Tổng Quan:
Nhận định về người phụ nữ, trước tiên người ta thường đề cập đến các yếu tố “Tài, Sắc”. Thuận theo sự sắp xếp của người xưa: “công, dung, ngôn, hạnh”. Tuy sắc là nét quyến rũ bậc nhất, nhưng phải có tài tạo nên sự “duyên dáng” để nâng phẩm hạnh của người phụ nữ lên cao. Cho nên muốn nhận định đúng mức thì cần phải phối hợp các tiêu chuẩn qua các lãnh vực như hình thể, tâm lý, kiến thức, tình cảm, nguồn gốc, sự khác biệt đối với người khác phái, mà các nhà tư tưởng họ đề cập đến cũng thấy nhiều điều rất thú vị. Không biết những lời phát biểu của họ đã có ai làm trọng tài để phân xử người đúng kẻ sai, người hay kẻ dở.
Vì thế cho nên nếu tranh luận, thì vẫn có những quan điểm giống nhau và cũng có cái khác biệt để làm nên sự mâu thuẫn trùng trùng. Mà thiết tưởng không ai có thể đi đến cái rốt ráo của những lý luận đơn phương. Vì ở đó vẫn còn thiếu những mặt trái của nó chưa được đem vào bàn hội nghị, để mổ xẻ vấn đề thực trọn vẹn. Cho nên khó có thể đạt đến một chân lý tuyệt đối bao gồm tất cả các lãnh vực của người phụ nữ. Ngoài các lãnh vực thuộc tâm sinh lý nói trên, người phụ nữ còn có những lãnh vực thiêng liêng và cao quý khác, như là thiên chức làm mẹ. Để lưu truyền dòng giống loài người là điều không thể nghĩ bàn. Thôi thì cứ đứng xa như vậy mà nhìn ngắm, mà thưởng thức cái đẹp, cái hay không cần phải biện luận. Không cần phải mổ xẻ, phân tích tâm lý tình cảm vô cùng phức tạp của người phụ nữ.
Tài sắc của người phụ nữ là quà tặng của trời:
Trước tiên nhìn qua dáng vẻ bên ngoài, danh từ Duy Thức Học gọi là “Sắc” là hình dung diện mạo. Vẻ đẹp bên ngoài chỉ bao gồm “mặt bằng” (như pho tượng) chứ chưa thực sự diễn tả toàn diện “cái đẹp” của người phụ nữ. Vì nếu muốn đến với toàn diện, thì cần phải nhìn vào sự vận hành của cái “Tâm” tạo ra những biến chuyển về tâm lý và tình cảm của con người nữa. Như vui, buồn, yêu, ghét… (hỉ, nộ, ái, ố…). Khai thác trí tuệ để trở thành một con người có khả năng hiểu biết, thấu suốt nhiều việc. Phải hội đủ những yếu tố ấy mới được gọi là người đàn bà đẹp (đẹp từ thể xác đến tinh thần). Thế nhưng xưa nay đã có mấy ai đến gần cái “Tâm” để nhìn thấy sự vận hành của nó? Vì người xưa cũng đã nhìn thấy sự bất cập:
“Tri nhân tri diện bất tri tâm” (biết người biết mặt khó biết lòng)
Nên nhận định về cái đẹp toàn diện của người phụ nữ vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên cũng không nên phủ nhận những sự khám phá qua tình tự dân gian, như nhận xét sau đây:
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,
Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
Hay là:
Cái nết đánh chất cái đẹp. (nghĩa là người đàn bà đẹp không chỉ nét đẹp bên ngoài, mà cần phải phát tiết những tinh hoa của nội tâm (hữu xạ tự thiên hương). Nét đẹp bên ngoài chỉ có giá trị gần như một nửa, còn nét “duyên dáng” mới chính là nét “quyến rũ” bậc nhất.
Vì theo quan niệm dân gian thì:
“Còn duyên kẻ đón người đưa.
Hết duyên đi sớm về trưa một mình”.
“Cái duyên” của người phụ nữ chính là “nét đẹp nội tâm” mà có thể chưa có ai định nghĩa một cách rốt ráo. Nên nó vẫn nằm trong lãnh vực “bí mật” chưa được khám phá ra. Vì thế mà có rất nhiều người “đàn ông” say mê, tham đắm bởi “nét duyên dáng” ấy mà không biết tại sao.
Với vẻ đẹp bên ngoài, như ngày xưa cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã diễn tả chân dung của hai chị em Kiều:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười (Vóc dáng tầm thước, trong sáng. Mỗi người có một vẻ khác nhau, nhưng vẻ nào cũng đẹp cả)
Với Thúy Vân thì:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang.
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Và Thúy Kiều thì:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Người con gái mà có mặt hoa da phấn, nói năng, đi đứng với dáng vẻ đoan trang mới là người con gái có dung nhan hoàn hảo. Nét đẹp đến nỗi “mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” như Thúy Vân thì còn gì bằng.
Thế nhưng so với Thúy Kiều thì:
Làn thu thủy, nét xuân sơn (Mắt trong như nước mùa thu, lông mày phơn phớt như núi mùa xuân). Vì thế cho nên: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Vẻ đẹp của Thúy Kiều vượt trội vì nàng có cả tài lẫn sắc:
Một hai nghiêng nước nghiêng thành (*)
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
(*)Theo bài ca của Lý Duyên Niên: nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc: Ngoảnh lại một cái xiêu thành, ngoảnh lại cái nữa đổ nước. (nghĩa là tả vẻ đẹp tuyệt thế của người phụ nữ làm cho người đời say mê đến nỗi mất thành, mất nước) ý nói sắc của của cô Kiều thì có thể có người ngang bằng, chứ tài thì chắc hẳn ít ai sánh bằng. (Trích Truyện Thúy Kiều)
Trên đây chỉ là những nhận xét về “ngoại hình”, còn về “nội tâm” thì người đàn bà còn nhiều bí ẩn. (Hình như đàn bà là một thế giới huyền bí mà chưa có ai khám phá, không ai có thể hiểu trọn vẹn. Có lẽ thế mà suốt đời người đàn ông si mê đàn bà là thế…
Làm Mẹ là thiên chức cao quý của người phụ nữ:
Ngoài những đức tính trên, người đàn bà còn là một đức tính cao quý nhất đó là Thiên chức làm Mẹ. Tấm lòng của người mẹ thật bao la như trời biển, đã có biết bao nhiêu Văn nhân thi sĩ đã từng ngợi ca: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào. Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu.
Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ… Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ. Thương con thao thức bao đêm trường. Con đà yên giác mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày. Lặn lội gieo neo nuôi con đến ngày lớn khôn…! (lời nhạc Lòng Mẹ của Y Vân).
Tấm lòng ấy đã diễn tả thiên chức của người mẹ, chưa hẳn đã rốt ráo nhưng có thể gọi như người xưa ví von: “Vẽ mây nẩy trăng” vậy.
Văn học dân gian cũng có ví von đến thiên chức của người mẹ:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Một nhà văn Tây phương cũng đã ví von đến người mẹ:
“Mẹ và quê hương là những kỳ quan đẹp nhất thế giới!”
Và rất nhiều văn nhân thi sĩ đã ca ngợi tình mẹ, tuy mỗi người mỗi khác nhưng chung quy là chứng tỏ tấm lòng của mẹ đối với con cháu sau nầy. Và có thể nhờ vậy nên mới có sự đối đãi của những người con cần phải nhớ đến đấng sanh thành dưỡng dục:
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con.
Công ơn ấy là một kiệt tác giáo dục, luôn nhắc nhỡ cho người đời đừng quên.
Những lời ca ngợi về mẹ đã lưu lại, đã tỏa sáng vào tâm thức của các con, như một bài học về công cha nghĩa mẹ và đạo làm con đối với đấng sanh thành.
Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Tấm lòng hiếu hạnh là một thiên chức khác:
Thờ cha kính mẹ là trở về với cội nguồn, tuy không thấy được bóng dáng, tuy không bắt được hình dong, nhưng cội nguồn là nơi chốn chở che vững chải về phương diện tâm linh của con người. Khi đi xa chúng ta không cảm thấy bơ vơ, khi phải sống một mình chúng ta cũng không cảm thấy cô đơn, vì bóng mát ấy luôn hiện hữu trong tâm của chúng ta… nên khi xa mới thấy day dứt, xót xa vì thương nhớ, và nỗi chờ mong trở lại đến nao lòng:
Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi
Như chàng để mẹ già ngày đợi đêm trông
Chàng ơi, chút tình thâm, nghĩa vợ chồng
Bến đò xưa em đợi, đường cũ em trông anh quay về.
Từ những đức hạnh chung thủy ấy, đã sinh sản thêm nhiều đức hạnh cao quý khác, khiến cho người phụ nữ biết an phận thủ thường:
Bông chi thơm bằng bông vạn thọ
Trái chi ngọt bằng trái đào tiên
Em tham nơi thầy mẹ thảo hiền
Giữ cái thân em cho trọn, chứ của với tiền không ham.
Đôi khi là một sự hy sinh, không cần đến những thiệt thòi của mình, chỉ cốt sao cho cha mẹ được vui lòng là người con thấy yên ổn rồi. Sự an phận thủ thường ấy cũng nói lên được tấm lòng hiếu hạnh của người phụ nữ:
“Cha mẹ đặt gióng sửa triêng
Có làm sao thì chịu vậy, chớ trùng triềng mà đau vai”.
Hôn nhân là điều hệ trọng nhất của đời người, thế nhưng đôi khi vì chữ hiếu phải tùy thuận theo cha mẹ mà không cần đến một lựa chọn của riêng mình.
“Nơi mô không ưng thì thầy mẹ ép
Nơi mô tốt đẹp thì thầy mẹ không thương
Em muốn lấy chồng để báo đáp thôn đương
Bởi ông trời côi không cột, nên phải náu nương đợi chờ”.
Hay là:
“Nơi con không thương thì thầy mẹ ép
Nơi tình ưa ý đẹp thì thầy mẹ đón ngăn
Thân em khác chi đá nằm côi cỏ, biết mần răng đặng chừ”.
Không một lời oán trách cha mẹ và chấp nhận những thiệt thòi về mình, không phải ai cũng có thể thực hiện được. Vì đã là con người thì lòng tham sân si đầy dẫy, nên có mấy ai được tấm lòng bao dung không bờ bến ấy? Có chăng, đôi khi vin vào hoàn cảnh, nương theo định mệnh mà chấp nhận một cách miễn cưỡng mà thôi:
“Cực thì đầu gối phải bò
Cái chân phải chạy, cái giò phải đi”
Đôi khi lời tâm sự nhớ thương cha mẹ của những người con khi xa nhà, như người con gái khi đi lấy chồng chẳng hạn, cũng đã đóng góp vào việc đáp đền chữ hiếu.
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau
Thương thay chín chữ cù lao,
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.
Nghĩ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, khiến cho người con cũng nghĩ đến những bổn phận thiêng liêng:
Mẹ già ở chốn lều tranh
Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con.
Vì vậy mà đối với những người phụ nữ không ai muốn lấy chồng xa:
Mẹ ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú, biết nhà mẹ đâu.
Nên đối với những trường hợp ngăn cách đã tạo nên một tình cảm nhớ thương thật lâm ly:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Do đó mà tất cả những người con sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, thảy đều mong cầu được gần cha mẹ, nên họ luôn luôn cầu nguyện:
Đêm đêm thắp ngọn đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Đây là ước nguyện của những người con, vì trong cuộc đời nầy không còn cảnh nào phủ phàng bằng người con thiếu vắng cha mẹ:
Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha mất gót con như bùn
Hay là:
Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ lót lá mà nằm.
Đạo Vợ Chồng là một thiên chức:
Người Việt Nam chúng ta xưa nay vẫn lấy đơn vị gia đình làm nền tảng cho sinh hoạt đời sống trong xã hội. Nên vấn đề hôn nhân, để thiết lập một gia đình là một điều rất quan trọng. Do đó mà tình nghĩa vợ chồng đã đưa lên thành một “cái đạo”, đạo vợ chồng:
Ngó qua bên tê khe thấy mấy bụi tre, bụi trừa bụi đứng
Ngó xuống dưới sông nọ có mấy hòn đá, hòn dựng, hòn nằm
Thiếp với chàng là “đạo nghĩa trăm năm”
Dẫu mai sau có giàu sang phú quý, thì chớ quên cái thuở lá trải lá nằm (hàn vi) với nhau.
Tuy nhiên, từ những xa xưa xã hội Việt Nam, nhất là các vùng thôn quê đã phải chịu ảnh hưởng rất nhiều về phong tục tập quán của thời phong kiến. Thời trọng nam khinh nữ, thời của phụ huynh sắp đặt cho con cháu. Cứ như vậy mà thuận theo, nên người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống. Có lẽ người phụ nữ Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi hơn hết, nhưng bù lại họ có được những đức tính quý báu mà không có người phụ nữ nào trên thế giới có được.
Trước nhất là đức tính không ham đua đòi:
Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người điểm phấn tô hương mặc người
Nên khi đã lấy chồng rồi thì một lòng một dạ theo chồng:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Dẫu khó khăn cực khổ bao nhiêu cũng theo chồng cho vẹn nghĩa:
Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.
Một lòng săn sóc chồng con, từ những lúc chồng đang còn thư sinh:
Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ
Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.
Với đức tính nhẫn nhịn:
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa không đời nào khê
Hay là:
Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?
Từ những công việc trong nhà, đến việc ngoài đồng áng đều quán xuyến vuông tròn:
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Tuy cuộc sống lam lũ, đầu tắt mặt tối nhưng đôi lúc thấy cuộc sống người dân quê cũng lãng mạn, dễ thương biết mấy.
Trời mưa cho lúa chín vàng
Cho anh đi gặt cho nàng đem cơm.
Họ vẫn biết tình nghĩa vợ chồng nhiều khi cũng gặp khó khăn, nhưng họ đã nâng lên thành “Đạo” rồi thì họ cố gắng gìn giữ:
Đạo vợ chồng khó lắm ai ơi
Chẳng dễ như ong bướm đậu rồi lại bay
Đạo vợ chồng chẳng dễ đổi thay
Dầu làm nên võng giá hay rủi ăn mày cũng theo nhau.
Kết luận
Thiên chức của người phụ nữ thì nhiều, chỉ kể ra vài ba tiêu biểu để làm nền tảng cho người phụ nữ mà cổ nhân đã ban tặng cho những đức hạnh như: tứ đức “công, ngôn, dung, hạnh”. Và tam tòng là: “chưa lấy chồng thì theo cha mẹ, khi có chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con (vị giá tòng phụ, kí giá tòng phu, phu tử tòng tử).
Về nhân sinh:
Nhờ vậy, dân tộc Việt Nam lấy đơn vị gia đình làm nền tảng cho việc sinh hoạt xã hội. Đã từ xưa lắm cho đến thời cận đại nền an sinh vẫn được điều hòa đẹp đẽ. Trong một gia đình, ông bà, cha mẹ và con cháu đều quây quần với nhau từ đời nầy qua đời khác. Cuộc sống giữa vợ chồng luôn hòa thuận, đặc biệt nhất là tại thôn quê chưa bao giờ nghe đến cảnh “vợ chồng ly dị hay ly thân!”. Mặc dầu các cuộc hôn nhân ấy phần lớn là do cha mẹ sắp đặt, nhiều khi hai người tuy ở làng trên xóm dưới nhưng chưa bao giờ có cơ hội “làm quen” với nhau…
Nhưng có lẽ “nguồn hạnh phúc ấy” chỉ kéo dài đến giữa thập niên bảy mươi thì chấm dứt. Vì sau khi cộng sản chiếm trọn miền Nam, đặt nền cai trị độc tài đảng trị và dần dà để cho ngoại bang lèo lái. Do đó mà “nền văn học cổ truyền” của chúng ta dần dần biến dạng theo ngoại lai. Nhưng không biến dạng một chiều mà lại theo kiểu “nửa Tây nửa Tàu”, và như vậy là “sinh hoạt xã hội Việt Nam” bây giờ tuy đa dạng, nhưng theo những dạng tiêu cực, băng hoại mà thôi!
Về phương diện “ngôn ngữ”:
Sau khi chính quyền Hà Nội xây dựng “Viện Khổng Tử” thì hình như Bộ Giáo Dục đã nhận chỉ thị cải tổ lại nền Giáo dục! Như bỏ một số môn học, Lịch sử bị bóp méo, Địa lý che giấu, Nhân văn thoái hóa… để rồi “Ngôn Ngữ” cũng sửa đổi để trở về với thời kỳ “Tiếng Nôm, rồi dần dần trở thành Hán”. (Vì vậy có người nói là bây giờ ai có về nước cần phải có “thông dịch” là đúng!)
Về vấn đề xã hội:
Vấn đề xã hội thì đã loạn. Kể cả chính quyền cũng “nuôi dưỡng xã hội đen” để đàn áp người dân! Cán bộ thì tham nhũng. Thực phẩm và nước uống thì nhiều độc tố! Nạn phá thai đầy dẫy, ly dị lên cao, gia đình không còn là nơi chốn ấm áp, yêu thương để nương tựa…
Không biết “Thiên chức của người phụ nữ Việt Nam” rồi sẽ ra sao?
Trần Đan Hà