Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
kyniemxua
Do thiếu lớp học, trường phải chia thành ba buổi học. (Hình: https://nhacxua.vn/nhung-hinh-anh-hiem-ve-hoc-tro-tieu-hoc-nam-xua/)
 
Trường Bình Hòa – nơi anh em tôi đều học rất trễ, bởi vì không bao giờ học trọn vẹn một niên học trong năm ở giữa hai nơi Sài Gòn và quê hương Đất Đỏ.
 
Tuổi thơ của hai anh em gắn liền với quê ngoại. Đến khi chiến tranh lan rộng và sự thanh bình êm ả không còn nữa. Ngoại lên Sài Gòn sống và lần đầu tiên tôi được học tại một trường công, trường tiểu học Bình Hòa.
 
Bắt đầu là lớp nhì rồi lớp nhất. Sau Tết Mậu Thân, giao tranh ở Cây Thị, ngã năm Bình Hòa, ở Đồng Ông Cộ, bom đạn đã phá hủy hơn phân nửa ngôi trường.
 
Do thiếu lớp học, trường phải chia thành ba buổi học: sáng, trưa và chiều.
 
Ông hiệu trưởng cho xây dựng lại và nhờ đó cho nên những năm sau, trường được nâng lên thành trường tiểu học Trung Học Đệ Nhất Cấp.

Tôi có ba thằng bạn. Thằng Võ con thầy hiệu trưởng, giống như ba của nó lúc nào cũng trang trọng quần áo ngay ngắn, nhưng chính nó đã dạy cho tôi những cách phá phách trêu chọc trong lớp, dạy cho tôi ngồi bên ly đá đậu ở hông trường mà bình phẩm những chị học sinh đi ngang qua, khen chê “con này xấu, con kia đẹp.”

Thằng Hùng, một thằng du côn thuộc loại chì trong lớp. Lúc nào trong cặp táp cũng nhiều món trò chơi gạ bán cho những bạn học cả nam lẫn nữ. Sau này, nó nổi tiếng anh chị “xếp sòng” ở những quán Bar bên hông hồ tắm Đại Đồng.

Cuối cùng là thằng Tôn, ít nói ít cười trầm ngâm như một ông cụ non. Tôn học giỏi, thường mắc cỡ khi nói chuyện với các chị bạn trong lớp.

Lớp nhất nam nữ học chung, nhưng con gái nhiều hơn con trai. Mỗi một bàn thường bốn đứa con gái, thì cuối hàng là một hoặc hai thằng con trai. May mắn là tôi ngồi gần Tôn, nên thân với nó hơn hai thằng bạn khác và hưởng ké cái siêng học của nó.

Chị Bùi Thị Thanh Hương ngoan hiền và học rất giỏi làm trưởng lớp. Lúc nào tôi cũng thấy Thanh Hương cắm cúi chép bài cho cô giáo sau tấm bảng đen, không chăm chú nghe cô giảng bài và thường mượn tập vở của phó lớp về nhà chép lại. Thế mà mỗi tháng bao giờ cũng đứng nhất lớp.

Phó lớp là Đào Thị Nguyên, học cũng giỏi nhưng thua Hương một chút. Mỗi tháng cứ xếp từ thứ nhì đến thứ năm. Khác với Thanh Hương nghiêm trang, điềm đạm, lúc nào cũng đồ bộ hay áo bà ba giản dị đi học, thì Nguyên sang trọng hơn và đôi khi áo đầm sơ mi ra vẻ con nhà giàu khá giả.

Người thứ ba uy quyền trong lớp là Bích Liên-trưởng Ban Kỷ Luật. Sau khi cô giáo vào lớp, Hương cất tiếng hô nghiêm, học sinh vội đứng lên chờ cái vẫy tay của cô để ngồi xuống, thì Liên dõng dạc đọc tên điểm danh từng đứa, rồi bước lên cạnh cô giáo báo cáo mọi việc xảy ra trong lớp học để cô bắt đầu gọi tên lên trả bài. Thường là trong giây phút này, tôi không thuộc bài liền lẫn tránh cặp mắt của Liên bao quanh cả lớp.

Cái ấn tượng đáng ghi nhớ của niên học lớp nhất là trong buổi thi tập đọc và học thuộc lòng. Cô giáo tuyên bố:

- Buổi thi hôm nay cô sẽ đặc biệt thêm điểm nếu có em nào lên ca cho cả lớp nghe và cô giới thiệu người ca đầu tiên là em Nguyên.

Bữa đó Nguyên thật là xinh, có lẽ là đẹp nhất trong suốt một niên học (cho nên sau buổi học tôi lặng lẽ đi sau Nguyên để theo dõi tìm nhà; năm 1968 trước bài Ngày Xưa Hoàng Thị, thơ của Phạm Thiên Thư, nhạc của Phạm Duy).

Dĩ nhiên, không có tiếng đàn họa theo nhưng giọng hát của Nguyên thật tình tôi không biết có hay xuất sắc không mà tiếng vỗ tay vang dội đến cả những lớp khác cũng ngó nhìn vào.

Bản nhạc Gõ Cửa được cất lên bởi Nguyên, tôi không quan tâm tác giả là ai, không cần biết Nguyên có hát đúng hay sai, bởi vì lúc đó tôi ngỡ ngàng vì mới khám phá ra Nguyên quá đẹp mà bây giờ mới biết.

Một quyết định táo bạo bất chợt nảy ra trong đầu. Tôi sẽ không lên thi bài học thuộc lòng do cô giáo chỉ định, mà sẽ bắt chước Nguyên hát một bản nhạc, lúc ấy đang thịnh hành trên đài phát thanh quân đội.

Ý định của tôi được cổ vũ nhiệt liệt, vì sau đó không có một ai can đảm hát tiếp ngoại trừ tôi.

Khi vừa hết phần đầu của bản Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc, tôi đang định hát tiếp phần hai thì cô giáo ra hiệu dừng. Vừa ngồi xuống bàn, thằng Tôn liền nói nhỏ:

– Mầy run quá nên ca sai và dở thiệt, xuống là phải rồi!

Tôi biết là tại sao tôi run. Bởi vì khi tôi ca, Nguyên cứ nhìn tôi chăm chăm. Kết quả ngày thi hôm ấy tôi chỉ được 6 điểm.

Trường Tiểu Học Bình Hòa hai năm đầy kỷ niệm. Những trưa đi học sớm chui vào ngôi đình kế bên, sờ vào những khuôn trống, thanh đao và bức tượng gỗ. Sau buổi học lại thường la cà xuống con dốc dài, những ngôi nhà tranh hiếm hoi, những gốc rạ khô khan giữa một thành phố đầy náo nhiệt. Đó là Đồng Ông Cộ.

Những tháng Hè trôi qua lặng lẽ và chúng tôi bắt đầu bước lên ngưỡng cửa Trung Học.

Tôn và tôi thi vào Hồ Ngọc Cẩn. Tôn đậu nhưng tôi thì bị rớt phải học lớp ban đêm.

Thằng Võ học ở Võ Trường Toản, riêng thằng Hùng bỏ học, mãi đến mấy năm sau. Năm 1974, tôi từ Cần Thơ về chơi rủ một thằng bạn lối xóm đến hồ bơi Đại Đồng nhìn người ta tắm. Hai thằng đang đứng bình phẩm bỗng xuất hiện nhiều đứa tóc dài mặt mày bậm trợn đưa tay chợp lấy chiếc xe mi ni của thằng bạn gằn giọng nói:

– ĐM sao mày dám ăn cắp xe của tao, trả ngay cho tao rồi cút đi.

Tôi và thằng bạn sợ xanh mặt, đang giằng co phân trần, trong khi thằng bạn móc túi tiền định đưa thì bỗng thêm ba bốn tên từ từ tiến đến nữa. Tôi ngẩng mặt lên nhìn và thốt lên: Hùng ơi cứu tao!

Thằng Hùng nhìn ra tôi cười khì khì nói: Phe ta. Mấy đứa còn lại bở ngỡ trả lời: Dạ đại ca.

Hùng dẫn tụi tôi ra đầu hẻm, vỗ vào vai tôi bảo sau này có gì trục trặc nhớ nói tên tao nha, mày còn nhớ Nguyễn Thanh Hùng?

Chị Thanh Hương thi vào Lê Văn Duyệt và hình như đậu rất cao, đứng thứ hạng mười mấy gì đó. Năm học lớp tám ở Hồ Ngọc Cẩn đêm, tôi có gặp lại Hương nhân dịp giới thiệu và bán quyển đặc san Xuân trường Lê Văn Duyệt. Hương chỉ cho tôi bài thơ đăng trong đặc san và tự giới thiệu mình vẫn là trưởng lớp.

Đào Thị Nguyên lại giống như tôi, tức là thi rớt vào Đệ Thất công lập. Năm đó 1968-1969 hai trường Tiểu Học Lê Quang Định và Chi Lăng mở thêm lớp Đệ Thất đầu tiên, tuyển các học sinh của lớp nhất từ hạng nhất đến hạng mười lăm, được vào học miễn phí mà không qua thi tuyển. Tôi nộp đơn trễ nên không được học. Nguyên vào học tại trường Chi Lăng.

Năm tôi học lớp 12, tình cờ được biết Nguyên là bạn gái của một thằng bạn cùng lớp.

Thời gian, rồi thời gian lại trôi qua.

Chiều 28 Tết của năm 2016, tôi đi chuyến xe chiều từ Đất Đỏ về Sài Gòn. Xuống xe ở Xa Cảng Miền Đông, rất nhiều chiếc xe ôm chạy lại níu kéo. Tôi bước nhanh định băng qua đường để đón xe bus vì giá rẻ và trạm xe chỉ cách nhà không đến 50 mét. Cạnh tôi, một người đàn bà chạy xe ôm đang trả lời điện thoại.

– Ba bệnh nặng lắm, để mẹ rán kiếm thêm vài chuyến, con nhớ coi chừng ba.

Tôi tò mò nhìn người đàn bà và nhận ra những nét quen thuộc xa xưa.

Những chiếc xe ôm chạy qua cũng kèo nài, tôi không thèm nhìn mà hỏi người đàn bà:

– Chị cho tôi về chùa Pháp Vân ở Nguyễn Văn Đậu nha.

Người đàn bà vội cất điện thoại, trả lời:

- Dạ xin ông 50.

Ngồi phía sau tôi gợi chuyện:

- Chị ở gần đây, vậy chị có biết trường Tiểu Học Bình Hòa trước giải phóng không?

- Dạ biết, hồi nhỏ tui cũng học ở đó.

Tôi tiếp tục:

- À, năm Mậu Thân tôi học lớp nhất tại trường Bình Hòa.

Người đàn bà trả lời:

- Vậy là tui với ông cùng thời rồi. Năm đó, tui cũng học lớp nhất.

Tôi im lặng suốt quãng đường cho đến khi xe đậu trước cổng nhà.

Tôi đưa tờ giấy 50 Euro trao cho chị, chị nhìn tôi nói:

- Thưa ông 50,000 đồng tiền Việt Nam.

Tôi bất ngờ lên tiếng:

- Chị Bích Liên!

Chị khựng lại run giọng nói:

- Anh là ai sao lại biết tên tui.

Chỉ vào quán sinh tố đối diện nhà, tôi mời chị một ly nước.

Vâng Bích Liên – trưởng Ban Kỷ Luật của lớp nhất ngày xưa, phải chi tôi là thằng Võ, thằng Tôn hoặc thằng Hùng du côn thì chắc Bích Liên đã nhận ra. Tôi chỉ là một thằng vô danh tiểu tốt bình thường, thế thì đâu cần phải nhắc tên.

Mãi sau khi uống xong ly nước và nói lời cảm ơn, Bích Liên vẫn không nhận ra tôi là ai.

Hồ Ngọc Danh

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/ban-doc-viet/ky-uc-xua/

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com