User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
fox1
 
Cả hội trường vỗ tay vang dội tán thưởng ban nhạc Renard với bản Hồ Tộc Ca do một nhạc sĩ Hồ tộc Pháp phổ nhạc lấy cảm hứng từ bài ngụ ngôn Le Corbeau et Le Renard của La Fontaine. Vỗ tay nhiều nhất là đại biểu Chó Sói, Linh Cẩu và nhiều đại biểu thuộc động vật ăn thịt sống. Đại biểu Quạ, Kênh Kênh, Diều Hâu và các đại biểu Điểu tộc không che giấu được nét mặt không vui. Đại Bàng nói với Quạ: Về miền thảo dã rồi chúng nó biết uy danh của ta.

Tiếng vỗ tay vừa dứt, đại diện Hồ tộc lên diễn đàn. Đó là trưởng lão Chồn Đỏ (Hồng Hồ) Âu Châu tuy đã già nhưng cặp mắt sáng của ông không che giấu nổi tính độc ác và gian xảo của ông ta lúc còn trẻ.

****

Hồ tộc chúng tôi hiện diện khắp nơi trên thế giới đặc biệt ở ở Bắc Bán Cầu. Chúng tôi sống trong rừng, thảo dã ở các vùng khí hậu nhiệt đới, sa mạc, ôn đới, bán hàn đới và hàn đới trên các lục địa Á Châu, Phi Châu, Âu Châu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Người Việt Nam gọi chúng tôi là Chồn, Cáo. Theo Hán- Việt, Chồn là Hồ. Người Trung Hoa và Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa cho rằng Hồ Ly Tinh là con Chồn già hoá thành tinh. Nghĩ như vậy họ tin rằng bà Đắc Kỷ (Daji) nào đó là cốt của Hồ Ly Tinh!

Tên gọi thông thường của Hồ tộc rất phong phú trong ngôn ngữ loài người.

chon1

Trong từ ngữ của Anh có flying fox nhưng đừng nghĩ rằng đó là Chồn Bay (Phi Hồ) mà đó là anh chị Dơi (Large- fruit Bat) ăn trái cây ở các nước Đông Nam Á. Tên khoa học của Dơi ăn trái cây này là Pteropus vampyrus thuộc gia đình Pteropidae.

Các nhà động vật học cho chúng tôi mang tên La Tinh Vulpes vulpes thuộc gia đình Khuyển tộc Canidae. Các anh chị Chó Nhà, Chó Sói, Chó Đồng Cỏ (Coyote), Chó Rừng (Jackal) là thân thuộc gần của chúng tôi. Hồ tộc chúng tôi có vóc dáng của các anh chị Khuyển nhưng nhỏ hơn, mõm ngắn và nhọn. Chiều dài trung bình của Hồ tộc xê dịch từ 40 cm đến 80 cm và cân nặng từ 5 đến 11 ki- lô. Hồ tộc nhỏ con là Chồn tai to Phi Châu (fennec fox) mang tên khoa học Vulpes zerda cân nặng từ 1 đến 1.5 ki- lô. Hồ tộc có nhiều màu lông khác nhau. Hồ tộc miền hàn đới có lông trắng dày. Hồ tộc có đuôi có lông dày tựa như cây chổi tàu cau. Đuôi giúp cho chúng tôi giữ thăng bằng khi chạy, nhảy, leo trèo và sưởi ấm chúng tôi vào mùa đông. Về cách bắt mồi Hồ tộc có sự nhanh nhẹn của Miêu tộc. Người ta cho rằng chúng tôi có địa từ trường khi săn mồi. Ria của Hồ tộc chúng tôi cũng có công dụng như ria của các anh chị Mèo. Điều đặc biệt là Hồ tộc có hàm răng sắc bén và rắn chắc khả dĩ cắn nát một vật cứng như một ly nước đóng băng. Hồ tộc có thể cắn đứt thân hình một anh hay chị Chuột bằng hàm răng sắc bén và rắn chắc của họ.

Hồ tộc là động vật có vú, có xương sống, có máu đỏ, sinh con và ăn thịt sống. Thức ăn của chúng tôi là Thỏ, Chim, Cắc Kè, Rắn Mối, Chuột, Cua, Gà, Vịt, trái cây v. v. Chúng tôi được xem là động vật cô đơn. Chúng tôi hoạt động về đêm. Thị giác của chúng tôi rất tốt về đêm. Gặp ánh sáng đèn mắt chúng tôi chuyển sang màu xanh. Chúng tôi bám sát các thành phố nơi có loài người sinh sống và tìm thức ăn trong các đống rác của loài người. Cách sinh nhai này cũng giống như cách sinh nhai của các anh chị Raccoon. Trong trạng thái hoang dã chúng tôi sống trong rừng, các đồng cỏ bằng cách đào hang hay sống trong các bộng cây. Chúng tôi chạy nhảy và leo trèo rất nhanh. Tốc độ chạy của Hồ tộc chúng tôi có thể lên đến 50 km / giờ.

Nếu các anh chị Thỏ, Cắc Kè, Rắn Mối, Gà, Vịt là mồi của chúng tôi thì chúng tôi là mồi của loài người, của Beo, Đại Bàng, Chim Ưng. Khi gặp nạn Hồ tộc vểnh đuôi làm cờ hiệu. Lúc hoảng sợ và để thoát thân các anh toát lên một mùi xạ hay nước tiểu làm cho kẻ thù của họ khó chịu phải chấm dứt cuộc săn đuổi.

fox2Nam, nữ Hồ bắt đầu tuổi yêu đương khi được 12 tháng tuổi. Sau cuộc ái ân các chị Hồ mang thai trong vòng 50 đến 55 ngày thì sinh. Mỗi lứa có từ 02 đến 10 hay 12 Hồ nhi. Hồ tộc sống theo đàn. Các nam Hồ có trách nhiệm với gia đình. Các cuộc ái ân thường xảy vào mùa đông. Các chị sinh sản vào mùa xuân. Các chị chăm sóc con với sự giúp đỡ của các dì Hồ hay nữ Hồ, chị của lứa con trước. Các nam Hồ phải đi kiếm thức ăn về cho vợ và các con. Các Hồ nhi phải mất 30 ngày mới mở mắt và vành tai. Các cháu bắt đầu tập bắt các loại mồi nhỏ quanh nơi sinh sống. Thường thường tử suất Hồ nhi rất cao. Một số bị các động vật ăn thịt sống ăn thịt. Một số chết vào mùa đông giá lạnh lại thiếu ăn. Sức mạnh của xã hội Hồ tộc xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của các nam Hồ đối với gia đình, tình mẫu tử và tinh thần tương trợ của các dì Hồ và tỷ Hồ và sự đoàn kết của Hồ tộc trong đàn.

Tuổi thọ trung bình của Hồ tộc xê dịch từ 03 đến 07 năm và thọ nhất là 15 năm.

Hồ tộc chúng tôi có dòng họ khắp nơi trên Bắc Bán Cầu và một ít ở Nam Mỹ thuộc Nam Bán Cầu. Vào thế kỷ XIX các anh chị Hồng Hồ (Chồn Đỏ) được đưa sang Úc Đại Lợi ở Nam Bán Cầu. Các anh chị Khuyển hay Cẩu, Sói, Raccoon, Chó Rừng, Linh Cẩu… đều là thân thuộc gần của chúng tôi. Đại cương Hồ tộc và thân thuộc có hai đại gia đình:

1. Gia đình Canidae

2. Gia đình Mustelidae.

Gia đình Canidae

Vài dòng Hồ tộc đáng kể trong gia đình Canidae được ghi nhận như sau:

1. Hồng Hồ tức Chồn Đỏ Vulpes vulpes gốc ở Âu Châu ôn đới và bán hàn đới được đưa sang Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Vào thế kỷ XIX Hồng Hồ tộc được đưa sang Úc Đại Lợi. Không bao lâu người Úc phải tìm cách thuốc hay bẫy loài Hồ tộc này vì giết hại nhiều Trừu con. Hồng Hồ có quần áo dày màu đỏ. Gan bàn chân và phía tai có lông màu đen. Hồng Hồ dài lối 1 m; đuôi dài 50 cm có nhiều lông. Cách yêu đương của Hồng Hồ giống như Khuyển tộc. Mùa yêu đương xảy ra vào cuối mùa đông và đầu mùa Xuân. Thời gian mang thai xê dịch từ 50- 55 ngày. Mỗi lứa có từ 02 đến 12 Hồng Hồ tử. Bộ lông màu hồng của Hồng Hồ rất đẹp. Các anh chị ấy bị thợ săn giết để ăn thịt và lấy da kể cả lông. Hồng Hồ bị giết rất nhiều trong thời kỳ loài người phát động chiến dịch diệt trừ bịnh Chó dại vì Hồng Hồ cắn cũng bị bịnh như bị Chó dại cắn vậy.

chon2

2. Chồn Ăn Cua mang tên khoa học Cerdocyon thous (Kerdo: Chồn; Cyon: Chó- Hy Lạp ngữ) có nhiều ở Panama, Colombia, Venezuela, Paraguay. Chồn Ăn Cua mặc quần áo màu xám đen chuyển sang màu vàng. Đuôi dài lối 30 cm, có nhiều lông. Trọng lượng trung bình xê dịch từ 4- 8 ki- lô. Các anh chị Chồn này có tiếng ghê rợn khi mất liên lạc với nhau.

3. Chồn Sói đảo Falklands mang tên Dusicyon australis sống ở vùng khí hậu lạnh ở Nam Bán Cầu. Người Pháp gọi là Loup- Renard (Chồn Sói). Chữ australis chỉ hướng Nam hay nói rõ hơn là cực Nam của xứ Argentina ở Nam Bán Cầu. Các anh chị Chồn Sói to lớn như các anh chị Sói và mặc quần áo dày màu hung đỏ- vàng- đen. Thức ăn của Chồn Sói là Hải Âu, Chim Cút, Ngỗng, côn trùng.

4. Chồn Tai Dơi Otocyon megalotis hay Canis megalotis được tìm thấy nhiều trong thảo dã, rừng và sa mạc Phi Châu (Kenya, Mozambique, Angola, Nam Phi). Các anh chị Chồn này có tai to vểnh lên như hai ống loa. Mõm màu đen; mắt có quầng đen; quần áo màu xám. Thức ăn của Chồn Tai Dơi là côn trùng, Mối, Mọt, Nhện, Cào Cào, Bò Cạp, Dế, xác thú sình thối v.v.

5. Chồn Xám Nam Mỹ Lycalopex griseus được tìm thấy nhiều ở vùng ôn đới và bán hàn đới của xứ Argentina. Chồn Xám Nam Mỹ mặc quần áo dày màu xám. Chiều dài của các anh chị ấy xê dịch từ 65 đến 110 cm tính cả đuôi và cân nặng từ 2.5 đến 5.5 ki- lô. Thức ăn gồm có: Sò, Ốc, Chim, trứng Chim, trái cây, xác chết sình thối của các loại thú v.v.

6. Chồn Đen Blanford Vulpes cana là chồn đồng cỏ, núi hay sa mạc được tìm thấy ở Afghanistan, Iran, các quốc gia Trung Đông như Do Thái, Jordan, bán đảo Saudi Arabia v.v. Loại Chồn này còn được gọi là Chồn Đen (Hắc Hồ), Chồn Đồng Cỏ, Chồn Afghanistan. Đó là Chồn có vóc dáng và sự nhanh nhẹn của Miêu tộc. Móng vuốt Chồn Đen giống như móng vuốt của Mèo. Chồn Đen hay trèo trên đá, leo cây và nhào từ trên cao xuống đất dịu dàng như Mèo. Các anh chị Chồn Đen này có tai to; đuôi có nhiều lông rậm rạp rất đẹp. Chồn Đen vừa là động vật ăn tạp vừa ăn trái cây. Đây là loại Chồn được đề cập trong Cựu Ước Kinh phần Song of Songs 2:15 Hãy bắt Chồn, những con Chồn nhỏ bé trước khi chúng phá hủy vườn nho ra hoa. Điều này cho thấy Chồn Đen Blanford thích ăn trái nho. Lông của Chồn Đen rất đắt tiền.

7. Chồn Xám Urocyon cinereoargenteus là Chồn leo cây nhanh nhẹn như Mèo. Nhóm Hồ tộc này được tìm thấy nhiều Hoa Kỳ, Canada và Mễ Tây Cơ. Chồn Xám săn mồi rất giỏi. Thức ăn thường thấy là Chuột, Kiến, trái cây, các loại hột v.v.

chon3

8. Chồn Fennec hay Chồn Sa Mạc (Fennec do tiếng Ả Rập Fanak có nghĩa là Chồn, Cáo) mang tên khoa học Vulpes zerda (Xeros: kho- Hy Lạp ngữ) là Chồn nhỏ con mặc quần áo màu vàng. Trong trạng thái thiên nhiên Chồn Fennec đào hang sâu dưới cát để tránh sự bức nhiệt của sa mạc. Các anh chị Chồn Fennec được nuôi trong nhà như Mèo. Bộ lông dày của các anh chị Chồn Fennec rất đắt tiền. Chồn Fennec bắt đầu yêu đương khi được 09 tháng tuổi. Cuộc giao tình kéo dài đến hai tiếng đồng hồ. Trong thời gian các chị Chồn Fennec mang thai và sinh sản, các anh phải lặn lội đi kiếm thức ăn về nuôi vợ và con. Trong sa mạc ở Trung Đông và Phi Châu còn có Chồn Cát (Sa Hồ) hay Chồn Ruppell Vulpes ruepelli, tên của nhà vạn vật học Đức Eduard Ruppell (1794- 1884).

9. Ở miền hàn đới Chồn mặc quần áo trắng toát. Màu quần áo nầy chuyển sang màu xám hay hung đỏ vào mùa hè. Các anh chị Bạch Hồ này có bộ quần áo dày để chịu đựng khí hậu băng giá miền cực như Alaska, bắc Canada, Tây Bá Lợi Á, Greenland. Tên khoa học của Bạch Hồ là Alopex lagopus.  

Gia Đình Mustelidae

Thân thuộc của Hồ tộc trong gia đình Mustelidae có vóc dáng giữa Chồn + Rái + Chuột. Các loại Chồn này có chân ngắn; cổ, mình dài và nhỏ. Sau đây là vài thân thuộc Hồ tộc thuộc gia đình Mustelidae:

1. Chồn Mỏ Heo Arctonyx collaris được tìm thấy ở Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Indonesia và Hoa Nam. Các anh chị dòng Arctonyx có mỏ dài tựa như mỏ Trư tộc. Các anh chị nầy mặc quần áo dày luộm thuộm màu đen pha lẫn màu hung đỏ nhạt- xám. Chân đen; móng dài và trắng. Các anh chị Chồn Mỏ Heo dài lối 70- 80 cm, cân nặng từ 7- 14 ki- lô. Các anh chị ấy rất dũng mãnh khi bị các dã thú khác bao vây và đe dọa mạng sống. Họ sống trong hang hay hốc đá. Khi gặp nguy hiểm họ ẩn trốn sâu dưới hang. Chồn Mỏ Heo có khứu giác bén nhạy khi đi tìm mồi và trái cây.

chon4

2. Chồn Hang Miến Điện Melogale personata được tìm thấy nhiều từ Miến Điện đến Việt Nam. Chồn màu xám đen; đuôi màu trắng. Loại Chồn nầy dài lối 40- 50 cm; đuôi dài và có nhiều lông như cây chổi. Chồn Hang sống trong hang hay trong bóng cây ăn tạp như các thân thuộc khác. Khi bị loài thú dữ uy hiếp Chồn Hang tiết ra một chất nhờn rất hôi khiến cho đối phương phải ngừng tấn công.

3. Chồn Marten Martes flavigula ở Đông Nam Á, Nam và Đông Trung Hoa có lông vàng dưới cổ. Chồn Marten leo cây rất giỏi và phóng nhảy rất xa. Khi gặp hiểm nguy các anh chị trèo lên cây trốn và tiết ra một chất nhờn có mùi hôi rất độc.

4. Chồn Đen (Ferret .<.A.>.; furet .<.Pháp.>.) hay Chồn Polecat mang tên khoa học Mustela putorius có da và lông rất quí. Địa bàn của Chồn Đen là lục địa Âu Châu. Chồn Đen ăn Thỏ, Chuột, loài bò sát, Chim, Ếch, Nhái. Các anh chị Chồn Đen có thị giác kém. Họ săn mồi bằng thính giác và khứu giác. Khi gặp nguy hiểm Chồn Đen tiết ra mùi hôi rất khó chịu như là một võ khí tự vệ vậy. Các chị Chồn Đen (Policat hay Ferret) bị mất hồng huyết cầu và đi đến tử vong nếu không giao tình với các anh Chồn Đen! Đây là một đặc điểm đáng lưu ý của dòng Mustela putorius.

5. Các loại Chồn Ermine Mustela erminea, Chồn Tí Hon Mustela nivalis, Chồn Mink Mustela vison ở vùng ôn đới lạnh và hàn đới ở Âu Châu, Mỹ Châu và Bắc Á đều có lông dày màu trắng. Màu lông thay đổi vào mùa hè.

chon5

6. Ở Phi Châu, Nam Âu có Chồn ăn mật ong như Hùng tộc (Gấu). Đó là Chồn mang tên khoa học Mellivora capensis.

7. Chồn Hôi (skunk) ở Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ mang tên khoa học Spilogale putorius thuộc gia đình Mephitidae, cân nặng lối 3 ki-lô. Các anh chị chồn hôi trèo cây rất giỏi. Nơi cư ngụ của các anh chị là các bộng cây. Anh chị mang tên Chồn Hôi vì có gương mặt phảng phất Hồ tộc; quần áo đen có sọc dọc theo thân màu trắng. Đuôi của Chồn Hôi như cây chổi. Chồn Hôi tiết ra một chất nhờn hôi và độc. Đó là võ khí tự vệ của dòng tộc này.

8. Chồn Ăn Cá được người Anh gọi là fisher cat (Mèo câu bắt cá) ở Hoa Kỳ và Canada mang tên khoa học Martes pennanti. Chồn Ăn Cá là loài ăn tạp. Ngoài Cá họ còn ăn Chim, Chuột, Sóc, Thỏ v.v. Lông của tộc này được loài người ưa chuộng. Chồn Ăn Cá Martes pennanti khác với các anh chị Rái Lutra lutra cùng gia đình Mustalidae, sống dưới nước và bắt Cá rất giỏi.

chon6

9. Chồn Gulo gulo tạm gọi là Chồn Háo Ăn (Chữ Gulo phát xuất từ tiếng La Tinh có nghĩa là cuống họng; ăn ngon miệng) hay Chồn Wolverine (wolf: Chó Sói). Loại Chồn nầy sống ở vùng khí hậu lạnh như Bắc Mỹ, Bắc Âu, Tây Bá Lợi Á, Mãn Châu v.v. Vì vậy các anh chị Chồn Gulo Gulo ăn mặc quần áo dày để chịu đựng nổi cảnh băng giá ở nơi họ sinh sống. Các anh chị Chồn Gulo Gulo có hàm răng sắc bén khả dĩ cắn nát thịt đông đá ở vùng khí hậu hàn đới.

****

Thưa quí vị, chúng tôi chỉ sơ lược vài thân thuộc của chúng tôi. Riêng trong họ Canidae chúng tôi xin miễn đề cập đến các thân thuộc như Chó Sói, Chó Nhà, Chó Rừng, Chó Dingo v.v..  vì Khuyển tộc có bài tham luận riêng.

Như quí vị đã thấy, loài người và một vài động vật khác không ưa thích gì chúng tôi. Loài người ghét chúng tôi vì chúng tôi ăn Gà, Vịt, Ngỗng của họ. Để trừng trị chúng tôi họ gài bẫy bắt chúng tôi rồi hứng khởi cho chúng tôi chết ngộp trước khi làm thịt. Do đó người Việt Nam có câu: Ăn quen Chồn Đèn mắc bẫy. Ở bất cứ nơi nào trên Trái Đất nhất là ở Âu Châu người ta cỡi ngựa và dẫn theo Chó bầy để săn bắn, giết và bắt sống chúng tôi. Các anh Chó, thân thuộc với Hồ tộc chúng tôi không ngần ngại cắn cổ dòng họ chúng tôi để phục vụ cho loài người. Ở Úc Chó Dingo giết hại Hồ tộc chúng tôi vô số. Bây giờ chúng tôi mới hiểu tại sao loài người thương yêu Khuyển tộc và gán cho họ nhiều đặc tính như trung thành, mến chủ, không bao giờ bỏ nhà của chủ v.v. Theo sự hiểu biết thô thiển của Hồng Hồ thì những người khen Khuyển tộc đều là những người khá giả. Trái lại những người nghèo, người hành khất lại nói: Chó sủa người áo rách. Hồ tộc chúng tôi khủng khiếp vì những cuộc săn bắn Chồn qui mô ở Âu Châu. Bây giờ Hồ tộc chúng tôi giảm dân số nên ở Âu Châu người ta có luật cấm săn Chồn. Scotland ban hành luật cấm săn bắn Chồn năm 2004. Trước những luật này chúng tôi không còn biết nói gì hơn:

Có còn hơn không

Trễ còn hơn không bao giờ có.  

Loài người vẫn tiếp tục bắn giết Hồ tộc chúng tôi để lấy thịt, da và lông. Phụ nữ của loài người càng sang trọng càng phải có áo khoác có lông Chồn miền ôn đới hay hàn đới. Muốn có những chiếc áo đẹp như vậy phải giết bao nhiêu Hồ tộc?

Các anh chị Gà, Vịt, Ngỗng, Chim, Cắc Kè... oán ghét Hồ tộc chúng tôi. Xin các anh chị bình tâm suy nghĩ các anh chị có biết các anh chị gây khổ cho bọn Trùn, Dế, Kiến, Sâu Bọ... như thế nào không?  

Thưa quí vị, bịnh chủ quan cho phép người ta thấy lỗi lầm và tội ác của người khác mà không thấy ác tâm và sự tàn độc của chính mình. Vũ trụ có to lớn và già nua nhưng nó luôn luôn bị bao quanh bởi những vấn đề lẩn quẩn không bao giờ có lối thoát tốt đẹp và trọn vẹn. Các anh chị Điểu tộc biết có bao nhiêu Hồ tử bị Chim Ưng, Quạ, Đại Bàng bắt cóc và ăn thịt không?

Thân xác Hồ tộc bị loài người chặt từng mảnh ngâm nước muối và giấm một đêm rồi đem ra nấu ra-gu với khoai tây, củ cải cà-rốt. Người Việt Nam có vẻ đơn giản hơn vì thiếu thịt trong đời sống hàng ngày. Họ dùng bột nghệ xào thịt chúng tôi với nước cốt dừa. Có người nấu thịt Hồ tộc với rượu chát như nấu thịt Thỏ vậy. Có người ăn thịt Chồn như ăn Cẩu nhục. Vậy mà họ chê thịt Hồ tộc dai. Lông Hồ tộc được dùng trong các áo đắt tiền của phụ nữ. Xạ của Hồ tộc được các thầy thuốc Đông Y dùng làm thuốc.

Loài người dùng mọi từ ngữ để nói xấu chúng tôi, đồng hóa Hồ tộc chúng tôi với phường lường gạt, mưu mô, xảo quyệt. Những từ Chồn, Cáo, Hồ Ly Tinh, Fox, Foxy, Renard của Việt Nam, Trung Hoa, Anh và Pháp không có nghĩa tốt bao giờ. Chúng tôi không sợ sự phê phán của loài người. Họ ghét chúng tôi có nghĩa là họ nể chúng tôi. Họ không dám khinh thường chúng tôi. Lạ gì thái độ của loài người. Nghèo thì họ khinh. Ngu thì họ hiếp đáp. Giàu và khôn thì họ ganh tỵ, suy bì và ghét bỏ. Nói như vậy để thấy loài người có nể sợ chúng tôi vì Gà, Vịt, Ngỗng.. của họ dễ bị chúng tôi ăn sạch. Hồ Cá của họ bị các anh chị Rái vét sạch!  

Người Trung Hoa gieo oán hận cho loài người đối với chúng tôi qua nàng Daji (Đắc Kỷ) đẹp tuyệt sắc nhưng ác độc không ai bằng. Người ta cho rằng nàng là hiện thân của Hồ Ly Tinh. Vào thế kỷ XV các Nho gia ủng hộ nhà Trần cũng có những ám chỉ tương tự đối với Hồ Quý Ly, người soán ngôi nhà Trần và lập ra nhà Hồ (1400- 1407).

Ông Aesop sống ở Hy Lạp vào thế kỷ VI trước Tây Lịch. Ông La Fontaine sống ở Pháp vào thế kỷ XVII. Hồ tộc chúng tôi có thù oán gì với hai ông đâu. Vậy mà hai ông viết bài Con Quạ và Con Chồn để chửi Hồ tộc chúng tôi dùng miệng lưỡi tâng bốc anh Quạ để anh nhả bánh sữa cho Hồ lão bối, tiền nhân của chúng tôi, ăn. Rồi họ chọc quê anh Quạ mê nghe lời nịnh hót mà mất bánh sữa.

Người Việt Nam phân loại Hồ tộc chúng tôi qua màu quần áo và vóc dáng.

Chồn Bông Lau là chồn mướp, lông xám có vết đen giống như bông lau.
Chồn Cáo là Chồn to lớn.
Chồn Đen là Chồn mặc quần áo đen.  
Chồn ngận là Chồn to lớn và rất dữ.

Hồ giả hổ oai (uy) là Cáo mượn oai Hùm (Cọp).
Hồ quần Cẩu đảng nghĩa là Chồn bầy Chó lũ.
Thố tử Hồ bi nghĩa là Thỏ chết, Chồn buồn. Tuy không là đồng loại nhưng vẫn có sự thương xót nhau khi lâm chung.  (Dưới hội trường một anh Thỏ la lớn: Hồ tộc giết chúng tôi còn gì nữa mà buồn!)
Chồn bầy Cáo lũ nói lên nếp sống tập đoàn của Hồ tộc và thân thuộc nhưng những chữ bầy và lũ có nghĩa chê bai, khinh bỉ, ghét bỏ hơn là khen ngợi.

Người Việt Nam nói tốt cho Hồ tộc thì ít mà nói xấu thì nhiều. Dù vậy họ lại thích uống cà phê cứt Chồn. Hồ tộc chúng tôi không hiểu tại sao Chồn ăn trái cà phê chín và vất hột cà phê ra ngoài bằng đường tiêu hóa và hột cà phê đó trở thành cà phê ngon. Chúng tôi không hiểu mỗi ngày loài người phải mất bao nhiêu thì giờ đi tìm phân chồn và lấy được bao nhiêu hột để có cà phê cứt chồn được khen là cà phê ngon độc đáo?

Chữ Fox là tên một bộ lạc Da Đỏ ở Wisconsin và cũng là ngôn ngữ Algonquian của bộ lạc Fox, Sauk va Kickapoo. Fox là tên một đài truyền hình ở Hoa Kỳ.

Ermine là tên một dòng Hồ tộc Mustela ermina. Ermine cũng chỉ thứ bậc, phẩm hàm hay qui chế của vua chúa, công hầu khanh tướng hay thẩm phán ở Âu Châu ngày xưa khi mặc áo lông Chồn Ermine vào những ngày lễ.

Wolverine là Chồn Háo Ăn Gulo gulo. Chữ Wolverine viết hoa là tên một bộ lạc ở Michigan hay cư dân của tiểu bang này. Tiểu bang Michigan còn có biệt danh là Wolverine State.

Trong tiểu bang Massachusetts có một thành phố nhỏ tên Foxborough.

Trong Thánh Kinh Chồn được đề cập đến trong sách Judges 15:3- 5; Nehemiah 4:3; Luke 13:32; Song of Songs 2:15; Ezekiel 13:4; Mathew 8:20; Lamentation 5:18.

Trong thực vật học có:

- Cây Đuôi Chồn tức Đậu ma Flemingia macrophylla
- Foxnut (Hoa Súng Gai- Khiếm Thực) Euryale ferox
- Fox brush (Hoa Nữ Lang Đỏ) Centranthus ruber
- Fox tail orchid (Phong Lan Ngọc Điểm) Rhynchostylis gigantea
- Fox tail millet (Kê Đuôi Chồn) Setaria italica
- Fox tongue melanoma (Cây Mua) Melastoma sanguineum

Trong Thiên Văn học có chòm sao Vulpecula tức Little Fox (Tiểu Hồ hay Tiểu Cáo) nằm giữa sao Cygnus (Thiên Nga) và Aquila (Đại Bàng).

Trong Đề 40 con Chồn mang số 36 trước Ông Trời (số 37) và sau Dê (số 35).

Ở Hoa Kỳ có rất nhiều bài hát nhi đồng về Fox (Chồn).

Trong y học Hồ tộc mang cho loài người bịnh dại như Khuyển tộc. Bị Chồn cắn cũng nguy hiểm như bị Chó, Chó Sói, Dơi, Raccoon… cắn. Vi khuẩn Lyssavirus thuộc gia đình Rhadoviridae gây ra bịnh dại (rabies, hydrophobia) và dẫn đến tử vong. Hồ tộc cũng mang lại cho loài người một loại bịnh mới gây tử vong: bịnh SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome- Hội Chứng Hô Hấp Cấp Tính) do vi khuẩn SARS coronavirus gây ra. Bịnh này bùng nổ trước tiên ở Trung Quốc năm 2002 gây thiệt mạng nhanh chóng cho 774 người trong số 8,096 người bị nhiễm bịnh. Ở Hoa Kỳ có 27 người nhiễm bịnh SARS nhưng thoát chết.

Thưa quí vị, Hồ tộc chúng tôi oán ghét loài người. Họ gây khiếp sợ cho dòng họ chúng tôi bằng những buổi săn bắn được tổ chức rầm rộ. Họ bắn giết dòng họ chúng tôi để ăn thịt, lấy da, lấy lông bán. Họ bắt vài anh chị Chồn có vóc dáng bề ngoài đẹp đẽ để nuôi trong nhà làm công tác bắt Chuột thay cho anh chị Mèo. Khi bịnh dại bùng phát họ tàn sát chúng tôi vì cho rằng Hồ tộc cắn cũng gây bịnh dại ngộp nước và tử vong như bị các anh chị Chó cắn vậy. Thế là Hồ tộc bị thảm sát hàng loạt, bỏ xác xuống hầm thiêu hủy mất xác. Chuyện lưu đày Hồng Hồ tộc sang Úc Đại Lợi gây cảnh phân ly của nhiều gia đình Hồng Hồ trên lục địa Âu Châu. Hồng Hồ bị lưu đày không bao giờ trở lại sinh quán của mình. Đến Úc, do mặc cảm lưu đày và mất gốc, các anh chị yêu thương nhau nhiều hơn. Không bao lâu dân số Hồng Hồ gia tăng. Ở Úc người ta nuôi trừu rất nhiều. Các anh chị Hồng Hồ dẫn các Hồ nhi ra đồng cỏ thưởng thức thịt trừu con. Vì chuyện này mà Hồng Hồ bị loài người tấn công liên hồi. Độc ác hơn là dùng mấy anh Chó Dingo, thân thuộc của chúng tôi, cắn giết Hồ tộc đẫm máu không một chút thương tâm. Chút cơm thừa đã làm cho các anh chị Dingo quên thân thuộc và trở nên tàn bạo.

Chúng tôi xin dứt lời và kính chúc quí vị một ngày vui.

Bản nhạc Renard trỗi bản C’est là Vie vang rền.

Trưởng lão Hồng Hồ tộc Anh Quốc Vulpes vulpes.


Phạm Đình Lân, F.A.B.I

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com