User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

chuyenduongsinh

Sống lâu, sống thọ, từ cổ chí kim không ai là không muốn. Ông Khổng Tử nói: "Nhân sinh bát thập cổ lai hi!". 

Thế mà, danh nhân Việt Nam ta, có người đã từng sống trên 90 muơi tuổi. Xin hỏi nhỏ quý vị người ấy là ai? Dạ thưa, đó chính là cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585). Nếu nói về thân thế và sự nghiệp của cụ Trạng thì rất  ư là dài. Ở đây, chúng tôi chỉ gợi ý là: Làm sao, làm cách nào mà cụ Trạng sống gần tròn một thế kỷ?? Tức là 95 tuổi trời.

Về văn thơ cụ Trạng để lại thì rất nhiều, hầu hết chúng ta đều đã học hoặc đọc qua, xin chép lại vài bài tiêu biểu.  Để xưng tụng sự nhàn hạ ở thôn quê, đồng quê, qua bài Thú Thôn Ở, cụ Trạng diễn tả như sau:

Thú Thôn Ở

Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn kìa ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chỗ lao xao
Thu ăn măng trúc Đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen Hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẻ nhắp
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao!  

Hay là than thở về nhân tình thế thái qua bài Thói Đời Cụ đã thở than như là:

Thói Đời

Vụng khéo nào ai chẳng có nghề
Khó khăn phải lụy đến thê nhi
Được thời, thân thích chen chân đến
Thất thế, hương lân ngoảnh mặt đi
Thớt có tanh tao, ruồi đậu đó 
Sanh không mật mỡ, kiến bò chi
Đời nay những trọng người nhiều của
Bằng đến tay không mấy kẻ vì!

Đọc bài thơ nầy, làm cho chúng ta liên tưởng bài Thói Đời cuả nhạc sĩ Trúc Phương, mà ca sĩ Chế Linh thường hay diễn tả:
...............................................                    
................................................
Trong thói đời cười ra nước mắt
Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu
Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao
Còn gian dối cho nhau
...............................................
..............................................   (Xưa và Năy y chang)

Ngoài thơ ca, cụ Trạng còn có nhiều Sấm ký, như câu Sấm liên quan đến sự dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng: "Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân". Hoặc, tiên tri về nhà Tây Sơn cụ Trạng có câu:

Hà thời Biện lại vi vương
thử thời Bắc tận Nam trường xuất bôn

Về việc vua Quang Trung phá tan Quân Thanh, tức đạo quân của Tôn Sĩ Nghị, và vương nghiệp kết thúc trong một thời gian ngắn, cụ Trạng cũng có mấy câu như sau: 

Bao giờ trúc mọc qua sông
Mặt trời sẽ lại đỏ hồng non Tây
Đoài cung một sớm đổi thay
Chấn cung sao cũng sa ngay chẳng còn 
Đầu cha lộn xuống chân con 
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi

Ứng nghiệm vào cuộc khởi nghĩa Yên Bái của VNQDĐ năm 1930, Cụ viết

Tan tác Kiến kiều An đất nước
Xác xơ Cổ thụ sạch Am  mây
Lâm giang nổi sóng mù Thao cát
Hưng điạ tràn dâng Hóa nước đầy         

Gom những chữ viết hoa, ta sẽ có: Kiến An, Cổ Am, Lâm Thao, Hưng Hoá là những nơi khởi nghĩa VNQĐD và bị giặc Pháp tàn phá đến độ khủng khiếp..!!!!!!!! 

Hay là tiên tri về Toàn Quyền Pasquier tử nạn máy bay như:

Giữa năm Hai Bảy Mười Ba
Lửa đâu bỗng cháy tám gà trên mây

Tại đây, xin mở dấu ngoặc nhỏ để giải thích chữ Tám Gà như vầy: Pasquier âm tiếng Pháp đọc trại ra âm tiếng Việt là Bát Kê, Kê là gà, Bát Kê là Tám Gà, tức tên Toàn Quyền giặc Pháp Pasquier       
                                                                  
Về Sấm ký của Cụ còn nhiều... và rất nhiều.... Tuy nhiên, trong phạm vi bài nói hôm nay, xin trở lại chuyện Dưỡng Sinh Trường Thọ của cụ Trạng.  Kính thưa quí vị, ngoài những thơ ca mô tả về Nhân Tình Thế Thái, về Chữ Nhàn... Cụ Trạng còn có bài Dưỡng Sinh Thi. Và có thể là: do đã sống đúng theo cách thức hàm chứa trong bài thơ Dưỡng Sinh mà Cụ Trạng đã đạt đến thượng thọ 95 tuổi.

Và sau đây là:

Dưỡng Sinh Thi

Tích khí, tồn tinh, cánh dưỡng thần
Thiểu tư, quả dục, vật lao thân 
Thực thôi bán bão, vô kiêm vị  
Tửu chỉ tam bôi, mạc quá tuần    
Mỗi bả hí ngôn, đa thủ  tiếu
Thường hàm lạc ý, mạc sanh sân
Nhiệt viêm, biến trá, đô hưu vấn
Nhiệm ngã tiêu dao quá bách xuân (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Dịch thơ

Giữ khí, gìn tinh, lại dưỡng thần
Ít lo, ít muốn, ít lao thân.
Cơm nên vừa bụng, đừng nhiều vị,
Rượu chỉ vài phân, chớ quá từng.
Miệng cứ câu đùa, vui miệng mãi,
Bụng thường nghĩ tốt, bụng lâng lâng.
Bốc đồng, biến trá, thôi đừng hỏi,
Để tớ tiêu dao đến tuổi trăm. (Bản dịch của GS. Lê Trí Viễn)

Bài Thơ Dưỡng Sinh

Giữ khí, gìn tinh, với dưỡng thần
Bớt lo, bớt muốn, bớt lao thân
Cơm ăn vừa đủ, đừng nhiều vị
Rượu uống vài chung, chớ lắm lần
Miệng hãy cười vui, lời hỉ hả
Tâm nên nghĩ tốt, ý lâng lâng
Giận hờn, dối trá, hằng xa lánh
Ta sẽ an nhàn quá tuổi trăm. (Nguyễn Minh Thanh)    

Và theo thể Lục Bát như là:

Bài Thơ Dưỡng Sinh

Gìn tinh, giữ khí, dưỡng thần    
Ít lo, bớt muốn, lao thân thường thường
Ăn vừa, đừng lắm cao lương
Rượu ngon nhỏ nhẻ, liệt giường chớ nên
Miệng vui câu nói ngọt mềm
Tâm hồn thơ thới ý quên giận hờn
Dẹp lòng dối trá thiệt hơn
Trăm năm thong thả mong ơn tuổi trời. (Nguyễn Minh Thanh phỏng dịch) 

Kính thưa Quí vị, theo Đạo Lão quan niệm thì, Trời có Tam bảo là: Nhật (mặt trời), Nguyệt (mặt trăng), Tinh (những vì sao). Đất có Tam bảo là: Thủy, Hoả, Phong. Và Con Người có Tam bảo là: Tinh, Khí, Thần. 

Bất cứ ai, muốn trường thọ đều phải giữ Tinh, Khí, Thần cho sung túc hài hoà, nhiên hậu được như ý. Mà muốn Tam bảo được hài hoà sung túc thì phải làm sao? 

Dạ thưa đó là tuân thủ những điều cụ Trạng đã dạy qua bài Dưỡng Sinh Thi. Ngoài ra, Nhà Sư Tuệ Tĩnh đời Nhà Trần cũng có câu thơ về Dưỡng Sinh như sau:

Bế Tinh, dưỡng Khí, tồn Thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình (Tuệ Tĩnh Thiền Sư)

Tới đây, bài Tiểu Luận xin tạm kết thúc. 

Hôm nay, nhân, bước chân thời gian đang tới gần mùa Xuân mới, kính chúc quý vị, quý bằng hữu, và quý Anh, Chị, Em..., quý cháu,  mùa Xuân An Khang Thịnh Vượng, và trường thọ như cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Để có dịp về thăm lại, nhìn lại hoặc ở lại Quê Hương thân yêu trong tình hình mới... mà chúng ta  ngày đêm  hằng mong mỏi trăn trở thương nhớ khôn nguôi. 

Trân trọng.

Khách xứ Xuân lai ức cố hương... !!
    
Nguyễn Minh Thanh
                                                
*Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585): là nhà giáo, nhà tiên tri, nhà thơ, nhà văn hoá thời Lê - Mạc. Người Trung  huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, con Ông Nguyễn Văn Định, và bà Nhữ Thị Thục.

Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được biến cố xảy ra 500 năm sau này. Đền thờ Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

*Tuệ Tĩnh Thiền Sư (1330 - 1400): là một lang y sống ở giai đoạn cuối thời Trần. Ông được hậu thế suy tôn là tiên thánh của ngành thuốc Nam. Tại Hải Dương, còn đền thờ ông ở chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng. 

Tuệ Tĩnh có tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh.
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com