Tiền chiến là thời kỳ đánh dấu bằng những sự thay đổi lớn trong văn học Việt Nam. Từ bao đời, thi ca Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền văn học Nho giáo và sự ràng buộc khắt khe của chế độ phong kiến. Nói đến thơ Việt, người ta chỉ nghĩ ngay đến thể thơ Đường Luật thất ngôn bát cú mà từ giới thượng lưu quan quyền, vua chúa đến các bậc nho sĩ đều chuyên dùng. Học sinh đến trường phải thuộc Tứ Thư Ngũ Kinh, Tam Tự Kinh, được giáo dục Thi, Thư, Lễ, Nhạc và chịu gò bó tư tưởng, đạo đức, tinh thần, cảm xúc của mình trong một khuôn khổ nhất định theo triết lý Khổng- Mạnh: Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức…
Đầu thế kỷ 20, sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam cùng với chủ nghĩa tư bản và văn hóa phương Tây đã gây ra những xáo trộn lớn trong xã hội. Giới thượng lưu Việt Nam hình thành một giai cấp mới, gọi là tư sản với lối sinh hoạt thành thị mới theo văn minh Phương Tây. Giới trí thức trẻ được đi học trường Tây, được học chữ Pháp, được tiếp thu nền văn hóa lãng mạn Pháp và nhanh chóng nhận thấy sự gò bó khắt khe của vần luật, niêm luật và đối ngẫu trong thơ Đường Luật đã hạn chế tiếng nói tự nhiên của con tim: “Cái nghề thơ Đường luật khó đến như thế, khó cho đến đỗi kẻ muốn làm thơ, mỗi khi có nhiều tư tưởng mới lạ muốn phát ra lời, song vì khó tìm chữ đối, khó chọn vần gieo, nên ý tưởng dầu hay cũng đành bỏ bớt. Cái phạm vi của thơ Đường luật thật là hẹp hòi, cái qui củ của thơ Đường luật thật là tẩn mẩn. Ta nếu còn ưa chuộng mà theo lối thơ này mãi, thì nghề thơ văn của ta chắc không có bao giờ mong phát đạt được vậy… » (Trịnh Đình Rư- Phụ Nữ Tân Văn 1929). Thanh niên thời bấy giờ, không còn như giới hũ nho, chỉ biết hễ mở miệng là xổ Nho hay đặt bút xuống là kê Nho, mà bắt đầu yêu chuộng những vần điệu nhẹ nhàng phát xuất từ cảm xúc sâu xa của tâm hồn trước cái đẹp của vạn vật, cuộc đời, sự sống, con người và tình yêu. Và thơ Mới lúc ấy đã ra đời, chấm dứt một thuở vàng son thịnh trị của thơ Đường.
Từ khi tôi mới bước vào lứa tuổi ô mai, biết mơ mộng, biết làm thơ thì dòng thơ tiền chiến đã luôn lôi cuốn và thu hút tôi cho đến bây giờ. Với tôi, thơ tiền chiến là thơ của một thời thanh bình, lãng mạn, thơ của tình yêu, của mộng mơ, mà từng lời thơ đều gọt giũa trau chuốt đẹp đẽ. Có lẽ vì ảnh hưởng bởi dòng thơ lãng mạn của Rimbaud, Beaudelaire, Verlaine, cho nên các nhà thơ tiêu biểu cho thời kỳ này như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh… đã làm nên cuộc cách mạng lớn trong thi ca Việt Nam.
Tình yêu muôn đời là nguồn cảm hứng không bến bờ của mỗi người trong chúng ta. Tôi còn nhớ, ngày ấy, cũng như bao nữ sinh đồng trang lứa, tôi thường tìm tòi sao chép vào những cuốn vở có ép hoa ép bướm, nắn nót bằng mực tím những dòng thơ tình tiền chiến.
Tôi thấy, trong phong trào thơ Mới, tư tưởng tự do lãng mạn thiệt phóng khoáng và huyền diệu vô cùng. Thế giới nội tâm được diễn đạt qua những vần điệu chuyên chở đầy cảm xúc, nói lên đời sống tình cảm, yêu và hận, cô đơn và u sầu, xa cách và nổi loạn…
Chữ tình trong cõi thơ đã không còn biên giới. Có tình yêu nồng nàn mãnh liệt của tuổi đôi mươi, có tình mộc mạc thơ ngây của tuổi học trò, có tình não nề thê thiết của ly biệt, có thứ tình đằm thắm dịu dàng của vạn vật thiên nhiên…
Trong số các nhà thơ vang bóng thời bấy giờ, tôi yêu thích nhất là thơ Xuân Diệu rồi đến Nguyễn Bính và Hoàng Cầm. Người ta ví Xuân Diệu như “vua” của thơ tình hiện đại, quả không sai. Trong dòng thơ của ông, tôi có thể cảm nhận được ngọn lửa rạo rực, thiết tha, nồng cháy, niềm say mê yêu đời, yêu cuộc sống, khao khát yêu thương và giao cảm với đời. Tình yêu được ông dùng bút phát họa nên một bức tranh muôn màu, có sắc, có hương và âm quyện vào nhau một cách hài hòa mỹ miều. Bài thơ mà tôi thấy rung động nhất là bài “Nguyệt Cầm”:
Đối với tôi bài thơ này diễn tả mức độ cao nhất của cảm xúc con người. Xuân Diệu trong một đêm thu trăng sáng lạnh lùng, đã nghe vang vọng tiếng đàn sầu não. Cái hay sâu sắc trong bài thơ này, là nhà thơ đã nhìn thấy sự tương giao hài hòa giữa thiên nhiên, màu sắc, âm thanh và cảm xúc… Trăng và đàn hình như bỗng có linh hồn quyện chặt vào nhau. Trăng phổ nhạc cho đàn, để tiếng đàn ai oán xoáy vào trong cõi lòng lạnh giá làm bừng nở từng đóa hoa thơ
Trong thơ Xuân Diệu, chữ tình khoác một chiếc áo muôn màu muôn vẻ. Vườn hoa thơ của Xuân Diệu trồng một cây tình yêu luôn mãi xinh tươi và ngát hương. Cây tình yêu của ông được vun trồng, chăm bón bằng cái tình nảy sinh từ yêu thiên nhiên vạn vật,
từ tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống
từ cuộc đời thật, giữa tình yêu đôi lứa cuồng nhiệt khát khao,
giữa tình yêu vợ chồng thương yêu trìu mến
từ những nỗi đau âm ỉ
yêu người đến tương tư, vì khi chỉ có yêu thực sự con người mới cảm nhận hết thế nào là nỗi nhớ tương tư khắc khoải đến một người…
Nhà thơ Nguyễn Bính cũng tương tư khi yêu. Nhưng nỗi tương tư của Nguyễn Bính thì dịu dàng như hương đồng gió nội, mộc mạc đơn sơ như mối tình chân quê, ngọt ngào như câu ca dao ru hời của Mẹ…
Tôi yêu thích thơ Nguyễn Bính vì thơ ông mang nét đẹp duyên dáng, đáng yêu của thôn làng Việt Nam. Thơ Nguyễn Bính gắn bó và thu hút những tinh hoa vàng ngọc của ca dao… Những dòng lục bát của ông như chiếc thuyền bềng bồng trên sóng nước, chở nặng chữ tình, và thuần cảm xúc. Thơ ông biểu hiện cảnh quê, thắm được tình quê, hồn quê nước Việt với một sắc thái lãng mạn. Qua thơ của Nguyễn Bính, tôi tìm lại những hình ảnh bình dị quen thuộc của làng quê Việt Nam với những hàng cau, giàn trầu, rặng mùng tơi, thôn Đoài, thôn Đông, mái nhà tranh, giàn trúc thưa…
những mối tình chân quê nam nữ hồn nhiên, chất phác, yêu đời;
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
những chuyện tình buồn trắc trở, chua xót, phải "lỡ bước sang ngang".
Tôi còn nhớ khi tôi vừa vào độ tuổi trăng rằm, bài thơ đầu tiên của Nguyễn Bính mà tôi biết đến là bài thơ “Bảy Chữ”… Bài thơ này tôi đã nắn nót chép vào trang lưu bút thời Trung học. Nét độc đáo ở đây gói trọn trong bảy chữ “Vạn lý tương tư, vũ trụ tình” … Còn nỗi nhớ thương nào dài hơn ngoài vạn dặm và còn cái tình nào bao la bát ngát sâu rộng hơn vũ trụ… Thật tuyệt! Có lẽ vì thế mà các nam sinh trong trường tôi trong những năm cuối trung học thường hay viết tặng người yêu, bảy chữ này như một hiến chương tình yêu, một lời tỏ tình đậm đà nhất… để khi người yêu. Đọc xong bảy chữ thì thương lắm.
“Vạn lý tương tư, vũ trụ tình” (Bảy Chữ - Nguyễn Bính)
Thơ của nhà thơ Hoàng Cầm đến với tôi muộn màng nhưng những vần thơ của ông đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc… Có lẽ vì qua thơ ông tôi tìm lại được hình dáng mỹ miều lãng mạn của quê Nột trong tôi. Thơ ông mượt mà, quyến rũ, mang nhiều thi tính, giàu nhạc điệu, rất tình tứ … có lẽ vì ông biết kết đọng đến tinh túy nền văn hóa quan họ của người dân Kinh Bắc, ngay cả nghệ thuật ông dùng bút để phát họa cái đẹp lãng mạn đa tình của người con gái Bắc Ninh cũng thật tài…
Trong thơ ông đậm nỗi khát khao yêu đời… Ngọn lửa tình trong ông lúc nào cũng rực cháy nóng bỏng nun đúc thành những dòng thơ da diết. Nhà thơ Hoàng Cầm biết yêu khi mới lên tám, suốt cả mấy mươi năm quá trình sáng tác của ông, có nhiều bóng hồng đã là nguồn cảm xúc thiết tha của ông… Tôi yêu thích bài thơ “Lá Diêu Bông” của ông, vì bài thơ này nói lên mối tình si đầu tiên của ông dành cho một người con gái lớn hơn ông 7 tuổi. Một mối tình trong sáng, nhẹ nhàng, cho dù kết cuộc mang một nỗi buồn man mác thương đau…
Trong thơ Hoàng Cầm có nhiều khi tôi cảm nhận nét si mê hưng phấn trong ái tình của ông. Ông lồng nhục cảm trong những vần thơ đầy hương sắc và thi vị, đẹp trau chuốt đến quyến rũ lạ thường…
Dòng giống Tiên Rồng, bốn ngàn năm văn hiến là một giống nòi tình cho nên mỗi người dân Việt thường yêu chuộng những dòng thơ nghiêng về cảm xúc và nặng chữ tình. Cũng có lẽ vì thế mà dòng tình tiền chiến đã nở những đóa hoa thơ ngát hương rực rỡ muôn màu muôn sắc mà qua bao nhiêu thập niên hương sắc vẫn không phai tàn trong văn học nghệ thuật Việt Nam.
Viết xong tại Paris, Bích Phượng