Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 
Cho đến khi biết nhiều về cô; biết thương cô, chúng tôi đã rời quê. Và cô, cũng đã đi ra khỏi cuộc đời này, xa lắm!
 
Thói quen của tuổi nhỏ là bắt chước. Bởi vậy, khi nghe những người cháu ruột của cô xưng hô, tôi cứ theo vậy, gọi bằng cô. Và tên cô đi ra, do thứ hạng trong gia đình. Từ người chị cả của cô, ngày xưa người ta có thói quen gọi là Hai. Kế đến cô ra đời, nên gọi là Ba. Vì thế, tên gọi cô Ba đến với tôi tự thuở đó. Cô Ba đến với cuộc đời này như những người đàn bà ở những nơi thôn dã. Bắt đầu từ ngày bước ra, nhìn thấy trời cao, cho đến khi nằm xuống, về với đất, không phiền đến một ai. Im lặng, đến rồi đi. Không một băn khoăn, đòi hỏi.
 
CoBa 1 768x512
Hình ảnh sâu đậm nhất là đôi gánh đậu hũ. (Hình: ThanhNien)
 
Tôi có rất nhiều điều để nhớ về cô. Hình ảnh sâu đậm nhất là đôi gánh đậu hũ.
 
Chừng như suốt tuổi nhỏ được biết cô, ngoại trừ đôi ngày Tết xuân, chưa lần thấy cô dành cho mình một ngày “nghỉ phép.” Cứ ba gánh mỗi ngày: sáng, trưa, chiều. Luân phiên đi về, mặc trời mưa nắng. Gánh nặng ngày ấy, ngoài khó khăn vì áo cơm – cưu mang lớn là gia đình.
 
Không như tộc Phan của họ hàng tôi, lẻ loi! Ngày đó, tộc Huỳnh của cô, ở làng tôi đùm đề, lớn lắm!
 
Mọi nếp tẻ, ăn ở hầu như nghiêng về Nho giáo. Bởi thế, là người con gái thứ hai, đi ra trong một gia đình ảnh hưởng nặng về quan niệm gia giáo, cô hầu như bắt buộc phải theo nề nếp đã ấn định. Đi đứng, ra vào phải theo khuôn khổ. Có lẽ vì vậy, cô lớn lên làm nghề đậu khuôn, theo công việc làm ăn của gia đình từ khi còn nhỏ.
 
Mây nước có chuyển dời, cô vẫn vậy. Vẫn đi; vẫn về với đôi gánh đậu. Cô lom khom như chiếc bóng! Sáng nghiêng về nắng Đông; chiều ngả bóng về hướng Tây, lặng lẽ. Nhưng đối với cô, nặng nhọc trên vai, hầu như không có gì phải quan trọng. Cũng như gánh đậu hũ không phải là ý tưởng quan trọng để tôi viết về cô. Quan trọng trong đời cô, có lẽ là sự chờ đợi đến một ngày sẽ phải bước ra bên ngoài. Và cô biết, với sự gò bó, nghiêm khắc của gia đình: cô như những người đàn bà trong xã hội thời đó luôn luôn nằm trong nỗi lòng thúc thủ.
 
Đến một tuổi, hay có thể nói là bất cứ lúc nào, cha mẹ đặt đâu, thì ngồi đó. Và hầu như, người con gái phải cúi đầu chấp nhận. Như một ước lệ! Đáng nói là ai? Sẽ là người đưa cô ra với cuộc đời? Năm cô đang tuổi xuân thì, cũng là lúc trong lòng cô đang có người chiếm giữ. Và một lần, đặc biệt là lần đầu, cho tuổi mới biết yêu – đến với bất cứ ai, là cả một đời.
 
Thế rồi, ngày mà cô có mong mỏi hay muốn tránh né, cũng phải đến. Ngày, có người mối mai. Có người ngắm nghé. Trớ trêu thay! Trong thời điểm, bước vào giai đoạn tiến hành cho ngày lễ cưới – Cô bỏ nhà ra đi. Cô để lại lời đính hôn, trong khi hai gia đình đang chờ đợi. Cô bỏ lại gánh đậu. Bỏ mặc dư luận. Dứt khoát đi ra, vào một ngày rất đời! Để đi theo người mà cô đã phải lòng:
 
Người đó – là cha tôi.
 
Cha tôi? Vâng, đó là những năm, tất nhiên, cha chưa biết mẹ! Và không cần thiết phải nói thêm rằng, nếu cuộc tình duyên của cả hai, cô Ba và cha tôi trôi chảy, thì tôi đã không có mặt trên đời này. Tất cả, phải chăng là duyên mệnh!
 
Năm đó, theo dòng người “tản cư triệt để,” cha và cô đến chợ Được, thôn Tiên Đỏa, Thăng Bình, tìm cách sống chung. Có phải vì đời sống, đặc biệt năm xưa, sợ xóm làng dị nghị; hay có thể vì sự cột buộc do bởi sính lễ đã nhận vì hứa hôn, gia đình của cô đã tìm và bắt cô phải về lại quê cho bằng được. Còn sự chọn lựa nào hơn? Ngày cô Ba về với cuộc hôn nhân đã định sẵn, cha tôi hụt hẫng với nỗi lòng ấm ức! Và cũng thời gian không lâu sau đó, cha tôi gặp được mẹ. Nhiều lúc, nhất là những năm sau này, chúng tôi hay ngồi quanh, nhìn lại, đếm tới lui với số tuổi đời của từng người một. Không ngoài xác định đến thời gian. Với mục đích, muốn hiểu về sự quan hệ cật ruột của anh chị em chúng tôi, qua từng giai đoạn! Thật ra, đâu có gì lạ lắm, đối với chúng tôi.
 
DanViet 768x511
Cô để lại lời đính hôn, trong khi hai gia đình đang chờ đợi. (Hình minh hoạ: DanViet)
 
Vì rằng, cô về với hôn nhân – một cuộc hôn nhân chưa tròn ba năm! Trước sau, cô Ba không bao giờ quên cha tôi. Có nên buồn hay được vui không, khi ngồi trải lòng cho người nghe, quanh chuyện cũ?
 
Tôi không phiền. Gần một đời, sống giữa văn hoá của phương Tây, tôi muốn cởi trói lấy chính mình về phương diện bảo thủ. Hơn thế nữa, câu hỏi mà tôi muốn tự trả lời, tại sao mình phải tránh né khi đối diện với những điều rất thật? Đặc biệt, với chính mình? Vâng, riêng cá nhân, tôi thích đối diện. Tôi nghĩ, khi viết ra được bất cứ nỗi niềm gì, đó mới chính là sự giải thoát cho tâm hồn một cách chân thật. Đúng hơn, đó là lúc tôi cảm thấy, chính mình được giải thoát.
 
Tôi hay nghĩ đến cô, với nỗi lòng khâm phục. Cô đến với cha tôi, và đi ra khỏi đời ông bằng tấm lòng chân thật. Nếu ai hỏi tôi, có biết như thế nào là người biết yêu và người được yêu? Tôi sẽ không ngần ngại nói về cô, người biết sống cho tình yêu bằng sự hy sinh nhưng không bao giờ tiếc nuối. Và ngược lại, người được yêu, nhưng có lẽ sẽ không bao giờ hay được đó là sự may mắn trên đời: người đó là cha tôi.
 
Tôi không có thẩm quyền, phán xét về cuộc tình giữa cha tôi và cô. Tuy nhiên, nếu phải nhìn thẳng, bằng sự ghi nhận với một thái độ bàng quan, tôi e rằng, trong ý nghĩa của chữ xứng đáng, cha tôi may ra chỉ có thế đáng được phần nào, nhưng không xứng với tình yêu của cô Ba-người đã dành cho ông tình yêu thương, theo suốt một đời. Im lìm chờ đợi. Ngay cả thời gian, sau ngày mẹ tôi mất đi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao cha tôi và cô không trở lại?
 
Tôi nhớ, một đôi lần, qua khói hương trong những ngày tang chế mẹ. Cha tôi trông rất buồn. Những ngày ấy vào đông, nằm trong căn nhà lợp tôn, mưa về lạnh lắm:
 
ngày ấy – xa ai, đời vỡ giọt
rấm rứt! mưa về trên mái tôn
từng giọt gõ đều trong đêm vắng
xoáy buốt vào sâu tận tâm hồn
 
Nghĩ đến ngày ấy, tôi vẫn còn luôn nhớ đến cô. Hình ảnh của những hôm cuối ngày, vào những tháng năm sau khi mẹ tôi không còn. Ngoài kia trời mưa. Cô đi về lẻ loi trong bóng tối, qua những ngõ đường vắng vẻ của xóm đêm:
 
Thương ai về xóm vắng đêm nay thiếu ánh trăng. Đôi vai gầy ướt mềm, người lạnh lắm hay không… (TCS)
 
Tôi nhớ đôi quang gánh đặt bên góc nhà, vào những lần ghé đến thăm cha tôi. Dáng cô âm thầm. Chấp nhận làm chiếc bóng, lẽo đẽo theo cha tôi, suốt cả một đời. Lặng lẽ.
 
Một đời rồi cũng qua, nghĩa tử là nghĩa tận. Tất cả đã an bài.
 
Mỗi bận về, đi với em trai tôi đến thăm cô. Mộ của cô nằm cuối đồng, phía trước là lạch nước. Có chút yên ắng. Có chút lãng đãng trong tôi, về hình ảnh cô và đôi gánh đậu. Lắm lần, tôi thầm khấn: gửi lòng ái mộ đến cô – người đàn bà đã san sẻ một tình yêu quá lớn đến với cha tôi.
 
Không biết bao lần, mường tượng, lòng chạnh nghĩ đến cô. Về hình ảnh của người đàn bà năm xưa ngồi xay đậu. Những giọt nước chảy luồng theo ngón tay, tưới đều theo vòng quay cho đậu nành trôi vào vòng xoáy. Những hạt đậu lần lượt cuốn theo những vòng quanh, xoay tròn chiếc cối, xay bằng tay! Tôi vẫn còn có thể mường tượng đến âm thanh nghiền nát – nhuyễn từng hạt đậu chui qua lỗ nhỏ, để từ đó tiết ra dòng bột sữa.
 
Từ cảm nhận đó, tôi mang cảm tưởng như nghe được tiếng rên xiết, đi ra từ tiếng lòng. Và cũng theo dòng cảm nghĩ ấy, tôi đã nhìn thấy cô! Như đã bao lần, ngồi bên những giọt lòng rỉ chảy! Như suốt một đời cô đã phải cưu mang, âm thầm gánh theo, cho mãi đến cuối đời.
 
Viết cho cô Ba – người tình của cha tôi.
 
Thành kính.
 
Thu Hoài 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com