Trong ngôn ngữ, có lẽ không có chữ nào gợi nên những điều tốt đẹp bằng chữ “xuân”: nắng xuân, mưa xuân, chiều xuân, đêm xuân, ngày xuân, hoa xuân, vườn xuân, sắc xuân, thanh xuân, tuổi xuân, hồi xuân, nghênh xuân, du xuân, tình xuân, đón xuân rồi những là bến xuân, phiên gác đêm xuân, nhớ một chiều xuân…
Xuân nào cũng gắn liền với hy vọng, với sự sáng sủa, với sự tươi vui, nồng ấm và sức sống.
Tự điển Hán-Việt Thiều Chửu diễn tả chữ “xuân” như sau: “Xuân là đầu bốn mùa, muôn vật đều có cái cảnh tượng hớn hở tốt tươi, cho nên người ta mới ví người tuổi trẻ như mùa Xuân mà gọi thì tuổi trẻ là thanh xuân 青春 xuân xanh, ý thú hoạt bát gọi là xuân khí 春氣, thầy thuốc chữa khỏi bệnh gọi là diệu thủ hồi xuân 妙手回春.” Xuân còn có nghĩa là rượu, cốc rượu đầu Xuân; thời nhà Chu bên Tàu, cứ đến tháng trọng Xuân 仲春 (Tháng Hai) thì cho cưới xin, vì thế mới gọi các con gái muốn lấy chồng là hoài xuân 懷春.”
Chả thế mà nói đến “thơ Xuân” hay “nhạc Xuân,” dù chưa đọc, chưa nghe qua cũng đã cảm thấy vui vẻ, rộn ràng. Xuân, do đó, bao giờ cũng hàm nghĩa tích cực và lạc quan. Hãy nghe Nguyễn Du phác họa mấy nét mùa Xuân:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”
Én bay, nắng rực rỡ, cỏ non xanh, cành hoa trắng, hình ảnh nào cũng tươi, đẹp, sáng sủa.
Với Hồ Xuân Hương, xuân gắn liền với xanh, xuân là xanh: xuân xanh. Và cũng gắn liền với cái trong trắng, trinh nguyên của người thiếu nữ mới lớn: tờ giấy trắng. Chả thế mà thời gian còn son trẻ của các cô gái được gọi là “xuân thì,” “đương xuân.”
“Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Ðôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh.”
Nguyễn Bính về sau này cũng cho là “xuân” thì đi với “xanh”:
“Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành”
Với Đoàn Văn Cừ, đó là cảnh làm thơ và viết câu đối ngày Tết:
“Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”
Còn Anh Thơ, xuân là cảnh sống động ngoài đường làng:
“Ngoài đường ngõ bùn lầy theo nước chảy
Thằng cu con quần đỏ cưỡi lưng bà
Các cô gái đội vàng hương ôm váy
Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua” (Ngày Tết)
Hàn Mặc Tử ví von thời điểm đẹp nhất của mùa Xuân với trái cây chín tới qua cái tựa đề: “Mùa Xuân Chín.” “Chín” ở đây là viên mãn, tròn đầy:
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang”
Chín ngoài trời mà cũng là chín ở trong lòng những cô thiếu nữ:
“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
-Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…”
Nguyên Sa lại thu gọn mùa Xuân vào một chỗ, đó là hình ảnh của “em,” người yêu.
“Mùa xuân em mặc áo vàng,
Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay.
Em vừa xoay nhẹ vai gầy,
Nhìn coi vũ điệu vào đầy giấc mơ.
Nhìn coi chỗ cuối bài thơ,
Nụ hôn màu đỏ trời cho rượu đào.
Anh nhìn em mới bước vào,
Nhìn xuân, xuân cát tiếng chào đầu năm.” (Thơ Xuân Áo Vàng/Nguyên Sa)
Xuân là “em.” “Em” là xuân. Nói cách khác, chính tình yêu là mùa Xuân.
Thanh Tâm Tuyền có một cách hình dung khác. Xuân là Tháng Giêng. Mà Tháng Giêng thì cây cỏ “hiện thành người,” là “cỏ non dại dột,” “cây leo yếu đuối.” Mùa Xuân gắn liền với cái non, tơ, yếu, mới chớm:
“Người ta bảo đêm Tháng Giêng cỏ cây hiện thành người
Anh bảo em chúng ta hãy là
Những cây leo yếu đuối
Những cỏ non dại dột
Mùa xuân đòi em trong quấn quít chờ đợi” (Đêm/Thanh Tâm Tuyền)
Mùa Xuân cũng là con thỏ hồn nhiên chạy trên cỏ sắc. Xuân biến tóc thành miệng: chuỗi cười, biến đôi môi thành lá và biến nụ hôn thành thành sao: chòm hôn.
“Những bước chân thỏ rừng
Chạy trên cỏ sắc
Sợi tóc đen như một chuỗi cười
Trên chúm môi lá biếc
Những chòm hôn vội vàng
Làm những vì sao đổi ngôi
Anh muốn làm mới tình yêu” (Bài Thơ Của Tháng Giêng)
Trong lúc đó, từ căn nhà rất đẹp của mình ở Bellevue, tiểu bang Washington, Trần Mộng Tú phác họa đôi nét chấm phá rất riêng về Xuân:
“Khi em nói cho anh nghe về con dốc cạnh nhà
con dốc nhìn xuống hồ Sammamish với dòng nước trong veo
những chiếc thuyền nhỏ đang căng lên những chiếc buồm
vải trắng
dải núi xanh như một nét mày thiếu nữ
vẽ một đường dài đến tận chân mây
làm cho trái tim em đập sai một nhịp
(…)
Em biết là mùa xuân đã dọn vào
ở hẳn với em” (Mùa Xuân và Thơ Thanh Tâm Tuyền)
“Mùa xuân đã dọn vào ở hẳn với em,” nghe nhẹ nhàng nhưng đầy quyến rũ!
***
Nhưng đừng tưởng mùa Xuân bao giờ cũng vui, cũng tươi sáng, cũng đầy hy vọng. Trong nhiều trường hợp, Xuân chẳng phải là Xuân: Xuân sầu.
Chế Lan Viên, khi vẫn còn là nhà thơ tự do thời tiền chiến, đã từng nhìn mùa Xuân bằng một cái nhìn vô cùng tiêu cực:
“Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau…”
Buồn, bi quan, tuyệt vọng! Cả hơi thơ lẫn ý thơ như một phủ nhận, đúng hơn, một nghịch lý toàn diện với hai chữ “mùa Xuân!” Vì sao? Nghèo. “Có một người nghèo không biết tết/ Mang lì chiếc áo độ thu tàn!” Nó khiến ta nhớ đến những bài thơ Tết độc đáo của Trần Tú Xương:
“Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu”
Một cách trào lộng chua chát về cái nghèo và mùa Xuân!
Nếu cái nghèo đã đập nát đi hình ảnh mùa Xuân thì chiến tranh lại càng biến mùa Xuân thành bi kịch. Trịnh Công Sơn mô tả một buổi sáng mùa Xuân thời còn chiến tranh:
“Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé ra đồng
Đạp trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân
Một buổi sáng mùa xuân
Ngực đứa bé tan tành
Ngàn hoa đồng cỏ nội
Cúi xuống nhìn con tim.”
Thật thảm thiết! Nhưng thảm thiết hơn nữa là cảnh xuân Mậu Thân ở Huế khi bộ đội Cộng Sản tiến vào đánh phá. Xuân Mậu Thân trở thành một mùa Xuân chết, qua lời ca cũng của Trịnh Công Sơn:
“Xác người nằm trôi sông
Phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên những đường quanh co”
Chiến tranh chấm dứt, trong lúc những kẻ chiến thắng ồn ào ca ngợi mùa Xuân “đại thắng” thì hàng triệu người lại khăn gói vào tù. Xuân bây giờ là Xuân tù. Xin đọc vài đoạn trong bài thơ “Tháng Chạp Buồn,” một bài thơ tù của Tô Thùy Yên, được tác giả tìm thấy thời gian gần đây và đưa vào tuyển tập thơ mới vừa xuất bản của ông:
“Tết này con vẫn chưa về được
Chân mỏi còn lê nặng kiếp tù
Con nghĩ mà đau muôn nỗi nhớ
Chín năm lòng bạc những thiên thu
(…)
Trong ấy mùa xuân có đến không?
Mùa xuân hoa nở má em hồng
Mùa xuân áo mới như hy vọng
Nắng mật ngời lên ánh mắt trong
Ở đây có lẽ xuân không đến
Rừng núi chưa tan giấc não nề
Thương nhớ tràn như con lũ máu
Lòng anh đã vỡ những con đê.
(…)
Ôi cánh diều băng mùa hạ cũ
Xương tàn còn đọng ngọn tre cao
Ðến nay trời nổi bao lần gió
Con tưởng oan hồn vật vã đau
Tết này cha vẫn chưa về được
Ðành hẹn cùng con Tết khác thôi
Con nhớ để dành cây pháo cũ
Ðể dành một chút tuổi thơ vui.”
Thật thấm thía cảnh mùa Xuân ở trong tù!
***
Xin kết thúc bài viết bằng một thứ xuân khác, quen mà khá lạ, không vui cũng chẳng buồn của nhà thơ tình yêu Trần Mộng Tú.
“Đã lâu quá anh không về gõ cửa
lồng ngực em. Trái đỏ vẫn còn nguyên
(…)
Em mở áo cho xuân coi lồng ngực
trái tim em mảnh vườn cũ quê nhà
cành mai chiết tay ai còn in dấu
thiều quang ơi! Hoa nhớ đến xót xa
Em mở áo cho xuân coi lồng ngực
trái tim em như một ngọn hải đăng
lửa sinh diệt thắp hoài không dám tắt
bờ bến nào mà cá vẫn bặt tăm
Đã lâu quá anh không về gõ cửa
lồng ngực em. Trái đỏ vẫn còn nguyên”
Trong thơ ca xưa nay, ít khi ta thấy có nhà thơ nào trải lòng mình với “xuân” đến như thế.
Bâng khuâng và đầy quyến rũ!
Trần Doãn Nho