Bốn chữ “Hương Đồng Gió Nội“ làm cho ta mường tượng đến những mùi hương phảng phất xa xôi trong gió chiều, trên những cánh đồng làng quê Việt Nam. Những mùi hương như dâng lên từ đất rồi lan tỏa, thấm vào không khí. Đó là mùi hương lúa dịu êm từ lúc đang trổ đòng, đến khi ngậm sữa rồi chín. Đó là mùi rơm mới gặt, mùi cỏ khô, mùi khói đốt đồng, mùi bùn đất thoang thoảng, mùi hương sen nhẹ nhàng, mùi hương cau ngan ngát… Những “hương gây mùi nhớ“ này cũng có thể thơm hay không thơm tùy ý mỗi người, nhưng đó là những mùi khiến ta bâng khuâng tấc dạ, vương vấn nao lòng. Hương đồng gió nội cũng là tựa đề một ca khúc của nhạc sỹ Song Ngọc, phổ nhạc từ bài thơ Chân Quê được sáng tác năm 1936 của thi sỹ Nguyễn Bính - Một nhà thơ được mệnh danh là: Nhà thơ của chân quê, hồn quê và tình quê. Bài thơ này gồm bốn đoạn lục bát như sau:
Ta thử tìm hiểu về bộ y phục cổ truyền của phụ nữ thôn quê miền Bắc Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và các vấn đề liên quan đến y phục như việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa qua từng đoạn của bài thơ này.
Trước hết là 2 câu đầu của đoạn thứ nhất:
Thôn Thiện Vịnh / quê nội và thôn Vân Tập / quê ngoại của Nguyễn Bính đều thuộc xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định – Là những làng đồng chiêm trũng của vùng Phú Xuyên, Bình Lục, Ý Yên, Vụ Bản: trung tâm của đồng bằng sông Hồng, nơi mà quanh năm nước đồng lai láng, đâu đâu cũng có những con đê ngăn nước lũ uốn mình theo dòng sông của từng thôn xóm. Ở trong lòng Nguyễn Bính, quê hương là ngây ngất nhớ thương, là day dứt khôn nguôi: những con đê đến mùa nước lên chỉ còn là một sợi chỉ mỏng manh dưới làn nước trắng trời, trắng đất, nhưng cũng có lúc con đường thấp để thấy con đê cao xanh ngăn ngắt mà nơi đó người ta phơi đầy rạ mùa, để trẻ con thả diều, cũng chính là nơi gặp gỡ, nơi hẹn hò, nơi đợi chờ nhau của biết bao nhiêu đôi lứa, những thanh niên thiếu nữ đang thương, đang nhớ trong làng. Thi sỹ Nguyễn Bính đã nói giùm bao người về bờ đê, đường đê còn in dấu bao kỷ niệm thiết tha!
Hai câu thơ sau của đoạn thứ nhất:
Hai câu sau của đoạn thứ nhất cho thấy chàng trai trong bài thơ đã tỏ ý không vui, không bằng lòng, đã than thở rằng: “Em làm khổ tôi!“ khi người con gái ra tỉnh trở về với bộ quần áo kiểu mới, kiểu thành thị.
Bốn câu của đoạn thơ thứ nhì:
Bốn câu tiếp theo của đoạn thứ nhì cho thấy chàng trai “vặn vẹo” về bộ quần áo mà trước giờ cô thôn nữ từng mặc, đã làm anh chàng để ý mà thương. Qua sáu câu thơ trên, thi sỹ Nguyễn Bính đã mô tả về hai bộ y phục phụ nữ miền Bắc đồng thời với hình thức, kiểu cách và hàng vải có khác nhau. Chúng ta sẽ lần lượt tìm biết về hai bộ y phục này: một mặt là kiểu cổ truyền thôn quê và mặt khác là kiểu tỉnh thành.
1. Bộ y phục kiểu cổ truyền thôn quê
Học giả Phan Kế Bính đã mô tả y phục phụ nữ miền Bắc những năm đầu thế kỷ 20 rằng:
“Đàn bà vấn khăn thâm, hoặc lượt hoặc nhiễu, hay vải nâu. Giời rét thì bịt thêm cái khăn vuông bằng vải nâu hoặc bằng xuyên thâm. Yếm cổ xây hay viền, dùng màu trắng nhiều hơn cả. Áo cũng dùng màu thâm, hoặc màu nâu, duy người ăn chơi hoặc con hát mới mặc các màu xanh đỏ. Quần phần nhiều mặc vải sồi, lĩnh thâm, đôi khi cũng có người mặc nhiễu đỏ"
Trước tiên ta thấy Nguyễn Bính nêu lên cái yếm, rồi đến cái dây lưng, cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ, cái quần đen. Đủ lệ bộ phải kể thêm nón quai thao (đi với tóc đuôi gà) như hình ảnh cô gái trong bài Chùa Hương của thi sỹ Nguyễn Nhược Pháp:
Ta sẽ lần lượt đi vào từng phần đã tạo nên sự hoàn chỉnh của bộ y phục phụ nữ Việt Nam vùng châu thổ miền Bắc ngày trước, được xã hội “quy định và công nhận“ gồm: Khăn, nón, yếm, áo dài, thắt lưng, quần, guốc dép…
* Khăn mỏ quạ:
Người đàn bà Việt Nam để tóc dài, cho nên khi làm việc phải vấn (quấn) tóc lại cho gọn gàng. Trước tiên, họ quấn tóc trong một cái khăn vấn tóc, là một miếng vải đen cuộn thành ống quấn trọn mái tóc (khăn vấn tóc có thể bằng nhiễu hay nhung, nhưng nhung thì dễ tuột hơn nhiễu).
Đuôi tóc dài mà quấn được vào khăn vấn vài vòng thì rất chắc, rồi để chừa ra chừng một gang tay là tóc đuôi gà. Tóc đuôi gà vắt vẻo trên đầu, lại đong đưa theo bước đi của người con gái (Nếu tóc không đủ dài thì phải nối bằng một cái độn tóc)
Phủ bên ngoài khăn vấn tóc là khăn mỏ quạ vào mùa lạnh, hay khăn đồng tiền vào mùa nóng (khăn này hai đầu cũng buộc ra sau gáy, mà người ta gọi là bỏ giọt như khăn mỏ quạ, nhưng chít lại thành khăn vấn ngang).
Khăn mỏ quạ phải chít sao cho vừa và hợp với khuôn mặt: Nếu chít cái mỏ quạ cao quá thì trông có vẻ điêu ngoa, còn để cái mỏ quạ thấp quá làm khuôn mặt tối tăm. Chít khăn mỏ quạ sao cho khum khum, ôm lấy khuôn mặt người con gái, làm cho khuôn mặt trắng hồng nổi lên trên nền đen của khuôn khăn, giống như một búp sen hồng:
Muốn chít khăn mỏ quạ cho đẹp phải vòng khăn vấn tóc tròn lại và đặt ngay ngắn trên đầu, hơi xệ và làm thành hình bầu dục về phía gáy, rồi ghim lại. Khăn vuông, chừng bốn tấc, đem gấp chéo thành hình tam giác cho cân đối, đặt lên vòng khăn tóc đã vấn, bẻ hình mỏ quạ chính giữa đường rẽ ngôi của tóc, bắt hai góc khăn về phía hai tai, rồi thắt múi lại. Đội khăn mỏ quạ là một trong những cách làm đẹp rất quan trọng của phụ nữ Việt Nam một thời.
Ngày lễ cưới, họa hoằn lắm mới có cô dâu quấn khăn vành dây: quấn nhiều vòng thật đều bằng khăn nhiễu điều (đỏ).
* Nón quai thao:
Nón thì đội trên khăn – Nón quai thao là một loại nón mắc tiền, đẹp và sang trọng. Thường các bà, các cô chỉ đội hay mang theo nón này trong những dịp lễ tết, đình đám. Bởi đây chính là loại nón hội hè. Những chiếc nón đã mãi mãi đi vào lòng người qua những câu ca dao:
Nón quai thao gồm hai phần: nón và quai thao.
- Nón ở đây là loại nón không có chóp, vành tròn và phẳng như một cái mâm, kích thước khá lớn, đường kính mặt nón chừng 70- 80 cm, vành nón cao độ 10- 12 cm. Nón này được gọi là nón dẹt, nón thúng, nón chủng, nón Nghệ. Đời nhà Trần, triều đình cho cải tiến nón này để các cung nữ đội và gọi là nón thượng – “Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng“.
Thứ nón này chia làm ba loại: nón Đấu là loại nhỏ nhất, sườn thành thấp nhất; Nón Nhỡ, còn gọi là nón Ngang, lớn hơn nón Đấu, giản dị hơn nón Mười và nón Mười, còn gọi là nón ba tầm, có vành rộng, sườn nón cao hơn hết.
Nón thường được làm ở làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Mặt phẳng trên nón làm bằng lá gồi hay lá cọ. Phải lựa lá cọ mỏng, sống nhỏ, không già, không non để có màu vàng sáng, vì lá già màu vàng đậm (chỉ dùng làm nón chóp che nắng, che mưa để làm việc), còn lá non thì có màu trắng vàng (giống như màu nón bài thơ xứ Huế). Giữa nón gắn một vành tròn như nắp tráp, vừa để đội đầu, cao khoảng 8 cm, đan bằng giang, gọi là khua. Nón nặng nên khua phải cứng.
Khuôn nón gồm những sợi tre nhỏ chuốt bóng, được may kỹ lại với nhau bằng chỉ móc trắng và săn như dây cước. Mặt trong nón còn được trang trí bằng giấy vàng hay bạc, ghép thành những hình hoa lá, hình chim bướm đẹp mắt gọi là hoa nón. Ở những chiếc nón đặc biệt, lòng nón trên đỉnh còn được đính gương soi, và dùng chỉ màu giăng mắc, đan qua đan lại
- Quai để giữ nón này là một loại quai đặc biệt, gọi là quai thao. Làng Triều Khúc, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, tên nôm na là làng Đơ Thao, nằm trên con đường Hà Nội - Hà Đông, cách trung tâm thành phố chừng 8 km, chuyên sản xuất loại quai này, nên quai gắn liền với tên làng thành quai thao.
Người làng Triều Khúc phải đi thu mua các loại mốt cục ở các làng canh cửi, về gỡ rối từng mối, xếp thành loại để dệt quai thao. Mốt cục là những sợi tơ rối, có sần, có cục bị thải ra; Còn mốt son là những sợi tơ tốt, thường có màu son hồng dễ dệt làm biên (hai tấm rìa) lụa, lĩnh...
Sợi thao gồm nhiều sợi tơ, ngoài bọc tơ dệt liên tục, giống như bấc (tim) đèn. Sợi thao sau khi dệt xong, được tết nút, nhiều đoạn được thắt lại thành những trang trí nghệ thuật vừa đẹp mắt, vừa làm cho dây thêm chắc.
Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao, dài từ 1.5 - 2 m, bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực, nón sẽ không bị đong đưa, lại tiện điều chỉnh khi đội thẳng hay lúc cần nghiêng nghiêng che nắng.
Có hai trái cù (quả găng), to bằng ngón tay cái, được đan thắt công phu ở hai đầu quai thao. Quai rũ xuống bờ vai thành tua dài từ 20 - 25 cm và có chừng chục túm tua nho nhỏ, tạo sự mềm mại, vui mắt. Khi đội nón này, nếu đi nhanh quá, quai thao sẽ quất vào mặt, cho nên các bà các cô phải từ từ, chậm bước tạo nên vẻ chậm rãi, dịu dàng.
Thông thường các cô gái thích dùng quai thao màu gốc của tơ tằm là màu trắng, còn màu đậm như màu đen giành cho các bà đã có gia đình:
Đặc biệt phụ nữ ở phố phường còn dùng thêm chiên, thẻ cho vào nón quai thao.
Chiên là một miếng bạc vuông, trong đó có vòng tròn, chạm hai con rồng chầu mặt trăng, đặt vào đáy khua nón.
Thẻ cũng bằng bạc, to bằng con bài tam cúc, chạm hoa lá ở giữa, có vòng để buộc quai thao nên người ta dùng hai thẻ cắm vào bên trong nón.
* Yếm:
Trong y phục của phụ nữ Việt Nam ngày xưa, yếm mặc không bó chặt, là một loại đồ lót để che ngực, mang tính chất thuần túy dân tộc, thường do người dùng tự cắt may lấy. Khi ở nhà, nữ giới mặc yếm hở lưng, hở hai cánh tay và đôi vai do khí hậu nóng bức:
Cái yếm xuất hiện từ lâu trong đời sống người dân, nhưng tới đời nhà Lý, cái yếm mới có kiểu cách căn bản không thay đổi cho đến thế kỷ 19.
Yếm là một vuông vải nhỏ, vắt chéo, vừa vặn che ngực; Góc trên khoét lỗ để làm cổ, hai đầu đính hai sợi dây nhỏ để cột ra sau gáy; Ở phần trên của hai cạnh yếm may hai đoạn vải dài để quấn ra đằng sau, đó là dải yếm, rồi thắt lại ở đằng trước cho chắc ngực và ôm gọn lưng mà không cứng đờ, thắt rồi bỏ lững ở trước mặt gọi là “thắt lưng con én“.
Nếu cổ tròn gọi là yếm cổ viền, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xẻ, cổ có đít chữ V mà xẻ sâu xuống gọi là yếm cổ cánh nhạn. Các cô gái trẻ thích mặc yếm cổ xây: Là một vòng vải may thật tròn vào cổ cái yếm, ủi cứng. Một loại yếm cũng hay được các cô sử dụng là “yếm đeo bùa“ - “Năm thương cổ yếm đeo bùa” - Người mặc thường để xạ hương vào trong một túi vải nhỏ đeo cạnh yếm, đó là một thứ “vũ khí lợi hại“ của phái yếu ngày trước:
Thuở xưa, khi hẹn hò với người yêu, các cô gái thường cất một miếng trầu trong cái yếm của mình, rồi mang ra mời, gọi là “khẩu trầu dải yếm“. Có lẽ không loại trầu nào có thể sánh bằng:
Màu sắc của yếm còn được lựa chọn tùy theo trường hợp: Đi làm việc, đi chợ, ra ruộng cấy gặt thì mặc yếm màu nâu non. Ngày thường ở nhà, mặc yếm trắng:
(Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày xưa bao gồm một cái hồ lớn gọi là Thái Hồ hay Văn Hồ. Phía Đông Văn Hồ có Nho sinh quán – quán anh đồ - do Phủ Hào, một người yêu thơ lập ra cho học trò các tỉnh về thi cử có chỗ trú ngụ)
Ngày làng vào đám, ngày Tết, ngày cưới thì mặc yếm điều: yếm đỏ, còn gọi là yếm hồng, yếm đào, yếm thắm... Màu đỏ là màu sắc chính trong lễ hội cổ truyền người Việt, tượng trưng cho sự sống, sự may mắn, sự tốt lành và hạnh phúc. Do đó hình ảnh cái yếm đỏ này được thấy thật nhiều trong thi ca Việt Nam, chẳng những ở ca dao bình dân như: ”Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi không?” hay “Hỡi cô yếm thắm bao xanh“, mà còn đi vào tâm hồn của các thi sỹ một thời:
Yếm thắm này được may bằng hàng vải chuội trắng, nhuộm với các sắc độ khác nhau của màu đỏ: hoa đào, dâm bụt, cánh sen, xác pháo, mận chín, đỏ đậm, đỏ tươi, đỏ cam... Còn loại hàng vải để may yếm thì tùy theo điều kiện gia đình, tuổi tác à
Cái yếm là một thứ trang phục vừa kín đáo, vừa ỡm ờ độc đáo của phụ nữ Việt, là một biểu tượng của nữ tính, trở thành ngôn ngữ trao đổi tình yêu như bài huyền sử Hội yếm bay của thi sỹ Hoàng Cầm:
* Bao:
Bao có hai loại: bao ngoài và bao trong.
- Bao ngoài: Ruột tượng, may bằng sồi se, màu đen, có tua bện hai đầu bao, khổ rộng. Có thể đựng tiền trong bao rồi thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy các thân áo trước, rồi thắt múi to để che trước bụng.
- Bao trong: Thắt lưng, là một loại bao nhỏ, bằng chừng 1/3 bao ngoài, dùng để thắt chặt cạp váy vào eo. Thắt lưng cùng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao ngoài, múi dải yếm tạo thành những múi hoa nhiều màu sắc.
Thắt (buộc) múi bao cũng là một nghệ thuật làm đẹp, góp phần làm nổi rõ cái lưng ong nhỏ nhắn của các cô gái thời đó. Để làm duyên cho mình, phụ nữ dùng những thắt lưng nhiều màu sắc, chít ở eo, để chúng bay phất phơ trong gió, gồm những màu tươi sáng, được nhuộm lúc gần Tết, sang xuân để mặc đi lễ, hội như màu hoa lựu, màu hoa đào, màu cánh sen, màu hoa hiên (vàng tươi), màu hồ thủy (xanh nhạt), màu thiên thanh, màu xanh cốm, màu xanh lá mạ, màu nõn (đọt) chuối...
(Chữ kẻ ở đây có nghĩa là một tập hợp, một cụm dân cư sống trong một địa bàn cụ thể ở vùng đồng bằng Bắc bộ, danh từ này được dùng trước thời Bắc thuộc. Từ thời Hùng Vương: Kẻ, chạ, chiềng là làng, xã, thôn ở vùng châu thổ, còn bản, mường ở vùng cao).
Những người nhà giàu miền quê, những nhà buôn thành thị còn đeo vào thắt lưng một bộ xà tích bằng bạc (một bộ dây nhỏ có nhiều vòng móc), chạm trổ tinh vi với ống vôi, quả đào đựng trầu thuốc, chìa vôi. Lúc bước đi, bộ xà tích kêu xủng xoẻng, nghe vui tai.
* Quần / Váy:
“Cái quần nái đen“ - Cô thôn nữ trong bài thơ Chân Quê này đã mặc quần, không còn mặc váy nữa!!! Từ thời Hùng Vương, phụ nữ Việt Nam đã mặc váy. Sau bao lần đô hộ, người Trung Hoa muốn đồng hóa dân ta, đã bắt phụ nữ Việt Nam mặc quần như người của họ. Vào năm 1655, vua Lê Huyền Tôn ra chiếu chỉ cấm mặc quần, bắt buộc phụ nữ mặc váy để bảo tồn quốc phục. Đến năm 1744, chúa Nguyễn Võ Vương ở Đàng Trong đã ra lệnh cho dân chúng mặc quần áo theo lối Tàu để đối lập với Đàng Ngoài: Cái quần phổ biến ở miền Nam sớm hơn miền Bắc. Rồi năm 1828, vua Minh Mạng đã đi xa thêm: Bắt đàn bà mặc quần, cấm triệt để mặc váy, gây ra phản ứng mạnh mẽ ở miền Bắc.
Dù luật lệ là vậy, nhưng “phép vua thua lệ làng“, các phụ nữ thôn quê miền Bắc vẫn giữ lấy cái váy. Có câu ca dao:
Từ lúc bị người Pháp cai trị, phụ nữ thành thị đã dần dần mặc quần hai ống màu trắng, trong khi phụ nữ thôn quê miền Bắc phải mất rất nhiều năm mới bỏ được những cái váy cạp điều, váy cửa võng, váy đùm, váy kép... để thay bằng những cái quần màu đen hay nâu đậm.
- Váy kép: Váy may hai lớp, bên ngoài là vải mỏng và nhẹ, lớp trong thì vải thô, dày.
- Váy đùm: Váy buộc túm lưng lại để cho tiện việc đồng áng.
- Váy cạp điều: Lưng váy may bằng hàng vải màu đỏ.
- Váy cửa võng: Phía trước váy chùng xuống những mép gấp cong cong như cửa võng. Người mặc váy khéo không để hụt phía trước, không để váy quay tròn lấy người, mà phải thu xếp sao cho phía trước rũ xuống gần tới gót bàn chân, còn phía sau hơi hếch lên, chạm mu bàn chân.
(Cửa võng là tên gọi chung của những trang trí nằm ở phía trước khu vực thờ chánh của đình làng. Mỗi thời kỳ, mỗi địa phương có những phong cách trang trí cửa võng riêng: Từ những chạm, khắc đơn giản trên các gác lửng để thờ (sạp thờ), qua những trang trí hết sức lộng lẫy, cầu kỳ cho đến cuối cùng là hình thức y môn, cửa võng là một lớp riêng tách ra khỏi gác lửng. Tiêu biểu nhất là trang trí cửa võng làng Đình Bảng – Bắc Ninh, nên thi sỹ Hoàng Cầm trong bài thơ Lá Diêu Bông đã mở đầu bằng: ”Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng“.)
Trong khi nam giới thì mặc quần ống sớ với áo dài (quần may bằng vải cứng như chúc bâu, cát bá... giống như cái ống bằng giấy đựng sớ khi cúng) và quần lá tọa khi đi làm ruộng (quần ống rộng và thẳng, đáy sâu, lưng quần to bản. Nhờ có đáy sâu, có thể làm cho ống quần lên cao bằng cách kéo lưng quần lên cao. Phần lưng quần dư phía trên rũ xuống, lòa xòa ra ngoài thắt lưng, gọi là lá tọa), thì không thấy nói nhiều về kiểu quần mà phụ nữ mặc với áo dài đầu thế kỷ 20 này.
Trong hai bài viết: ”Áo Dài Việt Nam“ của Trần Thị Lai Hồng và “Phụ Nữ Hà Nội“ của Băng Sơn, ta thấy cả hai tác giả có đề cập đến một loại quần gọi là quần chân què như sau:
”Chiếc quần cũng thay đổi từ kiểu chân què qua đáy giữa, lưng từ to bản luồn dải rút đổi sang lưng nhỏ luồn dây thun, rồi đổi qua gài nút, và sau cùng là khóa kéo kiểu Tây phương...“
“Quần áo là cái lồ lộ ra trước mắt mọi người trước tiên. Các thứ váy cửa võng, quần chân què phải mất đi là đáng. Cái thắt lưng mớ ba mớ bảy một thời kín đáo, gió bay cái này còn có cái khác che kín phía dưới bụng. Mất đi là đương nhiên“
Quần chân què là quần dài, ống rộng, trông cũng như quần bà ba ngày nay. Vì khổ vải ngày xưa không đủ để gấp đôi lại thành ống quần, nên người ta phải xếp miếng vải xéo để cắt, do đó ống quần không được liền một mảnh, mà phải ráp thêm một miếng vải rẻo từ khúc vải khác vào. Có lẽ vì phải nối ống quần như vậy nên có cái tên là "quần chân què". Đũng (đáy) quần thì cũng phải ghép một miếng vải hình thoi ở giữa.
* Guốc / Dép:
Khi có hội hè, đình đám, phụ nữ thôn quê thường đi guốc tự đẽo làm bằng gộc (gốc) tre. Phía trước đẽo mũi cong lên như đòn gánh để bảo vệ ngón chân, có xỏ dây để lồng ngón chân giữa và có quai buộc bằng mây ở giữa để giữ bàn chân. Guốc này có lẽ đi cả chục năm mới mòn hết, hễ cứ đi một bước là kêu lộp cộp, được gọi là guốc Nghệ (Nghệ An). Ngoài ra, còn có guốc kinh, xuất xứ ở Huế, dáng vẻ rất kinh đô: Làm bằng gỗ lồng mực sơn trắng, mũi vóc hồng, quai nhung thêu kim tuyến, dành riêng cho con nhà giàu sang, quyền quý ít đi lại, vì chỉ cần vài bước là guốc bong mũi.
Dân thành thị hay người buôn bán thì mang dép làm bằng da, dừa, cói... Có hai loại dép: dép một và dép cong.
- Dép một: Rất thông dụng vì tiện và vững, làm bằng một lần da trâu thuộc theo lối thủ công (nên gọi là dép một), không có đế, có quai ngang đằng sau, đằng trước có khuyết (lỗ) để cho ngón chân giữa vào. Khi đi dép bị kéo lê quèn quẹt. Ở thành thị, người ta đi dép một quai chữ nhân bọc nhung.
- Dép cong: Làm bằng 4, 5 lần da trâu thuộc, đóng lại với nhau bằng những đanh tre, mũi uốn cong vòng lên để che đầu ngón chân. Quai bằng nhung có một vòng tròn bằng da trên mặt dép để xỏ ngón chân thứ hai, giúp cho đi lại dép không bị rơi. Dép cong rất nặng, khi mang không đi nhanh được:
* Áo tứ thân:
Ngày xưa, do kỹ thuật thô sơ nên hàng vải dệt ra có khổ hẹp, chừng 40 cm, muốn may thành một cái áo phải ráp bốn mảnh thân lại với nhau. Áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, khi mặc thì thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Vì phải làm việc đồng áng, buôn bán... nên áo giao lãnh dần dà trở thành áo tứ thân cho tiện.
Áo tứ thân gồm hai mảnh phía sau may lại giữa sống lưng, mép nơi hai thân áo được giấu vào phía trong; Hai thân trước được buộc lại với nhau để thõng xuống thành hai tà áo ở giữa, nên không cần cài khuy khi mặc.
Áo mặc thường ngày màu nâu non, nâu già hay đen, may bằng vải chúc bâu, diềm bâu, sồi, vải rồng Nam Định (Một loại vải mỏng, sản phẩm xứ Sơn Nam - Nam Định, được nhuộm nâu ở phường Đồng Lầm - Thăng Long, nay là làng Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). Còn trong dịp lễ, Tết thì áo được may bằng the, lụa, nhiễu…
Áo tứ thân đứng vững trên đất nước Việt Nam cả mấy ngàn năm. Về ý nghĩa thì bốn thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, hai tà trước buộc lại với nhau tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng âu yếm, khắng khít bên nhau.
“Cái áo tứ thân buông tà hay thắt vạt; Cái áo mớ ba, mớ bảy đổi vai hoặc không đổi vai đi cùng với váy sồi hoặc quần lĩnh tía… đã vào ca dao, thành câu ví, nên hình ảnh của nét ăn, dáng mặc thanh nhã, hào hoa, nền nã.“.
Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về các từ ngữ mà nhà văn Băng Sơn nêu lên ở đoạn trên.
- Áo tứ thân buông tà hay thắt vạt: Áo buông tà (buông chùng) có nghĩa là khi thong thả thì hai thân trước thắt lại để thõng (chùng) ở phía trước; Còn khi vội vàng, hối hả thì thắt (cột) hai vạt trước ra sau lưng để đi cho nhanh hay chạy cho tiện.
- Áo mớ ba, mớ bảy: Vào dịp hội hè, đình đám, phụ nữ Việt Nam xưa mặc nhiều lớp áo, áo nọ phủ lên áo kia, lớp này chồng lên lớp kia, có thể từ ba lớp đến bảy lớp vào mùa đông, gọi là áo mớ ba, mớ bảy. Đây cũng là một hình thức phô trương quần áo của các bà, các cô nhà giàu:
(Áo tơi: Làm bằng lá gồi nối tròn, cổ có sợi dây thừng để thắt cho khỏi tuột, mặc trùm ra ngoài của nông dân Việt Nam để che mưa, che gió, chống lạnh. Khi rách bươm, nó thành bù nhìn đuổi chim trên ruộng dưa)
Thường cái áo dài nhất ở ngoài cùng là màu nâu hay đen, may bằng hàng mỏng, thưa để nổi những lớp áo càng vào bên trong càng ngắn hơn, may bằng nhiều màu tươi sáng như vàng chanh, hồng cánh sen, xanh hồ thủy…
- Áo đổi vai: Còn gọi là áo thay vai, áo nối vai, áo vá vai hay áo vá quàng.
Vì phải gồng gánh, làm việc nhiều nên vai áo mau sờn, rách. Để khỏi bỏ uổng cả cái áo, người ta giữ lại phần lành lặn, thay nửa thân áo trên bị rách bằng loại vải mới khác.
Một phần vì áo rách, vai sờn mà phải đổi vai; Một phần để khoe sự khéo léo về đường kim, mũi chỉ tăm tắp trên những miếng vá vuông vức, phẳng phiu cũng như về cách chọn lựa màu sắc vải:
Áo vá quàng thêm màu sắc lại có duyên, cộng thêm cái tài hoa, sáng tạo: Nối vai nhưng so le, gấp khúc, tạo thành những mảnh hình không cân đối nhưng ưa nhìn, và trở thành một kiểu làm đẹp của các bà, các cô. Áo thay vai này đúng là 100% Việt Nam, không lẫn lộn đi đâu được.
* Áo dài thành thị:
Vào năm 1930, họa sỹ Cát Tường theo lối Tây phương, cho ra đời áo dài Le Mur, mệnh danh là áo dài tân thời: Tay áo phồng, ráp từ vai; Cổ áo hoặc lá sen, hoặc cổ tròn kết ren, nhún tai bèo chung quanh hay táo bạo hơn là khoét rộng để hở cổ; Vạt áo không nối sống lưng, để dài chấm đất, nhưng hai tà viền tròn; Thân trên may sát theo đường cong của cơ thể Đặc biệt là phụ nữ tân thời mặc áo dài với quần trắng, mang giày cao gót, đeo bóp đầm, che dù tránh nắng, quấn khăn voan lơi quanh cổ, đồng thời tóc vấn trần hay búi lỏng, rẽ ngôi lệch.
Bốn năm sau khi áo dài Le Mur xuất hiện và chết yểu, 1934, họa sỹ Lê Phổ đã dung hòa giữa cái mới với cái cũ để tạo ra áo dài canh tân, tìm được nhân dáng thích hợp cho người phụ nữ Việt Nam. Áo dài canh tân đã hoàn chỉnh từ khi mới ra đời, đứng vững suốt ba thập niên - Áo dài canh tân là cái áo dài mà chúng ta thấy ngày nay, tuy có thay đổi tùy theo thời trang, nhưng không nhiều: Cổ áo khi cao khi thấp, khi vuông khi tròn, khi kín khi hở; Tay áo khi bó khi thụng, khi dài khi lửng; Dài áo lúc mini lúc maxi; Gấu áo lúc lớn lúc nhỏ; Vòng eo lúc rộng lúc chật Áo dài nhung, gấm, tơ; Áo thêu, vẽ; Áo mình khô hoa ướt.
Cả hai áo dài tân thời và canh tân đều có thay đổi về khuy (nút): Hàng nút phía trước được chuyển sang một bên để mở áo dọc theo vai, rồi chạy dọc theo một bên sườn. Người ta dùng những loại khuy tròn và dẹt, khuy hình bông hoa, khuy bấm... như dùng cho áo ngắn.
Qua hai câu: “Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng. Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi“ ta thấy cô gái còn vấn tóc bằng khăn nhung, mặc quần lĩnh đen, mặc áo dài cài khuy bấm – Có thể đoán cô gái đã bị “thành thị hóa“ bằng cái áo dài ngũ thân, do phụ nữ tỉnh thành chế biến từ cái áo tứ thân để có dáng dấp trang trọng hơn, hoặc có thể là áo dài canh tân với chi tiết cài khuy bấm, chứ không thể là áo dài tân thời được.
Áo ngũ thân (năm thân, năm tà) cũng giống như áo tứ thân, nhưng kín thân trước vì hai vạt trước được may liền thành một vạt lớn, như vạt sau. Vạt nằm phía bên trái gọi là vạt cả, rộng gấp đôi vạt để bên trong phía bên phải, gọi là vạt con. Hai vạt nối nhau nhờ bâu (cổ) áo, cao cỡ 2 - 3cm, cài kín lại bằng năm cái khuy. Khi mặc, các cô thường chỉ gài bốn khuy, để hở khuy cổ, khoe cái cổ cao “ba ngấn“ của mình.
Tay áo ngũ thân may nối phía dưới khuỷu tay, do khổ vải hẹp, chỉ là 40cm. Cổ, tay, thân trên áo ôm sát người, trong khi tà áo may rộng ra từ sườn đến gấu, không chít eo. Vạt áo may võng, rất rộng, trung bình là 80 cm.
Về ý nghĩa, ngoài bốn thân chính tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu như áo tứ thân, thân thứ năm (vạt con) tượng trưng cho người mặc. Năm cái khuy tượng trưng cho ngũ thường (năm đạo làm người của Nho giáo) là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Áo ngũ thân khi mặc che kín thân hình, không để hở áo bên trong, cho nên nhiều cô gái không muốn cái yếm hay cái áo cánh (áo ngắn) của mình bị che kín hoàn toàn, nên đã “lật viền“: thân áo phía trước kéo chéo từ cổ trái sang nách phải, rồi gài nút bên hông che các lớp phía trong.
Áo ngũ thân có thể mặc lồng nhiều lớp như kiểu mớ bảy, mớ ba của áo tứ thân hay may nhiều lần vải bằng hàng mỏng như the, phổ biến ở hàng phố. Nếu may bằng nhiều lần vải mỏng thì người ta có tên gọi riêng: Áo may một lần vải là áo đơn; Áo may hai lần vải là áo kép, Áo may ba lần, trong có một lần dựng là áo mền, Áo may bốn lần vải là áo đụp.
Khi mặc nhiều lớp áo bên trong với áo dài năm tà bằng the mỏng bên ngoài, các bà các cô đã tạo nên một phối hợp hài hòa và độc đáo về màu sắc. Trước hết vạt cả đè lên vạt con làm thành hai mảng đậm, nhạt khác nhau. Màu đen nếu mặc riêng là một màu tối, nhưng khi mặc một lớp áo mỏng, thưa màu đen bên ngoài chồng lên những lớp áo màu rực rỡ bên trong, thì các màu chói gắt, sặc sỡ trở thành êm dịu hơn. Như màu đỏ chói biến thành màu đỏ bầm, màu vàng rực biến thành màu hổ phách, màu trắng xóa biến thành màu xám sáng…
* Khuy:
Bây giờ ta sưu tầm về phần khuy (nút, cúc), để coi làm sao mà thi sỹ Nguyễn Bính rên rỉ: “Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi“. Lối áo dài cài khuy bắt đầu xuất hiện dưới thời Minh Mạng, lúc triều đình bãi bỏ Bắc thành, bổ nhiệm chức tổng đốc cho tỉnh mới có tên là Hà Nội. Khuy cũng đóng một vai trò, được thay đổi và biến dạng dần theo kiểu của áo. Thường khuy áo phụ nữ nhỏ hơn khuy áo nam giới
Trên áo năm thân, khuy làm bằng vải tết (thắt) lại. Vải là vải may áo hay vải cùng màu với áo. Nút thắt bằng vải rất khó mở. Trong khi khuy bấm (nút bóp) rất dễ tuột do đó ta thấy áo dài ngày nay đơm khuy bấm phải dùng thêm vài cái khuy thép móc ở nơi eo.
Khuy được đính (đơm)vào áo bằng chân khuy – Bộ khuy chia làm hai phần: một phần có hạt khuy áo, phần kia là vòng nút để lồng (tròng) hạt khuy áo vào. Chân khuy của hai phần giống nhau từ kích thước đến hình dạng, được may lộn nhỏ như cây tăm, xếp nằm song song với nhau.
Ở thành thị, hạt khuy áo còn là những hạt thủy tinh tròn, màu giống như màu áo hay những màu phổ biến như hổ phách, tráng vàng, tráng thủy để giống như những viên ngọc trai. Ở nông thôn, dù áo có khuy, các cô cũng cứ ấp tà áo vào ngực, rồi thắt lưng ra ngoài, chứ không gài (cài) khuy.
2. Trồng dâu – Nuôi tằm - Dệt vải
Đối với con người, phần quan trọng thứ hai sau ăn là mặc, nhất là đối với người Việt Nam: ”Ăn chắc, mặc bền“; “Cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết“.
Canh nông, trồng tỉa để làm ra miếng ăn; Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải để tạo ra cái mặc. Nông và tang là hai công việc chủ yếu, danh từ kép ruộng (lúa) nương (dâu) luôn luôn gắn liền với nhau của nền nông nghiệp Việt Nam trước giờ.
Qua những di tích khảo cổ thì từ thời văn hóa Đông Sơn, người ta đã thấy có khắc những hình người đóng khố, mặc áo, váy trên những trống đồng, thạp đồng.
Dựa theo những tài liệu trong sách vở cổ thì hàng tơ chuối khởi đầu cho nghề dệt Việt Nam, đã đạt đến kỹ thuật cao ở thế kỷ VI, người Trung Hoa rất ưa chuộng và gọi loại hàng này là “vải Giao Chỉ“. Sách Quảng chí chép: ”Thân chuối xé ra như tơ, đem dệt thành vải. Vải ấy dễ rách, nhưng đẹp, màu vàng nhạt, sản xuất ở Giao Chỉ“.
Hàng dệt bằng cây gai, cây lanh, tơ tằm cũng xuất hiện rất sớm, được phát hiện có từ 2,500 năm trước.
- Cây gai (boehmira nivea L gaudich): Đây là cây gai để làm bánh, còn gọi là gai tuyết, gai suối, tiếng Hán gọi là Trữ ma.
- Cây lanh (cannabis sativa): Còn gọi là tầm gai, gai dầu, gai mèo, cần sa, tiếng Anh là marijuana, hemp, tiếng Pháp là chanvre, cannabis, tiếng Hán gọi là Đại ma hay Hỏa ma, thuộc họ Cannabaceae.
- Tơ tằm: Có 4 loại tơ tằm tự nhiên: tơ tằm dâu, tơ tằm thầu dầu lá sắn, tơ tằm sồi và tơ tằm tạc (dại ). Tơ tằm dâu chiếm 95% sản lượng tơ trên thế giới.
Trung Hoa là nước có nghề trồng dâu nuôi tằm sớm nhất trên thế giới, cách đây 4- 5,000 năm. Gần 1,000 năm sau, bí mật của ngành tơ tằm dâu mới được để lộ và lan truyền sang các nước khác như: Đại Hàn, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam... bằng “Con đường tơ lụa“.
Các sách cổ Trung Hoa như Thủy kinh chú, Tam đô phú, Tề dân yếu đều nói rằng đến đầu công nguyên, trong khi Trung quốc một năm chỉ nuôi được ba lứa tằm thì năng suất tằm ở Giao Chỉ, Lâm Ấp, Nhật Nam đạt được đến tám lứa một năm. Tổ tiên chúng ta đã tạo được nhiều giống tằm khác nhau để phù hợp với thời tiết nóng lạnh, khô ẩm Vì vậy, mỗi mùa hàng tơ tằm có vẻ đẹp riêng: mùa nắng tằm cho sợi tơ có sắc độ óng ánh khác với mùa mưa dịu nhẹ hơn; Mùa hè tơ óng mướt, mùa đông tơ khô hơn nên mặt hàng như đanh lại.
Ngoài ra, còn cây bông vải (Gossypium barbadense L, thuộc họ Malvaceae, chi bông, tiếng Hán là cát bối) xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn, từ các thế kỷ đầu công nguyên, theo hai con đường: từ phía Nam lên theo đường các quốc gia Hồi giáo ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ và từ Vân Nam, Trung Hoa xuống.
Sách có câu: ”Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn“. Người dân quê Việt Nam, khi đã lo sợ đói, tất nhiên họ phải phòng ngừa rét. Trồng dâu- Nuôi Tằm - Lấy tơ – Dệt vải liên quan rất nhiều đến đời sống hàng ngày của nông dân, ruộng dâu và guồng tơ đối với họ cũng quan trọng không kém đồng lúa và thạp gạo.
Đây là một nghề hết sức vất vả: “Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa“ hay “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng“.
* Trồng dâu
Lá dâu: tang diệp, là thức ăn duy nhất của tằm mọc xanh um, lá hàng năm rụng vào mùa đông. Ở thôn quê miền Bắc Việt Nam có nhiều làng chuyên nghề trồng dâu, nuôi tằm. Thông thường công việc trồng, hái dâu, nuôi tằm là của phụ nữ trong nhà:
Cây dâu tiếng Anh là white mulberry, tiếng Pháp là murier blanc, tên khoa học là Morus alba L, thuộc họ Moraceae (Dâu). Cây dâu chịu khí hậu mát, lại khỏe nên mọc được ở nhiều vùng đất, nhất là ở vùng nhiệt đới, còn vùng ôn đới chỉ mọc vào mùa hè.
Cây dâu thường là cây thân gỗ cao lớn, xum xuê, tuổi thọ từ 8- 12 năm, cho năng suất từ năm thứ 2 -8. Cây dâu ở Việt Nam không lớn lắm, chỉ cao quá đầu người, chừng 2 m, được trồng thành vườn, thành bãi, thành ruộng.
Thân cành cây dâu nhiều nhựa, không gai. Trên thân cành có nhiều mầm (mầm đỉnh, mầm nách) nên cành cây dâu được chặt thành nhiều khúc chừng 20, 30 cm để trồng cho mùa tới.
* Nuôi tằm:
Nuôi tằm phải che nắng, che gió, nhiệt độ vừa phải, không để quá nóng hay quá lạnh, nếu không tằm sẽ bị vàng như nghệ hay mọng nước mà chết. Lại còn phải canh chừng kiến, ruồi xâm nhập phá hại.
Các giống tằm dâu được nuôi hiện nay thuộc loài Bombyx mori Linnaeus, có tên khoa học là Bombyx mandarina (Moore). Căn cứ vào số lứa nuôi trong năm mà người ta phân ra: tằm độc hệ, lưỡng hệ, đa hệ hoặc giống thuần chủng, giống lai (đơn hay kép).
Tằm là loại côn trùng biến thái hoàn toàn, đời sống khoảng 25 - 30 ngày, trải qua bốn giai đoạn quan trọng: trứng, tằm, kén (nhộng), ngài.
- Trứng: Tùy theo tính chất mà trứng có có hình dạng, kích thước khác nhau, nhưng thông thường trứng tằm nhỏ, dẹt, giống như hạt cát, bên ngoài có vỏ cứng màu trắng sữa hay hơi vàng. Trứng tằm đa hệ thì nở ra tằm con từ 8 - 10 ngày sau khi ngài cái đẻ. Trứng tằm độc hệ và lưỡng hệ (ở vùng ôn đới) thì sau khi đẻ ra, sẽ đi vào trạng thái tiềm sinh, nghĩa là trứng phải ngũ qua thời gian lạnh khoảng 4, 5 tháng sau mới nở ra tằm con. Tằm con là những con sâu đen nhỏ li ti, giống như những con kiến đen nhỏ.
- Tằm: Tằm con đem để lên nia hay tràng. Từ đó thái nhỏ lá dâu (cỡ sợi thuốc hút) cho tằm ăn, tằm lớn dần thì lá dâu thái lớn hơn cho đến khi tằm ăn rỗi hay ăn lên (tằm sắp chín) thì cho ăn nguyên cả lá dâu.
Người ta chia tằm thành nhiều cỡ: Tằm ăn một, lớn bằng tăm xỉa răng, dài chừng1/2 cm, giống như đám sâu lúc nhúc có màu xanh xám đậm; Tằm lên hai, dài cỡ 1cm: Tằm lên ba, 1,5cm; Tằm lên bốn, cỡ 3cm, còn màu xanh xám; Tằm lên năm, trong thời kỳ ăn rỗi, cơ thể tằm lớn lên rất nhanh, 8,000 - 10,000 lần so với tằm mới nở, bằng đầu đũa ăn cơm, dài chừng 4,5cm, phần đầu ngã từ màu xanh xám ra vàng cam, cho nên tằm ăn ngày ăn đêm, lá dâu phải cung cấp đầy đủ, nếu không thì tằm không đủ dinh dưỡng, không thể chín để làm kén được: Khi tằm bắt đầu chín, không ăn nữa, sẽ có màu vàng cam từ đầu đến đuôi.
- Kén: Khi tằm đủ chín, thân chứa đầy tơ, toàn thân như hổ phách óng ánh, ngừng cho ăn, bắt từng con bỏ đều trên những chiếc né tre, miền Nam gọi là bủa, tằm tự kiếm chỗ chui vào các kẽ hở của né để làm ổ kén. Mỗi ổ kén cỡ cái trứng chim. Đem các giàn kén ra phơi nắng, nắng càng nhiều, tơ càng óng mướt.
Né là cái giàn được kết bằng thân, cành cây khô, cao khoảng một thước, sắp từng lớp ngang dọc, thẳng góc nhau, làm thành từng bậc cách nhau chừng hai tấc.
- Ngài: Tằm hóa thành con nhộng nằm gọn trong kén, khoảng bảy ngày thì nhộng hóa thành con ngài (con bướm) cắn thủng kén để ra.
Thông thường người ta chọn những kén tốt: Kén nào nhỏ mà nhọn đầu là kén đực, tròn mà đầy đặn là kén cái để riêng cho nở thành ngài, rồi bỏ lên những nong lớn cho chúng giao hợp. Lựa ngài cái cho vào những nong khác cho đẻ trứng để lấy giống nuôi tiếp.
* Lấy tơ
“Tơ tằm đã vấn thì vương“. Khi tằm đã chín, được đưa lên ổ làm kén và nhả tơ. Kén tằm là vỏ bọc bên ngoài của tằm, là những sợi tơ tạo từ chất protein trong tằm chín. Trong hai ngày đêm, tằm miệt mài nhả ra những đường tơ óng ả từ trong miệng cuốn quanh mình, và sẽ nằm yên trong đó khoảng vài ngày.
Mùa kén chín, phải ươm tơ để lấy tơ ra ngay, để lâu nhộng hóa bướm, cắn đứt hết tơ rồi bay mất.
Kén tằm bị mềm đi trong nước nóng nên kén thu được cho vào nồi, chảo miệng rộng nấu nước sôi hừng hực, đảo kén thành từng nhóm nổi trên mặt nước, tìm mối tơ gốc rút ra, cho quấn vào những con suốt, hình giống như lõi ống chỉ, xếp thẳng đứng thành hàng ngang, rồi cho chạy vào những guồng tơ tròn bằng gỗ, nằm bắc ngang trên nồi nước sôi, để kéo hết tơ ở mỗi cái kén làm thành con tơ thô dệt hàng sồi, nái hay đũi. Dùng chân đạp để suốt và guồng luôn được chuyển động.
Phần còn lại, lớp trong của kén cũng cho vào guồng ươm tơ quay vào ống lấy tơ nõn màu vàng nhạt, là sợi nhỏ phía trong của kén. Sợi tơ này gồm hai sợi nhỏ, tiết ra từ cặp tuyến tơ ở tằm chín và dán chặt vào nhau, được bao phủ bởi một lớp keo (sericin), người ta tẩy sạch lớp keo này khi kéo tơ. Sau đó tơ nõn sẽ được se với nhau, tùy theo tính chất, số lượng sợi và vòng xoắn để mắc cửi rồi dệt thành các loại hàng vải khác nhau.
Từ khi tằm nhả tơ cho đến lúc dệt thành vải phải trải qua nhiều giai đoạn: ươm tơ, lấy tơ, nhập tơ, guồng tơ, đánh ống, mắc cửi… rồi nối cửi, rồi dệt.
Sau khi kéo hết tơ ở mỗi cái kén, tằm đã lột hết lớp vỏ mỏng sau mấy ngày nằm trong kén, chỉ còn cái xác không, gọi là nhộng (trần như nhộng). Con nhộng bị luộc nước sôi, chìm xuống đáy nồi ươm tơ, được múc ra để ráo, dùng làm thức ăn như trộn gỏi, đúc trứng hay rang mặn ăn cơm
* Dệt vải:
Kiểu dệt cổ truyền của Việt Nam là phối hợp, pha trộn các loại sợi dọc và ngang để tạo ra những mặt hàng khác nhau. Người thợ khi dệt phải dùng tay đưa, chân dận cùng lúc.
Suốt là ống cuốn chỉ, nằm trong ruột con thoi để nhả sợi. Dụng cụ sản xuất căn bản là khung cửi gỗ “con cò“, dệt ra loại hàng vuông, thô, mỏng, chừng 40 hay 60 cm (Con cò đặt ở trên và chính giữa khung dệt để thẳng sợi, làm chuẩn cho cái go khỏi lệch) Những vuông lụa mới dệt xong gọi là lụa mộc, chỉ có màu trắng ngà hay vàng mỡ gà của tơ, được đem nhuộm sau.
* Nhuộm màu:
Nghề dệt lụa cổ truyền là sự liên kết của người cung cấp tơ, vẽ hoa, xe chỉ màu, hồ sợi à và nhuộm màu:
Theo phương pháp thủ công, lụa mộc sẽ được ngâm trong nước trà, nước trầu không, nhựa cây… rồi xả, nhuộm màu, phơi khô, nhuộm lại lần thứ hai để ra đúng màu sắc như ý muốn. Màu nhuộm được pha chế với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như: hột rành rành (Gardenia augusta, tiếng Hán là Chi tử), lá bàng (Terminalia catappa, tiếng Hán là Lãm nhân thụ) than, gạch
Màu thông dụng là màu đen (thâm) và màu nâu. Người ta nhuộm nâu bằng củ nâu. Củ nâu (Dioscorea cirrhosa - Evergreen yam) đem về, gọt vỏ xắt mỏng, giã cho chảy nhựa, đổ thêm nước mà nhuộm. Nhuộm vài nước thì được màu nâu non, nhiều nước thì có màu nâu già (nâu đậm). Các loại lụa nhuộm cho màu gụ nâu. Nhuộm bằng củ nâu vừa bền màu lại vừa chắc sợi. Ngâm nước bùn để có màu thâm. Màu tam giang là màu nâu tím. Người ta còn dùng cánh kiến (một loại sâu ở mạn Sơn La, Lai Châu) để nhuộm màu nâu đỏ. Có khi chuội (trụng nước sôi) lụa mộc để lấy màu trắng. Trong miền Nam dùng trái mặc nưa để nhuộm lụa đen Tân Châu (lãnh Mỹ A).
(Mặc nưa được trồng nhiều ở Campuchia. Cây cao vài ba thước. Lá nhỏ, hình thuẫn, xanh láng. Trái giống như trái olive, khi còn sống màu xanh, khi chín chuyển màu đen)
3. Các mặt hàng dệt từ tơ tằm:
Với bàn tay tinh tế và sự sáng tạo không ngừng của người dân Việt Nam, các sản phẩm dệt ra từ tơ tằm rất phong phú, đa dạng như: lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, băng, sa, xuyến, đoạn, nhiễu, đũi, cấp, kỳ cầu…
Những mặt hàng có nền dày gồm:
- Gấm:
Nền dày, bóng như xa tanh. Nền gấm thường có những hoa văn, chữ triện hay chữ thọ với sắc màu tươi, sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi có ánh sáng, đứng ở mỗi góc cạnh khác nhau, ta sẽ thấy mình gấm có các màu sắc khác nhau.
Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa dân thường không được dùng, chỉ có vua, quan mặc được mà thôi. Vua mặc gấm vàng có hai rồng chầu mặt nguyệt hay hổ phù. Còn gấm may lễ phục cho các quan thường là gấm hoa tròn hay gấm hoa bạc. Có câu: ”Dệt gấm, thêu hoa“
- Vân:
Là mặt hàng xếp thứ nhì sau gấm. Hàng vân có nền lụa, mỏng hơn xa tanh, bao giờ cũng có hai kiểu hoa dệt trên một tấm vân: hoa nổi và hoa chìm; Hoa nổi bóng mịn, còn hoa chìm phải đưa lên ánh sáng mới thấy được. Đó là nét độc đáo của hàng vân, nhờ có hoa thủng như vậy, nên các áo lót bên trong sẽ nổi màu lên rất đẹp khi mặc áo ngoài may bằng vân. Vân được dùng dễ may áo dài mặc vào dịp hội hè, đình đám.
Những mặt hàng dày có số lượng sợi dọc nhiều là:
- Lĩnh ( lãnh):
Sợi mịn, một mặt bóng, một mặt mờ do khi dệt đưa sợi dọc lên nhiều tạo nên sự bóng loáng cho mặt hàng. Lĩnh thâm (đen) trơn rất thông dụng, dùng may váy, quần cho phụ nữ, ngoài lĩnh trơn còn có lĩnh hoa dầy dặn, có điểm lấm tấm hoa mịn màng, kín đáo, có tên riêng là lĩnh hoa chanh, nổi tiếng nhất là lĩnh Bưởi đen nhánh, óng mượt.
- Đoạn:
Đoạn cũng được dệt theo cách thức của lĩnh, nhưng dày hơn, sợi dọc nhiều hơn cả gấm. Đặc biệt sợi dọc, sợi ngang nổi đều nhau, mịn màng, óng ả. Đoạn dùng để may áo dài cho nam giới mặc vào những dịp long trọng. Do hàng đoạn dày nên người ta thường may áo đoạn bọc lụa bên trong mặc vào mùa lạnh.
- Vóc:
Là một thứ đoạn mỏng, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại. Vóc thường đi chung với gấm: gấm vóc.
Những mặt hàng dệt thủng (thưa):
- The:
Sợi dệt bóng và mảnh, sợi dọc rất ít nên the thưa. Dệt the là bố trí các sợi dọc và ngang không khít nhau, tạo nên hình thủng theo hàng ngang. The có nhiều loại: the đơn (mỏng), the kép (dầy), và the hoa. The được nhuộm thâm để may áo mặc bên ngoài, hay chuội cho trắng để mặc mùa nóng, nổi tiếng nhất là the La Cả.
Đối với dân thường, áo the được coi là sang nhất và rất phổ biến. Những hàng the dùng may y phục tế lễ gọi là hàng địa, thường có hoa văn đặc biệt như: song hạc, hổ phù, thủy ba gợn sóng
Sa, xuyến, băng cũng tựa như the, là các loại hàng mỏng, bóng và bền: vì khi giặt không bị xô dạt sợi, dù mỗi mặt hàng mỗi vẻ khác nhau
- Sa:
Sa được dệt rất mỏng nên trong suốt, tạo nên những đường vân óng ánh rất đẹp nếu mặc áo trong màu trắng. Sa mỏng và mát nên thường được mặc vào mùa hè.
Có sa đơn và xa hoa. Xa hoa có nhiều loại: đặc biệt là sa thất thể và sa cung đình (dùng may áo long bào cho vua mặc vào mùa nóng ).
- Xuyến (quyến):
Xuyến như sa, có cát nổi ngang, mỏng hơn the trơn và thoáng trông tựa mành mành do sợi dầy xen lẫn sợi thưa. Xuyến mắc hơn the.
- Băng:
Cũng là mặt hàng thủng, trong suốt, có hoa lác đác, nhẹ hơn the.
- Cấp:
Mỏng gần giống như the, lượt và thường có hoa.
- Lượt:
Mặt hàng dệt thưa, mỏng, mịn, rất mềm, dùng may khăn, áo.
- Lương:
Có lương đơn và kép, dùng để may áo dài, làm khăn.
Các sản phẩm dệt khác:
- Lụa:
Có hai loại: lụa trơn và lụa hoa , dệt bằng tơ nõn sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải.
- Là:
Cùng họ với lụa, dệt bằng tơ nõn, có những đường dọc nhỏ đều, thường được dùng làm khăn màu hay nhuộm màu để làm các phần đổi màu trong y phục.
- Nhiễu:
Là thứ lụa dệt bằng sợi đã se nên mặt nổi cát như hàng crêpe ngày nay, dùng làm khăn.
- Kỳ cầu:
Là thứ lụa bóng có hoa nhỏ, nền mịn và đều.
- Đũi:
Được dệt từ tơ trong cùng của kén tằm, hơi thô, cũng dày và bền như nái, nhưng mềm và mịn hơn. Đũi nguyên thủy óng màu vàng chín của kén tằm. Đũi thì có loại trơn, loại hoa và đũi thọ hỉ. Đũi mộc mạc, thoáng, mát mùa hè, ấm áp mùa đông, dùng may quần, áo và thắt lưng.
- Sồi (chồi):
Dệt bằng tơ gốc, thường dùng may yếm, khố, bao…
- Nái:
Được dệt bằng sợi kéo từ vỏ kén bên ngoài nên thớ to, có nhiều lông và cục sần, thường có màu vàng đậm, cứng nhưng rất bền. Nái dùng làm khăn, may thắt lưng…
Phù sa sông Đáy đã tạo nên những làng trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt vải cổ truyền nổi tiếng ở các vùng ngoại thành Thăng Long, nằm ở vùng Hà Tây của Xứ Đoài (Trấn Sơn Tây của tứ trấn ngày xưa: từ Trung Du đến đồng bằng Bắc Bộ).
Đó là các làng: Trinh Tiết, Ngăm Bôi, Đốc Tín, Yên Lô, Tiền Lệ, Lai Xá, Lưu Xá, Hòa Xá, Di Trạch, Nghĩa Đô, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Hạ Trì, La Nội, La Dương, La Cả, La Khê, Vạn Phúc, Trích Sài…
La: Làng lớn La Cả tạo nên bởi hai làng La Nội và Ỷ La, trong bảy làng La thuộc Kẻ La, xưa thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, Hà Tây.
Bưởi: Chỉ chung các làng thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận trước kia, nay thuộc quận Tây Hồ, trong đó có các làng Trích Sài, Bái Ân, Yên Thái và Hồ Khẩu.
Phùng: Làng Đan Phượng
Mỗ: Làng Đại Mỗ, tên Nôm là Kẻ Quánh, trong ba làng Mỗ, xưa thuộc huyện Từ Liêm, sau thuộc tỉnh Hà Đông, nay thuộc về Hà Nội.
(La, Bưởi, Phùng… là tên Nôm một chữ của những làng cổ ra đời trước thời Bắc thuộc)
Vạn Phúc: Nơi có nghề dệt lụa rất lâu đời và lừng danh, nổi tiếng cả nước. Làng Vạn Phúc ngày xưa là trang Vạn Bảo, xã Thượng Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai, trấn Sơn Nam, sau nhiều thay đổi do sự phân chia về hành chánh, bây giờ thuộc thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Chợ Hà Đông ( tên cũ là Cầu Đơ ) có hai phiên một tháng, chuyên bán tơ, lụa, gấm, vóc… do làng Vạn Phúc sản xuất. Lụa làng Vạn Phúc được mang tên là lụa Hà Đông.
Lụa Hà Đông của phương Bắc và nắng Saigon của phương Nam đã giao duyên để lưu truyền mãi bài thơ của thi sỹ Nguyên Sa:
“Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân“ - Nói đến lụa Hà Đông cũng không quên lụa Tân Châu - An Giang, quen gọi là lãnh Mỹ A gồm cẩm tự trơn, hoa dâu, hoa cúc, mặt võng, mặt đệm... danh tiếng với màu đen bóng ngời và bền đặc biệt: quần mặc đến nát, màu đen không phai, còn nguyên sắc.
Tiếp theo sau với câu hai, đoạn hai: “Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân“ và câu ba, đoạn ba: ”Như hôm em đi lễ chùa“ cho thấy chỉ trong dịp năm mới hay đi chùa, nói chung là lễ hội thì người dân ở thôn quê mới đem bộ cánh mới ra mặc, trẻ con hay người lớn, giàu hay nghèo gì cũng vậy. Quần áo mới thể hiện một khát vọng thay đổi, với nhiều cái mới tốt đẹp hơn.
Ở thời điểm hiện tại, mua sắm một bộ quần áo mới rất dễ dàng, nhưng ở thời trước, có được một bộ quần áo mới rất là khó khăn. Cuộc sống nghèo, vải vóc thiếu, cũng không có kỹ thuật may vá như ngày nay. Thông thường, áo quần rách mới may đồ mới. Quần áo mới cũng là một nỗi lo của các bà mẹ trong gia đình, không chỉ tốn của, mà còn nhọc công nữa, thức không biết bao nhiêu là đêm, nào là chọn hàng vải, đưa đi nhuộm, tính toán may cắt, khâu vá.
Bốn câu thơ của đoạn thứ ba:
“Em hãy giữ nguyên quê mùa“ và “Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh“ cho thấy chuyện ăn mặc từ xưa theo những quy chế gắt gao, lâu ngày đã trở thành phong tục, tập quán: kín đáo. Áo quần thường dài, rộng, che kín thân thể, trừ mặt mũi, bàn tay, bàn chân ra bất kể thời tiết lạnh hay nóng. Cái nền nếp bảo thủ còn khiến phụ nữ lúc đó phải ngại ngần ngay cả việc chọn lựa màu sắc. Họ chỉ dám mặc các màu tươi sáng trong những dịp đặc biệt như lễ hội, đám cưới, Tết… Ngày thường chỉ toàn màu nâu, đen hay tím tam giang, chỉ có ả đào hay đào hát mới dám mặc màu sặc sỡ.
Như cái áo dài tân thời Le Mur, một cách mạng lớn về y phục của thập niên ba mươi, được giới cấp tiến ưa thích, nhưng bị giới bảo thủ chống đối kịch liệt, cho là kiểu áo mới này làm hư phụ nữ, gây sôi nổi trong xã hội thời đó - Với cái nhìn phóng khoáng của cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị:
Theo thời gian, y phục có thay đổi, mỗi ngày một chút, tác động đến phục sức của các bà, các cô. Ngày trước, chưa có các nhà thiết kế thời trang hành nghề, cũng như không ai dám xuất hiện trước đám đông đi tới, đi lui, nhún nhẩy làm người mẫu. Ngày nay, với nhiều “cách tân, đột phá, biến tấu“ đã khiến cho một tác giả tên Phạm Kim Trang viết như sau:
“Tôi không hiểu thẩm mỹ thời đại như thế nào mà có những chiếc áo dài không có cả hai tay, có chiếc thì không có một bên tay. Ngoài ra, nhiều chiếc lại bị xé tay ra, rồi còn lai lung tung với các kiểu áo dạ hội Tây phương nữa … Đã đến lúc để yên cho chiếc áo dài Việt Nam được rồi, bởi nó đã tồn tại và đứng vững cả thế kỷ, chứng tỏ tính ổn định, bất di bất dịch của nó. Nếu các bạn muốn sáng tạo, xin hãy sáng tạo những mẫu trang phục mới, đừng nên đụng chạm đến chiếc áo dài nữa, kẻo không chỉ làm đau lòng người sống mà còn làm tủi phận những người đã khuất“.
Bài thơ và đoạn văn trên nói lên vài ý kiến cá nhân cho thấy sự quan hệ giữa y phục và thị hiếu thẩm mỹ của con người, thể hiện bằng sự ưa thích, sự lựa chọn thông qua thời trang - “Là một hiện tượng xã hội, thời trang là cả một quá trình hình thành, vận động, biến đổi của trang phục qua hàng loạt yếu tố nội tại và ngoại diện tác động. Từ truyền thống văn hóa, môi trường thẩm mỹ, quan niệm đạo đức, mức sống, đời sống… cho đến tính chất chu kỳ, giai đoạn, khả năng lan truyền, sự hài hòa giữa các cá nhân và xã hội“- Nguyễn Hồng Hà.
Như vậy, thời trang mới muốn tồn tại phải khẳng định được giá trị của nó: một mặt phải phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ hiện đại, mặt khác, phải phù hợp với quan niệm, tiêu chuẩn về truyền thống dân tộc.
Thị hiếu thẩm mỹ hiện đại của từng cá nhân, của cả xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp. Đa dạng ở cách thức, kiểu mẫu, hàng vải… Phức tạp ở thói quen, phong tục tập quán, nghề nghiệp, tuổi tác của từng đối tượng. Cho nên, để có một bộ y phục truyền thống ổn định tương đối, phải qua một quá trình lâu dài lựa chọn, lập đi lập lại để từ những lựa chọn cá nhân thành lựa chọn cộng đồng, xã hội, nghĩa là phải thông qua những điều kiện của xã hội và kế thừa văn hóa dân tộc.
Như ý kiến của Nguyễn Bính trong đoạn chót của bài Chân Quê:
Ở đây, Nguyễn Bính trách cô gái quê đi tỉnh về, mang theo dấu thị thành thể hiện trên quần áo - Cái ma lực thị thành đang từng bước biến đổi cô gái quê không chỉ mang ý nghĩa rõ ràng là nhà thơ dựa trên thẩm mỹ truyền thống dân tộc để định hình thẩm mỹ cá nhân một cách chân quê (gốc gác nhà quê), mà người ta còn cho rằng Nguyễn Bính muốn làm một bản tuyên ngôn về đường lối sáng tác của mình: “Đường lối thơ theo nhà quê. Thi sỹ đồng quê Nguyễn Bính: người quê nhất, là một trong số không nhiều nhà thơ lầm lũi ngược dòng trở về nguồn cội. Đôn hậu, hồn nhiên đến mộc mạc, thủy chung và điển hình nhất của chất quê thuần phác, lắng đọng và tinh kết lại, tỏa sáng nơi đầu ngọn bút“ – Trần Đăng Thao
“Hoa chanh nở giữa vườn chanh“, vần thơ Nguyễn Bính đã được dệt từ những nồng nàn của hoa chanh, hoa bưởi… những hương quê đậm đà, ấm áp làm nên sức hấp dẫn của thơ ông. Nhà thơ một mình đăm đắm mong níu kéo lại những cái đẹp dung dị của thôn dã, của xóm làng, của dân gian.
“Thầy u mình với chúng mình chân quê“. Nhưng trong buổi giao thời, nhiều cái đẹp quốc hồn, quốc túy đã bị đánh mất giữa xô bồ, giữa biến đổi, giữa xâm thực của văn hóa phương Tây làm Nguyễn Bính day dứt khôn nguôi.
“Hôm qua em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều“. Sắc hương của vùng đồng bằng miền Bắc trên đại thể vẫn còn giữ được căn bản ở những đầu năm 30, 40, nhưng xét về thực chất, cuộc sống của làng quê Việt Nam đã không cưỡng lại được, chịu sự tác động của nền văn minh công nghiệp thành thị.
Nguyễn Bính chỉ làm thơ chân quê thuần túy Việt Nam về nội dung lẫn hình thức, không pha trộn thơ Tàu hay thơ Tây. Thơ ông mang nặng mối tình đằm thắm với xứ quê, người quê. Thi sỹ Thái Tú Hạp gọi Nguyễn Bính là nhà thơ của Hương đồng gió nội: “Trong thế giới thơ của Nguyễn Bính là cả một bầu trời quê hương đầy kỷ niệm... Thơ Nguyễn Bính mang bản chất những dòng ca dao trữ tình, đôn hậu, nhẹ nhàng nhưng chan chứa tình cảm đích thực, hiền hòa của đôi trai gái đồng quê yêu nhau“.
Cuối cùng là nhận xét của Hoài Thanh- Hoài Chân về Nguyễn Bính trong Thi Nhân Việt Nam thay cho lời kết: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta. Nhưng khôn hay dại – Chúng ta ngày một lìa xa nền nếp cũ để hòng đi tới chỗ mà ta gọi là văn minh. Dầu sao, những tính tình tư tưởng ta hấp thụ ở học đường cám dỗ ta, những cái phiền phức của cuộc đời mới lôi cuốn ta, nên ở mỗi chúng ta người nhà quê kia vốn khiêm tốn và hiền lành ít có dịp xuất đầu lộ diện. Đến nỗi có lúc ta tưởng chàng đã chết rồi. Ở Nguyễn Bính thì không thế. Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta“.
Xuân Phương
Nguồn: Văn Nghệ Biển Khơi