.
2. Những vẻ đẹp về tinh thần
a. Nết na
Ngoài vẻ đẹp vật chất, người thiếu nữ xưa còn đẹp trong ngôn ngữ, cử chỉ, nết ăn ở... Điểm này phần lớn nhờ sự giáo dục mà có. Với giọng nói thanh tao nhỏ nhẹ, nàng dễ gây cảm tình với người xung quanh:
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
Hơn nữa, lời nói mặn mà đôn hậu mới thực sự thấm sâu vào tình cảm của đối phương, khiến lời nói qua rồi mà âm hưởng vẫn còn dư vang mãi:
Điểu đậu vườn thi, thỏ lụy vườn trâm
Thương ai tiếng nói trăm năm vẫn còn.
Trong bài "Mười thương", nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ nhận thấy có hai lần nhắc đến giá trị lời ăn, cách nói của người đẹp:
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Và trong bất cứ trường hợp nào, người thiếu nữ cũng tỏ ra lễ độ ôn hòa, khiến dù bị từ chối, đối phương cũng khó lòng mà giận:
Thưa rằng bác mẹ tôi răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
b. Lòng hiếu hạnh đối với cha mẹ
Nàng không những là người thiếu nữ nết na thùy mị khi iếp xúc với mọi người xung quanh, mà nhất là đối với gia đình, nàng là người con rất mực hiếu thảo:
Mẹ cha trượng quá ngọc vàng
Đền bồi sao xiết muôn vàn công ơn.
Và
Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.
Cho nên lúc nào nàng cũng cố gắng giữ đạo làm con, luôn luôn kính yêu và vâng lời cha mẹ:
Mẹ cha là biển là trời
Nói sao hay vậy, đâu dám cãi lời mẹ cha.
Nàng liên tưởng đến một ngày mai phải từ giã cha mẹ đi lấy chồng, ở nhà biết ai sớm hôm đỡ đần hai thân:
Xiết bao bú mớm bù trì
Đến khi con lớn con đi lấy chồng
Có con đỡ gánh, đỡ gồng
Con đi lấy chồng vai gánh, tay mang.
Nói chi tới nông nỗi phải lấy chồng xa:
Mẹ mong gả thiếp về vườn
Thiếp lo một nỗi đường trường xa xôi.
Trong cảnh ấy, điều lo lắng nhất của nàng là khi cha mẹ già yếu bệnh hoạn, lấy ai thay nàng chăm lo, săn sóc:
Chim đa đa đậu nhánh đa đa
Chồng gần không lấy mà lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Bát cơm ai đỡ, chén trà ai dâng?
Thế nên bây giờ còn sống dưới gối cha mẹ, nàng hết lòng phụng dưỡng. Nàng lo lắng từng miếng ăn thức uống:
Ba tiền một khứa cá buôi
Cũng mua cho đặng mà nuôi mẹ già.
Cả những công việc nhỏ nhặt nàng cũng cố ý làm vui lòng hai thân:
Cau non khéo bổ cũng dầy
Trầu têm cánh phượng để thầy ăn đêm.
Đôi khi nhà quá nghèo, không đủ ăn, nàng thường nhường cơm cho mẹ:
Đói lòng ăn đọt chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
c. Tình cảm đối với đàn em
Đối với đàn em, nàng là một người chị hiền hòa, đầy lòng thương yêu đùm bọc. Nàng thay cha mẹ chăm sóc dạy dỗ các em:
Nàng ru em khi còn thơ dại:
Em tôi khát sữa bú tay
Ai cho bú thép ngày rày mang ơn.
Khi em đã đôi chút lớn khôn, đặc biệt là em trai, qua lời ru em hằng ngày, nàng đã biết sớm gieo rắc vào tâm hồn thơ ngây non nớt ấy lời giáo huấn đầu tiên về ý niệm "làm trai cho đáng nên trai":
Bồng bống bông
Lớn lên em phải ra công học hành
Sớm khuya cửa Khổng sân Trình
Dốc lòng nấu sử, sôi kinh cho rồi
Học là học đạo làm người
Làm người phải giữ lẽ trời dám sai
Chớ đừng nay lại ngày mai
Chớ đừng di dịch, chớ sai lòng vàng.
Và khi gặp cảnh gia đình côi cút, bần bách, nàng còn đảm đang gánh vác công việc nặng nhọc như nuôi tằm, trồng dâu hay đi chợ bán buôn để lấy tiền nuôi mẹ, nuôi em:
Chàng buông vạt áo em ra
Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa
Chợ trưa rau nó héo đi
Lấy chi nuôi mẹ, lấy gì nuôi em.
Đối với người Á Châu nói chung, người VN ta nói riêng, cô nào có đầy đủ cả công dung ngôn hạnh như thế thì ai ai cũng quí chuộng, yêu vì:
Thân em như tấm lụa điều
Đã đông nơi chuộng lại nhiều nơi thương.
Tuy nhiên, nếu phải đem so sánh giữa nhan sắc và đức hạnh, chúng ta nhận thấy ngay:
- Nhan sắc quả có sức hấp dẫn, dễ gây được ngay thiện cảm của tha nhân, nhất là tình yêu si mê của càc chàng trai mới lớn. Nhưng đức hạnh mới thực sự gìn giữ cho tình yêu ấy được bền vững, và mới bảo đảm được hạnh phúc gia đình trong mai hậu. Vì thế, các cụ ta vẫn thường dạy "cái nết đánh chết cái đẹp", và:
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người đẹp nết, còn hơn đẹp người
d. Tình yêu nam nữ
Ca dao chủ về tình cảm, mà trong đời sống tâm tình của con người thì còn gì đẹp và thơ mộng hơn tình yêu nam nữ? Vì thế những bài nói về tình yêu đã chiếm một số lượng rất lớn trong kho tàng ca dao rất phong phú của dân tộc ta. Có thể nói, tình yêu đã hiện hữu từ khi có sự hiện hữu của loài người trong trời đất bao la và miên trường này. Và ca dao đã phản ảnh tâm hồn lãng mạn và tình cảm yêu đương dào dạt, sâu đậm của những người tình đầu tiên, cũng là những người tình muôn thuở của dân tộc. Những câu ca dao ấy tưởng chừng mộc mạc đơn sơ, nhưng có biết đâu đã vô tình chứa đựng cả một triết lý về tình yêu bất tuyệt của loài người:
Đố ai biết lúa mấy cây
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng?
Đố ai quét sạch lá rừng
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây
Tình yêu dằng dặc như sông nước, cao rộng như mây trời, mênh mông như đồng lúa và hằng hà sa số như lá rừng rơi, thử hỏi giáo lý nào, quyền lực nào có thể hủy diệt được? Đó chính là lý do dù sống dưới chế độ phụ quyền phong kiến, chịu ảnh hưởng nền giáo dục khe khắt của Nho giáo, người tình nữ trong ca dao VN vẫn không thôi mơ mộng. Và tình yêu của các nàng tuy có e ấp nhưng vẫn không giấu được vẻ nồng nàn tha thiết. Quả thế, người phụ nữ VN với bản tính đa cảm và lãng mạn nên trong những ngày còn con gái thơ mộng đó, bảo sao nàng không hằng mơ ước tới cảnh sống nên thơ:
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ
Đôi khi chợt thức giấc giữa canh khuya, nàng thao thức nghĩ đến tương lai, làm thân con gái không tự quyết được cuộc đời của mình, mà "gái chính chuyên chỉ lấy một chồng", trong nhờ, đục chịu, bảo sao nàng không âu lo, thắc mắc:
Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước biết gửi mình về đâu
Hoặc:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Tuy vậy, tình cảm của nàng lúc này không sôi nổi bồng bột mà luôn luôn đắn đo cân nhắc. Nàng nhớ lời cha mẹ thường dặn dò về việc chọn bạn trăm năm:
Dặn con con có nghe cho
Chọn người quân tử, đói no cũng đành.
Nhưng người quân tử, mẫu người chồng lý tưởng của nàng như thế nào? Sống trong xã hội trọng văn học như xã hội ta, "người ấy" trước hết phải là văn nhân trí thức:
Ước gì cho Bắc hợp Đông
Cho chim loan phượng, ngô đồng sánh đôi
Ước gì cho quế sánh hồi
Ước gì ta sánh được người văn nhân.
Lấy được người chồng khôn ngoan học giỏi, tương lai nàng hẳn có phận nhờ:
Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng.
Nhưng sống ở đời vàng thau lẫn lộn, mà người lý tưởng lại quá hiếm hoi:
Một vũng nước trong dăm bảy giòng nước đục
Một trăm người tục không được một chục người thanh.
Một mình em đứng giữa mạn thuyền
Biết lấy ai mà trao duyên gởi phận cho đẹp lòng thế gian.
Và ngay chính nàng, ai biết được giá trị tài đức của nàng mà tìm đến, nên chi nàng chỉ còn biết mong mỏi chờ trông:
Còn đang chọn đá thử vàng
Ngọc lành ai quẩy ra đường bán rao
Quan quan hai chữ thư cưu
Mong người quân tử hảo cầu kết duyên.
Nếu không lấy được người văn nhân quân tử thì nàng cũng mong ước được kết nghĩa vợ chồng với đấng anh hùng trượng phu:
Lộc còn ẩn bóng cây tùng
Thuyền quyên đợi khách anh hùng sánh vai
Người khách anh hùng ấy hẳn phải tìm trong đám tướng sĩ:
Trai khôn kén vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.
Hiện giờ trong đám thanh niên trai trẻ, các bậc anh hùng quân tử chưa lộ được chân tướng, thôi thì tốt nhất hãy chọn những người con nhà dòng dõi danh giá hay cha mẹ là người hiền đức, vì:
Mạch trong nước chảy ra trong
Thế nào đi nữa con dòng cũng hơn.
Và
Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Dầu gì thì nàng cũng mong lấy được người xứng đôi vừa lứa với mình:
Đào tơ sen ngó xanh xanh
Ngọc lành phải giá, gái lành phải duyên.
Cho hay tiên lại gặp tiên
Phượng hoàng há dễ đứng bên đàn gà.
Có lấy được chồng xứng đáng mới bõ công trang điểm bấy lâu:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng răng đen.
Ngay cả những cô gái sống trong gia đình nghèo hèn, tầm thường cũng ước ao lấy được người chồng có dăm ba chữ trong bụng, hơn là người giầu có vô học:
Chẳng tham vựa lúa anh đầy
Tham dăm ba chữ cho tày thế gian.
Thế rồi một ngày kia, cơ duyên đưa đến, nàng đã gặp người trong mộng của mình:
- Có thể do cùng làm việc với nhau:
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề.
- Có thể do bạn bè giới thiệu:
Ấy ai dắt mối tơ mành
Cho thuyền quen bến, cho anh quen nàng.
- Có thể gặp nhau nơi hội hè đình đám:
Trèo lên quan dốc
Ngồi gốc cây đa
Ai xui cho đôi mình gặp
Xem hội cái đêm hôm rằm, rằm tháng giêng.
- Cũng có thể do sự tình cờ mà hội ngộ:
Mưa từ trong núi mưa ra
Mưa khắp thiên hạ mưa qua chùa Thầy
Đôi ta bắt gặp nhau đây
Như con bò gầy gặp bãi cỏ hoang.
Hai bên, chàng cũng như nàng đang thời mơ hoa, đang khao khát tìm kiếm người tình trong mộng, nay bắt gặp nhau "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", tiếng sét ái tình tự nhiên phải đến, làm sao tránh khỏi:
Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng
Khác nào như thể phượng hoàng gặp nhau.
Sau đó, người con trai đã kiếm cớ mời trầu để làm thân:
Gặp nhau ăn một miếng trầu
Gọi là chút nghĩa về sau mà chào.
Và rồi:
Vôi nồng trầu thắm ai ơi
Gá duyên chồng vợ ở đời trăm năm.
Nhưng sống trong xã hội theo nho giáo phong kiến xưa, sự tự do luyến ái, tự do hôn nhân không được chấp nhận, lại thêm bản tính của người con gái nhút nhát e thẹn nên dù trong lòng yêu ai:
Từ khi gặp mặt giữa đàng
Thiếp quyết yêu chàng, cha mẹ nào hay.
Nàng vẫn phải giữ mình trong lễ giáo, chờ đợi cha mẹ quyết định cuộc hôn phối của mình:
Phụ mẫu sở sanh
Để phụ mẫu định
Trong việc vợ chồng
Chờ lệnh mẹ cha
Thế nên, nàng chỉ biết chiều chiều trong những lúc thư nhàn, âm thầm nhớ ai, cùng ôn lại những kỷ niệm trong ngày tao ngộ:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai.
Trong khi làm việc, chợt nhớ đến chàng thì nàng không khỏi ngừng thoi mơ mộng:
Đêm khuya dệt cửi tơ vàng
Chợt nhớ đến chàng, cửi lại dừng thoi.
Và không thể không thầm ước mơ:
Anh còn son, em cũng còn son
Ước gì ta được làm con một nhà.
Rồi một ngày đẹp trời nào đó, chàng đã tìm đến làm quen với gia đình. Ôi làm sao nói xiết được nỗi vui mừng của nàng lúc ấy. Nhưng trước mặt người thân nàng không dám lên tiếng mà chỉ dám ngó sơ một chút mà thôi:
Ngó anh không dám ngó lâu
Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.
Và cũng vì sợ cha mẹ đoán biết tinh ý đôi bên nên chàng và nàng thỉnh thoảng mới dám liếc nhau:
Yêu nhau con mắt liếc qua
Sợ chúng bạn biết, sợ cha mẹ ngờ.
Nhưng trong thoáng giây phút mà bốn con mắt gặp gỡ nhau đó, họ đủ gửi cho nhau bao nhiêu tình ý. Và đứng trước mặt ai kia, nàng không khỏi lúng túng, giơ tay làm một cử chỉ bâng quơ:
Đưa tay mà ngắt cọng ngò
Thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ.
Chính cử chỉ vô tình ấy lại cực tả được cái hữu tình trong lòng nàng. Vâng, nó đã biểu lộ sự xúc động, sự xốn xang đang tràn dâng trong lòng nàng lúc đó. Từ đấy chàng chăm chỉ qua lại thăm viếng gia đình nàng, và dần dần chiếm được cảm tình của cha mẹ nàng:
Năng mưa thì giếng năng đầy
Anh năng đi lại mẹ thầy năng thương.
Nàng nhận thấy, cha mẹ nàng không những có cảm tình với chàng, mà còn lộ ý sẽ tán thành cuộc nhân duyên của đôi bên; từ đó nàng mới dám mạnh bạo tiến xa hơn trong cuộc tình. Lúc chưa chọn được người yêu thì nàng băn khoăn, lo lắng; khi chọn được rồi thì tình yêu của nàng rất mực lãng mạn, tha thiết. Nàng những ước mong được gặp ai luôn:
Ước gì sông hẹp một gang
Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi.
Hình ảnh của người yêu đã chi phối tất cả tâm hồn nàng. Quả tình yêu như có phép mầu làm thăng hoa cuộc sống, nhan sắc của nàng bỗng đẹp rộ lên, đôi mắt thêm long lanh, nét mặt thêm rạng rỡ, má thêm đỏ, tóc thêm mướt:
Vì chưng ăn miếng trầu anh,
Cho nên má đỏ, tóc xanh đến giờ...
Từ khi có tình yêu, cuộc sống của nàng trở nên rộn rã khác thường. Không gian cũng tràn ngập yêu thương, mọi vật vô tri hiện diện chung quanh nàng đều trở thành có ý nghĩa; chúng như có linh hồn, chia sẻ với nàng từng phút giây hạnh phúc.
Chén tình là chén say sưa
Nón tình em đội nắng mưa trên đầu
Lược tình em chải trên đầu
Gương tình soi mặt lầu lầu sáng trong.
Nàng mong sớm có ngày chàng và nàng sẽ cùng nhau trong cuộc sống thân cận lứa đôi:
Ước sao ăn ở một nhà
Ra vào đụng chạm kẻo mà nhớ thương.
Trí tưởng tượng của nàng còn vẽ phóng ra một cuộc sống vợ chồng tràn ngập hạnh phúc. Trong đó, cuộc sống của nàng gắn bó thiết tha với cuộc sống của chàng:
Cái quạt mười tám cái nan
Ở giữa phết giấy hai nan hai đầu
Quạt này anh để che đầu
Đêm đêm đi ngủ chung nhau quạt này
Ước gì chung mẹ chung thầy
Để em giữ cái quạt này làm thân
Rồi ra chung gối chung chăn
Chung quần chung áo chung khăn đội đầu
Nằm thì chung cái giường tàu
Dậy thì chung cả hộp trầu ống vôi
Ăn cơm chung cả một nồi
Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa
Chải đầu chung cái lược ngà
Soi gương chung cả cành hoa giắt đầu.
Trong những ngày tháng yêu đương thơ mộng đó, khi được dịp gần gũi bên người tình, nàng săn sóc chàng một cách rất tình tứ:
Thương anh tha thiết, thiết tha
Áo em hai vạt trải ra anh ngồi.
Và nàng đã âu yếm mời chàng những miếng trầu tình nghĩa. Nàng đã giải thích cho người bạn tình hay, nàng đã têm những miếng trầu đó thật đặc biệt, dành riêng cho chàng, trong đó gói ghém biết bao nhiêu tình ý mặn nồng. Đối với nàng, miếng trầu lúc này không chỉ là một vật chất đơn thuần mà là một biểu hiện của tình yêu. Nói khác đi, nó chính là tình yêu của nàng đã hóa thân:
Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu nhân trầu nghĩa trầu mình, trầu ta
Trầu này têm tối hôm qua
Giấu cha, giấu mẹ đem ra cho chàng.
Suốt thời gian này, nàng và người yêu đã có với nhau khá nhiều kỷ niệm nên thơ. Trong đó, mỗi cảnh sắc thiên nhiên họ đã cùng nhìn ngắm; mọi nơi chốn họ đã cùng đi qua... không những là chứng nhân cho cuộc tình này, mà còn là đơn vị để so sánh thực tại tình yêu của họ:
Nước sông Tô vừa trong, vừa mát
Em ghé thuyền vào đỗ sát thuyền anh.
Dừng chèo muốn ngỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu.
Tình yêu của nàng và chàng đã chan hòa trong không gian, đã tràn ngập trên cây cỏ... Dưới con mắt yêu đương của nàng, giữa không gian và tình người không còn biên giới nữa; nàng không còn nhận biết, tình yêu của nàng bát ngát mênh mông như đồng lúa, hay đồng lúa mênh mông bát ngát như tình yêu của nàng:
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng
thấy mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng
thấy bát ngát mênh mông.
Rồi tới một ngày nào đó chàng phải rời xa, phải trở về cố hương. Vì quá quyến luyến ai, nàng thường viện cớ này cớ nọ, năn nỉ chàng nán lại:
Gió vàng hiu hắt đêm thanh
Đường xa, dặm vắng xin anh đừng về.
Nếu không thể đặng đừng, nàng tha thiết xin chàng:
Chàng về để áo lại đây
Phòng khi em nhớ cầm tay đỡ buồn.
Nàng quá bịn rịn nên khi đã ba phen lên ngựa, chàng vẫn chưa thể dứt áo mà đi:
Ba phen lên ngựa ra về
Cầm cương níu lại xin đề câu thơ
Câu thơ ba bốn câu thơ
Câu đợi, câu chờ, câu nhớ, câu mong.
Trong giây phút từ ly ấy, nàng không quên dặn dò khích lệ chàng, hãy vững lòng tin ở tương lai tốt đẹp mà cố gắng thuyết phục cha mẹ chấp nhận cuộc hôn nhân này:
Anh về em nắm cổ tay
Em dặn câu này anh chớ có quên
Non sông đã nặng lời nguyền
Đừng non tay lái cho thuyền lật ngang
Muốn sang, khảm cố mà sang.
Riêng nàng xin hứa, sẽ một lòng gìn vàng, giữ ngọc đợi người:
Duyên đôi ta thề nguyền từ trước
Biết bao giờ ta được cùng nhau
Tương tư mắc phải mối sầu
Em đây vẫn giữ lấy mầu đợi anh.
Không chỉ riêng nàng, cả chàng cũng nguyện giữ mình trong sạch, chờ ngày thành hôn:
Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.
Lời cuối cho chàng là nỗi băn khoăn không biết bao giờ chàng trở lại:
Nhạn về bể bắc nhạn ơi
Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông?
Và giờ đây chàng đã thực sự lên đường. Nàng đã tiễn đưa ai bằng hai hàng nước mắt:
Đưa nhau một bước lên đường
Cỏ xanh hai dãy mấy hàng châu sa.
Và nàng còn đứng nhìn với theo mãi cho tới khi bóng chàng khuất hẳn, chỉ còn đây một mình nàng nhỏ bẻ, cô đơn trước không gian bao la, sông nước mênh mông, rừng cây thăm thẳm:
Anh đi em một ngó chừng
Ngó sông sông rộng, ngó rừng rừng sâu.
Và từ đó, nỗi nhớ, niềm thương không lúc nào nguôi ngoai:
Một thương, hai nhớ, ba sầu
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi
Thương chàng lắm lắm chàng ơi
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than.
Tâm sự riêng của nàng không thể bày tỏ cùng ai, có chăng là ngọn đèn dầu trong đêm khuya khoắt. Thương thay! ngọn đèn cũng đã tắt lụi để mình nàng cô đơn, vò võ, gặm nhấm mối sầu xa cách:
Đêm khuya thắp chút dầu dư
Tim lan cháy lụn, sầu tư một mình.
Tin tức của ai một ngày một vắng, nhưng nàng đã quyết tâm đợi chờ:
Sông sâu cá lội mất tăm
Chín tháng cũng đợi một năm cũng chờ.
Và rồi:
Dầu xa, dầu cách mấy năm
Nhưng em cũng phải chí tâm đợi chàng.
Và:
Một chờ, hai đợi, ba trông
Bốn thương, năm nhớ, bảy tám chín mong, mười tìm.
Vâng, đúng thế:
Thương nhau nên phải đi tìm
Nhớ nhau một lúc như chim lạc đàn.
Nàng là phận gái, đâu dám phiêu lưu, nên những ao ước:
Ước gì có cánh như chim
Bay cao, liệng thấp đi tìm người thương.
Và ngày ngày chỉ biết nhìn về hướng chàng đi để mong thấy bóng ai về. Nhưng than ôi:
Núi cao chi lắm núi ơi
Núi che mặt trời, chẳng thấy người thương.
Nhiều lúc quá tủi thân, nàng tìm một xó vắng ngồi khóc, để mặc cho hai giòng nước mắt dầm dề tuôn rơi:
Nhớ ai em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.
Trong đám chị em bạn bè, có người biết được tình cảnh thương nhớ, đợi chờ của nàng, đã lên tiếng khuyên nhủ:
Duyên kia ai đợi mà chờ
Tình kia ai tưởng mà tơ tưởng tình?
Nhưng nàng không muốn nghe, một mực khẳng định:
Tôi thương người ấy nhiều nhiều
Người ấy thương lại bao nhiêu mặc lòng.
Và nàng vẫn thầm hỏi ai kia còn nhớ đến nàng chăng? Riêng nàng, nguyện một dạ thủy chung đợi chờ:
Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
B. Khi đã lập gia đình
Thời gian lặng lẽ trôi qua, rồi một ngày kia:
Nhờ ơn cô bác giúp lời
Chị em giúp của, ông trời định đôi.
Chàng trai đã được cha mẹ chấp thuận trở lại chốn cũ, cưới người tình xưa. Sau khi đã đủ lễ bộ "tiền cưới trao tay", "tiền cheo rấp nước", chàng đã được phép đón dâu đi. Khao khát là thế, chờ đợi là thế mà khi xuất giá vu qui, người thiếu nữ phải rời xa cha mẹ, rời xa mái nhà thân yêu, đã không khỏi ngậm ngùi lưu luyến:
Ra đi ngó trước ngó sau
Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng.
Nhưng:
Thuyền phải theo lái, gái phải theo chồng
Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.
Nay lấy được người chồng yêu thương, xứng ý vừa đôi là nàng đã được an ủi rất nhiều. Về đến nhà chồng, khi tiệc tùng đã xong, bà con đã ra về, trong phòng riêng chỉ còn nàng đối diện với người thương, nói làm sao xiết cái hạnh phúc của vợ chồng nàng trong đêm tân hôn ấy. Chúng ta thử tưởng tượng một mẫu đối thoại dí dỏm của cô dâu chú rể trong đêm động phòng hoa chúc. Cô dâu e lệ hỏi chú rể:
Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng
Cau xanh ăn với trầu vàng xứng chăng?
Chú rể sung sướng hiêu hiêu đắc chí trả lời:
Trầu vàng nhá với cau xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời!
Sau đó, chàng bắt đầu nịnh vợ nhưng rồi lại hơi tỏ ý ghen bóng ghen gió. Thật ra, đây chỉ là một cách nói làm duyên với cô vợ mới cưới mà thôi:
Cổ tay em trắng lại tròn...
Để cho ai gối đã mòn một bên?
Cô dâu hẳn sẽ trả lời, đại khái là:
Thân em như tấm lụa đào
Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai.
Dù đã biết chắc tình yêu tuyệt đối thủy chung của vợ, chàng vẫn muốn được nàng xác định một lần. Sau khi đã thỏa lòng mong đợi, chàng sung sướng tận hưởng cái hạnh phúc đầu gối tay ấp của mình:
Gối chăn gối chiếu không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em!
Và hai vợ chồng đã mãn nguyện cho cuộc hôn phối tốt đẹp này:
Anh lấy được em, bõ công ao ước
Em lấy được anh, thỏa dạ ước ao!
1. Bổn phận đối với gia đình nhà chồng.
Sau cái đêm tân hôn ân ái mặn nồng đó, chàng trai biết mình phải làm gì:
Dạy con từ thuở còn thơ
Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.
Chàng rất mực khôn khéo, chàng hiểu rõ tâm lý đàn bà:
Chim khôn chết mệt vì mồi
Người khôn chết mệt vì lời nhỏ to.
Chàng đã nhỏ to với cô vợ mới cưới những gì?
Mẹ già khó lắm em ơi
Nhịn ăn nhịn mặc nhịn lời mẹ cha
Nhịn cho nên cửa, nên nhà
Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vông.
Nhịn cho nên vợ nên chồng
Thì em coi sóc lấy trong cửa nhà.
Và:
Liệu mà thờ kính mẹ cha
Đừng tiếng nặng nhẹ người ta chê cười.
Được vuốt ve tự ái, được khích lệ bởi tình yêu thương, người thiếu phụ nhất định sẽ đủ sức chịu đựng mà vượt qua mọi khó khăn trong cảnh làm dâu, thực hiện được trọn vẹn bổn phận của người đàn bà, "Có chồng phải gánh giang san nhà chồng".
Ngoài bổn phận thay chồng phụng dưỡng cha mẹ chồng:
Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.
Mẹ già là mẹ già anh
Em vô bảo dưỡng cá canh cho thường.
Nàng còn phải có ý tứ, giữ gìn từng lời ăn tiếng nói với mọi người xung quanh:
Làm dâu khổ lắm ai ơi
Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than.
Phải thức khuya dậy sớm coi sóc việc nhà:
Năm canh thì ngủ lấy ba
Hai canh coi sóc cửa nhà làm ăn.
Nếu may mắn được cha mẹ chồng là người hiền đức, biết điều, thấy nàng dâu đảm đang, nết na thì cũng nể vì:
Hoa thơm ai chẳng muốn đeo
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.
Hoặc:
Hoa thơm ai chẳng nâng niu
Người khôn ai chẳng mến yêu mọi bề.
Nàng còn được cả họ hàng nhà chồng quý mến:
Hạt lúa vàng, hạt thóc cũng vàng
Anh yêu em, bác mẹ họ hàng cũng yêu.
Thì nàng sẽ được sống những ngày êm đềm, hạnh phúc trong gia đình nhà chồng. Trong trường hợp này, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy nàng dâu đã tìm thấy ở người mẹ chồng hiền đức bao dung đó, một hương vị ngọt ngào đậm đà của tình mẫu tử:
Mẹ già như chuối ba hương
Như cơm nếp một như đường mía lau.
Chăm sóc hầu hạ cha mẹ chồng, nàng lại chạnh nghĩ đến cha mẹ mình:
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Nhiều khi nhớ quá, nàng chẳng thiết ăn uống:
Gió đưa cây cửu lý hương
Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn.
Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn
Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm.
Từ ngày lấy chồng xa xứ, có muốn thăm hỏi cha mẹ cũng rất khó khăn. Nàng thương cha mẹ nàng đã không được hưởng cái hạnh phúc có con gái lấy chồng gần:
Có con mà gả chồng gần
Có bát canh cần nó cũng đem cho.
Hoặc:
Có con mà gả chồng gần
Nửa đêm đốt đuốc đem phần cho cha.
Để tỏ lòng báo đáp trong muôn một, mỗi khi nghe tin ai sắp về quê mẹ , nàng vội vàng gửi gấm chút quà với tất cả tấm lòng hiếu kính, xót xa:
Ai về tôi gửi buồng cau
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy
Ai về tôi gửi đôi giầy
Phòng khi mưa nắng để thầy mẹ đi
2. Bổn phận đối với con, thiên chức làm mẹ.
Ngoài bổn phận đối với gia đình nhà chồng, người phụ nữ còn có bổn phận đối với con, nói khác đi, là bổn phận làm mẹ, một thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Từ khi con mới là thai nhi trong bụng, cho đến lúc sinh ra đời, nàng đã chịu bao nỗi vất vả:
Con mẹ có thương mẹ thay
Chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau
Thuở con còn tấm bé, nàng phải thức khuya dậy sớm, chăm sóc cho con từng miếng ăn, giấc ngủ:
Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh.
Nàng sung sướng theo dõi từng phát triển lớn khôn của con thơ:
Con ăn, con bú, con nô
Con lẫy, con bò, con chững, con đi
Biết bao bú mớm bù trì.
Gặp cảnh nhà nghèo, mưa dột, nàng vội nhường chỗ khô ráo cho con:
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.
Nếu bị chồng phụ bạc, bỏ bê gia đình, nàng một mình vất vả nuôi con. Thân nàng chẳng quản, chỉ thương cho con phải chịu thiếu thốn:
Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn cho gầy cò con.
Trong trường hợp người chồng chẳng may mất sớm, nàng phải làm ăn cơ cực, không chỉ ban ngày, mà đôi khi lặn lội cả đêm khuya mới mong kiếm đủ tiền nuôi bầy con dại. Lại khi xảy cảnh hiểm nguy, nàng sẵn sàng chịu trận, miễn sao vẫn giữ được tiết sạch giá trong để bảo vệ đời sống tinh thần cho các con:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Người mẹ thương con đến thế, làm sao có thể bỏ con một mình mà bước đi bước nữa:
Trời mưa bong bóng bập bồng
Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai?
Điều đó cho thấy, nàng không bước đi bước nữa, không phải vì cái danh hão "tiết hạnh khả phong" mà chính vì lòng thương con vô bờ, vô bến của người mẹ. Lại những khi con đau ốm hay gặp hoạn nạn thì lòng mẹ như nát, như tan:
Con chim trên rừng kêu thánh tha thánh thót
Mẹ thương con cắt ruột xẻ hai
Rồi với thời gian, con càng khôn lớn, bổn phận của mẹ càng khó khăn:
Miệng ru mắt nhỏ hai hàng
Nuôi con càng lớn mẹ càng thêm lo
Vì sao? Vì nàng biết, ngoài sự chăm sóc thương yêu, bây giờ nàng còn có trách nhiệm giáo dục trẻ thơ cho nên người hữu dụng. Nàng muốn các con nghe nàng, không chỉ bằng trái tim thương yêu mà bằng cả lý trí xét đoán phải trái nữa:
Con ơi muốn nên thân người
"Lắng tai" nghe lấy những lời mẹ cha
Đối với con gái, nàng dạy dỗ rất kỹ về nữ công nữ hạnh, sửa soạn cho con trở thành người phụ nữ hoàn toàn sau này:
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa
Ngoài ra, con gái cũng cần phải biết:
Học buôn học bán cho tày người ta
Con đừng học thói chua ngoa
Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười
Dù no, dù đói cho tươi
Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan.
Đối với con trai, nàng khuyến khích con chăm chỉ học hành, mong có ngày tạo nên sự nghiệp:
Con ơi con học cho cần
Bút nghiên cha sắm, áo quần mẹ may
Con ơi con học cho hay
Có công mài sắt có ngày nên kim.
Và không quên nhắc nhở con, ăn ở sao cho ra người đạo nghĩa:
Nuôi con cho được vuông tròn
Mẹ thầy dầu dãi xương mòn gối long.
Con ơi cho trọn hiếu trung
Thảo ngay một dạ kẻo luống công mẹ thầy
Tóm lại, trong bổn phận làm mẹ, vì quá thương con nàng đã gánh chịu bao nỗi khổ cực, với niềm mong ước duy nhất: con sẽ nên người!
Mẹ nuôi con bấy lâu rồi
Nuôi con cho đến ngày thành người mới nghe
Công trình nuôi con của các bậc làm cha làm mẹ to tát là thế. Song bởi lòng thương yêu con mà tự nguyên hy sinh nên các người chẳng bao giờ kể lể công ơn:
Chim trời ai dễ đếm lông
Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày
Ngay cả khi con đã khôn lớn ra đời, mẹ vẫn dõi theo từng bước con đi. Phải thời chinh chiến, mẹ già lại gánh gạo tiễn con lên đường:
Chém cha cái giặc chết hoang
Làm cho thiếp phải gánh lương theo chồng.
Gánh từ xứ bắc xứ đông
Đã gánh theo chồng lại gánh theo con.
Từ đó, mẹ già lại ngày ngày khắc khoải chờ trông:
Mẹ trông con ngồi cầu Ái Tử
Vợ trông chồng ra đứng núi Vọng Phụ
Mỏi mòn bóng xế trăng lu
Khác chi con ve kêu mùa hạ
Biết mấy thu cho nguôi lòng.
Ôi công cha, nghĩa mẹ nói làm sao xiết!
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
3- Bổn phận đối với chồng, thiên chức làm vợ.
Ngay khi vừa bước chân về nhà chồng, cô dâu mới đã tự nguyện đem tất cả thiện chí, tài đức của mình để xây dựng hạnh phúc gia đình:
Nguyện với trăng già
Tơ hồng kết lại một nhà đầm ấm yên vui
Việc đầu tiên, nàng bỏ bớt điểm trang, tỏ ra ta đây là gái đã có chồng:
Có chồng bớt áo thay vai
Bớt màu trang điểm kẻo trai nó lầm.
Rồi sẵn sàng cùng chồng chia ngọt sẻ bùi, đồng lao cộng khổ:
a. Nếu chồng nàng là con nhà nông, nàng vui vẻ cùng chàng chia phần công tác. Từ việc đồng áng:
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa
Đến chuyện bếp nước, quẩy cơm:
Trăng chưa cho lúa chín vàng
Cho anh đi gặt, cho nàng quẩy cơm.
Vào những tháng rảnh rỗi, nàng lại cùng chồng sửa sang mái ấm gia đình:
Em về cắt rạ, đánh gianh
Chặt tre, chẻ lạt cho anh lợp nhà.
Sớm khuya hòa thuận đôi ta
Hơn ai gác tía, lầu hoa một mình.
Còn những ngày được mùa, tuy phải làm việc cực nhọc, đầu tắt mặt tối, nhưng nàng rất phấn khởi vì biết rằng sẽ có đủ tiền đóng thuế, đóng sưu (tức chuộc sưu dịch) cho chồng. Chàng hẳn yên lòng khi đã làm tròn bổn phận công dân, lại được miễn hết các việc tạp dịch vất vả:
Tháng năm gặt hái đã xong
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy
Nong thóc đầy em say, em giã
Trấu ủ phân, cám bã nuôi heo
Sang năm lúa tốt, tiền nhiều
Em đem đóng thuế, đóng sưu cho chồng.
Hơn nữa, nàng còn tính đến chuyện mua nhiêu, mua xã cho chồng để chàng có được chút danh phận với đời. Muốn thế, nàng tự nhủ, phải làm việc hơn nữa. Nghĩa là ngoài công việc đồng áng, nàng còn phải lo cửi canh để làm tăng gia ngân quỹ gia đình:
Con rô nó rạch lên phên
Uốn tay cho mềm, dệt cửi cho ngoan.
Có tiền ta đóng việc quan cho chồng.
Một khi chồng nàng được dự vào hàng quan viên trong làng, chàng chẳng những không phải lo chuyện bị gọi đi phu phen tạp dịch cực khổ nữa, mà vào những ngày hội hè đình đám, chàng còn được khăn đống áo dài, ăn trên ngồi trước, vẻ vang như ai (ý chỉ hàng chức sắc, là những người có khoa bảng, chức tước hoặc được phẩm hàm vua ban, hay những vị chức dịch trong làng).
b. Nếu chồng nàng là học trò.
Sống trong một xã hội trọng văn học cử nghiệp như xã hội VN ta, nếu nàng lấy được người chồng là học trò, đang theo đòi việc nghiên bút thì nàng vô cùng hể hả; nàng quyết lòng nuôi chàng ăn học cho đến thành tài:
Em thời canh cửi trong nhà
Nuôi anh ăn học đăng khoa bảng vàng.
Hiện tại, nàng đang được sống trong cảnh êm đềm, thơ mộng. Khi thì vợ chồng làm việc chung bóng dưới đèn:
Em ngồi canh cửi trong khung
Anh đến ngồi học cùng chung một đèn.
Khi thì bên nhau dưới ánh trăng thanh:
Sáng trăng giải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ
Nàng không quản ngại thức khuya dậy sớm chăm sóc, nhắc nhở chồng trau luyện thi phú, dùi mài kinh sử:
Khuyên anh đọc sách, ngâm thơ
Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu
Và:
Canh một dọn cửa, dọn nhà
Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm.
Canh tư bước sang canh năm
Trình anh dậy học chớ nằm làm chi
Để khích lệ chồng cũng như mình vượt thắng những giây phút nhọc nhằn, lười biếng, chán nản... nàng vẽ ra một tương lai xán lạn khi chàng được đăng khoa bảng vàng:
Nữa mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi kia để tên anh.
Và nhất là cảnh tượng huy hoàng, náo nhiệt trong ngày chàng tân khoa tiến sĩ vinh qui bái tổ:
Võng anh đi trước, em thì võng sau
Tàn, quạt, hương án theo hầu
Rước vinh qui về nhà bái tổ
Ngả trâu bò làm lễ tế vua
Họ hàng ăn uống say sưa
Hàng tổng, hàng xã mừng cho ông nghè. Ngoài ra, chàng còn làm vẻ vang tổ tông và bảo đảm cho gia đình một đời sống sung túc, danh giá:
Trước là vinh hiển tổ tông
Sau là xiêm áo thảnh thơi
Ơn trời, lộc nước đời đời hiển vinh.
Dám hỏi trong xã hội ta xưa kia, có bao nhiêu chàng trai khoa danh hiểu đạt mà không nhờ vào sự khích lệ và tận tình giúp đỡ của các bậc hiền phụ
c. Nếu chồng nàng là lính.
Một khi có lệnh vua chúa ban ra, cắt cử mỗi làng phải đóng góp bao nhiêu binh lính, thì làng cứ tính theo tỷ số dân đinh của mình mà lo liệu cho đủ. Trường hợp chồng nàng bị đăng lính. Nàng thiết nghĩ, âu đó cũng là nghĩa vụ của chàng đối với vua với nước nên không dám cản ngăn. Nàng chỉ xin hứa một điều, ở nhà, sẽ chăm lo gánh vác việc gia đình cho chàng được an lòng ra đi:
Khuyên anh đi lính cho ngoan
Cho dân được cậy, cho quan được nhờ.
Và:
Anh ơi phải lính thì đi
Việc nhà đơn chiếc đã thì có tôi
Nhưng nghĩ đến nông nỗi vất vả của chồng trong suốt thời hạn đi lính, kéo dài có tới sáu năm, khi đến mười năm thì lòng nàng rất đỗi xót xa. Thế nên, mỗi bước chân tiễn đưa là mỗi tiếng than khóc tỉ tê:
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Từ ngày chồng nàng đi lính xa nhà đến giờ, nàng xiết bao cô đơn, sầu khổ:
Anh đi lưu thú Bắc thành
Để em khô héo như cành mai khô
Phượng hoàng lẻ bạn sầu tư
Em đây lẻ bạn cũng như phượng hoàng.
Trường hợp chồng nàng là trai thời loạn. Đọc kinh sử nước nhà chúng ta đã rõ, từ thời lập quốc đến nay, chinh chiến xẩy ra triền miên; hết ngoại xâm (Trung Hoa một ngàn năm, Pháp một trăm năm) lại đến nội chiến, huynh đệ tương tàn (Lê-Mạc, Trịnh-Mạc, Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn--Nguyễn), chưa kể đến những cuộc vua quan đem quân đi chinh phạt Chân Lạp, Thủy Chân Lạp với những cuộc nổi dậy của nông dân chống lại triều đình Huế. Đến đời chúng ta, sau năm 1954, Nam Bắc lại phân tranh vì ý thức hệ Quốc - Cộng... đã khiến biết bao gia đình phải ly tán, vợ chồng cách xa. Làm trai thời loạn, nếu chồng nàng không bị động viên thì cũng vì lòng ái quốc mà tự nguyện nhập ngũ, tòng chinh.
Do ý thức được nghĩa vụ thiêng liêng của chồng trong cơn quốc biến, nàng không dám để cho nước mắt nhi nữ thường tình làm nhụt chí khí nam nhi, mà trái lại, đã khẳng khái khích lệ chồng mau mau lên đường phụng quốc:
Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cầy cuốc mà thương mẹ già.
(Thời Tây Sơn đại phá quân Thanh)
Tổ tiên để lại em thờ
Anh ra ngoài ải cầm cờ theo vua
(Thời vua Hàm Nghi xướng hịch cần vương)
v.v...
Nàng xin hứa với chàng một dạ son sắt, thủy chung đợi chờ:
Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy, hãy còn trơ trơ
Xưa nay chinh chiến mấy ai về?... Nàng chinh phụ của chúng ta đã ôm con chờ chồng cho đến hơi thở cuối cùng. Cái chết của nàng đã được huyền thoại hóa, nàng ôm con lên non ngóng chinh phu, hóa đá thành núi Vọng phu. Từ đó, hồn nàng đã nhập vào hồn thiêng sông núi; và tượng đá hình nàng ôm con chờ chồng đã trở thành một biểu tượng cho tình yêu son sắt, thủy chung của người chinh phụ đối với chinh phu, nói rộng ra, của người phụ nữ VN đối với nguời bạn trăm năm. Trên khắp dải đất VN của chúng ta đã có biết bao người ly phụ, một dạ keo sơn gắn bó, thủ tiết đợi chờ người bạn đời như vậỵ Bởi thế, nhiều nơi có núi vọng phu:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị đứng chờ đợi ai
Vọng Phu cảnh đẹp núi Nhồi
Có nàng chinh phụ phương trời đăm đăm.
Bình Định có núi vọng phu
Có đầm Thị Nại, có cù lao xanh.
Đời sống thường nhật. Còn nói chung về đời sống thường nhật của người thiếu phụ VN thì ngoài sự đảm đang, nàng còn biết khéo léo chiều chuộng từng sở thích của chồng:
Đốt than, nướng cá cho vàng
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi
Phòng khi khách có đến nơi
Cơm bưng, rượu rót cho vui lòng chồng.
Và:
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen.
Nàng biết, những món ăn ngon chính là một trong những bí quyết gìn giữ hạnh phúc lứa đôi. Người đàn ông đi xa thường hay nhớ đến những món ăn ngon của vợ, lại mau mau quay về tổ ấm gia đình:
Anh đi, anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Gặp khi chồng đau ốm, nàng tận tụy săn sóc:
Tay nâng chén thuốc, miếng gừng
Gừng cay, thuốc đắng xin đừng có quên.
Hay:
Tai em nghe anh đau đầu chưa khá
Em băng rừng chi xá, bẻ nạm lá về xông.
Ở làm sao đây cho trọn nghĩa vợ chồng
Đổ mồ hôi ra em chặm, ngọn gió lồng em che
Nàng còn biết giữ thể diện cho chồng:
Vì chàng thiếp phải mua mâm
Những như thân thiếp bốc thầm cũng xong.
Những khi chồng nóng giận, nàng hiểu rằng:
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa, một đời không khê
Nên đã thỏ thẻ làm lành:
Thò tay vuốt ngực chung tình
Nước sôi còn nguội huống chi mình giận tôi
Gặp phải lúc người chồng say mê cờ bạc, rượu chè (trà) thì nàng tìm lời khéo léo can ngăn:
Anh ơi anh ở lại nhà
Thôi đừng cờ bạc nữa mà hư thân.
Tham chi những của phù vân
Lỡ ra công nợ nhiều phần xấu xa
Lại khi chồng sinh thói nguyệt hoa, ra đường mê gái, về nhà chê vợ ỉ ôi:
Cam sành chê đắng, chê hôi
Hồng xiêm chê lạt, cháo bồi khen ngon.
Nàng tuy buồn tủi nhưng vẫn nhỏ nhẹ khuyên lơn:
Anh ơi anh ở lại nhà
Thôi đừng vui thú nguyệt hoa chơi bời
Có tiền kẻ rước, người mời
Hết tiền chẳng thấy một người nào ưa
Không nghe lời vợ khuyên can thì chớ, chồng nàng còn giở thói vũ phu, mắng chửi, đánh đập nàng, nàng chỉ biết nhẫn nhục van xin:
Giang tay đánh thiếp sao đành
Tấm rách ai vá, tấm lành ai may
Nhiều khi nàng còn phải nhẫn nhục hơn nữa kìa, nghĩa là ngậm bồ hòn làm ngọt, vui vẻ, chấp thuận lấy vợ bé cho chồng cho yên cửa, yên nhà:
Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm thưa anh giận gì.
Anh ơi, anh giận em chi
Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho
Sống dưới chế độ phụ quyền duy lý của Nho giáo, quyền người cha, người chồng rất lớn. Nho giáo coi trọng chữ hiếu mà đầu mối chữ hiếu là sinh con trai để nối dõi tông đường, phụng thờ cha mẹ tổ tiên. Nhà nào có đông con, nhiều cháu trai thì cho là đại phúc. Quan niệm này mặc nhiên chấp nhận cho người đàn ông được quyền năm thê, bảy thiếp. Đó chính là lý do khiến họ dễ sinh lòng nọ, tâm kia:
Đàn ông năm bẩy lá gan
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người
Nếu nàng thiếu phụ của chúng ta chẳng may không có con trai, nàng chẳng những phải chủ động đứng ra cưới vợ bé cho chồng, mà từ đó còn bị chồng phụ rẫy, hắt hủi; vậy mà vẫn một niềm chịu đựng, một dạ thủy chung:
Chàng ơi đánh thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội những khi đói lòng.
Lại có những trường hợp nàng dâu nhà nghèo, gặp phải bà mẹ chồng cay nghiệt; nhất là trước kia nhà gái lại thách cưới quá nhiều khiến bà giận, bà tức, từ đó mới nẩy sinh tâm lý trả thù nàng dâu, "Mất tiền mua mâm, bà đâm cho thủng!". Nàng dâu trở thành cái bia đưa lưng chịu đòn:
Đêm nằm lưng nỏ bén giường
Mụ già đã xốc vô buồng kéo ra
Bảo lo con lợn, con gà
Lo cối xay lúa, quét nhà, nấu cơm.
Ốm đau mụ nỏ có thương
Mụ hành, mụ hạ đủ đường khốn thân.
Tối về bưng bát cơm ăn
Mụ cầm cái đọi, mụ quăng vô người
Gặp cảnh ngộ này nhiều khi nàng dâu chịu không thấu phải tính chuyện thoát ly; nhưng nghĩ đến nông nỗi phải bỏ chồng nàng lại dùng dằng chẳng nỡ:
Nỗi về, nỗi ở chưa xong
Bối rối trong lòng như đánh cờ vây
Cuối cùng, nàng đã quyết định ngả theo tình cảm, chấp nhận ở lại làm nạn nhân của bà mẹ chồng khắc nghiệt để được trọn tình, vẹn nghĩa phu thê:
Vợ chồng đầu gối má kề
Lòng nào mà bỏ mà về cho đang.
Hồ về chân lại đá ngang
Về sao cho được, cho đang mà về.
Có thể nói, chính nhờ những đức tính đảm đang, chịu thương chịu khó, tận tụy, nhẫn nhục, hy sinh, thuỷ chung, nghĩa tình này mà hầu hết những người phụ nữ VN xưa đã xây dựng và bảo vệ được hạnh phúc gia đình.
Kết luận:
Tóm lại, qua những câu ca dao và dân ca nói về những nét đẹp của người phụ nữ VN xưa, qua nhiều giai đoạn, cùng nhiều khía cạnh trong cuộc đời như vừa trình bày, chúng ta đã rõ: không phải chờ đến khi người Trung Hoa sang đô hộ nước ta, dạy dân ta lễ nghĩa Nho giáo Khổng Mạnh, chúng ta mới biết đến trung-hiếu-tiết-nghĩa, mà thực ra, chúng ta đã biết những điều ấy từ ngàn xưa (có thể chứng minh thêm bằng truyện cổ tích Bánh dầy bánh chưng, Trầu cau... có từ đời Hùng Vương).
Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận công của Nho giáo đến với dân tộc này, đã giúp chúng ta xưng danh và định nghĩa những tình cảm ấy. Và nhờ Hán Nho, Tống Nho hệ thống hóa những liên hệ tình cảm giữa con người với nhau, tạo nên một nền luân lý đạo đức, khi truyền sang nước ta ,đã giúp cho nhiều người xấu không dám làm bậy, khiến ông cha ta đã bảo tồn và phát huy được một nền văn hóa tốt đẹp cho dân tộc.
Thực ra, những giáo điều duy lý cứng nhắc cùng những lễ nghi qui ước xã hội khe khắt của Hán Nho, Tống Nho chỉ được những người trong giai cấp thống trị và những nhà Nho bảo thủ của ta xưa bắt vợ con triệt để tuân theo; còn đám quảng đại quần chúng thì chỉ thuận theo những gì hợp với tình cảm và phong tục, tập quán của dân tộc. Chúng ta còn khác Hán Nho, Tống Nho ở điểm chúng ta làm bổn phận, có theo qui ước xã hội chăng nữa, cũng không phải vì hình thức bề ngoài, vì giáo điều bắt buộc, mà bằng con tim dạt dào yêu thương, bằng tấm lòng hy sinh, đôn hậu, hiếu nghĩa, thủy chung của người VN. (Những gì giả dối, bề ngoài thường bị đả kích, mỉa mai qua ca dao trào phúng hay ca dao ngụ ngôn).
Xã hội ngày nay đã quá đổi thay, những vấn đề phụ nữ là nạn nhân của chế độ phụ quyền duy lý của Nho giáo như bị thất học, bị bóc lột, bị hạ giá, bị là nạn nhân của cảnh lấy vợ chỉ để sinh con nối dõi tông đường và hầu hạ gia đình nhà chồng, cùng cảnh vợ bé con thêm... không được nói đến nữa. Mà vấn đề được đặt ra là: Trong nếp sống văn minh vật chất hiện đại, người phụ nữ VN, ngoài việc đi làm để chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng (đôi khi vì hoàn cảnh riêng còn phải gánh vác một mình), người phụ nữ còn có bổn phận đóng góp công sức để xây dựng quốc gia xã hội, thì trước sự bành trướng cá nhân chủ nghĩa của xã hội tự do Âu Mỹ, cũng như chủ trương coi phụ nữ chỉ là công cụ lao động, và sự giáo dục con em phó thác cho cơ quan nhà nước của xã hội cộng sản, liệu chúng ta, những người phụ nữ VN, ở trong cũng như ở ngoài nước, có còn duy trì được những nét đẹp tinh thần khả ái có từ ngàn xưa nữa không?
Nếu để ý cuộc sống của bà con xung quanh, hoặc qua sách báo, chúng ta hẳn thấy, từ mấy chục năm nay, những đức tính cao quí như nhẫn nại, đảm đang, chung thủy, hy sinh... truyền thống của phụ nữ VN đã có nhiều dịp thử thách. Và chúng ta phải mừng rằng, chỉ trừ một thiểu số phụ nữ thiếu căn bản giáo dục, hoặc tính khí nông nổi mới bị chi phối, bị quyến rũ bởi ngoại cảnh; còn đại đa số phụ nữ VN, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng cố gắng chu toàn bổn phận làm con, thiên chức làm vợ và làm mẹ của mình. Để kết thúc cho bài nói chuyện về những nét đẹp của người phụ nữ VN qua ca dao dân ca này, chúng tôi xin được giới thiệu bốn câu thơ mà chúng tôi đã được học ngay từ lớp Nhất, tại Trường Tiểu Học Hàng Cót Hà Nội với cô giáo Mai Thị Trí. Bốn câu thơ này đã đúc kết những nét đẹp tinh thần của người phụ nữ VN như chúng ta vừa thấy, với ước mong, những nét đẹp cao quí ấy sẽ tồn tại bất diệt với thời gian:
Hỡi cô gái VN tôi kính cẩn
Cúi chào cô, người vợ đảm, mẹ hiền.
Cô là hiện thân của lòng kiên nhẫn
Của sự dịu dàng, tình âu yếm vô biên.
(Đằng Phương)
Giáo sư Phạm Thị Nhung
Tài liệu tham khảo:
Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, T. Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị: Ca dao dân ca Nam bộ, nhà xb Thành phố HCM, 1986.
Cao Thế Dung: Vị trí đích thực và giá trị cao quí của phụ nữ VN.
Đào Văn Hội, Phong tục miền Nam qua mấy vần thơ ca dao, Xuân Thu xb tại Hoa Kỳ, 1985.
Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, soạn thời Lê Thánh Tôn.
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao, Mặc Lâm xb Saigon 1967.
Trần Trọng Kim, VN Sử Lược, Bộ Giáo dục xb, Saigon 1971.
Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, Ca dao, Dân ca VN (in lần thứ 8).