1. Phụ Nữ Miền Nam Việt Nam Trước 1975 Và Các Công Tác Xã Hội
Giới phụ nữ ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, tùy theo trình độ, môi trường và hoàn sống của họ, đã tham gia tích cực vào đời sống cộng đồng. Họ thoát khỏi ràng buộc của nền luân lý cổ xưa mà trong đó “tam tòng và tứ đức” được coi là khuôn vàng thước ngọc trong việc đánh giá phẩm cách người phụ nữ. Nấc thang giá trị của họ, trong công cuộc xây dựng tự do và dân chủ ở miền Nam trước năm 1975, không những dựa vào sự đóng góp của họ đối với gia đình mà còn dựa vào khả năng của họ trong các hoạt động nghề nghiệp. Họ sánh vai với nam giới và góp phần không nhỏ vào bước tiến của đất nước. Về phương diện xã hội, nữ giới họp lại thành các đoàn thể và xác định mục tiêu hoạt động của đoàn.
Do đó mỗi hội đoàn phụ nữ đều có bản điều lệ và nội quy riêng. Tuy nhiên, cách tổ chức của các hội đoàn giống nhau ở các điểm sau đây:
1.- Ban chấp hành (được các hội viên bầu lên) gồm có:
- 1 Hội Trưởng (hay Chủ Tịch)
- 1 đến 3 Phó Hội Trưởng
- 1 Tổng Thư Ký
- 1 đến 2 Phó Tổng Thư Ký
- 1 Thủ Quỹ
- 1 Kiểm Soát Viên
- Ban Cố Vấn
2.- Hội viên: có 2 loại:
2.a - Hội viên danh dự (có công đặc biệt với hội)
- Ân nghĩa hội viên hay bảo trợ hội viên (có đóng góp đáng kể cho hội về tinh thần hay vật chất)
2.b- Hội viên hoạt động, nghĩa vụ của họ là đóng tiền niên liễm và tham gia các công tác của hội
3.- Điều kiện gia nhập hội:
- Phụ nữ trên 18 tuổi
- Tán thành điều lệ và nội quy hội
- Được 1 hay 2 hội viên cũ giới thiệu
Các hội phụ nữ sau đây đã hoạt động đều đặn và liên tục cho tới năm 1975:
1.- Hội Nữ Y-Sĩ Việt Nam (thành lập năm 1956): hội nhận nuôi và điều trị các trẻ em bị lao cho đến khi bình phục tại Viện Dưỡng nhi bài lao.
2.- Hội Bảo Trợ Gia Đình Binh Sĩ: hội giúp các gia đình binh sĩ thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa và các lực lượng bán quân sự bằng hiện kim hay phẩm vật. Hội có các cơ sở xã hội sau:
a. 1 xưởng may cắt tạo việc làm cho khoảng 200 cô nhi, quả phụ và đồng thời gây quỹ cho hội
b. Bênh viện Trưng Vương dành riêng cho khoảng 200 bệnh nhân thuộc gia đình binh sĩ
c. Cơ quan ngôn luận: Tuần san “Hoa Tình Thương”
d. Đoàn văn nghệ “Hoa Tình Thương”: thường xuyên có mặt tại các đơn vị chiến đấu để giúp vui binh sĩ và gia đình họ
3.- Hội Nữ Hướng Đạo Việt Nam (do các nữ tráng đoàn Đồng Tâm điều khiển): hội thiên về mặt giáo dục các thiếu nữ để họ trở thành các công dân tốt và hữu ích cho xã hội.
4.- Hội Các Bà Mẹ Công Giáo: đặt nặng vấn đề giáo dục trẻ em.
5.- Hội Phụ Nữ Phật Tử Việt Nam: ngoài việc phổ biến các nghi lễ tôn giáo, hội còn tham gia các công tác xã hội qua các cơ sở từ thiện của hội như sau:
- 1 Chẩn Y-Viện
- 1 Ký Nhi Viện
- 1 trường Tiểu Học miễn phí mang tên “Trường Tiểu Học Dược Sư”
Ban Xã hội của Hội điều hành các cơ sở trên với sự giúp đỡ của 1 bác sĩ và các sinh viên y-khoa. Nữ điều dưỡng là các ni cô.
6.- Hội Phụ Nữ Thiện Chí Việt Nam (thành lập năm 1964): hội hoạt động như sau:
- Nhận nuôi ngay tại trung tâm của hội khoảng 120 trẻ em mồ côi từ sơ sinh đến lứa tuổi 13 hay 14, dạy chúng học
- 1 Ký Nhi Viện (giữ con miễn phí cho các bà mẹ nghèo phải vắng mặt cả ngày vì sinh kế)
7.- Hội Phụ Nữ Việt Nam (thành lập năm 1966): hội giúp đỡ phụ nữ, đồng bào lao động và các gia đình đông con, quan tâm đến việc chống nạn mù chữ. Hội còn thường xuyên tổ chức các Cây Mùa Xuân, triển lãm về nữ công, tổ chức lễ Hai Bà Trưng hàng năm và thực hiện các công tác cứu trợ.
8.- Hội Phụ Nữ Việt Nam Phụng Sự Xã Hội: hội chuyên cứu giúp những người tàn tật trong xã hội.
9.- Đoàn Phụ Nữ Chí Nguyện Hồng Thập Tự Việt Nam (một thành phần của Hội Hồng Thập Tự Việt Nam): đoàn viếng thăm, ủy lạo và tặng quà cho các bệnh nhân ở các Dân và Quân Y-Viện, các cô-nhi quả phụ, các nạn nhân chiến cuộc, các nạn nhân của thiên tai, hỏa hoạn và các tù nhân ở mọi giới.
10.- Hội Phụ Nữ Quốc Tế (thành lập năm 1956 tại Sài Gòn, sử dụng 3 thứ tiếngViệt, Anh và Pháp): qua các cuộc tiếp xúc về văn hóa và xã hội giữa Việt Nam và các nước đại diện ở Việt Nam, hội muốn gây tình hữu nghị và sự cảm thông giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước khác. Hội thường xuyên phổ biến văn hóa và văn minh Việt Nam cho đại diện các nước bạn. Đồng thời hội cũng không quên mời các hội viên ngoại quốc phổ biến văn hóa của nước họ. Ngoài việc tham gia các công tác cứu trợ như các hội phụ nữ khác ở Việt Nam, hội còn điều khiển các cơ sở xã hội riêng như 1 Ký Nhi Viện (ở Gia Kiệm – Hố Nai, nhận khoảng 300 trẻ em) và 1 trường Tiểu Học ở gần đấy. Muốn gia nhập hội, trước hết phải tán thành điều lệ hội sau đó phải là phụ nữ trên 18 tuổi, không phân biệt quốc tịch và hiện cư ngụ trên lãnh thổ Việt Nam.
11.- Tập Đoàn Phụ Nữ Văn Hóa Xã Hội Việt Nam (thành lập năm 1968): đoàn chống mọi hình thức của nền văn hóa vong bản, đồi trụy đồng thời đón nhận tinh hoa văn hóa Âu Mỹ. Để thành công trong việc đào tạo người phụ nữ phương Đông tiến bộ về mọi mặt, đoàn chủ trương nâng cao trình độ văn hóa và cải thiện đời sống phụ nữ Việt Nam.
12.- Thi đoàn Quỳnh Dao (đây không phải là một tổ chức xã hội mà là một nhóm gồm 20 nữ thi sĩ): hàng tháng các nữ thi sĩ họp lại để trao đổi và phổ biến các sáng tác mới.
Ngoài các hội phụ nữ kể trên với nhiều đóng góp đáng kể trong đời sống văn hóa và xã hội, còn có Hội Bảo Vệ Nhân Phẩm Và Quyền Lợi Của Phụ Nữ Việt Nam và các hội đoàn phụ nữ khác mà tầm hoạt động chưa được phát triển mạnh.
Các hoạt động điển hình của các hội đoàn phụ nữ kể trên đã chứng tỏ rằng nữ giới ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đã ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí và khả năng của họ trong đời sống cộng đồng. Cái đẹp mà họ vun xới và phô diễn không còn hạn hẹp trong chốn khuê phòng hay là cái đẹp ẻo lả của các loài hoa quý. Cái đẹp ấy được thấy trong đời sống hàng ngày qua tình tương thân, tương ái và tình đoàn kết theo lời dạy bảo của ông cha “Lá lành đùm lá rách”. Để đóng góp hơn nữa vào sự tiến bộ của đất nước, nữ giới trí thức đã đẩy mạnh phong trào chống nạn mù chữ, đồng thời truyền bá các kiến thức phổ thông để nâng cao trình độ hiểu biết của phụ nữ ở các chốn bình dân. Do đó nữ giới ở miền Nam trước năm 1975 nói chung là đã hòa mình vào đời sống xã hội để cùng tiến bước với đất nước trên con đường hiện đại hóa. Tuy vậy họ vẫn vun xới hình ảnh người phụ nữ Việt nam qua lòng hy sinh, tính nhẫn nại, óc cần kiệm và sự chịu đựng bền bỉ trước mọi thử thách.
Kim Lam (Paris)