Ba lô khoác vai, hai người lính trẻ cùng bước xuống xe đò, họ đi bên nhau một quãng, rồi chia tay nơi góc phố. Sau cái bắt tay từ giã, Nghĩa mới nhắc lại lời hẹn hai người đã bàn với nhau từ trước:
- Ngày mai gặp lại. Thế nào hai vợ chồng cậu cũng đến nhà tớ ăn cơm chiều đấy nhé! Đã lâu chưa gặp, không biết bà xã cậu dạo này ra sao?
Nam hấp háy mắt, vì một tia nắng vừa chiếu ngay mặt:
- Cô ấy sắp sanh, tôi lo quá.
Nghĩa cười, vỗ vai bạn:
- Sắp được làm cha, cậu nên mừng mới phải. Phục hai người nhanh nhẹn thiệt đó, cưới sau mà có con trước tụi này.
Nam cười ngượng nghịu:
- Có số cả đấy, thật tình bọn tôi cũng không ngờ.
- Thôi được rồi, kêu taxi mà về cho lẹ, kẻo cô ấy mong.
Nam gật đầu, vui vẻ:
- Thế nhé, mai gặp lại.
Nghĩa và Nam là hai người bạn thân từ thuở Trung Học. Đến tuổi quân dịch họ đi lính Nhảy Dù, cùng chung đơn vị, cùng chiến đấu, vào sinh ra tử có nhau. Quê Nam ở tận miền Trung xa xôi, một lần về phép, Nam theo bạn về Biên Hòa, và tình cờ gặp Lan, em vợ của bạn. Hai người yêu nhau, và nên duyên vợ chồng. Từ đó, tình bạn của hai người lại càng thân thiết hơn, ngoài tình đồng đội, họ còn là hai anh em đồng hao, cùng làm rể trong một gia đình, thân nhau như ruột thịt. Hôm nay là ngày họ được về phép, vị Sĩ Quan Chỉ Huy Trưởng rất tử tế, biết sự liên hệ gia đình của hai người, nên thường cho đi phép cùng một lượt.
Chiều hôm sau y hẹn, Nam đưa vợ tới. Bữa cơm gia đình thân mật, chỉ có hai cặp vợ chồng, nhưng cũng được Thanh, vợ Nghĩa sửa soạn tươm tất. Thức ăn đã được nấu nướng sẵn, chỉ việc hâm nóng. Lan xuống bếp, phụ với chị bưng đồ ăn lên. Mọi người ngồi vào bàn, Thanh gắp cho em gái một con tôm kho đỏ ối:
- Ăn đi Lan! Ăn nhiều vào, món này tốt cho cái thai, vì vỏ tôm có nhiều chất vôi.
Lan khẽ liếc nhìn chồng, mặt nàng hồng lên vì hạnh phúc khi thấy chàng ngó mình mỉm cười. Nàng đang mang thai gần ngày, cái bụng xệ hẳn xuống, như sắp rơi khỏi thân hình mỏng manh của nàng. Đây là đứa con đầu lòng mà hai vợ chồng nàng đang mong đợi. Lan tỏ ra rất sung sướng, rất hãnh diện sắp được làm mẹ.
- Nó sẽ là một đứa con trai. Nàng vui vẻ nói, bà hàng xóm bảo em thế, bà ấy từng đoán cho nhiều người, chưa bao giờ sai...
Nam âu yếm nhìn vợ:
- Trai hay gái đối với anh không quan trọng, con nào thì cũng là con, là kết quả tình yêu của vợ chồng mình. Nhưng nếu là con trai, mẹ anh chắc sẽ mừng lắm, khỏi lo sẽ không có người nối dõi.
Gia đình Nam là gia đình độc đinh, từ nhiều đời qua, đời nào cũng chỉ sanh được có một đứa con trai duy nhất, còn con gái thì nhiều vô số. Nam nói với giọng phấn khởi:
- Để anh sẽ nhắn tin cho mẹ mừng. Bà cụ chắc sốt ruột, thư nào cũng hỏi thăm em. Mẹ nói chừng em sanh, mẹ sẽ đến chăm lo cho con dâu và cháu nội.
Lan gật đầu:
- Chị Thanh mới đưa em đi thăm thai tháng trước, bác sĩ nói em sẽ sanh trong vài tuần tới. Có thể nào anh ở lại với em cho tới ngày đó?
Nam lắc đầu:
- Anh cũng muốn lắm, nhưng đâu có được? Là quân nhân thì phải tuân theo kỷ luật của quân đội. Kỳ này, anh và anh Nghĩa chỉ có ba ngày phép, nhưng em đừng lo, khi em sanh, chắc chắn anh sẽ được về phép nữa.
Thanh cũng nói:
- Dượng quẳng gánh lo đi! Khi Lan sanh, mẹ và tôi sẽ tới lui chăm sóc cho cô ấy.
Nam thở phào, vui vẻ:
- Thế nhé, trăm sự nhờ mẹ và chị đó. Bây giờ thì tôi yên tâm được rồi.
Bữa cơm chấm dứt trong vui vẻ. Thu dọn chén đĩa xong, hai chị em kéo nhau vào phòng riêng chuyện trò. Nam nhìn theo dáng đi nặng nề của vợ, rồi quay sang bạn:
- Đàn bà vượt cạn mà không có chồng bên cạnh, thật tội nghiệp. Tôi cứ áy náy không thể chăm lo cho cô ấy.
Nghĩa an ủi bạn:
- Cậu đừng lo lắng quá, sanh đẻ là chuyện bình thường của đàn bà. Chung quanh cô ấy còn bao nhiêu người: ngoài mẹ chồng, còn mẹ ruột và các dì, các cậu nữa... Người nào cũng háo hức mong có cháu bế. Con đầu cháu sớm là sướng nhất.
- Được vậy cũng mừng, nhưng lo thì vẫn cứ lo, sao tránh khỏi?
Nghĩa mỉm cười, trêu:
- Cảm tưởng sắp làm bố ra sao?
- Vui lắm, và rất cảm động, nhưng đồng thời thấy trách nhiệm cũng nhiều. Chừng Lan sanh xong, có lẽ tôi sẽ làm đơn xin một căn nhà trong Trại Gia Binh để dễ bề gần gũi, chăm lo cho hai mẹ con cô ấy.
- Ý kiến hay đấy, để thong thả rồi tính. Đêm nay hai vợ chồng cậu ở lại đây nghe? Sáng mai, trước khi đi, sẽ ghé nhà cậu lấy ba lô, rồi tụi mình lên đường một thể.
- Vậy cũng tiện.
Để giết thì giờ, họ đem bàn cờ tướng ra chơi giải trí. Trong lúc đó, ở phòng bên, hai chị em đang rù rì trò chuyện. Thanh đưa cho em một cái giỏ xách rất đẹp:
- Tặng Lan đấy.
- Cái gì thế?
- Giỏ đựng đồ đi sanh. Trong đó có đủ cả: quần áo, tã lót cho trẻ sơ sinh, chai sữa, một cái mền để bọc cho bé ấm, và cả cái nịt bụng cho người mẹ.
Lan tiếp lấy cái giỏ, mắt long lanh vẻ cảm động:
- Chị chu đáo quá, toàn là những thứ em rất cần, nhưng chưa có thì giờ đi mua sắm. Mà ai bày biểu cho chị vậy?
- Là mẹ đó, mẹ gợi ý, chứ chị đã sanh bao giờ đâu mà biết.
Lan cầm mấy bộ quần áo bé tí lên xem và trầm trồ:
- Đẹp quá, chị chọn màu vàng và màu trắng thì con trai hay gái đều mặc được cả.
Đang nói, nàng bỗng khựng lại, nhăn mặt, đưa tay lên xoa bụng. Thanh hốt hoảng:
- Cô sao vậy, đau bụng à?
Lan lắc đầu:
- Chưa đâu, còn mấy tuần nữa cơ. Thằng bé này chắc là chúa nghịch, nó vừa đạp mạnh quá.
Thanh thở ra, nhẹ nhõm:
- Có vậy mà làm chị hết hồn.
Lan cười rạng rỡ, cầm tay chị đặt lên bụng mình:
- Chị sờ mà xem, nó đang máy đấy. Đứa bé chỉ cách có làn da bụng mỏng dính, đôi khi em rờ thấy rõ ràng cái bàn chân.
Thanh làm theo với một vẻ tò mò thích thú:
- Ừ, chị thấy bụng cô cứ cuộn lên. Cái thai lớn rồi, có làm cô mệt không?
Lan gật đầu:
- Mệt thì có mệt, nhưng mà thương lắm chị ạ, khi nghĩ nó là kết tinh của tình yêu giữa hai vợ chồng. Chị cứ có bầu đi rồi biết.
Thanh đỏ mặt, đập vào vai em mắng yêu:
- Khỉ cái cô này.
Hai chị em cùng cười rúc rích. Lan nói:
- Nam và em đều sốt ruột mong nó ra đời, nhất là Nam rất nôn nóng muốn thấy mặt con. Em nghĩ giá em sanh sớm vài tuần, thì giờ này anh ấy đã được bồng con rồi.
- Nói bậy nào, phải đủ ngày đủ tháng thì đứa bé sanh ra mới cứng cáp, khoẻ mạnh chứ.
- Nhưng Nam nói không đợi được.
Thanh cười thông cảm:
- Con đầu lòng có khác, ông bố trẻ sốt ruột cũng phải.
Hai chị em rù rì đủ mọi thứ chuyện. Một lúc sau, Thanh mới rủ em:
- Mình ra ngoài đi! xem hai ông tướng ấy đang làm gì mà êm rơ tự nãy giờ.
Hai đối thủ đang ngồi bên bàn cờ tướng, nghĩ nước cờ, nghe tiếng chân thì cùng ngẩng lên. Lan lại gần, đặt tay lên vai chồng:
- Ai thắng, ai thua?
Nam nắm lấy tay vợ, mỉm cười:
- Dĩ nhiên là anh Nghĩa thắng. Anh đâu phải là đối thủ của anh ấy.
Nghĩa cười xoà:
- Nam chơi cờ mà đầu óc cứ để tận đâu nên mới thua, chứ tôi cũng chẳng giỏi giang gì.
Nam cười ngượng nghịu:
- Thôi dẹp nghe?
- Ừ dẹp. Nghĩa nói và quay sang vợ, em bảo có nồi chè bột khoai ngon lắm, sao không mang ra?
Thanh gật đầu và đi ngay xuống bếp, Lan theo sau, phụ với chị đem chén muỗng. Họ mang chè ra ngoài vườn, ngồi ăn cho thoáng, vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Đêm đó là một đêm rất đẹp, có trăng thanh gió mát. Nam nhìn vầng trăng to như một cái đĩa bạc treo lơ lửng trên bầu trời đầy sao, buột miệng kể:
- Đêm qua tôi mơ thấy mình biết bay, tôi bay lơ lửng dưới ánh trăng thanh như thế này. Trên cao nhìn xuống, tôi thấy đông đủ mọi người, có cả mẹ tôi, mẹ vợ, hai vợ chồng anh Nghĩa, và dĩ nhiên cả Lan nữa. Mọi người đang xúm lại bàn tán chuyện gì có vẻ nghiêm trọng lắm, nhưng tôi chẳng nghe thấy gì cả. Tôi muốn đáp xuống, nhưng không thể được, người tôi nhẹ tênh như không có một chút trọng lượng nào cả. Tôi cứ dập dềnh ở trên không, và gọi thật lớn "Lan ơi! anh về thăm em, anh đang ở bên em đây. Anh đến để từ giã em lần cuối, từ nay anh sẽ không về nữa đâu. Em! hãy ngẩng đầu lên nhìn anh đi..." Nhưng không ai nghe tôi nói, còn Lan vẫn cúi mặt và hình như đang khóc. Tôi cố gắng gây tiếng động để nàng chú ý, bằng cách rung cây thật mạnh... Bỗng một tiếng xoảng làm tôi giật nẩy mình tỉnh dậy, sợ toát mồ hôi. Thì ra đó chỉ là một cơn ác mộng, và tay tôi vừa quệt phải cái đồng hồ báo thức để ở đầu giường...
- Tiếng rơi làm em mất ngủ. Lan nói với vẻ mặt không vui, em không thích nghe kể về những giấc mơ như thế, nhất là em đang mang thai, nó sẽ ám ảnh em, và rồi em cũng sẽ nằm mơ thấy ác mộng cho coi.
- Anh xin lỗi. Nam nhìn vợ với vẻ áy náy, em nói đúng, lẽ ra anh không nên kể, làm cho em sợ.
- Đó chỉ là một giấc mơ thôi mà. Nghĩa nói với giọng bông đùa, làm cho không khí nhẹ bớt, mơ và thực tế đâu có giống nhau? Đã nhiều lần tôi mơ thấy mình trúng số, mà có trúng đâu? Các cụ còn nói mơ xấu thành tốt, và ngược lại.
Rồi họ nói sang chuyện khác, nhưng từ đó không khí không còn vui vẻ như trước, ai nấy đều có vẻ mệt mỏi. Thanh nói sau một cái ngáp dài:
- Khuya rồi, thôi đi ngủ, mai các anh ấy còn phải dậy sớm.
Mọi người uể oải đứng dậy, ai về phòng nấy.
Khi ở trong phòng riêng, chỉ có hai vợ chồng, Nam mới quì xuống, áp mặt vào cái bụng căng tròn của vợ, lắng nghe tiếng tim đập và những cử động của thai nhi một lúc với vẻ mặt cảm động, chàng nói với nó như nói với một người lớn:
- Con yêu của bố! Chỉ còn vài tuần nữa con sẽ ra chào đời, nếu bố không về kịp, bố sẽ gởi cho con một ngàn cái hôn. Bố kỳ vọng ở con khi lớn lên sẽ thay bố gánh vác việc gia đình, thương yêu và chăm sóc mẹ. Cám ơn trời Phật đã ban cho bố cái hạnh phúc được làm cha.
Và chàng ôm ghì lấy vợ:
- Anh cám ơn em, cám ơn em ngàn lần.
Lan đứng im, bàng hoàng, những lời nói của chồng, nghe sao giống như những lời trăng trối. Một cảm giác ớn lạnh làm nàng rùng mình. Tự dưng nàng bỗng thấy sợ hãi, lo lắng lạ thường, mơ hồ cảm nhận một sự gì nghiêm trọng sắp xảy tới... Nhưng nàng lại tự gạt đi, không, có lẽ mình chỉ tưởng tượng, lần nào trước khi tiễn chồng ra đơn vị, nàng cũng có cảm giác bất an như thế. Cố xua đuổi những ý nghĩ ám ảnh ra khỏi đầu, Lan tự nhủ không nên làm phí những phút giây vui vẻ của hai vợ chồng. Thời gian không còn dài, chỉ còn một đêm nay thôi... Nàng nghĩ đến thời kỳ hai đứa mới quen nhau, nghĩ đến đứa bé sắp ra đời và nàng mỉm cười.
Hai vợ chồng bàn chuyện đặt tên cho con, Nam nói với đôi mắt sáng ngời:
- Bây giờ thì anh biết chắc nó sẽ là con trai em ạ, bà hàng xóm nhà mình nói không sai đâu. Mình đặt tên con là Thiên Ân em nhé? Nghĩa là đứa con trời cho, ân sủng của Thượng đế… Hoặc tên Anh Việt, nghĩa là anh tài của nước Việt Nam, cũng hay lắm. Em thấy sao?
Lan mỉm cười:
- Thế nhỡ em sanh con gái thì sao?
Nam âu yếm nhìn vợ:
- Anh cũng nghĩ rồi. Em tên Thanh Lan thì con gái cũng tên Lan giống mẹ, chỉ khác có chữ đệm thôi. Thí dụ như Ngọc Lan, Diễm Lan, Khánh Lan chẳng hạn, tùy em chọn. Anh muốn nó giống hệt em.
- Trái lại, em vẫn ước mong nó sẽ giống anh. Con trai hay con gái cũng phải giống anh, để mỗi khi nhìn nó là em lại nhớ đến nguời em yêu.
Nam vuốt ve mái tóc óng mượt của nàng, thở dài:
- Anh cũng rất nhớ em, hễ cứ nhắm mắt là hình ảnh của em lại hiện ra...
Lan mủi lòng, gục mặt vào ngực chồng, thổn thức:
- Biết đến bao giờ mới hết chiến tranh, để vợ chồng mình được ở bên nhau, anh nhỉ?
Nam thở dài, nghe xót xa buốt tới tận tim:
- Tội cho em quá, chỉ tại anh vụng tính... Đời lính nay đây mai đó, lẽ ra anh không nên lập gia đình vội, rủi có bề gì, khổ cho vợ con.
Lan cau mày, phụng phịu:
- Mình đã có con với nhau, mà sao anh còn nói thế? Hay anh đã chán em rồi?
Nam vội vã ôm vợ vào lòng, âu yếm nhìn sâu vào mắt nàng:
- Không bao giờ có chuyện đó, anh tin là em hiểu lòng anh hơn ai hết. Chỉ tại anh yêu em quá, nên không muốn em khổ.
Lan mỉm cười cảm động:
- Em có khổ đâu?
Nàng vòng tay ôm lấy cổ chồng, ngắm nhìn thật lâu khuôn mặt rắn giỏi phong sương của chàng, lòng chợt dâng lên một niềm yêu thương vô bờ bến. Nàng nói với chồng bằng một giọng ngọt ngào, tình tứ nhất:
- Em yêu anh! Nếu phải đi lại từ đầu, em vẫn muốn được làm vợ anh. Còn anh, hư lắm nhé! Nếu không lấy em, sao được làm bố?
Nam cười ha hả, hôn lên khắp đầu cổ mặt mũi Lan, làm nàng cười lên khúc khích:
- Chịu thua em!
Lan hôn trả lại chồng, họ hôn nhau đắm đuối. Ngoài kia trăng đã lên cao, ánh trăng chênh chếch chiếu qua cửa sổ, hắt bóng đôi vợ chồng lên tường, một làn gió mát lùa qua cửa sổ, đem theo hương thơm của hoa Dạ Lý ngoài vườn. Tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng đồng loạt trỗi lên, như đang hòa tấu một bản đồng ca. Đêm huyền diệu, đẹp lạ lùng. Nam bồng vợ đặt lên giường, nhẹ nhàng, thận trọng như sợ làm bể cái bụng to căng như quả bóng của nàng. Lan nép sát vào người chàng, cả hai cùng cảm thấy rất sung sướng, rất hạnh phúc...
Đêm đó là một đêm dài nhất, hai vợ chồng thức gần như trắng đêm, như cố níu lấy những giây phút còn được ở bên nhau. Thời gian dường như trôi rất nhanh, không gian dường như chỉ có hai vợ chồng.
Sáng hôm sau, Nghĩa và Nam lên đường, sau khi ghé qua nhà Nam lấy ba lô. Hai chị em tiễn chồng ra tận bến xe đò, bịn rịn không muốn rời. Nam cầm tay vợ dặn dò:
- Em đừng buồn, thế nào anh cũng về thăm, khi em sanh. Nhớ điện tín cho anh biết, để anh xin giấy phép.
Lan bệu bạo:
- Anh đi bình an. Ra đến đơn vị, nhớ viết thơ ngay cho em.
Nam gật đầu, nghẹn ngào quay mặt đi chỗ khác, chàng không có can đảm nhìn vào đôi mắt buồn thê thảm của người vợ trẻ. Bên cạnh họ, Thanh đang tựa đầu vào vai chồng, không nói gì, nhưng mắt đỏ hoe. Nghĩa xoa xoa lưng vợ, dỗ dành, miệng cố gượng cười:
- Khóc thế làm sao chúng tôi dứt áo đi được? Chàng quay sang Lan - Cô yên tâm, tôi hứa sẽ giữ gìn Nam cho cô.
Lan gật đầu, mặt hơi cúi xuống, giấu hai giọt nước mắt vừa ứa ra. Không hiểu sao lần chia tay này, nàng thấy buồn vô hạn, Lan nhìn như thâu lấy hình ảnh thân yêu của chồng nàng. Xe đò bắt đầu chuyển bánh, hai chị em nhìn theo chiếc xe, cho tới khi nó khuất hẳn nơi ngã rẽ, rồi mới quay về. Đó là lần cuối cùng Lan được nhìn thấy chồng.
Ba tuần sau, vào một đêm cuối mùa hè, Lan chuyển bụng, nàng sanh nhanh lắm, một chú bé trai ra đời, trông kháu khỉnh giống bố y hệt. Điện tín được đánh đi báo tin mừng, nhưng không thấy hồi âm. Nam đã không giữ lời hứa, vợ sanh được một tuần, rồi nửa tháng... mà chồng vẫn biệt tăm.
Hàng ngày Lan ôm con, kiên nhẫn đợi chờ, nàng tự an ủi nhà binh đâu có giống như công chức, mà có giờ giấc nhất định. Tin tức chiến trường ngày một sôi động, đêm đêm nằm nghe tiếng đại bác từ xa vọng về, nàng bồn chồn lo lắng không yên, linh tính cho thấy một chuyện hệ trọng sắp xảy tới, không hiểu chuyện gì, và nàng cũng không dám nghĩ xa hơn. Cho tới một buổi chiều, có một chiếc xe Jeep nhà binh dừng ngay trước ngõ, trên xe bước xuống ba quân nhân trong quân phục tề chỉnh. Người đi đầu, cầm trong tay một mảnh giấy ghi địa chỉ, ngơ ngác đi tìm số nhà.
Lan vừa cho con bú xong, nàng trao con cho mẹ chồng, và bước vào buồng trong, sửa soạn đi tắm. Chợt nghe ngoài ngõ có tiếng chó sủa, và những tiếng giày Bottes de Saut nghiến lạo xạo trên sỏi. Nàng dừng lại hồi hộp, tiếng giày nhà binh đặc biệt lắm, nàng nhận ra ngay, nàng vẫn chờ đợi những tiếng giày như thế của chồng nàng. Mọi lần, khi nghe những bước chân hối hả và tiếng huýt sáo quen thuộc, nàng biết là chồng về. Nam vẫn báo trước cho vợ sự hiện diện của mình bằng một điệu nhạc quân hành rộn rã. Nàng chạy vội ra đón, quả vậy, chỉ vài phút sau là chàng đã hiện ra nơi ngưỡng cửa. Nam chỉ kịp quăng ba lô xuống đất và dang hai tay ra, là Lan đã nhào vào người chồng. Vòng tay chàng khép lại, hai vợ chồng xoắn lấy nhau siết chặt, bất kể những cặp mắt tò mò, chế giễu của những người hàng xóm.
Lần này nghe tiếng chân, Lan tưởng chồng về, nhưng lại không chắc lắm, nàng dỏng tai lên nghe ngóng. Xen lẫn với tiếng chó sủa ran, là tiếng những bước chân đang tiến tới, mỗi lúc một gần. Tim đập thình thịch, Lan vội vã đi nhanh lên nhà trên. Bây giờ thì tiếng giày đã nghe rõ mồn một, không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là tiếng giày nhà binh. Lần này thì không có tiếng huýt sáo, nhưng những bước chân dừng ngay trước cửa nhà nàng, và có tiếng gõ cửa nhè nhẹ.
Lan hồi hộp ra mở cửa, vừa nhìn thấy ba người quân nhân lạ mặt với vẻ mặt nghiêm trọng, nàng bật lên một tiếng kêu xé ruột và ngất xỉu, trước những cặp mắt kinh hoàng của hai bà mẹ.
Trong lúc đó, Thanh đang ngồi bên giường bệnh của chồng, trong nhà thương. Nghĩa bị trúng đạn nơi cánh tay trái, thương tích không có gì nghiêm trọng, bác sĩ nói chỗ xương gãy chỉ cần bó bột vài tháng là khỏi, nhưng tinh thần chàng vô cùng hoảng loạn.
- Kinh khủng quá! Chàng hổn hển nói, anh bị thương mà không biết là mình bị thương...
Thanh nắm lấy tay chồng, an ủi:
- Thoát chết là mừng rồi. Sự thể như thế nào? Anh kể em nghe đi, còn Nam ra sao?
- Nam đã... hy sinh.
Thanh nhổm người lên như bị điện giật, tim nhói lên, nàng run rẩy đưa hai tay ôm ngực, trong khi Nghĩa thuật chuyện:
- Nam bị thương nặng lắm, một viên đạn xuyên từ vai ra trước, phá một lỗ rộng nơi ngực, máu ồng ộc chảy. Anh lính cứu thương đã dùng mấy cuộn băng để băng lại, nhưng cũng không thể nào cầm được máu. Nam yếu sức dần, nó nói thấy người nhẹ tênh như lần bay dưới ánh trăng, trong cơn ác mộng đêm nào... Nam mở mắt lờ đờ nhìn anh, thều thào căn dặn anh hãy chăm sóc cho vợ con nó. Thế rồi nó thiếp đi, mê man bất tỉnh, và một lúc sau là... đi.
- Em không tin, không tin... Thanh nói như người mê sảng, Lan mới nhận được thư chồng hôm qua.
- Thư gởi đi từ mặt trận, nên tới trễ... Nghĩa thấp giọng xuống, mặt hằn lên những nét đau khổ, Nam chết thật rồi, anh đã chứng kiến tận mắt cái chết của nó. Anh đã ở bên Nam trong những giây phút cuối cùng.
Nghĩa nhắm mắt lại, nét mặt hiện lên sự kinh hoàng, chàng lẩm bẩm như đang nói với chính mình:
- Đúng là một cảnh địa ngục, mặt đất rung chuyển dưới sự tàn phá của cả ngàn tấn bom, tất cả đều bị bao trùm bởi một biển lửa. Lửa.. lửa nhiều quá, đạn cày đất cát tung lên mù mịt, và những thây người ngã xuống... Nam và anh cùng nấp sau một mô đất, chung quanh và trên đầu, đạn bay chíu chít, những tiếng nổ như xé toang màng nhĩ. Vị trí này nguy hiểm và lộ liễu quá, ngoài mô đất thấp lè tè, không có gì che chắn cả, là mục tiêu rất rõ cho địch bắn tỉa. Chờ cho loạt đạn vừa dứt, hai đứa vội vã nằm rạp xuống, bò tới chỗ các đồng đội đang núp trong giao thông hào chỉ cách đó có vài thước. Tới nơi, chưa kịp lăn mình xuống, chợt nghe mấy tiếng lụp bụp khô khan, anh bỗng thấy cánh tay tê đi, và tiếng Nam rú lên khủng khiếp, thân hình nó nẩy lên rồi đổ vật xuống, ngay bên cạnh.
Thanh rùng mình, một cơn lạnh chạy dọc suốt sống lưng. Trong một phút, máu trong người nàng như đông lại, hai tai ù đi, Thanh chẳng còn nghe chồng nói gì thêm. Nàng ngồi im, chờ cho qua cơn xúc động. Ngoài kia nắng lên chói lòa, bên trong căn phòng ngột ngạt, Nghĩa thở hổn hển, có vẻ mệt. Một cô y tá vừa vào phòng, chích cho chàng một mũi thuốc an thần. Đợi cô ta đi khỏi, Thanh mới ngồi thẳng lên, cảm thấy cổ họng khô rát, nàng lảo đảo đứng dậy, đi tìm một ly nước lạnh uống cho đỡ khát. Đi ngang phòng nhận bệnh, nàng thấy thương binh nằm la liệt, máu me đầy mình, người đang rên la, kẻ nằm mê man bất động. Thanh rùng mình, trong số những người nằm đây, nếu qua khỏi, rồi sẽ sống suốt đời với những thương tật: cụt chân cụt tay, mù mắt, liệt toàn thân... So với những người bị tử thương, họ là những kẻ may mắn, hay kém may mắn? Nàng cũng không biết nữa. Không dám nhìn lâu, Thanh bước nhanh trở về phòng, nàng thấy chồng nằm nghiêng, quay mặt vào tường.
- Anh! Nàng gọi.
- Gì em?
Nghĩa hỏi, chàng xoay người nằm thẳng lại, mắt nhìn lên trần nhà. Thanh hỏi nhỏ:
- Người ta đã báo tin cho Lan biết chưa?
- Có một ban Trị Sự chuyên lo việc đó. Họ đã điện về Tiểu Khu ở địa phương, ở đó ban Xã Hội sẽ cử người đến báo tin. Giờ này chắc họ đang ở bên nhà của cô ấy.
Thanh vội vã đứng lên:
- Nếu vậy em phải về ngay, xem nó ra sao.
- Ừ, em về đi, nhưng đừng nói cho Lan nghe những gì anh vừa kể với em, sợ cô ấy chịu không nổi.
Im lặng một lúc, Nghĩa thở dài, giọng xúc động:
- Cho anh gởi lời xin lỗi đã không giữ lời hứa đưa Nam bình yên về cho cô ấy. Anh không có can đảm gặp Lan, trước mắt anh lúc nào cũng hiện ra hình ảnh chồng cô ấy lúc đang hấp hối, hai chân giãy giãy như bị điện giật, và mắt dại đi từ từ... Khi chết, tay của Nam còn cầm tấm hình của vợ. Mặc dù được cất giữ trong túi áo ngực, gần nơi thương tích, nhưng lạ làm sao cái hình vẫn nguyên vẹn, không bị rách, chỉ bị vấy máu...
- Thôi đừng nói nữa. Thanh van nài, anh nằm nghỉ, em phải đến với nó một lúc.
Đợi một lát, thấy Nghĩa nằm yên, có vẻ như đã thấm thuốc, Lan kéo chăn đắp cho chồng, rồi mới rời bệnh viện. Ra đến bên ngoài, Thanh thấy hoa mắt, xe cộ đâu mà nhiều thế? Chạy qua, chạy lại như mắc cửi, làm nàng chóng cả mặt. Dòng người như đàn kiến đang bò quanh miệng chảo, chẳng biết tai ương sẽ ập đến lúc nào. Số mạng con người trong thời chiến, sống chết đều do may rủi. Chiến tranh từ đâu tới gieo bao nhiêu đau thương tang tóc, những con người không thù oán lăn xả vào bắn giết lẫn nhau, thật tàn bạo và vô cùng phi lý. Chiến tranh khốc liệt cướp đi bao nhiêu sinh mạng, gieo bao nhiêu đau thương, tang tóc. Hôm nay người này ngã xuống, ngày mai sẽ đến lượt ai?
Nàng nghĩ đến Nam, đến những người lính trẻ chẳng may đã gục ngã, hay mất tích trên chiến trường, chết không có được một nấm mồ. Nàng nghĩ đến đứa em gái tội nghiệp, rồi lại nghĩ đến mình và lo sợ... Thân phận những người vợ lính trong thời chiến thật bấp bênh, tương lai, hạnh phúc chẳng thể do mình quyết định, có đấy, rồi mất đấy chỉ trong nháy mắt. Thế mới biết cuộc đời chỉ là vô thường...
Đột nhiên Thanh thấy rã rời như không còn một chút sức lực nào cả, mắt nàng mờ đi, thì ra nàng đã khóc từ lúc nào không biết. Một cái Taxi vừa trờ tới, nàng run rẩy đưa tay ra ngoắc.
Thanh về đến nơi, lúc ba người quân nhân còn đang ở trong nhà, họ để đầu trần, bỏ mũ cầm tay, mặt hơi cúi xuống, dáng điệu kính cẩn, trang nghiêm.
Lan mặt nhợt như xác chết, đang lả người trong vòng tay ôm của mẹ. Bà cụ mẹ chồng đang ôm đứa cháu mới sanh còn đỏ hỏn. Tất cả đều im lặng, một cái im lặng đến rợn người. Không ai dám thở mạnh, ngay cả đến đứa bé sơ sanh hình như cũng cảm thấy sự nghiêm trọng, nên im tiếng khóc. Không khí chết chóc bao trùm căn phòng.
Sau cùng, người Sĩ Quan trưởng đoàn hơi nghiêng mình, bằng vài lời ngắn gọn, ông chậm rãi báo tin buồn và nói vài lời phân ưu. Xong đến lượt hai người kia giao trả cho gia đình tấm thẻ bài và những di vật của người chết, cùng với một cái gói hình vuông, bên trong đựng lá quốc kỳ và một giải băng có viết dòng chữ "TỔ QUỐC GHI ƠN"
Đặt tất cả lên mặt bàn, họ ái ngại nhìn người quả phụ mới hai mươi ba tuổi, và đứa bé cô nhi mới sanh chưa tròn hai tuần lễ. Cố nén cảm xúc, ba người quân nhân đứng im mà lòng như chùng xuống, ngập ngừng mãi, cũng chẳng biết nói gì thêm. Lời nào có thể xoa dịu được nỗi đau của người vợ trẻ mất chồng? lời nào có thể làm ngưng nước mắt của bà mẹ mất con? Chiến tranh gây bao nhiêu đau thương tang tóc, không ngòi bút nào có thể diễn tả được hết những đau đớn, uất hận mà cả trăm ngàn gia đình đã phải gánh chịu. Mặc dù đã quá quen với những cảnh này, xong không lần nào mà họ không mủi lòng. Nhưng họ đâu có thể cứ đứng đây mãi? Sau cùng người trưởng đoàn khéo léo lựa lời an ủi, dặn dò cách thức lãnh tiền tử tuất, rồi chào giã từ, và đi ra cửa.
Bên ngoài, mặt trời đã ngả về Tây, ráng trời đỏ rực như màu máu. Chiều sắp tàn rồi, một buổi chiều rất buồn, trời đất âm u như nhuộm màu tang. Ba ngươi quân nhân cúi đầu lặng lẽ bước, nhiệm vụ của họ còn phải đưa tin đến nhiều nhà khác.
Phương Lan
Nguồn: https://cogaivn.jigsy.com/