User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, thì dân Việt Nam ta có tục lệ cúng tiễn đưa Ông Táo về trời, người Hoa thì cúng vào đêm 24. Theo câu nói của dân gian là "Quan tam, dân tứ, thuyền gia ngũ", có nghĩa là: Làm quan thì đưa ông Táo ngày 23, dân thì đưa ngày 24, còn những người đi ghe theo cuộc sống thương hồ thì đưa ông Táo ngày 25.

Bỏ qua về xuất xứ của tục lệ nầy, chỉ xét về phần cúng tế. Người Việt và người Hoa ở Việt Nam thường cúng tiễn Táo Quân bằng "thèo lèo", bánh mứt, chè Ỷ... hương hoa trà nước... và giấy tiền vàng bạc kèm theo các hình cò bay ngựa chạy. Ý là để cho ông Táo cỡi ngựa cỡi cò về trời (trong văn học thì cho là cỡi cá Chép), còn "thèo lèo" bánh mứt... là để ăn cho ngọt miệng đặng báo cáo cho ngọt cho tốt với Ngọc Hoàng Thượng Đế về tình trạng gia đình nơi mà ông Táo đang cư ngụ....

ong tao

Nhớ lúc nhỏ, khi gần Tết, tôi đã đọc được một bài thơ "Tống Táo Thi" 送 竈 詩  trên báo để tiễn đưa ông Táo như sau:

    送 竈 詩                      Tống Táo Thi    
 麥芽糖餅餞行蹤, Mạch nha đường bỉnh tiễn hành tung,
 拜祝佯癡且作聾。 Bái chúc dương si thả tác lung.
 只有一般應開口, Chỉ hữu nhất ban ưng khai khẩu,
 煩君報我一年窮。 Phiền quân báo ngã nhất niên cùng!

Chú Thích:

1. Đường Bỉnh: là Kẹo bánh. Đường là Đường, mà cũng là Kẹo nữa.
2. Dương: là Giả đò. Tác: là Làm, ở đây có nghĩa là Làm bộ.
3. Si: là Ngây, là Dại. Lung: là Điếc.
4. Nhất ban: là Mạo từ (Article) chỉ: Một Điều, Một Cái.
5. Nhất niên: là Cả năm, suốt năm, chớ không phải Một Năm.

Dịch Nghĩa:

Mạch nha, Kẹo, bánh... đưa tiễn bước chân ông đi. Khi bái kiến và chúc tụng Thượng Đế xin ông giả ngây giả điếc dùm cho (đừng nói lung tung những chuyện không tốt của tôi). Chỉ có một điều ông nên mở miệng nói là.... Cảm phiền ông báo với Ngọc Hoàng là sao tôi lại nghèo suốt cả năm vậy?!

Diễn Nôm:

Thơ Tiễn Ông Táo

Mạch nha kẹo bánh tiễn chân ông,
Lên đó giả ngây giả điếc giùm.
Chỉ có một điều nên mở miệng,
Rằng ta nghèo suốt một năm ròng!

Đỗ Chiêu Đức

Tái Bút:

Xin được nói thêm về 2 chữ Thèo Lèo.

Thèo Lèo là phát theo âm Triều Châu của 2 chữ Trà Liệu 茶料: là những vật liệu dùng để Uống Trà. Vật liệu ở đây là chỉ những món đồ ngọt như: Kẹo Đậu Phọng, Kẹo mè đen, mè trắng, cốm, và những viên đậu phọng được áo một lớp đường màu trắng mà ta quen gọi là "Cứt Chuột".

"Thèo Lèo Cứt Chuột" là món ngon dùng để uống trà và là món không thể thiếu khi cúng ông Táo ở quê tôi: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xán, Phong Điền...

Nhân nói đến thơ đưa Ông Táo, ta không thể không nhắc đến bài "Tống Táo Thi" của Lữ Mông Chính, người mà trong "Hàn Nho Phong Vị Phú" Nguyễn Công Trứ đã viết như thế nầy:

.... Khó ai bằng Mãi Thần, Mông Chính, cũng có khi ngựa cỡi dù che....

Sau đây, ta thử tìm hiểu cuộc đời nghèo khó và bài thơ đưa ông Táo nổi tiếng của ông nhé !...

- 呂蒙正(944或946-1011,字聖功,河南洛陽人,977年宋太宗丁丑科狀元。呂蒙正中狀元後,曾任將作監丞、通判、著作郎、左補闕、參知政事等官銜。988年,呂蒙正出任宰相,病逝於大中祥符四年(1011年),享年67歲 .
Lữ Mông Chính (944 & 946- 1011), Tự là Thánh Công, người đất Lạc Dương tỉnh Hà Nam, đậu Trạng Nguyên năm Đinh Sửu đời Tống Thế Tôn năm 977. Sau khi đỗ Trạng, Lữ Mông Chính đã từng giữ các chức vụ Giám Thừa, Thông Phán, Trứ Tác Lang, Tả Bổ Khuyết, Tham Tri Chính Sự. Năm 988, Lữ nhậm chức Tể Tướng. Bệnh mất năm Đại Trung Tường Phù thứ 4 (1011), hưởng thọ 67 tuổi.

Sau khi cha mất, gia cảnh ngày một suy vi. Lữ Mông Chính cùng mẹ phải tạm trú ngụ trong một lò gạch cũ, làm nghề ăn xin độ nhật.

Một hôm, thấy trước cửa quan Tể Tướng đông nghịt những người, chen chút nhau rất náo nhiệt. Lữ cũng chen vào để xem, tình cờ một vật gì đó từ trên trời bay xuống rớt đúng vào lòng. Thì ra, Thiên kim Tiểu thơ của quan Tể Tướng là Lưu Nguyệt Nga đang gieo tú cầu để tìm người hôn phối. Vật bay vào lòng Lữ là trái tú cầu được Lưu Tiểu thơ ném từ trên lầu xuống....

Dĩ nhiên là ông bà Tể Tướng không chịu chấp nhận hôn sự nầy, nhưng Tiểu thơ Nguyệt Nga thì lại kiên trì chấp nhận từ bỏ tất cả để đi theo Lữ về sống ở lò gạch bể, vì nàng cho đây là duyên trời định và hơn nữa không thể bội tín được.

Cuối năm đó, đến ngày đưa ông Táo, không hiểu là Lữ Mông Chính đã năn nỉ như thế nào mà ông hàng thịt bán chịu cho một miếng thịt đem về luộc để cúng ông Táo. Nhưng khi bà hàng thịt biết được việc nầy bèn mắng cho ông chồng một trận nên thân: "Nó nghèo kiết xác, làm sao có tiền trả mà bán chịu?!". Bà ta tức tốc chạy đến lò gạch, thấy miếng thịt đang luộc dở dang trên bếp, bèn hứ một tiếng rồi vớt lấy miếng thịt đem về!. Đến nước nầy, Lữ chỉ còn biết đổ nước luộc thịt vào tô mà đưa tiễn ông Táo về trời thôi.

Trong khi thắp hương để cúng ông Táo, vì cảm khái trước cái nghèo khó của mình và cũng cảm khái trước cái nhân tình thế thái, Lữ Mông Chính đã làm bài thơ tiễn Ông Táo sau đây:

一柱清香一縷煙,       Nhất trụ thanh hương nhất lũ yên,
灶君今日上朝天;       Táo Quân kim nhật thướng triều thiên.
玉皇若問人間事,       Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự,
為道文章不值錢。       Vị đạo văn chương bất trị tiền! 

Dịch Nghĩa:

Một nén nhang thanh thanh tỏa ra một làn khói nhẹ, hôm nay ta đưa tiễn Táo Quân về để chầu Trời. Nếu như Ngọc Hoàng có hỏi đến chuyện của dân gian, thì xin ông hãy vì ta mà đáp rằng, văn chương không đáng giá đồng xu cắc bạc nào cả!

Diễn Nôm:

Một nén nhang thanh làn khói nhẹ,
Chầu Trời tiễn Táo đến cửa thiên.
Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự,
Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền!

Đỗ Chiêu Đức

Câu chót của bài thơ làm ta nhớ đến câu thơ lên Hầu Trời của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:

"Văn chương hạ giới rẻ như bèo!"....

Trở lại chuyện của Lữ Mông Chính, theo truyền thuyết dân gian thì....

.... Năm đó, sau khi Táo của các nhà đã báo cáo xong, mà đợi mãi vẫn không thấy Táo của lò gạch nơi Lữ cư ngụ. Mọi người đang nóng ruột, thì thấy Táo của Lữ Mông Chính mặt mà xanh lè, đi cà lết cà lết vào chầu. Ngọc Hoàng phán hỏi tại sao, thì được trả lời rằng: "Thần chỉ uống có một tô nước thịt luộc dở dang chưa chín, đã đói lại còn bị... chột bụng nên đi không nổi.", đoạn trình bài thơ của Lữ lên cho Ngọc Hoàng xem. Ngọc Hoàng phán rằng, số của Lữ sẽ đậu Trạng Nguyên vào khoa sau, đừng lo lắng quá! Thần Táo mới năn nỉ rằng: "Anh ta đói quá, sợ sống không nổi đến khoa sau đâu, thôi thì trước sau gì cũng đậu, xin Ngọc Hoàng thương tình. Ngọc Hoàng bèn sai Nam Tào đem sổ sửa lại cho Lữ đậu ngay khoa nầy, vì thế mà Lữ Mông Chính mới đậu được Trạng Nguyên của khoa Đinh Sửu 977 là vậy!

...Trên đây là theo truyền Thuyết dân gian, chớ thực sự thì... Đằng sau sự thành công của người đàn ông, thường có bóng dáng của một người đàn bà, còn ở đây, đằng sau sự đậu đạt của Lữ Mông Chính, có tới  bóng dáng của 2 người đàn bà lận: một là Lưu tiểu thơ, 2 là bà Tể Tướng phu nhân, vì thương con gái mà lén chu cấp đầy đủ vật chất cho con và rể sinh sống, vì vậy Lữ mới yên tâm mà dùi mài kinh sử... chứ đói meo thì làm sao đủ sức mà học hành để đậu Trạng Nguyên cho được!

Đây là ông Tể Tướng xuất thân từ khất cái duy nhất của lịch sử Trung Hoa: Lữ Mông Chính.

Nói đến thơ đưa tiễn Ông Táo thì cũng không thể không nhắc tới...

La Ẩn 羅隱(833-909,Tự là Chiêu Gián, người đất Tân Thành (thuộc trấn Tân Đăng, thành phố Phú Dương, tỉnh Chiết Giang ngày nay). Ông vốn tên là Hoành 橫, vì từ năm 20 tuổi bắt đầu đi thi Tiến Sĩ, nhưng 10 lần vẫn không đậu, nên mới đổi tên là La Ẩn và đi tu theo đạo Lão, là một học giả thuộc Đạo Gia ở cuối đời Đường đầu đời Ngũ Đại. Thơ ông thường mang tính hiện thực, bất cần đời, nổi tiếng với các câu như:

今朝有酒今朝醉,   Kim triêu hữu tửu kim triêu túy,
明日愁來明日憂。   Minh nhựt sầu lai minh nhựt ưu.

Có nghĩa:

Hôm nay có rượu thì hôm nay say,
Ngày mai sầu đến thì ngày mai hãy ưu sầu!

Ông cũng có một bài Tống Táo Thi giống như là của Lữ Mông Chính đã nêu ở trên, như sau:

一盞清茶一縷煙,        Nhất trản thanh trà nhất lũ yên,
灶君皇帝上青天。      Táo quân hoàng đế thượng thanh thiên.
玉皇若問人間事,      Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự,
為道文章不值錢。      Vị đạo văn chương bất trị tiền!

Chú Thích:

Nhất Trản: là Một Chung. Trản là Ly, Chén nhỏ.

Táo Quân Hoàng Đế: Là Ông Hoàng Đế ở trong Bếp mà ta quen gọi là Vua Bếp. (Xuất xứ của từ Vua Bếp là do câu thơ nầy mà ra).

(hình trên net dùng minh họa)

Diễn Nôm:

Một chén trà thơm làn khói nhẹ,
Chầu Trời Vua Bếp đến cửa thiên.
Ngọc Hoàng nếu hỏi nhơn gian sự,
Hãy đáp văn chương chẳng đáng tiền!

Ta thấy, chỉ có 2 câu đầu là hơi khác, còn 2 câu sau của bài thơ thì giống y chang như là bài Tống Táo Thi của Lữ Mông Chính, và không cần phải nói ta cũng biết là Lữ đã mượn thơ của La Ẩn để cảm khái cho hoàn cảnh của mình, vì La lớn hơn Lữ đến 111 tuổi lận, La ở cuối đời Đường còn Lữ ở đầu đời Tống.

Để kết thúc bài viết nầy, xin mời cùng đọc câu đối hay và nổi tiếng thường thấy dán cho bàn thờ Táo Quân như sau:

有德能司火,   Hữu đức năng ty hỏa,
無私可達天。   Vô tư khả đạt thiên.

Có Nghĩa:

Có Đức thì mới có thể trông coi việc củi lửa bếp núc được.
Phải Chí Công Vô Tư thì mới được lên chầu trời
 (để trình tấu mọi việc).

Như vậy là cái Tiêu Chuẩn để được làm ông Táo đâu phải dễ. Năm mới vui xuân, mong rằng mọi người ráng tích đức để tương lai đều được lên Chầu Trời như ông Táo vậy!

Đỗ Chiêu Đức

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com