Khi một bản nhạc được người nghe yêu thích, ca sĩ hay nhạc sĩ là người được biết đến nhiều nhất; tuy nhiên ít ai để ý đến người soạn hòa âm; và đối với người soạn hòa âm những bài thánh nhạc hay biệt thánh ca tại Việt Nam thì lại càng ít có người biết đến hơn.
Nhạc sĩ Lưu Văn Hồng trong bài viết đăng trên Thư Viện Tin Lành vào tháng 12 năm 2012 cho biết bài Hương Nhạc Sao Mơ của ông chỉ được nhiều người biết đến sau khi được soạn hòa âm. Theo nhạc sĩ Lưu Văn Hồng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh đã chắp cánh để bản nhạc Hương Nhạc Sao Mơ được nổi tiếng trong các Hội thánh.
Hương Nhạc Sao Mơ là một trong rất nhiều thánh ca được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh soạn hòa âm.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh được sinh ra trong gia đình của một người hầu việc Chúa. Ông không học qua một trường lớp nhạc chính quy nào trước khi bắt đầu sáng tác những bản nhạc đầu tiên. Lúc nhỏ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh học xướng âm từ thân phụ, là Mục Sư Nguyễn Văn Vạn. Mục Sư Nguyễn Văn Vạn là thành viên chính của Ủy Ban Biên Soạn Thánh Ca. Ông là người viết lời Việt cho rất nhiều bài thánh ca trong cuốn Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam xuất bản vào năm 1950.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh kể rằng thân phụ của ông có thể xướng âm chính xác những nốt nhạc nghe từ radio mà không cần dùng bất cứ nhạc khí nào. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh cũng tự rèn luyện được khả năng này. Lúc nhỏ, thiếu niên Nguyễn Văn Thanh học đàn Phong cầm (Harmonium) với thân mẫu rồi sau đó tự học thêm Piano.
Vào những năm giữa thập niên 60, thanh niên Nguyễn Văn Thanh tham gia lớp đánh nhịp với một nhạc sĩ Mỹ tại nhà ông bà Giáo sĩ Paul Contento. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh kể lại rằng bất cứ ai có một chút năng khiếu âm nhạc đều được Giáo sĩ Contento “bốc” vô học lớp đánh nhịp. Sau đó Nguyễn Văn Thanh lo tập hát cho Ban Hát Học Sinh Sinh Viên Tin Lành Sài Gòn và Ban Hát Hội Thành Tin Lành Bàn Cờ. Thời bấy giờ đàn Piano rất là hiếm thấy tại các Nhà Thờ Tin Lành ở Sài Gòn. Ông bà Paul Contento đã mua một đàn Piano cho phòng nhóm Sinh Viên Học Sinh tại nhà ông bà, và mua hộ một đàn Piano khác cho Hội Thánh Tin Lành Bàn Cờ. Đây là hai nơi cậu trẻ Nguyễn Văn Thanh có cơ hội học và thực tập đàn Piano. Ông bà Giáo sĩ Contento cũng đã vận động học bổng học nhạc tại ngoại quốc cho sinh viên Nguyễn Văn Thanh.
Được cấp học bổng nhưng sinh viên Nguyễn Văn Thanh không thể theo học âm nhạc vì có lệnh Tổng Động Viên. Như đa số thanh niên Việt Nam vào lúc đó, Nguyễn Văn Thanh đã nhập ngũ phục vụ trong quân đội.
Ông tham gia binh chủng Không Quân. Trong thời gian này, ông cộng tác với ông Nguyễn Hữu Ái – người phụ trách Chương Trình Phát Thanh Tin Lành – thành lập Ca Đoàn Truyền Thanh Truyền Hình vào năm 1967.
Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của đại chúng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh bắt đầu soạn hòa âm lại những bài thánh ca để trình bày trong các chương trình truyền hình hằng tháng. Ông tự học hòa âm dựa trên những kiến thức thu thập qua sách vở – bắt đầu từ cuốn hòa âm của nhạc sĩ Hoàng Trọng, một số sách mượn từ nhạc sĩ Vĩnh Phúc, và sách nhạc lý ngoại quốc. Sau đó, với sự hỗ trợ của Giáo sĩ Rexilius, Nhà Sách Tin Lành Sài gòn, Nguyễn Văn Thanh đã nhờ đặt mua những bản thánh nhạc được hòa âm bởi các nhạc sĩ Hoa Kỳ. Với những tài liệu này, ông đã học và viết hoà âm cho hầu hết các bài hát trong các Chương Trình Truyền Thanh Truyền Hình Tin Lành hằng tháng trên Đài Truyền Hình Sài Gòn cho đến năm 1975. Bên cạnh việc soạn hòa âm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh cũng sáng tác một số thánh ca nhưng những bài hát này không được giới thiệu rộng rãi; và do đó nhiều người chỉ biết ông là một nhạc sĩ soạn hòa âm tài năng.
Bản thánh ca đầu tiên được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh soạn hòa âm là bài Nguyện Đời Tôi Dâng Chúa Thủy Chung (Thánh Ca số 236). Tác phẩm trong nguyên tác được viết ở cung Sol thứ (Gm) với giai điệu chậm, đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh chuyển sang cung trưởng với giai điệu tươi sáng hơn. Bài thánh ca với giai điệu cải biên và hòa âm mang sắc thái mới, đã được trình bày lần đầu tiên trên Chương Trình Truyền Thanh Truyền Hình Tin Lành tại Sài Gòn.
Được sự khích lệ của các bậc nhạc sĩ đàn anh và các ca viên, Nguyễn Văn Thanh tiếp tục soạn hòa âm nhiều thánh ca khác. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ái, người phụ trách Chương Trình Truyền Thanh Truyền Hình Tin Lành, đã gợi ý nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh nên soạn hòa âm những bài thánh ca do các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác như Vũ Đức Nghiêm, Trần Lưu Hoàng, Nguyễn Châu Ân. Do đó, khi hàng xóm của ông là nhạc sĩ Lưu Văn Hồng cho xem bài Hương Nhạc Sao Mơ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh đã viết trong vài đêm và hoàn tất việc soạn hòa âm cho bài hát này. Nhiều người nhận xét rằng giai điệu những thánh ca được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh soạn hòa âm trở nên du dương hơn và nghe tròn đầy hơn khi được trình bày hợp ca hay tốp ca.
Sau năm 1975, như đa số các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh phải học tập cải tạo. Sáu năm trong trại tù cải tạo, một số bài Thánh Ca được gởi chui vào trại, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh đã phối âm cho các Hội Thánh. Khi được ra tù, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh sinh hoạt và tập hát cho ban hát của Hội Thánh An Đông tại Sài Gòn. Ông bị công an thành phố mời lên làm việc nhiều lần vì “sáng tác nhạc không có giấy phép.” Nhiều lần công an ập vào nhà, xem ông viết gì, nhưng chỉ thấy toàn là những nốt nhạc viết trên giấy, nên họ ra về.
Sau đó cơ sở Hội Thánh An Đông bị tịch thu, Mục sư Nguyễn Hữu Cương bị bắt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh về sinh hoạt với Hội Thánh Sài Gòn. Ông tiếp tục soạn hòa âm với nhiều bút danh khác nhau để tránh công an làm khó dễ. Những bản thánh ca do ông hòa âm được ban hát Hội Thánh Thị Nghè do nhạc trưởng Đinh Duy Linh hướng dẫn tôn vinh Chúa.
Trong số những bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh soạn hòa âm, hai bài mà ông có nhiều kỷ niệm nhất là Liên Khúc Thánh Vịnh và bài Ha-lê-lu-gia do nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sáng tác trong những năm bị giam cầm. Liên khúc này được nhiều người biết đến với tên Trường Ca Thi Thiên 90.
Nhạc trưởng Đinh Duy Linh lúc đó thành lập Ban Hát Ha-lê-lu-gia gồm các ca viên của các Hội Thánh Thị Nghè, Nguyễn Tri Phương, Gia Định và Trương Minh Giảng. Một hôm, Truyền Đạo Phan Minh Nghĩa và nhạc trưởng Đinh Duy Linh nhờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh soạn hòa âm cho Trường Ca Thi Thiên 90 và Liên Khúc Thánh Vịnh để trình bày trong chương trình thánh nhạc truyền giảng gồm toàn ca khúc của Vũ Đức Nghiêm một tháng sau đó. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh hơi ngần ngại vì thời gian gấp rút nhưng nhạc trưởng Đinh Duy Linh đã thuyết phục được ông. Thầy Phan Minh Nghĩa và nhạc trưởng Đinh Duy Linh hứa sẽ cùng ban hát cầu nguyện và cử người đến nhà ông để lấy các bản thảo mà ông viết mỗi ngày.
Trong thời gian này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh đã soạn hòa âm bằng cách mường tượng các cung nhạc trong đầu vì lúc đó ông không có một nhạc cụ nào cả. Ông viết được tờ nào thì mỗi ngày có người đến lấy về để chia nhau chép tay và phát cho các ca viên để tập ngay trong tuần. Vì vậy, ông viết tờ sau mà không thể coi lại tờ trước mình đã viết gì. Lần tổng dượt cuối của Ca Đoàn Hội Thánh Thị Nghè cũng là lần đầu tiên ông được nghe những gì mình đã viết trong ba tuần qua.
Ban hát Ha-lê-lu-gia đã trình bày thành công Trường Ca Thi Thiên 90 trong một buổi truyền giảng có sự tham dự của một số nhạc sĩ viết nhạc đời, nhạc Công giáo và Tin Lành. Các nhạc sĩ đều công nhận là bài nhạc được hòa âm rất tốt, không cần phải chỉnh sửa gì cả. Nhạc sĩ Hoàng Trọng nói với Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm “Anh chỉ cần một bài Thi Thiên 90 này là đủ rồi.” Từ đó đến nay, nhiều ca đoàn đã tôn vinh Chúa bài hát này trong nhiều chương trình khác nhau.
Ngoài việc cộng tác với các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ái, Vũ Đức Nghiêm, Vĩnh Phúc, Trần Lưu Hoàng, sau năm 1981 nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh cũng đã quen biết nhạc sĩ Trần Thượng Trí. Ông có dịp gần gũi tâm tình và tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác của từng bài hát trong tổng số 26 bài hát ca ngợi Chúa theo thể loại dân ca của nhạc sĩ Trần Thượng Trí. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh cũng đã phối âm một số ca khúc của nhạc sĩ Trần Thượng Trí, trong đó có một bài ông có một kỷ niệm đặc biệt với tác giả.
Bài “Ngươi Yêu Ta Chăng” là một đoản khúc chỉ có 20 trường canh. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh lần đầu được nghe đến bài hát này khi nhạc sĩ Trần Thượng Trí đến thăm và hát cho Hội Thánh Tin Lành An Đông. Nhiều người đã khóc khi nghe bài hát này. Trong lễ Thương Khó năm đó tại An Đông, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh đã phối âm cho tốp ca nam, tốp ca nữ, và tốp ca nam nữ bài hát này. Tác giả đến dự, ông nói ông đã khóc khi được nghe bài hát này do các ban hát trình bày. Ông vốn nghĩ bài hát của mình viết theo lối dân ca sẽ không được Hội Thánh chấp nhận.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh đã gợi ý tác giả khai triển bài hát ra cho đủ tầm cỡ dùng cho ban hợp xướng. Nhạc sĩ Trần Thượng Trí trả lời khi ông đọc Phúc âm Giăng 21:15-17, ông cảm nhận Chúa đang hỏi chính ông, ông đã khóc nhiều, và viết ngay bài hát này trong đêm. Ông nói không thể viết gì thêm nhưng ông cho phép nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh cải soạn.
Sau khi bài hát được cải soạn, Nguyễn Văn Thanh đem đến cho nhạc sĩ Trần Thượng Trí xem và xin ông viết thêm lời vào câu nhạc được khai triển. Nhạc sĩ Trần Thượng Trí nhận lời viết thêm lời, nhưng cười nhận xét “Thầy đã tây hóa bài hát của tôi rồi, nhưng không sao, chỉ cần danh Chúa được vinh hiển.”
Một tháng trước khi về với Chúa, nhạc sĩ Trần Thượng Trí, từ ngoài Bắc, gởi một lá thư cầm tay về cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh ở Sài Gòn với những lời tâm sự vui buồn. Ông vui vì vợ và các con đã tiếp nhận Chúa, buồn vì xa cách Hội Thánh và bạn bè thân quen.
Một thời gian sau, như các Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa đã học tập cải tạo trên ba năm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh đến định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO và sinh hoạt tại Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Anaheim, California. Do hoàn cảnh mưu sinh của gia đình, ông không còn sáng tác và biên soạn nhiều như trước. Ngoài việc soạn hòa âm cho một số thánh ca mới, để giúp cho ban hát nhỏ của Hội Thánh địa phương, ông đã đơn giản hóa những bản hòa âm mà ông đã soạn trước đó. Bên cạnh việc giúp Hội Thánh địa phương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh là thành viên của Ủy Ban Biên Soạn Thánh Ca Mới của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Việt Nam.
Trong thời gian sống tại Hoa Kỳ, có vài nhạc sĩ mời nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh cộng tác để làm các chương trình nhạc đời nhưng ông từ chối. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh đã học thêm vài lớp nhạc tại Đại Học Cộng Đồng. Nhận biết khả năng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh, các giáo sư đề nghị ông nên tiếp tục học cao hơn; có giáo sư hứa sẽ giúp học bổng; nhưng vì sinh kế gia đình phải lo cho vợ lúc bấy giờ đang đi học và hai con còn nhỏ; một lần nữa ông lại bỏ qua cơ hội học nhạc cách chính quy.
Từ ngày định cư ở Mỹ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh trung tín trong việc hướng dẫn ban hát Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Anaheim, California. Dù ban hát có nhân lực dồi dào, hay những lúc thiếu những giọng ca vững vàng, ông đều trung tín tập luyện với các ca viên để có những chương trình thánh nhạc tốt đẹp dâng lên Chúa. Là người có tài năng nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh rất khiêm tốn. Ông luôn lắng nghe và thử nghiệm những đề nghị của người khác. Ông kết hợp hài hòa những tài năng âm nhạc trong hội thánh để dàn dựng những chương trình thánh nhạc với một mục đích duy nhất là tôn vinh Chúa.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thanh cũng dự phần vào việc sưu tầm và cung cấp nhạc liệu cho việc chuẩn bị và phát hành những cuốn Thánh Ca của các hệ phái Tin Lành Việt Nam. Theo lời ông nói, tất cả là do Chúa ban cho, khi Chúa dùng đến, Chúa sẽ cho cảm hứng và ý nhạc và khả năng để viết. Ông tự nhận thấy chẳng có khả năng riêng tư gì đặc biệt cả, mọi sự là do Chúa ban cho thôi. Như Phao-lô đã nói trong Phi-líp 4:13 “Tôi đủ sức làm được mọi việc nhờ Đấng ban thêm năng lực cho tôi.” Cảm tạ Chúa!
Thủy Như
Ngày 25/1/2014
Anaheim, California
Anaheim, California