Hình: George Milton
Văn chương tựa một giấc mơ miên man, nơi những câu chuyện đời thường được thắp sáng bằng ánh sáng của trí tưởng tượng và tâm hồn. Nhưng giấc mơ ấy, giờ đây trong thế giới của người Việt hải ngoại, đôi khi hóa thành một cơn mộng mị buồn, lẩn khuất giữa hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống lưu vong. Chúng ta, với tâm tình của một kẻ yêu văn, không thể không chạnh lòng khi nghĩ đến khoảng trống ngày càng rộng hơn trên văn đàn Việt nơi xứ người. Những khoảng trống không đến từ sự ra đi của các ngòi bút lão thành, mà còn từ sự thiếu vắng những người trẻ đủ mạnh dạn để kế thừa và sáng tạo.
Cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã tồn tại gần nửa thế kỷ, mang theo hành trang của một nền văn hóa giàu bản sắc, trong đó văn học là một phần không thể thiếu. Nhưng thực tế, sân chơi văn học ấy không còn được sôi nổi như những năm đầu tiên sau biến cố 1975. Những tên tuổi vang bóng một thời giờ chỉ còn vang vọng qua những quyển sách cũ, những tạp chí đã ngừng xuất bản. Trong khi đó, các thế hệ sau dường như bận rộn hơn với những nhu cầu ưu tiên của cuộc sống hiện đại, và văn chương, vốn là nghệ thuật của thời gian và sự kiên nhẫn, không còn là mối bận tâm lớn.
Nhưng chính vì sự im lắng ấy, chúng ta mới càng thấy cần phải viết, cần phải kể, cần phải ghi lại những gì còn lưu giữ được. Không phải để tiếc nuối hay hoài cổ, mà để nhắc nhớ rằng văn học vẫn đang ở đó, chờ một bàn tay nâng đỡ, chờ một tiếng nói khơi lên dòng chảy của nó.
Văn học như một di sản của thời gian
Từ những tác phẩm cổ đại như Iliad và Odyssey [1] của Homeros [2], con người đã dùng chữ nghĩa vừa để kể chuyện, vừa để xây dựng một thế giới khác – nơi những cảm xúc, ý tưởng và khát vọng được lưu giữ. Văn học vượt qua biên giới địa lý, chính trị và thời gian để nối kết các nền văn minh. Trong dòng chảy ấy, văn học Việt Nam, dù nhỏ bé, cũng có vị trí riêng của nó.
Ở hải ngoại, văn học lại càng mang một ý nghĩa khác biệt. Đó là tiếng nói của sáng tạo, và còn là phương tiện để bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ. Với các tác giả như Mai Thảo (1927-1998), Thanh Tâm Tuyền (1936-2006), Võ Phiến (1925-2015), Nguyễn Xuân Hoàng (1940-2014), Tô Thùy Yên (1938-2019)… văn học trở thành một cách để nhắc nhớ về quê hương, về ký ức. Nhưng cùng với thời gian, những tên tuổi ấy dần rời xa, để lại một khoảng trống mà chưa biết ai sẽ lấp đầy.
Ngày mai, khi nhắc đến văn học hải ngoại, chúng ta không thể không nhắc tới những tên tuổi đã làm nên một thời đại rực rỡ, dù chỉ tồn tại trong một không gian nhỏ hẹp. Mai Thảo, người đứng đầu tạp chí Sáng Tạo, vừa là một nhà văn lớn mà vừa là một biểu tượng của sự đổi mới trong tư duy sáng tác. Thanh Tâm Tuyền, với thơ tự do và những tác phẩm hiện sinh, đã đưa văn học Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Nhã Ca, qua những trang sách đầy cảm xúc về chiến tranh và tình người, đã khắc họa một phần bi kịch của dân tộc.
Nhưng còn nhiều cái tên khác xứng đáng để ghi nhớ, như Nguyễn Mộng Giác, tác giả của tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ, đã tạo dựng một tượng đài văn học về lịch sử và lòng yêu nước. Võ Phiến, với những tập tản văn sâu sắc, ghi lại không chỉ cuộc đời của cá nhân ông mà còn cả một giai đoạn của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Ngoài ra còn những tên tuổi quen thuộc khác, với nhiều tác phẩm mang đến những đóng góp quan trọng trong việc duy trì và phát triển văn học Việt Nam hải ngoại. Phạm Công Thiện (1941–2011), với chất thơ siêu thực và triết học, đã để lại những tác phẩm vừa đậm chất triết lý, vừa giàu tính sáng tạo. Nguyễn Hưng Quốc, qua những bài nghiên cứu và phê bình văn học, không chỉ giúp độc giả nhìn lại di sản văn học Việt Nam mà còn khơi gợi những câu hỏi sâu sắc về hướng đi của văn học trong tương lai. Hay Hoàng Ngọc Biên (1938-1919), một cây bút đa tài, vừa viết, vừa dịch, vừa làm thơ, là một nhịp cầu kết nối văn học Việt với các nền văn học quốc tế. Những cái tên như Bùi Bích Hà (1938-2021), Trần Doãn Nho v.v… cũng không thể thiếu khi nhắc đến văn học hải ngoại – mỗi người đều có một giọng điệu riêng, một cách nhìn riêng và một cách ghi lại hiện thực đời sống lưu vong theo cách của mình.
Nhiều và còn nhiều nữa, một thế hệ văn Việt…
Nhưng rồi, sự ra đi của bao tác giả tiền bối không chỉ là sự mất mát của những cá nhân, mà còn là sự lung lay của một nền tảng văn học. Những tác phẩm của thế hệ tiền bối ấy giờ đây khó có thể tìm thấy trong các hiệu sách hải ngoại. Các nhà xuất bản lớn như An Tiêm hay Văn Nghệ cũng dần khép lại hoạt động. Và thế hệ độc giả trẻ – những người có khả năng kế thừa – lại đang xa rời văn học tiếng Việt.
Bấy giờ, văn học hải ngoại, dù phong phú và đa dạng, đang đối mặt với một vấn đề lớn – tính cục bộ. Tính cục bộ này, như một chiếc áo vô hình, bao bọc lấy văn học Việt hải ngoại, vừa bảo vệ nhưng đồng thời cũng hạn chế sức bật của nó.
Phần lớn các tác phẩm văn học hải ngoại được viết bằng tiếng Việt, một ngôn ngữ dù đẹp đẽ và phong phú nhưng bị giới hạn trong phạm vi của cộng đồng người Việt. Điều này khiến văn học hải ngoại gần như chỉ phục vụ độc giả cùng chung ngôn ngữ, mà không dễ dàng vượt ra ngoài biên giới để chạm đến độc giả quốc tế.
Thêm vào đó, trong chính cộng đồng người Việt, độc giả của văn học tiếng Việt đang ngày càng giảm sút. Nhiều người trẻ lớn lên ở nước ngoài, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền giáo dục bản địa, đã mất dần khả năng đọc tiếng Việt thành thạo. Với họ, văn học tiếng Việt trở thành một thứ xa xỉ, hoặc đôi khi là một trách nhiệm văn hóa mà họ cảm thấy khó gần gũi.
Kết quả là, tác phẩm văn học hải ngoại – dù có thể chứa đựng những câu chuyện quý giá về lịch sử, văn hóa và bản sắc dân tộc – lại không có đủ sức sống để tiếp tục. Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến nhiều tác phẩm tuyệt vời không tìm được khán giả xứng đáng, và tác giả cũng mất dần động lực để viết.
Bên cạnh đó, nội dung của nhiều tác phẩm Việt hải ngoại thường xoay quanh các chủ đề quen thuộc như chiến tranh, di cư và nỗi nhớ quê hương. Dẫu đây là những đề tài mang ý nghĩa sâu sắc, lại không đủ để làm mới trải nghiệm của độc giả hiện đại. Sự lặp đi lặp lại những chủ đề này khiến văn học hải ngoại đôi lúc bị nhìn nhận như một “kho lưu trữ ký ức” hơn là một nền văn học sống động.
Hơn nữa, cách tiếp cận các chủ đề này đôi khi cũng mang nặng tính hoài niệm, thiên về cảm xúc cá nhân thay vì mở rộng ra những vấn đề toàn cầu. Điều này làm cho các tác phẩm khó thu hút sự chú ý của độc giả nước ngoài, những người không có mối liên hệ trực tiếp với lịch sử hoặc bối cảnh văn hóa của người Việt.
Nhìn sang các nền văn học khác, chúng ta có thể thấy những khuôn mặt sáng trong việc vừa bảo tồn bản sắc dân tộc, vừa vươn mình ra thế giới.
Người Do Thái là một trong những dân tộc lưu vong lâu đời nhất trên thế giới, nhưng họ chưa bao giờ đánh mất bản sắc văn hóa của mình. Văn học Do Thái, từ những tác phẩm kinh điển như Kinh Torah [3] cho đến các tác phẩm hiện đại của Saul Bellow [4] hay Philip Roth [5], đều thể hiện sự cân bằng tuyệt vời giữa tính dân tộc và tính toàn cầu.
Các nhà văn Do Thái không chỉ kể những câu chuyện về cộng đồng của họ, mà còn mở rộng sang những vấn đề phổ quát như sự cô đơn, bản chất con người và sự khủng hoảng của lòng tin. Họ viết bằng ngôn ngữ quốc tế (chủ yếu là tiếng Anh) để tiếp cận độc giả toàn cầu, nhưng nội dung vẫn mang đậm tinh thần Do Thái.
Những nhà văn như Salman Rushdie [6] và Jhumpa Lahiri [7] đã đưa văn học Ấn Độ ra thế giới bằng cách kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Họ viết bằng tiếng Anh, ngôn ngữ của toàn cầu hóa, nhưng vẫn kể những câu chuyện thấm đẫm màu sắc Ấn Độ. Điều này giúp họ không chỉ giữ được bản sắc của mình, mà còn xây dựng một cầu nối văn hóa mạnh mẽ với độc giả quốc tế.
Những tác giả như Haruki Murakami[8] và Yasunari Kawabata [9] đã chứng minh rằng sự độc đáo trong phong cách và nội dung có thể là chìa khóa để văn học một quốc gia thu hút được sự chú ý toàn cầu. Văn học Nhật Bản không ngần ngại khám phá những góc tối của tâm hồn con người, những khía cạnh siêu thực, và những câu chuyện rất “Nhật” nhưng lại dễ dàng cộng hưởng với bất kỳ ai trên thế giới.
Những bài học từ các nền văn học khác cho thấy rằng văn học Việt Nam hải ngoại, giữa những trăn trở về bản sắc và hội nhập, không cần đánh đổi điều gì để tìm chỗ đứng trên sân khấu văn học thế giới. Các bài học từ những nền văn học khác như Do Thái, Ấn Độ hay Nhật Bản đã chứng minh sự hòa quyện tự nhiên giữa tinh thần dân tộc và tính quốc tế không chỉ là một con đường khả thi mà còn là con đường tất yếu để vượt qua những giới hạn của sự cục bộ.
Một trong những gợi mở quan trọng cho văn học hải ngoại là việc chấp nhận sự đa dạng về ngôn ngữ sáng tác. Thế hệ mới của cộng đồng người Việt ở nước ngoài không còn bị bó buộc trong tiếng Việt, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta từ bỏ hay khuyến khích rời xa nguồn cội. Việc sáng tác song ngữ, hoặc thậm chí sử dụng ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh, có thể trở thành phương tiện để các tác giả hải ngoại mang tinh thần Việt Nam đến với thế giới. Thông qua những câu chuyện về trải nghiệm di cư, những mối liên hệ văn hóa phức tạp giữa hai thế giới, các tác giả có thể tạo ra một không gian mà độc giả từ mọi nền văn hóa đều tìm thấy mình trong đó. Điều quan trọng không phải là viết bằng ngôn ngữ nào, mà là cách tinh thần Việt Nam, với những giá trị, nỗi đau và giấc mơ của nó, được truyền tải qua từng câu chữ.
Một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh, nhưng thấm đẫm hồn cốt Việt Nam, có thể trở thành một cầu nối để độc giả quốc tế hiểu hơn về con người Việt, về chiều sâu lịch sử và văn hóa Việt Nam. Cũng như cách Jhumpa Lahiri viết về người Ấn, hay Haruki Murakami kể câu chuyện Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu, các nhà văn Việt Nam hải ngoại cũng có thể tìm được tiếng nói riêng trong thế giới rộng lớn này.
Không thể phủ nhận rằng chiến tranh, di cư, và nỗi nhớ quê hương là những chủ đề trung tâm của văn học hải ngoại từ trước đến nay. Nhưng chỉ riêng những chủ đề này thì chưa đủ để làm phong phú và sống động cho một nền văn học. Văn học cần trở thành tấm gương phản chiếu toàn diện cuộc sống, không riêng về những ký ức đau thương, mà còn về những điều gần gũi hơn trong hiện tại – những niềm vui nhỏ bé, những trăn trở về danh tính và cả những câu chuyện tình yêu vượt biên giới văn hóa.
Một câu chuyện về người trẻ Việt Nam đấu tranh để giữ gìn bản sắc trong một xã hội toàn cầu hóa, hay những vấn đề về môi trường, khoa học và trí tuệ nhân tạo qua lăng kính của người Việt, đều là những góc nhìn mà văn học hải ngoại có thể khai thác. Các tác giả cần tâm niệm rằng, thế giới không chỉ muốn nghe về những gì chúng ta đã trải qua mà còn muốn biết chúng ta đang nghĩ gì, đang cảm nhận như thế nào trước những thay đổi lớn lao của thời đại. Đa dạng hóa đề tài vừa là cách để mở rộng nội dung sáng tác, vừa là cách để kết nối văn học hải ngoại với những vấn đề chung của nhân loại.
Văn học không thể tồn tại trong cô lập. Nó cần được đưa ra ánh sáng, cần được chia sẻ và tranh luận. Văn học Việt Nam hải ngoại, nếu muốn bước ra khỏi vòng lặp của tính cục bộ, cần mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận với thế giới thông qua dịch thuật, xuất bản và tham gia các sự kiện văn học quốc tế.
Việc dịch thuật các tác phẩm kinh điển của văn học Việt (hải ngoại) ra những ngôn ngữ quốc tế là một bước đi quan trọng. Nhưng không dừng lại ở đó, các tác phẩm mới của những nhà văn trẻ cũng cần được giới thiệu đến độc giả toàn cầu. Một tác phẩm văn học chỉ thực sự sống khi nó tìm được người đọc và trong thời đại công nghệ số, việc tìm độc giả không còn bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Các nhà xuất bản hải ngoại có thể cộng tác với các nền tảng xuất bản quốc tế, sử dụng các công cụ như sách điện tử và các diễn đàn trực tuyến để giới thiệu văn học Việt Nam đến với độc giả từ nhiều nền văn hóa.
Thêm vào đó, sự tham gia của các nhà văn Việt Nam hải ngoại vào những sự kiện như hội chợ sách quốc tế, hội thảo văn học cũng như các chương trình trao đổi văn hóa sẽ giúp nâng cao vị thế của văn học Việt Nam trên trường quốc tế. Những cuộc gặp gỡ này vừa mang lại cơ hội để chia sẻ, mà vừa là dịp để học hỏi, để hiểu hơn về cách các nền văn học khác giữ gìn bản sắc mà vẫn phát triển toàn cầu.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất với văn học Việt Nam hải ngoại là giữ được tinh thần Việt trong khi không ngại bước ra thế giới. Tinh thần ấy có thể nằm trong câu chuyện về một người mẹ Việt Nam tảo tần nuôi con nơi đất khách, trong hình ảnh chiếc bánh chưng ngày Tết được gói vội giữa lòng New York, hay trong một bài thơ đơn sơ về nỗi nhớ sông Hương giữa đất trời xa lạ.
Văn học, nếu được nuôi dưỡng bởi sự sáng tạo và niềm tự hào về di sản văn hóa, sẽ không còn là một tiếng nói nhỏ bé trong cộng đồng hải ngoại, mà còn là sứ giả để thế giới biết đến con người và câu chuyện Việt Nam. Tương lai của văn học hải ngoại không nằm ở việc phải trở thành một thứ “khác biệt hoàn toàn”, mà ở chỗ nó có thể vừa là một phần của quê hương, vừa là một phần của thế giới.
Giờ đây, thế hệ trẻ trong cộng đồng người Việt hải ngoại đang đứng trước một ngã ba đầy thách thức. Họ là những người thừa hưởng di sản văn hóa và lịch sử phong phú của cha mẹ, nhưng đồng thời cũng là sản phẩm của những xã hội mới – nơi họ sinh sống, học tập và trưởng thành. Vai trò của thế hệ này, nếu được đánh thức đúng lúc, có thể trở thành một lực đẩy mạnh mẽ để đưa văn học Việt Nam hải ngoại bước vào một thời kỳ mới. Tuy nhiên, hành trình ấy chưa bao giờ là dễ dàng.
Trở ngại đầu tiên và lớn nhất mà thế hệ trẻ phải đối mặt chính là ngôn ngữ. Với nhiều người trẻ lớn lên ở nước ngoài, tiếng Việt không còn là ngôn ngữ chính của họ. Nó trở thành một thứ ngôn ngữ “học thêm” thứ hai – một phương tiện để giao tiếp với cha mẹ, ông bà, nhưng hiếm khi trở thành ngôn ngữ của tư duy hay sáng tạo. Họ có thể viết một bài luận xuất sắc bằng tiếng Anh, nhưng khi cần diễn tả sâu sắc cảm xúc bằng tiếng Việt, sẽ gặp khó khăn. Sự đứt gãy này không chỉ làm giảm khả năng sáng tác bằng tiếng Việt mà còn tạo ra khoảng cách giữa họ và di sản văn hóa của cộng đồng mình.
Bên cạnh đó là sự giằng co văn hóa. Thế hệ trẻ thường cảm thấy mình bị kéo về hai hướng: văn hóa Việt Nam với những giá trị truyền thống mà cha mẹ mình mong muốn giữ gìn, và văn hóa phương Tây với những ảnh hưởng trực tiếp đến cách họ nhìn nhận thế giới. Đôi khi, sự hòa hợp giữa hai nền văn hóa ấy trở thành một động lực sáng tạo tuyệt vời, giúp họ kể những câu chuyện độc đáo mà không ai khác có thể kể. Nhưng cũng không ít lần, sự khác biệt ấy biến thành rào cản, khiến họ cảm thấy mình không thuộc về bất kỳ nơi nào.
Và cuối cùng là vấn đề độc giả. Dù có khả năng và ý tưởng, người trẻ vẫn tự hỏi: “Liệu có ai sẽ đọc những gì tôi viết?” Văn học Việt Nam hải ngoại vốn đã đối mặt với khủng hoảng độc giả và với những tác phẩm của thế hệ trẻ, sự hoài nghi này lại càng lớn hơn. Họ không chỉ phải tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng mình mà còn cần chạm đến những độc giả khác – một nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và kiên nhẫn.
Nhưng thách thức luôn đi cùng cơ hội. Để giải quyết những khó khăn trên, có ba bước đi cần thiết mà chúng ta có thể thực hiện để khơi dậy tiềm năng của thế hệ trẻ và tạo dựng một tương lai mới cho văn học hải ngoại.
Đầu tiên, cần khuyến khích sáng tác đa ngôn ngữ. Thay vì cho rằng các tác giả trẻ chỉ viết bằng tiếng Việt, chúng ta nên khuyến khích họ sử dụng ngôn ngữ mà họ cảm thấy thoải mái nhất, có thể là tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc song ngữ. Điều này không có nghĩa là từ bỏ bản sắc Việt Nam, mà là mang tinh thần và câu chuyện Việt ra thế giới. Một cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh nhưng đầy ắp chi tiết về văn hóa, lịch sử Việt Nam sẽ thu hút độc giả quốc tế đồng thời góp phần định vị văn học Việt trên bản đồ văn học thế giới.
Thứ hai, cần xây dựng nền tảng số hóa để bảo tồn và lan tỏa văn học. Trong thời đại mà công nghệ đã thâm nhập sâu vào đời sống, việc đưa các tác phẩm văn học lên môi trường số là một bước đi tất yếu. Thư viện trực tuyến, ứng dụng đọc sách và các trang web chuyên về văn học có thể trở thành cầu nối hữu hiệu giữa tác giả và độc giả. Không chỉ thế, số hóa còn giúp bảo tồn các tác phẩm kinh điển của thế hệ trước, tạo nên một kho tàng tri thức để thế hệ sau dễ dàng tiếp cận và học hỏi.
Thứ ba, cần tạo lập không gian giao lưu cho những người trẻ yêu văn học. Các cuộc thi viết, hội thảo và nhóm sáng tác trực tuyến là những cách thiết thực để kết nối các nhà văn trẻ với nhau và với độc giả. Không gian này không chỉ giúp họ tìm thấy động lực sáng tác mà còn tạo ra một cộng đồng văn học năng động, nơi ý tưởng có thể được chia sẻ, tranh luận, và phát triển.
Hành trình sáng tạo của thế hệ trẻ không hề dễ dàng, nhưng cũng chính những thử thách ấy làm nổi bật vai trò không thể thay thế của họ trong việc kế thừa và làm mới văn học hải ngoại. Khi các thế hệ trước đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về một thời kỳ đầy biến động, thì thế hệ mới sẽ là người tô thêm màu sắc, đưa văn học Việt Nam hải ngoại vượt qua ranh giới của ký ức để chạm đến hiện tại và tương lai.
Văn học hải ngoại vẫn có cơ hội vươn xa, nếu thế hệ tiền bối sẵn sàng kết hợp, bằng cách nào đó nuôi dưỡng tài năng, mở rộng cơ hội và xây dựng những nền tảng vững chắc. Và dù ở bất kỳ đâu, sợi dây văn chương sẽ luôn là mạch nối mạnh mẽ nhất giữa người Việt xa xứ và quê hương. Ở đó, mỗi trang viết là một chiếc cầu nối, một ngọn đèn không bao giờ tắt giữa các thế hệ và giữa hai bờ văn hóa.
Bấy giờ, văn học Việt Nam hải ngoại, như một dòng sông, vẫn lặng lẽ chảy qua những thăng trầm của lịch sử và thời gian. Đó là dòng sông được tạo nên từ mồ hôi, nước mắt, và cả máu của những thế hệ cha anh đã dùng ngòi bút để níu giữ bản sắc trong nỗi đau chia cắt. Nhưng một dòng sông không thể mãi tự mình tồn tại nếu không có những nhánh mới, những cơn mưa đầu nguồn tiếp thêm sức sống. Thế hệ mới chính là những nhánh sông ấy, là tia sáng của niềm hy vọng giữa bức tranh đang dần nhạt màu của văn học Việt nơi xứ người.
Mỗi trang viết, dù bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, dù viết về ký ức hay về những giấc mơ hiện tại, đều là một nhịp cầu kết nối với cội nguồn. Khi một người trẻ cầm bút để viết, họ không chỉ viết cho chính mình, mà còn viết cho cộng đồng, cho những thế hệ đi trước và cho cả những thế hệ mai sau. Trong từng câu chữ, họ mang theo nỗi nhớ quê hương, những bài học về văn hóa và cả khát vọng xây dựng một tương lai mà văn học Việt Nam không còn bị bó hẹp trong biên giới của một cộng đồng, mà có thể lan tỏa ra toàn thế giới.
Chúng ta không thể đòi hỏi thế hệ trẻ phải viết giống như những người đi trước, cũng không nên mong họ giữ nguyên vẹn những gì đã thuộc về quá khứ. Thay vào đó, hãy khuyến khích họ viết bằng chính tiếng nói của mình, để kể câu chuyện của họ – câu chuyện của một thế hệ đứng giữa hai nền văn hóa, vừa mang trong mình hồn Việt, vừa hít thở khí trời phương xa. Chỉ có như vậy, văn học Việt Nam hải ngoại mới có thể lớn mạnh, vừa giữ được bản sắc, vừa hòa mình vào dòng chảy văn học nhân loại.
Hãy để văn chương tiếp tục là ngọn đèn, soi sáng những con đường xa xứ và những giấc mơ trở về. Hãy để từng câu chuyện được viết nên trở thành những nhịp tim của một cộng đồng không bao giờ quên nguồn cội, dù có đi xa đến đâu. Và trên tất cả, hãy tin rằng văn học – với sức mạnh của nó – sẽ luôn là sợi dây bền bỉ nhất, nối liền những con người Việt Nam với nhau, nối liền hiện tại với quá khứ và nối liền chúng ta với cả thế giới.
Đây không chỉ là trách nhiệm của một thế hệ, mà là hành trình chung của tất cả – những người yêu văn chương, yêu tiếng Việt và yêu đất nước. Hãy cùng nhau giữ lấy ngọn lửa này, bởi một dòng sông chỉ có ý nghĩa khi nó tiếp tục chảy, mang theo niềm hy vọng, trí tuệ và những giấc mơ không bao giờ dứt.
Uyên Nguyên
5.12.2024
—————–
[1] Iliad và Odyssey là hai sử thi cổ đại vĩ đại nhất của nền văn học Hy Lạp, được cho là sáng tác bởi Homeros, một thi nhân mù sống vào thế kỷ 8 TCN. Hai tác phẩm này không chỉ ghi dấu ấn như những kiệt tác văn chương mà còn phản ánh sâu sắc thế giới quan, văn hóa và tôn giáo của thời kỳ Hy Lạp cổ đại.
[2] Homer (Homeros trong tiếng Hy Lạp) là thi hào mù huyền thoại của Hy Lạp cổ đại, được cho là tác giả của hai sử thi nổi tiếng: Iliad và Odyssey, phản ánh sâu sắc văn hóa, lịch sử, và thần thoại Hy Lạp. Homeros tượng trưng cho nghệ thuật kể chuyện truyền miệng và là biểu tượng của văn học phương Tây.
[3] Kinh Torah, trong tiếng Việt thường được hiểu là Ngũ Thư, là phần quan trọng nhất trong Kinh Thánh Do Thái, bao gồm năm cuốn sách đầu tiên: Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số, và Phục Truyền Luật Lệ. Từ “Torah” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Giáo Huấn” hoặc “Luật Pháp”, không chỉ ám chỉ luật lệ, mà còn bao gồm những chỉ dẫn và lời dạy bảo thần thánh.
[4] Saul Bellow (1915–2005): Tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Do Thái, đoạt giải Nobel Văn học năm 1976. Tác phẩm của ông khám phá sâu sắc bản chất con người, khủng hoảng hiện sinh và mâu thuẫn xã hội hiện đại. Nổi bật với các tiểu thuyết như Herzog, Humboldt’s Gift và The Adventures of Augie March, Bellow kết hợp trí tuệ sắc sảo và văn phong giàu cảm xúc, để lại dấu ấn lớn trong văn học thế kỷ 20.
[5] Philip Roth (1933–2018) là một nhà văn người Mỹ nổi tiếng, được biết đến với phong cách sắc sảo và cái nhìn sâu sắc về đời sống Mỹ, đặc biệt là những trải nghiệm của người Mỹ gốc Do Thái. Ông đã nhận nhiều giải thưởng văn học quan trọng, với các tác phẩm tiêu biểu như Portnoy’s Complaint, American Pastoral và The Human Stain, khám phá những xung đột nội tâm, bản sắc cá nhân và xã hội đương đại.
[6] Salman Rushdie là nhà văn người Anh gốc Ấn Độ, nổi tiếng với phong cách hiện thực huyền ảo và cách khai thác sâu sắc các chủ đề về lịch sử, văn hóa, và tôn giáo. Tác phẩm tiêu biểu của ông, Midnight’s Children (Những đứa con của nửa đêm), đạt giải Booker Prize năm 1981. Ông cũng gây tranh cãi lớn với tiểu thuyết The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ) năm 1988, dẫn đến các tranh cãi tôn giáo và một lệnh truy nã tử hình (fatwa) từ lãnh tụ Iran.
[7] Jhumpa Lahiri là một nhà văn gốc Ấn Độ nổi tiếng, sinh ra tại London và lớn lên ở Mỹ. Bà được biết đến qua các tác phẩm khắc họa sâu sắc trải nghiệm của người di dân, xung đột văn hóa và danh tính. Các tác phẩm tiêu biểu của bà như Interpreter of Maladies (giành giải Pulitzer) và The Namesake đã thu hút sự chú ý nhờ văn phong tinh tế, giàu cảm xúc và cách khai thác nội tâm nhân vật sâu sắc.
[8] Haruki Murakami là một tiểu thuyết gia người Nhật nổi tiếng toàn cầu, sinh năm 1949. Các tác phẩm của ông kết hợp giữa hiện thực và siêu thực, thường khai thác sự cô đơn, mất mát và ý nghĩa cuộc sống. Những tiểu thuyết tiêu biểu bao gồm Rừng Na Uy (Norwegian Wood), Kafka bên bờ biển (Kafka on the Shore), và 1Q84. Phong cách viết của ông pha trộn văn học phương Tây với văn hóa Nhật Bản, tạo nên sức hút đặc biệt.
[9] Yasunari Kawabata (1899–1972): Nhà văn Nhật Bản nổi bật với lối viết tinh tế, giàu chất thơ và cảm xúc. Ông là người Nhật đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học (1968) nhờ các tác phẩm khắc họa sâu sắc vẻ đẹp u buồn của văn hóa Nhật Bản và tâm hồn con người, tiêu biểu như Xứ Tuyết, Ngàn Cánh Hạc, và Cố Đô. Văn phong của ông được đánh giá cao nhờ sự tinh giản, gợi cảm và khả năng truyền tải cảm giác cô đơn lẫn khát vọng sâu lắng.
Nguồn: https://diendantheky.net/uyen-nguyen-van-hoc-viet-nam-hai-ngoai-noi-cau-chu-tro-thanh-que-huong/