Kể từ khi phát hiện được công bố vào tuần lễ cuối cùng của tháng 11, biến thể Omicron đã gây tình trạng chao đảo trong thị trường tài chính và khiến các nhà khoa học phải chạy đua với thời gian để tìm hiểu xem Omicron khác với các biến thể khác trước đây như thế nào về mức độ lây lan, cũng như phản ứng của nó đối với thuốc chủng, phương pháp điều trị và cách nhiễm bệnh.
Biến thể Omicron – nguồn al arabiya
Omicron hiện đã được xác nhận xuất hiện tại hơn 30 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tuyên bố Omicron, còn được biết dưới tên gọi B.1.1.529, là “biến thể cần được quan tâm”, và điều này cho thấy nó có rủi ro gây nhiễm bệnh cao hơn so với các chủng vi khuẩn khác.
Nhiều bằng chứng mới nhất tại Hoa Kỳ cho biết biến thể Omicron đã được xác nhận với hơn một chục trường hợp nhiễm bệnh tại ít nhất 10 tiểu bang, từ Hawaii cho tới California và New York.
Trong khi một số người dân Mỹ bị nhiễm biến thể Omicron gần đây đã đi du lịch đến khu vực Nam Châu Phi, được xác định là nơi xuất xứ của biến thể, ít nhất có hai tiểu bang báo cáo là có sự lây lan trong cộng đồng của biến thể mới này.
Các nhà nghiên cứu thuốc và các giới chức y tế đang cố gắng trong thời gian ngắn nhất để tìm hiểu rõ hơn về biến thể Omicron và những ảnh hưởng mà nó có thể gây ra trước khi mùa Ðông tới và các cuộc nghiên cứu liên quan đến những vấn đề nói trên có thể sẽ mất ít nhất từ vài ngày đến vài tuần. Tổ chức WHO cho biết một số bằng chứng sơ khởi cho thấy những người đã từng bị nhiễm Covid-19 có thể có nguy cơ tái nhiễm Omicron cao hơn so với các biến thể khác. WHO cũng cho biết biến thể này có thể dễ lây truyền hơn so với những biến thể xuất hiện trước đây.
Các giới chức y tế Hoa Kỳ tin rằng thuốc chủng ngừa sẽ cung cấp ít nhất ở một mức độ bảo vệ nào đó để chống lại các trường hợp nhiễm bệnh nghiêm trọng do biến thể Omicron gây ra. Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), hiện tại đã có hơn 70% dân số Hoa Kỳ nhận được ít nhất một liều thuốc chủng Covid-19, và gần 60% đã được tiêm chủng đầy đủ.
Trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Hoa Kỳ có liên quan đến Omicron được báo cáo vào hôm thứ Tư 1/12 là một cư dân sống tại San Francisco, người này gần đây đã du lịch tới Nam Phi. Cơ quan CDC cho biết bệnh nhân này đã được tiêm chủng và có các triệu chứng tương đối nhẹ và hiện đang hồi phục.
Một điều thực tế chúng ta cần phải chấp nhận là con vi khuẩn corona sẽ còn ở với chúng ta lâu dài. Do đó, điều mà mọi người có thể làm là nên tìm cách thích ứng với đại dịch trong khi chính phủ cần hạn chế sử dụng các biện pháp gây ra sự gián đoạn đối với guồng máy kinh tế và bảo đảm sự liên tục của các hoạt động xã hội.
Theo nhận định của một số kinh tế gia, nền kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng phần nào từ biến thể Omicron, và mức độ thiệt hại sẽ còn phụ thuộc vào khả năng lây lan và gây nhiễm bệnh của chính biến thể này.
Omicron sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới du lịch – nguồn DW
Cũng theo nhận định nói trên, việc chi tiêu cho ngành du lịch có thể sẽ yếu đi, và chi tiêu cho nhà hàng và mua sắm tại các cửa hàng cho mùa lễ có lẽ cũng thế. Tuy nhiên, so với làn sóng nhiễm Covid-19 đầu tiên vào tháng 3 năm 2020 và biến thể Delta mùa Hè vừa qua, mối đe dọa của Omicron đối với kinh tế toàn cầu có lẽ ít nghiêm trọng hơn.
Tỷ lệ tiêm chủng hiện nay cao hơn nhiều so với thời gian đầu năm, điều này có thể giúp giảm bớt mức độ rủi ro nhiễm bệnh do Omicron gây ra. Các chính phủ trên thế giới cũng ít có khả năng đưa ra các biện pháp phong toả trên bình diện rộng lớn như trong thời kỳ đầu của đại dịch, là nhờ nay người ta có nhiều thông tin hơn về những biện pháp nào có hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn.
Bị ảnh hưởng tức thì nhất sẽ là lãnh vực du lịch và di chuyển quốc tế. Nhiều chính phủ trên thế giới đã đưa ra các biện pháp hạn chế mới đối với những hành khách có thể đi vào nước họ, chủ yếu là cho ngừng các chuyến bay đến từ các quốc gia thuộc khu vực Nam Châu Phi.
Các biện pháp hạn chế di chuyển mới, cùng với nỗi lo ngại ngày càng gia tăng của người dân về việc đi du lịch, có khả năng sẽ làm sút giảm chi tiêu du lịch tại các hãng hàng không, khách sạn, bảo tàng viện và nhà hàng trong thời gian tới, đặc biệt là vào dịp lễ cuối năm. Ngoài ra, biến thể mới Omicron có thể khiến khách hàng cảm thấy do dự khi đến các cửa tiệm tại các trung tâm mua sắm, và ngăn cản các gia đình đang có dự tính du lịch để thăm người thân trong kỳ nghỉ cuối năm.
Riêng trong hệ thống cung ứng, biến thể mới có thể khiến người lao động phải ở nhà vì lý do này hay lý do khác, và điều này lại càng giới hạn thêm khả năng các nhà máy có thể sản xuất đủ hàng hóa để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ. Tình trạng nói trên sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến mạng lưới cung ứng toàn cầu và có nguy cơ gây ra lạm phát cao hơn. Vấn đề lạm phát hiện nay đang ở mức cao nhất so với thời gian ba thập niên qua tại Hoa Kỳ và lạm phát cũng tăng cao ở nhiều nơi khác trên thế giới do tình trạng thiếu hụt hàng hoá và nhu cầu tiêu thụ mạnh.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực hơn, một số phương pháp điều trị Covid-19 mới có hiệu quả cao sắp tới đây sẽ được đưa ra áp dụng, và việc này rất quan trọng so với những gì mà chúng ta đã biết về Covid-19.
Các công ty bào chế đang tìm liều tăng cường mới để chống Omicron – nguồn The New York times
Những phương pháp điều trị mới này có khả năng giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện và tử vong, và nhiều nhà khoa học tin rằng có thể có hiệu quả cao chống lại biến thể Omicron, thậm chí ngay cả khi Omicron khiến cho thuốc chủng Covid yếu hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh.
Nói một cách đơn giản dễ hiểu thì những phương pháp điều trị mới này có thể giúp biến đại dịch Covid-19 trở thành một căn bệnh hô hấp thông thường hơn trong tương lai, giống như những bệnh cảm lạnh hay cúm, thay vì là một căn bệnh gây kinh hoàng từng gây thiệt mạng trung bình khoảng 1,000 người Mỹ mỗi ngày và hầu như áp chế mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày của hàng triệu người.
Hai phương pháp điều trị mới đang chuẩn bị được đưa vào thực hành – một từ công ty bào chế Pfizer và một từ Merck – và cả hai đều có khả năng mang lại nhiều lợi ích về mặt y tế cũng như tâm lý. Hai phương pháp này không chỉ làm giảm tình trạng nhiễm Covid trở thành nghiêm trọng mà còn có thể làm giảm nỗi sợ hãi Covid và giúp xã hội trở lại sinh hoạt bình thường hơn, giảm bớt những ảnh hưởng phụ lên các hoạt động kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra.
Cả hai phương pháp điều trị của Pfizer và Merck là loại thuốc viên để uống mà bệnh nhân có thể dùng trong 5 ngày sau khi có thử nghiệm dương tính. Hai loại thuốc viên này có khả năng ngăn không cho con vi khuẩn sinh sôi theo cấp số nhân bên trong cơ thể người bệnh.
Loại thuốc viên của Pfizer, có thể sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi vào đầu năm tới, dường như mang lại hiệu quả cao hơn vì có khả năng làm giảm tới 85% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong trong một thử nghiệm lâm sàng mới đây nhất. Loại thuốc viên của Merck, sẽ được đưa vào sử dụng sớm hơn, có thể chỉ trong vài tuần nữa, có khả năng làm giảm khoảng 30% rủi ro.
Nhưng nói gì thì nói, nhiều người trong chúng ta cho đến nay vẫn còn tỏ ra sợ hãi khi nói đến Covid. Sau gần 2 năm sống trong đại dịch, việc quay trở lại với cuộc sống bình thường dường như khó khăn hơn so với những gì nhiều người dự tưởng khi bắt đầu có thuốc chủng, đặc biệt với biến thể Omicron vẫn còn quá mới và vì vậy vẫn chưa được hiểu rõ tường tận. Một khi các phương pháp điều trị mới được phổ biến rộng rãi, chúng có thể mang lại sự yên tâm hơn, như một tuyến phòng thủ cuối cùng để chống lại các trường hợp nhiễm Covid nghiêm trọng.
Vũ Hiến