
Dạ Cổ Hoài Lang là một bản nhạc cổ do nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976) sáng tác, nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc về đêm. Từ bản Dạ Cổ Hoài Lang mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sĩ sau này chuyển lên 4 nhịp rồi 8 nhịp, mà thành bài vọng cổ đầu tiên…
Nguyên nhân ra đời, Cao Văn Lầu (tức ông Sáu Lầu) đã thổ lộ với bạn thân rằng:
Tôi đặt bài này bởi tôi rất thương vợ. Năm viết bản Dạ Cổ Hoài Lang, tôi đã ăn ở với vợ tôi được 3 năm mà không có con… Tiếng ra, tiếng vào của gia đình buộc tôi phải thôi vợ, nhưng tôi không đành. Tôi âm thầm chống lại nghiêm lệnh của gia đình, không đem vợ trả về cho cha mẹ mà đem gởi đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu… Tác giả bài báo kể tiếp: Trong thời gian dài, phu thê phải cam chịu cảnh “đêm đông gối chiếc cô phòng”, Sáu Lầu thường mượn tiếng đàn để vơi cơn phiền muộn. Và bản Dạ Cổ Hoài Lang đã ra đời trong bối cảnh như thế…
Đi tìm nguồn gốc để bổ sung chi tiết, tác giả Trung Tín trong một bài viết, cho biết thêm hai lời kể nữa như theo lời kể của nhạc sĩ Hai Ngưu, trong một đêm ông Sáu Lầu trực gác tại Nhà Đèn Bạc Liêu vào năm 1920, do đau khổ trong hoàn cảnh nợ duyên ngang trái, ông xúc cảm viết thành bản nhạc lòng Dạ Cổ Hoài Lang (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng). Sau khi bản Dạ Cổ Hoài Lang ra đời… ít lâu sau (nhờ vợ ông có thai) hai vợ chồng ông được tái hợp, để rồi sau đó hai ông bà đã có với nhau 6 người con.
Còn theo lời kể của nhà giáo Trịnh Thiên Tư với ông Chín Tâm (nguyên giảng viên Trường Quốc Gia Âm Nhạc và kịch nghệ Sài Gòn), năm ông Sáu Lầu 28 tuổi, ông được lệnh mẹ phải thôi vợ vì lý do “tam niên vô tự bất thành thê”. Ông Sáu Lầu đau khổ nhưng không dám cãi lời mẹ dạy. Chiều chiều ông ôm cây đàn kìm ra sau vườn làm bạn tâm tình…
Bài này lúc đầu có 22 câu và ông đặt tên là Hoài Lang. Danh ca Bảy Kiên nhận thấy có vài câu trùng ý, đề nghị rút lại còn 20 câu. Đồng thời ông Kiên còn thêm vào hai chữ “dạ cổ”, thành ra “Dạ Cổ Hoài Lang”. Về lời ca, nhạc sĩ Sáu Lầu phóng tác theo bài thơ “Chinh Phụ Thán” của nhạc sư Nguyệt Chiếu – trụ trì chùa Phật Hòa Bình ở Bạc Liêu. Bài thơ mang âm hưởng tích “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn” đời nhà Tần bên Tàu. Nhưng theo Trần Tấn Hưng (có biệt danh Năm Nhỏ) và những người đồng môn với ông Cao Văn Lầu, thì ông Lầu đã soạn được phần nhạc trước khi xa vợ. Ông Hưng kể, ông Cao Văn Lầu cùng các bạn học đồng thời đã được thầy là nhạc sư Lê Tài Khí (tức Nhạc Khị) hướng dẫn sáng tác theo một chủ đề là “Chinh Phụ Vọng Chinh Phu”, được rút ra từ bản Nam Ai Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn. Lúc đó có nhiều người sáng tác, riêng ông Cao Văn Lầu trong năm Đinh Tỵ (1917) đã sáng tác một bản nhạc 22 câu, nhưng gặp phải hoàn cảnh vợ chồng ly tán… Vì quá đau buồn nên ông không thể tiếp tục đặt lời ca, mãi đến năm sau vợ chồng hàn gắn lại ông mới có đủ tinh thần chỉnh lý bản nhạc. Ông đã theo lời khuyên của bạn đồng môn là Ba Chột, tác giả bản Liêu Giang, tác phẩm được sáng tác cùng thời và cùng một chủ đề vừa nêu trên, bỏ bớt 2 câu trùng lắp còn lại 20 câu và tiếp tục đặt lời ca… Và cũng theo ông Hưng, cái tên Dạ Cổ Hoài Lang là của một nhà sư đặt cho bản nhạc.
Bản nhạc và lời ca đã sáng tác xong nhưng chưa có tên. Lại vừa đến Rằm Trung Thu (Mậu Ngọ, 1918) ông Lầu cùng các bạn đến thăm thầy luôn tiện đem bản nhạc ra trình. Ông Lầu đã dùng chiếc đàn tranh vừa độc tấu một lần và vừa đàn vừa ca thêm một lần nữa. Lúc đó, ngoài các thầy trò còn có mặt nhà sư Nguyệt Chiếu, một người rất tinh thâm Hán học và nhạc cổ truyền, chính thầy Nhạc Khị đã nhờ nhà sư đặt tên cho bản nhạc vừa tấu và nhà sư đã đặt tên là Dạ Cổ Hoài Lang. Vậy, bản Dạ Cổ Hoài Lang 20 câu nhịp đôi đã chính thức ra đời kể từ đêm đó…
Tác giả Trần Đức Thuận ở Bạc Liêu trong một bài viết đã kết luận là bản Dạ Cổ Hoài Lang về nguyên nhân sáng tác tuy có dính líu một phần nào với hoàn cảnh chia ly của vợ chồng Cao Văn Lầu, nhưng nguyên nhân chính vẫn là nhờ sự hướng dẫn sáng tác của thầy Nhạc Khị với một tiêu đề định sẵn…
Bàn về thời điểm Dạ Cổ Hoài Lang ra đời, ngoài những chi tiết khá khác nhau qua lời kể ở phần trên, còn có nhiều ý kiến chưa được thống nhất, tương thuận nữa, kể cả hai ông Cao Kiến Thiết và Cao Văn Bỉnh, là hai người con của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng chưa xác định được thời điểm, vì có lúc hai ông nói năm 1919 là năm ra đời bản Dạ Cổ, có lúc hai ông lại nói năm 1919 là năm đổi tên Dạ Cổ thành Vọng Cổ.
Và theo các nhà biên khảo, nghiên cứu khác thì như ông Thành Châu trên báo Văn Học Nghệ Thuật, nhà thơ kiêm soạn giả cải lương Kiên Giang đồng thuận cho rằng bài Dạ Cổ Hoài Lang ra đời năm 1917.
Theo trang Wikipedia, nhạc sĩ Trọng Nguyễn viết trong kỷ yếu Từ Dạ Cổ Hoài Lang (trang 40), nghệ sĩ cổ nhạc Ba Vân tức Lê Long Vân trong bài Kể Chuyện Cải Lương (trang 67), cho là bài Dạ Cổ Hoài Lang ra đời năm 1918. Riêng về nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng trong Kỷ yếu Từ Dạ Cổ Hoài Lang, và tác giả Lâm Tường Vân trong đặc san Quý Dậu 1993, của Hội Ái Hữu Bạc Liêu vùng Nam Cali anh đi mà chợt mát, đăng ở trang 28, và tác giả Nguyễn Tư Quang viết bài trong tạp chí Bách Khoa số 63, Sài Gòn như Hòn Ngọc Viễn Đông xưa, 1959 thì năm ra đời của bài Dạ Cổ Hoài Lang là năm 1919.
Chưa hết đâu bà con, ông anh lớn của Trần Văn Tui, một tiến sĩ âm nhạc học tại Paris, gốc Petrus Ký, GS. Trần Quang Hải (cháu của cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch, và cũng là cháu của Đại Danh Tướng Nguyễn Tri Phương (1800-1873), phục vụ trong triều đình thời nhà Nguyễn. Ông là vị võ tướng thao lược binh bị, một tham mưu trưởng chỉ huy quân đội triều đình nhà Nguyễn chống chọi lại quân thực dân bá quyền Pháp xâm lược ác ôn qua các trận thư hùng như các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Ông anh Paris của Ba Nhà Mùa Văn Tui kể lại là ca khúc Dạ Cổ Hoài Lang ra đời vào năm 1920 và nhà biên khảo và nghiên cứu văn học Toan Ánh đồng ý cho là tác phẩm bất hủ của ông Sáu Lầu khai sanh vào khoảng năm 1920, ông anh Paris được hai phiếu thuận nhé.
Do vậy, chúng ta thấy gì? Bài ca Dạ Cổ Hoài Lang có nguồn gốc về năm sanh khá bí hiểm như nụ cười lâm li kín đáo La Joconde hay như tông tích của thi nhân TTKH vẫn là sự huyền bí sẽ mãi mãi chưa được xác định rõ. Chúng ta chỉ biết nó ra đời ở cuối hay sau thế chiến thứ nhứt, maybe okay thế thôi nhé.
Trở lại bài Dạ Cổ Hoài Lang với giọng hát bi ai, bùi ngùi của nữ nghệ sĩ Ngọc Quỳnh đóng trong vai “Chinh phụ vọng chinh phu”, thui thủi chờ đợi ở khuê phòng cô đơn lạnh lẽo của nhiệt kế 50 độ Fahrenheit, xêm xêm 10 độ Celsius hay 238 độ trên nhiệt kế Kelvin, khi mà máy sưởi của khuê phòng của madame Ngọc Quỳnh chỉ độ nhiệt lượng với công suất dưới một ngựa (one horse power) hay 9000 BTU/Hr, khá khiêm nhường theo phép tính của môn Heat Transfer mà Văn Tui còn nhớ bì bõm của năm junior tại đại học của thuở học đại thôi, khuê phòng lạnh giá mà nỗi buồn chờ mong về hình ảnh của đức lang quân từ chiến trường xa xăm khi vinh quang trở về của thi ca: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”. Ý tưởng ít nhiều liên quan tới bản Dạ Cổ Hoài Lang mà ca sĩ Ngọc Quỳnh đã trình diễn trong ngày Gia Long hội ngộ toàn thế giới năm nào đã qua rồi.
Nữ nghệ sĩ Ngọc Quỳnh là ai?
Nàng là một giọng ca của sân trường Gia Long, gốc gia đình di cư từ đất Hà Thành vào Nam sau biến cố đất nước phân ly 1954, dù sinh trưởng và lớn lên tại Sài Gòn, nhưng giọng nói của cô vẫn đặc sệt chất Bắc. Ngọc Quỳnh có khiếu ca hát, cô xem sở thích cầm ca như thú vui nghiệp dư. Nghề kiếm cơm, dốp thơm dằn bao tử “bread and butter”, dốp chính của cô là dạy học bao năm với phấn trắng bảng đen của sân trường Huê Kỳ. Cô cho biết cô vẫn nhớ về thủ đô Sài Gòn Nhỏ, nơi mà những sinh hoạt văn hóa cội nguồn dân tộc đầy ắp, nên mỗi khi sinh hoạt cộng đồng cô phải lái xe từ Los Angeles xuống Orange County vác ngà voi. Nhờ ông xã dễ chịu, anh Vũ Văn Hòa tâm sự với bần bút, khi bà ấy công tác cộng đồng thì anh ở nhà trông nom, tếch-ke như Mr. Mom cho 3 cháu nhi đồng teenager. Anh Hòa là kỹ sư ngành thiết kế tàu bay chiến đấu cho một công ty lớn về quốc phòng, anh đùa là đi làm kiếm tí tiền còm cho bà nhà đổ xăng cho vợ đi phục vụ thiện nguyện xã hội của cộng đồng ta.
Năng khiếu của Ngọc Quỳnh chính ra về ca nhạc tiền chiến, nhạc thính phòng, nhưng cô còn hát nhạc dân ca Bắc Trung Nam, một lãnh thổ toàn vẹn đất đai, Ngọc Quỳnh hát Ả Đào, Ca Trù, Hò Huế, và cái món tôi chú trọng trong bài này là vọng cổ cải lương. Sau đêm hát tưởng niệm về nhạc sĩ Trần Trịnh tại Emerald Bay vừa qua, Ngọc Quỳnh tâm sự là cô nghe nói Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm vốn thích nghe cổ nhạc Nam phần, mà chương trình hôm Mừng Thượng Thọ cho Giáo Sư Liêm tại đài TV VHN lại chật ních, con kiến bò vào không lọt thì làm sao cô dám đề nghị ca tặng cho cô thầy Liêm. Cô bèn gởi bần bút MP3 bài ca của cụ cố soạn giả Cao Văn Lầu đến Thầy Liêm vậy. Tôi bảo là đợi dịp lễ Cúng Kỳ Yên 2013 của Hội Lăng Ông Lê Văn Duyệt vậy. NQ nói hát bài Dạ Cổ Hoài Lang của cụ cố Cao Văn Lầu cần có một vị nam lưu trong vai tướng công “Nhứt tướng công thành vạn cốt khô”, vậy ai thủ vai ấy được <?>, tôi bảo cô là tôi có ông chú thích ca hát, tonton Phạm Kỳ Lân của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, gương mặt tonton hao hao như kép mùi Thanh Sang, dáng dấp cao ráo như kép đẹp Thanh Tú, hát vọng cổ khá lắm, dân Tây Ninh mà, đất Tây Ninh thì hai bộ môn hát bội hay cải lương vốn rất phổ thông. Tôi còn nhớ ngày tôi lên 6 hay 7 tuổi về thăm quê nội, người cô háo hức đưa tôi đi xem vở Phụng Nghi Đình do đoàn hát từ Sài Gòn đến, cô bảo là vở tuồng hay lắm, có danh nhân Lã Bố và Điêu Thuyền, thú thật suốt buổi hát, đứa bé 6, 7 tuổi chỉ ngủ gà ngủ gật, nếu có mơ ước phải chi khi ấy được đi xem phim hát Ấn Độ cà ri nị ở rạp Long Phụng trên đường Gia Long, tuồng ciné đen trắng, những thước phim đôi khi lắc twist nhảy giựt xốn xang đôi mắt, chắc là hàng triệu ông bà bảy chà Ấn độ cà ri xem xong rã rời hao mòn cuốn phim, rồi mang sang Việt Nam dụ khị kiếm thêm chút cháo bào ngư khi cho chúng tôi coi chứ gì nữa nhỉ <?>. Cuốn phim ngày xưa mãi mãi lâm ly “Sữa rừng thay sữa mẹ”, nói về cậu bé lạc vào rừng hoang sống chung thích thú, vui vẻ với bầy dã nhân, bé Ấn Độ theo các mẹ dã nhân đu dây, tắm suối, hái nhãn lồng, hái dâu rừng, hái sim tím chiều hoang biền biệt,.., khi khát nước vạch ngực mẹ dã nhân ra bú sữa say sưa, mà đâu phải một mẹ có bình sữa quá khổ đâu, phim cho thấy 7 mẹ dã nhân lúc nào cũng tươi cười nhe răng trắng phếu như bảy Hynos, tiếng cười dòn tan thân thiện như sẵn sàng nuôi bé Ấn đầy đủ bằng sữa tươi nguyên chất bổ dưỡng của mình,.. Bỗng cô tôi đánh thức tôi dậy xem tuồng Phụng Nghi Đình, trong khi hồn đứa bé từ Sài Gòn về Tây Ninh lại bỏ quên con tim ở khu rừng Ấn quốc tại rạp Long Phụng ngày xưa.
Lạ lẫm thay, tôi như cô em gái CLBTNS Ngọc Quỳnh càng về chiều càng mê món vọng cổ cải lương, dù tôi chỉ nghe hát mà thôi. Còn gái Bắc 100 phần dầu xà bông Cô Ba, em gái NQ ca vọng cổ giọng Nam air miệt lục tỉnh nhuyễn nhừ…
Là một thành viên tích cực, Ngọc Quỳnh hứa tham gia cùng anh chị em Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ trong chương trình thiện nguyện, cô sẽ ca duet một liên khúc cùng nhạc sĩ Lâm Dung với hai bài tình ca “Yellow Bird” và “Jamaica Farewell” bằng song ngữ Mỹ Việt cho hôm hát tại OC do American Red Cross cùng Hồng Bàng Cultural Center tổ chức gây quỹ Sandy Relief, xoa dịu phần nào những khổ đau nạn nhân của bão Sandy. Thank you and bravo Ngọc Quỳnh !!!
Xin trân trọng giới thiệu nữ nghệ sĩ tân cổ nhạc Ngọc Quỳnh trong vở “Dạ Cổ Hoài Lang” của cụ cố soạn giả Cao Văn Lầu của đất Bạc Liêu, nghe attached MP3, nơi gần cuối nước Việt, giáp ranh với Sóc Trăng và Cà Mau, cũng là quê hương của em gái Lâm Mai Thy có gốc xứ Bạc, xứ vàng.
Chấm hết.
Việt Hải LA