User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tuyenthokhatiemly
 
Tôi học Hàn Nho Phong Vị Phú của cụ Nguyễn Công Trứ và Tài Tử Đa Cùng Phú của cụ Cao Bá Quát cách nay hơn 65 năm, song quãng thời gian dài dằng dặc đó vẫn không làm phai nhạt ký ức về những áng văn tuyệt tác của người xưa. Còn nhớ khi miêu tả cái nghèo, cái cảnh nhà dột cột xiêu của anh hàn sĩ, cụ Nguyễn đã viết những câu văn biền ngẫu đáng nhớ:
 
Bóng nắng dọi trứng gà trên vách, thằng bé tri trô,
Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó. 
 
Có thể nói đó là những tuyệt cú!
 
Theo tôi, văn tế và phú là những thể loại văn biền ngẫu khó làm, khó diễn tả nhất trong văn chương Việt Nam, chúng được xây dựng bằng những cặp đôi câu đối nhau chan chát từng ý, từng lời. Thể thất ngôn bát cú Đường luật ngắn ngủi, đơn giản hơn mà cũng đã khó làm, khi phải cho hai câu 3-4 (câu thực) và 5-6 (câu luận) đối nhau như thế. Dăm người cố vớt vát lại thể thất ngôn này song cũng trầy trật lắm, được chữ này, mất chữ kia.
 
Ngày nay, khi con người đã nghĩ đến lối thơ “hậu hiện đại” rồi mà vẫn ngồi nhớ tiếc cái thời của các cụ đồ nho, thực là phường… lạc hậu!
 
Vậy mà cách đây không lâu, có hôm tôi chợt giật mình đọc thấy ở đâu đó một bài văn tế của Kha Tiệm Ly! Anh viết thể văn biền ngẫu này dễ dàng, trôi chảy, và tài hoa đến không ngờ, đọc anh, ta có cảm giác như đang sống lại cả một thời cắp sách đến trường. Vì thế nhiều người trong chúng ta, không ai lấy làm lạ khi anh đã được trao giải nhất cuộc thi Viết văn tế Đại thi hào Nguyễn Du nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của cụ (2021). 
 
Trước đây, viết phú, có nhà thơ, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (1947-2020) cũng tài hoa như thế, song anh viết phú theo thể loại hài hước là chủ yếu; nay họ Vũ không còn, trách nhiệm làm sống lại một thời phong vị của cha ông nay thuộc về Kha Tiệm Ly. Và anh đã xứng đáng với việc làm này.
 
Cũng như cụ Nguyễn, cụ Cao có Hàn nho phong vị phú, Tài tử đa cùng phú, trong tác phẩm Tuyển Thơ Kha Tiệm Ly (NXB Hội nhà văn 2024), Kha có Hàn sĩ nghinh xuân phú đậm nét tài hoa:
 
Cơm lưng bụng, quân tử cần chi hải vị sơn hào,
Quần sờn mông, hảo hán chẳng màng chi tơ tằm, vải bố!
 
Những câu thơ gợi nhớ một Nguyễn Công Trứ cách nay hơn 150 năm:
 
Ngày hai bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngõ. (Hàn Nho Phong Vị Phú)
 
Vì thế, nói đến Kha Tiệm Ly, trước hết ta phải nhắc đến cái công lao duy trì thể văn biền ngẫu của tiền nhân, một thứ vốn văn hóa ngày nay đang có nguy cơ bị cuộc sống vật chất đẩy lùi về một thời quá vãng xa xôi.
 
Không chỉ làm sống lại lối văn biền ngẫu của người xưa, anh còn sử dụng thể loại “Hành”, nhắc nhở người đọc đến một Hành Phương Nam của Nguyễn Bính, một Tống Biệt Hành của Thâm Tâm:
 
Ta biết người buồn sáng hôm nay,
Trời chưa mùa Thu tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc,
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay (Tống Biệt Hành)
 
Thể thơ Hành thường mang đậm chất tự sự, nói lên nỗi niềm u uẩn, phô bày chí khí của người làm trai khi đối mặt với nghịch cảnh trong đời. Trong “Tuyển Thơ Kha Tiệm Ly”, tác giả dành các bài Hành để nói lên tình bạn keo sơn đã cùng nhau san sẻ những vui buồn trong cuộc sống, cùng trải qua những tao loạn trong đời, nhiều câu không khỏi khiến cho người đọc chùng lòng trong một cảm xúc miên man:
 
Huynh bao năm đã thành thân viễn xứ,
Nhưng tình núi sông há một sớm phôi phai,
Tôi vá víu từng câu thơ cơm áo,
Giữa quần sinh sao lại thấy lạc loài! (Tri Âm Hành – với Lê Mai Lĩnh)
 
Hành của Kha Tiệm Ly không chỉ là tự sự, mà còn là cảm nghĩ, là nỗi niềm của hai tâm hồn đồng điệu:
 
Ngao ngán xem trò hề cõi thế,
Giả nghĩa giả nhân mang mặt nạ người,
Khi củi mục đội cánh chuồn ngạo nghễ,
Thì anh hùng hào kiệt hóa đồ chơi.
 
Có thể gọi hai câu cuối của khổ thơ trên là tuyệt cú, đáng để lưu truyền trong thế giới văn chương.
 
Mình còn nhớ vào những năm đầu thập niên 1960, ở miền Nam, trên nhật báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền, người phụ trách mục “Thơ Và Thi Nhân” là thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã xướng xuất thể thơ “Nhị Thập Bát Tú” gồm 4 câu lục bát hay thất ngôn tứ tuyệt gói gọn trong 28 chữ. Điểm đặc trưng của thể loại thơ này là sự cô đọng, chỉ trong 28 “vì sao” thôi nhưng đã thể hiện đủ cảm nhận của thi nhân về một chủ đề nào đó trong đời sống, ví như bài sau đây của thi sĩ họ Vũ nói lên tâm tư của con người trước sự phát triển của đời sống cơ khí:
 
Trời Máy
 
Máy hất người văng khỏi lối đi,
Bơ vơ nhân loại chắp tay quỳ,
Nghe vang rờn rợn lời đanh thép,
“Trời máy là ta, con gọi chi?”
 
Chắc người đọc đều nhận thấy, trong 4 câu ngắn ngủi ấy, 2 từ “đanh thép” thật “đắt”, chúng vừa mang ý nghĩa vật chất của một sản phẩm cơ khí, vừa mang ý nghĩa tinh thần của sự kiên định, rõ ràng.
 
Trong “Tuyển Thơ Kha Tiệm Ly’, tác giả cũng gián tiếp bày tỏ sự đồng cảm cùng bậc đàn anh đi trước với hơn 40 bài tứ tuyệt mang âm hưởng của Nhị Thập Bát Tú ngày nào:
 
Bến vắng đìu hiu, sóng dập duềnh,
Nắng vàng từng hạt rụng buồn tênh,
Thuyền ai xuôi ngược dòng danh lợi,
Có biết trường giang lắm thác ghềnh (Khách Và Đò)
 
Có lúc thơ tứ tuyệt ẩn chứa chút tâm tư của kẻ đã ít nhiều chán ngán với lẽ đời vinh nhục:
 
Kẻ mặc áo rồng, kẻ vá vai,
Kẻ quyền lệch đất, kẻ tôi đòi,
Mai kia cuối nẻo đường vinh nhục,
Chân đất, hài thêu cũng thế thôi. (Nẻo Về)
 
Cái trái ngược nhau giữa vinh và nhục, giữa chân đất với hài thêu gợi lên trong lòng mỗi chúng ta bao nhiêu mối cảm hoài khi nghĩ đến lẽ vô thường của kiếp nhân sinh!
 
Một điều lạ là trong tập Thơ Tuyển, Kha Tiệm Ly dành cho thơ khá nhiều rượu, với 24 bài thuộc phái Lưu Linh. Có lẽ sự chếnh choáng hơi men dễ mang lại cho con người một chút ngông nghênh, thơ rượu của anh vượt không gian lẫn thời gian, bất luận người xưa hay người nay, chẳng cần phân biệt cái chết hay sự sống. Anh đi xuống Diêm Phủ uống với Diêm Vương, Đạm Tiên, lên trời uống với các vị La Hán, đi vào tiểu thuyết Tàu uống với Lỗ Trí Thâm, Lệnh Hồ Xung, Kinh Kha tráng sĩ, trở về Việt Nam uống với cụ Phan Thanh Giản, và tất nhiên là sau đó, quay về thực tại, uống với những con người bằng xương bằng thịt hôm nay, trong đó có đến hai bài “Uống Rượu Với… Đĩ”, bài nào đọc lên cũng khiến ta vô cùng cảm khái về cái tính nhân văn, chất hào sảng của một người đã trải qua thăng trầm của cuộc sống, dành sự trân trọng, yêu thương cho một phận người bất hạnh đang lăn lóc giữa chợ đời:
 
Em nói với ta em là con đĩ về chiều,
Ta tên bá vơ cũng trách đời mạt vận,
Cùng gặp nhau trên bước đường lận đận,
Ta chán hải hồ, em chán tiếng yêu,
 
Em ở lầu xanh mà tâm hồn thánh thiện,
Kẻ ở lầu hồng chưa chắc gái thuyền quyên,
Mang áo rách vai cũng vẫn là hảo hán,
Đội mũ ô sa đâu phải chẳng thằng hèn.
 
Đời đá ta, em mời ta lít rượu,
Đời bỏ em, ta lại uống say mèm,
Bao son phấn, em quăng vào quá khứ,
Chuyện giang hồ ta gửi lại đàn em.
 
Đêm qua tiếp khách, sáng em mời ta uống rượu,
Dắt tay nhau ra quán bụi đời,
Viêm màng túi nên trả tiền không đủ,
Cầm thẻ nhà văn, chủ quán đéo thèm coi!
 
Ta lại vắt óc kiếm tiền mua rượu,
Em lại ra đường rước khách để mua cơm,
Cơm rượu ngày nay sao quý như vàng ngọc,
Ta xót xa, em nhức nhối từng đêm!
 
Em thổn thức khóc trọn đời làm đĩ,
Ta xót thương cho một kiếp giang hồ,
Em vợ ngàn người mà không ai tri kỷ,
Ta mấy cuộc tình chưa đẹp một câu thơ! (Uống Rượu Với Đĩ (1))
 
Cái chân tình của hai kẻ giang hồ (theo hai nghĩa khác nhau) đối với nhau khiến chúng ta cảm động đến... ứa nước mắt:
 
Đêm qua tiếp khách, sáng em mời ta uống rượu,
Dắt tay nhau ra quán bụi đời…
Em vợ ngàn người mà không ai tri kỷ,
Ta mấy cuộc tình chưa đẹp một câu thơ!
 
Theo tôi, đây nếu không là bài thơ hay nhất thì ít nhất cũng là một trong những bài hay nhất trong đời làm thơ của Kha Tiệm Ly. Tôi yêu nó, xúc động vì nó, và chép đầy đủ ra đây vì cái tài hoa, chất hào sảng thật đáng yêu của nó.
 
Kha Tiệm Ly vốn là người hiền lành, khiêm tốn và giản dị, dù có chút tài văn chương, anh vẫn sống thanh bạch, chẳng màng lợi danh, thơ viết chỉ để đó mà… chơi. Vì cảm cái tài của anh, một nữ sĩ đất Hà Thành là chị Dư Bình đã động viên, thúc giục anh, và hỗ trợ anh rất nhiều trong việc in ấn và phát hành “Tuyển Thơ Kha Tiệm Ly”. 
 
Ngày 25.11.2024, một buổi giới thiệu thơ Kha Tiệm Ly thật xúc động đã được các văn nghệ sĩ Bắc Hà tổ chức giữa lòng thủ đô, với sự tham dự của các gương mặt tài danh như Vũ Thư Hiên, Hoàng Quốc Hải, Trần Nhượng, Nguyễn Xuân Diện, Vương Trọng, Dư Bình, cùng một số anh chị đến từ các tỉnh xa. Trong buổi họp mặt bất ngờ đó, người con đất phương Nam là Kha Tiệm Ly đã không ngăn được những giọt nước mắt cảm động, anh nghẹn ngào không tiếp tục phát biểu được nữa! Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc hiếm hoi trong một xã hội mà nhiều giá trị tinh thần bị đảo lộn, nhiều giá trị đạo đức bị xuống cấp. 
 
Xin chúc mừng Kha Tiệm Ly, chúc mừng đất phương Nam có được một đứa con đáng yêu như anh. 
 
Lê Nguyễn
9.12.2024
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com