Ở miền Bắc Việt Nam, ca dao được sưu tập và phân loại rất chu đáo. Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc với bộ Tục Ngữ Phong Dao đã làm công việc này một cách có quy cũ, giúp ích nhiều cho người nghiên cứu. Ở miền Nam trước đây, ông Đào Văn Hội cũng có xuất bản tập sách về ca dao, nhan đề là Hương Hoa Đất Nước, tuy giá trị nhưng không phổ biến bằng.
Như ta đã biết, tổ tiên ông bà người miền Nam là những phiêu bạt từ phương Bắc vào, dừng chân nơi đất Thuận Quảng rồi vào tận đồng bằng sông Cửu Long ở cực Nam của đất nước. Trong khi di dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, tiền nhân đã sản sinh ra nhiều làn điệu ca dao, dân ca phong phú, có hình thức cùng giá trị độc đáo riêng. Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin phác qua vài nét...
* Tiếng Hò Câu Hát Trong Sinh Hoạt Hàng Ngày
Xã hội miền Nam nặng về nông nghiệp. Cuộc sống chậm chạp, êm đềm. Chỉ khi đi cày, đi gặt, khi đập lúa dưới trăng... sinh hoạt miền Nam mới trở thành nhộn nhịp. Những câu hò, câu hát vang lên.
Người ta đối đáp nhau để bày tỏ niềm vui khi lúa chín đầy đồng:
Hò chơi cho trọn buổi chiều,
Keo sơn quấn chặt, sợi chỉ điều se săn.
Khi đôi mắt cùng liếc, đôi lòng cùng ưa:
Thò tay mà ngắt ngọn ngò,
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ
Thế nhưng khi duyên nợ không thành, thì câu hát đổi thành lời trách cứ nhẹ nhàng:
Hò ơ... cúc mọc bờ sông kêu là cúc thủy,
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa.
Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng ơ...
Ngoài việc diễn tả tâm tình, tiếng hò câu hò miền Nam còn để mô tả phong tục:
Con chim chìa vôi bay qua đám thuốc,
Con cá bãi trầu lội tuốt mương cau. (Tục ăn trầu)
Gió đưa gió đẩy bông trang,
Bông búp về nàng, bông nở về anh.
Khi làm đám hỏi thì anh phải đi đôi bông búp vì cô gái còn ở “nhà nàng”. Nhưng đến ngày lễ cưới, chàng trai phải đi một đôi bông nở vì lúc đó em đã về ở “nhà anh”.
Hoặc để dạy những điều luân lý đơn sơ:
Trồng trầu thì phải khai mương,
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
Hay:
Anh bảy đen, đồng bạc trắng,
Em ham chi đồng bạc con cò
Đêm nằm với nó đen mò như cục than!
Nghệ thuật ca hát dân gian này rất được ưa chuộng ở miền Nam. Nó có sức hấp dẫn lạ thường. Chúng tôi xin tạm phân làm ba loại hò: Hò trên cạn, hò trên sông nước và hò giao duyên hay đối đáp.
- Hò trên cạn:
Người ta hò trên cạn, khi cấy lúa, gặt hái hoặc đôi khi chỉ nhằm vui chơi giải trí. Đến mùa cấy, tiếng hò vang vang trên đồng từ tinh mơ đến chạng vạng tối. Nhiều cặp trai gái vì mê giọng hò của nhau mà kết thành chồng vợ. Các loại hò trên cạn này rất đa dạng và phong phú. Ta có thể kể hò cấy, hò giọng đồng, hò bản đờn, hò cống chùa v.v...
* Hò cấy:
Ơ ơ hò ơ ớ...
Kiến bất thủ như tầm thiên lý,
Thương không thương (ờ) tự ý của nàng.
Chớ đừng như (ờ) con Đắc Kỷ (ờ) mà theo (ơ) phò Trụ Vương (ơ)...
Ớ ớ hò ơ ớ...
Phụ mẫu anh đánh quằn đánh quại, đem anh ra (ờ) treo tại nhành dương (ơ)...
Ớ hò ơ ớ...
Phụ mẫu của anh biểu anh từ ai (ờ) anh từ đặng (ơ)
mà biểu từ người thương thì anh không có (ơ) đành...
* Hò giọng đồng:
Ớ... ngọn bù rầy ngọn dài ngọn vắn,
Cải tần ô ngã dọc ngã ngang.
Trái dưa gang sọc trắng sọc (ơ) vàng (ừ)
Cọng rau đắng trong trắng ngoài xanh.
Công anh đắp rẫy bồi (ơ) thành (ờ),
Trồng cây dưỡng trái (mà) để (ơ ơ) dành ai (ờ) ăn (ơ)...
* Hò bản đờn: mô phỏng các tiếng đàn dân tộc, vui nhộn, nhịp nhanh:
Em thương anh hổng biết thì để đâu nè!
Ú liu phàn,
Để trong mà họng súng nè,
Ú liu phàn,
Lâu lâu em bóp cò, bắn cái rầm.
* Hò cống chùa: nhanh, vui, mô phỏng tiếng tụng niệm kinh kệ của thầy chùa.
Khoai lang lột vỏ chặt bỏ từ hai đầu nè!
Nam mô phù!
Có chồng mà thầy thuốc nè!
Nam mô phù!
Hôi mùi xạ hương!
Nam mô phù, địa tạng du...
- Hò trên sông nước:
Miền Nam sông sâu nước chảy, kinh rạch chằng chịt nên những sinh hoạt trên sông nước rất phát triển. Từ đó phát xuất những điệu hò như hò chèo ghe, hò mái trường, hò mái đoản, v.v...
Tàu xúp lê một anh còn mong đợi
Tàu xúp lê hai anh than vắn thở dài.
Tàu xúp lê ba tàu ra biển bắc
Vịn song sắt nước mắt nhỏ bên (ơ ớ) đông...
Mở miệng kêu bớ chú tài công,
Chớ chú ôi làm chi cho phân vợ rẽ chồng (ơ) đêm năm canh...
- Hò giao duyên:
Rất được phổ biến và ưa chuộng. Trai gái mê nhau qua giọng hò mùi mẫn, tài ứng đối nhanh nhẹn, đồng thời cảm hóa nhau về đức hạnh, tính nết và sự cần cù. Loại hò này chia làm ba chặng diễn xướng. Chặng một là hò rao, hò dạo để tìm hiểu đối phương. Lời hò khiêm nhượng, từ tốn. Chặng thứ hai là hò đố, hò kết bạn, hò se duyên. Đây là giai đoạn chính của cuộc hò, rất sôi nổi, hồi hộp và hết sức hào hứng. Chặng ba là hò giã từ, hẹn nhau trong mùa cấy khác.
Xin hãy nghe một cậu trai tỏ tình:
Hò ơ...
Bạc với vàng con đen, con đỏ.
Đôi đứa mình còn nhỏ thương nhiều.
Vừa nghe tiếng em là anh muốn như anh Kim Trọng,
Anh Kim Trọng thương chị Thúy Kiều thuở xưa ơ...
Cô gái đáp lại ngay:
Hò ơ...
Ớ người không quen ơi,
Nghe anh, em cũng muốn thương nhiều,
Nhưng hoa đà có chủ...
Hoa đà có chủ..
Cũng khó chiều dạ anh (ơ)...
Dễ gì chịu rút lui, chàng trai hò tiếp:
Hò ơ...
Chim kia còn thỏ thẻ trên cành
Nghe em nói vậy,
Dạ không đành rẽ phân (ơ)...
Cô gái tỏ ra phân vân:
Hò ơ...
Bình bồng giữa chốn giang tân,
Bên tình bên nghĩa ờ...
Bên tình bên nghĩa,
Biết thân bên nào?
Cậu trai được thế, nhào vô:
Hò ớ ơ... em ơi,
Nhứt lê, nhì lựu, tam đào.
Bên tình bên nghĩa...
Bên nào cũng đồng thân.
Thấy chàng trai có vẻ “xôm vô”, cô gái liền làm cao:
Hò ơ...
Nói mà chơi vậy chớ,
Gió thổi hiu hiu, lục bình trôi riu ríu,
Anh đừng bận bịu, bớ điệu chung tình.
Con nhạn bay cao khó bắn,
Mà con cá ở ao quỳnh cũng khó câu ơ...
Bị thách thức, chàng trai đâu dễ chịu thua:
Hò ơ...
Ớ nầy em hai ơi, hãy nghe cho kỹ,
Xưa nay gái không cưới chồng, trai không ở giá.
Anh đoái thương nàng xinh đã quá xinh
Buông lời cất tiếng nỉ non,
Nếu như nàng lo việc cháu con,
Sao không kiếm chốn trao thân gởi thế?
Trên đời bá công bá nghệ, dưới lại là tứ thứ tứ dân.
Làm người sao khỏi chữ lương nhân,
Mà nàng đành chịu để phòng không chiếc bóng?
Sách có chữ: phụ nhân nan hóa, ít kẻ yêu vì,
Nên lấy chồng phải luận phải suy,
Phải xem trong lóng đục.
Đây đã đến thời, phải lúc,
Hay nàng còn cúc dục cù lao?
Hơ... ơ... để anh ngơ ngẩn ra vào,
Thầm yêu trộm nhớ, dạ nào bỏ anh ơ...
Anh chàng hí hửng tưởng mình đã ở thế thượng phong, nhưng cô nàng đáp lại ngay:
Hò ơ...
Ớ nầy anh nó ơi,
Phận em giao phó cho trời xanh,
Lấy anh thì em không lấy,
nhưng cũng không đành làm ngơ...
Hò ơ...
Vốn em cũng chẳng bơ thờ,
Em đã từng chọn trong lóng đục,
nhưng vẫn còn ngờ nợ duyên...
Hò ơ...
Vốn em cũng muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang,
nhưng em lại sợ ổng hay gia hay giảm
Em cũng muốn lấy ông thầy pháp cho ra đám,
nhưng sợ ổng hét la ghê gốc.
Em muốn lấy chú thợ mộc,
nhưng sợ chú hay đục khoét rầy rà.
Em muốn lấy ông thợ cưa cho thật thà,
nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt.
Em muốn lấy người hạ bạc,
nhưng lại sợ mang lưới mang chài.
Em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai,
nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới.
Em cũng muốn chọn anh thợ rèn kết ngỡi,
nhưng sợ ảnh hay nói tức nói êm.
Em muốn lấy anh đặt rượu làm men,
nhưng lại sợ ảnh hay cà riềng cà tỏi.
Em muốn lấy ông nhạc công cho giỏi,
nhưng sợ ổng hay giọng quyển giọng kèn.
Em muốn lấy thằng chăn trâu cho hèn,
nhưng lại sợ nó nhiều điều thá, ví.
Em muốn lấy ông lái buôn thành thị,
nhưng sợ ổng kêu rêu mắc rẻ khó lòng.
Em muốn lấy anh thợ đóng cột, đóng thùng,
nhưng sợ ảnh hay trật niềng, trật ngõng.
Em muốn lấy ông hương, ông tổng,
nhưng lại ghê việc chống, việc gông.
Em muốn lấy anh hàng gánh tay không,
nhưng lại sợ đầu treo, đầu quảy.
Em muốn lấy anh thợ đát, thợ đan,
nhưng sợ ảnh hay bắt phải, bắt lỗi.
Em muốn lấy anh kép hát bội,
nhưng lại sợ giọng rỗi, giọng tuồng.
Em muốn lấy anh thợ đóng xuồng,
nhưng sợ ảnh hay dằn, hay thúc.
Hò ơ... Mấy lời trong đục,
chẳng dám nói ra.
Có thầy giáo tập dạy ở làng ta,
hay khuyên hay điểm,
hay dạy, hay răn.
So đức hạnh ai bằng,
Lại con nhà văn học,
Sử kinh thầy thường đọc,
biết việc thánh hiền.
Hò ơ...
Gặp nhau em kết nghĩa liền,
Không chờ chẳng đợi,
cho phỉ nguyền phụng loan ơ...
Nghe phân giải rõ ràng, chàng trai chẳng còn cách nào khác hơn là im lặng tôn trọng quyết định của nàng.
* Những Câu Hát Ru Em
Hát ru em, hát đưa em, hát ầu ơ là một loại hát ru phổ biến rộng rãi từ thành thị đến nông thôn. Vào những buổi trưa vắng lặng, những đêm khuya yên tĩnh, những sáng sớm tinh mơ... cùng với tiếng võng đưa kẽo kẹt, giọng hát sầu ơ dịu dàng, vỗ về trìu mến của bà, của mẹ, của chị đã vang mãi trong lòng đứa trẻ từ ấu thơ đến tuổi trưởng thành.
Trong khi hát, người phụ nữ đã gửi gắm tâm sự mình. Hoặc than thân trách phận vì bị chồng phụ bạc:
Ầu ơ... ớ...
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Gió nào độc bằng gió Gò Công.
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng,
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.
Hoặc giãi bày niềm chua xót cho tình duyên lận đận lao đao:
Ơ ầu ơ...
Cây da tróc gốc thợ mộc đang cưa,
Anh với em tuổi tác đã vừa,
Tại cha với mẹ kén lừa sui gia...
Cũng có khi nó chỉ là những điều phổ thông:
Ví dầu cá bống hai hang,
Cá trê hai ngạnh, tôm càng hai râu.
Những bài học luân lý đơn giản:
Chim quyên hút nhụy bông quỳ,
Trời Nam lục tỉnh thiếu gì gái khôn.
Con gái khôn lấy nhằm chồng dại,
Bứt bông hoa lài cặm bãi cứt trâu!
* Những Biến Thể Của Ca Dao Miền Nam
Ngoài những điệu hò câu hát, ca dao miền Nam còn có những hình thức ca hát biến thiên theo sinh hoạt nông thôn như hát sắc bùa, hát lô tô, nói thơ, nói vè.
Hát sắc bùa là loại âm nhạc nằm giữa truyền thống dân gian và chuyên nghiệp, chủ yếu sinh hoạt vào dịp Tết để chúc tụng. Mỗi nhóm hát sắc bùa có từ 4 đến 6 người, vừa hát vừa sử dụng trống cơm, sanh tiền và đờn cò. Vào khoảng 28 Tết, họ đi theo dọc đường, thấy nhà hào phú nào mở cửa ngõ thì vào dán lá bùa nơi cửa, rồi nổi trống phách lên hát mừng để nhận tiền thưởng. Tùy theo nghề nghiệp của gia chủ mà họ hát bài thích hợp. Sau đây là bài Chúc Nghề Làm Ruộng:
Làm ruộng! Làm ruộng!
Gặp trời mưa xuống,
Gieo mạ đã xong.
Bắt trâu dực nông,
Cày cho đất bã.
Kêu công nhổ mạ,
Lại cấy cho dày,
Lúa tốt thấy da,
Một bông bảy nhánh,
Gặt dư muôn ngân,
Bán cho đặng giá,
Năm mới giàu sang,
Gia quan tấn lộc.
Trừ tà trục quỉ thì có ông thầy pháp với những bài thần chú:
Thần kim phục vong,
Kiết mẹ chằn tinh
Cư hải động oai cường,
Chức thông biến hóa.
Đã nên tài thái cả,
Phải một mặt oai linh.
Bữa bà ăn ba động yêu tinh,
Khát nước uống sơn khê suối cạn... a...
Tết đến thì tiếng hát lô tô vang vang xóm trên xóm dưới, thu hút đám trẻ con chạy đến:
Đường Vương bị vây
Tại Mộc Dương thành.
Quan quân thất kinh,
Giảo Kim viện binh,
La Thông tảo Bắc,
Đánh gắt chị Đồ Lư,
Số 4 dư...
Rồi người ta lại nghe những bài vè, hoặc để kể sự vật hoặc để tỏ thái độ phê phán hay biểu dương.
Loại vè kể vật hay việc, ta có vè hoa, vè trái, vè chim, vè thú...:
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè trái cây,
Dây ở trên mây,
Là trái đậu rồng,
Có vợ có chồng,
Là trái đu đủ,
Chặt ra nhiều mủ,
Là trái mít ướt,
Hình tựa gà xước,
Vốn thật trái thơm,
...
Có cả vè nói ngược:
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè nói ngược,
Ngựa đua dưới nước,
Tàu chạy trên bờ,
Lên núi đặt lờ,
Xuống sông bửa củi
Gà cồ hay ủi
Heo nái hay bươi,
...
Nhưng phổ thông nhất, mục đích chính của vè là phê phán, truyền đi những tin tức thời sự nóng hổi, những giai thoại hoặc những gì liên quan đến thuần phong mỹ tục:
Vè Hương Quản Rớt
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè Quản Rớt,
Mặt tuồng ăn ớt,
Làm bộ hơi lanh,
Nghe hơi tiêu hành,
Lò mò đi tới.
Làm tuồng khách quới,
Mà chẳng ai ưa,
Uống rượu say sưa,
Tiền không nhứt điếu.
Bây giờ mới hiểu,
Là đứa bãi buôi,
Làm chức lôi thôi,
Là Hương Quản Rớt.
Một hình thức khác của ca dao là nói thơ. Lối nói thơ có lẽ chỉ mới xuất hiện ở miền Nam vào khoảng cuối thế kỷ 19 nhưng có sức hấp dẫn lạ kỳ, phản ánh những sự kiện có thực trong xã hội, chẳng hạn Thơ Thầy Thông Chánh, Thơ Sáu Trọng, Thơ Hai Miêng...
Thơ Thầy Thông Chánh
Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
Chép làm một bổn để mà coi chơi.
Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tài,
Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan,
Đêm nằm nát một lá gan.
Oán cừu biện lý không an trong lòng.
Chừng nào rõ đặng đục trong,
Giết đặng Biện Lý thì tôi mới đành.
...
Qua các điệu hò câu hát, ta thấy sinh hoạt miền Nam thật linh động, phong phú. Ngày nay, dưới sự cai trị của bạo quyền Cộng sản, người dân vẫn tiếp tục làm giàu thêm kho tàng ca dao, ghi dấu một giai đoạn đau thương của dân tộc mà câu dưới đây là một thí dụ:
Bước chân ra bến Ninh Kiều,
Dưới chưn tượng bác, đ... nhiều hơn dân.
Đúng hay sai? Ai ở miền Nam đều biết!(Làng Văn)
Xuân Tước