User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Không công danh thà nát với cỏ cây.
Ta là một kẻ không công danh, ngồi buồn xin nói chuyện cùng cây cỏ.

1.- Con Người Sống Cùng Cây Cỏ

        Môn học ấy, qua các thời kỳ dạy học trò nhỏ lớp Sơ đẳng (lớp Ba) gọi là môn Cách trí, môn Thường thức, môn Quan sát, môn Khoa học… nói  rằng vạn vật trong vũ trụ gồm có: động vật, thực vật và khoáng vật.
        Chữ Nho, động là hoạt động, chấn động, cảm động, thực là trồng, khoáng là nói chung nguyên liệu ở trong đất phải đào lên mà lấy. Theo cụ Đào Duy Anh giảng vắn tắt thì: động vật là sinh vật có tri giác, vận động, sinh dưỡng, cơ năng (animaux); thực vật là sinh vật khác với động vật không có vận động và tri giác, như các thứ cây cỏ (végétaux); và khoáng vật là gọi chung các vật chất vô cơ, như đồng, sắt, chì, cát, đá – những phần tử làm thành đá đất, chia làm 2 thứ: kim thuộc và phi kim thuộc (minéraux) (1).
        Nói một cách dễ hiểu hơn thì thực vật là các loại thảo mộc được trồng (trời trồng và người trồng) trên đất, trên nước, trên những môi trường mà nó sống được. Thảo là cỏ, mộc là cây, nói nôm na là cây cỏ. Thật ra, cỏ cũng là một loại cây, nó có đủ bộ phận của cây, sống và chết theo đời sống của cây, nhưng nó nhỏ nhoi, vòng sinh tử ngắn ngủi, và điều chính yếu là cấu trúc cơ thể của nó (dẫu có khi lớn hơn vài loại cây) là cấu trúc dạng cỏ, nên người ta mới phân biệt thân mộc (thân gỗ) và thân thảo (thân cỏ). Từ đó có phân biệt cây và cỏ.
 
 
        Con người sống cùng cây cỏ, sống bên cây cỏ. Không có cây cỏ  sự sống con người chỉ còn tạm bợ, vất vưởng… với những phút giây  ngắn ngủi chờ chết.  Tục ngữ nói: “Đói ăn rau, đau uống thuốc”.  Rau là những loại cỏ đã được đem về trồng trong vườn nhà. Cỏ rừng ăn được ta cũng gọi là rau, đôi khi thòng thêm ghi chú thành “rau rừng”.
Xin đừng coi thường thân phận bé bỏng của nó. Thi sĩ Tô Thùy Yên thời gian vướng vào vòng lao lý, thụ án nơi thâm sơn cùng cốc, sau mỗi ngày khổ sai về trại “thu gom áo nón lèm bèm, trên vai bó củi lại kèm bó  rau” để “cải thiện” bữa cơm tù. Bó rau đó, ông đã cố “hái nhanh cho kịp trời chiều, ấy mê ấy tỉnh cỏ nhiều hơn rau”. Có lúc thi sĩ không biết là rau gì, chưa hề dùng đến. “Giá ta hỏi được một lời: Rau này trăm họ mấy người đã ăn?”. Thi sĩ thương cảm thân mình đồng thời thương cảm thân rau xa lạ, xin thâm tạ: “Cảm ơn rau của đất trời. Hẩm hiu chưa được cuộc đời đặt tên” (2). Lại nữa… chẳng hạn một ai đó bị biệt giam không nhìn thấy cây cỏ cũng phải có vài ba hột bo bo hay vài mẩu sắn luộc con con (chút tàn dư của cây cỏ) để giữ gìn chút tàn lực.
Hãy xét một con người bình thường bậc trung sống cuộc sống bình  thường bậc trung. Không một ngày nào mũi miệng người ấy không thụ hường một chút gì của cây cỏ, tầm mắt không ghi nhận một hình ảnh nào của cây cỏ.
 
Một tí nước có màu nâu nâu, vị đăng đắng, hương thơm thơm… vừa trôi qua thực quản. Ông ta im lặng như lắng nghe và nhận ra mùi vị của hạt cà phê rang cháy, xay nhuyễn, của đọt lá trà xanh tươi, của nụ hoa ngâu, hoa lài hái vào buổi sớm sương chưa tan. Cây cỏ đã giúp ông ta chào bình minh  sảng khoái.
Bữa trưa, bữa chiều ông ta cùng cả nhà quây quần bên mâm với thức ăn cũng từ cây cỏ, chén cơm chén cháo gạo lúa mới trắng ngần, bát canh  khoai, canh bí, dĩa xào… Vài bông mướp hương vàng đậm, mấy lát cà rốt đỏ, trái cà lùi tím nhạt. Vắt mấy gọt chanh vào chén nước mắm… Rồi “tráng miệng” bằng quả chuối, quả cam. Cây cỏ đã góp phần nuôi sống ông ta, tặng chất bổ dưỡng để ông ta được thêm tráng kiện vui vẻ.
Có thể trong sân nhà ông ta có bụi hường, bụi cúc, góc hàng rào có cây bưởi, cây khế. Đưa con đến trường ông ta thấy học trò chơi trò bắn bi, nhảy dây, cà chuông, xáng cõng… dưới gốc bàng, gốc phượng. Đi xin giấy tờ nơi công sở ông ta gặp bà con tạm hóng mát quanh thân một cây gì đó. Cây cỏ giúp sự “ngoạn mục” và che chở cho con người.
 
        Đó mới là chuyện ăn uống và thư giãn phút giây. Căn nhà ta ở, với những cột kèo xuyên trính, nhà vách đất thì rui mè, tranh rạ. Bàn ghế, tủ giường. Dụng cụ nhà nông dùng trong việc cày bừa, thu hoạch lúa thóc, nghề thợ cần cán búa cán rìu, bác chài cần tay lưới, cái nôm… vân vân và vân vân… Nhỏ nhặt nhất như một sợi lạt, một tép dây bẹ chuối, một bẻo lá  gói vài ba viên kẹo. .. Mọi đồ vật hàng ngày của con người đều từ cây cỏ.
Về thôn quê…  cây cỏ càng quan trọng gấp bội trong đời sống tinh thần. Bên bờ ruộng bờ thổ cơ man là cây cỏ. Hai bên đường đi cây cỏ luôn luôn sẵn sàng. Những cổ thụ coi như cột mốc từng chặng, được đặt tên riêng, theo vị trí, hình dáng. Hai cây đa đứng liền nhau là cây Da Đôi, táng lá giống cái dù là cây Da Dù, cành sà xuống thấp là cây Da Sà… Mỗi cổ thụ là một tụ điểm sinh hoạt của dân chúng bên ngoài thôn xóm, nơi khách bộ hành, người gánh củi gánh tranh dừng chân tạm nghỉ, nơi trẻ chăn trâu chăn bò đánh cờ tướng, đánh trổng, ăn cơm trưa. Có những ngôi quán cất gần cây đa, nhưng quán không tồn tại lâu bằng, gây ra cảnh:
 
        Có quán thì phụ cây đa
        Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn…
 
Cây cỏ đôi khi có màu vàng nhạt như những động tranh già nua, có khi chen vào màu đỏ tươi như lá vừng, lá bàng, có khi pha màu tím nhạt như hoa mằng lăng, màu tím non của tầng lộc mới hoặc màu tím thật tươi khắp những gò sim trải rộng… Những màu sắc ấy điểm xuyết trên tấm thảm màu xanh của muôn ngàn lớp lá. Màu xanh chính là sự sống của cây cỏ, cũng là sự sống của mặt đất, có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự sống của con người. Ai mà không say mê cái màu xanh ấy, có thể liền với màu trời, khiến ta vui vẻ dường như quên đi thực tại. Đến như con chim nghệ vàng cũng phải vươn cổ cất lên tiếng hót líu lo, chẳng màng ngó xuống chùm trái cây chín mọng bên chân.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của cây cỏ, vua Minh Mạng đã cho chạm khắc một số hình thực vật trên Cửu Đỉnh đặt trước Thế miếu tại kinh đô Phú Xuân. Số hình thực vật này thuộc 6 nhóm: các loại cây lương thực, các loại rau củ, các loại hoa, các loại cây lấy quả, các loại dược liệu, các loại cây lấy gỗ. Được phân bố trên các đỉnh như sau:
 
- Cao đỉnh: cây hoa tử vi, cây hành, cây lúa, cây mít, cây gỗ lim, cây gỗ trầm hương,
- Nhân đỉnh: cây ngô đồng, cây hoa sen, cây nam trân (lòn bon), cây lúa nếp, cây gỗ kỳ nam, cây rau hẹ,
- Chương đỉnh: cây hoa lài, cây rau kiệu, cây đậu xanh, cây đậu khấu, cây xoài, cây gỗ thuận (bồ hòn),
- Anh đỉnh: cây hoa văn côi (hoa mai côi hồng), cây cau, cây nghệ, cây tô hạp, cây thị, cây dâu,
- Nghị đỉnh: cây hoa mai, cây hoa hải đường, cây đậu ván, cây quế, cây huỳnh đàn, cây cải bẹ xanh,
- Thuần đỉnh: cây đào, cây hoa quỳ, cây đậu nành, cây hương nhu (rau húng), cây sa nhân, cây nam mộc (gỗ sao),
- Tuyên đỉnh: cây trắc bá, cây củ lạc (đậu phụng), cây hoa trân châu (hoa sói), cây long nhãn, cây gừng,
- Dụ đỉnh: cây thông, cây bông bụt (bụp), cây đậu trắng, dây trầu,  cây lê, cây tía tô,
- Huyền đỉnh: cây hoa lan năm lá, cây bông vải, cây sâm nam, cây tỏi, cây vải thiều (lệ chi), cây nhựa sơn.
(3)
 
Có ai thử đặt một câu hỏi: Nếu không có cây cỏ con người sống ra sao? Sống được chăng?
Trong chiến tranh, nhiều khi bom đạn ầm ầm đổ xuống, cây cỏ bị gãy đổ, xơ xác, bị cháy thiêu thành tro than, đất đá trồi lên lộ liễu, trơ trẽn, không còn con chim con thú nào, thậm chí không còn cả con ong, con bướm, con dế, con trùn.. Cũng có khi một cơn sóng thần, một trận lũ quét, cây cỏ bị sóng đánh tan tác, bị nhận chìm dưới lớp bùn dơ. Người ta gọi đó là “vùng đất chết”. Có thể sống trên vùng đất chết được chăng? Phải một thời gian khá lâu, trải qua mưa nắng, cỏ mọc trở lại rồi cây vươn lên, màu lá xanh dần dần phủ kín màu đất đá, vùng đất chết mới được “hồi sinh”.
 
2.- Cây Cỏ Trong Thiên Nhiên
 
Sơn lâm hùng vĩ
 
 
        Phần lớn cây cỏ sống giữa thiên nhiên, thường là chốn núi non, nên  nơi ấy gọi là rừng núi, là sơn lâm. Cũng là nơi đầu nguồn của khe suối, nên gọi là sơn khê (núi khe), lâm tuyền (rừng suối). Phải là nhiều cây mới thành rừng núi được:
 
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao
 
        Số 1, số 3 ở đây không phải là số 1 và số 3 thực (danh số) cũng không phải là ảo (hư số) mà tượng trưng cho ít (1) và nhiều (3), tượng trưng cho sự yếu đuối và sự mạnh mẽ, dẫn đến việc cần phải có sự đoàn kết cộng đồng:
 
Muốn cho có đó cùng đây
Sơn lâm chưa dễ một cây nên rừng
 
Trong truyện Lục Vân Tiên cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng viết:
 
Nên rừng há dễ một cây
Muốn cho có đó cùng đây luôn vần
 
        Rừng nhiều cổ thụ, có khi hàng mấy trăm năm nên gọi là rừng già, nhiều cây cao vút gọi là rừng cao, rừng xa hun hút, đi vào sâu thăm thẳm gọi là rừng sâu, bát ngát một màu xanh gọi là rừng xanh.
        Thiên hạ thách nhau:
 
Đố ai biết núi mấy cây
Biết sông mấy nước, biết mây mấy từng?
.  .  .
Đố ai quét sạch lá rừng
Để ta bảo gió gió đừng rung cây…
 
        Bởi nhiều cây, tranh nhau sống, tranh nhau lớn, cứ phải vươn cao để đón ánh nắng, ánh sáng, nếu nấp dưới thấp sẽ bị cằn cỗi nên cây rừng già thường thẳng suôn, khác với cây rừng thưa, thấp nhỏ, nhiều cành nhánh. Thiên hạ đem sự phát triển tự nhiên ấy so sanh với con người, ngầm hỏi: Sao (nó) tối dạ vậy?
 
Chim rừng ai dạy mà khôn.
Cây suôn ai uốn, trái tròn ai vo?
 
Đây chỉ là một mặt thôi. Thực tế, chim rừng không khôn lắm, thường mắc bẫy mắc giò, rừng không ít cây cong vạy, không ít loại trái chẳng tròn.
        Thử tưởng tượng ông Tây ba-lô Yersin thám hiểm khám phá cao nguyên Lang Biang, trèo non lội suối, một tai nghe tiếng chim, một tai nghe tiếng gió, vất vả nhưng thú vị biết bao nhiêu khi tìm ra một vùng đất chưa ai biết đến. Hoặc cảnh cụ Cử Doanh điền sứ Nguyễn Thông qua trạm Hòa Mã:
 
Minh triêu bì mã hoang sơn lý
Hựu thính viên thanh quá Thạch Thành
 
        Buổi sáng, ngựa mệt, trong dặm hoang sơn, lại nghe tiếng vượn qua Thạch Thành. Ta có cảm tưởng ngựa mệt nhưng cụ không mệt tí nào, cụ nhận ra nét phong quang của hoang sơn, ta nghĩ cụ hiểu tiếng vượn ấy không phải buồn rầu thương tiếc mà tiếng vượn gọi bầy vui vẻ khi chuyền cành hái trái. Cũng thú vị biết bao!
        Đi trên Đường Tùng lên thăm Yên Tử, những cây thông cao vút, ngước nhìn không thấy ngọn, như trong cổ thi:
 
Thạch thượng thanh tùng bách xích trường
Phi hoa mãn động thủy sinh hương
Đinh ninh tiều tử hưu khinh phạt
Lưu thủ tha niên tác đống lương
 
(Trên đá thông xanh trăm thước trường
Hoa bay đầy động nước sinh hương
Chặt bừa nhắn nhủ anh tiều chớ
Dành để sau này dựng đống lương).
 
        Đâu phải chỉ ở Đường Tùng. Những nơi khác khi ta có vị thế cao hơn ngọn cây cao, nhìn thấy từng cụm tròn trịa nối liền nhau bát ngát, rừng già thoai thoải chạy dài, rừng già đổ dốc xuống vực thẳm nguồn sâu, ta nghe như có mùi hương của trời đất, của lâm tuyền, đại mộc lan tỏa khắp nơi, đúng là “hoa bay đầy động nước sinh hương”.
        Rừng cao núi hiểm cũng gọi là ngàn. Người lính thú ngày xưa đồn trú nơi biên ải, chấp nhận gian nan khi làm nhiệm vụ:
 
Đốn tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
 
        Núi Vụ Quang hiểm hóc ở Hà Tĩnh, nơi cụ Phan Đình Phùng đặt căn cứ, tổ chức lực lượng ứng nghĩa Cần Vương có tên nôm là Ngàn Trươi. Núi Hồng Lĩnh có tên nôm là Ngàn Hống, với câu ca dao nói về họ Nguyễn Tiên Điền:
 
Bao giờ Ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước họ này hết quan.
 
       Rừng già có nhiều danh mộc, có loại cây cứng hơn sắt thép dùng trong việc xây dựng, có loại cây cho ta trái ngọt hoa thơm, có loại cây cho ta dược liệu, đồng thời cũng là chỗ dựa “tinh thần” cho những người tự hào về sự vững chải của mình:
 
Dù ai nói đông nói tây
Thì ta vẫn vững như cây giữa rừng
 
        Tuy nhiên, không có gì là hoàn hảo trọn vẹn. Người ta nhắc nhở:
 
Ai ơi, chớ vội cười nhau
Cây nào là chẳng có sâu chạm cành.
 
        Nhưng, nhiều khi sâu chạm cành mà không làm hư hại cây. Chẳng hạn như cây gió, khi bị thương tích chất nhựa tiết ra thành trầm hương, kỳ nam vô cùng quý giá:
 
Gió lâu năm gió thành kỳ
Đá kia lăn lóc có khi thành vàng.
 
        Ngày trước có các quy định phân chia lâm phần quốc gia và lâm phần hương thôn (địa phương). Lâm phần quốc gia là rừng cấm, loại rừng sâu núi thẳm không ai được tự quyền khai thác, đồng thời là nơi ngự trị của đại cầm ác thú. Bước chân vào đó, trong sự im lặng bí ẩn, chỉ trừ một ít người can đảm, còn đa số mất hết tự tin, tràn ngập nỗi sợ. Hình như chúa sơn lâm ẩn hiện đâu đây khiến cho vạn vật, kể cả cây cỏ, cũng không dám thở mạnh.
Nhiều nơi ở Miền Nam Trung Bộ mỗi khu rừng (dù là lâm phần địa phương) có một hay nhiều “cửa rừng” là lối đi của những người khai thác lâm sản. Cuối năm, cửa rừng đóng lại. Thật ra, nói là “cửa” nhưng chỉ là lối đi, mốc định là một cây cổ thụ hay một bãi gò, không có chòi canh, cánh cửa, nói “đóng” có nghĩa là mọi người tự nguyện không ra vào theo lối ấy. Mồng bảy hạ nêu, hết tết, mồng tám lễ khai sơn cúng bái long trọng. Một cái đầu heo (thịt sống) được để lại nơi gốc cây là phần dành cho chúa sơn lâm. Sau khi cúng khai sơn người ta mới vào rừng chặt cây, bứt mây v.v…
 
Rừng thưa – Thảo nguyên
 
        Thảo nguyên là đồng cỏ. Nước ta không có những đồng cỏ như bên Âu Mỹ, chỉ có những gò đồi với nhiều loại cây thấp làm thành rừng thưa và nhiều loại cỏ xen lẫn bên nhau.
        Chính dạng “rừng thưa” này gần gũi với con người hơn. Trước hết vì nó ở liền kề làng mạc, từ nhà ra rừng không bao xa. Thứ nữa nó là lâm phần hương thôn (địa phương) không bị ngăn cấm như lâm phần quốc gia. Trong rừng cây cỏ hỗn sinh này rất nhiều thứ cây, mọc liền nhau, sát nhau hoặc cách nhau. Nào là cây ổi, cây trâm, chà rang, lành ngạnh, cây giấy… nó cung cấp cho con người mọi thứ, từ thức ăn uống được như các loại trái, củ, thân, hoa… đến chất đốt (củi, than…) và không thể kể hết… dùng nhiều như cỏ tranh lợp nhà, dùng ít như cây nhỏ làm cán rựa, cán dao, cây lớn hơn như cây làm trụ giàn, lại thêm đủ loại dây cột buộc.  
 
        Người lính thú đời xưa:
 
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những dang cùng nứa lấy ai bạn cùng
 
        Người con hiếu thảo thương mẹ:
 
Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ mẹ già yếu răng
 
        Người bạn đời chung thủy:
 
Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương
 
 
Trong rừng còn rất nhiều loại dây, dây lớn như cổ rùa, dây tràm… dây nhỏ như dây mối, dây dang… Dây leo theo cây, luồn lách theo lùm bụi. Liên hệ sự hỗn sinh này với việc xây dựng nhà cửa và rộng hơn là việc tạo dựng cơ nghiệp lâu dài, người ta nói:
 
Có cây dây mới leo, có cột có kèo mới thả đòn tay.
 
        Cuộc hỗn sinh đó tạo ra mối quan hệ chằng chịt, nên khi ta bứt sợi dây mây hay dây kim cang, dây mò tró… phải dần dần đi theo nó, và khi rút dây thì nhiều lùm bụi xào xạc rung chuyển theo, khiến cho lũ chim nhỏ hoảng hốt bay tránh và nhiều khi tổ chim bị rơi, trứng chim bị vỡ, chim con phải chết. Thật là: "Rút dây động rừng –Bứt dây động rừng –Bứt mây động rừng…"
Gò cỏ là nơi chăn thả gia súc. Cỏ trên gò thường bị trâu bò ngựa ăn đến sát gốc, còn lại đúng là một tấm thảm xanh. Nhưng ngày này qua ngày khác chúng vẫn gặm và cỏ cũng kịp ra cho chúng gặm. Cao hơn một chút là những đám cỏ tai bèo và cỏ may. Cỏ tai bèo với những cánh lá tròn trịa, cộng hoa mong manh yếu đuối. Cỏ may cứng cáp hơn, hoa thường găm vào ống quần, gây khó chịu và mất công nhổ ra. Người ta đố nhau: Chỗ nào không phải chợ mà đông (đó là trường học), chỗ nào không phải sông mà lội (đó là gò cỏ may). Cỏ may tượng trưng cho sự nhỏ bé thấp hèn, như lời trách:
 
Chim quyên dại lắm không khôn
Núi liên sơn không đậu, đậu cồn cỏ may.
 
        Những gò cỏ này không phải toàn cỏ mà có xen vào đó những chòm cây như ở rừng thưa: cây sim, cây mua, cây lót, cây chân bầu… vân vân. Thỉnh thoảng có một vài bụi vươn cao lên như cây bút, cây mét. Và thỉnh thoảng có một cây đa đứng trên đỉnh gò, từ nơi thật xa thấy nhô lên một khối  in rõ nét vào chân trời.
        Một loại “thảo nguyên” nữa là giồng đồi, chiếm phần lớn là tranh đế lau sậy. Đồi là từ dùng khi viết, ở Miền Nam Trung Bộ khi nói, những nơi thế đất không cao lắm, trải dài hay rộng người ta gọi là giồng, những nơi  chân tròn, đỉnh hơi nhọn gọi là hòn. Bông tranh nở trắng mịn màng, bông đế màu tím đậm, có phần khô cứng hơn, bông lau bông sậy vươn lên đùa với nắng gió. Ai đó than trách:
 
Anh về Giồng Dứa qua truông
Gió day bông sậy để buồn cho em
 
        Thật đã tả đúng cái cảnh bông sậy trước cơn gió nhẹ. Nó không lắc lay, chỉ run run nhẹ.
        Bông lau, may mắn nhờ một sự kiện lịch sử nó được đổi đời. Nếu không, nó chỉ tượng trưng cho cảnh hoang vu:
 
Đường đi cả lách với lau
Cả tràm với chổi, bỏ nhau sao đành!
 
        Ông Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ chăn trâu, chia phe đánh lộn, bẻ bông lau cầm tay chạy nhảy phất phơ… thắng được rồi bắt “bên nó” cung tay làm kiệu khiêng ta đi… chuyện đó không có gì đáng nói hết. Nhưng trời đất xui khiến, lớn lên ông dẹp yên các sứ quân, làm vua. Bấy giờ các sử quan mới thăng hoa thành đề tài “cờ lau tập trận”. Bông lau chẳng thèm run run trước gió như bông sậy, đường đường chính chính đi vào lịch sử, vào văn học, vào nhà trường, vào âm nhạc. Các tác giả Đại Nam quốc sử diễn ca viết về Đinh Bộ Lĩnh, coi đó như chơn mạng đế vương:
 
Khác thường từ thuở còn thơ
Rủ đòn mục thụ mở cờ bông lau
Dập dìu kẻ trước người sau
Trần ai đã thấy vương hầu uy dung
 
        Trước tháng 4-1975, học trò tiểu học ở Miền Nam, theo tổ chức “hàng đội tự trị”, mỗi lớp là một liên đội mang tên danh nhân, liên đội Đinh Bộ Lĩnh, hô tiếng reo ”chiến thắng”, khi vừa vào lớp hát bài đội ca: “Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu. Dấy binh lấy lau làm cờ…”. Hát xong mới ngồi xuống - Con người có số thì bông sậy bông lau cũng có số vậy.
Người dân miền cao nguyên, miền núi, sống bên cây rừng, gắn bó với cây rừng khác nào tâm trạng lũ chim trời. Bậc trưởng thượng đem chuyện thiên nhiên nói với con cháu:
 
Chim khôn lựa nhánh nó chuyền
Cá khôn lựa vực, bạn hiền lựa đôi.
 
        Đôi nam nữ đậm đà tình cảm bảo nhau:
 
Thương nhau đám cỏ cũng ngồi
Đám tranh cũng lội, rừng chồi cũng băng.
 
        Khi phải xa cách, người ta nghĩ thân phận mình thật đáng buồn, chẳng khác con chim xa rừng:
 
Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi!
 
Dược liệu – Trăm hoa
 
        Phần nhiều trong các loại dược liệu được khai thác từ rừng thưa và thảo nguyên, như sâm nam, cam thảo nam, hà thủ ô, mã tiền, sa nhân, phụng vĩ, trái tràm, bạch đậu khấu… Cây tô hạp và cây gió trầm cũng không phải ở hẳn nơi rừng cao, có khi là nơi tiếp giáp giữa rừng thưa và rừng cao. Người dân vùng cao nguyên cho rằng khai thác các thứ cây thuốc nam dạng củ và rễ như sâm nam, phụng vĩ… không dùng vật dụng kim khí. Kim khí làm biến đổi dược chất, không còn đủ hay (hiệu nghiệm). Họ không dùng lưỡi rựa, lưỡi cuốc, lưỡi xuổng (tất nhiên là nhanh hơn, gọn hơn). Họ vạt nhọn một đoạn cây như cái xuổng để đào, dùng cật tre vót thành con dao nhỏ cắt tỉa. Ngày trước, cho dẫu khai thác để bán họ cũng làm như vậy, sai lệch đi sẽ thất đức. Nếu nói không ai biết việc thất đức chưa hẳn đã đúng, vì ít nhất cũng ta biết, gia đình biết, trời biết, đất biết. Bây giờ chuyện gì cũng đại trà, cũng công nghiệp, không mấy ai tìm bới các loại dược liệu này và nếu còn tìm chẳng biết còn ai giữ được cái “đức” như xưa?
 
        Cũng chính rừng thưa cung cấp trăm hoa. Không nói các loài hoa ta dùng làm thức ăn như hoa bông giờ, hay hoa sẽ kết trái rồi ta dùng trái làm thức ăn như hoa sim, hoa ổi, hoa giấy, hoa trâm, hoa chòi mòi vân vân… Có nhiều loài hoa, nói chung là hoa dại, có tên và không có tên, đến mùa đua nở làm cho cả cánh rừng đẹp dễ và thơm ngát. Hoa cổ rùa tím nhạt nhỏ nhoi, hoa găng vàng ngời rực rỡ, hoa nhím nồng gắt, hoa mằng lăng nở tận trên cành cao, khác hẳn với hoa dáy thấp lè tè trên mặt đất. Có loại hoa màu đỏ tươi thật đẹp, hình dáng cũng cân xứng nhưng ác thay, người ta đặt cho nó cái tên không đẹp tí nào cho nên nó nở đầy rừng vẫn không ai ngó ngàng đến, nói chi hái về cắm vào bình. Nhưng mặc kệ, nó nào đâu biết, đến mùa cứ nở, lá thật xanh, hoa thật đỏ, tưng bừng khắp nẻo sơn khê, chẳng bận tâm điều tiếng thị phi.
 
        Một loài hoa xuất thân là kẻ ăn bám ở nhờ, sống trên sự sống của thảo mộc khác, dân gian gọi là “tầm gửi”, nhưng nhờ nó đẹp và nó ở trên cao, ăn nắng uống sương, không vấy chút bùn đất được thiên hạ cho là thanh cao với cái tên chung “phong lan”. Một thời, ông Nhất Linh ẩn tu nơi suối Đa Mê ở Đa Lạt ngày ngày dạo rừng tìm được nhiều thứ phong lan, đặt cho nó những tên vương giả đài các, nào là nhất điểm hồng, nhất điểm hoàng, thanh ngọc, hồ điệp vân vân. Hạ sơn, xuống Sài Gòn quay về với sinh hoạt văn học, xuất bản tạp chí Văn Hóa ngày nay số nào ông cũng in tranh hoa lan (do ông vẽ) ở bìa 1, bên trong in nhiều bài thơ nói về hoa lan, của ông và các thi sĩ khác, như Bùi Khánh Đản.
 
        Theo thiển ý, có hai loại hoa được coi như đặc trưng của núi rừng là hoa mai và hoa múi dẻ (dủ dẻ).
 

        Người già, ít nhất là người đứng tuổi thích hoa mai – hoa mai núi (sơn mai), không phải hoa mai trồng trong vườn. Đến tiết tháng chạp, người ta lên núi chặt về. Không phải là núi cao. Rừng mai cũng nằm trong dạng rừng thưa cây thấp. Cây mai đứng trên đất khô cằn, thân gốc xù xì mốc thếch màu trắng màu nâu. Có người thích cành thật nhiều hoa, ngày tết nở vàng, tượng trưng cho sự thịnh vượng. Có người thích cành khẳng khiu, hoa lưa thưa, còn một số búp, để có cảm tưởng như ta đang sống trong hiện tại mà hướng về tương lai, tức là tìm cho mình một ý nghĩa sâu xa hơn.
        Con nít thì thích hoa múi dẻ. Hoa màu vàng đất, cánh hoa dày dặn. Hái bỏ trong túi, lúc xâm xẩm hoa tiết ra mùi thơm nồng đậm, nhưng không gay gắt như hoa ngọc lan. Ta đi chơi trong xóm, mùi hoa đi trước giây phút như báo tin cho bạn bè. Đó là cái vui thời thơ ấu vụng dại.
        Tôi muốn mượn lời thơ Tô Thùy Tên (trong bài thơ dài, bài Ta Về, được nhiều người khen chuộng) để nói với trăm thức hoa rừng, kể cả những loài hoa vô danh, chịu chung một số phận gọi là hoa dại – dẫu biết rằng hoa rừng chẳng nở vì ai:
 
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.
 
Bềnh bồng sông nước
 
Cây cỏ sống nhờ đất, cắm rễ xuống đất hút lấy chất dinh dưỡng nuôi phần thân cành lá, tất nhiên là nuôi cả rễ nữa. Đất ấy phải có nước đủ độ ướt, độ ẩm, không có nước cây cỏ chết, nhiều nước quá có khi cây cỏ cũng chết. Tuy vậy có loại cây cỏ thiếu đất hay không có đất vẫn sống được. Nó sống trên mặt nước, thả rễ trong lòng nước, trôi nổi theo dòng nước, bồng bềnh làm một khách phiêu bạt giang hồ.
        Đó là những đám bèo sống nơi ao hồ, liên kết với nhau thành cả một vùng rộng lớn. Thân phận bèo gần gũi với những người nghèo khổ, làm thuê, ở mướn, những người cam bề lẻ mọn, phải thức khuya dậy sớm thái khoai đâm bèo. Oái oăm thay, bên cạnh bèo là sen, một loại cây đắc dụng. Lá sen, hoa sen, ngó sen, tim sen, hạt sen đều quý cả. Người đời ca ngợi vẻ sang trọng thanh cao của sen:
 
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Truyền tụng mãi rồi thiên hạ nhập tâm bảo rằng hoa sen đẹp lắm, xứng đáng được tôn làm vào quốc hoa. Các đại gia văn chương cả Ta và Tàu, tận thời Đường thi, có cả các bậc tu sĩ, đều làm thơ ca ngợi hoa sen. Người bình dân cũng thật lãng mạn tình tứ:

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà…

Đồng ý là hoa sen đẹp, nhưng khó lý giải đẹp hơn các loài hoa khác ở chỗ nào. Xem kỹ thì có phần thô tháp. Tác giả câu ca dao còn gán cho sen cái tính hợm mình, vô ơn.

Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Không sống gần bùn thì ai nuôi sen lớn, không có mùi bùn hôi tanh lấy đâu sen có lá xanh bông trắng nhị vàng? Bèo nhìn sen buồn tủi, không thoát được cái mặc cảm tự ti. Như thi hào Tiên Điền viết trong Truyện Kiều:

Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh!

Mà thường thường tự ti hay sinh ra tự tôn, như anh chàng A.Q của Lỗ Tấn, có khi chỉ thầm kín trong lòng, có khi bày tỏ thành lời, mong đợi một dịp nào đó coi như đổi đời, rửa hận:

Thân anh như cành hoa sen
Thêm em như thể bèo hèn trong ao
Vái trời cho cả mưa rào
Cho sen chìm xuống bèo trèo lên sen.
Trèo lên cỡi đầu cỡi cổ sen rồi làm gì nữa?

Chuyện này khác nào cảnh:

Trời làm một trận lăng nhăng
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông!

Đến một thời nào đó, có giống bèo từ phương xa đưa về. Người này gọi là bèo Tây, người kia gọi là bèo Nhật. Tây và Nhật thì ăn đứt Ta rồi. Do  cuống lá phình lên giống lọ lộc bình, nó mang thêm cái tên đẹp: lục bình. Một tên nữa là phù bình, nổi trên mặt nước – bèo nào mà không nổi? Lá lục bình màu xanh, hoa tím nhạt, điểm chấm màu lam, đứng thẳng vươn cao.
Lục bình phát triển rất nhanh trên sông nước. Những đoạn ngày hai buổi thủy triều nó theo đó mà lên lên xuống xuống, có khi lênh đênh giữa dòng, có khi tấp vào bờ. Mây bay từ trời cao xanh, bóng mây dưới đáy nước cũng bay, song hành với lục bình, tạo ra cảnh sắc thú vị “bèo giạt mây trôi”. Nói như vậy hay hơn và đúng hơn “bèo giạt hoa trôi”. Bèo giạt, bèo vẫn sống còn, hoa trôi là hoa đã chết, lìa cành rã cánh. Mây bay khắp bốn phương trời, khi tụ khi tan, lục bình chỉ quanh quẩn trong một phạm vi hẹp, cũng được nương theo để mang cái ý tưởng lãng mạn: phiêu bạt giang hồ.

Đại gia Huy Cận viết trong bài Tràng giang: Bèo giạt về đâu hàng nối hàng… Đã giạt còn gì kỷ cương, trật tự để hàng nối hàng ngay ngắn. Chỉ có từng mảng, lớn nhỏ không đều nhau, xô đẩy chen lấn.
Ở nơi đồng nội, gần bờ gần góc những ao nước nhỏ, có cây rau chóc, rau mác. Rau chóc, chắc do cái tên có phần xấu xí nên chẳng thấy ai khen chê, có điều thấy nó thì người nông dân chặt lá, dứt gốc, quăng lên bờ, không cho nó lấn lướt cây mạ. Rau mác thì hình như luôn có cái ước vọng được lên bờ, được ca dao nhắc đến:

Chờ em (anh) đã quá sức chờ
Chờ cho rau mác lên bờ trổ bông

Và trong thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên sau mười năm khổ nạn (vẫn bài Ta Về):

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông

Còn hoa súng nữa. Nó cũng phần nào hữu ích, nhưng trong dân gian tịnh không nghe điều tiếng khen chê. Lá súng trải sát trên mặt nước, đến khi hoa nở thì lá đã héo rữa, chỉ còn hoa đơn lập nhô lên. Vẻ đẹp của hoa súng trông hiền hậu, nhu mì, dáng dấp có phần nào ngơ ngác, ngây thơ. Trên tạp chí Thanh Nghị (xuất bản tại Hà Nội trước năm 1945) ông Đinh Gia Trinh đã hết lời ca ngợi hoa súng, cho rằng nếu sen là hoa «quân tử» thì phải gọi hoa súng là hoa «tiên tử», bởi nó nở một cách bình thản, lặng lẽ, nhẹ nhàng, không rủ rê thêm loài hoa nào, không đón chào ong bướm, không khiến con người để mắt ngoái nhìn.  Đồng ruộng đã qua mùa thu hoạch, gốc rạ thân rơm nằm rạp, vài con cò lặng lẽ từng bước đi nghe ngóng thăm dò, thỉnh thoảng ngẩng nhìn mấy bông súng tím, đỏ, vàng, lam... gió nhẹ rung rung trong ao nhỏ... Rõ ràng đó là bức tranh đậm đà màu sắc thái bình của non nước vùng quê, trong đó hoa súng là điểm chính.

3.- Cây Cỏ Do Con Người Trồng

        Con người đã lựa chọn một số cây cỏ quan trọng để trồng trọt trên ruộng, thổ, vườn, rẫy, soi… Dần dần lai tạo làm cho nó phát triển cao xa hơn bà con của nó còn đang đứng nơi bờ bãi. Tùy theo đời sống của mỗi loại cây và thổ nghi, khí hậu phù hợp nên mỗi vùng miền có một số loại cây riêng, từ cây lương thực, thực phẩm đến cây sử dụng trong công nghiệp, cây dùng để trang trí v.v… Cây được con người quý trọng và công lao của người trồng cây luôn luôn được ghi nhớ. Sự nghiệp lập quốc của Hùng Vương được so sánh với công lao trồng cây và khơi nguồn sông nước:

Cây kia ăn quả ai trồng
Suối kia uống nước hỏi dòng từ đâu?

Cây lương thực – thực phẩm

        Xã hội ta ngày trước rất kính trọng giới sĩ. Nhất sĩ nhì nông. Nhưng người ta vẫn không quên trong sách lược an dân “dĩ thực vi thiên” nên trên thực tế có lời phản biện vui vẻ rằng: Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.
        Cơm là món ăn chính nên cây lúa đứng hàng đầu trong danh sách cây cỏ được trồng, hạt gạo đứng hàng đầu trong bảng kê lương thực, đồng thời tạo ra một nền văn hóa, có người gọi là “văn minh lúa nước”.
        Người ta nói đến cây mạ, cây lúa một cách thân mật dịu dàng, trong đó có gửi gắm tình cảm và hi vọng:

Mạ non mà cấy đất biền
Mưa hòa, gió thuận , có tiền cưới em
.  .  .
Gió đông là chồng lúa chiêm
Gió bắc là duyên lúa mùa
.  .  .
Lúa chiêm nép ở đầu bờ
Hễ nghe sấm động phất cờ mà lên
.  .  .
Nữa mai lúa chín đầy đồng
Gặt về đập sảy bõ công cấy cày
.  .  .
Bao giờ cho đến tháng mười
Lúa thóc bời bời nhà đủ người no
.  .  .
Đôi ta như lúa phơi màu
Đẹp duyên thì lấy ham giàu làm chi

        Lúa với ngô là chị em. Ở Miền Nam quen gọi tắt là bắp ngô là “bắp”. Người ta nói đến cái ngon của trái bắp non, đồng thời nói đến cái khó trong cách nướng (bắp non mềm, đầy chất sữa, nếu vụng nướng sẽ cháy hết, không còn gì, bắp già nếu lỡ bị cháy, gạt bỏ chỗ than đen phần còn lại cũng kha khá), cũng như cái khó đến tán tỉnh cô lái đò trên sông Thủ Thiêm:

Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

(Ve: tán tỉnh. Ngày xưa nói “ve gái” cũng như bây giờ ta nói “tán gái”).

        Các loại tuy gọi là “hoa màu phụ” cũng không hề bị “phụ bạc”.

Được mùa chớ phụ ngô khoai
Những năm đói khó lấy ai bạn cùng.

        Mà còn được trẻ con mong đợi:

Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau tới tết dựng nêu ăn chè
Chè gì? Chè đỗ chè khoai
Bắt anh giã nếp canh hai chưa về…

        Tuy lúa bắp khoai đậu đều phải “trồng” cả, cũng nói trồng lúa, trồng bắp, trồng đậu, trồng khoai, nhưng khi đề cập đến khái niệm “cây trồng” người ta nghĩ ngay đến các loại cây ăn quả (quả tương đối lớn, động tác “trồng” cụ thể và thường do thế hệ ông cha ngày trước trồng để lại), nhắc nhở về bổn phận nhớ ơn:

Ăn quả nhớ kể trồng cây
Biết chữ phải nhớ ơn thầy bảo ban

        Trong các loại cây ăn trái quả ngắn ngày (một cây thì ngắn ngày, nhưng cả bụi do cây ấy nhảy con ra thì không phải là ngắn), nhà nào cũng có một vài cây chuối trồng ngay sau nhà, bên hàng rào, nên nó được nhắc đến nhiều nhất. Hình ảnh người mẹ già:

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật như đường mía lau
  .  .  .
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi

        Và nhiều hoàn cảnh khác nhau, dẫn tới những suy nghĩ khác nhau: thương cảm, trách móc, chê cười:

Anh về trồng chuối bực bầu
Trái ăn, lá rọc, bỏ tàu bơ vơ
.  .  .
Gió đưa tàu chuối qua mương
Bóng trăng em tưởng người thương em về
.  .  .
Ai đem con két vô vườn
Cho nên con kéc ăn buồng chuối tiêu
.  .  .
Gió đưa bụi chuối sau hè
Lăm le con chị, ai dè con em

        Hoặc:

Gió đưa bụi chuối sau hè
Lăm le con chị, dò dè con em

Vân vân…

       Cây cam, cây chanh, cây bưởi trồng trong vườn cũng chiếm nhiều cảm tình của con người trong nhiều mặt nhìn, nhiều cách ghi nhận:

Ăn cam ngồi gốc cây cam
Lấy anh về bắc về nam cũng về
.  .  .
Bóng cam bóng quít sau nhà
Bóng trăng dọi lại (anh) tưởng là bóng em
.  .  .
Anh về chẳng có chi đưa
Quả cam đang nhỏ, quả dừa đang non
.  .  .
Tai nghe quan huyện đòi hầu
Mua chanh mua khế gội đầu cho thơm
.  .  .
Ở chi hai dạ ba lòng
Dạ cam thì ngọt dạ bòng thì chua
.  .  .
Chợ chiều nhiều khế ế chanh
Nhiều con gái lứa nên anh chàng ràng

        Và còn nhiều nữa…

        Trên Cửu Đỉnh, cuốn sách “địa phương chí” với hoài bão tồn tại lâu dài, bên cạnh  những danh mộc các loại cây nhỏ bé như cây hành, cây hẹ, tía tô, cải bẹ… cũng được chạm khắc, thì trong ca dao các loại cây nhỏ bé, các loại thân dây cũng không thiếu vắng. Người ta mượn nó cho những câu chuyện của cuộc đời:

Thò tay mà ngắt ngọn ngò
Thương anh da diết giả đò làm ngơ
.  .  .
Chim chuyền bụi ớt líu lo
Lòng thương quân tử ốm o gầy mòn
.  .  .
Một mai cút lủi bụi cà
Cậu Ba đòi vợ sao bà không lo?    
.  .  .
Hai tay cầm bốn trái dưa
Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng
.  .  .
Chim quyên ăn trái khổ qua
 Nuốt vô sợ đắng, nhả ra bạn cười
.  .  .

Vân vân…

        Trong số đó có một câu có lẽ phổ biến rộng rãi hơn hết và thường được dùng cho những lời kêu gọi:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống ở chung một giàn.

        Mỗi vùng miền có một số sản vật, ở vùng đồng bằng, ven biển khác, ở vùng núi rừng, cao nguyên khác. Dân chúng đã đem trao đổi với nhau, như được ghi nhận trong câu dưới đây:

Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên

        Nậu là một nhóm người, những người… Thời chúa Nguyễn Hoàng mới vào kiêm trấn Quảng Nam, nậu là một đơn vị hành chánh cơ sở, ở vùng hẻo lánh xa xôi. Dưới cấp huyện có các tổng và thuộc, thuộc chia ra thôn, phường lớn hơn và nậu, man nhỏ hơn.
Sản vật vùng ven biển có cá chuồn. Sản vật trên nguồn có mít non (hoặc măng le, thơm chua – tùy nơi nên câu ca dao có 3 bản nói khác nhau). Mít non, hoặc măng le, thơm chua kho với cá chuồn thành một món ăn tổng hợp giữa nguồn và biển. Ở đây thấy được sự liên hệ thường xuyên và gắn bó giữa dân chúng hai vùng miền. Người ta coi nhau như anh em một nhà, nói “ai về” chứ không nói “ai lên” và chưa thấy nên phải “nhắn”, tức là vừa thông tin vừa nhắc. Từ “nhắn” biểu lộ sự thân tình. Nếu nói: “Ai lên bảo với nậu  nguồn. Mít non đưa xuống, cá chuồn đưa lên…” thì tình cảm sẽ khác hẳn, có phần khô cứng của việc buôn bán. Hơn nữa đây không phải là buôn bán “thẳng rẵng” như sau này, mà đổi chác hiện vật với nhau – một hình thức “buôn bán” từ trước khi có đồng tiền, giấy bạc làm vật trung gian. Và không hẳn phải gặp trực tiếp, một đàng “gởi xuống”, một đàng “gởi lên”. Cách đổi chác diễn ra thật thoải mái, có phần vô tư, không đặt vấn đề giá cả thấp cao, bao nhiêu mít (hay măng, thơm) với bao nhiêu cá, không sợ bị lừa đảo, bị mất của.

Cây công nghiệp

        Gọi “cây công nghiệp” là một cách gọi khiên cưỡng. Nhưng ở đời nhiều khi chuyện sai lặp đi lặp lại tới một lúc nào đó người ta coi là đúng. Cho nên, chúng tôi cũng tạm chấp nhận từ ấy để nói về những loại cây sau đây: Có loại cây chỉ khai thác để chế biến các loại dụng cụ. Có loại cây vừa làm thực phẩm vừa dùng trong công nghiệp. Có loại cây thân gỗ, trồng lâu năm mới đến kỳ sử dụng, có loại cây thân thảo, ngắn ngày, mỗi năm một hoặc hai vụ mùa.
        Trước hết phải nói đến tre là loại cây tối cần. Tre mọc hoang ngoài rừng thuộc loại tre gai, cây nhỏ, ruột đặc, cứng và chắc. Tre trồng ở ven xóm, quanh xóm, của chung cộng đồng gọi là tre làng, thuộc loại tre mỡ nhưng do thiếu chăm sóc nên không lớn cây bằng tre mỡ của tư nhân trồng trên đất riêng. Người thanh niên đang yêu bày tỏ nỗi lòng:

Trồng tre trước ngõ ngay hàng
Tre bao nhiêu lá thương nàng bấy nhiêu

        Người nuôi mối hận thù nhắm mục đích khác:

Thù này thù hãy còn lâu
Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què!

        Nghe xong ta thở phào! Trồng tre chỉ cần nên gậy thì không lâu lắm và gặp đâu đánh què cũng không đến nỗi nào. Không gây ra án mạng. Què chân chưa hẳn là thân tàn ma dại. Vậy có thể coi đây là một lời hù dọa, cảnh cáo, nên cẩn thận đề phòng đôi chân với cái chước cuối cùng “tẩu vi thượng sách”. Dùng chân để giữ chân là hữu hiệu.
        Chặt tre là một việc khó: Thứ nhất chặt tre, thứ nhì ve gái.
        Tre đã chặt còn lại phần gốc, mắt tre lõm vào, rễ tre cứng ngắc, thiên hạ đưa vào câu đố:

Ông già ổng chết đà lâu
Con mắt thom lỏm, chòm râu hãy còn

        Dừa trồng nhiều ở các làng ven biển, đi trên quốc lộ 1A có những đoạn trông thấy “dừa là dừa”. Người ta đi trong vườn dừa, trẻ con chơi đùa dưới gốc dừa, thỉnh thoảng có trái dừa khô rơi xuống nhưng không bao giờ trúng ai, do đó thiên hạ nói “dừa có mắt”. Ông Tây cai trị A. Laborde làm Công sứ mấy tỉnh Trung Kỳ khi viết địa chí tỉnh Phú Yên (năm 1929) có vẻ cũng tin như vậy. Ở nơi cao nguyên, miền núi mỗi xóm vẫn có vài ba cây dừa, đủ cung cấp trái và lá cho dân chúng khi cần. Cây dừa còn cho người bóng mát để ngồi bên nhau tâm sự:

Ăn dừa ngồi gốc cây dừa
Cho em ngồi với cho vừa một đôi

Vùng Tam Quan tỉnh Bình Định nổi tiếng là nhiều dừa:

Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan

        Nhiều dừa, thêm món bánh tráng dừa.
        Trẻ con đố nhau:

Ngoài da xanh, trong da đá, bá da trắng, bắn nước ra. Giải là trái dừa.

        Cây mía cũng rất gần gũi với mọi người. Mía trồng cả đám để làm đường, đến mùa đường khắp nơi trong làng xóm thơm ngát vị đường. Buổi chiều tan học về, năm ba đứa học trò nhỏ xin một vài bó mía ra bờ ruộng ngồi xiết. Mía còn được trồng vài bụi bên hè, trong sân, gần ang nước. Khi cần chặt vài cây tặng nhau đem về cho cháu nhỏ. Người con gái mượn hình ảnh cây mía khi nói lời từ chối:

Chuồn chuồn đậu ngọn mía mưng
Em đà có chốn anh đừng vãng lai

        Hoặc:

Nhà em có bụi mía mưng
Có con chó dữ anh đừng vãng lai

        Trong khi đứa em mong chờ:

Chừng nào cho mía trổ bông
Cho chị có chồng em gặm đuôi heo.

        Nhưng mía ngoài đám người ta không để cho nó trổ bông. Mía trổ bông bị “chạy chè”, chất đường bị giảm bớt, bởi phải đem lên nuôi bông, nên phải chặt sớm, chặt xong cũng không nên để lâu mà phải ép ngay..
        Cây thuốc lá được đặt tên theo từng loại đất. Thuốc trồng trên đất ba-dan màu nâu (đất trân) gọi là thuốc trân, khói thơm đậm đà. Thuốc cát trồng trên đất cát, lạt hơn. Thuốc trồng trên rẫy gọi là thuốc rẫy. Thuốc trồng trên chỗ trước đó là chuồng trâu bò, gọi là thuốc nền chuồng, ngon hơn hết. Có người tức cảnh:

Chim chìa vôi bay qua rẫy thuốc
Cá bã trầu lội dưới mương cau

        Cây bông vải và cây gai (lấy sợi) ít được nhắc đến trong ca dao, mặc dù công dụng của nó rất lớn. Có thể vì cái “lớn” đó nó thành xa cách. Người ta thường nói đến công việc tạo ra sản phẩm hơn, như chuyện bắn bông kéo vải, xe chỉ tiếp gai… Người con gái vùng nông nghiệp trách chàng trai bỏ làng quê theo về vùng biển giã:

Anh về làm rể dưới Đăng
Bỏ em kéo vải sáng trăng một mình!

        Tìm hiểu nguyên nhân mới vỡ lẽ:

Anh về làm rể dưới Đăng
Ăn cơm bát bịt tôm rằn kho tiêu.

        Làm khách đông sàng như vậy ai không thích?
        Cây đậu phụng cũng được đưa vào câu đố dân gian:

Trên dương trần có bông không trái
Dưới âm phủ có trái không bông

        Khi cả đám đậu phụng nở hoa, trông như một tấm thảm đẹp trải trên mặt đất. Lúc này lá đậu phụng còn xanh, những cụm hoa nổi lên, màu đỏ màu vàng tương phản. Đào và mót khoai đậu là công việc của những đôi vợ chồng nghèo khó phải đi xa làm ăn. Lúc đầu tuy khổ sở họ sống thật hạnh phúc:

Khoai lang Suối Mít
Đậu phụng Hòn Vung
Chàng đào thiếp mót đổ chung một gùi.

        Nhiều nơi có Suối Mít, Hòn Vung. Ông này bảo: Suối Mít Hòn Vung ở Bình Định, ông kia nói ở Phú Yên, có ông cho rằng ở Quảng Nam. Thôi thì thuộc tỉnh nào cũng được. Trên đất nước ta biết bao nhiêu địa danh trùng lặp. Suối có cây mít, trảng mít (mít rừng) là Suối Mít, núi giống như chiếc vung úp là Hòn Vung. Sự việc ở đây là sau một lúc đào đào mót mót có lẽ do nhọc nhằn quá mà kết quả không ra sao, đôi vợ chồng nọ trở thành quạu quọ cáu kỉnh với nhau:

Vì đâu duyên nợ sụt sùi
Chàng giận chàng đá cái gùi chàng đi
Chim kêu dưới suối Từ Bi
Nghĩa nhơn còn bỏ huống chi cái gùi!

        Đi tìm suối Từ Bi để xác định Suối Mít Hòn Vung thì cũng không ít nơi có suối Từ Bi. Từ bi là một loại cây thấp, người ta dùng trái có hương thơm phơi khô xay nhỏ làm bột nhang.

Trầu cau

       Cứ như cổ tích thì chuyện dùng trầu cau trong lễ tục bắt đầu từ thượng cổ thời đại, đời Hùng Vương. Các sách lịch sử viết về 3 tục xưa của dân ta là vẽ mình, nhuộm răng, ăn trầu. Tục vẽ mình bỏ từ đời vua Anh Tông nhà Trần. Chuyện nhuộm răng, ăn trầu gần đây vẫn còn, là chuyện thật, trong khi việc người chết hóa ra dây trầu, cây cau, đá vôi là chuyện ảo. Vậy nhìn theo con mắt khoa học chúng ta có quyền không tin cổ tích, chỉ xem cổ tích là sáng tác để giải thích tục lệ. Tục lệ phải có trước cổ tích.
        Miền Bắc nói “nhai trầu”, Miền Nam nói “ăn trầu”. Đúng ra là nhai, nhưng không phải nhai suông, có khi hữu ý, có khi vô tình người ta nuốt vào một tí nước trầu, và người ta nhai bằng thái độ vui vẻ sảng khoái, nên nói “ăn trầu” nghe tình cảm hơn.
        Miếng trầu dùng trong nghi lễ, trong giao tế, gặp nhau mời nhau. Một mình thì dùng giải cơn buồn ngủ, dùng lấp khoảng thời gian trống trải, các bà già thèm trầu ngồi ngáp lên ngáp xuống, ngáp dài, có miếng trầu là tươi tỉnh ngay.

        Thành phần trong một miếng trầu có: lá trầu, vôi, trái cau bửa ra, vỏ cây rễ phơi khô cắt đoạn ngắn và lá thuốc phơi khô xắt nhỏ dùng đánh răng. Cây cỏ chiếm phần quan trọng.
Cây rễ khai thác từ rừng thưa, nó mọc xen với những lùm bụi thấp nhỏ nơi giồng đồi tranh đế. Cây rễ còn một tên nữa là rễ hòn mang. Có hai loại, hòn mang cái lớn hơn, hòn mang thia nhỏ hơn. Chặt cây rễ xuống, thui qua lửa rồi lột vỏ, phơi khô. Lá rễ hòn mang cái hình ngũ giác, hớn hơn cái dĩa bàn, trẻ con chăn trâu chăn bò dùng nó đựng thức ăn cho bữa trưa nơi gò đồi (khoai lang, đậu phụng luộc, sắn hầm, sắn quết… đều từ cây cỏ).
 Dây trầu, cây cau, cây thuốc lá đều phải trồng. Có làng trồng cả vườn trầu vườn cau. Ở Nam Bộ có mười tám thôn vườn trầu (thập bát phù viên). Thông thường thì ở thôn quê mỗi xóm có ít nhất một nhà có bụi trầu (gọi là nọc trầu – vì dây trầu bò lên một cây nọc, thường dùng cây cốc, một loại cây khá cao, thân tròn và suông, hoặc cây vông), có vài ba cây cau đứng nơi sân trước hoặc bên ngoài hàng hiên. Trầu vườn thơm và giòn. Trầu nguồn từ vùng cao đưa về, lá nhọn, hơi dai, không thơm bằng. Trầu lẹt là trầu mọc hoang nơi ẩm ướt có con suối nhỏ, cực chẳng đã khi không có mới hái về tạm dùng.

Trồng cau ít chăm sóc, thỉnh thoảng lên “làm cỏ”, tức là dọn sạch những rác rến nơi ngọn cây, trồng trầu phải chăm sóc kỹ, luôn luôn tưới nước, hái trầu cũng cẩn thận, không để kẻ lạ tay mó vào. Cây cau cũng rất đắc dụng. Ngoài việc dùng ăn trầu các bộ phận khác đều không bỏ: xác cau, mo cau, tàu cau, thân cau. Hoa cau nở thơm ngát. Những đêm trăng sáng trải chiếu trong nong ngồi giữa sân, ngửi lấy mùi hương cau tỏa đầy trong gió, nhìn những tàu cau lắt lay, bóng cau đổ dài rồi thu dần ngắn lại. Nghe tiếng con chim kéo vải kêu khi gần khi xa. Bây giờ cái không khí “thái bình” ấy hiếm lắm.

Ca dao nói về trầu cau không ít.

Têm trầu mà giắt mái rui
Cúi đầu lạy mẹ làm sui chỗ gần
.   .   .
Anh Ba đi cưới chị Ba
Mâm trầu hũ rượu hết ba mươi đồng
.  .  .
Trồng trầu chớ lộn dây tiêu
Con đi đò dọc mẹ liều hư con
.  .  .
Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ phải thương cho đều
.  .

Trồng trầu tưới nước cho vông
Cảm thương cây chuối đứng không một mình
.  .  .
Trồng trầu tưới nước cho vông
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ
.  .  .
Bắc thang mang giỏ hái trầu
Hỏi thăm lê lựu mãng cầu chín chưa
.  .  .
Có trầu mà chẳng có cau
Làm sao cho đỏ miệng nhau thì làm
.  .  .
Một mình lo bảy lo ba
Lo cau trổ muộn lo già hết duyên
.  .  .
Thương nhau cau sáu bửa ba
Ghét nhau cau sáu bửa ra làm mười…

Vân vân…

4.- Con Người Đối Với Cây Cỏ

        Ai đã đặt tên cho từng loại cây? Cổ tích bảo rằng “trời đặt”. Có chia ra từng đợt hay không? Loại cây nào đặt trước, loại cây nào đặt sau, dựa theo tiêu chuẩn nào? Hoặc giả theo nhu cầu, theo sự thuận tiện cây này gọi bằng tên này, cây kia gọi bằng tên kia, dần dần thành sự đồng thuận rộng lớn và đầy đủ. Ham chơi như cây rau bé bỏng kia, trời chưa nghĩ ra đã vội mừng chạy biến để bằng lòng với tên “thì là…”. Số còn thiếu sót, nói như thi sĩ Tô Thùy Yên “hẩm hiu chưa được cuộc đời đặt tên” không bao nhiêu, không đáng kể. Công cuộc mở rộng lãnh thổ của tiền nhân đã tạo ra một số phương ngữ, cũng tạo ra một số tên cây cỏ khác nhau ở mỗi vùng miền, nhưng số lượng không quan trọng và tuy gọi cây cỏ ấy bằng tên riêng của vùng miền, người ta vẫn biết tên phổ thông của nó.
        Điều đáng kính phục đối với người bình dân lở thôn quê là họ biết thật nhiều tên cây rừng trong cơ man bát ngát chốn núi non, từ cây đa cổ thụ đến ngọn cỏ tai bèo tí xíu. Họ không hề được học trong một bài Sinh vật nào, không hề được tham khảo qua sách báo, một ngày một ít, từ lúc biết đi biết nói, đến khi già nua tuổi tác, họ quen thuộc với từng cây cỏ, hiểu biết về cây cỏ hoang dã không kém cây cỏ được trồng trọt chăm nom.

O,Bà Trần Huiền Ân

Truyền thuyết nói rằng vị hoàng đế danh y ngàn xưa là Thần Nông đã nếm không biết bao nhiêu loại cây cỏ để đúc kết nên kho tàng dược liệu giúp con người trị bệnh. Công nghiệp ấy lớn quá, thiết tưởng chưa có một người thứ hai thực hiện được nữa. Song thiết nghĩ, sau Thần Nông phải có người kế tục, bổ sung, và chắc chắn có những trường hợp do vô tình thành ra phát minh hữu ích.
Đọc lại những câu ca dao nói về cây cỏ thấy chúng đã được nhân cách hóa để con người kể về cây cỏ như kể về con người, hoặc đối đáp với cây cỏ như đối đáp với con người. Mận hỏi thăm đào, lê tâm sự với lựu. Có khi là trực diện, nói thẳng, có khi là ẩn dụ, con người đã coi cây cỏ gần như đồng loại.

Thử tưởng tượng, nếu không có cây cỏ, chỉ có các loài động vật sống trên địa cầu toàn đất đá vô tri, không có cây cỏ, không có màu xanh của lá già, màu lục của lá non, màu tím của lộc mới, không có màu hồng tươi tắn, màu đỏ rực rỡ, màu vàng trang trọng, màu tím đậm đà của trăm hoa…, bao nhiêu màu nữa không đủ tên người ta phải gọi theo vật chủ như màu tím hoa cà, màu vàng chanh, vàng đất, màu da cam, màu củ nâu vân vân… Nhìn lên trời khó nhận ra hướng gió vì không có vật gì lay động, ông Đinh Bộ Lĩnh đánh giặc đâu tìm được cái gì để làm cờ, ông Ngô Quyền, ông Trần Hưng Đạo không tìm được cái gì làm cọc nhử quân Tàu vào cho chiến thuyền bị lủng chìm, xác giặc đầy sông, ông Trần Thủ Độ hầu vua không cầm gậy, lấy cái gì bẻ đôi, quăng xuống để biểu lộ lòng trung thành. Không có cây cỏ, bầy chim di thê đến nơi đậu ở đâu? Lấy gì cho con chèo bẻo lắt lẻo trên cao coi đời nhỏ rứt, lấy gì cho con dồng dộc tước từng cộng nhỏ làm tổ toòng teng? Không có cây cỏ các loài động vật sống làm sao đây? Kể cả con người, trùi trũi tấm thân trên đất đá khô căn (hoặc ẩm ướt), chịu sao nổi!

Mà quên! Cây cỏ (hoa trái của nó) là thức ăn của các loài động vật. Không có cây cỏ lấy gì ăn để mà sống (chưa nói đến sống để mà ăn), có sống được đâu mà nói sống khó với sống dễ, chịu nổi với không nổi. Xem thế thì… cây cỏ (thực vật) vô cùng quan trọng. Không có động vật, chỉ có khoáng vật, thực vật vẫn sống được, nhưng không có thực vật, động vật đành chịu chết vậy. Trời đất! “Dĩ thực vi thiên”, có mỗi chuyện ăn là quan trọng nhất, để sống, mà bàn luận vớ vẩn lại bỏ qua là sao?
 
Trần Huiền Ân

(1)   Đào Duy Anh – Hán Việt từ điển – NXB Trường Thi 1957 – tr. 308, 461, 464.
(2)   Mai Khắc Ứng – Nguyễn thị Lệ Thủy – Cửu Đỉnh NXB Thuận Hóa 2000 - các trang 17 đến 24 và 33 đến 86 và Đại Nam thực lục chính biên tập V – Sđd.
(2) Những câu trong bài thơ Hái Rau của Tô Thùy Yên

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com