chòi đó. Thế mà chỉ chừng một giờ sau, dăm ba chục con chim đã hạ xuống uống nước tại vũng. Bằng một cái giật mạnh và nhanh, nhưng không gây ra tiếng động nào, cả bầy chim hầu như nằm gọn trong hai mảnh lưới, vùng vẫy tìm cách thoát ra. Như thế, chỉ trong khoảng vài tiếng đồng hồ, người đó có thể thực hiện được ba mẻ lưới và bắt được hàng mấy chục con chim, trong đó ít ra cũng được mươi con cu đất và cu ngói. Tôi bèn đem chuyện này mách lại với dượng thì dượng chỉ cười nhẹ rồi vò đầu tôi:
 
- Dượng biết cách đó chứ, nhưng dượng không làm vậy. Dượng không cần bắt được nhiều chim cu. Trong những lúc thư thả, dượng thích quan sát các cặp cu trống ra sức gáy thách đố nhau rồi đổ xô vào nhau tung ra các cú đá, để rồi bị nhốt lại trong bẫy… Chỉ cần nhứ được một chú chim trời mỗi ngày là dượng hài lòng rồi, xem như chuyến đi của mình có kết quả… Nhứ được nhiều hơn nữa chỉ phiền phức thêm mà thôi!
 
- Sao vậy dượng? Tôi hỏi.
 
- Nếu bắt được nhiều hơn, dượng sẽ phải mang đi biếu bạn bè, rồi phải chọn bạn để biếu, phiền phức lắm! Với lại bắt nhiều quá cũng không hay đâu, con ạ! Khóm tre bên nhà bác con sẽ không đủ sức để phục hồi đàn chim, thay thế cho số chim cu bị nhứ… Sau này lớn lên con sẽ hiểu…
 
Dù vẫn còn thắc mắc, tôi thôi không nghĩ đến việc làm cách nào để nhứ bắt nhiều chim nữa. Từ ngày đó, những lần về làng nhứ chim của dượng thưa dần, thưa dần… cho đến khi lên tỉnh học thì tôi quên hẳn những ngày theo dượng nhứ cu, ở gần khóm tre xanh rợp đầy bóng mát…
 
Khóm tre này rất đặc biệt. Vào những ngày trời hơi âm u như ngày dượng Lữ mới đến, tôi có thú vui của mình, sau khi lo đủ cỏ cho hai mẹ con bò mà tôi chăm sóc rất kỹ khiến chúng có bộ lông màu đà rất bóng láng và thật đẹp, đang nuôi ở mái hiên nhà: Tôi sẽ ra khóm tre rậm rạp trước nhà bác Tạo. Rất nhiều chim chóc từ đâu không biết bay về đậu trên các lùm tre, kêu gọi nhau inh ỏi, nghe rất vui tai. Tôi mê mải nhìn lên mấy ngọn tre, tìm cách nhận ra các loài chim mà tôi biết là sẽ về đây vào mùa này. Ngoài mấy con chim dồng dộc với những chiếc tổ thật đẹp, đan/ bện bằng một loại lá đặc biệt lấy từ một nơi nào gần đó; mấy con chim sâu mảnh mai len lỏi trong các nhánh tre non tìm sâu bọ; mấy chú đội mũ (chào mào) lâu lâu mới hót, mấy chú chàng ràng luôn luôn kêu la ồn ào bằng một giọng khàn khàn chẳng hay ho gì cả. Lũ chim này sẽ la lối om sòm khi chúng nhìn thấy có chú cú vọ đang núp đâu đó trong khóm tre. Thỉnh thoảng cũng có chú chèo bẻo to bằng nắm tay với bộ lông đen mượt và cái đuôi khá dài đến chủ trì cho các cuộc hòa tấu. Vào những ngày nắng gắt, chim sẽ không về nhiều như thế, nhưng khóm tre vẫn là nơi có nhiều chim nhất. Ngoài ra nơi đây có nhiều bóng mát và mặt đất được phủ đầy những lớp lá tre khô. Tôi rất mê khi chầm chậm bước trên đám lá khô đó: Cảm giác êm dịu đến với bàn chân non dại cùng với tiếng va chạm vào lá tre khô tạo nên một âm thanh êm đềm, ngọt ngào… Thỉnh thoảng, tôi còn được nghe tiếng lá tre rơi, lác đác rơi… như những giọt mưa đầu mùa rớt xuống mái nhà tranh…
 
Ngoài chim chóc, khóm tre cũng là nơi lui tới của những đàn bướm đông không đếm xuể. Khi mặt trời vừa lên cao gieo rắc sức nóng xuống đồng, thì cũng là lúc các đàn bướm nô đùa bay lượn. Chúng bay từ lùm tre này qua lùm tre khác, luồn trong các lối đi nhỏ giữa các bụi tre, chập chờn chập chờn như để khoe các màu sắc rực rỡ trên những tấm thân yểu điệu, lung linh… Đôi lúc tôi bắt chước chạy nhảy quanh co theo sau đàn bướm khi chúng bay lượn trong các khoảnh đất trống nhỏ bé rợp bóng mát xen giữa các lùm tre. Không có môn thể dục nhịp điệu nào – như tôi sẽ biết sau này – có thể sánh bằng… Tôi sung sướng hòa nhập cùng lũ bướm mà không một mảy may nào định bắt chúng dù chỉ một con để giữ làm của riêng… Hình ảnh thân thương này tôi mang theo suốt đời mình. Cũng vì vậy mà tôi rất sung sướng khi được bắt gặp lại đàn bướm hai lần nữa trong đời. Một lần khi tôi đi thăm vườn Cúc Phương: Khi xe chạy vào khu nhà khách, một đàn bướm có đến hàng triệu con với đủ màu sắc từ trong rừng bay ra, tiếp tục bay ra, rồi bay xa theo chiều gió cuốn như để chào đón khách… Lần khác là vào năm 2003, khi tôi đi trên đường quốc lộ 19, lúc xe vừa xuống khỏi đèo An Khê để chạy về Quy Nhơn: Nhiều đàn bướm bay lượn trong nắng sớm vừa bắt đầu trở nên gay gắt. Lũ bướm thi nhau bay lượn nhởn nhơ, ngược chiều gió thổi…
 
chimcu1
Những chiếc tổ thật đẹp, đan/bện bằng một loại lá đặc biệt. (Hình minh họa: Janek Skarzynski/AFP via Getty Images)
 
Năm lên 14 tuổi, tôi được cho về ở bên ngoại để lên tỉnh học. Cuối tuần tôi về nhà. Lúc học bài xong, tôi cũng lo đi cắt cỏ – nhưng không còn thì giờ để chăn bò nữa. Rồi việc cắt cỏ cũng được chấm dứt vào giữa năm cậu vào học lớp Đệ Tam (lớp 10) trường Trần Quốc Tuấn: Ba và anh muốn tôi dành trọn thì giờ cho việc đèn sách. Mới đó mà đã hơn 50 năm trôi qua… Cũng vào dạo đó, bài hát Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn đang hồi được ưa chuộng:
 
Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói em nói: “Mến anh!”
 
Rồi tôi chú ý nhiều hơn đến những bụi tre là ngà (đằng ngà), cụm tre tươi tốt nhất trong khóm tre. Và tôi rất thích thú phân biệt nó với hai loại tre khác có mặt trong khóm: Tre nan dùng để chẻ lạt, đan các vật dụng trong nhà, còn tre gai ít giá trị nhất, dùng để làm các thanh giường, các khung cửa trong các nhà tre/ tranh có mặt khắp làng quê. Tre là ngà, ngoài việc chứng ghi những lời hò hẹn đôi lứa như trong Nắng Chiều, còn cho nhiều bóng mát và lá khô rơi giúp tụi nhỏ chạy nhảy thỏa thích trong các ngày nắng gắt, còn được dùng làm cột trong các ngôi nhà tranh thô sơ ở miền quê…(1)
 
Trong những lần về quê, đứng ở dốc đá trước khi vượt bãi cát  để vào làng, tôi có thể thấy rõ lũy tre xanh chạy từ đầu làng đến cuối làng như cố ôm ấp, che chở cho mảnh đất phù sa nhỏ bé ven sông trước những cơn thịnh nộ của lũ lụt. Cùng với dòng thời gian, các vũng nước giữa bãi cát biến mất dần rồi mất hẳn. Các chòi bẫy chim về buổi chiều thôi không còn được dựng lên nữa
 
… Khóm tre bên nhà bác Tạo cũng thu gọn dần và thay vào đó là những luống đất trồng dưa leo, đậu đũa, đậu cô-ve… Chim chóc cũng không còn nơi để về tụ tập…
 
Một lần về quê, tôi phải đổi hướng đi để về nhà: Một hàng rào Ấp Chiến lược nằm chễm chệ trên lối đi quen thuộc cũ, buộc người ta phải tìm hướng khác… Đó cũng là lúc lũy tre làng trở nên mảnh khảnh nhất: Bao nhiêu bụi tre đã được đốn để xây dựng hàng rào…Từ đầu đến cuối làng, hình như chỉ còn mấy bụi tre gai cằn cỗi…, cằn cỗi một cách thảm thương! Súng đạn thời chiến tranh cũng đã góp phần xua đuổi chim chóc bay đi, bay khỏi lũy tre làng đã đùm bọc chúng từ nhiều thế hệ…
 
Từ ngày hồi hương về sống ở Sài Gòn, tôi thường về thăm quê mỗi năm. Lũy tre làng vẫn tiếp tục thu nhỏ thêm, nhiều nơi đã biến mất. Thôn Tân Lập nằm giữa làng tôi với cửa Đại(2) – nơi sông Trà Khúc đổ vào Biển Đông, đã bị cuốn trôi theo trận lũ lụt năm nào, nay chỉ còn là một bãi cát nối liền sông Trà với thôn Phù Khế. Còn Xóm Bày Rớ nơi có dân sống bằng nghề chài lưới ở cuối làng cũng đã biến mất, để lại một mảnh đất nhỏ góp phần mở rộng thêm bãi cát Nam Biên (hay Ngọc Giang) nối dài về Sung Tích(3). Còn làng tôi? Năm nào có lụt lớn xảy ra trong tỉnh thì làng tôi luôn là cái làng bị cô lập như một cù lao cần được cứu trợ theo tin tức trên đài VTV!
 
chimcu
Tôi hiểu vì sao ta không nên khai thác thiên nhiên quá khả năng phục hồi của nó. (Hình minh họa: Cristina Quicler/AFP via Getty Images)
 
Trong vài năm gần đây, một đê bao kiên cố đã được xây dựng trên hai bờ sông Trà Khúc, để ngăn không cho lũ lụt tràn vào thành phố. Và như thế, dòng nước lũ cuồng điên được dồn về làng tôi, mặc sức xoi lở, mặc sức bồi lấp! Các bụi tre còi trồng thưa thớt ở đầu làng, mé sông, mé bãi gần như bị xoi trốc gốc sau mỗi trận lũ lụt như thế. Đặc biệt trong trận lụt năm rồi, cả làng chìm trong biển nước: làng tôi “được” nối liền với Biển Đông bằng nước lũ! Và cũng là lần đầu tiên sau hơn 100 năm, từ đời ông nội tôi đến giờ, nước lũ đã tràn vào nhà, ngập đến hơn nửa mét!…
 
Vắng lũy tre làng, sự chống đỡ giữ đất giữ làng cũng kém đi nhiều. Cùng với hiệu ứng nhà kính (green house effect) gây nên sự nóng ấm toàn cầu (global warming) hay sự biến đổi khí hậu (climate change) mà hệ quả rõ ràng nhất là bão lụt, hạn hán sẽ xảy ra khốc liệt hơn trong thời gian tới, không biết ngôi làng nhỏ bé của tôi sẽ còn tồn tại được bao lâu nữa?…
 
Vắng lũy tre, bây giờ làng tôi cũng vắng luôn tiếng cu đất gáy, và vắng hẳn nhiều lũ chim khác vốn thường tụ tập về đây. Cuộc chiến khốc liệt và những năm nghèo khó sau chiến tranh đã khiến cho lũ chim còn sót lại bị bắn, nhứ,… đến mức hầu như cạn kiệt. Tôi chợt nhớ đến lời dượng Lữ: “Sau này lớn lên con sẽ hiểu…” Vâng. Tôi hiểu vì sao ta không nên khai thác thiên nhiên quá khả năng phục hồi của nó. Và tôi cũng được biết là về cuối đời, dượng bỏ hẳn thú nhứ cu đất, vì dượng không muốn mua vui cho mình trên sự khổ đau của loài chim hiền từ đó…
 
Trần Ngọc Phiên
 
(1) Có lẽ có sự khác biệt trong việc gọi tên tre đằng ngà ở quê tôi so với những nơi khác. Tự điển Tiếng Việt của Trung Tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn bảo là tre này “thường trồng làm cảnh,” chứ không có thân to lớn để làm cột nhà!
 
(2) Cửa Đại: còn được gọi là cửa Cổ Lũy.
 
(3) Sung Tích thuộc xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com