User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
bautroisao
 
Nói đến Sao là cả một vấn đề to lớn, dài dòng, bắt phải do dự, chẳng biết nên đưa đoạn nào ra, bàn đến vì sao nào, nhiều hơn, ít hơn. Làm sao để người đọc đừng gập sách kêu buồn ngủ. Cần cả chục quyển sách cũng không thể nói hết, chuyện trên trời bao giờ cũng nhiều. Thiên Văn, là văn ở trên trời, chúng tôi sẽ cố thu gọn. Người chịu đọc mục nầy hẳn sẽ như lá mùa thu lá xanh, chứ không phải lá vàng. Với những người yêu thích thì sẽ là quá ít ỏi thiếu thốn, xin mời ra thư viện.

Sao Với Người Thượng Cổ

Đề cập đến Sao, người Á Đông nói chung, và người Việt Nam ta đều biết, thường nhắc đến Nhị Thập Bát Tú. Người xưa xem sao để biết sự chuyển hướng của gió mưa, trước khi bàn đến việc cát, hung, tức là nhìn sao để đoán điềm lành điềm dữ. Sao là hướng đạo cho người thủy thủ, là thầy của bác nông phu, là bạn tâm tình của những người yêu nhau mà không được gần, phải nhờ sao chuyển tình mình đến người ấy, sao là thi hứng của thi nhân.

Người nông dân ở thời nào, xứ nào, cũng biết nhìn sao, đoán định thời tiết, chẳng hạn như tháng 7 sao Đại Hỏa hạ xuống thấp hơn, tức là báo hết mùa hè, trời sẽ bớt oi nồng, chuôi sao Bắc Đẩu quay về tháng Thân tức tháng 7 ta. Sao Đại Hỏa là sao Tâm, vào đầu tháng 6, sao nầy ở phương Nam, đầu tháng 7 hạ xuống phía Tây.

Người phụ nữ Á Đông xưa tảo tần làm việc để nuôi những ông chồng dài lưng tốn vải, với niềm hy vọng được ngựa anh đi trước võng nàng theo sau, các bà nầy cũng đã nhìn sao để biết rằng trời sắp sáng, hay chưa, khi chòm sao Tam Tinh hiện ở cửa là đêm đã khuya, nên dẹp khung cửi, nong nia, để vào ngủ lấy vài giờ ngày mai còn đi chợ sớm. Khi trăng đứng cùng một vị trí với sao Tất, trời sẽ chuyển mưa, nếu có đi chợ thì dặn người nhà lo cất giấu những nong ngô khoai đang phơi ngoài sân.

Người xưa lấy mặt trăng, mặt trời và Ngũ Hành tức là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, (sắt, gỗ, nước, lửa, đất) hợp lại gọi là Thất Chính, hay Thất Diệu, cũng xem Ngũ Hành như 5 vì sao gọi là Ngũ Vỹ.

Ngũ Vỹ là Mộc Tinh (Jupiter) còn tên là Tuế Tinh. Hỏa Tinh (Mars) còn tên là Huỳnh Hoặc, Kim Tinh còn tên là Minh Tinh hoặc Thái Bạch (Venus) Vì màu ánh sáng của sao nầy mang sắc ngân bạch và độ ánh sáng đặc biệt cao. Sao nầy lúc nhìn thấy ở phương Đông còn gọi là Khải Minh, vào lúc hoàng hôn lại được gọi là Trường Canh.

Thủy Tinh (Mercure) còn gọi là Thần Tinh và Thổ Tinh (Saturne) còn tên là Trấn Tinh hoặc Điền Tinh. Các hành tinh khác như Thiên Vương Tinh, Hải Vương Tinh, và Minh Vương Tinh là về sau nầy, thời thượng cổ chưa đủ sức nhìn thấy. Không bàn đến ở đây.

Người xưa nhìn sự luân chuyển của mặt trăng, mặt trời cùng với các hằng tinh, tức là định tinh (những vì sao không biến chuyển) nhân đó mà đặt vị trí cho sự vận hành của các vì sao. Sau bao nhiêu thế hệ quan sát, bổ túc lâu dài, người ta đã chọn Hoàng Đạo và Xích Đạo phụ cận với 28 hằng tinh làm hoa tiêu (coordination) mang tên Nhị Thập Bát Tú.

Đông phương: Thanh Long có 7 sao là: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.
Bắc phương: Huyền Vũ có 7 sao: Giác, Khương, Đê, Phòng, Tâm, Vỹ, Cơ.
Tây phương: Bạch Hổ có 7 sao: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm.
Nam phương: Chu Tước có 7 sao: Tĩnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.
Bốn con thú, Thanh Long, Huyền Vũ, Bạch Hổ, và Chu Tước nầy còn được gọi là tứ tượng.

Cho Đông phương mang tên Thanh Long hay Thương Long vì nhận thấy nó hơi giống con rồng. Từ sao Giác đến Khương là đôi sừng của đầu rồng, sao Đê và sao Phòng là mình rồng, sao Tâm, Vỹ, Cơ là đuôi rồng.

Phương Nam, Chu Tước cũng vậy. Từ sao Tĩnh đến sao Chẩn người xưa cho rằng nó mang hình con chim, vì thế mới gọi là Chu Tước, sao Liễu là cái mỏ, sao Trương là cổ chim, và sao Dực là đôi cánh. Tuy gọi một tên nhưng mỗi tên là cả một chòm sao, có những chòm sao tổng hợp đến gần hai chục vì sao khác.

Huyền Vũ tượng hình con rùa lai rắn, Quy xà hợp thể (rồng rắn hợp một thân).

Bạch Hổ tượng hình con hổ.

Nhị Thập Bát Tú còn là những chòm sao để cho người ta dùng làm đối tượng, để trắc định năm tháng và ngày giờ. Mới chập tối mà sao Sâm đóng tại chính phương Nam là tháng Giêng, mùa Xuân, sao Tâm tại chính phương Nam lại là tháng Năm, mùa Hạ…

Ngoài Nhị Thập Bát Tú ra, người xưa còn chia ra Thập Nhị Thứ, và Tam Viên.
Tam Viên là Tử Vi Viên, Thái Vi Viên và Thiên Thị Viên. Vì ở từ lưu vực Hoàng Hà nhìn thấy Bắc Cực, nên người ta lấy sao nầy làm tiêu chuẩn, tập hợp với các sao chu vi, lập thành một khu, gọi là Tử Vi Viên.

Ở ngoài vùng Tử Vi Viên nầy bắt đầu từ các sao Trương, Dực, và Chẩn tới khu vực phương Bắc gọi là Thái Vi Viên.

Từ các sao Phòng, Tâm, Vỹ, Cơ đến phương Bắc của vùng nầy gọi là Thiên Thị Viên.

Nhị Thập Thứ để chia vị trí của mặt trời trong một năm theo 4 mùa, và tiết khí thay đổi ra sao. Thí dụ như, lúc mặt trời tại Tinh ký thứ nhất có sao Đẩu, sao Ngưu, sao Nữ tức là thời tiết bắt đầu giao Đông Chí. Tại huyền hiêu thứ hai có sao Nữ, sao Hư và sao Nguy, giao Đại Hạn.

Liên Hệ Giữa Người Và Sao

Vì có sự tin tưởng rằng mỗi người, mỗi nhân vật đặc biệt, quan trọng, nắm vận mệnh quốc gia hoặc là có ảnh hưởng đến quốc gia đều có một vì sao trên trời. Người ta tin rằng Thiên Văn, và Nhân Văn có liên hệ mật thiết với nhau, muốn biết nhân sự sẽ có gì, và đang có gì xảy ra thì, với người biết thiên văn chỉ việc nhìn lên trời vào lúc nửa đêm, đọc văn trên trời cũng chẳng khác gì đọc văn của người ở cõi đất.
Do đó mới đặt ra cái gọi là Thiên Văn Học (Độ tinh đẩu nhi tri nhân sự).

Những nhà Thiên Văn lớn như Gia Cát Khổng Minh, Tư Mã Ý, Lý Thuần Phong, Thiệu Khang Tiết, Lưu Bá Ôn… đều là những người có thể nhìn sao mà biết có những gì sẽ xảy ra và đã xảy ra ở nơi nào.

Lấy Bắc Đẩu làm điểm cơ bản như trên đã nói, dọc hai bên Ngân Hà để định phương vị. Người ta đã vạch ra 9 châu để có thể đối chiếu, có thể biết vùng nào thuộc sao nào, và sao nào sẽ ảnh hưởng đến người nào.

Ngoại trừ Thái Dương Hệ là vị Hành Tinh lớn, Nam Đẩu có 6 sao, Bắc Đẩu có 7 sao và Nhị Thập Bát Tú. Sau đó là những tiểu tinh khác, không tên hay chưa có tên, và với những tiểu tinh nầy người ta cho rằng nó có liên hệ với những nhân vật của các vùng. Tra rõ người xuất sinh ở nơi nào, tháng, năm, ngày, giờ nào thì có thể biết là họ thuộc về ngôi sao nào. Người sắp chết sao sẽ dao động, nếu người ấy bị vận xui, sao sẽ hắc ám.

Sử chép, Tư Mã Ý, một đêm ra xem sao mà biết là Gia Cát Khổng Minh sắp chết, mừng lắm, đó là do sự hiểu biết về Thiên Văn. Người xưa cho Thiên Văn và Địa Lý là môn học cao nhất, phải bậc Đế Vương chi sư thì mới hiểu biết về những môn nầy. Ngày nay môn học đã bị thất truyền vì các triều vua sau nhận thấy nó quá quan trọng mà để cho thứ dân biết ắt sẽ dễ bề làm loạn nên đã cấm chỉ rất khắc nghiệt ai dám nhìn trời ban đêm cũng có thể ghép vào tội tử hình vì trái phép vua.

Sử sách còn ghi thêm câu chuyện Lưu Bá Ôn một thiên văn gia, trong lúc đi chơi ban đêm ngước mắt lên trời, bỗng thấy có một vì sao thuộc Tử Vi Viên, và miệt giữa Giang Hà Văn lại có Thiên Tử Khí Nhìn đường không xa, ngày mai, ông khăn gói lên đường đi tìm, và tìm ra được Chu Nguyên Chương, mời vào phòng riêng bái mà nói: Trong 10 năm nữa ngài sẽ là chân mệnh Thiên Tử. Chu Nguyên Chương sợ hãi trả lời tôi chỉ là một tiểu tướng, sao lại bảo vậy. Chu Bá Ôn hẹn trong 10 năm. Về sau kết quả đã xảy ra y như thế,

Nguyên Chương tức Minh Thái Tổ, dùng Chu Bá Ôn làm cố vấn cho mình.
Từ sau thời Tam Quốc, triều đình biết Thiên Văn Học là một môn học nguy hiểm, ra lệnh cấm ngặt, không cho dân gian được học nên môn học bị mất dần. Cũng ở trong cổ thư ghi lại khi Tư Mã Ý nhìn trời mà biết rằng Gia Cát Lượng sắp chết, ông mừng lắm vì trong đời làm tướng ông đã bị Khổng Minh lừa mấy lần mà vụ Không Thành kế là một trận chiến làm ông tức tối nhất. Trong khi ấy thì nơi quê nhà, Gia Cát ông cũng biết rằng mệnh mình đã mãn, tự làm lễ Nhưỡng để chuộc tội, cầu xin sự bình yên cho con người trước khi chết.

Đế Vương tinh bao giờ cũng đóng ở Tam Viên, mỗi viên có 5 sao chính cố định, nếu nhìn thấy một vì sao thứ 6 hiện ra thì đó là Đế Vương Tinh. Khi thiên văn quan nhìn thấy trên trời xuất hiện một tân binh thì phải tìm xem nó hợp với một nhân vật nào ở cõi đời, sau khi so đủ ngày tháng năm giờ sinh của sao và người có phù hợp thì phải báo cáo ngay, nếu có sự tương hợp thì triều đình hoặc là thủ tiêu, hoặc là đày đi xa. Nếu là một vì sao sáng rực rỡ, đó là Thụy Tinh, sẽ có một vị vua xứng đáng, nếu chỉ là một vì sao nhấp nháy lúc tỏ lúc mờ thì đó là yêu tinh, là Khách tinh hay là dị tinh.
Là yêu tinh thì không phải là một đấng minh quân sẽ ra đời, nhờ sao để biết thời vận của con người, cũng từ đó mà những ai không nộp ngày sinh tháng đẻ, quê quán rõ ràng thì theo pháp xưa không được làm quan, có thi đỗ cũng không được bổ nhiệm.

Bắc Đẩu

Dành nói riêng về Bắc Đẩu vì đây là Vì sao được trọng dụng nhất. Bắc Đẩu thuộc Tử Vi Viên gồm có 7 sao là: Thiên Xu, Thiên Tuyền, Thiên Cơ, Thiên Quyền, Ngọc Hoành, Khai Dương và Dao Quang. Người ta nhìn thấy hình 7 vì sao nầy hợp lại giống cái đấu rượu, 4 sao Thiên Xu, Thiên Tuyền, Thiên Cơ, Thiên Quyền hợp thành cái đấu, và 3 sao Ngọc Hoành, Khai Dương, Dao Quang thành cái cán đấu.

Người ta dùng Bắc Đẩu làm điểm tựa để quy định phương hướng. Lấy hai vì sao Tuyền và Xu kéo thẳng ra 5 bội thì sẽ gặp sao Bắc Cực, xem Bắc Cực Tinh là Tiêu Chỉ của phương Bắc.
Vì Bắc Đẩu tinh xuất hiện không đều, từ thời tiết, ngày đêm và vị trí, nên người xưa cho rằng vì sao nầy đã quay chung quanh Bắc Cực mà trong thời thượng cổ người ta lấy chuôi sao Bắc Đẩu để chỉ phương hướng và định quý tiết.
Chuôi Bắc Đẩu quay chỉ về phương Đông, thì dưới trời phải là mùa Xuân (Đẩu bính chỉ đông, thiên hạ giai xuân). Đuôi sao chỉ phương Nam thuộc mùa Hạ, chỉ phương Tây thuộc mùa Thu và chỉ phương Bắc thuộc mùa Đông.

Sử ký, thiên Quan Thư viết: “Thiên tắc hữu liệt tú địa tắc hữu châu vực” (Trên trời có sao dưới đất có châu vực), chứng tỏ sự liên hệ giữa trời và đất dưới mắt người xưa. Thời Xuân Thu, Chiến Quốc người ta căn cứ các châu vực ở mặt đất để phân hoạch các vị tinh tú trên trời cũng như dùng các tinh tú trên trời để phân biệt, chi phối các châu vực dưới đất. Đôi bên đối ứng, do đó lúc nói đến vì sao nào thì biết là ở xứ nào, châu vực nào, gọi là sự phân dã, tức là phân chia từ trên xuống dưới.
Thí dụ như sao Giác, sao Khương (cang) ở nước Trịnh, và Giác, Khương, Đê ở Duyện Châu. Sao Đê, sao Phòng, sao Tâm thuộc Tống, và sao Phòng, Tâm ở Dự Châu, sao Dực, sao Chẩn thuộc Sở, Kinh Châu.

Sở dĩ cổ nhân chia khu vực cho các vì sao như vậy là để quan sát sự cơ tường của những hiện tượng trên trời, theo đó mà chiêm bốc, đoán điềm cát hung xảy ra trên một xứ nào. Trong sách Luân Hoành, thiên Biên Hư có nói đến Huỳnh Hoặc khi nhập vào vùng sao Tâm đã ghi:
“Huỳnh Hoặc, Thiên phạt dã, Tâm, Tống phận dã, họa đương quân” có nghĩa là sao Huỳnh Hoặc biểu hiệu sự phạt của Thượng Đế, sao Tâm thuộc nước Tống, vì vua đương thời sẽ mắc họa.
Cũng như người ta nhìn Nhật Thực với niềm lo ngại cho rằng bất lợi cho xứ ấy, Tả truyện ghi ngày có Nhật Thực là ngày trời cảnh cáo cho vị vua xứ ấy biết cũng như Tuệ Tinh là điểm sẽ có nạn đao binh ác liệt sẽ xảy ra. Các chiêm tinh gia (thứ nhật) còn biết nhìn sao nào hiện ra ở vùng nào mà đoán định sẽ có lụt, hạn, hoặc được mùa, dịch tật, đói kém, trộn cướp. Chính trị cũng theo đó mà dự liệu để cho dân bớt khổ.

Sự biến đi hoặc hiện ra của một vì sao là điều quan trọng dưới tầm mắt người xưa, cũng như chú ý đến màu sắc thay đổi của mỗi vì sao trong công việc chiêm nghiệm.

Đọc sách Binh Thư Yếu Lược của Trần Hưng Đạo ta sẽ thấy vị Tướng nầy đặc biệt chú ý đến Thiên Văn và ngài đã để dành cả một thiên để nói tới.
Sau đây xin trích ra vài hàng của Binh Thư Yếu Lược và Thái Bạch:
Thái Bạch và mặt trăng cùng chiếu sáng thì có cuộc binh đao đại nhiễu loạn.
Thái Bạch mọc trong vầng trăng mà có hiện tượng nguyệt thực xảy ra thì bậc tướng lãnh bị chết.
Thái Bạch mọc trên mặt trăng, trong thời hạn 5 ngày có cuộc binh đao nổi dậy.
Mùng 3 tháng 8 sao Thái Bạch chuyển động bất thường về hướng Bắc thì có trận đánh xảy ra.
Thái Bạch chuyển động sang hướng Bắc thì nước nhỏ loạn, chuyển động sang hướng Nam thì nước lớn loạn.
Thái Bạch mọc trong mặt trăng gọi là Nguyệt Thực Thái Bạch, điềm xấu cho nhà vua.
Thái Bạch mọc bên trái mặt trăng thì vương quốc bị loạn, bên phải thì chư hầu bị loạn.
Thái Bạch đi ngang qua mặt trăng thì có việc binh đao trong 3 năm, đất đai bị mất.
Thái Bạch lu mờ, tướng soái sẽ gặp điều hung.
Mặc dầu ở vào thời đại nguyên tử nầy con người hết cần dùng đến sao để làm chiến tranh, chúng tôi vẫn xin đưa ra để quý vị đọc cho biết sự mê tín của người xưa nếu gọi đó là mê tín.

Người ta quan niệm rằng trời vốn động và đất vốn tĩnh. Mặt trăng, mặt trời và các vì sao đều xuất tại Mão, nhập tại Dậu, Mão là phương Đông của quả đất và Dậu là phương Tây. Sao là tán khí của Kim Loại, Kim với Thạch tương sinh, người với sao tương ứng.

Sao Và Điềm Cát Hung

Xin đừng cho đoạn nầy là những sự mê tín, dị đoan, không xứng với những con người cách mệnh, đây chỉ là phần tài liệu và đã muốn tìm hiểu về người xưa thì tưởng cũng nên hiểu cho đủ.
Vì những suy luận ấy mới có sự sao nào di chuyển thì mang triệu tường gì. Mỗi vì sao lại còn được chia ra 4 cung là Đông cung, Tây cung, Nam cung Bắc cung và Trung cung. Bắc Đẩu còn được gọi là Đế Xa, xe của nhà vua. Bắc Đẩu ở Trung cung, vận vào Trung Ương, có thể lâm chế 4 phương, phân biệt âm dương, kiến lập 4 mùa, chia độ cho ngũ hành, thời tiết, quy định chu kỳ. Tất cả đều do Bắc Đẩu quyết định hay nói lại một lần nữa, con người đã dùng sao Bắc Đẩu để làm điểm tựa mà quyết.

Đông cung với các sao Phòng, Tâm, hướng về Tông miếu, chủ bệnh tật, sao Đê chủ dịch tã, sao Vỹ chủ quần thần, sao Cơ chủ tân khách và hậu phi.
Nam cung Chu Tước, sao Tĩnh chủ vấn đề sông nước, mưa móc, lụt lội, cạn sông, hạn hán.

Sao Quỷ chủ việc Tế Tự, sao Liễu là mỏ chim, Chu Tước chủ về thảo mộc, sao Trương chủ quan khách, sao Dực cũng chủ Tân khách từ phương xa, sao Chẩn chủ về gió, cạnh sao Chẩn còn một vì sao nữa, nhỏ hơn gọi là Trường Sa. Nếu Trường Sa nhập vào vị trí của Chẩn tức sẽ có sự binh đao.
Tây cung sao Tất cũng chủ về binh đao ác liệt, một vì sao nhỏ bên cạnh, tên Phụ Nhĩ, khi Phụ Nhĩ dao động lại cũng sẽ có sàm loạn.

Bắc cung, với sao Hư, Nguy, chủ sự tang chế thương khóc.

Ngoài năm cung kể trên bây giờ xin trở lại với năm vì sao lớn để nói kỹ hơn về những sự tin tưởng, độc tính và sát hại hay sự an lành của mỗi vị sao khi hiện ra.

Năm vì sao lớn đó là Huỳnh Hoặc, Thái Bạch, Thần Tinh, Điền Tinh, Thái Tuế hay là Tuế Tinh.

Huỳnh Hoặc: Huỳnh Hoặc hay Hỏa Tinh thuộc Nam phương, mùa Hạ, chủ Hỏa, có ảnh hưởng đến các vị Thần Linh, vô phép với thần tức là trái nghịch Hạ lệnh, làm tổn thương Hỏa Khí. Bị trừng phạt bằng cách cho sao Huỳnh Hoặc hiện ra. Tinh thư (sách viết về sao) đã ghi: Huỳnh Hoặc là loạn tặc, tang tóc, đói khổ, binh đao, sao nầy xuất hiện sẽ có đại binh, nhập thì binh tán, đi nhanh về hướng nào thì binh tụ tại hướng ấy.
Ngạn ngữ có câu: Huỳnh Hoặc nhập Nam đẩu, Thiên tử hạ điện tẩu. Có nghĩa là sao Huỳnh Hoặc nhập vào sao Đẩu thì vua phải bỏ cung điện mà chạy. Theo lời các thiên văn gia thì năm 1976 Huỳnh Hoặc đã nhập vào sao Đẩu nên Trung Hoa lục địa mất một thời 3 ông lớn Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông và Chu Đức, mầu trắng là mầu tang tóc, người ta còn thấy sau đó thì ở sao Vỹ có một đường trắng chạy qua.

Thái Bạch: Thuộc Tây phương, mùa Thu, chủ Nghĩa và Ngôn Từ. Tức lời ăn tiếng nói. Nếu để mất Nghĩa và ăn nói hồ đồ, xấc láo với Thánh Thần, với người trên là nghịch Thư Lệnh, làm tổn thương kim khí. Thái Bạch sẽ hiện ra, là một sự trừng phạt. Đoạn trên đã nói về Thái Bạch. Sao nầy biến đi, hoặc xuất hiện không đúng tiết đúng thời, lúc đáng xuất hiện mà không xuất, đáng nhập mà không nhập, tức là điềm mất nước, chết vua. Thái Bạch ở đến quá ngọ (12 giờ trưa) gọi là kinh thiên. Sách Thiên Văn ghi: Thái Bạch kinh thiên, dân canh vương, loạn kỹ, nhân dân lưu vong, thiên hạ cách, có nghĩa là sao Thái Bạch ở đến quá ngọ thì dân phải thay vua, kỷ cương đảo loạn, nhân dân phải bỏ xứ ra đi lưu vong, thiên hạ chịu cuộc cải cách thay đổi. Vì Thái Bạch là binh tượng, lúc hiện ra cao mà đi nhanh thì dụng binh cũng phải nhanh, Thái Bạch là Binh mà Huỳnh Hoặc là ưu tư lo lắng, nếu Huỳnh Hoặc đi theo Thái Bạch là quân lính ưu, rời Thái Bạch là quân được nhàn, khỏi hạn đao binh, được cởi giáp, buông gươm.

Thần Tinh: Thuộc Bắc phương, mùa Đông, chủ Thủy, biểu hiệu cho sự nghe ngóng, hiểu biết, cũng là vì sao chủ sát phạt và chiến đấu. Nếu hai sự nghe và hiểu không đúng là nghịch Đông lệnh, thương tổn Thủy Khí, tức Thần Tinh hiện ra. Nhưng nếu Thần Tinh vắng bóng lâu thì cũng sẽ xảy ra những sự bất hòa, nạn đói lớn, nếu lại xuất hiện không đúng lúc cũng có sự trở trời, đang nóng hóa lạnh, hoặc ngược lại. Cần xuất hiện mà không xuất, sẽ có sự khởi binh, nếu Thần Tinh tranh chỗ với một vì sao khác thì thiên hạ đại loạn, nếu xuất hiện với hai sao Phòng và Tâm thì sẽ có động đất.

Điền Tinh: Cũng thuộc Mộc, thuộc mùa Hạ, chủ niềm tin và sự suy tư của tâm trí. Sao nầy ở đâu thì nơi ấy được yên ổn. Nếu làm mất Nhân, Nghĩa, Trí, Tín, tức thì 4 sao trên cũng biến mất.

Tuế Tinh: Người xưa nhìn trời mà biết ngày tháng là nhờ thấy Tuế Tinh đang ở tại hằng tinh nào của nhị thập bát tú, Tuế Tinh thuộc Đông phương, Tuế tức là Thái Tuế. Nếu trong nước mà từ trên xuống dưới không còn biết trọng, kính luân thường đạo lý, tức sẽ làm tổn thương cái Khí của hành Mộc, sao Thái Tuế hiện ra, sẽ có những sự kiện như mất đất, chết tướng, và sẽ có nhiều sự lo âu cho cấp lãnh đạo. Sách Thiên Văn của Hoài Nam Tử ghi: Tuế Tinh sở tại, ngũ cốc phong xương, kỳ đối vi xung, Tuế nãi kỳ ương tức là Tuế Tinh ở nơi nào thì nơi ấy ngũ cốc được thịnh vượng, phong phú mà vùng đối diện sẽ gặp tai ương. Sách Hán Thư cũng ghi: Tuế Tinh sở tại, quốc bất khả phạt, khả dĩ phạt nhân. Có nghĩa là nước nào có Tuế đóng thì ta không thể gây chiến mà chính nước ấy lại có thể đánh ta.

Trong những vì sao lớn vừa kể trên, nếu Thái Tuế hợp với Điền Tinh thì có nội loạn, với Thần Tinh thì cần mưu cơ, với Huỳnh Hoặc thì đói, với Thái Bạch thì phải tùy theo sao nầy ở Nam hay Bắc là được mùa hay mất vì Thái Bạch là âm mà Tuế Tinh là dương.

Huỳnh Hoặc hợp với Thái Bạch là điềm tang chế, không nên động binh, Huỳnh Hoặc hợp với Điền Tinh là âu lo, với Thần Tinh là thất trận, dụng binh sẽ đại bại, nếu cả 4 sao lớn trên cùng đấu với Thần Tinh thì đều có chiến tranh không tại ngoại mà tại nội, tức là nội loạn.

Tinh thư ghi: Hỏa hợp với Thủy là “Thôi” (nhúng chất Kim vào cho thêm cứng). Hỏa sẽ hợp với Kim là “Thục” (nung cho cháy).
Thổ hợp với Kim là “Vong” (mất), hợp Mộc là “Cơ” (đói). Hợp với Thủy là “Ủng Trở” (chướng ngại).
Mộc Hợp Kim là “Đấu” nổi loạn.
Nếu mặt trăng ăn 5 sao nầy là mất nước, màu trắng là tang tóc, hạn hán, màu đỏ là binh đao, màu xanh là ưu tư, màu đen là tàn tật chết nhiều, chỉ màu vàng là điềm lành và màu tím cũng được gọi là tường, thụy khí.
Nếu cả 5 vì sao trên đồng màu thì bình an, có thể ca vũ mà không bị tai ương, bệnh tật, ngũ cốc cũng được xanh tốt, chẳng có gì đáng lo ngại.
Ngoài ra còn những vì sao khác, mỗi sao mang một triệu tượng khác nhau, những sao mang tên Lục Tặc, Quốc Hoang, Quy Xà, Thiên Cơ,… Quy Xà được giải thích là như tinh phi tinh, như vân phi vân, như sao mà chẳng phải sao, như mây mà chẳng phải mây. Thiên Cơ là tiếng trống, nghe như tiếng sấm mà chẳng phải sấm.

Mỗi vì sao trong Nhị Thập Bát Tú cũng ảnh hưởng vào từng người, dưới đây chỉ xin lượt trích, độc giả tự tìm lấy thêm nếu cần.
Đông phương có 7 vì sao Giác, Khương, Đê, Phòng, Tâm, Vỹ, Cơ.
Giác: Người sinh gặp Giác từ lúc trẻ lận đận về gia đình, già mới thoát.
Khương: Kém phúc lộc, càng già càng khổ, phải tu tĩnh bớt xa xỉ thì già mới đỡ khổ.
Đê: Phúc lộc hậu hĩ, nguyện vọng như ý, càng già lại càng sung túc mãn nguyện.
Phòng: Người sinh ra gặp sao nầy sướng từ thuở lọt lòng mẹ, sinh ra đã có kẻ hầu người hạ, uy thế, phúc lộc, nhưng nếu không biết giữ gìn, nghĩ đến người khác đói khổ tu tạo phúc đức thì về già sẽ mất hết.
Tâm: Đời nhất định sẽ có một lần bị lửa cháy nhà, trộm cướp, nhưng rồi cũng qua và chẳng đến nỗi nào.
Vỹ: Phải cẩn thận luôn vì trong đời thế nào cũng gặp hỏa hoạn và trộm cướp.
Cơ: Cuộc đời bất định, về già còn có thể gặp tai họa, cần bố thí thật nhiều mới thoát.

Chấm dứt ở 7 vì sao nầy vì đây không phải muốn độc giả mất thì giờ, nếu ai tò mò hơn thì xin hẹn vào một loạt bài khác. Chỉ ghi những vì sao ở Đông phương mà thôi. Không thể ghi hết cả 28 vì sao.

Ngũ Hành

Trước khi nói đến Ngũ Hành, xin nói về ông Cơ Tử, mà nói đến Cơ Tử lại phải bước sang Trụ Vương, Vũ Vương, sách Hồng Phạm, Lạc Thư, Hà Đồ,… và có thể kéo dài không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Vì vậy, chỉ xin nói một phần có dính líu đến lúc ban sơ của Ngũ Hành mà thôi, mong được cảm thông.
Người ta bắt đầu biết đến Ngũ Hành khi nghe Cơ Tử giảng về Lạc Thư cho Vũ Vương. Vì Vũ Vương là người có công diệt Trụ, một vị vua vô đạo, giải phóng cho Cơ Tử. Ông nầy tên thật là Tử Dư, chú của Trụ Vương, được phong tước ở đất Cơ nên mới gọi là Cơ Tử. Thấy vua Trụ tàn ác ông ngăn cản, bị giáng chức làm người ở, phải giả vờ điên mới yên thân. Vũ Vương diệt Trụ rồi, biết ông là bậc Thánh Hiền nên mới ra phục chức cho ông.
Trong cuộc đối thoại giữa hai người, Vũ Vương hỏi: “Lẽ huyền bí của trời đất bao phủ, ta chẳng biết gì về sự thưởng phạt, đạo lý, xin được giảng dạy?”
Cơ Tử đáp: “Tôi nghe bảo xưa ông Cổn lấp Hồng Thủy, làm tổn thương Ngũ Hành, trời giận nên phạt, sau đó khi Hạ Vũ hưng, chế ngự được Hồng Thủy mà không hại Ngũ Hành nên được thưởng sách Hồng Phạm Cửu Thư“.

Thế còn Lạc Thư thì sao, xin nói về Lạc Thư.
Cơ Tử bèn giảng về Lạc Thư… “Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tác chi”. Hà Đồ là Bát Quái, khi Phục Hy làm vua, từ dưới sông hiện ra một con Long Mã, nhà vua bèn cho theo những vết vằn trên Long Mã mà vạch ra Bát Quái nên được gọi là Hà Đồ.

Lạc Thư là Quy Văn chi ngữ, nhưng vết vằn trên lưng con rùa được Thánh nhân y theo. Cơ Tử nói tiếp “Sơ nhất của Lạc Thư là ngũ hành, khi nói đến Ngũ Hành trước hết là hành Thủy (nước) rồi mới đến Thổ (đất), hành Mộc (gỗ), hành Kim (sắt), và hành Hỏa (lửa.

Thủy nhuận bên dưới, Hỏa nóng bên trên, mộc thì khúc trực, có cong có thẳng, Kim là tòng cách, bóng láng và Thổ thì phải dựa theo bông lúa.
Như trên có nói đến sự liên hệ mật thiết giữa Sao và phương hướng, thí dụ như sao nào, thuộc mùa nào tức là phải chủ hành nào. Có sao chủ Mộc, có sao chủ Kim, Thổ. Sau đây xin giải thích rõ hơn.
Người xưa cho rằng sự săn bắn phi thời, ăn uống thiếu lễ nghi, không hiến tiên tổ trước, ra vào không tiết độ, chiếm đoạt thì giờ của nhà nông, lập mưu gian để hại kẻ khác, tất cả những sự ấy đều làm thương tổn cho hành Mộc, mất sự thăng bằng, khúc trực của Mộc.
Mộc chủ phương Đông, ở trên mặt đất, thuộc Dương thuộc quẻ Tốn trong Dịch Kinh, thuộc Phong (gió). Đối với sự liên hệ của bậc Đế Vương có trách nhiệm giữa thiên hạ, trong trời đất thì cần có sự uy nghi dung mạo, gọi là Quan, là những gì mà người ta có thể nhìn thấy.

Nói săn bắn cần phải đúng thời, không nên phi thời, vì ngày xưa vua và chư hầu đi săn phải được chia ra 3 kỳ. Thứ nhất để dâng lễ Càn Đậu (lấy thịt phơi khô mà cúng) các bậc Thánh Thần, Tông Miếu. Thứ nhì để đãi tân khách, thứ ba mới đưa vào bếp nhà vua để phân phát cho người hầu kẻ hạ. Nếu ăn uống mà không có lễ hiến dâng trước gọi là Ẩm thực bất hưởng hiến. Phải tội, tổn thương Mộc là do từ đó.

Đoạt ngày giờ của nhà nông tức là bắt dân tuyển mộ lính, gây chiến tranh khi mùa màng chưa gặt hái phơi cất xong, cũng làm tổn thương cho hành Mộc.

Sao nhãng pháp luật, đuổi bỏ công thần, giết Thái Tử, đưa vợ bé lên giành chỗ của vợ lớn, đều là những sự kiện làm tổn thương hành Hỏa, Hỏa nộ, sinh tai họa, hành Hỏa thuộc Nam Phương.

Thích chiến tranh, khinh bách tính, xây đắp tu sửa cung điện, thành trì, xâm lược biên cương, làm thương tổn hành Kim. Hành Kim thuộc phương Tây, vạn vật bắt đầu từ đấy và sát khí cũng bắt đầu từ hành Kim nầy.

Sử chép thời Tấn Bình Công xây lâu đài cung điện đã tiêu phí rất nhiều tiền của dân gian, có kẻ đi ngang qua vùng Ngụy Du, nghe tiếng đông người tụ họp từ dưới núi, thì thầm về tình hình chính sự nước Tấn. Kẻ ấy đến gần để nghe và nhìn kỹ chỉ thấy chung quanh có độ vài chục khối đá chứ chẳng có bóng người nào cả. Bỏ đi vài chục thước lại nghe tiếng người xào xạc trở lại như trước, quay đầu lại nhìn thì biết tiếng bàn tán phát từ những khối đá ấy mà ra.
Người nầy sợ hãi chạy tìm dân trong vùng để hỏi thăm thì những người dân trong vùng cũng nói là đã có nghe từ nhiều ngày rồi, nghi đó là quái sự nên chẳng ai dám nói ra. Câu chuyện đồn về Giang Châu, Tấn Bình Công triệu sư Khoáng vào hỏi (xem đoạn nầy ở mục Âm Nhạc để biết về sư Khoáng).
Sư Khoáng trả lời: Đá không thể biết nói, nhưng đá là tai nghe của Quỷ Thần, mà Quỷ Thần bao giờ cũng theo lòng dân. Oán khí tích tụ trong dân gian thì Quỷ Thần làm sao có thể yên tâm. Một khi Quỷ Thần không yên tâm thì yêu quái sẽ hưng thịnh. Ngày nay nhà vua xây cất đền đài làm kiệt quệ tài lực của dân cho nên mới xui ra sự đá biết nói đó thôi,…

Giãn Tông Miếu, tức là lạnh lẽo đối với Tông Miếu, không cúng tế lễ bái, cũng như những người con làm nên mà không nghĩ đến công cha mẹ ông bà, dầu đã chết, không thèm kỵ giỗ nhớ thương. Nghịch thời tiết của trời đất thì Thủy sẽ không nhuận. Hành Thủy thuộc phương Bắc, vạn vật khi chung mệnh đều sẽ về ẩn tàng tại đó.

Khi tinh thần đã xa lìa thể xác, hồn phách đã được tông miếu của Thánh Nhân hậu nhận, cần được sự cúng tế cho trọn đạo Hiếu.
Một vì vua mới lên phải biết cúng tế, trời đất, thần linh, sông núi, với tất cả tấm lòng chí thành, nghiêm kính. Nếu 12 tháng mà con người không hành động những gì trái lễ, thì âm dương điều hòa, sẽ làm vui lòng và thâu nhận được Thủy Tính. Nếu để mất Thủy Tính thì sẽ sinh tai ương, tràn sông, lở núi, ngập lụt, thôn làng chìm đắm con dân. Mưa dầm sẽ kéo dài cho đất rung nền, mất mùa và đói kém bệnh tật, dân chúng ốm đau như thế gọi là Thủy Sát Nhân.

Trang sức lâu đài đình tạ cung thất, nội cung xảy ra điều dâm loạn, hỗn hào với cha mẹ, vũ phu với anh chị em là những điều làm tổn thương đến hành Thổ, Thổ là Trung Ương, vạn vật sinh ra từ đó.
Đối với bậc Đế Vương thì hành thổ ứng về Nội Cung, chuyện vợ chồng, thân thuộc. Ngày xưa, theo lễ nghĩa thì mọi sự đều có tiết độ, phép tắc.
Sách Luận Ngữ có đoạn Khổng Tử khen vua Vũ đã khinh dễ cung thất để tận lực mà lo trị thủy, xây đắp đê điều, ngăn cản nước. Đi ngang qua nhà 3 lần, nghe tiếng con khóc mà nhất quyết không ghé thăm vì lo chưa xong nhiệm vụ. Văn Vương thì lấy lễ Phát mà tiếp đãi vợ… Tất cả đó là sự thuận hòa cho Thổ không bị thương tổn. Trái lại nếu có sự xa xỉ, dâm loạn thì Thổ bị tổn thương, mà Thổ bị tổn thương thì ngũ cốc đều bị thiệt hại.

Theo sách Hồng Phạm, Hành là lời nói thuận ý trời hợp với khí tiết. Theo ý nghĩa của buổi đầu, xét ngũ hành để nhìn xem sự được mất trong vạn vật chứ không chỉ để đoán họa phúc mà tìm cách lẫn trốn như người đời nay vẫn làm.

Người đời sau đã dần dần làm mất mác tất cả ý nghĩa của thuở ban đầu, biến Ngũ Hành thành một thứ số lý tà thuật. Tuân Tử cho Ngũ Hành là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, theo Phật ngữ thì Ngũ Hành là: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tính Tấn và Chỉ Quán.

Để kết thúc xin nhắc lại lời các Thiên Văn Gia Trung Hoa của thế kỷ 20 nầy họ đã xem thiên văn và nhất quyết từ thuở ấy rằng Mao Trạch Đông chỉ là một vì sao nhỏ thuộc sao Chẩn, một loại yêu tinh, dị tinh vì không ở trong khu vực Tam Thiên Đế Tòa, lại lúc sáng lúc mờ màu đỏ không phải là Thụy Tinh. Không phải là một đấng minh quân. Vì Mao thị sinh ở Giang Nam mà khu vực nầy thuộc Kinh Châu trên trời thuộc sao Chẩn.

Sự phân chia về Sao và khu vực đã nói qua ở đoạn trên. Trên sao di chuyển một độ thì bên dưới là 250 dặm lý. Đại khái người ta chia Nhị Thập Bát Tú ra cho 3 khu vực Hoàng Hà lưu vực, Trường Giang lưu vực và Châu Giang lưu vực. Việt Nam chúng ta theo sự phân chia thuộc Thiên Thị Viên tức là thuộc vùng sao Tâm, Vỹ, Cơ, Đẩu, tinh danh là Nam Hải, đến tiết Hạ Chí lối nửa đêm ra nhìn sẽ thấy. Ngày chúng ta mất quê hương vào tay Cộng Sản các Thiên văn gia ấy cũng đã nhìn và nhận thấy nạn đao binh còn dài rất nhiều lưu tinh lướt qua, và ở Bắc Việt hãm khí còn rất dữ dằn, chẳng biết đến bao giờ mới tan được cái khí hãm ấy. Theo các nhà chân sư thì cần phải có nhiều đức độ ở những cấp lãnh đạo… may ra.
Minh Đức Hoài Trinh
 
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com