User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

truyen kieu

Một vài người Việt đã làm thơ lục bát bằng chữ Hán nhưng đó chỉ là  một trò chơi kém hào hứng, ít được hưởng ứng và không gây ngạc nhiên cho ai ngoại trừ những người Trung Hoa vì họ chưa hề biết thể lục bát là gì. Thơ Việt ngày xưa là chữ Nôm. Không ai rõ chữ nôm xuất hiện từ bao giờ và cũng không ai rõ những bài thơ nôm lục bát đầu tiên đã xuất hiện trong thời kỳ nào vì chẳng rõ còn dấu vết gì về những bài thơ đầu tiên đó.

Chỉ thấy sử sách ghi rằng vào đời Trần (1225-1400), ông Hàn Thuyên (chính ra là họ Nguyễn) là người đầu tiền đã làm thơ phú nôm theo luật Đường (tác phẩm của ông nay thất lạc cả) và đã gây thành một phong trào sáng tác thơ nôm mà trong những người còn để lại tên tuổi có Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Hồ Quý Ly… Trần Thánh Tôn (1240-1290) còn để lại một số thơ văn trong đó có những bài lục bát đượm mùi thiền.

Kể từ tóc để trái đào
Đến khi nương Phật làm ngao ngán lầm
Từ nay nhận được bản than
Cái gì cũng được muôn phần thảnh thơi

(tự thuật bài 1)

Trần Quang Triều (1287-1325),

cháu của Trần Quốc Tuấn lại có phong thái thoát tục của Lão Trang.

Thấy lòng giả dối càng khinh
Ta về giấc mộng quẩn quanh bên giường
Tiếng chim khuất khoảnh cành sương
Cánh buồm mang bóng tà dương đi về
Rừng thu ngó dáng gầy ghê
Thủy triều nước cuộc sáng lòe tấm gương
Rượu say ông vẫn bàng hoàng
Đầy thành man mác lá vàng tuôn rơi

(hứng muốn về)

Nguyễn Ức

cũng không còn phân vân giữa hai lối xuất xử

…thơ đào ba luống vườn còi
Bầu nhan vui với cảnh nghèo thú quê
Non xanh hẹn với ai về
Nỗi lòng thương kẻ dầm dề tóc sương
Sẽ đem rữ mũi sông Thương
Hồ thiên sớm muộn tìm đường nhàn du

(Thư Hoài)

Phạm Sư Mạnh,

học trò Chu Văn An, ca tụng cảnh đất nước và chiến công oanh liệt của tiền nhân:

Việc quan trèo núi mà chơi
Ngoảnh đầu muôn dặm chân trời xa xăm
Cánh bằng bay bổng biển Nam
Hòn Đóng Nhạc, trước trời chăm chắm chầu
Chín nghìn nhẫn núi Tượng đầu
Kim hòn An phụ bằng hầu năm tay
Tử Tiêu lớp lớp nổi mây
An Kỳ đâu tá hỏi rày thăm tiên
Bạch Đằng dội sóng liên miên
Hãy còn tưởng tưởng chiến thuyền Ngô Vương
Nhớ xưa thuở chứ Nhân Hoàng
Ghé vai xoay chuyển một trường nước non
Ngoài khơi ghe nốc dập dồn
Phất phơ cờ xí cửa non muôn ngàn
Trở tay xã tắc định an
Kéo sông Ngân rửa sạnh làm hôi tanh
Đến nay bốn biển dân tình
Nhớ dai thuở đánh tan tành giặc Nguyên

Đọc những bài thơ trên đủ để biết lục bát ở thế kỷ thứ 13 cũng đã nhuần lắm rồi. Đồng thời và sau đó nhiều nhà thơ Việt đã thí nghiệm viết truyện bằng thơ thất ngôn Đường luật (truyện Vương Tường, Tô Công Phụng Sứ - Lâm truyền Kỳ Ngộ hay Bạch Viên Tôn các) hoặc thơ thất ngôn trường thiên cổ thể như Hương Miết Hành (chiếc giày thơm) nhưng họ đã thất bại. Người ta bèn sử dụng thể lục bát để viết truyện và lục bát đã chứng tỏ có khả năng miêu tả, thuật sự… Trê cóc và Trinh Thử là hai trong những truyện thơ lục bát đầu tiên thường được cho là xuất hiện vào đời Trần nhưng lấy gì làm chắc. Ta thử đọc một đoạn trong  Trinh Thử (con chuột trinh tiết).

Chuột đực tán tỉnh chuột cái (góa chồng)

Chàng nghe nông nổi giãi bày
Quyết long cầm sắt một hai dỗ dành
Rằng nàng giải hết chân tình
Thương thay phận gái một mình long đong
Đã hay trong đạo vợ chồng
Nghĩa sâu, tình nặng, há lòng chẳng thương
Kinh quyền đôi lẽ là thường
Được nơi tựa ngọc, nương vàng thì thôi
Chẳng lo liễu cợt hoa chào
Bướm gìn ong giữ làm sao cho tuyền
Vả nàng là gái thuyền quyên
Phòng khi gặp kẻ vô duyên khôn dè
Ví mà dốc tấm lòng quê
Giữ sao cho được trọn bề hướng dương

Sau Trê Cóc và Trinh Thử, các truyện nôm lần lượt ra đời: Thạch Sanh, Phương Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, Quan Âm Thị Kính, Nhị Độ Mai, Nam Hải Quan Thế Âm, Tống Trần Cúc Hoa, Lý Công, Hoàng Trừu, Phan Trần, Hoa Tiên, Song Tinh Bất Dạ, Bích câu Kỳ Ngộ, Đoạn Trường Tân Thanh, Lục Vân Tiên… Đa số những truyện trên đều là những truyện tình, được coi như là một phương tiện để chuyên chở một chủ đích triết lý hay đạo lý – nhưng không phải truyện tình nào cũng xảy ra trong vòng trật tự của lễ giáo, bằng chứng là truyện Kiều đã từng bị kết án là dâm thư và cùng với Phan Trần, bị liệt vào loại sách cấm:

Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy kiều

Ta hãy thưởng thức ít đoạn trong một vài truyện tình kể trên

Nỗi lòng của Mai Lương Ngọc khi trông thấy Trần Hạnh Nguyên

Hay đâu con tạo lọc lừa
Chen vòng hắc vận, trao tơ xích thằng
Có phen bên gió dưới trăng
Buồn man mác bóng, cơn văng vẳng người
Trong vườn tha thướt đường ai
Xem hoàn đổ lá, giục đòi hái hoa
Người đâu trong ngọc trắng ngà
Mặt vành vạch nguyệt, tóc ngà ngà mây
Lập lòa mớ đính mớ thay
Sắc xiêm hoa dệt, nét giầy phượng thêu
A hoàn một lũ nối theo
Quạt tha thướt phẩy, lò dìu dặt mang
Xa xa thoang thoảng mùi hương
Mai sinh trông liếc rõ ràng tiểu thư
Mối tình buộc lấy khư khư
Hồn bâng khuâng quế, phách thờ thẩn mai
Của đâu trêu ghẹo chi ai
Ấy người cung Quảng, hay người đài Dương
Tấc riêng, riêng những mơ màng
Chữ tư để dưới chữ tương ngày ngày
Nghĩ mình lưu lạc đã dày
Chút niềm tâm sự dám bày cùng ai
Lại mang cái tiếng tôi đòi
Nhân duyên trời có nhiều người cho chăng

(Nhị Độ Mai)

Phan Tất Chánh gặp Trần Kiều Liên lần đầu:

Bỗng may may khéo là may
Nhác trông ra mái lầu tây thấy nàng
Thẩn thơ trước dãy hành lang
Vin cành biếc hái hoa vàng làm thinh
Xa xa phảng phất dạng hình
Đức Quan Âm đã giáng sinh bao giờ
Vội vàng làm khách bơ vơ
Đến gần ướm hỏi khách thơ một lời
Kể từ đến cảnh bồng lai
May thay đã trộm thấy người tiên cung
Mới hay hai chữ sắc không
Chẳng tơ mà dễ rối lòng trần duyên
Ba sinh ước vẹn mười nguyền
Chiêm bao lẩn quất ở bên giảng đình
Sư còn lân mẫn chúng sinh
Xin thương đến tấm lòng thành mấy nao
Bỗng nghe tiếng lạ lùng sao
Trai tài nào biết lẽ nào dám thưa
Nghĩ mình ở đám rau dưa’
Há nên tìm tiếng đong đưa cùng người
Làm thinh thà chịu mắc lời
Thềm hoa lần bóng, phòng trai giở giầy
Vội vàng khép bức rèm mây
Ngoài hiên còn chút hương bay với chàng
Một mình lui tới bẽ bàng
Khôn đường năn nỉ, dễ đường nhắn nghe
Đeo sầu chàng trở ra về
Xem chiều thẹn thẹn, e – e nực cười
Trách người một, trách ta mười
Bởi ta sờm sở nên người dảy dun
Còn trời còn nước còn non
Còn trăng, còn gió, hãy còn đấy đây
Trăng trăng, gió gió, mây mây
Biết là giở nỗi nước này cùng ai

(Truyện Phan Trần)

Lương Phương Châu và Dương Dao Tiên gặp nhau:

Trang thôi nhè nhẹ nưng cằm
Bóng doành lặng ngắm, chiều đăm đăm chiều
Hương đà lén trước bình thêu
Tình hôm nay hẳn vì điều hôm qua
Thưa rằng vườn mới thêu hoa
Êm cơn phải buổi hay là dạo chơi
Thực lòng nàng cũng tin lời
Một hương theo gót, vội dời sân ngô
Chòm chòm sương điểm khói tô
Đầu cành rắc phấn, mặt hồ lau gương
Dần dà nhẹ bước lần sang
Cửa son bỗng nhác thấy chàng tới sau
Tiếng vàng vội gọi con hầu
Gót sen nhè nhẹ bước mau về nhà
Cố tình ép liễu nài hoa
Lối về sinh đã rẽ qua theo đoàn
Nước thu lóng lánh một làn
Môi đào e ấp, vẻ lan dạn dày
Định tình sinh mới giải bầy
Duyên chi may lại phen này gặp nhau
Tấn riêng đặng đột bấy lâu
Tiện lân phỏng thấu bên lầu chút chăng
Ngày xuân đã dễ đâu rằng
Luống thay cữ gió, tuần trăng, hỡi người
Ngượng ngùng e tiếng lệ hơi
Gọi Hương mau bước, liệu lời cho nao
Rằng nay sửa mũ dưới đào
Vả trong lễ cấm phép rào, chẳng kiêng
Ngập ngừng sinh mới thưa chiềng
Lẽ chung đành vậy, tình riêng sao mà
Đeo đai trót một tiếng đà
Đài thiêng hổ có trăng già chứng lâm
Thề phai nguyền nhạt, khôn cầm
Cũng liều đầu bạc, dám lầm tuổi xanh
Nặng lời, dở lẽ làm thinh
Rằng trong cửu cửu phòng canh, biết gì
Dẫu cho nền lễ, sân thi
Cùng nhau đôi lứa cũng tùy nơi se.
Chia đường hãy lánh cho về.
Lẽ thường hẳn chẳng e-rề chút ru?
Nể lời, có lễ cầm lâu,
Lánh ngang, sinh lại theo sau gạn nài:
Lời vàng, ý ngọc dám sai,
Lửa gần, lại bảo cho bài nước xa
Tin kinh diệu vợi tin nhà,
Thưa chừng những sợ hoặc là sao chăng?
Chút chi gắn bó gọi rằng
Cho đành mối gió, tin trăng sau này”
Nghe lời vội dạo gót giầy,
Mắt đưa ai luống trông ngay tận lầu.
Về song vò võ mày châu,
Một phen gặp gỡ thêm sầu một phen
Với hoa những ngại ngùng duyên,
Thôi hờn mụ thắm, thời ghen nhụy vàng.
Sóng tình sao khéo lênh lang
Trúc mai sao khéo mơ màng chăng ai?

(Nguyễn Huy Tự (1743-1790): Truyện Hoa Tiên)

Nàng tiên Giáng Kiều xin kết duyên với thư sinh Trần Tú Uyên:

Một khi ra việc tràng văn,
Trở về đã thấy bát trận sẵn sàng.
So xem phong vị khác thường,
Mùi hoa sực nức, mùi hương ngạt ngào.
Bếp trời sẵn đấy hay sao?
Của đâu thấy lạ, lòng nào chẳng nghi?
Rạng mai cứ buổi ra đi,
Liệu chừng thoắt trở lại về thử coi.
Nẩy đâu thấy sự lạ đời:
Trong tranh sao có bóng người vào ra?
Nhơn nhơn mày liễu mặc hoa,
Này người khi trước đâu mà đến đây?
Nàng đương trang điểm nào hay,
Cửa ngoài sẽ hé cánh mây bước vào.
Vội vàng đánh tiếng xa chào,
Bên mừng, bên lệ xiết bao là tình!
Rằng: “Bấy lâu một chữ tình,
Gặp đây, xin ngõ tính danh tường.”
Nàng rằng: “Bồ liễu phận thường,
Vì mang má phấn, nên vương tơ điều.
Vốn xưa thiếp khách thanh tiêu,
Tiên Thù là hiệu, Giáng kiều là tên.
Ba sinh đã nặng vì duyên,
Đem thân liễu gái, kết nguyền đào thơ.
Nhân duyên đã định ngày xưa,
Tơ trăng se đến bây giờ mới thân.
Cũng là nhờ đức tiên quân,
Đóa hoa biết mắt chúa xuân từ rày.”
Sinh rằng: “Trong bấy lâu nay,
Nhắp sầu, gối muộn, có ngày nào ngơi!
Đã rằng: tác hợp duyên trời
Làm chi cho vẫn lòng người lắm nau.
Nàng rằng: “Xin quyết gieo cầu,
Tấm son thề với trên đầu xanh xanh.
Dám đâu bọc thói yến oanh,
Một mình trăng gió, nhạt tình lửa hương.
Gieo cầu trước đã giở dang,
Sau nên nát đá phai tàn như chơi.
Mái Tây còn để tiếng đời
Treo gượng kim cổ cho người soi chung.
Lạ chi hoa với gió đông,
Tiếc thương, vả cũng nể lòng chim xanh.
Một mai mưa gió bất tình.
Vóc tàn, nên để yến oanh hững hờ.
Nghĩ trong thân phận yêu thơ,
Làm chi để tiếng sờ sờ lại sau?.

(Bích Câu Kỳ Ngộ)

Đoạn Trường Tân Thanh

Lục bác đã được Nguyễn Du (1765-1820) đưa lên tột đỉnh vinh quang trong Đoạn Trường Tân Thanh, một tác phẩm chưa hề bị chê trên phương diện văn chương.

Kim Trọng và Vương Thúy Kiều gặp nhau:

Dùng dằng nửa ở, nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.
Trông chừng thấy một văn nhân,
Lõng buông tay khấu, bước lần dặm băng.
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theomột vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu dòn,
Cỏ pha mùi áo, nhuộm non da trời
Nẻo xa, mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa, tới nơi tự tình
Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
Chàng Vương quen mặt ra chào,
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa
Nguyên người quanh quất đâu xa,
Họ Kim, tên Trọng vốn nhà trâm anh
Nền phú hậu, bậc tài danh
Văn chương nết đất, thông minh tính trời.
Phong tư tài mạo tuyệt vời,
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.
Chung quanh vẫn đất nước nhà,
Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân
Vẫn nghe thơm nức hương lân,
Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều.
Nước non cách mấy buồng thêu,
Những là trộm dấu, thầm yêu, chốc mòng
May thay giải cấu tương phùng
Gặp tuần đố Lá thỏa lòng tìm hoa.
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai.
Người quốc sắc, kẻ thiên tài,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.
Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo
Dưới dòng nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Ngoài những truyện dài kể trên, các tác giả cổ diển không nhiều thì ít đều làm thơ lục bát và để lại nhiều bài giá trị.

Nguyễn Công Trứ (1778-1858),

nhà thơ sở trường về hát nói, nhiệt liệt đề cao chí nam nhi và hưởng nhàn hành lạc nhưng đã để lại một bài thơ lục bát nói lên cả quan niệm về nhân sinh của ông

Cây thông

Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tanh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời vách đá cheo leo,
Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

Chu Mạnh Trinh (1862-1905),

nhà thơ lãng mạn yêu thiên nhiên và thanh sắc, một người đã mạnh dạn, can đảm đề cao và bênh vực nàng Kiều mà nhiều nhà thơ trước đó và đương thời đã nghiêm khắc kết án tà dâm. Ông thường tả phong cảnh Hương sơn.

Hương Sơn nhật trình

(Trích một đoạn)

Hương Sơn là thú thanh cao,
Những là nay ước mai ao mấy lần!
Thanh bình gặp hội du xuân,
Én oanh nô nức xa gần đua nhau
Thuận giòng ngàn liễu cung dâu,
Một thuyền đèn sách, lưng bầu gió trăng.
Buồm la nhẹ cánh lâng lâng,
Hay đâu mượn gió gác Đằng đưa duyên.
Giang sơn thì vẫn người quen,
Dạo chơi châu phố xuôi miền Đục –khê
Chiêng vàng gác bóng non tê,
Dừng chèo ướm hỏi lối về chùa trong,
Lần khe Yến – vĩ đi vòng,
Bốn bề bát ngát xa trông lạ thường.
Giữa dòng đáy nước lông gương,
Mượn chèo ngư phủ đưa đường Đào-Nguyên.
Lạ cho vừa bén mùi thiền,
Mà trăm não với ngàn phiền sạch không.
Bầu trời bát ngát xa trông,
Biết đâu nước Nhược non Bồng là đâu.
Cỏ cây xanh ngắt một màu,
Yết thần vạn tuế lên lầu Ngũ doanh.
Nhác trông sơn thủy hữu tình,
Bút thần khôn vẽ bức tranh nào bằng.
Tiềng đâu văng cẳng chuông vàng,
Khói đâu nghi ngút mùi nhang Thiên trù
Thuyền lan mấy lá chèo đua,
Một dây thẳng tới bên chùa bước lên.
Lầu chuông gác trống đôi bên,
Cửa rồng năm sắc đài sen chín từng
Muôn hồng nghìn tía tưng bừng,
Suối khe thét nhạc thông rừng dạo sênh
Chim cúng quả, cá nghe kinh,
Then hoa cài nguyệt, chầy kình nện sương.

Nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương (1870-1907)

thường làm thơ luật nhưng ông cũng sáng tác một số bài lục bát nổi tiếng nhất là bài “Sông Lấp”

Hỏi ông trăng
Ta lên ta hỏi ông trăng,
Họa là ông có biết chăng sự đời.
Ông to ông ở trên trời
Hẳn ông soi khắp nước người, nước ta.
Năm châu cũng một ông mà
Kể ra thì lại mỗi nhà một ông!
Hỏi ông trời
Ta lên ta hỏi ông trời
Trời sinh ta ở trên đời làm chi?
Biết chăng? Cũng chẳng biết gì!
Biết ngồi nhà hát, biết đi cô đầu,
Biết thuốc lá, biết chè tầu;
Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi!
Sông lấp
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Đêm nghe tiếng ếch bên tai.
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

“Sông Lấp” với những dòng thơ giản dị nhưng gây bàng hoàng cho người đọc hơn bài Thăng Long Thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan.

Lê Vĩnh Thọ

(còn tiếp)

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com