Các quốc gia khắp thế giới và Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Mười Một, báo động vừa phát hiện một biến thể virus Covid-19 mới ở Nam Phi.
Biến thể này lúc đầu được biết dưới ký hiệu B.1.1.529, sau đó WHO đặt ký tự gốc Hy Lạp cho biến thể này là Omicron, chữ O theo ký tự La Tinh.
Mỹ, Anh, Pháp và vài quốc gia đã ban hành lệnh hạn chế du lịch với Nam Phi và bảy quốc gia Châu Phi khác. (Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)
Mỹ, Anh, Liên Âu và Ấn Độ là những nước đầu tiên công bố các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn trong lúc các nhà khoa học tiến hành các thử nghiệm để xác định xem liệu virus đột biến mới có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể khác hay đề kháng lại các loại vaccine hiện có, theo AP.
Omicron phát xuất từ đâu?
Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện một số lượng nhỏ biến thể được gọi là B.1.1.529 vào Thứ Ba, 23 Tháng Mười Một, trong các mẫu được lấy từ ngày 14-16 Tháng Mười Một.
Theo giới chức y tế Nam Phi biến thể này là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19 gần đây ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất của nước này, và là nơi có hai thành phố lớn nhất quốc gia, Johannesburg và Pretoria.
Không rõ biến thể mới Omicron này thực sự xuất hiện từ đâu, nhưng các nhà khoa học phát hiện ra lần đầu tiên ở Nam Phi. Cho tới nay, Bỉ, Botswana, Hồng Kông, và Israel là bốn nơi phát hiện có người bị nhiễm biến thể này.
Đến hôm Thứ Tư, các nhà khoa học Nam Phi giải mã nhiều hơn nữa bộ di truyền của loại biến thể này, đến lúc này các nhà dịch tễ học trở nên lo ngại và yêu cầu WHO triệu tập nhóm công tác kỹ thuật để xem xét sự đột biến của biến thể mới.
Tại sao các nhà khoa học lo ngại về biến thể Omicron?
Biến thể Omicron dường như có một số lượng đột biến lớn, khoảng 30, nằm trong “gai” (spike protein), khiến càng gia tăng lây lan sang người một cách dễ dàng.
Bà Sharon Peacock, nhà bác học dẫn đầu về giải mã gen của Covid-19 tại đại học University of Cambridge, Anh, cảnh báo các thông tin dữ liệu của biến thể mới cho thấy biến thể mới có các đột biến “phù hợp với việc lây nhiễm sang tế bào con người.”
Bà Peacook nói thêm rằng “tầm lây lan của các đột biến vẫn chưa được biết.”
Ông Lawrence Young, một nhà virus học tại đại học University of Warwick, Anh, mô tả Omicron là “phiên bản virus đột biến nặng nề nhất mà chúng tôi từng thấy,” bao gồm “những thay đổi đáng lo ngại chưa từng thấy ở cùng một loại virus.”
Bác Sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ, cho biết hiện đang sắp xếp một cuộc điện đàm với các đồng nghiệp Nam Phi vào cuối ngày Thứ Sáu để tìm hiểu thêm chi tiết và cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể này hiện diện tại Mỹ trong lúc này.
Nhân viên y tế chích ngừa cho cư dân tại Pretoria, thành phố lớn thứ nhì của Nam Phi. (Hình minh họa: Phill Magakoe/AFP via Getty Images)
Những gì đã biết và chưa biết về biến thể Omicron?
Các nhà khoa học biết rằng Omicron khác biệt về mặt di truyền so với các biến thể trước đó, bao gồm cả biến thể Beta và Delta.
Nhưng các nhà khoa học vẫn không biết rõ là liệu những thay đổi di truyền này có làm cho Omicron dễ lây nhiễm hoặc nguy hiểm hay không.
Cho đến lúc này, không có dấu hiệu cho thấy biến thể gây ra bệnh nặng hơn.
Dự đoán, có thể sẽ mất vài tuần để các nhà khoa học phân loại xem Omicron có lây nhiễm nhiều hơn hay không và các vaccine hiện nay vẫn còn hiệu quả để chống lại.
Ông Peter Openshaw, một giáo sư y học thực nghiệm tại trường đại học Imperial College London, cho biết “rất khó xảy ra” việc các loại vaccine hiện tại sẽ không hiệu quả chống lại Omicron.
Giáo Sư Openshaw lưu ý rằng các loại vaccine hiện có đều hiệu quả chống lại nhiều biến thể khác.
Mặc dù một số thay đổi di truyền trong Omicron có vẻ đáng lo ngại, vẫn chưa rõ liệu chúng có đe dọa sức khỏe cộng đồng hay không.
Tuy nhiên, một số biến thể trước đó, như biến thể Beta, ban đầu khiến các nhà khoa học lo ngại, nhưng cuối cùng không lan rộng.
Nữ khoa học gia Peacock của đại học University of Cambridge cho biết: “Chúng tôi không biết liệu biến thể mới này có thể có tác hại mạnh như Delta hay không.”
Cho đến nay, biến thể Delta là dạng gây bệnh Covid-19 nhiều nhất, chiếm hơn 99% trong các kết quả xét nghiệm trên toàn thế giới.
Nguồn gốc nào gây ra đột biến để tạo thành Omicron?
Khoa học gia Peacock nghĩ rằng biến thể mới này “có thể đã tiến hóa từ một người bị nhiễm bệnh Covid-19 nhưng cơ thể không diệt hết các virus, từ đó tạo môi trường cho virus tiến hóa về mặt di truyền,” giống như loại biến thể Alpha, xuất hiện tại Anh, do xuất phát đột biến từ một người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Khi theo dõi các biến đổi gen ở những biến thể của Covid-19, các nhà khoa học giải mã những biết đổi gen của virus nhận thấy những đột biến xuất hiện “có khả năng” lây nhiễm hoặc gây tử vong cao hơn, tuy nhiên, trên thực tế, không thể đưa ra kết luận chỉ bằng cách nhìn vào các chuỗi DNA của virus.
Sự đột biến của virus SARS-CoV-2, loại gây ra dịch Covid-19 hiện nay, diễn ra giữa lúc lây lan và phát triển thành một biến thể mới, nhưng phần lớn những biến thể tự tàn lụi.
Các nhà khoa học không biết Omicron dễ lây nhiễm hoặc nguy hiểm hay không. (Hình minh họa: Douglas Magno/AFP via Getty Images)
Hạn chế đi lại có phải là giải pháp đúng đắn?
Không một ai có thể đoan chắc được biến thể nào, dù có mã di truyền cho thấy khả năng lây lan cao, sẽ phát triển và tồn tại lâu hơn, tuy nhiên kinh nghiệm về sự lây lan của biến thể Delta khiến không một ai dám khinh suất.
Ông Jeffrey Barrett, giám đốc chương trình nghiên cứu Covid-19 tại viện nghiên cứu Wellcome Sanger, Anh, nghĩ rằng việc phát hiện sớm biến thể mới có thể đồng nghĩa với việc các hạn chế được thực hiện ngay bây giờ sẽ có tác dụng lớn hơn so với khi biến thể Delta lần đầu tiên xuất hiện.
“Với Delta, phải mất nhiều, nhiều tuần sau làn sóng dịch bùng phát khủng khiếp tại Ấn Độ giới chức y tế mới biết được chuyện gì đang xảy ra. Khi đó Delta đã tự lan truyền nhiều nơi trên thế giới, để rồi quá muộn để ngăn chặn,” ông Barrett nhận xét. “Chúng ta có thể ở một thời điểm sớm hơn với biến thể Omicron mới này, vì vậy có thể vẫn còn thời gian để làm điều gì đó tích cực trong việc phòng chống nó.”
Còn Tiến Sĩ Neil Ferguson, chuyên gia dịch tễ tại trường đại học Imperial College London, nhận định rằng việc hạn chế du lịch làm giảm việc lây lan giúp cơ quan y tế các quốc gia có thêm thời giờ đưa ra các biện pháp đối phó.
“Đây là một sự thận trọng cần thiết,” ông nói. (MPL)