.
Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ là bản tính tự nhiên của con người. Ở những dân tộc còn sống trong tình trạng sơ khai, không bị ảnh hưởng của nhũng nền văn minh hiện nay thường thì con cái đối với cha mẹ lại hết lòng cung kính và phụng dưỡng hơn các dân tộc văn minh.
Riêng người Việt chúng ta cách nay mấy ngàn năm, vào thời Hùng Vương, công chúa Tiên Dung thà chịu chết chứ không dám chống lại cha khi vua Hùng sai quân đi bắt nàng và Chử đồng Tử bị nghi là tạo phản vì hai người tự ý xây lâu đài, thành quách ở đầm Dạ Trạch thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay...
Lòng hiếu kính cha mẹ từ thời xa xưa cùng với thời gian đã được diễn tả qua ca dao, một thể loại văn hóa bình dân do người dân nơi đồng nội sáng tác để ghi nhớ công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên:
Con người có cố, có ông,
Như cây có cội, như sông có nguồn
Cây có gốc mới nở cành, xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có cha, có mẹ rồi sau có mình.
Nhưng người trực tiếp sanh ra và nuôi nấng chúng ta nên người là cha mẹ nên ca dao nói rất nhiều về công ơn của cha mẹ:
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Ơn cha nặng lắm anh ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang
Bao giớ cá lý hóa long,
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Cho đến thời đại này, dù người đàn bà đã cùng người đàn ông có mặt trong tất cả mọi ngành nghề, nhưng người cha thông thường là người xốc vác chính ngoài xã hội để nuôi gia đình nên việc săn sóc con cái vẫn là người mẹ vì thiên tính của người mẹ là thương yêu, dịu dàng, êm ái và sẵn sàng hy sinh vô bờ bến cho con cái, không quản đến thân mình:
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chày thức đủ năm canh
Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn
Trong ca nhạc mới, nhạc sĩ Y Vân đã viết bài ca rất cảm động về Lòng Mẹ: ”Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào, Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào, Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào, Tiếng ru bên thềm trăng tà in bóng mẹ yêu....”
Lời ru của mẹ trên chiếc võng đu đưa êm ái như dòng mật ngọt thấm đậm vào tâm hồn nhỏ bé của chúng ta tình yêu thương cha mẹ, tình yêu thương giống nòi, bổn phận đối với quê hương đất nước – Đó là những bài học đầu đời cùng với dòng sữa mẹ nuôi dưỡng chúng ta thành người:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre vắt vẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi thì mặc khó đi,
Con đi trường học, mẹ đi trường đời
Má ơi đừng đánh con đau,
Để con hát bội làm đào má coi
Má ơi đừng đánh con hoài,
Để con câu cá nấu xoài má ăn. (Mẹ hát nựng con)
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Ru hơi, ru hỡi, ru hời,
Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta
Ghé vai gánh đỡ sơn hà,
Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu
Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan....
Chúng ta khi còn nhỏ thường quấn quít bên mẹ, và mẹ cũng chẳng bao giờ muốn xa chúng ta:
Ngầm ngập như mẹ gặp con,
Lon son như con gặp mẹ.
Nhờ tình cảm giữa mẹ và con do trời sinh mà chúng ta lớn lên trong tình yêu thương ấp ủ của mẹ. Khi chúng ta trưởng thành, nhìn lại thì cha mẹ trải qua bao năm tháng gian lao, vất vả đã già:
Non xanh bao tuổi đã già,
Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu
Và chúng ta nhận ra qui luật của tạo hóa:
Cây khô chưa dễ mọc chồi,
Mẹ già chưa dễ ở đời với ta
Nên phải lo trông nom, săn sóc, phụng dưỡng:
Mẹ già ở tấm lều tranh,
Sớm khuya thăm viếng mới đành dạ con
Đói lòng ăn đọt chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Những người khá giả hơn thì mua của ngon vật lạ:
Ba tiền một khứa cá buôi,
Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già
Tôm càng lột vỏ, bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già
Con cái Việt Nam dù đã có gia đình riêng vẫn luôn luôn muốn được sống gần mẹ vì:
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lau
Khi phải đi xa, chúng ta lúc nào cũng xót xa, lo lắng, thương nhớ:
Mẹ già ở chốn lều tranh,
Đói no chẳng biết, rách lành chẳng hay
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Gió đưa cây cửu lý hương,
Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn,
Sầu riêng cơm chẳng buồn ăn,
Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm
Và thật đáng thương cho những ai không còn mẹ, nhất là những người con nghèo khó cảm thấy chưa bao giờ có miếng ngon, miếng lạ đền đáp công ơn sinh thành thì mẹ đã mất:
Chiều chiều xách giỏ hái rau,
Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần
Bao nhiêu giọt nước mắt mới đủ san sẻ nỗi đau buồn của những người con có tấm lòng hiếu thảo này!
Phạm Hy Sơn