Dưng không rồi thấy lại... Bình Minh.
Lệ thường, hai chữ Bình Minh, vốn gốc từ Hán tự đã bị Việt hóa tới độ thành nôm na dù với font chữ in hoa, thì cũng vẫn là... bình minh. Đó là lúc trời không còn đêm mà cũng chưa hẳn là ngày. Khoảnh khắc giao thời đó còn gọi là “rạng đông” hay “hừng đông”. Hay còn thẳng thừng hơn nữa, “mặt trời mọc”-quả là một cách ví von rất thi vị khi ví mặt trời như một thứ cỏ hoa, sau một đêm bị vùi dập đâu đó, rồi tới lúc lại... mọc lên. Mặt trời mọc. Chữ nghĩa xưa của ông bà quả tình là dư dả và điệu nghệ hết biết. Vậy thì cớ gì mà đâm ra... thắt thẻo!
Sự thể là vầy. Có hôm rảnh rỗi, ngồi nghĩ lan man chuyện đời rồi lạc đường vào cõi ảo, tây tà gọi là cloud (?) gì đó. Cái chỗ không có biên giới, không đêm ngày. Nhất là cái gì cũng có, kể cả thiệt và giả. Hay thiệt thiệt giả giả. Từ thiệt như chiến tranh chết người đến giả như chính trị giết người. Từ thiệt thiệt như ái tình và giả giả như ái tình. Mà thôi, kể ra chẳng làm sao cho xiết.
Có điều, sau bốn mươi bốn năm bỏ xứ mà đi, bốn mươi bốn năm lê la chỗ lạ- riết-thành-quen, mấy cái chữ quen rồi quên-riết-thành-lạ, lắm khi mớ chữ trên mây cũng đâm ra mờ mờ ảo ảo. Lê la mấy lúc rồi lọt vô một cõi rất riêng có tên là lethikimphương, rồi thấy hai chữ... BÌNH MINH- với lối “chữ in”. Tự dưng rồi đâm ra bâng khuâng. Rồi chuyện này lây qua chuyện khác, muốn hỏi cho ra lẽ. Khổ nỗi chữ Việt ta một khi được điện tử hóa lắm khi do điều kiện kỹ thuật đành bỏ rơi rớt mớ dấu thanh âm sắc-huyền-hỏi-ngã-nặng, y như phần số của kiếp hồng nhan đến hồi phải chịu đa truân vậy. Cho nên có lấn cấn mà chẳng biết hỏi ai.
Hai chữ “bình minh” đó ở trong cái tựa của bài thơ mang tên Rồi Một Mai Tôi Phải Xa Bình Minh với tên tác giả Trần Hoài Thư.
Vừa thấy tựa đã giựt mình. Rồi thấy tên tác giả lại giựt mình lần nữa. Rồi là y như mấy ông ngồi thiền đang lần tràng hạt, hết hạt này tới hạt khác cứ nhoi lên, nhoi lên mà... tái hiện trong mớ kỷ niệm đã có mòi loi ngoi như khách qua sông chìm đò mà không biết lội. Bỗng chốc rồi hai chữ Bình Minh như đẩy lùi trí nhớ về một khoảng đời xa mút, mút đâu tận tới lúc tuổi tác chỉ mới vừa lúc... bình minh, về một người có tên Bình Minh, ở một nơi gọi là Bình Minh mà đã có thời gọi là Cái Vồn.
Trên đoạn đường quốc lộ 4 nối Vĩnh Long với Cần Thơ dài đâu khoảng 36 cây số, có lúc chạy qua những cánh đồng xanh bát ngát, những chiếc cầu với hai vòng cung sơn trắng cong cong như nửa vòng tay ôm, vắt ngang những con rạch đục nước phù sa, những mặt lộ trải đá với nhựa đen đã trổ màu bạc phếch gặp mùa gặt người ta trải lúa ra phơi tự nhiên như sân nhà, những làng mạc dọc hai bên đường có tên gọi ngộ nghĩnh như Bà Lai (?), Ba Càng... Sau khi đã dằn xóc tới ê mình trên những chiếc “xe Lam” ba bánh hoặc đu đưa trên cái bửng sau theo kiểu lơ xe của mấy chiếc xe đò lớn nhỏ, trước khi qua sông khách sẽ phải xuống xe lội bộ ngang qua một khu phố chợ như một cánh tay nối dài của một nơi chốn có tên gọi là Cái Vồn, thứ thị-trấn-giữa-đàng, nằm nghênh ngang hai bên mặt lộ. Những dãy nhà đủ kiểu cò kè sát bên nhau, nhà mái lá nối vách những căn có mái lợp tôn... với những tấm bảng hiệu treo trước cửa mà làm như chỉ treo cho có lệ. Bày ra trước hiên, có khi là một sạp bán trái cây, khi thì tạp hóa chen lẫn mấy tờ báo hằng ngày hoặc những thùng thuốc lá đủ hiệu. Xen lẫn là những tiệm ăn, quán nước vừa là chỗ nghỉ chân cho khách lỡ đường. Ai tới đó rồi đều ra vẻ vội vã. Vậy mà rồi cũng có khi phải ghé lạ, chần chờ. Kể ra như một xóm nhỏ bên đường, qua lại rồi quên. Dẫu vậy, trước đó mươi năm, Cái Vồn đã nức tiếng không vì ruộng lúa phì nhiêu hay vì cá tôm đầy sông đầy rạch. Cái Vồn nổi tiếng vì được coi là bản doanh của ông Năm Lửa Trần Văn Soái với nhóm thuộc hạ, có phong cách làm nhớ tới huyền thoại những tay thảo khấu trong truyện Thủy Hử.
Rồi có lúc, mọi thứ được chấn chỉnh. Và đổi tên thành quận Bình Minh.
Chuyện phải vậy thì thôi, rồi cũng quên như bao nhiêu tên gọi của bao nhiêu làng mạc, thị trấn đã có thời làm nôn nao một tuổi trẻ cứ mơ hai chữ... giang hồ. Chỉ khác chút ở chỗ Cái Vồn hay Bình Minh lại có lúc đã là một điểm dừng chân gần như bắt buộc dù chẳng phải trễ chuyến qua sông. Và có lúc đã vướng gót, suýt nữa... kẹt chân. Chuyện cũ mèm đã mờ như hơi sương. Sao dưng không...! Nguyễn Thị Bình Minh.
Những năm 60 đó, trường cũ hết lớp phải xa quê đi trọ học ở Cần Thơ. Gần như qua lại nơi đó mỗi tuần hai lượt. Đi rồi về. Về rồi đi. Mà đi hay về đều phải qua cái bến nước có chiếc quán nhỏ, với vài ba bộ bàn ghế đã lên nước bóng ngời. Thoáng nhìn, quán có vẻ sạch sẽ, tươm tất hơn hàng xóm. Sau quầy tính tiền là dàn máy Akai phát ra thường xuyên những bài nhạc rất thịnh hành thời đó. Có bữa còn lấp ló một mái tóc đen nhánh lấp lửng bờ vai. Và chiếc áo bà ba bằng vải phin trắng, bỏ lỡ nút cổ để hở cái ức trắng ngọc trắng ngà.
Kể ra như một quán nước bên đường như hàng hàng quán quán nằm kín hai bên đường xuống bắc.
Hôm đó, chuyến xe chót xế chiều Chúa Nhật, trời mưa muộn. Vừa xuống xe, xách cái túi chạy tấp vội vô hàng ba dãy quán tính đợi ngớt mưa sẽ chạy xuống bến phà. Còn đang lúi húi phủi mưa trên áo, gió bỗng tốc lên thổi ngược vào mình, ướt nhem. Ngay lúc đang luống cuống xoay trở, đâu đó bỗng có tiếng ai... vô trong này đi anh, đứng đó gió tạt ướt hết. Tiếng nhẹ, thanh, giọng miền Nam ngọt xớt. Quay lại nhìn, con gái, mắt sáng, môi tươi, gò má ưng ửng màu mận hồng đào. Và mái tóc, mái tóc đen mun dờn dợn như gợn sóng. Lần đầu vài ba câu thăm hỏi. Nhà đâu trong chợ quận, thỉnh thoảng ra tiếp mẹ, coi quán. Thường xuyên cũng phải qua phà vì ở trọ cạnh bên kia sông để đi học trường nữ Trung Học bên đó. Vậy đó rồi quen nhau. Rồi ghẹo đùa nhau mỗi dịp gặp nhau trên đường đến trường. Rồi mỗi bận qua lại bến bắc Cần Thơ, khi thì ly nước đá chanh muối miễn phí buổi trời trưa nóng. Khi thì trái bắp mới luộc thơm phức mùi sông nước Hậu Giang. Có khi miếng bánh da lợn gờn gợn mùi lá dứa. Lắm khi tỏ bộ ta đây, ghé lại nhà trọ chỉ cho vài ba cái mẹo văn phạm Pháp. Đến lúc hẹn nhau đi coi phim ở rạp Huỳnh Lạc. Bất chợt thấy bạn học nép vội sau lưng, giấu mặt. Giữa phim, tay nắm tay, bất ngờ. Trên màn ảnh tây đầm hôn nhau. Dưới rạp như có ai xúi giục. Vậy rồi một nụ hôn phơn phớt đầu môi. Con trai mười bảy tuổi vụt lớn đại. Từ đó, những hẹn hò không chừng đỗi. Và lòng tin như sẵn. Mọi sự sẽ tiếp diễn như mấy vở tuồng cải lương có hậu. Chàng sẽ lập công danh. Rồi vinh quy bái tổ có sẵn kiệu hoa đi kèm.
Vậy mà không. Trong một chuyến về quê nội đâu ở miệt Ngã Bảy Phụng Hiệp, xe bị mìn. Và nàng không còn trở lại.
Nguyễn Thị Bình Minh!
Thứ chuyện dan díu của một thời mới lớn, nhớ lại y như đọc tiểu thuyết diễm tình. Có điều truyện thì do mấy ông mấy bà tác giả bày vẽ, nên kết cuộc thường hay... “có hậu”. Còn chuyện thật đời người thì quả tình chẳng biết do ai sắp xếp mà lắm khi kết cuộc bi thiết tới không ngờ. Trước đó một tích tắc, làm sao biết được rồi sẽ mất... Bình Minh!
Vậy rồi thôi, cuối năm đỗ đạt lại đổi đường lên Sài Gòn. Chuyện xưa khép lại như một vết xước trên tay chưa kịp thành sẹo. Lắm lúc rồi thoáng nhớ. Đâu mà như... nửa chừng chiêm bao! Do vậy đó, mà hai chữ bình minh tưởng là đã mất dấu. Vậy mà không phải. Mấy chục năm sau, rồi bỗng nhiên lại thấy Bình Minh trước mắt, qua một bài thơ tình cờ đọc được. Rồi Một Mai Tôi Phải Xa Bình Minh của tác giả Trần Hoài Thư. Cái tựa dài thòng như một hơi thở... buông xuôi. Đọc lên lại làm như còn thiếu thiếu... một tiếng... chắc lưỡi. Quả là một tình cờ quá đổi ẩn mật. Thêm một lần lại có kẻ mất Bình Minh!
Thật ra từ vài mươi năm trước, đã có lần nghe chính tác giả kể chuyện... Bình Minh. Đó là lúc được thả ra sau khi bị đám hay xưng là giải-phóng-mà-quen-thói giam-cầm rồi đày đọa trong các trại lán, giữa mịt mùng tràm đước U Minh. Giữa hai hớp rượu không hẹn mà gặp, ông đã kể tôi nghe chuyện đạp cái xe đạp cà-tàng đèo thêm phía sau cái thùng đựng cà-rem, qua bắc Cần Thơ tới chợ Bình Minh và các vùng lân cận đi bán dạo. Vừa để kiếm ăn vừa để che mắt đám cầm quyền mới. Thật ra, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái chuyện đổi đời phải kể là thừa mứa ra đó. Và từ đó, thứ chuyện nghiệt oan kể ra sao cho xiết. Nói hoài mỏi miệng mình. Mượn đỡ câu thơ của ông Nguyễn Chí Thiện vừa gọn vừa chính xác trăm phần- Từ vượn lên người mất mấy triệu năm. Từ người xuống vượn mất bao năm?- Có thêm chắc chỉ thêm mấy cái dấu chấm than....
Lần đó, bên chai rượu khi chiều đã muộn, giữa một quán xá bên đường, tôi nghe và xúc động. Nhưng chưa tới độ mủi lòng. Có thể do hơi rượu vốn đã cay và đắng bốc lên đã đủ vừa... cay với đắng. Có thể kỷ niệm về những ngày chân đất vai trần đi vác gạo mướn, đi khiêng gạch khiêng hồ... để kiếm miếng ăn sau khi tù về, vẫn còn bốc lên hào khí trong tôi đủ tạo ra sức đề kháng trước mọi xúc động. Có thể, khi đối diện với sự bất khuất cùng cực trong khi nhẫn nhục cực cùng của người kể chuyện với giọng điệu khinh bạc trong kiếp nạn khiến tôi dẫu có ngậm ngùi cũng đâm ra... cứng cỏi.
Nhưng lần này, rồi khác...
Lần này, khi đời xa, người đã khuất, đọc lại bài thơ của Trần Hoài Thư, sao tự dưng lại thấy... mủi lòng.
Thử tưởng lại, một thanh niên có học thức, một người viết văn và làm thơ ngay giữa chiến hào -thơ văn đó đã có lúc làm động lòng không ít người sống và chết cùng chung một cuộc chiến, một cựu Sĩ Quan đã từng nắm trong tay sinh mạng của mấy chục người lính, đánh đấm theo chiến thuật diều hâu của lính Thám Kích... rồi bỗng chốc mất tất cả, trở thành người tù không danh số với tất cả mọi thứ đọa đày mà kẻ cầm quyền mới có thể nghĩ ra trong cái đầu vốn dĩ được nhồi nhét toàn là hận thù với dối trá... cho đến khi được thả ra từ nhà tù nhỏ sang cái nhà tù mênh mông bên ngoài dẫu không có hàng rào kẽm gai với những vọng gác...
Thử tưởng đến sự ngỡ ngàng trước một thế giới đảo ngược với cái thế giới mà họ đã sống bằng nhân ái dù giữa thời buổi chiến tranh cho đến khi được gọi là... hòa bình.
Thử tưởng đến những người tù được thả ra với thương tích tới tận cùng tâm phế, phải lo kiếm sống với hai bàn tay trắng, dưới cặp mắt cú vọ của đám công an phường, công an khóm, công an huyện, công an tỉnh, công an thành.... công an... công an... công an... và công an...
Thử tưởng đến...
Mỗi ngày chất thùng cà rem lên xe rồi sáng chiều mải miết đạp... đạp... đạp... nắng mưa... mưa nắng... từng ngày, qua phà qua xóm... lắc cái chuông leng keng, đi về không dưới vài mươi cây số, tới tận Bình Minh để mời gọi... mua bán từng cây cà-rem. Thử nghĩ mỗi cây cà-rem sẽ lời lỗ bao nhiêu. Thử nghĩ bao nhiêu giọt mồ hôi hay bao nhiêu giọt nước mắt mặn chát chảy ngược vào lòng...
Thử nghĩ đến...
- Gia tài của tôi, những cây kem chuối
Như những con cá chuồn nóng lạnh nhão nhê
Như những ký đường ký gạo giấu tận đáy khe
Mỗi ngày tôi mang trở về thành phố
Chiếc thùng cà rem, gia tài tôi đó
Tôi đọc. Rồi mắt tôi rươm rướm. Ờ, cả một thời đói khổ với nhục hình, chẳng riêng mình mà cho cả một miền Nam, vốn đã có lúc nhóng mình ra thế giới. Đọc mà hận, và tủi cho cả nước non. Dẫu vậy, cái hơn người của những người tù cải tạo khi trở về, dẫu đã mất tất cả, vẫn còn đó, sĩ khí! Câu thơ như một bàn tay nâng hồn tôi dậy.
Chiếc thùng cà rem, gia tài tôi đó
Đã giúp một người ngẩng mặt nhìn lên
Ngẩng mặt nhìn lên, giữa một bầy quỷ dữ.
Giá trị làm người chính là đó. Những người lính miền Nam, vừa mới hết trải thân với súng đạn đã bị cùm thân dưới nắng lửa mưa dầu khi thú tính lên ngôi, từ dưới đáy cùng của tuyệt vọng vẫn ngẩng mặt nhìn lên. Cảm phục biết bao nhiêu. Chính thái độ “ngẩng mặt nhìn lên” đó đã bẻ gãy hết cùm xích ngay giữa tầng tầng địa ngục. Ôi những người trai của một thời khổ nạn. Chẳng những vậy, khi đã quyết tìm đường sống từ trong cõi chết vẫn nguyên vẹn một tấm lòng liên ái với kẻ ở lại, còn đâu đó quanh đây.
Rồi một mai tôi phải xa Bình Minh
Xa những trẻ con, đứng chờ trước ngõ
Xa những cụ già nhìn tôi mắt đỏ
Xa những cánh đồng bốc lửa mùa khô
Xa những dòng kênh, vàng đục phù sa
Xa những bến đò, bến sông, bến nước
Ra đi chẳng biết sẽ thành hay bại, chỉ nội cái chuyện nghĩ tới sẽ mất mát những thân thiết dù chẳng chút ruột rà, những đứa trẻ những cụ già biết mặt không biết tên, những đồng cỏ khô khốc, những dòng nước ngầu đục phù sa..., nghĩa là cả một quê hương bỏ lại hẳn đã làm thắt thẻo không ít những tấm lòng. Giữa thời buổi ấy, mấy ai đã không khổ tâm với tâm trạng so đo bỏ-thì-thương-vương-thì- tội. Nhưng rồi làm sao. Đi thì có thể cùng đường mà ở lại thì chắc chắn là đường cùng. Đã có bao nhiêu ghe thuyền bỏ bến rồi không bao giờ cặp bến. Và bao nhiêu trại giam mênh mông như một quần-đảo-ngục-tù. Con người rồi có lúc như đánh đu giữa hai cửa tử. Vượt biên là chọn lựa cái chết trong tự do. Ở lại là chấp nhận cái chết trong tù ngục. Có chọn lựa cũng chỉ là một cách chẳng-đặng đừng. Nhưng rồi có lẽ lý do sâu xa nhất của những chuyến đi đành đoạn đó chính là đây:
Đừng bắt con tôi phải học giết người
Tôi đã mất rồi, mất tuổi đôi mươi
Tôi không thể để con tôi, mất thêm lần nữa
“Những đứa con”, thế hệ vô tội đó, mang đi thì coi như đánh đu với số phận, rồi tới được bến bờ thì như bứt lìa gốc rễ, mà ở lại thì có đành lòng để chúng lớn lên rồi trở thành xa lạ với ngay chính những truyền thống nhân nghĩa mà cha ông đã gìn giữ suốt tự ngàn năm. Câu hỏi như trăm ngàn vấn nạn đến cùng lúc mà câu trả lời thì dường như đã tiềm ẩn ngay từ khi những lá cờ máu bắt đầu nhuộm đỏ đất phương Nam. Người ta có chần chờ chẳng qua đôi khi chỉ vì nhúm tóc bạc trên đầu cha mẹ già, vì còn kẹt tù đày hay vì thiếu tiền thiếu bạc... Đã có lần ông Bùi Giáng, người làm thơ phiêu hốt quá khỏi cõi phiêu bồng, thốt lên câu nói này: “cây cột đèn mà có cánh cũng sẽ bay đi” đã biểu dương đến cùng tận nỗi oan khuất mà người dân miền Nam đã gánh chịu kể từ khi được gọi là... giải phóng. Ba câu thơ như một lời xác quyết nói giùm cho biết bao nhiêu lấn cấn của bao nhiêu người bỏ đi mà lòng vẫn không thôi ray rứt. Khi cha mẹ già còn đó. Khi anh em bầu bạn còn đó. Khi quê hương khốn khó, còn đó...
Đọc suốt bài thơ rồi sẽ thấy, đó chẳng những là một lời trần tình của kẻ ra đi mà còn là lời kêu đòi cho lý tưởng. Như một cáo bạch rất khúc chiết về quyền được sống cho ra người, chẳng những cho thời kỳ sau 75 ở Việt Nam mà đã và sẽ còn là tiếng kêu đòi chung cho mọi thời, ở mọi nơi. Này, thơ như tiếng gọi của lương tâm. Những lời thơ trở nên dõng dạc.
Khi chọn cho mình kiếp sống lưu vong
Có nghĩa là làm một tên không tổ quốc
Tổ quốc trời ơi, đâu là đất nước
Đâu là trời đất của riêng ta
Đâu là sông là núi của ông cha
Đâu là khoảng trời cho ta dưỡng khí
Ta sợ lắm những mỹ từ lừa mị
Những vòng hoa ngụy trá, những nhân danh
Những tiếng anh hùng dũng sĩ quang vinh
Những chữ nghĩa âm vang sặc mùi giết chóc
Phản động, chó săn, Việt gian, phản quốc
Những chiếc tròng thắt cổ
Những bản án không tên
Những mổ mật người, uống máu moi tim
Những bài hát bài thơ sặc mùi đồ tể
Ta sợ lắm, làm con bò gậm cỏ
Làm con trâu kéo mãi chiếc gông bừa
Ôi đất trời này, thật quá dễ thương
Đâu đâu cũng là mái nhà Thượng Đế
Vâng, đâu cũng là đêm đầy tinh tú
Cũng là ngày tươi đẹp hoa xuân
Cũng nỗi buồn chen lẫn nỗi hân hoan
Cũng tiếng khóc, tiếng cười, ôi hạnh phúc
Đâu cũng là trái tim hiền thục
Không ghi ngày tháng, chẳng biết bài thơ được làm từ lúc nào. Nhưng có cần chăng. Bài thơ ngoài tình riêng còn là một bản tụng ca cho quyền làm người, cụ thể là người Việt sau năm 1975. Quyền Sống cho ra Sống, quyền làm Người cho ra Người đã được cả thế giới sang sảng kêu đòi trong bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền, ngay từ năm 1948. Chẳng qua có những kẻ đã cố tình quên lãng. Khốn khổ thay, trong số những kẻ cố tình quên lãng đó lại có những kẻ sinh ra ở Việt Nam!!!
Tại vậy đó mà bài thơ có cần đâu năm tháng. Vì ý thơ đã rõ là chân lý, có sá gì sự bội phản của thời gian.
Rồi Một Mai Tôi Sẽ Xa Bình Minh, câu thơ được chọn làm tựa đề có âm vang như một lời tự thán, về một chuyện nghịch lòng. Rồi... Phải. Cấu trúc của chữ nghĩa đã diễn tả rõ ràng sự mâu thuẫn trong lòng người đi. Bỏ đi vì tự nguyện mà sự tự nguyện nầy lại không do nguyện ước của người đi. Vì vậy, thơ như tiếng kêu vừa bi thương vừa phẫn nộ. Nghe ra vừa như một quyết định dứt khoát vừa như một tiếng thở dài. Hơn nữa, một lời tạ lỗi với mình, với người và với đất nước. Qua đó thấy cả tấm lòng của tác giả, người đã gánh trọn khổ nạn của xứ sở như một thứ thiên tai chung mà phần riêng lại quá đỗi điêu tàn.. Dẫu vậy vẫn hào sảng chia đều lòng mình cho người còn ở lại.
Trong thùng tôi vẫn còn đầy cà rem
Xin tặng bà con chút quà lần cuối
Xin tặng bà con kem đường kem chuối
Gọi là chút tình của kẻ sắp xa.
Rõ là tấm lòng thi nhân, người đau vận nước trước khi thế nhân biết đau. Và vẫn còn đau, khi lòng thế nhân rồi sẽ có lúc phôi pha theo năm tháng!
Bất ngờ đọc trộm được bài thơ mà làm người đọc chợt thấy bàng hoàng rồi rộn ràng cả dạ. Chữ nghĩa có cao kỳ, có bí hiểm, có mới mẻ gì đâu. Chữ là thứ chữ Việt mà ông bà, cha mẹ, thầy cô đã nói, đã viết, đã dạy dỗ nhau trên mảnh đất thuôn dài cong cong hình chữ S. Nghệ thuật ở chỗ cấu trúc chữ nghĩa sao cho hợp lòng mình mà hợp luôn cả lòng thiên hạ. Âm điệu hồn hậu như móc cả ruột gan ra giãi bày mà ý tình thì sắc thép làm nghĩa lý xuyên thấu cả tâm can. Đọc thơ người mà thấy vừa lòng mình. Quả là thứ ân nghĩa của thơ văn dẫu đã trải lắm đoạn trường vẫn nghĩa tình như nhất.
Xếp lại trang thơ, sao thấy lòng êm ả như thuyền tìm được bến đỗ, dẫu đã quá đỗi phong ba. Chuyện xưa gần như cổ tích, lòng vẫn bồi hồi như mới đó, hôm qua. Tại thơ đó chăng? Rồi ra, Bình Minh vẫn còn đó. Mãi trong ta. Mà quê hương xa, sao mãi vẫn... chiều tà!
Cao Vị Khanh
Rồi Một Mai Tôi Sẽ Xa Bình Minh
Rồi một mai tôi phải xa Bình Minh
Không biết một ngày tôi còn trở lại
Thôi thì hôm nay, tôi xin phát mãi
Cái gia tài của một kẻ sắp điên
Rồi một mai tôi phải xa Bình Minh
Chiều nay, cho tôi xin được chào lần cuối
Gia tài của tôi, những cây kem chuối
Như những con cá chuồn nóng lạnh nhão nhê
Như những ký đường ký gạo giấu tận đáy khe
Mỗi ngày tôi mang trở về thành phố
Chiếc thùng cà rem, gia tài tôi đó
Đã giúp một người ngẩng mặt nhìn lên
Rồi một mai tôi phải xa Bình Minh
Xa những trẻ con, đứng chờ trước ngõ
Xa những cụ già nhìn tôi mắt đỏ
Xa những cánh đồng bốc lửa mùa khô
Xa những dòng kênh, vàng đục phù sa
Xa những bến đò, bến sông, bến nước
Tôi phải đi xa, thật xa, tổ quốc
Còn lại gia tài, tôi phát mãi, rồi đi
Rồi một mai tôi phải xa Bình Minh
Những làng xóm xin cúi đầu từ tạ
Xin từ biệt người quen và kẻ lạ
Dẹp hết nỗi buồn đang mưng mủ, nhức đau
Khi chọn cho mình kiếp sống lưu vong
Có nghĩa là làm một tên không tổ quốc
Tổ quốc trời ơi, đâu là đất nước
Đâu là trời đất của riêng ta
Đâu là sông là núi của ông cha
Đâu là khoảng trời cho ta dưỡng khí
Ta sợ lắm những mỹ từ lừa mị
Những vòng hoa ngụy trá, những nhân danh
Những tiếng anh hùng dũng sĩ quang vinh
Những chữ nghĩa âm vang sặc mùi giết chóc
Phản động, chó săn, Việt gian, phản quốc
Những chiếc tròng thắt cổ
Những bản án không tên
Những mổ mật người, uống máu moi tim
Những bài hát bài thơ sặc mùi đồ tể
Ta sợ lắm, làm con bò gậm cỏ
Làm con trâu kéo mãi chiếc gông bừa
Ôi đất trời này, thật quá dễ thương
Đâu đâu cũng là mái nhà Thượng đế
Vâng, đâu cũng là đêm đầy tinh tú
Cũng là ngày tươi đẹp hoa xuân
Cũng nỗi buồn chen lẫn nỗi hân hoan
Cũng tiếng khóc, tiếng cười, ôi hạnh phúc
Đâu cũng là trái tim hiền thục
Đừng bắt con tôi phải học giết người
Tôi đã mất rồi, mất tuổi đôi mươi
Tôi không thể để con tôi, mất thêm lần nữa
Thôi thì giã từ, giã từ tất cả
Trước sau gì tôi cũng phải ra đi
Trong thùng tôi vẫn còn đầy cà rem
Xin tặng bà con chút quà lần cuối
Xin tặng bà con kem đường kem chuối
Gọi là chút tình của kẻ sắp xa.
Trần Hoài Thư