User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Người dân Madagascar đang phải chịu hậu quả từ khí nhà kính phát thải, điều mà họ không hề gây ra.
 
Sau 4 năm liên tục không có mưa lớn ở Madagascar, quốc đảo Đông Phi này đang ngấp nghé trên bờ vực của một thảm họa lương thực, nếu không có sự can thiệp kịp thời của Liên Hợp Quốc.
 
Khoảng 1,14 triệu người ở khu vực Grand Sud phía Nam hòn đảo đang thiếu đói. Liên Hợp Quốc xác nhận 28.000 người Madagascar đang phải đối mặt với nạn đói "thảm khốc" cấp độ 5 – cấp độ cao nhất trong thang đo an ninh lương thực của họ.
 
Nạn đói này ảnh hưởng tới ít nhất 110.000 trẻ em, đưa chúng vào nguy cơ suy dinh dưỡng và phải chịu những "thiệt hại không thể phục hồi" trong quá trình lớn lên sau này.
 nandoi7
 
Trong lịch sử, các nạn đói được tạo ra bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố như sâu bệnh, thiên tai, chiến tranh và tham nhũng chính trị. Nhưng nạn đói lần này ở Madagascar được xác định bắt nguồn từ chỉ một nguyên nhân duy nhất: biến đổi khí hậu.
 
Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo khác cũng xác nhận loài người đang phải đối mặt với nạn đói đầu tiên trong lịch sử do tác động của phát thải khí nhà kính gây ra.
 
Những nhân chứng sống từ nạn đói
 
Amboasary, một trong những quận phía Nam của Madagascar được mô tả đã cạn kiệt nước trong những ngày tháng 7 này. Đất đai nứt nẻ và khi bạn đi qua những cây cầu, bên dưới chúng không còn nước.
 
Những khu chợ được dựng lên tạm bợ, bên trong chỉ còn bán cà chua, bánh gạo và gà sống. Nhưng đối với nhiều người dân ở đây, họ không còn tiền để mua củi đốt chứ đừng nói đến thức ăn, và dụng cụ nấu nướng.
 
Tamaria, một phụ nữ, người mẹ của 7 đứa con đang ngồi bên ngoài túp lều tre của mình. Bên trong túp lều rộng 1,2 x1,2 mét đó chẳng có gì ngoài một tấm nệm mỏng. Bốn đứa trẻ đang ngồi trước mặt cô cùng với một đĩa xương rồng khô mà họ lượm được.
 
nandoi6 
"Không có gì để làm ở đây. Tôi không có đất nên không trồng trọt được gì. Chúng tôi chỉ có thể ăn củ dại để sống", Tamaria nói. "Đồ đạc trong nhà cũng đã bán hết, đến cái thìa cũng chẳng còn. Ví như chúng tôi tìm được chút rau xanh đi chăng nữa, cũng phải sang hàng xóm mượn nồi để nấu".
 
Hàng ngày, hai đứa con lớn trong gia đình Tamaria sẽ phải vào rừng tìm củ. "Tôi ở nhà cả ngày, chẳng biết làm gì ngoài việc đợi chúng về xem có nhặt nhạnh được gì hay không. Nước thì phải đi bộ 4km mới lấy được, mà chưa chắc đã có", cô nói.
 
Tema, một bà mẹ khác sống ở quận Toby Mahavelo cho biết cô từng phải đi bộ vài km đến quận láng giềng Ambovombe để ăn xin. "Hôm nào khá khẩm tôi mới kiếm được hơn 3.000 đồng Malagasy (chưa tới 1 đô la), số tiền đó tôi dùng để mua lương thực cho vài ngày. Nhà tôi chủ yếu chỉ ăn lá cây lá cỏ", Tema nói.
 nandoi5
 
Tại một trung tâm cứu trợ nhân đạo của UNICEF ở Madagascar, hàng trăm đứa trẻ gầy gò đang ngồi bất động cạnh nhau. Cơn đói đã khiến chúng bị suy dinh dưỡng cấp tính và rơi vào trạng thái lờ đờ, im lặng.
 
Makagoa 3 tuổi và chị gái Falento, 4 tuổi được một người dì đưa đến đây. Mẹ của chúng đang phải đi kiếm nước bán lấy tiền. Còn bố hai đứa trẻ đã mất vì bệnh lao cách đây 2 năm.
 
Họ không đáng phải chịu hậu quả mà mình không gây ra
 
David Beasley, giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết hàng ngàn gia đình ở Madagascar đang phải sống nhờ quả xương rồng đỏ, lá dại và cào cào từ nhiều tháng nay.
 
"Đây không phải là do chiến tranh hay xung đột, mà là do biến đổi khí hậu", ông nói.
 
nandoi4
 nandoi3
 
Trước đây, miền Nam Madagascar từng là một khu vực trồng trọt màu mỡ. Đất đai của họ được nuôi dưỡng bởi gió mùa, đem đến những cơn mưa thường xuyên. Nhưng biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã khiến mưa không còn xuất hiện nhiều nữa. Cộng dồn các tác động trong nhiều năm đã khiến cả khu vực phía Nam hòn đảo trở nên khô hạn.
 
Mất mùa tràn lan đã đẩy hàng chục ngàn người vào cảnh thiếu đói, không có gì để ăn. Issa Sanogo, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Madagascar nói rằng "đây là hậu quả thực sự của biến đổi khí hậu, nhưng những người dân vô tội ở đây đã không làm gì để xứng đáng với hậu quả này".
 
Trên thực tế, Madagascar chỉ đóng góp chưa tới 0,01% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Nhưng người dân của họ bây giờ lại trở thành những nạn nhân chính của biến đổi khí hậu. "Những cộng đồng này đang phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của một cuộc khủng hoảng mà họ không tạo ra".
 
nandoi2
 
nandoi1

Liên Hợp Quốc hiện đang triển khai một chương trình cứu trợ trị giá 78 triệu USD tại Madagascar để khắc phục hậu quả của nạn đói. Họ đang phát lương thực, chủ yếu là gạo, ngô và đậu cho người dân.

"Nếu không có sự trợ giúp kịp thời, tôi nghĩ cả nhà tôi đã chết vì đói", Tema nói. Cô và gia đình đã nhận được được khoảng 14 nắm gạo một tuần và dự định phải hết sức chắt chiu với chúng. "Chúng tôi sẽ ăn dè sẻn, chỉ để có gì đó vào bụng là được. Chúng tôi không cần ăn no, chỉ cần có thứ gì đó để ăn", Tema nói.

nandoi

Mặc dù vậy, đại diện chương trình lương thực Liên Hợp Quốc cho biết các giải pháp này chỉ là tạm thời. Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến miền nam Madagascar. Giải pháp lâu dài là phải xây dựng được một đường ống dẫn nước cho khu vực, khôi phục đất đai và mùa màng cho nông dân.

Liên Hợp Quốc đang phối hợp với Madagascar để thử nghiệm trồng các loại cây chịu hạn như sắn, lúa miến và kê ở miền nam nước này. Họ cũng tích kêu gọi các quốc gia khác nhìn vào bài học ở Madagascar để cùng nhau hành động nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Tham khảo Iflscience

Nguồn: https://genk.vn/

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com