User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Ngày nay, hầu như không mấy ai không biết Nhạc-Sĩ Trúc-Phương. Chính vì việc “không mấy ai không biết” ông, tôi cứ “hẹn” mãi tới hôm nay mới viết được ít hàng về người đã khuất.

Năm 1973, tôi ở ngay con lộ đá dẫn vào Ba-Kè, thuộc Tỉnh Vĩnh-Long. Đêm đêm chúng tôi nằm cạnh nhau, nghe chương-trình phát ra từ “các em gái” ở chiếc radio bên cạnh. Chúng tôi nghe đủ thứ, cái gì có tiếng người nói, tiếng-kêu là nghe… cho đỡ buồn. Nghe từ những bản tin chiến-sự nóng-hổi đến những bản tình-ca “ướt-át, dang-dở.” Thỉnh-thoảng, chúng tôi nghe cả Trúc-Phương dù không phân-biệt được thế nào là “nhạc Vàng”, thế nào là “nhạc Sến”, chỉ thấy nhạc của ông cuốn-hút chúng tôi. Vả lại, chúng tôi không muốn mất thì-giờ vô “ba-cái vụ này.”

Chúng tôi bỏ qua sự hình-thành và lịch-sử âm-nhạc Viêt-Nam vì nghĩ rằng không cần-thiết.

1. Nhạc Boléro Và Nhạc “Sến”.

Người ta thường định-nghĩa “nhạc Sến” là loại nhạc ở Miền Nam thường ủy-mị, khóc-lóc, tình-yêu dang-dở, lời hát mộc-mạc, đơn-giản, dễ-hiểu, thô-kệch, chia-ly… cứ gì nhạc, ngay đến thơ (poems) Việt-Nam, cũng như vậy. Không “dang dở”, “khóc lóc”, không phải nhạc VN, và gần như tất-cả nhạc miền Nam đều là nhạc “Vàng” và nhạc “Vàng” là nhạc “Sến”, chỉ có nhạc “Đỏ” mới được công-nhận mà thôi.

“Sến” là phụ-nữ, thường ít học, đi làm công (gánh nước, nấu cơm, trông con...) cho gia-đình giầu-có nào đó. Từ đó, “sến” chỉ cô gái loại này, thường trang-điểm và ăn-mặc loè loẹt, không đúng “mode.” Đêm qua, anh đi với con “Sến” nào vậy?” ”Sến” còn chỉ những gì thuộc về lớp người này. Cái áo này “sến” quá. Ăn nói như “sến”. Điệu bộ ẻo-lả giống “sến”... Vì thế, cái gì quá mộc-mạc, thô-kệch, sặc-sỡ, lòe-loẹt, bắt chước... đều là “sến” cả. Nhạc bình-dân thường được các em “sến” hát, giọng-điệu ẻo-lả. Các em “sến” thường tụ-tập quanh vòi “phông-tên” (fontain) để gánh nước về, nên còn có tên là Mary Phông-Tên. Mary là tên Pháp rất thông-thường. Như vậy, từ “Sến”,”Mary Sến” hay “Mary Fontain”… chỉ một tầng-lớp không sang-cả trong xã-hội.

Có một số tránh sáng-tác và tránh nghe nhạc “sến” vì nó ủy-mị, ướt-át, sầu-não hay thô-kệch... Có một số trái ngược lại. Thú thật, nghe một bản-nhạc “sến” rất “tới” vì âm-thanh nồng-nàn, giản-dị, dễ hiểu, dễ xúc-động, phù-hợp với tâm-hồn người Việt.... hơn một bản-nhạc thuộc loại khác, chẳng hạn nhạc “Đỏ.” Không lẽ cứ mãi “…Vùng lên, nhân dân Việt-Nam anh-hùng! Vùng lên! Xông lên! Vượt qua bão-bùng.” hay “Bão nổi lên rồi...” dù trong bản nhạc có những danh-từ “dao to búa lớn.” Đó là những bản-nhạc theo “thời-kỳ”, hay nhu-cầu, tự chúng sẽ biến-mất trong dân-chúng, không để lại vết-tích gì.

Chính mắt tôi đã trông thấy những người đến chợ trời, mua những cái radio (“đài”), để nghe nhạc Vàng hay nhạc Sến, vì với họ, lúc bấy giờ, nghe Nhạc Vàng của miền Nam như một “nhu-cầu” khó có thể thiếu trong đời-sống thường ngày. Càng ngày điệu Boléro càng lớn mạnh, càng xinh-đẹp như một thiếu-nữ đang tuổi dậy-thì. Trách nhạc miền Nam là nhạc “Vàng hay Sến” nhưng vẫn cứ nghe, chẳng khác gì lòng chứa đầy “tự-tôn mặc-cảm” (superiority) như khi cho cái gì của mình cũng là “nhất”, còn của người ta thì không ra gì, kiểu “cà-chớn” thiếu gì, trồng đầy đường.”

Sau cái “biến cố cuộc đời” (chữ của Trúc-Phương), địa-hạt văn-học miền Nam, có cả âm-nhạc, bị “chết” bất-đắc kỳ-tử. Nhiều người đã nghĩ rằng nền âm-nhạc miền Nam không còn dịp sống lại. Nhưng trên thực-tế, điệu Boléro vẫn “sống” mãi dù có “èo-uột” vì thiếu ăn, thiếu chất bổ, thiếu vun-xới. Người ta đua-nhau nghe Trúc-Phương và giòng nhạc Boléro, kể cả những người có ác-cảm trước đây. Điệu Boléro vẫn còn đó như một thách-thức với con-người. Điệu Boléro không cần người thương-xót, an-ủi, vẫn âm-ỉ, tiềm-tàng, như một mẩu măng đợi mưa.

Trúc-Phương chính là ông tổ của giòng nhạc này, hay nói như Nhà-Thơ Du-Tử-Lê, ông là “Ông Hoàng của giòng nhạc Boléro.” Câu này có nghĩa, một khi nói đến Trúc-Phương là phải nói tới nhạc Boléro, hay, nói đến loại nhạc này là phải nói đến Trúc-Phương. Cả hai quyện vào nhau không xa-rời, mất-mát.

Thật vậy, giòng nhạc Boléro đã thấm-nhuần trong huyết-quản ông, từ sau năm 1950. Trong gần 100 bản nhạc do ông sáng-tác, ông sử-dụng nhiều nhất là điệu Boléro. Ta thử tìm xem điệu Boléro có những đặc-điểm gì khiến ông có “tình-cảm” và có nguồn cảm-hứng bất-tận với giòng nhạc này hơn những giòng nhạc khác?

Có một câu-chuyện thế này. Theo một người bạn của ông ở Ty Văn-Nghệ Vĩnh-Long, vào khoảng năm 1988, một dịp họ vào một tiệm bán cơm, thấy hai người đàn ông tật-nguyền đang đi hát-dạo, xin tiền khách-hàng với cây đàn guitar. Lúc đó, họ hát bản Mưa Nửa Đêm của Trúc-Phương. Nhìn hai người đàn-ông hành-khất, anh lẩm-bẩm: “Nhạc của mình biến-thành nhạc ăn-mày rồi!” Trúc-Phương “buồn” cũng phải, công-lao khó-nhọc sáng-tác một bản nhạc, nay thành “phương-tiện kiếm cơm” của người khác. Nhưng ông cười thông-cảm, rồi mời hai người hành-khất dùng bữa với mình, và hát tặng những người trong quán mấy bản nữa, cũng mang điệu Bolero buồn man-mác, sầu-não (Tín-Đức—Hội Văn-Nghệ Vĩnh-Long.)

Qua câu chuyện ngắn kể trên, ta thấy rằng những người hành-khất chỉ “thích” hát những bài “dễ kiếm cơm”,”dễ hát”, hay “dễ đàn”. Điệu Boléro thích-hợp với mọi hoàn-cảnh của người hát và người nghe. Điều đó cũng dể hiểu. Chẳng lẽ họ lại tập những bài hát có nhịp-điệu hay lời ca khó hát, khó đàn hay khó thuộc?

Nhưng đôi khi rất khó phân-biệt Nhạc “Vàng” với Nhạc “Sến.” Nhạc vàng là nhạc với lời ca trữ-tình, bình-dân được viết với những giai-điệu nhẹ-nhàng. Điểm đặc-biệt của giòng nhạc này là lời-ca giản-dị, dễ hiểu; câu nhạc dễ nghe, chất-chứa nỗi-niềm của những cá-nhân lao-động nghèo, rất thích-hợp với lối kể chuyện. Trúc-Phương có một số nhạc kể chuyện như Chuyện chúng mình / Chuyện ngày xưa / Con đường mang tên em (Còn chuyện chúng mình) và một số bản không có chữ chuyện ở đầu. Có quan-niệm cho biết, nghe một Ca-Sĩ “lừng-danh” hát một bản nhạc “Sến”, ta không thấy “sến” tí nào. Trại lại, bản nhạc này do Ca-Sĩ “tay mơ” hát, ta sẽ thấy “sến” ngay.

Tại sao vậy? Như đã nói, điệu Boléro (hay Bolero) đã có lâu-đời được viết với nhịp 2/2 (Đò Chiều, Thói Đời…), 2/4 (và 4/4 (Chiều Cuối Tuần). Nếu hành-âm (beats per minute) hơi chậm một tí, Nhà-Thơ Đỗ-Trung-Quân cho biết Boléro sẽ “vô-tình” trùng với lối ca vọng-cổ rất riêng-biệt, đặc-thù của miền Nam Việt-Nam.

Ta biết rằng anh chàng Nguyễn-Thiện-Lộc khi còn trẻ đã chịu ảnh-hưởng của vọng-cổ, một loại nhạc quen-thuộc, phổ-biến khắp hang-cùng ngõ-hẻm của miền sông nước Cửu-Long. Trước khi sáng-tác tân-nhạc, có thể đôi-khi anh chàng Nguyễn-Thiện-Lộc còn ngâm-nga mấy câu vọng-cổ “mùi-mẫn” nữa. Có ai cấm đâu?

2. Nhạc Sĩ Trúc-Phương:

Tên thật của Nhạc-Sĩ Trúc-Phương là Nguyễn-Thiện-Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ-Hòa, quận Cầu-Ngang, Tỉnh Trà-Vinh. Sau, anh chàng Nguyễn-Thiện-Lộc lên Sài-Gòn học nhạc với Nhạc-Sĩ Trịnh-Hưng (Tác-Giả bài Tôi Yêu nổi-tiếng). Có người nói ông tự học nhạc. Sáng-tác đầu-tay của ông là Tình Thắm Duyên Quê và Tình Thương Mái Lá (1957), Tàu Đêm Năm Cũ (1960). Càng ngày ông càng cận-thị nặng. Trúc-Phương được mọi người biết đến nhờ những bản nhạc viết về đời “lính” đã qua, mang âm-điệu Boléro. Điều đáng để-ý là các tác-phẩm của ông được giữ y-nguyên khi trình-bày, lời ca không thay-đổi.

NS Trúc-Phương thời trai-trẻ (Ảnh: Tư-Liệu)

NS Trúc-Phương năm 1995, trước khi giã-từ dương-thế (Ảnh: Asia)

Đến đây, người viết xin mở dấu ngoặc, nói với các cơ-quan liên-hệ, nên có những buổi nói chuyện hay mạn-đàm với Văn-Nghệ Sĩ khi họ còn sống, hỏi họ những câu-hỏi thông-thường về gia-cảnh, học-lực… Đến khi họ mất đi, ta có những câu trả-lời đúng, không phải “đoán-mò”, có thể, có lẽ, phải chăng, hình như… Trúc-Phương mất chưa tới 20 năm (2015-1995=20,) nhưng đã có những câu trả-lời “đoán-mò”, như về biệt-hiệu Trúc-Phương của ông, gia-cảnh hay học-lực…). Ông mất ngày 18 tháng 9 năm 1995 vì bệnh sưng phổi, và được an-táng tại nghĩa- trang Lái-Thiêu.

Trong một DVD của Asia, Trúc-Phương đã bộc-bạch cuộc-sống của mình sau “cái biến-cố cuộc-đời” cùng vớí các văn-nghệ-sĩ khác, rồi đến DVD sau, Asia vinh-danh ông. Chuyện sáng-tác của ông bị ngừng hẳn lại, hầu hết những ca-khúc của ông đều bị cấm phổ-biến và trình-diễn... Điều cần để ý, lời nói (Speeches) của ông hoàn-toàn khác-biệt với ca-từ (lyrics) rất trau-chuốt, bóng-bẩy ông dùng trong sáng-tác. Ông là người miền Nam, nên lời nói rất mộc-mạc, thành-thực, chân-chất, không mầu-mè. Không nghề-nghiệp, ông làm thuê đủ mọi việc để sinh-sống. Với hai bàn tay trắng, ông trở-về quê cũ sống nhờ vào bạn- bè, mỗi nơi một thời-gian. Có người hỏi sao ông không về quê ở hẳn với thân-nhân, ông trả-lời “Má của tôi già-yếu đang ở dưới quê Cầu Ngang (Trà-Vinh), nhưng bà nghèo quá, lại phải nuôi đám cháu nheo-nhóc, không đủ ăn… nên tôi không thể về đó làm khổ bà thêm nữa.” Ở Trà-Vinh với bạn-bè cũ một thời-gian, Trúc-Phương về Sài-Gòn. Ban ngày ông làm thuê đủ mọi thứ nghề và lang-thang khắp nơi. Đại-khái, “…tôi sống cái kiểu rầy đây mai đó, ”bèo-giạt hoa-trôi”… Đói thì không đói ngày nào, nhưng mà no, thì cũng chẳng có ngày nào gọi là no… Tôi không có cái mái-nhà, vợ-con cũng tan-nát rồi, tôi sống nhà bạn-bè, nhưng khổ nỗi hoàn-cảnh họ cũng bi-đát, cũng khổ, chứ không ai đùm-bọc ai được… lúc đó vấn-đề an-ninh có phần khe-khắt, bạn-bè không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì không có giấy-tờ tùy-thân, cũng chẳng có thứ gì trong người. Tôi nghĩ ra được một cách… tìm nơi nào có khách vãng-lai, mình chui vào đó ngủ, tránh bị kiểm-tra giấy-tờ… Ban ngày thì lê-la thành phố, đêm thì phải ra xa-cảng thuê một chiếc chiếu, một chiếc chiếu lúc bấy giờ là một đồng… thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta, lấy một đồng về…. như là tiền thế-chân… Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa-cảng hết 9 tháng… khổ lắm… Hôm nào mà có tiền để đi xe-lam ra sớm khoảng chừng năm giờ có mặt ngoài đó, thuê chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch-sự, còn chút tương-đối vệ-sinh một tí, hôm nào ra trễ, họ chiếm hết rồi, đành phải trải chiếu gần chỗ “thằng cha đi tiểu vỉa hè”, rồi cũng phải nằm thôi. Tôi sống những ngày bi-đát… mà lẽ ra tôi phải buồn cho cái hoàn-cảnh như thế, nhưng tôi không bao giờ buồn… Tôi suy-nghĩ, mình còn sống cho tới bây-giờ và đó cũng là chất-liệu cho tôi sau này…”

Có nhiều Ca-sĩ nổi-tiếng nhờ tác-phẩm của ông như Thanh-Thúy (giọng hát Liêu-Trai), Chế-Linh (và cũng là một người bạn) và cũng nhờ họ, tác-phẩm của ông được thăng-hoa, bay-bổng. Có nhìều ca-sĩ, trung-tâm băng nhạc, hãng đĩa đã thu-âm, hát lại nhạc của ông, nhưng chắc ít người biết tin ông đã âm-thầm từ-giã cõi-đời trong cảnh nghèo-nàn, bi-đát và cô-đơn trong căn nhà tồi-tàn, nhỏ-hẹp ở quận 11, Sài Gòn vào ngày 18 tháng 9 năm 1995. Đến nay đã 20 năm và người ta đã “quên” ông. Đúng là kiếp tầm nhả tơ. Ông có tất-cả 6 người con.

Giữa nhạc “Vàng” và “Sến” đã có những hiểu-biết lệch-lạc, cần phân-biệt rõ-ràng.

3. Quan-niệm Của Một Số Nghệ-Sĩ Về Nhạc “Vàng” Và “Sến”:

Một cuộc phỏng-vấn được thực-hiện để hỏi ý-kiến của một số nghệ-sĩ và những người có tiếng-tăm về vấn-đề nhạc “Vàng và “Sến”, như Hương-Lan, Quang-Dũng… Ca-Sĩ Hương-Lan nói là không có nhạc “sến”. Nhạc “Sến” hay “Cải-Lương” chỉ là một loại-hình nghệ-thuật”. Ca-sĩ Quang-Dũng cũng không hề phân-biệt “Sang—Sến”.

Ca Sĩ Ngọc-Sơn cho rằng “Sến” là hình-thức áp-đặt, và những người nói từ này thường hiểu “sến” là “nhà quê”, là “nghèo”; nhưng chẳng lẽ “nhà quê” hay “nghèo” là có tội, là bị chê? Điều quan-trọng là hát như thế nào để lay-động được cảm-xúc của người nghe. Ca-Sĩ Thùy-Trang nói người ta hay dùng từ "sến" khi nói đến những ca-khúc trữ-tình ủy-mị. Âm-nhạc như một món ăn tinh-thần, chín người mười ý, làm sao chiều hết được. Đến giờ này, tôi vẫn rất tự-tin khi hát loại nhạc này."

Theo Đạo-diễn Trần-Ngọc-Phong thì không có bài hát nào là "sến" cả mà chỉ có cách thể-hiện tâm-trạng, nếu nó "lâm-ly, bi-thiết" thì người ta cho là "sến". Thí-dụ bài Đời Tôi Cô-Đơn, nếu hát một cách nghiêm-chỉnh thì rất dễ lay-động lòng người, nhưng nếu rên-rỉ, èo-uột thì... sến là chắc-chắn"...

Nói theo Họa sĩ Trịnh-Cung thì “Nhạc Sến” thường tập-trung vào điệu Boléro. Theo tôi, ngoài tính sáo-mòn, đơn-điệu, Boléro có ưu-điểm là thích-hợp với giọng nam của các ca-sĩ Sài Gòn. Các nhạc-sĩ như Lam-Phương, Hồ-Đình-Phương, Thanh-Sơn... là những cái tên được biết đến từ “nhạc Sến”. Nhạc “Sến” đặc-trưng cho đời-sống thị-dân.

Nhà Thơ Đỗ-Trung-Quân cũng bày-tỏ ý-kiến của mình. Boléro len-lỏi vào cuộc-đời và nhịp-sống của người dân đô-thị theo một kiểu khác, với những người ở thôn-quê theo một kiểu khác; nhưng bất luận kiểu nào, âm-điệu chập-chùng và gần-gũi của Boléro đều ăn-sâu vào sự thưởng-thức của nhiều thế-hệ, một cách độc-đáo đến mức mà có lẽ cần phải có một nghiên-cứu khoa-học cẩn-thận mới có thể nói hết được tác-động của loại nhạc này với tâm-hồn của người Việt.

Ngày nay, điệu Boléro có những bước tiến đáng khích-lệ trong và ngoài nước. Có nhiều câu-lạc-bộ Boléro trong nước quy-tụ những “tay nghề” cao và có triển-vọng.

4. Trúc-Phương và Những Mối Tình Dang-Dở:

Ai cũng biết Trúc-Phương là nghệ-sĩ và nghệ-sĩ thì thường hay “thương vay khóc mướn”, hay nói theo Nguyễn-Trung, “Nhạc-sĩ Trúc-Phương, con người tài-hoa nhưng số-phận bi-đát.”

Trúc-Phương là người vui-tính, thành-thật, bộc-trực, nhất là đối với bạn-bè, không phản-bội ai.Ông sống đúng tính-chất của một người Nam-bộ. Giống như nhiều nghệ- sĩ khác, Trúc-Phương có nhiều mối-tình đi qua trong đời nhưng hầu như không mối-tình nào như ý ông muốn. Hình-như đó là “bản-chất” của người có tài như ông. Nguyễn-Công-Trứ đã phải thốt lên trong một bài hát nói: “càng tài-tử, càng nhiều tình trái” đó sao?

Thật vậy, bên cạnh những bản viết về quê hương, nhạc Trúc-Phương còn ghi lại biết bao cuộc tình lãng-mạn, ướt-át, nồng-nàn. Nhẩm-tính sơ-sơ, ông có trên mười mối-tình. Đó là những chất-liệu giúp ông tô-điểm cho giòng nhạc Boléro trở-thành đặc-thù, riêng-rẽ.

Có một số tránh sáng-tác và tránh nghe nhạc “sến” vì sợ bị “tiêm-nhiễm” khi sáng-tác, vì nó ủy-mị, ướt-át, sầu-não hay thô-kệch... Khi sáng-tác điệu Boléro, có nhiều người đổi nó qua điệu khác cho “bớt sến” đi, như Rumba...

Giòng nhạc Boléro đã thấm-nhuần vào huyết-quản ông, từ sau 1950. Trong gần 100 bản nhạc do ông sáng-tác, ông sử-dụng nhiều nhất là điệu Boléro. Ta thử tìm xem điệu Boléro có những đặc-điểm gì khiến ông có “tình-cảm” và có nguồn cảm-hứng bất-tận với dòng nhạc này hơn những giòng nhạc khác?

Như đã nói, điệu Boléro (hay Bolero) đã có lâu đời, được viết với nhịp 2/2 (Đò Chiều, Thói Đời…), 2/4 (và 4/4 (Chiều Cuối Tuần). Nếu hành-âm (beats per minutes) hơi chậm một tí, Boléro sẽ “vô-tình” trùng với lối ca vọng-cổ rất riêng-biệt, đặc-thù của miền Nam Việt-Nam. Ta biết rằng anh chàng Nguyễn-Thiện-Lộc khi còn trẻ rất có thể đã chịu ảnh-hưởng của vọng-cổ hay ca cổ tài-tử, một loại nhạc quen-thuộc, phổ-biến khắp hang-cùng ngõ-hẻm của miền sông nước Cửu-Long. Có ai cấm ông đâu?

5. Một bản nhạc điệu Boléro và các đặc-điểm:

Thông thường, mỗi bản nhạc chỉ có một điệu mà thôi, nhưng đôi khi có bản có nhiều (2-3) điệu. Quan-sát một bản nhạc, ta biết bản nhạc đó mang điệu gì để tìm các hợp-âm thích-hợp. Giữa 2 vạch nhịp (bars) của một bản nhạc điệu Boléro có các điểm đặc-biệt như sau:

- 1 liên-ba note đen và 4 notes móc đơn,
- 2 liên-ba notes đen,
- 1 note trắng, 1 dấu lặng đơn, 1 note móc đơn và 1 liên-ba móc đơn,
- 1 note trắng và 1 liên-ba notes đen.
- 2 liên-ba notes đen.
- v.v…

6. Giải-thích một số từ trong các bản nhạc của Trúc-Phương:

Có một số từ (không nhiều lắm), Trúc-Phương dùng “từ gốc”. Chúng tôi định-nghĩa lại. Tuy nhiên, chỉ với những bản nhạc nổi-tiếng mà thôi.

Hai Chuyến Tàu Đêm: Trong một DVD của Thúy-Nga, một trong những người-bạn của ông, Nhạc-Sĩ Thanh-Sơn kể là Trần-Thị-Thắm là tên “người xưa” mà Trúc-Phương "gặp lại” trên chuyến tàu đi Phan-Thiết. Trong bản nhạc, ông lập đi lập lại mấy lần chữ “Thắm” “… Giờ gặp lại nét thắm môi em tiếng hẹn-hò”.

Thói Đời: Ở đoạn cuối bài Thói Đời, Trúc-Phương viết: “…Cỏ ưu-tư muộn-phiền lên xám môi…” Đúng ra, phải viết là “…Cỏ tương-tư…” Tên gọi nôm-na là “cỏ May”. “cỏ tương-tư”= Tiếng Lóng (slang) là thuốc lá.

Cỏ Tương Tư (Việt-Dzũng).

Đốt điếu thuốc nghe khói sầu
Ôi thương yêu thuở ban đầu
Ngồi một mình dưới gốc sâu
Cỏ tương tư nhỏ máu.
……………
Em đang say sưa mối tình
Anh thương đau chỉ riêng mình
Vàng mười đầu đốt ngón tay
Cỏ tương tư héo tàn.

Và, “…Soi bóng đời bằng gương vỡ nát…” Nhìn đời bằng đôi mắt tăm-tối, không thấy đẹp, đời là bể khổ, sầu- đau. quằn-quại.

 

7. Các bản nhạc (gần 100 bản) của Trúc-Phương:

24 Giờ Phép / Áo Cưới Mùa Đông / Ai Cho Tôi Tình-Yêu / Bông Cỏ May / Bóng nhỏ đường Chiều / Buồn Một Mình / Buồn Trong Kỷ-Niệm / Chàng Trai Si-Tình (Có Buồn Nào Buồn Hơn) / Chắp Tay Lạy Người / Chiều Cuối Tuần / Chiều Làng Em / Chín Giòng Sông Hò-Hẹn / Chuyện Chúng Mình / Chuyện Ngày Xưa / Con Đường Mang Tên Em (Còn Chuyện Chúng Mình) / Để Trả Lời Một Câu Hỏi / Đêm Gác-Trọ / Đêm Tâm-Sự / Đêm Trên Vùng Đất Lạ / Đêm Việt-Nam / Đò chiều (1954) / Đôi mắt người xưa / Đường chiều cao nguyên /Hai chuyến tàu đêm / Hai lối mộng/ Hình bóng cũ / Kẻ ở miền xa / Lời ca nữ /Một chân dung để lại / Mắt em buồn / Một lần thương nhớ / Một người đi xa / Mưa nửa đêm / Mười đầu ngón tay / Ngỏ ý / Người giãi bày tâm sự / Người nhập cuộc / Người xa về thành phố / Người xóm cũ / Người yêu lên tiếng / Những lời này cho em (Cho chuyện chúng mình) / Nửa đêm ngoài phố / Sau lưng kỷ niệm / Siết chặt bàn tay (Văn Khánh) / Tàu đêm năm cũ (1960) / Thư gửi người miền xa (Viết thư tình) / Tiếng chày bên song / Tình người chiến binh / Tình thắm duyên quê / Tình thương mái lá (1957) / Tình yêu trong mắt một người / Trả nhau ngày tháng cũ / Trên bốn vùng chiến thuật / Trước mặt tình yêu (Lại chuyện chúng mình / Tôi thương tôi / Tự tình trong đêm / Tuổi tình yêu / Vòng tay lửa (Nhận diện thời gian) / Xin cảm ơn đời / Thói đời và những bài hát sáng-tác sau năm 1975 như Về Những Giòng Sông Hò-Hẹn được chọn làm tên cho chương-trình hội-diễn văn-nghệ quần-chúng hằng năm của các tỉnh đồng-bằng sông Cửu-Long hiện nay.

Sau 1975, Trúc Phương về Vĩnh-Long và một số nơi khác. Dịp này ông có sáng-tác một số ca-khúc và tặng bạn-bè. Một số bài đó là: Chiều Phố Huyện, Hoa Sách Về Xa, Trà-Vinh, Trong Những Tình Mật Ngọt, Về An Quảng Hữu...

Lúc ông mất, nhạc-sĩ Nhật-Ngân (cũng đã mất tại Mỹ) có viết tặng Trúc-Phương bài Gửi Người Về Cát Bụi có nhắc đến một số bài hát của ông.

Bài này được viết thay cho những nén-nhang thắp trên mộ Nhạc-Sĩ Trúc-Phương với lòng yêu-kính.

 
Hà Việt Hùng

Tham Khảo:

- Tuyển Tập 100 Ca-Khúc Tiền-Chiến, Lê-Quốc-Thắng, NXB Mũi Cà Mau, 2003.
- Tuyển Tập Tình Ca 1, Minh-Tân, NXB Xuân Thảo, 1994.
- Wikipedia.
- Một số Sách, báo và Websites liên-quan.

 

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com