Mặc cho thiên hạ tới nay vẫn còn bàn cãi sôi nổi về ngày sinh của Chúa Jesus mà họ đã ước đoán khi dựa vào kinh thánh hay tính toán theo chu kỳ xuất hiện của ngôi sao sáng trên bầu trời Bethlehem lúc Chúa ra đời hoặc căn cứ theo lời ghi chép của Thánh Lục nơi chương 2 trong Thánh kinh. Theo đó thì Chúa sinh vào khoảng năm 6 hay 7 trước Tây lịch. Và dù cho đó là sự thật thì cũng chẳng thấy ai lên tiếng đòi thay đổi ngày sinh của Chúa, bởi vì suốt 20 thế kỷ qua, quan niệm về Chúa ra đời vào năm 1 đã trở thành một huyền thoại vĩnh cửu trong tâm trí của nhân loại.
Tuy nhiên có một điều mà mọi người đều chấp nhận là cách đây hơn 2000 năm, giữa lúc mùa đông đã đến với tuyết phủ trắng xóa khắp cánh đồng mênh mông. Vì phải gấp rút trở về Bethlehem theo lệnh kiểm tra dân số của Hoàng Đế La Mã là Augusto, nên vợ chồng ông Giuse và bà Maria phải chịu cảnh lạnh lẽo ngoài trời bởi không tiền mướn nhà trọ. Theo Thánh kinh ghi chép, thì chính trong đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 1 sau Tây lịch, bà Maria đã hạ sinh Chúa Jesus nơi máng cỏ, trong một túp lều của người chăn chiên bỏ trống.
Suốt ba thế kỷ đầu Tây lịch, các tín đồ Thiên Chúa Giáo vẫn chưa thống nhất ngày lễ Giáng Sinh do sự bất đồng ý kiến của các cấp lãnh đạo. Bởi vậy tới năm 98 sau Tây lịch, người dân La Mã mới bắt đầu mừng lễ Giáng Sinh. Năm 137 Giám Mục thành La Mã là Telesphoros đã chọn ngày Giáng Sinh là quốc lễ. Năm 350 Giám Mục Juluis I lấy ngày 25 tháng 12 làm sinh nhật Chúa. Năm 521 Hoàng Đế Arthur cho tổ chức lễ Giáng Sinh đầu tiên tại Anh.
Nếu không bị phân chia thành nhiều tông phái, đạo Thiên Chúa ngày nay có hơn 1 tỷ tín đồ khắp thế giới. Vì vậy tùy theo ngôn ngữ địa phương như ở Việt Nam thì gọi là lễ Giáng Sinh hay sinh nhật Chúa. La Mã gọi Dies Natalis Domini, Pháp kêu là Noel, Ðức qua danh xưng Weihnacht, Ý gọi là Il Natale, Mỹ Anh Úc Canada gọi chung là Christmas, Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ và các nước Nam Mỹ gọi chung là La Navidad, còn Nga có tên Rozh Destrokrista.
Nhưng dù có gọi bằng ngôn ngữ gì chăng nữa thì những lời nhạc thánh thoát cũng vang lừng khắp thế giới trong ngày sinh nhật Chúa, giữa đêm đông băng giá rét lạnh từ những ngôi giáo đường thơm lừng mùi nến lẫn hương hoa huệ trắng cho tới tận những thôn làng hẻo lánh cô đơn, tín đồ Thiên Chúa giáo cũng như kẻ ngoại đạo gần như hân hoan chào đón một đêm thánh vô cùng:
“Tille nacht, heilige nacht
Silent night, holy night
Douce nuit, Sainte nuit…”
Silent night, holy night
Douce nuit, Sainte nuit…”
Từ trước tới nay, thánh địa của Thiên Chúa Giáo vẫn là vương quốc Vatican tuy có lãnh thổ nằm trong thủ đô Rome nước Ý nhưng vào năm 1929 đã được Mussolini công nhận là một quốc gia độc lập, bất khả xâm phạm. Người La Mã xưa là dân tộc đầu tiên tổ chức lễ Giáng Sinh. Lúc đó vì có sự trùng hợp với ngày lễ kỷ niệm vị Thần Nông Nghiệp của họ là thánh Saturnalia nên hai cuộc lễ trên được nhập chung rất vui vẻ náo nhiệt, nhất là vào những năm được trúng mùa. Tuy nhiên cuộc vui thường kéo dài cả tháng 12 đã gây trở ngại cho sinh hoạt của người dân. Vì vậy vào năm 389 sau Tây lịch, Giám Mục Gregory thuộc địa phận Naianzus đã chấn chỉnh lại cách tổ chức ngày sinh nhật Chúa và đã loại bỏ nhiều hủ tục của địa phương trong đêm Giáng Sinh, chẳng hạn như mang mặt nạ với thân thể lõa lồ ngông nghênh diễn qua khắp phố hay tổ chức các cuộc hành dâm tập thể nơi công cộng hoặc dùng các bộ y phục may bằng loại da thú ghê tởm.
Qua đến đầu thế kỷ thứ IV, tòa thánh La Mã đã cho xây dựng đại giáo đường St Peter tại Rome bằng tường gạch mái lợp gỗ. Từ năm 1453-1609, giáo đường đã qua nhiều đợt đại tu bổ và tái thiết theo kiểu Baroque do các Kiến Trúc Sư lừng danh thuở đó như Bramande, Raphael, Michelangelo đảm trách. Ngày nay thánh đường St. Peter là một trong những đại giáo đường vĩ đại và lừng danh nhất thế giới với sự nguy nga tráng lệ, đứng sừng sững uy nghi giữa quảng trường thánh Phêrô có thể chứa trên 100,000 người. Vào những ngày lễ hội đặc biệt là đêm Giáng Sinh, bên trong thánh đường đèn hoa rực rỡ muôn màu, từ 800 hàng cột, 44 bệ thờ tỏa ánh sáng và mùi hương thánh thoát tràn lan khắp kinh đô nước Ý.
Từ hai mươi năm trở lại, tòa thánh đã có nhiều thay đổi nhằm tiết kiệm ngân quỹ. Vì vậy dù cây Giáng Sinh vẫn được tồn tại theo cổ tục nhưng phần lớn chỉ được trang trí tại các nhà giữ trẻ với các món quà tặng của ông già Noel mang đến vào giữa đêm 25 tháng 12. Cũng trong đêm này, người Ý cũng như khách hành hương ngoại quốc đều tập trung tại thánh đường St. Peter giữa quảng trường thánh Pherô. Lễ hội kéo dài suốt đêm, mọi người vừa hành lễ cũng như nhảy nhót ca hát chúc tụng. Nhiều chương trình ca nhạc được diễn ra cùng lúc tại Via, đồi Aventine, nhà nguyện Sixtine, quảng trường Campitell với các bản thánh ca trứ danh của Villa Laboa, Beethoven, Brahma, Ravel, Janacek và Stravinsky…
Cũng vào dịp này các chủ khách sạn tha hồ hốt bạc nhất là các hotel ở Roma như Ambasciaten, Place, Bernin Bristol, Cavelieri, Hilton, Edan… Tiền mướn phòng tăng vọt kỷ lục từ 400.000 lire lên đến 1 triệu nhưng tất cả đều chật ních. Còn các đường phố xung quanh quảng trường Popolo, Spagna, Corse… trở thành các khu chợ trời bày bán đủ các món hàng dành cho Giáng Sinh và Dương Lịch.
Trong khi đó bên trời đông, từ năm 2000 bắt đầu một thiên niên kỷ mới của thế kỷ XXI, nhà cầm quyền Nazareth của Do Thái đã bỏ ra cả 100 triệu đô la để trùng tu và sửa sang lại thánh địa Jérusalem vùng đất được mệnh danh là cái nôi văn minh của thế giới vì sự ra đời và giao thoa của ba đại tôn giáo hoàn cầu: đạo Do Thái, Thiên Chúa và Hồi giáo. Tất cả được tái thiết đẹp đẽ từ những con đường cũ in dấu bước chân của Chúa qua lại, đều được lột bỏ hết lớp nhựa đường và lớp ciment tráng để thay vào đó là những tảng đá vôi nguyên thủy. Nhiều khách sạn mới được xây dựng tại khu vực Núi Vực là nơi mà dân Do Thái đã xô Chúa xuống vực thẳm như kinh Tân Ước đã ghi.
Tại thành phố Bethlehem nay thuộc Palestine cũng được chuẩn bị ráo riết để đón trên 5 triệu du khách tới hành hương trong mùa Giáng Sinh. Một công viên được xây dựng nơi Chúa ra đời để các tín đồ hành lễ. Cùng lúc các thành phố Nazareth (60.000 dân) tuy phần lớn là người Ả Rập nhưng thuộc Do Thái cũng được chỉnh trang vì có sự hiện hữu của hai ngôi thánh đường nổi tiếng rất lâu đời: Giáo đường Truyền tin của Tòa Thánh La Mã và Nhà Thờ Hy Lạp thuộc Giáo Hội Chính Thống Ðông Phương. Theo truyền thuyết chính nơi này Thiên thần Gabriel đã hiện ra báo mộng bà Maria sẽ sinh đức Emmanuel chính là con Thiên Chúa làm người trần gian để cứu khổ cứu nạn cho nhân loại. Riêng các công trình xây dựng tại Bethlehem được các nước Thụy Ðiển, Ý, Ðức… tài trợ. Tuy nhiên xây dựng rồi tàn phá, tất cả cũng đều do bàn tay của con người quyết định nhất là tại miền đất này, chiến tranh hầu như không bao giờ vắng bóng suốt hai ngàn năm qua cho đến hôm nay vẫn không thay đổi.
Ðêm Thánh Vô Cùng Khắp Nơi Trên Thế Giới:
Hoa Kỳ: Chính những di dân người Anh đã mang các tập tục về lễ Giáng Sinh vào Hoa Kỳ và người Mỹ đã tổ chức đêm sinh nhật Chúa đầu tiên vào năm 1686 tại thành phố Boston nhưng phải đợi thêm hai thế kỷ sau, Quốc Hội Hoa Kỳ mới chịu công nhận Giáng Sinh là quốc lễ (1856). Có điều trái ngược là dù được tổ chức rất muộn màng so với các nước theo đạo Thiên Chúa trên thế giới nhưng hầu hết các huyền thoại liên quan đến đêmThánh đều có xuất xứ từ nước cờ hoa. Ðó là phát minh của ký giả Washington Ivring vào năm 1809, là người đã tưởng tượng về hình dáng ông già Noel là một cụ già béo mập, ngự trên chiếc xe do bầy Tuần Lộc kéo. Còn Bác Sĩ Clement C. Moore vào năm 1822 đã sáng tác bài thơ “Thánh Nicholas Viếng Thăm”. Ðặc biệt họa sĩ Nast vào năm 1863 đã vẽ hình ông già Noel phúc hậu béo tròn, có chiếc mũi đỏ như trái cà chua, được đăng trên tờ Harper’s Illustrated Weekly tới nay vẫn còn tồn tại.
Nước Mỹ chiếm kỷ lục về việc dùng thông trang hoàng trong mùa Giáng Sinh với số lượng trên 21 triệu cây mỗi năm. Sự kiện trên khiến cho Tổng Thống Theodore Roosevelt phải lên tiếng để bảo vệ cho sự sinh tồn của giống cây này. Theo thông lệ vào dịp lễ Giáng Sinh hằng năm, một cây thông to cao và đẹp nhất được chuyển tới vườn hoa của tòa Bạch Ốc để trang trí. Theo báo chí ghi nhận thì ngày 6-12-1996 chính tay TT. Bill Clinton mở hệ thống của 9500 bóng đèn giăng mắc trên cây thông năm đó cao 40 ft. Tuy đẹp nhưng vẫn thua cây thông lễ Giáng Sinh năm 1950 cao tới 212 ft nặng 25 tấn.
Thành phố New York là trung tâm tài chính số một của Hoa Kỳ và cả thế giới nên vào những tuần lễ trước Giáng Sinh, nơi này đã biến thành những kho hàng bách hóa khổng lồ. Từ hè phố vào tới trong tiệm mở cửa buôn bán suốt ngày đêm các sản phẩm mặt hàng mới, đồ thời trang và đồ chơi dành cho trẻ em tràn ngập thị trường. Trong khi đó những chương trình hòa tấu văn nghệ dành cho mùa Noel được trình diễn liên tục khắp các trung tâm buôn bán từ Rockefeller cho tới Radio Music Hall, Carnegie Hall… với sự trình diễn của các ban nhạc và nam nữ ca sĩ tài danh thượng thặng. Rồi thì đêm Giáng Sinh cũng như đêm đón Giao Thừa Tết Dương Lịch, mọi người đều đổ xô về các nơi công cộng trên đại lộ Madison, đường Fifth Ave, các khách sạn tại trung tâm thành phố như Plaza và Rockefeller, các đại vũ trường ở Waldorf, Astoria, Time Square.. để ăn uống, nhậu nhẹt, ca hát và khiêu vũ suốt đêm.
Anh Quốc: Nước này tổ chức lễ Giáng Sinh lần đầu vào năm 521 sau Tây lịch nhân dịp Hoàng Đế Arthur chiếm lại được miền York từ tay người Ái Nhĩ Lan. Thế kỷ thứ IX, Hoàng Đế Alfred trị vì vương quốc Anh đã ký sắc lệnh cho phép dân chúng được vui chơi 12 ngày trong mùa lễ Giáng Sinh. Tập tục này kéo dài cho tới triều đại Norman vào năm 1066, các nước Âu Châu khác cũng bắt chước người Anh tổ chức ăn mừng mùa Giáng Sinh bằng tiệc tùng, lễ lạc, ca nhạc và các hội chợ vui nhộn kéo dài suốt tháng 12.
Sau năm 1066, Anh thuộc quyền cai trị của dòng họ Oliver Cromwell theo Tân Giáo Puritan đã ra lệnh cho Quốc Hội ban hành nhiều đạo luật ngăn cấm việc tổ chức các Thánh lễ trong ngày Sinh Nhật Chúa. Cũng từ đó người Anh chỉ còn được phép tổ chức lễ Giáng Sinh tại tư gia vào đêm 25 tháng 12 hằng năm mà thôi. Do đó những người Anh theo giáo phái Puritan di cư sang vùng England vẫn không tổ chức đêm Giáng Sinh. Tình trạng này kéo dài tới hậu bán thế kỷ thứ XIX mới chịu hòa nhập vào dòng tín ngưỡng hiện hữu tại Hoa Kỳ.
Năm 1660 Hoàng Đế Charles đệ II lật đổ dòng họ Cromwell và triệt hạ giáo phái Puritan, cho phép dân chúng Anh được tổ chức lễ Giáng Sinh hằng năm, tới nay vẫn không thay đổi. Tại Luân Ðôn, vào dịp lễ Giáng Sinh kéo dài tới Tết Dương Lịch, nhà nhà đều trang hoàng cây Noel với đèn hoa rực rỡ. Sau khi dự Thánh lễ nửa đêm tại các giáo đường, mọi người đều về nhà và tụ tập trước cây Giáng Sinh để ăn uống nhảy múa ca hát với món Gà Quay đặc biệt.
Tại các địa điểm công cộng đều có trình diễn các chương trình hòa nhạc. Nhiều đoàn kịch cũng tới biểu diễn cho dân chúng thưởng thức tại các nhà hát lớn ở thủ đô như Salder, Edward… với các vở kịch về tôn giáo như Ðứa Con của Eden, Cindrella, Ðứa Con Của Chúa… Dàn nhạc của Hoàng Gia Anh cũng góp phần trình diễn để giúp vui cho mọi người. Dịp này giá sinh hoạt tại Luân Ðôn tăng vọt tới mức kinh khủng, từ một đêm mướn phòng tại khách sạn tới một bữa ăn mừng Giáng Sinh có thể lên tới 2000 đô la Mỹ.
Pháp Quốc: Ngay từ thời trung cổ, Pháp đã nổi tiếng là chiếc nôi văn hóa của Châu Âu, bởi vậy đêm Giáng Sinh cũng được tổ chức rất trọng thể tại nước này đặc biệt tại Ba Lê, đêm Noel còn được gọi là đêm ‘Hoa Ðăng’. Thật vậy, trong đêm đó tại kinh đô ánh sáng của Pháp rực rỡ muôn màu không khác gì một Bà Hoàng kiêu sa diễm lệ. Mọi người đều đổ xô về các khu vực công cộng đông nghẹt như đang trẩy hội. Khắp nơi chốn từ các khu ăn chơi sang trọng cho tới những ngõ phố tăm tối đìu hiu, ở đâu cũng vang dậy những lời chúc tụng Giáng Sinh và mừng năm mới “Joyeux Noel”.
Các Bar, Night Clubs mở cửa suốt đêm để mọi người ăn uống, ca hát và nhảy nhót chúc tụng lẫn nhau bằng những ước mong tốt đẹp chân thành. Nơi tập trung đông nhất vẫn là khu trung tâm Saint Eustache và Nhà thờ Ðức Bà. Các đoàn ca kịch tôn giáo được trình diễn tại Sacré Coeur, Montmatre và Đại Hý Viện Opera với các vở kịch trứ danh của Naui Hakim như vở ‘Ðám Cưới Figaro Và Otello’.
Cũng vào dịp này các chủ khách sạn và nhà kinh doanh tha hồ hốt bạc qua các chương trình hấp dẫn như Hotel George V với tour Giáng Sinh bao gồm ăn ở, thăm Bảo Tàng Ba Lê và đi tàu thăm cảnh hai bên bờ sông Seine trong ba ngày với giá 1,500 USD (7000 F). Nói chung tiền thuê phòng tại các khách sạn đều tăng vọt, còn khu buôn bán đều tập trung tại các địa điểm quanh Quốc Hội Pháp như Montmartre, Saint Germain, Opera… và các khu chợ. Còn các trung tâm trưng bày nghệ thuật thì tập trung tại Beaubourg và Bastille.
Tại thành phố Strabourg, năm nào tới Giáng Sinh cũng được tổ chức rất trọng thể và linh đình, nhất là sau khi Áo chịu kết nghĩa với Pháp. Công trường chính Christkin Delsmarik của thành phố là nơi đã cử hành lễ Giáng Sinh đầu tiên vào năm 426 sau Tây lịch. Con đường dẫn tới Thánh đường và đại lộ Hallbebardes được trang trí lộng lẫy ngoạn mục. Trên công trường Kleber dựng một cây thông lớn đốn từ vùng núi Vosges và một chiếc máng cỏ đặc biệt sản xuất từ tỉnh Provence. Không khí đêm Giáng Sinh rất vui vẻ nhộn nhịp nhờ có sự giúp vui của các ca đoàn trình diễn khắp các công trường và Thánh đường. Ngoài ra đây cũng là nơi sản xuất loại bánh Hạnh Nhân rang dùng trong đêm Noel làm bằng quế, bột vanila tẩm chanh.
Vùng Alsace có Thánh bổn đạo là Nicolas nên người địa phương tổ chức Giáng Sinh vào ngày 6 tháng 12 theo truyền thống của các dân tộc Ðức, Ý, Bourgogne trong đế quốc cổ Saint Empire Romain Germaniqua. Vào dịp lễ Giáng Sinh đều có tổ chức hội chợ Nicolas bày bán bánh kẹo và đồ chơi trẻ em. Tại đây còn có tập tục đặt đôi guốc gỗ dưới chân cây thông trong nhà, còn phố xá thì rộn rịp tới cuối tháng 12 mới dứt.
Hiện trong thành phố Strabourg còn tồn tại hơn 220 căn nhà gỗ có nguồn gốc từ xa xưa. Về cây thông dựng ở công trường chính của miền Alsace cũng có sự liên hệ tới nước Áo về phương diện lịch sử vì đây là lãnh thổ của nước này bị Vua Louis 14 của Pháp cưỡng chiếm và sáp nhập vào lãnh thổ năm 1648. Vì vậy miền này còn có tên là Tiểu Áo với thủ phủ là thành phố Ensinhein. Hằng năm vào dịp lễ Giáng Sinh, chính quyền thành phố phát không cho dân chúng 10.000 ngọn nến và một gói quà giá trị, đồng thời kêu gọi mọi người tham gia cuộc lễ đông đủ. Ðêm đó hơn 100.000 ngọn đèn đủ màu sắc được giăng mắc khắp nơi khiến cho đêm trong thành phố càng thêm diễm lệ trong đêm Thánh vô cùng.
Ðức Quốc: Từ năm 1991 Ðức thống nhất lãnh thổ và vươn lên thành một siêu cường kinh tế hạng ba sau Hoa Kỳ và Nhật Bản, dẫn đầu khối Liên Âu. Vì thế, hằng năm cứ đến Giáng Sinh và Tết Dương Lịch, dân Ðức tiêu xài rất lớn.
Bắt đầu từ tuần lễ cuối tháng 11 kéo dài tới đêm 25-12, các đường phố lớn tại thủ đô Bá Linh bày bán đủ các mặt hàng dành cho mùa Giáng Sinh. Riêng các khách sạn thì tăng giá vùn vụt gấp đôi lúc bình thường nhất là Grand Hotel ở Đông Bá Linh, chỉ riêng tiền mướn phòng lên tới 300 USD (500 Mark). Trong đêm Giáng Sinh, dân Ðức tụ tập về các nhà hát lớn như Opera để diễn vở kịch Mathis Der Malor của Paul Hindemita và dự các buổi hòa tấu do dàn nhạc của thành phổ trình diễn suốt đêm ngày. Song song là các cuộc triển lãm tranh ảnh, nghệ thuật và văn học.
Nga Sô: Khi lớp tuyết trắng mịn đã phủ đầy mặt đất và khắp mái nhà. Khi những đàn gấu trắng gấu nâu bắt đầu chui vào các hốc núi hang sâu để ngủ. Khi mặt trời chỉ còn đủ ánh sáng soi rõ đường lăn của những xe trượt tuyết, cũng là lúc mùa đông đã về trên đại lục Liên Bang Nga và cũng là lúc mùa Giáng Sinh bắt đầu. Khác với những người theo đạo Thiên Chúa khắp nơi trên thế giới đón lễ Giáng Sinh vào đêm 25-12, người Nga từ năm 1918 đón mừng đêm Noel vào ngày 6 và 7 tháng Giêng theo chính thống giáo.
Theo truyền thống, kỳ ăn kiêng của người Nga trước lể Giáng Sinh bắt đầu từ 28/11 tới ngày 6/1 (theo lịch Gregorian) gồm thịt sữa và cấm tuyệt uống rượu Vodka và đường. Ðêm trước lễ Giáng Sinh, tín đồ chỉ được uống nước và ăn một thứ bánh giẹp làm bằng đậu lăng chiên bằng dầu thực vật gọi là Sochniki. Cũng trong đêm đó khắp nước Nga, các tín đồ theo dõi những ngôi sao nhỏ đầu tiên xuất hiện trong đêm cũng là lúc họ bắt đầu hành lễ, đọc kinh cầu nguyện xin Chúa ban phước lành cho gia đình, sau đó mới vào nhà quây quần bên bữa tiệc Giáng Sinh.
Về ý nghĩa của 40 ngày ăn kiêng là để nhớ tới 40 năm mà Mases đã dẫn dân Do Thái vượt qua được sa mạc mịt mù để về miền Đất Hứa. Thời gian này, mọi người đều tham dự các Thánh lễ bố thí của cải tặng phẩm cho người nghèo, trẻ mồ côi, bệnh nhân và tội phạm. Từ ngày 23/12 (5-1 theo lịch mới) dân Nga hầu như đình chỉ mọi sinh hoạt. Các trường học, công sở, công ty… nghỉ 2 tuần, trong lúc đó ở nông thôn mọi người đã đình chỉ mọi công việc đồng áng từ đầu tháng 12. Các hội chợ Christmas Eve được mở khắp nơi để dân chúng mua sắm trong đó có cây thông dùng để trang hoàng nhà cửa, tập tục này đã có từ thời Peter Đại Đế. Ai cũng bận rộn suốt ngày Giáng Sinh với các nghi lễ Nguyên Sáng (Martins) và tháng Basil.
Ðặc biệt người Nga rất coi trọng việc trang hoàng cây thông nên công việc này được cả gia đình thực hiện trong đêm trước lễ, trong đó các ngôi sao Bethlehem được giăng mắc khắp nơi. Nói chung là bữa ăn Giáng Sinh của người Nga rất trang trọng và cảm động. Thực đơn luôn có ngỗng quay với táo nướng theo tập quán và chỉ được uống rượu Vodka sau khi mọi người đã hoàn tất Thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ, chấm dứt 40 ngày ăn kiêng. Nhưng náo nức nhất vẫn là lũ trẻ nôn nóng chờ ông già Noel xuất hiện để tặng quà. Mọi người cùng tham dự lễ hóa trang và đồng hát bài thánh ca của nước họ:
‘Con như đứa trẻ nhỏ nhoi
kính dâng lên Chúa lời thơ hát mừng
máng cỏ xanh, Chúa ra đời
Giáng Sinh hạnh phúc, tưng bừng sáng nay…’
kính dâng lên Chúa lời thơ hát mừng
máng cỏ xanh, Chúa ra đời
Giáng Sinh hạnh phúc, tưng bừng sáng nay…’
Trong lúc đó nơi bầu trời đen thẳm, qua sự náo nức của triệu triệu trái tim, ngôi sao Bethlehem đầu tiên trong năm vụt hiện ra sáng soi rực rỡ, mang niềm tin bất tận đến cho mọi người.
Ba Lan: Hơn 100 năm qua, Ba Lan là một quốc gia Ðông Âu chịu nhiều đau khổ nhất vì những cuộc xâm lăng liên tục của Nga Xô và Ðức Quốc Xã. Vì vậy nước này đã từng bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào năm 1795, trở thành nô lệ cho các nước mạnh quanh vùng hơn một thế kỷ mới được hồi sinh nhờ công lao phục quốc của vị anh hùng Josep Pilsudski.
Hầu hết người Ba Lan theo đạo Thiên Chúa và dù nước này sống dưới ách thống trị của cộng sản thân Nga nhưng Hồng Y Karol Wojtyla đã được bầu làm Ðức Giáo Hoàng ngày 16-10-1978 với danh xưng John Paul II. Thủ đô của Ba Lan là Warsaw là một thành phố của những người sùng đạo, nhất là từ sau năm 1989 nước này đã chính thức trở thành một quốc gia tự do độc lập không còn theo chế độ cộng sản nữa.
Cũng từ đó người Ba Lan đã tổ chức Giáng Sinh và Tết Dương Lịch rất long trọng. Sau khi dự lễ nửa đêm xong, mọi người ùa ra đường phố ăn uống, ca hát nhảy múa cho tới sáng vừa mừng Giáng Sinh và Tết Dương Lịch sắp sang. Một số đông khác đến các nhà hát lớn để dự buổi hòa tấu Thánh ca do ca đoàn Nutcracker của giáo hội Thiên Chúa Giáo Ba Lan phụ trách. Tại đây còn trình diễn vở Opéra ‘Die Fledermaus’. Các hàng quán mở cửa suốt đêm bán các món ăn Ba Lan, Ðức và Trung Hoa. Ðặc biệt khách sạn tại thủ đô Ba Lan có giá cả rẻ hơn các nước Tây Âu với tiền mướn khoảng 100 USD/1 đêm tại các Hotel quốc tế như Orbia Victoria, Intercontinental, Marriott…
Bắt đầu từ cuối tháng 11 tới ngày 25/12 cửa hàng buôn bán tấp nập các sản phẩm dành cho Giáng Sinh và Tết Dương lịch, tập trung tại các khu Marskzakowaka, Jerozolinskie, Oldtown, Wieto Hizyska…
Canada: Hằng năm cứ đến cuối tháng 10 khi mà trên mặt tuyết chỉ còn trơ lại những cây xanh bất tử như Mistletoe, Ivy, Pine, Prolly, Thông… cũng là lúc mọi người bắt đầu chuẩn bị mừng Giáng Sinh và Tết Dương Lịch. Tại Toronto, thủ phủ của tiểu bang Ontario rất rộn rịp với những gian hàng bán các sản phẩm Giáng Sinh như thông xanh, hình ông già Noel cho tới đồ chơi dành cho trẻ con (trung tâm Walt Disney, Toys R US…) nhưng tấp nập nhất vẫn là khu bán sách báo, vì ai cũng cần mua thiệp chúc Noel và Tết Dương lịch ‘made in Canada’ cùng với các đặc san nói về truyền thống lễ sinh nhật Chúa.
Mùa này hầu như tất cả các trung tâm thương mại tại Canada đều đại hạ giá để câu khách hàng tại Yorkdale, North York, Scraborough Town, Woodbine, Hudon’s Bay… Nhưng đồ sộ nhất vẫn là trung tâm Eaton Center với hơn 320 chi nhánh khắp thế giới, được thành lập từ năm 1970. Ngoài quang cảnh nhộn nhịp của thiên hạ đi mua sắm, còn có lễ rước ông già Noel hằng năm gọi là ‘Santa‘s Parada’ có từ năm 1905 được lưu truyền tới ngày nay.
Có hằng trăm ngàn người Canada và du khách nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ từ các tiểu bang lân cận, kéo về tham dự ngày Santa’s Parada gồm người lớn lẫn trẻ con. Cuộc diễn hành luôn được thực hiện dù cho thời tiết có thay đổi đột ngột. Nói chung thiên hạ đội mưa tuyết giá lạnh để đi xem diễn hành tại các đường phố như Blosr West, Queen Park Crescent, University, Front East… Xe Cảnh Sát dẫn đầu đoàn diễn hành rồi tới xe hoa Bưu Điện, đoàn Quân Nhạc với y phục cổ truyền đỏ đội mũ cao màu đen, sau đó là các xe hoa đủ màu đủ kiểu với các bộ đồng phục biểu tượng của cơ quan, đoàn thể, trường học, công ty.. cuối cùng mới tới xe hoa của ông già Noel. Ðây là nhân vật chính của cuộc diễn hành đứng trên một xe trượt tuyết do tám con Tuần Lộc kéo, theo đúng truyền thuyết mà sách báo đã ghi lại. Mọi người từ lớn tới bé đều vỗ tay và chúc mừng vang dội cả một góc trời. Cảnh nhộn nhịp kéo dài tới chiều 24 tháng 12 thì kết thúc vì ai nấy cũng hối hả trở về nhà để sum họp với gia đình trong đêm Giáng Sinh mặc cho ngoài trời mênh mông tuyết trắng.
Nhật Bản: Theo sử liệu thì Hòa Lan là nước Tây phương đầu tiên tới Nhật vì tàu buôn bị bão phải tấp vào đảo quốc này và được chính quyền thời đó là Tokugawa Bakufu cho phép mở thương hiệu tại Hirado vào năm 1600. Theo chân các thương gia là những phái bộ truyền giáo đạo Thiên Chúa, tới năm 1610 đã có hơn 70 vạn người theo đạo này. Do đó Lãnh Chúa Tokugawa Ieyaso đã ban lệnh cấm đạo và bế quan tỏa cảng như tại Tàu và Việt Nam.
Có lẽ vì bị áp chế quá mức nên vào năm 1637 đã có cuộc bạo loạn của hơn 20.000 tín đồ đạo Thiên Chúa do các võ sĩ (Ronin) cầm đầu tại Shimabara và miền Tây Kyushu. Ngoại trừ một ít người Hòa Lan và Tàu được ở lại buôn bán tại Trường Kỳ (Nagasaky), còn những người Tây phương khác như Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Anh.. đều bị trục xuất khỏi Nhật. Tình trạng này kéo dài tới 200 năm sau, khi Chiến Hạm của Hoa Kỳ do Đề Đốc Perry tới thị uy nên Nhật đã mở cửa cho người ngoại quốc vào buôn bán vào năm 1853.
Tại Nhật vào tháng 12 có rất nhiều lễ hội và mặc dù tại đây hầu hết đều theo Phật giáo nhưng vẫn tổ chức đón mừng Giáng Sinh cùng lúc với các lễ hội khác như ngày 5/12 tại điện thờ Suitengu, ngày 21/12 đền Nishiarai, ngày 24/12 đền Kogaji, ngày 27-29/12 đền Yagenbori Fudose… Do đó trong tháng này tiền thuê khách sạn tại Ðông Kinh (Tokyo) tăng cao nhất là ở các Hotel lớn như Akasaka. Việc mua bán vào dịp Giáng Sinh và Tết Dương lịch bắt đầu từ tháng 11 cho tới cuối năm tại các trung tâm thương mại Aoyama, Shibuya, Hajuku và Shinjuku..
Vào đêm Giáng Sinh, các tín đồ Thiên Chúa và Tin Lành tới làm lễ tại các nhà thờ, còn đám đông người Nhật ngoại đạo thì tụ tập tại các khu ăn chơi để nhảy nhót ca hát tới sáng.
Tân Gia Ba: Tuy chỉ có hơn 3 triệu dân nhưng người Tân Gia Ba theo rất nhiều tín ngưỡng như Phật, Lão, Khổng, Bà La Môn, Hồi Giáo, Thiên Chúa và Tin Lành. Quốc gia này đón Tết Nguyên Đán theo Âm lịch đồng lúc với lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch theo Tây phương.
Trong đêm Noel, khu vực nằm giữa các đại lộ Tudor, quảng trường Mariana, đường Scott.. được giăng mắc hoa đèn trăm màu rực rỡ sáng như ban ngày với dòng người qua lại tràn ngập như thác đổ, từ lề ra tới giữa đường chỉ toàn là người đi bộ. Luật Tân Gia Ba nghiêm cấm dân chúng làm mất thuần phong mỹ tục nơi công cộng nên đêm Giáng Sinh ở đây không có cảnh rượu chè, nhảy nhót loạn xạ ngoài phố. Nhưng mọi người vẫn tổ chức tiệc tùng khiêu vũ tại tư gia, quán ăn, vũ trường, khách sạn để đón mừng sinh nhật Chúa. Tại các khu vực công cộng có hòa nhạc giúp vui trong đêm lễ.
Hồng Kông: Cũng như Nhật Bản và Tân Gia Ba tuy người Hồng Kông hầu hết theo Phật giáo nhưng họ vẫn tổ chức đón mừng đêm lễ Giáng Sinh rất trọng thể. Ngoài các tiệc tùng tại tư gia, dân chúng còn kéo ra đường ăn uống nhảy nhót suốt đêm lễ. Dịp này các hãng phim đều tổ chức các buổi liên hoan nghệ thuật phim ảnh Hồng Kông với sự tham dự của hầu hết các nam nữ tài tử nổi tiếng đương thời. Tại các nhà hát lớn cũng như các trung tâm văn hóa tại đặc khu.. trình diễn kịch của Shakespeare và hòa tấu những đại tác phẩm của nhạc sư Mozart. Các tiệm ăn lớn nhỏ mở của suốt đêm với các món ăn Trung Hoa.
Việt Nam: Trước biến cố 30/4 tại miền Nam Việt Nam mặc dù đất nước lúc đó đang sống trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng đêm Giáng Sinh hằng năm đều được mọi người tổ chức trọng thể cho dù có hay ngoại đạo. Bắt đầu từ tháng 11 Dương lịch, thủ đô Sài Gòn đã có hơi hám Giáng Sinh nhất là tại khu vực quanh nhà thờ Ðức Bà, Tân Ðịnh, Thị Nghè… các cửa hiệu đã bắt đầu bày bán hàng Giáng Sinh như thông giả, hang đá, lồng đèn ngôi sao, cờ và giấy hoa. Từ lâu người miền Nam gọi lễ Giáng Sinh là Noel chứ không gọi Christmas dù lính Mỹ và Ðồng Minh đang có mặt.
Chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, các gia đình trung lưu Việt Nam thời đó sau khi dự lễ ở nhà thờ về, nhà nào cũng mở tiệc Réveillon để cùng bạn bè thân thuộc vui vầy. Thật không có gì hạnh phúc cho bằng vào những đêm Giáng Sinh xa xưa, tuy là người ngoại đạo nhưng được bè bạn cho tham dự buổi tiệc vui trên, trong khung cảnh gia đình đầm ấm, bên cạnh cây thông lấp lánh đèn sao, bên tai văng vẳng những lời ca tiếng nhạc Giáng Sinh êm dịu như “Il est né le divin enfant, Mon beau sapin, Noel, Noel Adeste Fideles, Venite Adoremus, Silent Night, Gingle Bell, Trời Cao, Cao Cung Lên, Hang Bélem…”
Bắt đầu từ năm 1965 cuộc chiến đã bắt đầu leo thang nên tại các tỉnh và thành phố tổ chức các Thánh lễ sớm hơn. Hình ảnh Giáng Sinh cũng được người miền Nam trào phúng hóa theo thời cuộc như ông già Noel quân đội đi giày trận đeo súng, còn các hang đá ở các doanh trại hay khu gia binh được làm bằng vỏ thùng đạn pháo binh. Tuy vậy tại Sài Gòn dân chúng vẫn bất chấp, đêm Giáng Sinh kéo ra đường vui chơi nảy nhót nhất là giới thanh thiếu niên choai choai, mặc quần áo bó sát, từng cặp phóng xe Honda táo bạo trên các đường phố đông người. Với những người trung niên hay đứng tuổi, ai nấy cũng đều ăn mặc rất lịch sự tao nhã khi dự lễ tại nhà thờ cũng như dạo phố. Vì vậy đêm Noel có phần vui hơn những ngày Tết Nguyên Ðán vì mọi người không lo nghĩ gì tới chuyện mua sắm nhức đầu.
Từ năm 1966 tới 1974, năm nào Chính Phủ VNCH cũng đơn phương hưu chiến 24 giờ từ đêm 24 tới cả ngày 25/12 nhưng năm nào cũng bị CS Bắc Việt lợi dụng tấn công lén tại các đồn bót và pháo kích các tỉnh cũng như thủ đô Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Ðịnh, gây thương vong nhiều người giữa lúc đồng bào đang hân hoan đón mừng sinh nhật Chúa.
Sau khi miền Nam bị quốc tế cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm vào cuối tháng 4-1975, nhiều câu chuyện tiếu lâm thời đại có liên quan tới miền Bắc thiên đàng xã nghĩa từ 1954-1975. Trong hàng ngàn câu chuyện kể, thảm thê và tàn nhẫn nhất vẫn là chuyện dài Hà Nội làm tiền nhà thờ, được nhắc đi nhắc lại tới ngày nay vẫn còn có người nhắc.
Lúc đó bọn chóp bu tại Bắc bộ phủ vì muốn bịp đám da trắng Tây phương trong các phái Bộ Ngoại Giao có Sứ Quán tại thủ đô Hà Nội rằng chế độ ta luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng. Vì vậy hằng năm cứ tới mùa Giáng Sinh thì chính quyền tự động cho công an cán bộ tới sửa sang sơn phết nhà Thờ chính tòa. Sau đó vào đêm lễ Giáng Sinh cũng như Tết Dương lịch, một số đông tín đồ cò mồi mà phần lớn là công an cán bộ và thân nhân, được phái tới nhà thờ trên dự lễ cho bọn ký giả da trắng chụp hình viết bài phóng sự gửi về bản xứ đăng báo lên truyền hình tuyên truyền giùm cho chế độ.
Thế rồi sau đó nhà thờ nhận được văn thư kèm hóa đơn của cộng sản Hà Nội đòi tiền chi phí sửa chữa, quét vôi, điện cho tới tiền mướn người đi dự lễ. Ðâu còn làm gì được nên Hồng Y lúc đó là Trịnh Như Khuê phải vơ vét tiền nong để thanh toán và trò đời biển dâu dâu biển này cứ tái diễn suốt hai chục năm dài suốt mùa Giáng Sinh cho tới khi Cộng Sản chiếm được Miền Nam mới kết thúc.
Mấy chục năm qua nơi xứ người, đêm Giáng Sinh năm nào cũng nghe được những bài Thánh Ca êm dịu nhân ái để rồi sau đó lặng lẽ rớt nước mắt trong đêm vắng khi nhớ về ‘những người năm xưa ấy, giờ lưu lạc phương nào?’. Quá khứ tuổi thơ vụt sống lại với những mùa đông rất ngọt năm nào tại quê nhà, thuở cùng bạn bè trai gái làm báo tường báo lớp. Nay thì đã xa lắc xa lơ dù kỷ niệm vẫn chưa phai mờ trong tâm trí.
Không biết đến bao giờ những người Việt Nam nghèo khổ đang sống lây lất ở quê nhà mới được thấm nhuần ơn Thiên Chúa như chân lý đã dạy “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khổ, vì nước trời là của họ”. Ðêm nay đêm Thánh vô cùng đang trẩy hội, ta người ngoại đạo cũng đón mừng với giọt nước mắt ly hương lầm lũi trong gió mưa lạnh giá:
“Ta lại khóc dù hồn như gỗ đá
Nhìn dòng đời hờ hững giữa đêm đông”
Nhìn dòng đời hờ hững giữa đêm đông”
Viết tại Xóm Cồn Hạ Uy Di
Tháng Chạp 2013
Mường Giang