User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Tết Nguyên Đán, Âm Lịch, năm nay là năm Kỷ Hợi (Dương Lịch là 2019). Hợi, người miền Bắc gọi là Lợn, người miền Nam gọi là Heo, là con vật được xếp cuối cùng trong Thập Nhị Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, và Hợi). Tương truyền, ngày xưa Ngọc Hoàng mở đại hội và triệu tập tất cả các loài vật, nhưng chỉ có 12 con vật như có tên trong Thập nhị chi đến phó hội. Con Chuột (Tý) là con vật đến phó hội sớm nhất nên đứng đầu bảng Địa Chi và con Heo (Hợi) có lẽ vì ủn ỉn, chậm chạp nên đến sau cùng nên đứng cuối bảng. 

Người Việt ngày nay hầu như sinh sống trên khắp thế giới, dù ở quốc gia nào, ngày Tết ta, mọi gia đình Việt Nam vẫn đều cúng lễ ông bà, tổ tiên. Cúng Tết để nhớ về quê hương, cội nguồn theo truyền thống dân tộc. Mỗi năm cầm tinh một tên khác theo Thập-điạ, Can-Chi nên năm 2019 là năm Kỷ Hợi

Heo1

Họ hàng nhà Heo xuất hiện sớm nhất cách nay khoảng 40 triệu năm. Theo Bách khoa toàn thư của Pháp, thì Heo được thuần hóa từ hai loại heo rừng: Sus Cristatus ở Châu Á và Sus Srofa ở Châu Âu. Heo nhà ngày nay được thuần hóa cách đây chừng 5 -  6 nghìn năm. Ở nước ta, heo bắt đầu được nuôi cách đây khoảng 3 nghìn năm, trước khi nuôi trâu - bò. Các di chỉ khảo cổ có niên đại sớm nhất thuộc giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn cách nay hàng nghìn năm đã phát hiện có xương và sọ của Heo, chứng tỏ tổ tiên ta đã nuôi heo rất sớm, đó là giống heo rừng Sus Vistatus mà dòng dõi của chúng  là những chú heo sống hoang dã trong rừng núi Tây Nguyên, Tây Bắc và Việt Bắc hiện nay.

Các loại Heo ở Việt nam có tên khoa học Sus Bucculentus. Nhưng có nhiều tên gọi bình dân như: Heo nái (Heo cái nuôi để sinh đẻ heo con), Heo hạch (heo đực đã thiến), Heo lang (lông đốm đen trắng), Lợn sề (lợn nái già); Heo nọc (heo đực nuôi với mục đích truyền giống), Lợn bột, heo sữa (lợn con đang bú mẹ), Lợn ỷ (một giống lợn của Việt Nam, có mõm ngắn, lưng võng và bụng sệ với lớp da màu đen hay xám), Lợn lang (lợn lông đốm đen- trắng), Lợn mọi (một dạng lợn ỷ, rất chậm lớn, chủ yếu nuôi làm cảnh), Lợn lòi ( lợn rừng)... Tuổi trưởng thành của Heo cái từ 9 tháng, Heo nái một năm sinh hai lần, mỗi lần khoảng 10 Heo con, nhưng con sinh đầu tiên thường bị chết vì ngột, Heo mới sinh nặng khoảng 1,5 kí lô, nó bú sữa mẹ, heo nái thường có 14 đầu vú hai bên, mỗi bên 7 vú. Heo mẹ uống mỗi ngày 10 lít nước, heo con uống 1,5 lít. Tất cả các giống heo đều ăn tạp, ăn đủ thứ, từ động vật, thực vật, đến rau cám, cỏ.v.v…

Heo2

Thật ra Heo không ngu dốt như người ta thường nói, ngược lại, nó còn khôn hơn vài thú (vật) khác. Trong huấn luyện tạp kỹ, Heo tiếp nhận nhanh hơn chó. Người ta còn cho Heo là con vật bẩn thỉu, thật ra cũng không hẳn thế. Heo thích dùng mũi để ủi đất, thường làm dơ bẩn thân mình nhưng nó cũng thích tắm rửa. Sở dĩ nó bẩn vì điều kiện chăn nuôi bị giới hạn, cả đàn Heo bị nhốt trong một không gian nhỏ hẹp, lấy vũng bùn làm chỗ nằm gây nên cảnh thối tha khó chịu. Đó chính là do con người lười biếng không chịu tắm rửa cho nó. Ngạn ngữ ta có câu: “Lợn thả Gà nhốt”, cho thấy tổ tiên ta ngày xưa nuôi Heo thả rông chứ không phải nhốt chuồng như bây giờ.

Thị lực của Heo kém vì nó thuộc loại động vật hoàng hôn. Khả năng thấy rõ trong tranh tối tranh sáng là điều bắt buộc cho lối sống của nó. Thật ra, Heo phân biệt được màu sắc ánh sáng và đặc biệt, màu hồng đối với nó rất nhạy cảm. Còn khứu giác của Heo rất thính, khả năng này giúp nó làm được một số việc hữu ích cho xã hội. Chúng được huấn luyện thay Chó để truy tìm ma túy hoặc đi tìm các loại nấm quý ẩn dưới mặt đất. Loài heo không có tuyến bài tiết mồ hôi nên heo thường thích sống nơi ẩm ướt, đặc tính hay dùng mõm ủi đất để tìm kiếm thức ăn.

Heo Trong Đời Sống Và Văn Học

Người đời thường chê heo là lười, ngu, bẩn thỉu, lôi thôi lếch thếch, cái gì xấu đều ám chỉ con Heo!! 

Phim Con Heo, người ta thường liên tưởng đến các loại “phim cochon” khiêu dâm, nhưng có loại phim Con Heo hoạt hoạ. Âm nhạc cũng có vài nhạc phẩm như: Pigs on the Wing của Pink Floyd năm 1977, War Pigs của Black Sabbath năm 1970.

Loại Cá thông minh được Hải quân huấn luyện để sử dụng cho các mục đích quân sự gọi là Cá Heo, 

Trong tiểu thuyết có truyện Tây Du Ký của Trung Hoa, nhân vật Trư Bát Giới, đệ tử của thầy Huyền Trang có hình dạng nửa Người nửa Heo với những cá tính rất đặc biệt.

Theo tục lệ của người Hoa, trong lễ cưới, phải có con Heo quay đầy đủ đầu đuôi. Sau đêm động phòng hoa chúc, nếu Cô Dâu không còn trinh trắng trước khi về nhà chồng, nhà trai sẽ cắt lỗ tai con Heo quay đó và trả lại cho nhà gái. Tục lệ đó, không biết ngày nay có còn tồn tại không? (Heo lành ai nỡ cắt tai -  Gái ngu chồng bỏ, khoe tài nỗi chi?) 

- Trong thi ca bình dân, Heo được nhắc đến qua câu hò tiếng hát, mà chúng ta đã nghe dưới ánh trăng thanh, bên lũy tre xanh trên con đường làng bé nhỏ...: “Em về thưa với mẹ cha -  Bắt heo đi cưới, bắt gà đi cheo -  Đầu heo lớn hơn đầu mèo - Làng ăn không hết, làng treo đầu đình -  Ông xã đánh trống thình thình -  Quan viên níu áo ra đình ăn cheo”

- Dưới chế độ phong kiến, cảnh đàn ông năm thê bảy thiếp, cho nên tâm tư của người đàn bà bình dân lúc nào cũng phảng phất sự chống đối, hờn dỗi ghen tương: “Làm cho cha mẹ vui lòng -  Đèn lên đôi ngọn bá tòng xứng đôi -  Một vợ nằm giường lèo -  Hai vợ nằm chèo queo -  Ba vợ ra chuồng heo mà nằm”

- Cuộc sống hôn nhân ở thôn quê không kiêu sa đài các, uớc mơ trở thành vợ chồng thật đơn giản, lễ cưới không cần đầu heo mâm thịt, hay vàng bạc châu báu. Con Heo đôi khi là một tài sản lớn của nhà nông nghèo! Họ chỉ cần một cặp vịt, đôi bông làm sính lễ: “Người ta giàu thì đầu heo mâm thịt -  Hai đưá mình nghèo thì cặp vịt đôi bông  -  Người ta thách lợn, thách gà -  Em thách cưới, một nhà khoai lang”

- Quanh năm trên đồng ruộng vườn rau, nên quan niệm về hôn nhân của giới bình dân đơn sơ, mộc mạc làm sao đủ tiền để nộp cheo cho làng khi “rước nàng về dinh”. Lập gia đình so sánh giống như nuôi heo phải vớt bèo… hoặc chọn một người vợ phải xem dòng họ đó ra sao?: “Nuôi heo thì phải vớt bèo -  Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng -  Lựa được một con dâu sâu con mắt -  Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng”

- Để phản ảnh một phần nào sinh hoạt của xã hội, thi ca trào phúng đã đưa giá trị con Heo lên để so sánh.: “Mẹ tôi tham thúng xôi rền -  Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh hưng -  Ai đã bảo mẹ rằng: “đừng” -  Mẹ hầm, mẹ hứ mẹ bưng ngay vào -  Bây giờ chồng thấp vợ cao -  Như đôi đũa lệch so sao cho bằng” hoặc: “Nước chảy dưới đèo -  Bà già lật đật mua heo cưới chồng -  Cưới về chồng bỏ chồng dông -  Bà già mới tiếc ba mươi đồng mua heo”  hoặc: Còn duyên anh cưới ba heo -  Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi “ 

- Để diễn tả sự chênh lệch giai cấp, trong đó người ta lấy con “Heo” hay “Lợn” làm biểu tượng cho sự giàu có sung túc qua các lễ hội, đám đình: “Anh là con trai nhà nghèo -  Nàng mà thách thế anh liều anh lo -  Cưới em anh nghĩ cũng lo -  Con lợn chẳng có, con bò thì không -  Tiền gạo chẳng có một đồng -  Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần -  Sớm mai sang hiệu cầm khăn -  Cầm được đồng bạc để dành cưới em...”

- Để khen tặng sự khéo léo, chăn nuôi quanh năm hay làm ăn thành công của những gia đình nông dân: “Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn -  Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm.” Hoặc: “Giàu lợn nái, lãi gà con”

- Nuôi lợn là một sinh kế của giới nông dân. Lắm khi chẳng được gì nên từ đó cũng nẩy sinh ra những câu ca dao đùa cợt cảnh mấy bà gánh heo đi rồi lại gánh về: “Ba bà đi bán lợn con -  Bán đi chẳng được lon ton chạy về -  Ba bà đi bán lợn sề-  Bán đi chẳng được chạy về lon ton”

- Phụ nữ Việt rất đảm đang, nhất là lo cho gia đình, chồng- con. Để diễn tả sự khó nhọc, bổn phận làm vợ và khả năng đa diện, ca dao có câu: “Đang khi lửa tắt cơm sôi -  Lợn đói, con khóc, chồng đòi tòm tem -  Bây giờ lửa đã cháy rồi -  Lợn no, con nín, tòm tem thì tòm”. Hoặc để ám chỉ sự giàu có của ai đó: “Cồng cộc bắt cá dưới bàu - Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo”

- Diễn tả cảnh mẹ chồng khắc nghiệt với nàng dâu đã làm cho nhiều cuộc tình tan vỡ hay vợ chồng lục đục: “Bố chồng là lông con lợn  -  Mẹ chồng như tượng mới tô -  Nàng dâu mới về là bồ chịu chửi”

- Diễn tả vài gia vị liên quan đến con vật: “Con gà cục tác lá chanh -  Con lợn ụt ịt (ủn ỉn) mua hành cho tôi -  Con chó khóc đứng khóc ngồi -  Bà (Mẹ) ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”

- Diễn tả sự giáo dục con cái: “Dưỡng nam bất giáo như dưỡng lư -  Dưỡng nữ bất giáo như dưỡng trư”

- Nói lên sự thiếu thật thà của con buôn, dân gian cũng có câu: “Treo đầu heo, bán thịt chó”

- Sự ngây thơ của trẻ con khi giao cho chúng giữ nhà: “Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà -  Bao nhiêu củ rím củ hà -  Để cho con lợn con gà nó ăn”

- Cảnh ép duyên đôi khi tạo ra những số phận hẩm hiu: “Thân em mười sáu tuổi đầu -  Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người - Nói ra sợ chị em cười -  Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay -  Tối về đã mấy năm nay -  Buồn riêng thì có, vui rày thì không -  Ngày thời vất vả ngoài đồng -  Tối về thời lại nằm không một mình -  Có đêm thức suốt năm canh -  Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò”

- Mượn hình ảnh con lợn để diễn tả ý nghĩ: “Trông mặt mà bắt hình dong -  Con lợn có béo thì lòng mới ngon”

- Trách khéo sự thiên vị như: “Mèo tha thịt mỡ ồn ào -  Cọp tha con lợn thì nào thấy chi!”

Để tỏ tình: “Cô kia đi chợ Hà Đông -  Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi -  Anh đi chưa biết mua gì - Hay mua con lợn phòng khi cheo làng

- Để tán tỉnh, tỏ tình kín đáo: “Tình cờ bắt gặp nàng đây  -  Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần -  May xong anh trả tiền công -  Bao giờ lấy chồng anh đỡ vốn cho -  Anh giúp một thúng xôi vò -  Một con lợn béo một vò rượu tăm -  Anh giúp đôi chiếu em nằm -  Đôi chăn em đáp đôi tằm em đeo -  Anh giúp quan tám tiền cheo -  Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”

- Hoặc than thân trách phận vì không lấy được nhau: “Yêu nhau chả lấy được nhau -  Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già - Bao giờ sum họp một nhà -  Con lợn lại béo cau già lại non”

- Không những chỉ nhẫn nại hy sinh cho chồng con mà lắm khi vì thương chồng nên phải gánh chịu nhiều cay đắng: “Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối -  Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan -  Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan - Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười”

- Để mỉa mai mấy ông thầy bói dởm: “Bói cho một quẻ trong nhà -  Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên”

Tại sao lại có thành ngữ “nói toạc móng heo”?: 

Móng heo (móng lợn) là một loại sừng cứng bao bọc kín hết ngón chân lợn. Cái vỏ bọc bên ngoài vừa cứng, vừa kín như vậy, khó lòng biết rõ “cái” ở bên trong. Muốn biết ngón chân heo, chỉ có cách làm toạc móng, làm mất cái che đậy bên ngoài, làm lộ rõ hoàn toàn phần bên trong của chân heo. Có lẽ vì thế, thành ngữ nói toạc móng heo có ý nghĩa “làm mất cái vỏ bề ngoài, làm rõ cái bên trong, nôm na là: nói không che đậy, nói trắng ra.

Tại sao gọi là Phim “Con Heo”?:

“Phim” chắc chắn từ phương Tây đưa sang ta, chứ từ xưa ở nước ta chưa có phim ảnh. Còn khái niệm “con heo” dùng để chỉ hành vi dâm tục đã có ở nước ta từ bao giờ, tại sao gọi các loại phim sex, hành vi nặng chất tình dục là “con heo” (như trong khái niệm “trò con heo”) thì là vấn đề đang còn có những ý kiến khác nhau.

Có người nói, nó bắt nguồn từ chữ Pháp: “cochon”. Tiếng Pháp cochon nghĩa là con heo (lợn). Chữ “cochon” có nghĩa bóng là bẩn thỉu, tục tĩu. Như vậy từ cochon thường được dùng để chửi rủa, chửi thề… Vì vậy loại phim làm tình (phim sex) được gọi là… “phim con heo”!

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chữ “con heo” để chỉ sự dâm ô (như “trò con heo” là trò dâm dật) là khái niệm chỉ của riêng người Việt và người phương Đông dùng thôi; chứ ở phương Tây người ta không hề dùng khái niệm “phim con heo” để chỉ phim sex, phim cấp III hay phim xxx… 

Sở dĩ người phương Đông dùng khái niệm “con heo” để chỉ sự quan hệ tình dục vì lý do đơn giản là con heo thân hình trần trụi, không có lớp lông như quần áo che bọc bên ngoài, như con người khi quan hệ tình dục vậy. Đồng quan điểm cho rằng khái niệm “con heo” phát xuất từ phương Đông, người ta dẫn câu chuyện sau đây xảy ra từ năm 1513 đã được ghi trong một quyển chính sử của Việt Nam là Đại Việt sử ký toàn thư như sau: Năm Quý Dậu (1513) tháng Giêng, ngày 26, nhà Minh bên Trung Quốc sai sứ sang nước ta sắc phong cho vua Lê Tương Dực làm An Nam Quốc vương. Phó sứ Hy Tăng trông thấy vua Tương Dực có tánh mê sắc dục, dâm ô nên nói với chánh sứ Nhược Thủy rằng: “Quốc vương An Nam tính háo dâm nên là vua heo (Trư vương)” (SĐD, Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch, tập III, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, trang 65). Như vậy, khái niệm “con heo” để chỉ hành vi dâm ô, đồi trụy, nặng chất tình dục (sex) đã có ở nước ta từ thời đó hay trước nữa rồi, chứ không phải chờ đến khi người Pháp qua nước ta mới có.

Hồi còn trẻ, tôi đi dạy học xa nhà, ở trọ nhà một người dân địa phương. Họ có một chuồng nuôi Heo sau nhà. Một hôm tôi và thằng bạn được xem cảnh Heo thả nọc. Con Heo nọc này nhỏ con hơn Heo nái nên chủ nhà phải kê cái ghế, rồi bê nó lên cho ngang tầm tác xạ (tôi nghe nói, cũng có khi Heo Nọc to hơn Heo Nái chủ nhà phải dùng bao bố, luồn dưới bụng Heo Nái để nâng lên, chứ nếu không, nó có thể đè Heo Nái đến gãy lưng hoặc gãy chân!!!). Cái “đùm” của Heo nọc thấy thì to nhưng “súng” lại ngắn chẳng tầy gang mà lại nhỏ như ngón tay và xoắn xoắn như cái khoan của thợ mộc, nó cũng giống cái ruột gà và xoăn tít lại như cái lò so, nom lạ lắm. Hôm ấy, hai cô con gái của gia chủ, xinh lắm, lại đang tuổi 17, 18 xuân thì, thế mà hai cô “phải” thao tác, giúp cho Heo Nọc thả nọc. Số là con Nọc này vụng về quá, chọt chọt mà cứ trớt lớt, cà trất cà trất hoài, đến lúc anh Nọc mệt, thở hổn hển, hai cô cũng đổ mồ hôi… rồi thì cũng giúp… nọc đâm trúng được mục tiêu… đến khi anh nọc hùng hục… tôi và thằng bạn, không đứa nào bảo đứa nào nhưng đều đứng sát vào thành chuồng để… đỡ mắc cỡ…, thanh niên mà… Còn hai cô, liếc nhìn tôi, tôi hóm hỉnh nhìn lại, cả hai cô đỏ mặt, ngó đi chỗ khác… chỉ có một lần ấy thôi…thế mà tôi nhớ mãi không quên. Không bao giờ quên được ánh mắt của hai cô trinh nữ, con gái của chủ nhà, người cho chúng tôi ở trọ, dạy học lúc xa nhà…

Còn thằng bạn tôi thì lầm thầm lảm nhảm thơ con cóc của ai tôi cũng không rõ: “Kiếp sau xin chớ làm người - Làm con heo nọc để đời đón đưa”.

Chả là khi anh nọc đến thì chủ nái ra tận nơi đón, xong việc lại “bồi dưỡng” mấy trái trứng gà” rồi lại ân cần tiễn ra đến tận xe… ân cần lắm…

Tôi được biết, bây giờ người ta “gieo tinh” phổ biến hơn là dùng Heo Nọc, vừa tiện lợi vừa có kết quả cao hơn. Kỹ thuật cũng đơn giản lắm. Ta cứ nghĩ không có Heo Nọc thì Heo Nái làm sao mà động đực. Thế mà thật lạ kỳ và rất đơn giản, chỉ cần đưa tinh dịch Heo Nọc trong ống thụ tinh cho Heo Nái ngửi, chỉ ngửi thấy mùi “đực” là nó động đực ngay… rồi nó ngoan ngoãn đứng yên cho người “gieo tinh” bơm tinh trùng của Heo Giống vào là xong. Rất chắc ăn, chỉ một lần là xong mà còn có tỉ lệ đậu thai rất cao.

Nếu viết về 12 con vật, tượng trưng cho 12 Con Giáp, thế nào tôi cũng phải nói chút chút về cái công việc “di truyền nòi giống” của chúng nhưng chắc chắn là năm Thìn, là năm con Rồng tôi sẽ bí vì tôi chưa từng thấy và cũng chẳng biết hình thù thật của con Rồng nó như thế nào, chắc có lẽ nó là con vật được tưởng tượng ra, mà đã là con vật tưởng tượng thì tại sao lại xếp vào mười hai con giáp?.

Tìm hiểu về cái công việc “di truyền nòi giống” của thú vật, tôi lại thấy “sinh hoạt” này của con người thật đặc biệt, chẳng giống với hầu hết các động vật khác, chẳng có tháng có mùa nào gọi là “động đực’ hay rượn” cả, có thể tiến hành cả ngày lẫn đêm, dù mưa hay nắng, đủ cả bốn mùa, ở bất cứ nơi đâu, nôm na là anytime, anywhere, và đặc biệt là “sinh hoạt” với đủ mọi tư thế… Tôi còn có đọc một bài viết của một Bác sĩ nói rằng, vẫn có thể làm chuyện ấy như bình thường ngay cả khi người nữ đang có thai, chỉ kiêng cử trước khi lâm bồn vài ngày là được rồi… Tôi đọc thấy vậy thì kể vậy chứ không có kinh nghiệm nên không biết, làm như lời phán của vị Doctor này, thì có gì nguy hiểm cho sản phụ không?

Thử so sánh xem, Heo nái đến mùa “động đực” chỉ được “ấy” có một lần, rồi chờ có thai, chờ đẻ, chờ bầy con lớn, chờ tách bầy rồi chờ đến mùa “động đực” khác mới được “ấy” lại… Heo “hiền” thế mà sao người ta lại gọi “làm cái chuyện ấy” là làm trò Con Heo…

Trong dân gian có “sự tích Cây Huyết Dụ”:

Theo truyền thuyết, ngày xưa ở gần Chùa, có người chuyên làm thịt heo, thời đó chưa có đồng hồ để báo thức, buổi sáng Chùa thường đánh chuông, tiếng Đại Hồng Chung ngân xa. Người làm thịt heo nghe tiếng chuông, thức dậy giết heo, đem ra chợ bán. Nhưng đêm đó thầy Trụ Trì nằm chiêm bao thấy con Heo nái tới van xin ngài đừng đánh chuông buổi sáng, để người giết heo ngủ quên, heo sắp đẻ một đàn con, nếu giết mẹ thì chết cả con… Thức giấc thầy Trụ Trì không đánh chuông sáng, người chuyên làm thịt heo ngủ trễ, không thể thịt con heo đã nhốt trong chuồng để kịp bán phiên chợ buổi sáng. Người đó đến Chùa la lối tại sao Thầy không đánh chuông? Thầy kể lại cho người đó nghe giấc mơ đêm qua, ông ta về nhà thấy con Heo nái, mình định làm thịt đẻ được chục heo con. Ông ta ân hận, rồi nghĩ,con vật cũng có sự sống, nên ông mang con dao sử dụng hàng ngày tới cắm ở sân Chùa, thề không sát sanh nữa, từ chỗ cắm con dao ấy mọc lên một “Cây Huyết Dụ”.

Lợn trong văn hóa dân gian Việt Nam:

Con lợn được thể hiện qua các bức tranh dân gian Đông Hồ, hình ảnh con lợn hiện hữu trên tấm lịch tường gia đình để thể hiện sự sung mãn, phồn thực, vui vẻ hạnh phúc. Con lợn trong quan niệm văn hóa cổ truyền thuộc dòng “âm”, ôn hòa, nhã nhặn, sinh nở đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao trong loại tranh dân gian, chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc dồi dào. Bức tranh lợn đàn là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, phồn thực.

Trên mình lợn có vòng khoáy Âm - Dương ngụ ý phát triển, sinh sôi nảy nở, bức tranh còn thể hiện con lợn mẹ trắng xóa mắt lim dim lờ đờ, mõm tũm tĩm, năm con lợn con, con xanh, con đỏ, con trắng, con tím lúc nhúc cả dưới chân. Hình ảnh lợn Cấn sắc nét nhất là trên tranh Lợn ăn lá ráy. Nghệ nhân Đông Hồ đã quan sát kỹ con lợn phàm ăn, đang sục mõm vào máng, cành lá ráy như động đậy, ước lệ.

HeoDanGian

Ở thôn quê ngoài việc canh tác, ruộng vườn để thu hoạch ngũ cốc, người ta thường nuôi Heo quanh năm, trong chuồng hay thả ngoài vườn, không tốn kém nhờ rau cám, chuối cây… phân Heo dùng để bón ruộng lúa. Tháng Chạp người ta bán Heo để có tiền chuẩn bị ăn Tết, mua sắm quần áo mới cho con cháu. Có nhiều nơi những ngày cuối năm, vài gia đình, cùng làm thịt một con Heo để chia nhau, ngoại trừ cái đầu Heo dành cho gia chủ. Đầu Heo giá trị của nó như một con Heo trong việc cúng kiếng hay đi biếu người nào đó mà mình đã mang ơn.

Từ xa xưa, thịt Heo đã là một thực phẩm cho nhân loại, nói chung thì thịt Heo là nguồn thực phẩm quý báu, bổ dưỡng và dễ tìm. Ngoại trừ các dân tộc theo đạo Hồi hoặc đạo Do Thái kiêng ăn thịt Heo. 

Ở Việt Nam, trong tất cả các loại thịt thông dụng, có lẽ thịt Heo được dùng nhiều nhất và có thể chế biến ra hàng trăm món khác nhau, có thể dùng trong những yến tiệc sang trọng cho đến những bữa cơm bình thường. Và hầu hết những phần của cơ thể con Heo: giò heo, da heo, lỗ tai heo, lòng heo... cũng được chế biến thành các món ăn rất độc đáo. Đặc biệt trong các lễ lộc lớn như cưới hỏi, cúng đình... thì không thể vắng món thịt Heo.

Quảng Nam ngoài đặc sản mì Quảng còn món thịt heo ba rọi luộc quấn bánh tráng rau sống, chấm nước mắm ngon không chê vào đâu được, giống Heo cỏ loại nhỏ nuôi ở quê ăn cám, chuối cây, rau thức ăn thiên nhiên nên thịt ít mỡ thơm ngon. Trong Nam vùng Trảng Bàng cũng có món thịt heo luộc, quấn bánh tráng phơi sương với bún đủ loại rau thơm, cho tới những đọt lá non như trâm bầu, xoài, cóc.. thêm món bánh canh giò heo cũng nổi tiếng. 

Hình ảnh Heo trong thơ-văn-nhạc rất là hiếm hoi. Đến khi loài người đóng phim nghèo, không có quần áo để mặc, thì giới đạo đức phản đối loại phim này phạm thuần phong mỹ tục và gọi đó là phim “con Heo”. Báo chí Tây phương đã báo động sự việc “ghiền phim con Heo” đã trở thành một căn bệnh của thế kỷ 21. Mặc dù con Heo chẳng có chút liên quan gì đến chuyện ấy nhưng tên tuổi Heo vẫn bị bôi nhọ trong những chuyện này. 

Một Trang Bìa Báo Xuân Năm Tân Hợi (1971)

 BiaTinSom

Chuyện Heo “năm móng hoặc ba giò” thành tinh báo oán: Người Khmer vùng Sóc Trăng tin rằng “Heo năm móng hoặc Heo ba giò” là Ma Quỷ Hiện hình.

Một Bà cụ Phật Tử cũng kể lại một chuyện kinh hoàng. Cách đây 7 năm, một ông chủ lò mổ chở đến chùa xác một con heo vừa bị chọc tiết, máu vẫn còn chảy ròng ròng. Ông chủ lò mổ này cùng gia đình vừa khóc vừa lạy, mong nhà chùa hóa giải kiếp nạn vì lỡ mua và giết nhầm một con heo năm móng.

Số là đám thợ mổ của ông không để ý, đến khi chọc tiết, làm lông mới nhìn đến móng chân nó, và đếm thấy có năm móng chứ không phải là bốn móng như thông thường. Nhà chùa lúc đó cũng làm lễ hóa giải. Ông này cũng xây mồ chôn heo tử tế, nhưng rồi ông ta cũng không thoát được sự báo oán của con heo “thành tinh” này. Hiện ông ta bị tâm thần, suốt ngày lang thang khắp phố chợ.

Còn vô vàn chuyện liên quan đến heo năm móng, ba giò báo oán hại người. Có thể những câu chuyện họ kể là thêu dệt, suy diễn, nhưng có một thực tế mà ai cũng lấy làm lạ, đó là người Khmer vùng Sóc Trăng coi loài vật này như ma quỷ hiện hình.

Cuối cùng, mời bạn đọc vài chuyện cười “heo” giải trí đầu năm

1/ “Có một ông thợ sản xuất xúc xích, sau một thời gian tìm tòi ông sáng chế ra được cái máy chỉ cần bỏ con heo vào là sẽ cho ra xúc xích.

 Một hôm, đứa con ngồi xem ông làm và hỏi: “Sao ba không chế ra cái máy bỏ khúc xúc xích vào sẽ ra con heo thì mình sẽ bán được nhiều tiền hơn”. 

Suy nghĩ một lát, ông trả lời: “Ba muốn chứ, nhưng cái máy đó mẹ con giữ bản quyền rồi”. 

2/ Sự khác nhau giữa Con Lợn và Con Heo:

-  Con Lợn sinh ở miền Bắc. Con Heo sinh ở miền Nam. 

-  Con Lợn ăn Ngô. Con Heo ăn Bắp. 

-  Da con Lợn làm bánh da Lợn. Da con Heo không làm bánh được. 

-  Con Lợn đóng phim thiếu nhi gọi là: “ Hiệp sĩ lợn”. 

-  Con Heo đóng phim người lớn gọi là: “Phim con Heo”

3/ Phim Con Heo thuộc thể loại nào?:

-  “Phim Con Heo là thể loại có rất ít diễn viên, hành động của diễn viên lặp đi lặp lại, lời thoại cực ngắn, ít, chủ yếu là những tiếng kêu, phục trang của diễn viên giản tiện đến tối đa, chi phí sản xuất phim thấp, doanh thu cao... đó chính là thể loại phim... con heo”.

4/ Thờ Heo.

Có một chị, nom vẻ trạc ba mươi, xinh xắn lắm nhưng chẳng may chồng mất sớm, để lại một mẹ một con. Chị tảo tần, vườn rau, ao cá, nuôi thêm một con Heo nái. Heo nái vừa đẻ 10 heo con tròm trèm một tháng. Một hôm chị gánh bầy Heo con lên chợ huyện bán, chẳng may gặp buổi chợ vắng, chờ đến chiều cũng chẳng bán được, phải gánh về. Trên đường về, trời đang dần sập tối lại đổ mưa bèn phải vào trú trong cái Đình nhỏ giữa đường. Tưởng chẳng có ai, nào dè cũng có một cậu, dáng dấp thư sinh cũng trú mưa trong đó. Nói chuyện xã giao rồi thăm hỏi hoàn cảnh, họ có vẻ mến nhau. Một lát, anh thư sinh bảo: “nếu chị cho tôi nắm tay, tôi giúp mua hai Heo con cho chị” -  chị nghĩ nắm tay thì nắm chứ có sao đâu nên gật đầu - một lúc sau anh lại bảo: “trời lạnh quá, nếu chị dựa vào tôi cho cùng ấm, tôi mua giúp chị bốn Heo con nữa”. Dựa thì dựa, mất mát gì, chị nghĩ thế và lại đồng ý. Lát nữa, anh thư sinh lại nài nỉ: “Ôi ấm quá, chị cho tôi ôm một tí, tôi mua hết số Heo con còn lại cho chị”. Đến nước này, chị cũng chẳng từ chối. Thế rồi... trai tân gái lửa… chuyện gì tới cũng tới… đang lúc quên trời quên đất… Anh thư sinh bỗng giật mình nói: “thôi chết rồi, mưa tạnh đã lâu, trời lại sắp tối hẳn rồi, tôi có việc, phải đi gấp đây…”, rồi vùng đứng dậy… Lúc này chị níu tay anh lại, nói: “tới thì tới luôn đi… tôi chả lấy tiền Heo của anh đâu… về nhà tôi, tôi cho anh cả con Heo nái ở nhà nữa…

Cứ tưởng như chuyện qua đường, thế mà sau này họ thành vợ thành chồng, con cái đề huề, hạnh phúc lắm.

Ít người biết đến cái duyên gắn kết của hai người nhưng cả làng ai cũng biết chị vợ sau này, đặt thợ khéo, tạc một con Heo thật lớn, đặt trước sân nhà. Tối nào cũng nhang đèn kính cẩn. Người cùng làng cứ nghĩ chắc chị cầu cho gia đình no ấm, ăn sung nằm sướng như Heo chứ có biết đâu chị tạ ơn Heo đã cho chị một tấm chồng ưng bụng.

Những cặp tấu hài thường đố nhau: “Mày hát một bài nào đó, trong đó phải có chữ... (thụ dụ: heo). Nếu không có là bị thua...”

Tôi làm thơ, năm Heo cũng cố gắng làm một bài thơ trong đó có chữ Heo, thế là nói về Heo rồi... mời quý vị đọc:

- Mời nghe nhạc phẩm “Ba Bà Mẹ Chồng” của Phạm Duy, kể về chuyện “Ba Bà Đi Bán Lợn Xề” do ban nhạc AVT trình bày:

https://youtu.be/mdFfFM1Cmrw

(Bài viết có sử dụng tài liệu trên web)

Nhất Hùng

Tham khảo thêm vài thành ngữ về Lợn:

Lợn lành thành lợn què -  Lợn cấn ăn cám tốn (đối lại với câu: Chó khôn chớ cắn càn) -  Lợn đói cả năm không bằng tằm đói một bữa - Chăn lợn ba năm không bằng chăn tằm một lứa - Đầu gà, má lợn - Lợn cưới áo mới: Khoe đồ đẹp - Giàu nuôi chó, khó nuôi heo - Hùm nằm cho lợn liếm lông - Tuồng chó lợn hay phường chó lợn: Câu chỉ sự khinh mạn - Lợn chê chó có bọ - Lợn không cào, chó nào sủa - Lợn đầu cau cuối - Lợn rọ, chó thui -  Lợn ăn xong lợn nằm, lợn béo, Lợn ăn xong lợn réo, lợn gầy - Lợn đói một bữa bằng người đói cả năm - Lợn nước mạ, cá nước rươi - Lợn bột thì ăn thịt ngon, lợn nái thì đẻ lợn con cũng lời -  Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi: chê người thích đưa việc vào mình - Cưới em anh nghĩ cũng lo, Con lợn chẳng có, con bò thì không - Yêu nhau chả lấy được nhau, Con lợn bỏ đói buồng cau bỏ già - Giả heo ăn hổ (thành ngữ Trung Quốc) - Lợn giò, bò bắp - Ruột heo hơn phèo trâu.

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com