User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
danthovtd
 
Nhạc sĩ Đan Thọ qua đời ngày 4 tháng 9 năm 2023, thành phố Houston, Texas, hưởng đại thọ 99 tuổi. Với tuổi ta, nhạc sĩ được bách niên (100 tuổi) tuổi hạc đại thượng thọ trên cõi trần.
 
Nhạc sĩ Đan Thọ tuy không sáng tác nhiều nhưng đã cống hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật với niềm đam mê âm nhạc và những đóng góp của ông trong lãnh vực nầy từ thời tiền chiến ở Hà Nội, hai thập niên ở Sài Gòn và cho đến thời gian ở hải ngoại.
 
Những nhạc phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Đan Thọ như: 
  • Bóng Quê Xưa (1952), 
  • Vọng Cố Đô (chung với Nhật Bằng), 
  • Thú Ly Hương… Tình Quê Hương (thơ Phan Lạc Tuyên), 
  • Mimosa Thôi Nở (thơ Nhất Tuấn), 
  • Chiều (lời Đinh Hùng). 
  •  Có lẽ nhạc phẩm Dương Cầm của ông (ý thơ Mùi Quý Bồng, con rể) là ca khúc cuối đời. 
Trong đó hai ca khúc Tình Quê Hương và Chiều Tím được giới thưởng ngoạn âm nhạc yêu thích nhất.
 
Tài hoa của nhạc sĩ Đan Thọ điêu luyện với nhiều loại nhạc cụ khác nhau, ngón đàn Violin điêu luyện và tiếng kèn Saxophone rất tuyệt.
 
oOo
Đan Thọ tên thật là Đan Đình Thọ, sinh ngày 21 tháng 6 năm 1924 tại Nam Định, Bắc phần, theo học tại trường Saint Thomas D’Aquin trong khoảng từ năm 1936 đến 1941 và thơi gian nầy học vỹ cầm. Từ năm 1942 đến 1945, ông học hòa âm và sáng tác với các giáo sư, nhạc sĩ Tạ Phước (vị Hiệu Trưởng đầu tiên của Nhạc Viện Hà Nội). Năm 1945, ông chơi đàn Violin cho phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng (1922-1998) ở Nam Định.
 
Năm 1945, ông lập gia đình với cô thiếu nữ Hà Nội mới 16 tuổi, (sinh năm 1929) gia đình có phần e dè khi biết con gái sắp thành thân với nhạc sĩ. Thế nhưng ông bà sống với nhau trọn đời, cùng nuôi dạy nên người một con trai và ba con gái (trưởng nam Đan Đình Thành, trưởng nữ Đan Kim Tâm, thứ nữ Đan Kim Trang (quá vãng), út nữ Đan Kim Thư.
 
Năm 1948, nhạc sĩ Đan Thọ gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các tên tuổi khác như Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng... Trong thời gian này, ông được Nhạc Trưởng Quân Nhạc Schmetzler hướng dẫn về kèn.
 
Năm 1954, ban Quân Nhạc cùng gia đình ông di cư vào Nha Trang. Năm 1956 vào Sài Gòn, ông được mời cộng tác với vũ trường Đại Thế Giới, và ông tiếp tục trau dồi môn kèn với nhạc sĩ Mano Umali người Phi Luật Tân.
 
Năm 1956, ông làm Trưởng Ban nhạc nhẹ của đài Ðài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Ðội trong khoảng một thời gian mười năm, gồm các nhạc sĩ nổi tiếng như Xuân Tiên, Xuân Lôi, Canh Thân,… Năm 1965, Đan Thọ giải ngũ và sau đó tham gia vào ban nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh và tiếp tục chơi nhạc tại các phòng trà, vũ trường cho tới năm 1975.
 
Gia đình Đan Thọ kẹt lại Việt Nam đến tháng 3/1985 mới tới Hoa Kỳ, theo diện đoàn tụ do sự bảo lãnh của người em vợ, định cư ở Quận Cam, California. Nhạc sĩ Đan Thọ không định cư ở Washington D.C. lấy lý do sợ cái lạnh của vùng Đông Bắc Hoa Kỳ nên định cư ở nơi nắng ấm. Ông và vợ đi làm cho hãng General Ribbon ở Van Nuys. Vẫn nhớ bầu không khí của một thời xa xưa nên cuối tuần, ông chơi vỹ cầm, kèn Saxo trong vũ trường Ritz.
 
Ngày 30 tháng 6 năm 1995, nhạc sĩ Đan Thọ mở đêm nhạc từ giã bạn bè California về Louisiana đoàn tụ với gia đình con gái Đan Tâm và rể là bác sĩ Mùi Quý Bồng.
 
Những tưởng an hưởng tuổi già với con cháu, năm 2005, trận bão Katrina quét qua New Orleans, trong thiên tai này, nhạc sĩ lại mất sạch những nhạc cụ ông yêu quý, trong đó có cây vỹ cầm đến hơn 250 tuổi và cây kèn Saxo mạ vàng, hai báu vật của ông. Ông bà dọn về Florida lánh nạn ở nhà trưởng nam Đan Thành. Và những năm cuối đời ông bà dọn về Houston, Texas, cùng nơi cư ngụ của các con gái cho đến ngày nay.
 
Hồi Ức Về Nhạc Sĩ Đan Thọ của anh Đan Thành (trưởng nam, Kiến Trúc Sư) viết về chiếc vỹ cầm vào năm 2017:
 
“Bố tôi cũng thế, ông nâng niu và xem chiếc vỹ cầm như một người tình, lãng mạn và hay hờn giận qua những lần thay dây đàn. Ông thương yêu, gìn giữ như một báu vật. Sau những buổi trình diễn, tôi thấy ông cẩn thận lau chùi, nhẹ nhàng cất vào hộp đàn với tấm nhung mềm mại che chở bao quanh người tình trẻ. Mọi người nhắc đến tên ông nhạc sĩ Đan Thọ luôn đi theo với tiếng vỹ cầm réo rắt của ông.
 
Chiếc vỹ cầm đã theo ông đi khắp miền đất nước, từ một góc quán Thiên Thai ở Nam Định, qua Hà Nội của những năm 40-45, xuống thôn Vĩ Dạ miền Trung, trong những hộp đêm tráng lệ Sài Gòn ngày nào... Tiếng đàn của ông cao vút bay xa, vượt qua khoảng không gian nhất định, chạm vào hơi thở của người đang thưởng thức. Tiếng đàn đã gíúp ông nuôi sống gìa đình, che chở đàn con khờ dại trong mấy chục năm trời.
 
… Bố tôi rửa tay gác kiếm, nói theo phong cách của nhà văn Kim Dung, hằng ngày vui cùng cỏ cây, thỉnh thoảng ông mang chiếc vỹ cầm xưa ra lau chùi và tấu lên dòng nhạc của dân du mục Gypsy xa xưa… âm thanh quyện với thời gian cùng tâm sự người xa xứ…
 
Tháng 8 năm 2005, chúng tôi lo ngại và thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi nhắc chừng. Sự lo ngại trở thành sự thật, cơn bão Katrina lớn quá sức tràn qua những vùng Bắc Florida, Albama và đổ vào New Orleans, trung tâm bão nằm ngay trên hồ điều chỉnh nước Lake Pontchartrain. Nước tràn qua đê ngăn và đổ xuống vùng thấp, nơi Bố Mẹ và gia đình hai em gái tôi đang trú ngụ.
 
Bố Mẹ tôi chỉ có 30 phút để chạy ra khỏi nhà, dòng nước mạnh bạo tràn xối xả vào khu dân cư tạo thành những dòng nước cao gần 15 feet… Từ ngày đó, Bố tôi thường nhắc đến chiếc đàn xưa của ông hãy còn chìm trong dòng nước lạnh”.
 
Sau trận thiên tai, anh Đan Thành đưa thân phụ trở lại căn nhà xưa:
 
“Tay Bố tôi run rẩy khi chạm vào chiếc vỹ cầm, hình như ông xúc động lắm khi nhìn những mảnh vỡ của chiếc vỹ cầm, như thấy đứa con trở về qua bao lần sóng gió. Ông cẩn thận gom từng mảnh vụn của chiếc đàn, lau chùi nhẹ nhàng đặt chúng theo thứ tự vào hộp, có lẽ trong đầu ông còn bàng hoàng không tin vào những gì đã xảy ra do cơn bão để lại”.
 
Hồi Ức Về Nhạc Sĩ Đan Thọ về ca khúc Dương Cầm của con rể Mùi Quý Bồng, bác sĩ, nhà thơ với thi phẩm Mong Manh (1994) và với bút hiệu Chẩm Tá Nhân, tập thơ vui Tiếu Lâm Chân Kinh dày 632 trang, ra mắt ở Little Saigon, July, 2022), anh viết:
 
“Một buổi chiều Thu năm ấy, đã lâu lắm rồi. Ngồi trên chiếc phi cơ từ Orange County, California trở về New Orleans, Louisiana, tôi gắn ống nghe vào tai, ngả đầu trên ghế, mở nhạc nghe cho qua thì giờ. Đột nhiên những âm thanh thánh thót, trầm bổng qua tiếng dương cầm trong bản Piano Concerto No 21 của Mozart trong một thoáng chốc bỗng đem tôi rời khỏi khung cảnh chật hẹp trong lòng chiếc phi cơ đến một cõi mộng mơ xa vời nào đó khiến tôi quên hết thực tại. Tôi thấy mình như đang bay bổng giữa một không gian Liêu Trai xa vắng, mơ hồ, ngây ngất. Bản nhạc vừa dứt thì tôi cũng bừng tỉnh, thoát khỏi cơn mơ. Ý thơ từ đâu bỗng cuồn cuộn chảy đến, và tôi đã viết bài thơ Dương Cầm ngay lúc đó, trên một tờ napkin cô tiếp viên tóc vàng xinh xắn vừa đưa cho tôi cùng với ly cà phê ít phút trước.
 
… Bận rộn với công việc, thời gian sau đó tôi cũng quên đi, không nhớ đến nó. Cho đến một hôm nhạc sĩ Đan Thọ đưa tôi xem bản nhạc Dương Cầm ông vừa viết xong, dựa theo ý bài thơ của tôi. Ông nói ông đã có cảm hứng khi ngồi nhìn và nghe cô cháu ngoại, YLan, ngồi trước cây đàn dương cầm, tập dượt cho một buổi trình tấu của Đại Học Loyola ở New Orleans. YLan là cô con gái thứ hai của tôi và Đan Kim Tâm, trưởng nữ của nhạc sĩ Đan Thọ.
 
… Một điểm thú vị là ít lâu sau đó nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm gửi cho tôi một phiên bản khác của Dương Cầm. Ông nói ông rất thích bản Dương Cầm của Đan Thọ, nhưng ông muốn viết một phiên bản mới để giữ cho bản nhạc đi sát với lời thơ hơn.
 
… Tôi có cái may mắn được gọi nhạc sĩ Đan Thọ là nhạc phụ, và sau này, khi ông từ Orange County về New Orleans, rồi sau trận bão thảm khốc Katrina, qua Houston sinh sống, trở thành y sĩ riêng, chăm sóc sức khỏe cho ông, giữ cho ông còn được vui sống với con cháu cho đến ngày nay dù đã trên 90 tuổi”. 
 
Tôi qua tháng 12 năm 73, sau một thời gian làm Orientation bên Wasington DC tôi xuống New Orleans luôn ở đó từ tháng Giêng năm 74 cho đến trận bão Katrina năm 2005.
 
Tôi lập gia đình năm 71. Vợ con qua là tháng 4 năm 1979,  rồi trận bão Katrina ông mất hết trắng tay, và biển trời nước mênh mông, nhà thương cũng không còn, nhà cũng không có, phòng mạch cũng không còn, phải bắt đầu lại.
 
Vâng, thì cũng vẫn còn nhớ, vẫn còn nghĩ mình là một thành phần của New Orleans mặc dù bây giờ mình sống bên này, lý do mà tôi chọn Houston vì ông bà cụ tôi sống ở đây, các anh em đều ở đây hết, và ông bà cụ cũng mất ở đây, các bạn bè thân của tôi cũng ở đây nhiều, số người Việt Nam ở đây cũng đông đảo hơn."
 
Là bạn của con rể bác Đan Thọ, tôi được nhiều dịp gặp và chuyện trò cùng bác. Kỷ niệm với bác Đan Thọ với tôi thì nhiều, nhưng tôi cứ nhớ mãi chuyện cây đàn Nga. Bác Đan Thọ là một nhạc sĩ tài hoa và rộng kiến thức. Bác là nhạc sĩ sáng tác, nhưng sống với cây đàn. Bác chơi Violin và kèn Saxophone, bác kể cho tôi nghe một cách thích thú khi ban nhạc của bác chơi trong vũ trường, chơi một bài Five Steps, khách Mỹ ngẩn mặt ra mà nghe. Loại nhạc này hiếm có bài và gần như chỉ có ban nhạc của Mỹ chơi, nay bỗng nhiên được nghe một ban nhạc Việt Nam chơi ở Saigon, thì họ ngạc nhiên quá, và từ đó khách Mỹ rủ nhau tới nghe ngày một đông.
 
Bác Thọ chơi saxophone, mà saxophone lại là một nhạc cụ ăn ý với nhạc Jazz, thế là ban nhạc của bác lại chơi Jazz hàng ngày. Không phải chỉ có khách Mỹ mê nghe ban nhạc của bác chơi Jazz mà khách Việt Nam cũng đến chật ních. Tôi rồi cũng lao thử vào con đường nghe nhạc Jazz và bắt đầu thấy người Mỹ có lý khi đi đâu cũng thấy chỉ có nhạc Jazz làm background music.
 
Một lần qua New Orleans chơi với Bồng, con rể bác Đan Thọ, tôi được bác cho xem một cây đàn lạ mà bác mới mua được của một người Mỹ gốc Nga. Bác có cho tôi biết tên của cây đàn này, một loại đàn riêng của sắc dân một nước nhỏ vừa tách rời nước Nga thời đó. Đàn có nhiều dây, cũng tương tự như đàn dương cầm nhưng không bấm phím mà lại gảy bằng ngón. Tiếng đàn nghe rất ấm có lẽ vì có thùng đàn lớn và có thể chơi nhiều âm một lúc chứ không phải đơn âm. Cây đàn to và cồng kềnh quá, không biết các nhạc sĩ nước này sử dụng nhạc khí này thế nào, riêng tôi thì thấy không đủ sức khỏe và tầm vóc để chơi cây đàn này rồi. Tháng 8 năm 2005, bão Katrina thổi ào vào New Orleans nhận chìm nhà bác và luôn cả cây đàn. Gặp bác ở Houston, hỏi thăm bác về cây đàn, bác với giọng rầu rầu bảo bác bị mất cây đàn ấy rồi (1). Cây Violin mà bác quý hơn vàng Carlo Bergonzi làm từ năm 1741 cũng bị hư luôn. Bác Đan Thọ sở trường về Violin và Saxophone nhưng tài bác không dừng lại ở đó, mà bác đã viết hòa âm bài Dương Cầm (nhạc Đan Thọ, lời Mùi Quý Bồng) cho Violin và Piano để hai ông cháu hòa tấu trong buổi tiệc sinh nhật của bác ở New Orleans. Bác thích thú phân tích với tôi từng khúc trong hòa âm bài này “làm sao cho cháu nó chơi được khúc này chứ”…
 
Cây đàn Nga này có một sức quyến rũ với tôi một cách đặc biệt, và cũng từ đó tôi ưa để ý đến những nhạc cụ dân tộc của từng xứ, nhất là những xứ Bắc Âu.
 
(1) Chú Thích của Mùi Quý Bồng:
 
Cây đàn Nhạc Sĩ Đan Thọ bị mất trong trận bão Katrina là đàn Bandura, một nhạc cụ dân tộc của Ukraine. Ngày xưa các nhạc sĩ hát dạo Ukraine dùng cây đàn này cùng với những bài ca và nhạc của họ làm công cụ truyền tải từ thế hệ này đến thế hệ khác những thiên hùng ca của dân tộc Ukraine chiến đấu chống Nga Hoàng và đảng Cộng Sản Nga. Các nhạc sĩ này, đa số khiếm thị, vì thế đã bị chính quyền Nga giết hại. Đàn Bandura được coi như biểu tượng của Ukraine và có một âm sắc hết sức độc đáo. Cây đàn Bandura ngày nay có 65 dây.
 
************
Bài đọc thêm
 
Nhạc Sĩ Đan Thọ - Trường Kỳ
 
Louisiana là nơi vợ chồng người con gái ông cư ngụ từ lâu trong khi đáng lẽ gia đình ông phải đi Washington D.C. do một người em của vợ ông bảo lãnh. Đan Thọ lấy lý do sợ cái lạnh của vùng Đông Bắc Hoa Kỳ nên đã xin với phái đoàn phụ trách sắp xếp chuyến bay để qua sống tại New Orleans trước khi dời qua California một thời gian ngắn sau, trước khi quay trở lại sống ở New Orleans vào năm 1997.
 
Với hai nhạc phẩm “Red Eyes Are Smiling” và “Lòng Mẹ”, tiếng đàn vỹ cầm của Đan Thọ đã khiến cho những nhân viên Mỹ cũng như Việt của phái đoàn này cảm động để sau đó chiều theo lời đề nghị của ông.
 
Những năm tháng ở Orange County, nhạc sĩ Đan Thọ với số tuổi lúc đó đã ngoài 60, nhưng vẫn cùng với vợ xông xáo đi làm. Trước đó, ông từng hy vọng sau khi ra đến hải ngoại sẽ tìm lại được hứng thú với những bạn bè cùng thời. Nhưng với cuộc sống chạy theo kim đồng hồ ở một xã hội máy móc và do sự đòi hỏi của cuộc sống, cả hai ông bà cũng đã phải trải qua một giai đoạn vất vả với những công việc mưu sinh.
 
Ông làm việc trong công ty General Ribbon chuyên hãng sản xuất “ruy-băng” cho máy điện toán. Vợ ông, sau khi thất bại trong việc khai thác một tiệm ăn, cũng đã vào làm cùng hãng với ông một thời gian trước khi cả hai ngưng nghỉ sau khi đã tỏ ra là những nhân viên siêng năng và cần mẫn. Riêng ông, cuối tuần vẫn chơi nhạc tại vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
 
Đến năm 95, Đan Thọ chính thức tuyên bố giải nghệ trong một đêm văn nghệ, tổ chức vào tối 30 tháng 6 tại vũ trường Ritz để đánh dấu quá trình hoạt động âm nhạc của ông. Vì theo Đan Thọ, sự cống hiến cho âm nhạc của ông đã quá đủ. Hơn nữa tuổi tác và sức khỏe của ông không còn cho phép ông đi theo con đường nghệ thuật.
 
Nhớ lại khoảng thời gian dài hoạt động không ngưng nghỉ của người chồng nghệ sĩ, bà Đan Thọ cũng đã phải khâm phục sức làm việc của ông. Điều đó cũng đã chứng tỏ được sự thông cảm lớn lao của bà khi Đan Thọ dấn thân vào con đường phục vụ âm nhạc.
 
Đáng ghi nhận hơn cả là thời gian ông còn ở Sài Gòn: “Chưa bao giờ ông ấy có mặt ở nhà trước 2 giờ sáng… Từ sáng cho đến 2 giờ đêm, ông ấy ở đâu chứ không ở nhà”. Với một vẻ âu yếm, bà nói thêm “Ông ấy muốn làm gì ông ấy cứ việc làm, nhưng mà 2 giờ tôi cứ ngồi đợi cửa. Không bao giờ tôi đi ngủ trước, mấy chục năm như vậy. Thành ra ông ấy đâu có dám đi đâu vì biết tôi ngồi đợi cửa mà!”, như lời kể của bà Đan Thọ.
 
Một điều không ai ngờ là trong suốt quá trình hoạt động của Đan Thọ, hầu như  chưa hề ai thấy mặt vợ ông tại vũ trường cũng như tại các Đài Phát Thanh ông cộng tác. Hai vợ chồng nhạc sĩ Đan Thọ hưởng những chuỗi ngày nhàn hạ, nương tựa nhau trong lúc xế chiều tại Houston với sự thường xuyên liên lạc hay gặp gỡ con cháu từ Tampa đến Houston.
 
Khá nhiều bạn bè nghệ sĩ cùng thời với ông đã nhắm mắt xuôi tay. Riêng Đan Thọ còn đây trong những buổi chiều tím của cuộc đời. Chắc hẳn người  nhạc sĩ lão thành đang mỉm cười mãn nguyện với những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, trong vai trò một nhạc sĩ sáng tác và nhất là một nhạc sĩ trình diễn bên cạnh cây vỹ cầm, giờ đây đã im tiếng. Còn chăng chỉ còn là vang vọng dư âm của những ngày xưa cũ…
 
oOo
Ký giả Mùi Quý Y Lan là ái nữ của ông bà bác sĩ Mùi Quý Bồng – Đan Tâm. Là cháu ngoại của nhạc sĩ Đan Thọ, Mùi Quý Y Lan từ nhỏ chơi dương cầm và hình ảnh cô ngồi đàn Piano thuở bé đã tạo cảm hứng cho ông ngoại sáng tác bản nhạc cuối cùng tựa đề “Dương Cầm” với ý thơ Mùi Quý Bồng. 
 
Mùi Quý Y Lan tốt nghiệp chuyên ngành Truyền Thông với hai chuyên ngành phụ Triết Học và Sinh Vật Học từ đại học Loyola University ở New Orleans. Cô từng là Giáo Sư thỉnh giảng ngành Báo Chí tại Đại Học University of Maryland. Sau gần 15 năm làm phóng viên chuyên về giáo dục rồi tài chánh cho nhật báo The Washington Post, Mùi Quý Y Lan bước sang lãnh vực truyền hình và cộng tác với hệ thống CNBC kể từ tháng 2 năm 2017 tại văn phòng trụ sở ở thủ đô Washington DC. Đồng thời, ký giả Y Lan thường xuyên được mời xuất hiện trên đài C-SPAN.
 
Bài viết sau đây ghi lại những kỷ niệm và tâm tình của cháu ngoại Y Lan dành cho ông ngoại Đan Thọ, nguyên tác tiếng Anh đã được bác sĩ Mùi Quý Bồng dịch sang Việt ngữ.
 
Ông Ngoại - Ylan Mui (CNBC)
 
When I was a child, my grandparents lived in a modest house on a unassuming street in Garden Grove. It was a single level, with a pool and porch out back and a small kitchen. But to a 10-year-old girl, it was a magical world all its own.
 
My siblings and cousins spent many long summer days splashing in the pool, bathing in the endless California sunshine. We ate hot loaves of French bread with pats of creamy butter in the kitchen. We picked fruit from the trees in the backyard and marveled at the songbirds that Ong kept in domed cages on the porch.
 
There was no sweeter music, though, than the sounds that Ong could coax from his violin. He left me hold it once during one childhood visit, entrusting his most prized possession to my clumsy hands. I scratched out a few notes and instantly knew that the music he produced had taken a lifetime to perfect.
 
Ong and music were synonymous in my mind. Growing up, I understood little of my family’s struggle and its story. War and suffering were abstract concepts to my Americanized mind. But I understood Ong and his music. I always knew that he was a musician, master of not just the violin but also the saxophone and the piano. When Ong played, he evoked strains of a country that I, as second-generation Vietnamese, was only just beginning to comprehend — beauty, romance, heartache in one harmony. As I grew older, I realized the price my family paid for him to play his music just for me, in his modest little home in Garden Grove.
 
I credit my grandfather for building music into my DNA. I could tell how proud he was to watch my own skill at the piano progress. He would give me his winning smile and then usher me to the bench to play, the protege and the pro.
 
That he was and remains an inspiration to me is clear. But little did I know that I also inspired him as well. One day, after watching me practice my own music, he wrote a new melody with me in mind. The lyrics were the words of a poem my father had written. The piece was Dương Cầm — a new song for a new land, with three generations of our family reflected in it. This was the only song he wrote throughout his life as an exile, and the last song of his life as an artist.
 
The last time I heard my grandfather play for me was at my wedding. He graced us with his most famous song, Chiều Tím. It felt like his eyes were on me the entire time despite the crowd of friends and family around us. He was serenading me one more time, reminding me of the idyllic days of my childhood, the music that always bound us together and the love that will last long after the last notes fade away.
 
Ylan Mui
 
Ông Ngoại - Ylan Mùi (CNBC)
 
Khi tôi còn nhỏ, Ông Bà Ngoại tôi sống trong một căn nhà bình thường, trên một con đường khiêm tốn trong khu Garden Grove. Đây là một căn nhà một tầng, với một hồ bơi, một mái hiên đằng sau, và một cái bếp nho nhỏ. Nhưng với một cô bé 10 tuổi, đó là một thế giới thần tiên, kỳ diệu.
 
Chị em tôi và những người anh em họ đã có những ngày Hè dài vẫy vùng trong hồ bơi, tắm mát trong ánh nắng trường cửu của California. Chúng tôi được ăn những ổ bánh mì Tây phết lớp bơ mịn màng trong nhà bếp. Chúng tôi hái trái từ những cây trong vườn sau, và mê thích những chú chim yến hót thật hay mà Ông Ngoại nuôi trong những chiếc lồng nhỏ treo dưới mái hiên.
 
Nhưng không có tiếng nhạc nào ngọt ngào hơn những âm thanh từ chiếc vỹ cầm của Ông Ngoại. Ông đã cho tôi được ôm chiếc vỹ cầm ấy một lần khi tôi đến thăm ông, trao phó bảo vật ông quý nhất vào bàn tay vụng về của tôi. Tôi cố gắng kéo được vài nốt nhạc, và lập tức hiểu rằng những âm thanh kỳ diệu ông tạo ra từ cây vỹ cầm của ông đòi hỏi cả một đời để tôi luyện.
 
Ông Ngoại và âm nhạc, trong tâm trí tôi, là một. Lớn dần lên theo ngày tháng, nhưng tôi không hiểu rõ lắm hoàn cảnh và sự phấn đấu của gia đình. Chiến tranh và những chịu đựng là một khái niêm trừu tượng đối với cái tâm hồn Mỹ hoá của tôi. Nhưng tôi hiểu Ông Ngoại và âm nhạc của ông. Tôi vẫn biết rằng ông là một nhạc sĩ tài hoa, không những với vỹ cầm, mà còn với saxophone, và cả dương cầm. Khi ông đàn, ông gợi lên những dấu nét của một quốc gia mà tôi, thế hệ Việt Nam thứ hai, mới bắt đầu thấu hiểu. Cái hoa mỹ, cái lãng mạn, cái khổ tâm, hoà hợp làm một. Đến khi tôi đã lớn khôn, tôi mới nhận ra cái giá gia đình chúng tôi đã phải trả để Ông Ngoại có thể cho tôi thưởng thức âm nhạc trong căn nhà nho nhỏ, bình thường của ông ở khu Garden Grove.
 
Ông Ngoại đã truyền cái khả năng âm nhạc ấy vào hệ DNA của tôi. Tôi cảm nhận được sự hãnh diện của ông khi ông theo dõi sự tiến bộ về dương cầm của tôi. Ông thường nở nụ cười thoả mãn và dìu tôi đến ngồi trên ghế để tập dượt. Ông, người nhạc sĩ chuyên nghiệp và người bảo trợ của tôi!
 
Ông Ngoại là người tạo cảm hứng cho tôi là chuyện hiển nhiên. Nhưng tôi không ngờ tôi cũng đã là nguồn cảm hứng của ông! Một ngày nọ, sau khi nghe và nhìn tôi tập dượt, ông đã viết một bản nhạc mới mang hình ảnh tôi. Lời bài nhạc dựa theo ý một bài thơ do Bố tôi viết. Tựa bài nhạc là Dương Cầm. Một bản nhạc mới, viết trên một quê hương mới, một kết hợp phản ảnh ba thế hệ trong gia đình tôi! Đây là bản nhạc duy nhất Ông Ngoại viết trong những ngày sống tha hương, và là bản nhạc cuối cùng ông viết trong cuộc đời nghệ sĩ.
 
Lần chót Ông Ngoại đàn cho tôi là trong lễ cưới của tôi. Ông đã trình bầy bản nhạc nổi tiếng nhất của ông: Chiều Tím. Dường như cặp mắt ông chỉ hướng về tôi trọn vẹn trong những giây phút ấy, mặc dù có rất nhiều bạn bè, và gia đình thân thuộc khắp chung quanh. Ông đã đàn để thương tặng tôi một lần nữa, làm tôi nhớ lại những tháng ngày kỳ diệu của tuổi thơ tôi, nguồn âm nhạc đã luôn gắn bó chúng tôi với nhau, và niềm yêu thương còn mãi tồn tại sau khi những nốt nhạc cuối cùng đã dần lịm tắt.
 
Mùi Quý Bồng
(phỏng dịch)
Đan Thọ, Tiếng Vỹ Cầm, Mùi Hương, Và Kỷ Niệm - Du Tử Lê
 
Nhìn lại sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam, một số nhà nghiên cứu cho rằng, cuộc di cư khổng lồ của hơn một triệu người miền Bắc vào Nam, đã thổi ngọn lửa đổi mới, rực rỡ lớn cho sinh hoạt VHNT ở vùng đất trù phú, êm ả này.
 
Một số người khác, lại ví von rằng, sự thay da đổi thịt của sinh hoạt văn nghệ miền Nam, tựa như một cuộc cách mạng quyết liệt, lay động, đổi thay tận gốc rễ sinh hoạt văn nghệ của miền đất mới.
 
Ở lãnh vực tân nhạc, người ta ghi nhận sự xuất hiện của hàng hàng, lớp lớp những tác giả trẻ mà, Trịnh Công Sơn, được coi là một hiện tượng đặc biệt. Bên cạnh đó, những tên tuổi khác như Nguyễn Đức Quang, Anh Việt Thu, Vũ Thành An, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên… đã đóng góp phần của họ, để làm thành cái được gọi là “đợt sóng mới”. Đó là thế hệ nhạc sĩ khởi nghiệp ở điểm mốc giữa hoặc cuối thập niên 1960s.  
 
Tuy nhiên, thực tế, những “đợt sóng mới” này vẫn không thể làm lu mờ, hay đẩy lùi sự chói lòa những tên tuổi lớn thuộc thế hệ tiền chiến hoặc, khởi nghiệp từ những năm đầu thập niên (19)50 như Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Tuấn Khanh, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Nguyễn Văn Đông, Nhật Bằng v.v… tiếp tục hiện diện ở miền Nam. Phải chăng đó là một trong những điểm đặc thù của dòng tân nhạc miền Nam 20 năm?
 
Giống như lãnh vực thi ca, khi một nhạc sĩ thuộc thế hệ trước 1954 đã định hình thì, vị trí của họ là vị trí bất biến. Kể cả những nhạc sĩ có số lượng tác phẩm không nhiều lắm. Nhưng, nếu ca khúc của họ, đã được quần chúng đón nhận thì chúng là những viên ngọc bất hoại. Đó là những tác phẩm đã vượt qua được vạch phấn thời gian. Sống còn sau thử thách bởi những ngọn lửa vùi dập, lãng quên mau…
 
Nằm trong trường hợp vừa kể, ở lãnh vực thi ca, người ta thấy có nhiều thi sĩ chỉ cần để lại cho đời một bài thôi, cũng đã đủ thành bất tử. Tỷ như Vũ Đình Liên với bài thơ “Ông Đồ Già”; Hữu Loan với “Mầu Tím Hoa Sim”… Về phía tân nhạc, chúng ta có một Nguyễn Văn Tý với “Dư Âm”. Một Nguyễn Văn Khánh với “Nỗi Lòng”. Một Lê Hoàng Long với “Gợi Giấc Mơ Xưa”. Một Vũ Thành với “Giấc Mơ Hồi Hương” hoặc, một Hoàng Dương với “Hướng Về Hà Nội”…
 
Hiện tượng này, cũng ứng hợp với nhạc sĩ Đan Thọ- Tác giả của hai ca khúc đã sớm trở thành những viên ngọc quý của kho tàng tân nhạc miền Nam. Đó là ca khúc “Tình Quê Hương” phổ từ thơ Phan Lạc Tuyên và, “Chiều Tím” lời của Đinh Hùng.  
 
(Theo tư liệu của Hồ Đình Vũ, với 1 bản nhạc lẻ “Chiều Tím”, in tại Saigon tháng 6 năm 1968, có ghi rõ: “Chiều Tím, nhạc và lời Đan Thọ - Đinh Hùng”. Theo lời kể của nhạc sĩ Đan Thọ thì, ở phần ca từ lời hai, Thi sĩ Đinh Hùng đã viết ngay phần mở đầu:
 
“Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vỹ cầm…” trước khi dòng nhạc đi tiếp với những lời thật đẹp, như thơ, nồng nàn hương tình yêu mà tiếng đàn vỹ cầm của Đan Thọ giữ được và, gửi vào tâm hồn người thưởng ngoạn:
 
“Người xa vắng rồi chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi...
 
Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tìm trong tiếng đàn... mùi hương chưa phai
Ý giao hòa người nhớ chăng?
 
Mây gió... bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng
Và em với chàng kề vai áo... vấn vương
 
Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào? Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi...” (2)
 
Căn cứ theo tiểu sử do website Đất Việt.com ghi lại thì, nhạc sĩ Đan Thọ sinh năm 1924 tại Nam Định. Ông sở trường Violon và Saxophone Tenor. Từ năm 1936 tới 1942, ông học chữ và nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas d’ Aquin (Nam Định). Thầy dạy Violon là Frère Maurice. Sau đấy, từ năm 1942 tới 1945, ông học hòa âm, và sáng tác với Giáo Sư Tạ Phước cùng Vũ Đình Dự. Ngay trong năm 1945, ông đã được mời chơi đàn Violin tại phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng (Nam Định). Từ năm 1948 tới năm 1954 ông gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Khắc Cung, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hiền…
 
Hai nhạc phẩm đầu tay của ông (sáng tác chung với cố nhạc sĩ Nhật Bằng), nhan đề “Bóng Quê Xưa” và “Vọng Cố Đô” sáng tác năm 1952. Năm 1956, ở Saigon, ông trở lại học thêm về kèn Saxophone với Quân-Nhạc- trưởng Schmetzler và nhạc sĩ Phi Luật Tân Mano Umali. Năm 1954 tới 1956, khi ban quân nhạc di cư vào Nha Trang, ông sáng tác ca khúc bất tử “Tình Quê Hương
 
Năm 1956 và 1961, với tư cách Trưởng Ban Nhạc Nhẹ của Đài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Đội ông được cử vào phái đoàn nghệ sĩ của miền Nam, đi trình diễn tại Bangkok và Manila.
 
Như một số nhạc sĩ cùng thời với mình, hằng đêm, nhạc sĩ Đan Thọ trình diễn ở nhiều phòng trà, vũ trường… Ông cũng thu thanh tiếng đàn vỹ cầm của ông cho các Đài Phát Thanh và, Vô Tuyến Truyền Hình quốc gia.
 
Được con bảo lãnh qua Hoa Kỳ, tháng 3 năm 1985, ông có nhiều năm định cư tại miền Nam California. Trước khi di chuyển về lại thành phố New Orleans và, hiện nay là Houston, Texas.
 
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer. Bên cạnh đó, ông còn có thêm một thú vui êm đềm khác là nuôi chim hoàng anh.
 
Bản chất vốn chí tình, cởi mở với bằng hữu, tác giả “Chiều Tím” không ngần ngại truyền thụ nghệ thuật nuôi chim Hoàng Anh, cho bất cứ ai có ý muốn bước vào thú nuôi chim tại nhà, nhẹ nhàng kia. Hơn thế nữa, để khuyến khích, ông cũng sẵn sàng tặng cho bằng hữu, những cặp chim Hoàng Anh tốt nhất, ra đời từ “trại Hoàng Anh tại gia” của ông. (3)
 
Tôi không biết tác giả “Tình Quê Hương” có tìm thấy mối tương quan nào chăng giữa tiếng hót của chim Hoàng Anh và, tiếng vỹ cầm sớm đi vào ca khúc của ông? Nhưng, tôi trộm nghĩ, cách gì thì nơi thẳm sâu tâm hồn người nhạc sĩ tài hoa, nặng lòng với quê hương này, vẫn mãi là:
 
“… Chiều hỡi! Đàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào? Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi...”
 
Đan Thọ - Khi ‘chùng dây vỹ cầm’ nổi trôi theo vận nước lênh đênh
 
Bản chất tác giả “Tình Quê Hương,” là một người chọn cho mình một đời sống ngăn nắp, nghiêm chỉnh. Nhưng cũng như nhiều người khác, định mệnh cá nhân tức biệt nghiệp và, định mệnh chung của đất nước, tức cộng nghiệp, đã ném người nhạc sĩ tài hoa Đan Thọ vào những gập ghềnh thời sự gió bão!
 
Trong một bài phát thanh trên đài VOA vào trung tuần tháng 3 năm 2003, nhà báo Trường Kỳ đã ghi nhận khá đầy đủ về phần đời trôi nổi của nhạc sĩ Đan Thọ. Qua trích đoạn dưới đây, những người yêu mến dòng nhạc trữ tình của Đan Thọ, mới được biết thêm rằng, tác giả “Chiều Tím” không chỉ nổi tiếng như một vỹ cầm thủ mà, ông còn nổi tiếng với tiếng kèn Saxo và nhạc Jazz nữa:
 
“Trong lãnh vực vũ trường, Đan Thọ là một trong những nhạc sĩ kỳ cựu nhất. Trước ngày đất nước chia đôi, ông đã từng với nhạc sĩ Nguyễn Túc trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội. Vừa vào đến Sài Gòn, ông đã được mời cộng tác ngay với vũ trường ‘Grand Monde’ tức ‘Đại Thế Giới’. Năm 57 ông qua vũ trường Đại Nam cộng tác với ban nhạc gồm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng.
 
“Đến năm 62, vì lệnh cấm khiêu vũ nên ban nhạc này đổi qua trình diễn nhạc Jazz với một thành phần gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện và Huỳnh Anh. Đối với khán giả Việt Nam thời đó, trình diễn nhạc Jazz là một điều mới mẻ. Do đó ban nhạc của vũ trường Đại Nam đã lôi cuốn được rất nhiều người đến thưởng thức.
 
“Một thời gian sau ông về vũ trường ‘Croix Du Sud’, sau đó đổi tên là ‘Tự Do’. Tại đây ông cộng tác với các nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc cùng với Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Nguyễn Văn Thanh, Văn Ba, vv… Sau đó ông được giải ngũ vào năm 1969 để sang cộng tác với vũ trường Mỹ Phụng cho đến năm 72 và sau đó là phòng trà Bồng Lai.
 
“Tại miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 75, trong rất nhiều năm, bóng dáng Đan Thọ với cây vỹ cầm hoặc với cây kèn Saxo đã là một hình ảnh quen thuộc với những người lui tới các phòng trà và vũ trường về đêm (…)
 
“Sau năm 75, Đan Thọ cộng tác với ban nhạc của Đoàn Kịch Nói Kim Cương gồm trên 10 nhạc sĩ. Trong đó, ngoài ông, còn có những nhạc sĩ Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên, Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Phạm Văn Phúc, Đài Trang, Đặng Văn Hiền, vv… Ông từng cùng với Đoàn Kịch Nói Kim Cương ra Hà Nội trình diễn vào năm 1980 trong vòng một tháng với nhiều thành công tốt đẹp.
 
“Trong thời gian còn ở lại Việt Nam, ông đã cùng với ban nhạc này đi diễn ở nhiều nơi như Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, vv… Cho đến năm 80 ông quyết định xin nghỉ. Có thể nói đúng hơn là nhạc sĩ Đan Thọ đã không còn tìm thấy được nguồn vui trong nghệ thuật sau khi ông ngưng cộng tác với đoàn Kim Cương vào năm 1980, để sau đó ông dành cả thì giờ của mình cho gia đình cùng với thú nuôi chim của ông và đã từng đoạt giải thưởng…” (dongnhacxua.com) (4)
 
Với những người bị kẹt lại Saigon, sau biến cố 30 tháng 4-1975, đều hiểu rằng, để có được một việc làm không thôi, khoan tới tới việc làm có dính dáng gần xa tới chuyên môn hay nghề cũ của mình, nó khó khăn không kém gì đường lên… trời…
 
Vậy mà tác giả “Tình Quê Hương” đã quyết định dứt bỏ công việc phù hợp hoàn toàn với nghề cũ của ông.
 
Cá nhân tôi cho rằng, đó là một quyết định liều lĩnh, can đảm. Phần nào, nói lên tư cách của người nhạc sĩ tài hoa này, trong thời điểm ngặt nghèo bi kịch của đất nước. Một chọn lựa không phải ai cũng có thể làm được, khi ở vị trí của ông.
 
“Tuy không còn đi lưu diễn nhưng Đan Thọ chưa có thể xa rời sân khấu. Mặc dù sống dưới những sự đổi thay của xã hội, nhưng thời gian này đối với ông có những kỷ niệm khó quên. Cùng với nhạc sĩ Cao Phi Long và một số nhạc sĩ khác như Trí, Hòa, vv…, ông được mời cộng tác với vũ trường Maxim’s ở trên lầu.
 
“Tại địa điểm này Đan Thọ và các nhạc sĩ trong ban đã khiến khán giả thích thú với nghệ thuật trình bày loại nhạc Zigane, trong số có rất nhiều khán giả người ngoại quốc thuộc các nước xã hội chủ nghĩa. Đêm cuối cùng trước khi ngưng cộng tác với Maxim’s để ngày hôm sau rời khỏi Việt Nam, phái đoàn Hungary thường đến nghe ban nhạc của ông biểu diễn đã mang hoa lên tặng ông và hôm sau còn đến tận nhà ông tặng thêm, vì ban nhạc thường đàn bài ‘Danse Hongroise No 5’ của Brahms rất được người Hungary ưa thích…” (5)
 
Tôi trộm nghĩ, có dễ trong số những người yêu mến dòng nhạc trữ tình của nhạc sĩ Đan Thọ, cũng ít ai biết ngoài vỹ cầm, đã trở thành một thứ ID, thẻ nhận dạng tài hoa Đan Thọ, ông còn là một hảo thủ nhạc Jazz, một lãnh vực âm nhạc, tương đối xa lạ với người Việt thời trước tháng 4-1975.
 
Cũng nhờ tiếng Saxo (trái tim đằm thắm nhất của nhạc Jazz) mà, nhạc sĩ Đan Thọ cùng gia đình, trên nguyên tắc, từ trại tỵ nạn, sẽ đi định cư tại vùng Hoa Thịnh Đốn, do hồ sơ bảo lãnh bởi em người bạn đời của ông thì, cuối cùng, ông đã được phái đoàn Mỹ cho ông đổi từ Washington DC về New Orleans, chiếc nôi nhạc Jazz của thế giới.
 
Tuy được New Orleans, quê hương nhạc Jazz chào đón, như một đứa con thương yêu trôi giạt tới từ bên kia Thái Bình Dương; nhưng vì nhớ bạn, nhớ không khí vũ trường, hai nhu cầu sinh hoạt tinh thần quan trọng một đời mình, cuối cùng nhạc sĩ Đan Thọ lại di chuyển về miền Nam California.
 
Tại miền đất ấm này, người nhạc sĩ gương mẫu của gia đình, đằm thắm với bằng hữu, dù đã bước qua tuổi 60, vẫn ban ngày, đi làm, cuối tuần, cùng một số bằng hữu thân thiết từ thời Việt Nam, ông trở lại sân khấu với cây Violin và Saxo cho vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
 
Tiếng vỹ cầm cũng như Saxo của ông, không chỉ làm thức dậy những kỷ niệm một thời Saigon của những khách chơi lịch lãm thuở xưa mà, còn trải những thảm hoa rung động, lắng xuống chiều sâu tâm hồn lớp khách trẻ nữa.
 
Năm 1995, nhạc sĩ Đan Thọ tuyên bố giải nghệ trong một buổi sinh hoạt văn nghệ đặc biệt tại Vũ trường Ritz. Ông cho biết, sự cống hiến một đời cho âm nhạc của ông, tới thời điểm đó là quá đủ. Tuổi tác, sức khỏe không cho phép ông “trụ” lâu hơn trên sân khấu, dưới ánh đèn màu.
 
Cuộc chia tay với sân khấu và ánh đèn của tác giả ca khúc “Tình Quê Hương” gây xúc động sâu xa cho hàng trăm tân khách. Khi màn nhung khép lại, bóng tối nhạt đi, chuyển dần sang ngày kế tiếp, một không khí bùi ngùi, bịn rịn đã diễn ra giữa người nhạc sĩ tài hoa và, các tân khách tưởng chừng không có phút chấm dứt!…!
 
Nhưng cùng lúc đó, ở một nơi khác, trong căn nhà ngăn nắp thuộc thành phố Garden Grove, có một người phụ nữ vẫn chong đèn đợi chồng về. Đó là người bạn đời của tác giả “Chiều Tím.”
 
Đan Thọ, “những hạt giống đất  trời trong tâm hồn nhiều thế hệ.
 
Nhắc tới người phụ nữ mấy chục năm liên tiếp, chong đèn cuối khuya, đợi chồng - Bà Đan Thọ, trong một bài viết về bà, cố nhà báo Trường Kỳ đã ghi nhận như sau:
 
“Nhớ lại khoảng thời gian dài hoạt động không ngưng nghỉ của người chồng nghệ sĩ, bà Đan Thọ cũng đã phải khâm phục sức làm việc của ông. Điều đó cũng đã chứng tỏ được sự thông cảm lớn lao của bà khi Đan Thọ dấn thân vào con đường phục vụ âm nhạc.
 
“Đáng ghi nhận hơn cả là thời gian ông còn ở Sài Gòn: ‘Chưa bao giờ ông ấy có mặt ở nhà trước 2 giờ sáng… Từ sáng cho đến 2 giờ đêm, ông ấy ở đâu chứ không ở nhà’. Với một vẻ âu yếm, bà nói thêm ‘Ông ấy muốn làm gì ông ấy cứ việc làm, nhưng mà 2 giờ tôi cứ ngồi đợi cửa. Không bao giờ tôi đi ngủ trước, mấy chục năm như vậy. Thành ra ông ấy đâu có dám đi đâu vì biết tôi ngồi đợi cửa mà!’ Lời kể của bà Đan Thọ.
 
“Một điều không ai ngờ là trong suốt quá trình hoạt động của Đan Thọ, hầu như chưa hề ai thấy mặt vợ ông tại vũ trường cũng như tại các đài phát thanh ông cộng tác. Hai vợ chồng nhạc sĩ Đan Thọ hiện đang hưởng những chuỗi ngày nhàn hạ, nương tựa nhau trong lúc xế chiều tại Houston với sự thường xuyên liên lạc hay gặp gỡ con cháu từ Tampa đến Houston.
 
“Khá nhiều bạn bè nghệ sĩ cùng thời với ông đã nhắm mắt xuôi tay. Riêng Đan Thọ còn đây trong những buổi chiều tím của cuộc đời. Chắc hẳn người nhạc sĩ lão thành đang mỉm cười mãn nguyện với những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, trong vai trò một nhạc sĩ sáng tác và nhất là một nhạc sĩ trình diễn bên cạnh cây vỹ cầm, giờ đây đã im tiếng. Còn chăng chỉ còn là vang vọng dư âm của những ngày xưa cũ…” (6)
 
Tôi vẫn nghĩ, nếu có những “im tiếng” hiểu theo nghĩa bặt tăm, như lẽ tự nhiên của một đời người thì, quanh đời sống ta, cũng có những “im tiếng” nghịch lý. Tôi muốn nói tới những trường hợp chính sự “im tiếng” về phương diện thực tế ấy, lại giúp cho những tiếng nói khác sáng lên. Đằm thắm hơn. Rực rỡ hơn. Ý nghĩa hơn. Và, vì thế, những tiếng nói khác đó, lại nhận được nhiều hơn, những biết ơn, từ phía đám đông: Những người đứng ở mặt bên kia của sự “im tiếng.”
 
Cụ thể, ta thấy sự “đi xa” của các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Trần Thiện Thanh, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Đức Quang v.v… khiến khi nghe lại sáng tác của họ, dường như ta thấy chúng hay hơn, cảm động hơn… Tâm lý này cũng đến với những người hôm nay, đọc lại thơ của những tên tuổi như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Mai Thảo…
 
“Trùng dây vỹ cầm” của chúng ta, khác hơn. Ông hiện còn và, có thể sẽ còn ở với những người yêu ca khúc của ông, nhiều chục năm nữa. Nhưng “Chiều Tím”, “Tình Quê Hương” là hai ca của ông, sẽ lấp lánh, ngọt ngào hơn, khi tiếng vỹ cầm của ông đã không còn vang dội đêm thâu…
 
Tôi nghĩ, nói tới thơ phổ nhạc là nói tới tính gắn bó giữa thi ca và âm nhạc, như một cặp song sinh có chung một định mệnh. Hầu như, các nhạc sĩ của chúng ta, chí ít cũng đôi lần tìm đến thi ca, như tìm đến người tình lý tưởng, trong định mệnh âm nhạc của đời họ.
 
Lại nữa, nếu có những bài thơ đã được một nhạc sĩ nào đó, soạn thành ca khúc thì, điều đó, không có nghĩa là sẽ không có một hay nhiều nhạc sĩ khác tìm đến, để thi triển võ công mình. Nhưng, vẫn theo tôi, lịch sử thơ phổ nhạc của chúng ta cũng cho thấy, có những bài thơ một khi đã trở thành ca khúc thì không còn một nhạc sĩ nào muốn tìm tới nữa. Nếu đó là một phối ngẫu tuyệt hảo giữa thơ và nhạc. Điển hình như không một nhạc sĩ nào còn muốn thi thố võ công của họ với “Ngậm Ngùi”! Khi lục bát Huy Cận đã bị Phạm Duy “chặn cửa”. Hoặc một “Chiều”, thơ 5 chữ của Hồ Dzếnh, “đã bị Dương Thiệu Tước, “chặn cửa”. Mộng Dưới Hoa” thơ 7 chữ của Đinh Hùng, đã bị Phạm Đình Chương… “Khóa sổ.”
 
Tại sao? Câu trả lời có dễ vì những kết hợp kia không chỉ đạt tới mức cao nhất của một hôn phối tuyệt hảo mà, mỗi nốt nhạc của những tài hoa vừa kể đã nhập được vào hồn riêng của từng con chữ thi ca.
 
Câu trả lời này, cũng giải mã phần nào sự ngừng chân, đứng lại của các nhạc sĩ khác trước “Tình Quê Hương” của Đan Thọ.
 
Đan Thọ phổ nhạc thơ, hoặc hợp tác với một thi sĩ để làm lời, vốn không nhiều. Nhưng nếu:
“Chiều tím chiều nhớ thương ai, người em tóc dài
Sầu trên phím đàn, tình vương không gian
Mây bay quan san, có hay?
 
“Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài
Màu xanh ước thề, dòng sông trôi đi
Lúc chia tay còn nhớ chăng?
 
“Ai nhớ... mắt xanh năm nào
Chiều thu soi bóng, nắng chưa phai màu
Kề hai mái đầu nhìn mây tím... nhớ nhau...
 
“Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn giùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao...” (7)
 
Cho thấy giai điệu đã choàng thêm nhiều vòng hoa lãng mạn cho gốc cây lãng mạn của ca từ (như thơ); đưa niềm thương nhớ tới những chân trời bát ngát hoa bay, cùng vầng trăng xa xôi và, dòng sông trôi đi, mang theo mọi hy vọng của lời thề nguyền lúc chia tay của đôi tình nhân… Thì ở ca khúc “Tình Quê Hương”:
 
“Anh về qua xóm nhỏ,
Em chờ dưới bóng dừa.
Nắng chiều lên mái tóc,
Tình quê hương đơn sơ.
 
“Quê em nghèo, cát trắng,
Tóc em lúa vừa xanh.
Anh là người lính chiến,
Áo bạc màu đấu tranh.
 
“Em mời anh dừng lại,
Đêm trăng ướt lá dừa,
Bên nồi khoai mới luộc,
ngát hương vườn ngâu thưa
Em hẹn em sẽ kể:
Tình quê hương đơn sơ
 
“Mẹ già như chiều nắng,
Nhớ con trai chưa về,
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tằm thưa
Ngõ buồn màu hoang loạn
Quê nghèo thêm xác xơ…” (8)
 
Lại hiến tặng cho người nghe một giai điệu thiết tha khác. Cái thiết tha thắm đậm tính chất đơn sơ của khung cảnh thôn dã. Cũng là “đêm trăng” cũng là “lời hẹn”, cũng là “hương thơm” một tình yêu… Nhưng đó là “Đêm trăng ướt lá dừa” và, “bên nồi khoai mới luộc”. Cũng là “Em hẹn em sẽ kể” - Nhưng đó là lời hẹn kể về một tình yêu hay “Tình quê hương đơn sơ” (?) Và, cũng là “ngát hương”, nhưng đó là hương của “vườn ngâu thưa” - Không phải là mùi hương trong hồi tưởng… “tìm trong tiếng đàn... mùi hương chưa phai” (ở Chiều tím).
 
Đó là hai khía cạnh đời sống tinh thần, vốn luôn hiện hữu trong tâm hồn dân tộc Việt. Nhưng sự khác biệt của hai ca khúc này, giống như trời và đất!.
 
Bằng vào tài hoa của mình, nhạc sĩ Đan Thọ đã thả những hạt giống “trời/ đất” kia sâu trong tâm hồn nhiều thế hệ.
 
Du Tử Lê
(Garden Grove, July 18-2013)
 
Chú thích:
 
(1) Trích lại từ Wikipedia.
 
(2) Dactrung.com
 
(3) Một trong những người nhận được sự hướng dẫn và cung cấp chim hoàng anh là nguyên luật sư Đỗ Xuân Hòa, thời họ Đỗ còn mở văn phòng chuyên về pháp lý ở khu phở Nguyễn Huệ, đường Bolsa, thuộc thành phố Westminster, nam Cali.
 
(4), (5), (6), (7), (8) Nđd.
 
Vương Trùng Dương
(Đặc San Lâm Viên)
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com