
Thanh kiếm Thái A của Vua Gia Long ảnh: Võ Quang Yến
Nói đến những thanh bảo kiếm hẳn trước hết phải định nghĩa chữ Kiếm, Kiếm là gì? Là một thứ khí giới. Người xưa gọi thứ khí giới nầy là Kiếm vì nó đồng âm với kiểm. Kiếm là kiểm, là để kiểm tra, kiểm soát những sự gì phi thường, Kiếm lại còn một đồng âm với liễm, có nghĩa là mang bên thân, nắm trong tay.Trước khi nói đến những thanh bảo kiếm, xin được kể ra đây một câu chuyện cổ liên quan đến nước Việt, có một phần nào phải là nước Việt ngày nay không? Sử gia còn đang chờ những cuộc khai quật để trả lời.
Việt đây là một trong giống Bách Việt ở thời Xuân Thu (722-484 tiền C.N.). Khi Việt Vương Câu Tiễn muốn rửa hận sau trận Cối Kê, bị Phù Sai bắt làm tù. Tuy nhờ có mỹ nhân kế, là nàng Tây Thi đã làm cho Phù Sai mê mà thả cho về nước. Ngoài mặt giả vờ cúi đầu phụng mệnh, làm như tuyệt đối phục tòng nhưng trong lòng vẫn căm hờn và chịu nằm gai nếm mật với mục đích rửa hận.
Câu Tiễn hỏi cố vấn Phạm Lãi, làm thế nào để được binh hùng tướng dũng. Phạm Lãi bảo phải cho đi tìm người giỏi hai môn kiếm kích và cung nõ để tập cho binh sĩ. Ông cho người lên Nam Lâm một khu rừng ở phương Nam thời ấy rước cho được một cô gái rất có tài về kiếm kích đưa về huấn luyện cho quân lính của xứ Việt.
Cô gái nầy con cái nhà ai, tên họ là chi, từ đâu đến đấy chẳng ai biết, chỉ biết rằng cô rất thiện về kích kiếm. Cô gái lớn lên trong rừng không có thầy dạy mà sao lại biết lại thiện về môn kiếm thuật, đó là cả một bí ẩn thuộc thần bí chẳng ai tìm hiểu sau đó.
Sau khi sứ giả đến gặp cô gái, đưa trình mệnh vua rồi rước cô gái về, cô gái đã bằng lòng theo sứ giả. Giữa lúc đang trên đường bỗng gặp một con vượn yêu tinh, hóa làm người đòi ra tỉ thí với cô gái, bị cô gái đánh cho một trận văng mình lên cây.
Câu Tiễn gặp cô gái, giữa triều đình, hỏi thăm về thuật thích kích chi đạo, xin được nghe.
Cô gái trả lời: “Bên trong, tinh thần phải trung bên ngoài thái độ phải ẩn dật, nhìn qua tưởng như một thiếu nữ nhu mì, mà vào đấu thì dữ dằn như mãnh hổ. Biết cách bố trí phần hình cũng như giữ gìn phần khí, như chớp như gió, như bóng thỏ, đuổi hình gặp ảnh, tung hoành tới lui trong chớp mắt. Ai tập luyện được như vậy tức là đã đắc được kiếm đạo của tôi rồi. Một người có thể đương đấu với trăm, và trăm người có thể đương với nghìn. Nếu nhà vua không tin xin cứ cho thử”.
Việt Vương cho các kiếm gia đệ nhất của mình ra thử đều không ai sánh kịp, bèn tuyển chọn ba nghìn binh sĩ cho tập luyện.
Sau một năm cô gái xin trở về Nam Lâm, tưởng còn trở lại nhưng cô gái đã biệt tích và khi nhà vua cho đi tìm thì không ai còn gặp nữa. Người ta cho rằng trời muốn giúp nước Việt để đánh lại nước Ngô rửa thù cho Câu Tiễn nên mới cho gặp được cô gái nầy.
Kiếm thuật tức là kỹ thuật đánh kiếm. Kỹ thuật nầy được phân ra đơn kiếm và song kiếm, hai lối đánh.
Có rất nhiều tên kiếm phái mà, nổi danh nhất là: Bát Tiên Kiếm Phái, Thuần Dương Kiếm Phái, Tam Tài Kiếm Phái, Ngũ Thường Kiếm Phái, Càn Khôn Xuyên Lâm Kiếm Phái, Côn Ngô Kiếm Phái và Bát Quái Liên Hoàn Kiếm Phái.
Tên các môn kiếm phái đã khác nhau mà thuật đánh cũng không giống, tuy vậy, phái nào cũng phải có đủ sáu Kiếm Pháp là:
• Điểm,
• Băng,
• Tiết,
• Khiêu,
• Thích,
• Trát.
Điểm có nghĩa thâm nhập để làm sao phá cái mục tiêu của mắt địch, tầm nhìn của địch làm cho hoa mắt, không còn biết lối nào mà dò.
Băng: đảo lạc truy kích làm sao cho nghiêng ngã.
Tiết: chặt đứt đoạn, lối đánh với mục đích làm sao chặt đứt thân kẻ địch thủ.
Khiêu: cố nhử, khiêu khích làm cho địch mệt mỏi bực tức, không còn đường trốn.
Thích: đâm tới.
Trát: là bẻ là ngắt là chặt.
Khi người thợ trù kiếm, ta gọi là đúc kiếm, thì phải làm sao để chất kim khí không bị giòn, chất thiếc không dễ cong, đó là ở thuật pha chế, bao nhiêu phân lượng các chất vàng và thiếc. Phải có đủ thì giờ để cho khô, nếu phơi dưới ánh mặt trời càng tốt. Dẫu gấp cũng phải có đủ thì giờ.
Ở các nước Ả Rập xưa người ta tôi kiếm bằng cách đâm vào da người tử tù để làm cho kiếm trở nên sắc bén. Về sau khoa học cho rằng đó là vì cần một chất từ trong da nên người ta đã ngâm da thú trong hồ để tôi kiếm, tránh sự đâm vào người sống.
Đường lối quy định cho các kiếm gia là phải cương quyết nhưng không tàn ác, nhu thuận mà không hèn yếu, tự tôn mà không để mất cơ hội đánh trả, nhanh nhẹn mà không thô bạo. Người thiện kiếm còn phải hiền lành và tính phải ôn hòa điềm đạm.
Cổ nhân thường nói: Quân tử dẫn nhi bất xạ, xạ tất phi lễ, ở đây dùng để nói trong luật bắn cung nhưng vẫn là một đường lối. Người quân tử thì Dẫn, tức là ra sân đó, đường cung đó nhưng không bắn, vì bắn tức là phi lễ.
Nói chung người quân tử học võ hay học kiếm chỉ để tự vệ và bảo vệ người yếu lúc cần chứ không bao giờ dùng cái thuật của mình để đi hại người.
Hẳn đã có người nghe nói chuyện ông Đinh Công Tuấn, quê ở Lâm Thao, ông là người đã dám chiến đấu với Thục An Dương Vương, nhất quyết giữ gìn nước Văn Lang của Hùng Vương, không chịu cho Thục Phán đánh lấy.
Theo huyền thuyết thì bà mẹ của ông ngày chưa sinh ra ông, một đêm bà nằm mơ thấy thần Tản Viên đưa đến tặng bà một thanh bảo kiếm, bà nhận lấy và nuốt thanh kiếm vào bụng, từ đó nghe cơ thể chuyển động và thụ thai sinh ra ông.
Huyền thoại hay huyễn thoại, ai tin hay không là một vấn đề khác, chỉ biết rằng đó là câu chuyện để chứng minh sự không muốn để mất nước Văn Lang của thần Tản Viên. Chúng tôi đưa ra để chúng ta đọc và giữ làm tài liệu.
Chúng ta còn biết rằng Việt Vương Doãn Thường cha của Câu Tiễn đã từng bắt Âu Dã Tử là một người thợ chuyên môn đúc kiếm. Lệnh cho Âu Dã Tử phải đúc cho mình 5 thanh bảo kiếm là: Thắng Tà, Cự Khuyết, Trạm Lư, Ngư Trường và Thuần Câu. Ba thanh lớn và hai thanh nhỏ, mang ba thanh kiếm dâng cho Ngô Vương.
Sau đó, Âu Dã Tử lại cùng Can Tương đúc cho Sở Vương ba thanh bảo kiếm khác, mang tên là Long Uyên, Thái A và Công Bố. Ngoài ra chúng ta hẳn không ai là không từng nghe nói đến những tên như Mạc Tà, Can Tương, Yên Chi, Chúc Lâu, Đoạn Xà, Long Tuyền, Thất Tinh, Bạch Bích, Thanh Bình, Minh Châu,… Vào thời trước nữa còn có những tên như Hốt của Hoàn Công, Khuyết của Thái Công, Lục của Văn Vương cũng đều là những bảo kiếm nổi tiếng từ thời thượng cổ.
Nguyễn Công Trứ có hai câu thơ bất hủ:
Toán lai thế sự kim năng ngữ
Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh.
Hoặc là hai câu khác của người xưa:
Cảm kích niệm tri kỷ
Khuôn trung cô kiếm minh.
Người xưa tin rằng mỗi thanh kiếm đều có Thần Linh, và những mẩu chuyện kiếm khí dâng lên tận trời là những chuyện đối với người xưa chẳng có gì lạ. Kiếm minh tức là kiếm thét lên.
Một thí dụ như câu chuyện Can Tương khi dâng thanh Thư Kiếm Mạc Tà (thư kiếm, tức là kiếm cái) cho Ngô Vương, giữ lại cây Kiếm đực cho mình. Thư Kiếm đã vì nhớ hùng mà kêu lên. Người ta đã giải thích rằng thư nhớ hùng, nhưng rồi thần vật bao giờ cũng tìm về với nhau. Vì kiếm bao giờ cũng có đôi. Ít khi chịu đóng vai Cô Kiếm tức là ít khi chịu cô đơn.
Chúng ta bắt đầu nói đến từng thanh kiếm với lịch sử, giai thoại nếu có, vì Kiếm cũng như người có những thanh kiếm để lại rất nhiều giai thoại, đã uống rất nhiều máu nhưng cũng có những thanh kiếm ít chuyện và cũng không giết nhiều sinh mệnh.
Cự Khuyết: Theo Việt Tuyệt Thư Ngoại Truyện Ký ghi rằng Cự Khuyết là một trong năm thanh bảo kiếm mà Âu Dã Tử đã đúc cho Việt Vương Doãn Thường. Nhà vua rất yêu thường kể rằng đây là một thần kiếm, xe tứ mã đang chạy một con nai trắng băng ngang, con nai sợ hãi nhảy lên, nhà vua ngồi trên xe rút kiếm chỉ vào, con nai đứng yên và xa mã cứ phi, kiếm chém vào đồng vào thiết cứ y như là chém vào cám gạo.
Tào Thực con trai của Tào Tháo có hai câu thơ:
Du Nam Việt chi Cự Khuyết
Siêu Hữu Sở chi Thái A.
Trạm Lư: Cũng là một trong năm thanh kiếm thuộc đại hình mà Việt Vương đã ra lệnh cho Âu Dã Tử đúc cho mình. Thanh Trạm Lư có nơi đọc là Tích Lư về sau đã nhập vào nước Sở. Câu chuyện khá dị kỳ, người đời nay nghe thì biết vậy chứ chắc không ai dám tin.
Chuyện vua Sở có một đêm nằm mơ thấy được kiếm lúc thức dậy lại thấy một thanh bảo kiếm nằm bên cạnh, trong giường với mình. Ông ngạc nhiên không hiểu bèn gọi Phong Hồ Tử để hỏi.
Phong Hồ Tử đã giải thích nói rõ cho vua Sở biết đây là thanh kiếm quý mang tên Trạm Lư, nhà vua ngạc nhiên hỏi sao lại có thể biết chắc như vậy.
Phong Hồ Tử trả lời, thần nghe nói Việt Vương từng hiến 3 thanh bảo kiếm cho Ngô Vương, đó là thanh Ngư Trường, thanh Bàn Dĩnh và thanh thứ ba là Trạm Lư.
Ngư Trường là thanh kiếm đã được Chuyên Chư giấu trong bụng cá để mang đến gần mà giết Vương Liêu, Bàn Dĩnh được chôn theo với Thắng Ngọc, là con gái của vua Ngô và hôm nay Trạm Lư được nhập Sở là đây. Tống thư ghi có một ngọn núi ở Phúc Kiến tên là Trạm Lư, trên đỉnh núi thường có mây phủ dày đặc, chính nơi nầy Âu Dã Tử đã đúc kiếm nên kiếm mang tên của núi: Trạm Lư.
Trở lại với thanh kiếm mang tên Trạm Lư, tại sao lại bay từ nước Ngô sang nước Sở, để đến nỗi vua Sở Chiêu Vương trở nên kiêu ngạo, mà sự kiêu ngạo nào cũng đưa đến chỗ bại vong, không sớm thì muộn.
Vì Thần Kiếm không chịu ở một nơi nào thất đức, vô đạo mà chỉ muốn tìm đến nơi nào có đạo đức quy cũ. Vua Ngô Hạp Lư vì quá yêu con gái Thắng Ngọc nên lúc chôn con gái đã chôn theo hằng nghìn người, lừa dân chúng cho đi xem đám, rồi sập bẫy, lại còn bảo rằng như thế để con gái trẫm khỏi “tịch mịch”.
Theo lời bàn thì Trạm Lư là thanh kiếm mà ai mang vào thì sẽ tăng sự oai đức, ở nước nào thì nước ấy được nhiều sự may mắn. Vì đó là anh linh của 5 thứ kim khí: Bạc, Vàng, Đồng, Thiếc, Chì, lại còn là tinh túy của Thái Dương. Nhưng nếu nhà vua, người chủ của nó không biết trị vì chỉ làm khổ dân, lo vui chơi thì kiếm sẽ bỏ đi.
Sử chép rằng sau khi vua Ngô biết mất kiếm, biết kiếm đã bỏ mình sang ở nước Sở thì giận lắm. Ông nghi rằng vua Sở đã hối lộ các quan cận thần của nước mình để ăn cắp thanh bảo kiếm ấy. Vì sự nghi ngờ giận dữ đó, nhà vua đã bắt giết thêm cả chục vị quan, niềm oán giận càng tăng thêm.
Bàn Dĩnh: Vì 3 thanh kiếm Trạm Lư, Bàn Dĩnh và Ngư Trường là Âu Dã Tử trù cho Việt Vương trong số 5 thanh bảo kiếm, Ngô Vương đòi nên phải mang dâng cho Ngô Vương. Thanh Kiếm mang tên Bàn Dĩnh, sau đó đã được Hạp Lư chôn theo với con gái là Thắng Ngọc, vì cô con gái đã nhõng nhẽo, khi thấy cha để lại cho mình nửa phần cá, mà nhà vua cho là ngon, để dành, nhịn phần cho nhưng Thắng Ngọc đã giận, ngỡ là cha khinh mình.
Đời cũng có nhiều vụ tự tử hẳn để làm nư thôi, nào ngờ vì không cứu kịp, hoặc thuốc quá mạnh nên đã phải chết, nói theo các nhà tướng số thì đó cũng là cái số chết một cách bất đắc… nếu cho sống lại thì chẳng bao giờ tái phát. Thanh Bàn Dĩnh bị chôn theo Thắng Ngọc mà chưa nghe nói ai đào lên hay đang ở nơi nào. Biết đâu trong một cuộc khai quật nào đó sẽ được tìm thấy.
Ngư Trường: Bộ ba thanh kiếm phải được nói một lần, Ngư Trường được về tay công tử Quang tức là Phù Sai, sau khi đã dùng Chuyên Chư để giết Vương Liêu, ông cho rằng Ngư Trường là bất tường nên đã giấu kỹ một nơi không đưa ra mang bên mình bao giờ. Trước đó, khi gặp Ngũ Tử Tư ông có mang ra khoe bảo rằng đây là một trong 3 thanh kiếm mà tôi được giữ thanh nầy. Quý lắm ngày đêm cất dưới gối, nhưng kiếm cứ sáng rực lên như đòi thử sức, chắc là kiếm muốn uống máu Vương Liêu. Ngũ Tử Tư mới giới thiệu Chuyên Chư cho ông, Chuyên Chư cảm kích nhưng bảo rằng còn phải về hỏi mẹ, vì mình còn mẹ, không dám hành động mà không được phép mẹ. Ngày sau, bà mẹ giả vờ đòi uống nước suối bảo ông đi lấy. Lúc về thì người mẹ đã treo cổ tự tử, không muốn vì mình mà cản việc làm của con trai cũng như sai lệch mệnh vận của đất nước. Mẹ chết rồi, Chuyên Chư mới đến nói với công tử Quang xin đi Thái Hồ học nghề nướng cá, vì nghe bảo Vương Liêu chỉ thích ăn món cá nướng.
Học xong nghề nướng cá, Chuyên Chư trở về, giấu kiếm trong bụng cá trong khi công tử Quang tổ chức buổi tiệc mời Vương Liêu tới ăn, mặc dầu Vương Liêu đã bận đến mấy lớp giáp mà thanh Ngư Trường quả là quá sắc bén chém sắt như chém bùn nên đã giúp công tử Quang toại ý, giết được Vương Liêu và đã lên ngôi vua là Ngô Phù Sai.
Thái A, Công Bố, và Long Uyên: Theo sử chép thì một hôm vua Sở gọi Phong Hồ Tử là một cận thần rất giỏi về kiếm thuật và cả lịch sử, giá trị của kiếm, bảo rằng ta nghe nói nước Ngô có người tên Can Tương, nước Việt có người tên Âu Dã Tử, cả hai đều thiện nghề trù kiếm, ta muốn mời cả hai người ấy về đây, chung sức đúc cho ta vài thanh bảo kiếm, khanh nghĩ thế nào?
Phong Hồ Tử tuân lệnh đi sang hai nước Ngô và Việt, mời hai người đến núi Tư Sơn, đào núi ra để lấy khoáng chất từ trong lòng núi, về đúc được ba thanh kiếm là Long Uyên, Thái A và Công Bố.
Sử ghi về sau, khi nói đến Lý Tư (một nhân tài của thời Tần Thủy Hoàng có công sửa chữa lại chữ Tàu cho thống nhất, làm đến Tể Tướng. Bị người Thái Giám Triệu Cao gièm pha và chờ Tần Thủy Hoàng chết đã tìm cách hãm hại. Trước khi bị xử tử ông đã lạnh lùng vui vẻ nói đùa với thằng con là: “Đời ta vẫn mơ có một ngày ăn mặc áo hề gặm đùi thịt chó đi chơi chợ cửa Nam cùng với con mà chưa làm được, đáng tiếc thay”. Lý Tư biết trước tai họa sẽ đến mà không chịu từ chức, đi trước, như một số những người khôn ngoan khác, công thành thân thối). Hai câu thơ viết về Lý Tư là:
Phục Thái A chi kiếm
Thặng Tiệm Ly chi mã
Thái A là thanh bảo kiếm quý giá nhưng cũng không nghe nói đến sự giết ai.
Long Uyên còn tên là Long Tuyền, có kẻ ngỡ rằng đó là hai thanh kiếm nhưng sự thật vì đến đời nhà Đường phải cữ tên Đường Cao Tổ là Lý Uyên, nên mới phải đổi tên kiếm là Long Tuyền. Các sử gia có ghi một đoạn rằng Việt Vương Câu Tiễn khi chưa trả được thù đã từng dùng thanh kiếm Long Tuyền cắt vào đùi mình để tự phạt cái tội có những phút nào đó dám lãng quên mối thù.
Thanh kiếm mang tên Công Bố không được nổi tiếng nhiều như hai tên kiếm Thái A và Long Uyên. Mỗi lần sử sách có nhắc đến cũng chỉ nói vài giòng đó là một trong ba thanh kiếm mà Âu Dã Tử đã đúc và Việt Vương đã hiến Ngô Vương.
Can Tương và Mạc Tà: Nói về đôi kiếm nầy có hai thuyết, cả hai đều rất độc đáo và khác hẳn nhau, xin đưa ra cả hai để đọc cho biết.
Hầu như chẳng ai là không nghe nói đến tên của hai thanh bảo kiếm nầy, bao nhiêu thí dụ, cũng như thơ văn đã nhắc nhở đến. Để so sánh người ngu với người hiền các thi nhân thường so sánh cây dao thường với thanh bảo kiếm Mạc Tà, hay Can Tương.
Thuyết thứ nhất:
Nhờ sự trợ giúp khôn ngoan của Ngũ Tử Tư nên Hạp Lư được lên làm vua. Giao hết trong trách cho ông nầy, bắt phải làm sao cho nước mạnh, phong làm Đại Phu, đãi theo khách lễ, không xem như thần.
Ngũ Viên nhận lệnh, đi nhìn đất, nếm nước để xem mặn ngọt thế nào, rồi chọn một nơi thuận lợi nhất để xây kinh đô với nhiều thành quách kho lẫm. Trong số ấy có cả Dã Thành, Ngưu Thủ Sơn. Một ngọn núi thời Xuân Thu ngày nay ở Hà Nam, phủ Khai Phong, đây là nơi dành để đúc kiếm. Chữ Dã có một nghĩa nữa là luyện kim. Nơi đây đã đúc ra hằng nghìn thanh kiếm. Thành nầy còn mang tên là Biển Chư, và ba nghìn thanh kiếm đúc ở nơi nầy đều có mang tên Biển Chư, ngày nay các cuộc khai quật đã có tìm thấy.
Nhân trong nước có người thiện về nghề trù kiếm tên Can Tương, có vợ Mạc Tà, và cũng là bạn đồng học một thầy với Âu Dã Tử. Can Tương được mời đến Tượng Môn để đúc bảo kiếm.
Tượng Môn là cửa về hướng Đông của thành Cô Tô, thành nầy ở phía Đông Bắc núi Cô Tô, cách 30 dặm lý. Tượng Môn còn là nơi tụ họp của những người thợ giỏi. Can Tương được lệnh phải trù riêng cho nhà vua một đôi bảo kiếm đặc biệt không ai có.
Muốn thực hiện, Can Tương phải đào sắt ở Ngu Sơn chọn riêng những thứ khoáng chất tinh khiết, cái gọi là: “Lục Hợp Chi Tinh” Lục Hợp là trời đất và tứ phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Lục Hợp còn một nghĩa khác nữa là cái tinh hoa quý giá của trời tặng cho đất, đó là những vì sao lành.
Can Tương sau khi chọn cát nhật, khi đã quy tụ được cả trăm vị thần linh cúi nhìn xuống. Ngày ấy, ông cho chất than thành đồi, lấy 300 đồng nam đồng nữ, còn tinh khiết bắt ngồi thay nhau mà canh lửa.
Ba tháng trời qua mà chất sắt vẫn y nguyên không tan, vợ là Mạc Tà nhìn thấy, bảo với chồng rằng: “Muốn Thần Vật hóa thì trước hết phải có nhân khí, nay ta đun 3 tháng qua mà kim không tan chắc là chờ nhân khí đấy”.
Can Tương đồng ý còn nói thêm: Ngày xưa thầy tôi cũng trù kiếm, đun không chảy, cả hai người phải nhảy vào lò, ngày nay mỗi khi chúng tôi lên núi đốt lò thì trước hết phải lấy tấm áo đang mặc còn có hơi người mà chùi lò, sau đó mới đốt được, nay ta đun khoáng chất không chảy cũng vì lý do ấy chăng.
Mạc Tà suy nghĩ rồi bảo: Thầy ta dám nhảy vào lò, còn ta sao lại ngại ngùng, nói xong bà đi tắm rửa, cắt tóc và móng tay móng chân bỏ đi, rồi đến đứng cạnh lò, bảo các đồng nam đồng nữ thổi lò cho lửa lớn thêm rồi nhảy vào lò trong nháy mắt.
Chỉ một khoảnh khắc sau là chất kim khí chảy ra, Can Tương đúc được hai thanh bảo kiếm. Thanh kiếm thứ nhất là Dương Kiếm mang tên Can Tương, thanh thứ hai là Âm Kiếm, mang tên người vợ Mạc Tà. Trên dương kiếm có khắc Quy Văn, trên âm kiếm khắc Mạn Lý.
Vì biết cái giá trị vô cùng của đôi kiếm nên Can Tương chỉ mang vào dâng nhà vua thanh âm kiếm Mạc Tà còn thanh dương kiếm Can Tương thì giữ lại cho mình. Nhà vua mừng rỡ cầm kiếm thử chém vào đá, đá vỡ ngay. Hổ Khâu ngày nay còn nơi mang tên là Thí Thạch Kiếm.
Tại sao lại Quy Văn và Mạn Lý, sử chỉ giải sơ qua, rằng Quy Văn là Ân Văn, chữ cổ, Quy là một trong tứ linh có thể giải điều Cát Hung. Mạn Lý có nghĩa là bình được cái đạo lý của trời đất.
Khi Ngô Vương biết rằng Can Tương còn giấu một thanh kiếm nữa, không chịu mang dâng cho mình, giận lắm cho người đến đòi, nếu không đưa thì sẽ bị giết. Can Tương mang kiếm ra nghênh, kiếm nhảy từ bao ra, hóa thành rồng xanh Can Tương cưỡi lên mà biến mất.
Đoạn nầy nghe có vẻ quá huyễn hoặc, chẳng biết có ai tin, nhưng đã đọc thì phải biết cho tận tường.
Thuyết thứ hai:
Một trang sử khác chép rằng Can Tương đúc kiếm cho vua Sở, ba năm trời mới thành, nhà vua giận muốn giết đi ông biết chắc ý định của vua, lúc ấy Mạc Tà là vợ đang có thai sắp sinh. Ông gọi vợ bảo rằng chắc ta phải chết hôm nay, vì không làm đẹp ý nhà vua, nếu nàng sinh con trai thì dặn nó sau nầy lớn lên, hãy nhìn về dãy núi phương Nam thấy có cây tùng nào mọc trên đá thì hãy tìm đến mà đào phía sau, bên dưới sẽ có chôn thanh bảo kiếm.
Dặn vợ xong Can Tương khăn áo chỉnh tề vào chầu vua Sở, mang theo thanh kiếm Mạc Tà dâng cho vua. Nhà vua nhìn thấy chỉ có một thanh thư kiếm, nổi giận hỏi tại sao, kiếm thường phải có đôi, thư và hùng mà nhà ngươi chỉ mang cho ta có một thanh thư kiếm nầy mà thôi.
Ra lệnh xử tử vì tội khi quân, chậm trễ… Đứa con sinh ra được đặt tên là Xích Tử, khi lớn lên nó hỏi mẹ, bố con ở đâu? Người mẹ cứ theo lời chồng dặn mà trả lời. Đứa con y theo lời mẹ đi thẳng vể phía Nam không thấy núi nhưng thấy có một gốc tùng và dưới có phiến đá. Đào lên quả thật có thanh hùng kiếm. Đứa con trai nhất định trả thù cho bố như lời dặn.
Đồng thời thì suốt trong mấy ngày đêm liền nhà vua đã nằm mơ thấy có một thanh niên cứ đòi đến để giết mình. Nhà vua sợ lắm, ra lệnh ai bắt được hoặc giết được chàng thanh niên nầy thì sẽ được thưởng một nghìn lạng vàng. Nhà vua còn chọn một họa sĩ vẽ giỏi đến để bắt họa theo lời tả của mình, quả thật giống như hình của Xích Tử. Chàng trai thấy hình ảnh mình treo đầy đường đầy chợ, sợ lụy cho mẹ nên phải cải trang bỏ nhà ra đi, làm nghề ca dạo để độ thân.
Một hôm có người khách lắng nghe giọng ca, tìm đến gần hỏi thăm tại sao chàng còn trẻ mà có giọng ca bi thiết như thế. Xích Tử kể gia cảnh, khách nghe xong bảo rằng: Hãy trao kiếm và đầu ngươi cho ta, ta sẽ báo thù thay cho ngươi.
Xích Tử mừng lắm tự tử ngay và còn cố lấy sức đưa tay ôm đầu trao cho khách. Khách cầm lấy, tìm đến Sở Vương đưa ra. Nhà vua mừng lắm, thưởng tiền ngay. Người khách còn bảo nên mang cái đầu nầy nấu đi mới tốt, nhà vua ra lệnh đun nước sôi để nấu cái đầu của Xích Tử. Mặc dù nước sôi cao độ, cái đầu không tan mà còn nổi lên như muốn trừng mắt nhìn nhà vua. Khách bảo chỉ có cách là vua cúi nhìn thì cái đầu ấy mới tan, Vua nghe theo, khách thừa dịp cầm kiếm cắt ngay đầu vua cho rơi xuống nồi nước sôi rồi cũng cắt luôn đầu mình cho rơi vào để khỏi bị tội.
Người ta mang chôn chung ba cái đầu vào một chỗ, gọi là Tam Đầu Vương. Không biết ngày nay ở đâu, nên nhắc thêm rằng cái đầu của Xích Tử được nấu trong ba ngày ba đêm mà không tan.
Theo cả hai thuyết thì rồi chẳng ai biết thanh Mạc Tà đi về đâu, nhưng cũng theo Dã Sử thì lối 600 năm sau Tấn triều có vị Thừa Tướng là Trương Hoa, đêm nào nhìn lên cũng thấy ở giữa hai sao Ngưu và Đẩu thường có những làn khí tím rực rỡ, vì màu tím được xem như là tường sắc, thụy sắc, màu của điềm lành, không phải thứ tím đen thẫm mà là màu tím xanh, hoặc hơi ưng ửng đỏ. Người xưa tin là màu tím tốt lành nhất, nơi nào có thần tiên và các bậc hiền thánh cư ngụ hay đi ngang đều có tử khí, tử sắc, chữ tử viết với bộ mịch là màu tím, ta gọi là tía, chứ không phải tử là chết, cần nói rõ. Mây màu tím được gọi là “Tử sắc chi vân” tức là tường thụy chi tinh. Ánh sáng của những báu kiếm bao giờ cũng tỏa ra sắc tím.
Nhà thơ Bạch Cư Dị có hai câu:
Bạch Quang nạp nhật nguyệt
Tử khí bài Đẩu Ngưu
(Cổ Kiếm thi).
Sách nói về Lão Tử cũng ghi đoạn lúc Lão Tử đi về phương Tây, trước mấy tuần lễ có vị quan tên Di Hi nhìn về phương ấy đã thấy trên trời mây mang khí tím biết rằng có thánh nhân sắp đến đây. Y như rằng sau đó Lão Tử đã cưỡi trâu đi qua.
Trở lại với Thừa Tướng Trương Hoa, lúc trông thấy Tử Khí ở giữa hai vì sao Ngưu và Đẩu, biết trong cận thần có Lôi Hoán là người giỏi về thiên văn và tướng thuật, triệu đến hỏi thăm. Lôi Hoán trả lời đã nhận thấy từ lâu, đó là tinh khí của bảo kiếm tỏa lên từ miền Dự Chương, và Phong Thành. Trương Hoa bổ nhiệm ngay Lôi Hoán làm Phong Thành lệnh.
Hoán đến nhậm chức ở huyện Phong Thành, ngay hôm sau cho quật ngục lên, thấy một cái hòm bằng đá, mở ra xem được một đôi kiếm, không sáng lắm vì bị chôn dưới đất quá lâu. Lấy đất từ Nam Xương, Tây Sơn mà mài thì ánh sáng trở lại rực rỡ. Giữ cho mình một thanh còn một thanh mang gửi đến cho Trương Hoa.
Hoa bảo ta xem chữ khắc trên kiếm thấy ghi là Can Tương, Mạc Tà ở đâu sao không thấy? Nhưng chẳng sao, Thần Vật bao giờ cũng tìm nhau.
Theo Tấn Thư, thiên Trương Hoa ký, lại ghi rằng thanh kiếm do Lôi Hoán đào lên đó là Long Tuyền và Thái A, thì chẳng biết thế nào, chỉ xin độc giả tìm thêm.
Trương Hoa nghĩ rằng đất ở Nam Xương không bằng thứ đất đỏ ở Hoa Âm, dùng đất Hoa Âm mà mài thì kiếm sẽ còn sáng hơn, bèn gửi một cân đất từ Hoa Âm về cho Hoán, quả như thế, Hoán đã cho mài bằng đất Hoa Âm thì nhận thấy kiếm còn sáng đẹp hơn. Sau đó hai người trong một chuyến công du mang kiếm đi qua sông Bình Luật, cả đôi kiếm cùng rơi xuống sông, cho người nhảy theo lặn xuống nước tìm, chỉ thấy một đôi rồng nhe răng dọa nạt, người lặn phải trở lên, chẳng ai còn thấy kiếm nữa. Thần Vật đã trở về với xứ sở của mình.
1- Ngô Đại Đế với Sáu Thanh Bảo Kiếm
Theo Tôn Quyền truyện, thiên Ngô Chí ghi: “Ngô Đại Đế có 6 thanh bảo kiếm là: Bạch Hồng (Cang), Tử Điện, Tỵ Tà, Lưu Tinh, Thanh Minh và Bách Lý.
Trước hết phải biết rằng Ngô Đại Đế là thụy danh của Ngô Tôn Quyền, những ông vua mới lên nắm quyền ông nào cũng thấy mình Đại và dòng họ mình sẽ còn dài mãi. Chính các ông không thấy thì những nịnh thần cũng bảo cho thấy, trong 6 thanh kiếm chỉ có Bạch Hồng là nổi tiếng nhất.
Bạch Hồng: còn đọc là Bạch Cang, chữ Hồng ở đây không phải là màu hồng mà là một cái móng trắng. Móng trên trời cũng có hai loại Thư và Hùng tức là cái và đực, thư màu ám, hùng màu tươi. Thư còn tên là Nghê, Binh Thư nào cũng có câu: “Bạch Hồng quán nhật, binh tượng”. Nhật là mặt trời tượng trưng cho Thiên Tử tức nhà vua, khi móng che mặt trời tức là điều không lành, báo sự binh đao, mà không hay cho nhà vua đương quyền.
Khi Chuyên Chư sắp đi giết Vương Liêu thì Tuế Tinh che mặt trăng. Lúc Kinh Kha ra đi theo ý Thái Tử Đan định giết Tần Thủy Hoàng, có Bạch Hồng quán nhật, nhưng che không hết. Thái Tử Đan nhìn và biết sự không thành, khi người về báo tin Kinh Kha chết, Thái Tử chỉ nói Ta đã biết rồi.
Tử Điện: Kiếm chỉ mang tên ánh điện tím để nhắc sự tường thụy chứ kiếm không làm những việc tàn ác như có một số thanh bảo kiếm khác.
Tỵ Tà: Tên một con thú nửa phần rồng, nửa phần sư tử, người xưa tin rằng, hình ảnh nầy mang vào mình cũng sẽ tránh được mọi đều xấu, tránh được cả tà khí.
Lá cờ thêu hình con thú Tỵ Tà, lá cờ của giai cấp chấp chính. Là những người có đức hạnh, học thức, phúc đức tổ tiên từ mấy đời. Những người nầy không bao giờ còn phải chịu hình phạt. Xe tứ mã của họ khi ra ngoài như nơi công dinh có treo lá cờ Tỵ Tà nầy để cho mọi người cùng biết.
Lưu Tinh: Định nghĩa của Lưu Tinh là: “Quang tích tương liên, tuyệt tích nhi khứ”. Ánh sáng nối tiếp nhau và khi biến đi thì không còn dấu vết. Chữ Lưu có nghĩa là từ trên giáng xuống, trái với chữ Phi là từ dưới thăng lên. Lưu Tinh ngoài cái nghĩa là ánh sáng chạy dài qua rất nhanh như ánh kiếm khi được tuốt ra khỏi vỏ, như một vì sao băng trên trời, Lưu Tinh còn là tên của một thứ vũ khí để tự vệ và kích địch. Lưu Tinh cũng được xem như một sứ giả quý, đưa tin lành, tin vui. Lưu tinh lớn, sứ giả lớn, tin vui cũng nhiều.
Thanh Minh: Đây tên kiếm có nghĩa là thanh thiên, thương minh, màu trong của nền trời và ánh lục của cỏ cây. Chữ Minh ở đây không phải do hai chữ Nhật và Nguyệt ghép lại, mà là chữ Minh với bộ Mẫn, có nghĩa là u thâm, nhà thơ Đường, Vương Duy có hai câu:
Liên thiên ngưng đại sắc
Bách Lý dao Thanh Minh
Có nghĩa là khắp trời ngưng đọng một mầu đen lục, (màu của các bà thường dùng kẽ mày thời xưa), và cả trăm dăm dao động thứ ánh sáng trong lục, thanh minh.
Bách Lý: Ngày xưa khi cắt đất cho các bậc công hầu, bao giờ cũng chỉ có Bách Lý, sau đó tùy công mà thưởng phạt. Hầu hết chỉ là loại kiếm tiểu hình chứ không phải loại đại hình như Can Tương, Bàn Dĩnh. Mang kiếm để tăng uy tín cho người tráng sĩ, một vật trang sức hùng.
2- Sau một loạt 6 tên kiếm của Ngô Đại Đế chúng ta còn những tên như Thanh Bình, Hàm Quang, Thừa Ảnh, Tiêu Luyện, Thất Tinh, Long Tảo, Chúc Lâu, Bộ Quang, Trảm Mã, Trảm Xà,…
Thanh Bình: Thanh kiếm quý nổi tiếng vì Hán Cao Tổ tức Lưu Bang đã dùng để chém con rắn. Một hôm ông hơi say rượu đi về, nửa đường thấy có con rắn trắng nằm ngang giữa đường, ông tuốt thanh kiếm giết chết rắn. Đêm sau nghe rõ có tiếng khóc của người đàn bà than rằng con tôi là Bạch Đế đã chết hóa thành rắn ra đường bị con của Xích Đế giết mất rồi.
Thanh Bình được người xưa ca tụng là một thanh kiếm rất quý, hợp được với cái đức trinh chính của quẻ Khôn, đức cương cường của hào đức Càn, nhờ khí âm dương mà đúc ra, lưỡi kiếm sáng lòe ánh tím, lưỡi kiếm lạnh như giá băng, ngay đeo vào chói át cả ánh trời, đêm cất đi ánh tỏa sáng như ánh trăng. Bạch Bích, Minh Châu cũng phải thua kém.
Ba thanh kiếm cũng được nhắc nhiều là Hàm Quang, Thừa Ảnh và Tiêu Luyện… Sách Liệt Tử Thăng Vân ghi: Vệ Khổng Chu người thời Chiến Quốc, ở nước Vệ có 3 thanh bảo kiếm của tổ tiên để lại, những thanh kiếm nầy là của vua nhà Ân ban cho. Khổng Châu được mọi người trọng vọng bảo rằng chỉ cần một cái nhìn mà uy lực hơn 3 đạo quân.
Hàm Quang: Có nghĩa là ngậm ánh sáng, và nghĩa bóng là bảo tàng mỹ đức. Cùng với Thừa Ảnh và Tiêu Luyện là của quý của gia đình Khổng Chu.
Thừa Ảnh: Khổng Chu thường nói với các bạn rằng ánh sáng của Thừa Ảnh là thứ ánh sáng của buổi tinh sương giao tranh, nhìn từ sau thì bằng bạc, vung lên đụng phải vật gì thì vật đó tan nát không còn nhận ra, bị động tới là có một thanh trầm âm phát lên, lướt qua vật làm tan mà chung quanh không dao động.
Tiêu Luyện: Đặc biệt của thanh kiếm nầy là ban ngày chỉ thấy hình kiếm mà không thấy ánh sáng, ban đêm lại chỉ thấy ánh sáng mà không nhìn thấy kiếm. Động đến vật gì là vật ấy đứt không lên tiếng động, lướt lên da chỉ thấy đau mà không thấy máu dính vào kiếm.
Long Tảo: Nét đẹp của rồng. Tất cả những thanh tiểu hình nầy đều ít ác, như đã nói ở trên chỉ là những thứ trang sức cho các bậc vương hầu hơn là để làm việc chém giết ngoại trừ một vài trường hợp.
Chúc Lâu: Thanh kiếm nầy có lẽ nổi tiếng nhất vì Phù Sai, Ngô Vương đã vứt cho Ngũ Tử Tư khi ông nầy thấy nhà vua khoe khoang đã thắng Tề, chỉ vì trước khi đi đánh Tề thì Ngũ Tử Tư đã can. Bảo rằng trời, lúc có ý muốn diệt một nước nào hay một người nào thì cho một chút vui, sự thắng Tề hôm nay của nhà vua chỉ là một chút vui đó thôi. Nhà vua giận đuổi ra rồi cho người mang thanh kiếm Chúc Lâu đến với mấy chữ: “Tử dĩ thử tử” có nghĩa là ngươi hãy chết với cái nầy.
Ngũ Tử Tư biết ý trước khi tự tử bằng thanh Chúc Lâu ông bảo người nhà hãy móc mắt ông treo ở cửa Đông để ông nhìn quân Việt vào diệt Ngô. Người hầu mang kiếm về, báo tin chết, nhà vua thân đến nhìn xác ông còn bảo: “Ngươi chết rồi đâu còn biết gì nữa”, rồi tự tay cắt đầu ông bảo mang treo ở Bàn Môn lầu, xác cho quạ ăn. Một người trông thấy tội nghiệp đã mang xác vứt xuống sông nhưng xác cứ trôi nổi làm dân chúng trong vùng sợ phải đưa đi chôn ở Ngô Sơn.
Thanh kiếm Chúc Lâu sau đó được Việt Vương mang về xứ Việt với mình. Phạm Lãi nhận xét ông là người có cái tướng trường cảnh điểu tạc (Cổ dài mà miệng như mỏ chim) loại người chỉ có thể cộng nhục mà không thể cộng vinh nên đã nhất định bỏ ra đi, mặc dầu nhà vua khóc mà giữ lại ông không nghe, dọa bắt giết vợ con ông cũng cứ giữ ý định trả lời rằng vợ con tôi có làm tội gì đâu nhưng nếu nhà vua muốn làm gì thì cứ làm.
Ra đi xong rồi ông còn gửi thư về giục Văn Chủng hãy bắt chước mình, Văn Chủng ngập ngừng không nghe. Y như sự tiên đoán của Phạm Lãi, Câu Tiễn nhận thấy Văn Chủng có tài chỉ sợ rồi sau làm loạn nên có ý định thủ tiêu. Một hôm họp triều đình, Câu Tiễn thấy Văn Chủng không đến, các nịnh thần nhân đấy mà gièm pha, nhà vua bèn xa giá đến thăm, thấy Văn Chủng có vẻ bệnh hoạn thật. Nhà vua cởi kiếm để xuống rồi hỏi:
- Khanh có 7 cái thuật, ta đã dùng hết 3 để tiêu diệt được nước Ngô quốc, ngày nay còn 4, Khanh định dùng 4 thuật nầy làm gì đây?
Văn Chủng trả lời cũng chẳng biết dùng làm gì. Câu Tiễn đề nghị: “Khanh có thể mang nó xuống dưới đất mà phá nốt các tiền nhân của Ngô Vương cho ta không?
Nói xong, đứng lên ra về, Văn Chủng nhìn thanh kiếm thấy có khắc tên Chúc Lâu. Ông ngước mặt lên trời than rằng: “Người xưa đã bảo cái đức lớn, cái công lớn không bao giờ được trả lại”, rồi ông cười bảo thêm: “Thôi thì ta sẽ về gặp Ngũ Viên vậy chứ có sao.”
Trong lịch sử kiếm ít có những thanh bảo kiếm nào mà bị bắt làm những điều phi nghĩa phi nhân như thanh Chúc Lâu nầy.
Bộ Quang: Bộ đây có nghĩa là vận, người xưa gọi cái vận nước là quốc bộ, vận trời gọi là thiên bộ, với thanh kiếm thì đây là cái vận khí của ánh sáng, cái đức độ của thanh kiếm, chẳng có nhiều chuyện cũng như những thanh kiếm quý khác chỉ là món trang sức của bậc vương hầu mà thôi, tuy Bộ Quang cũng được nhắc đến thường trong các sách vở.
Thuần Câu: Là tên của một trong ba thanh kiếm Đại Hình mà Việt Vương đã bảo Âu Dã Tử đúc cho mình. Thuần có nghĩa là tinh khiết, không uế tạp, câu là vật gì cong mà bên dưới nhọn, câu còn tên một thứ khí giới tự vệ, câu có nghĩa là cái kiếm nhỏ. Do một thứ cây mang tên Câu Văn, hay là Đoạn Trường Thảo, lá rất độc, chỉ cần đặt một lá vào mũi hoặc miệng là nửa ngày sau người bị đặt lá phải chết ngay.
Trong cả thiên sưu tầm chúng ta nhận thấy vua xứ Việt là hay đúc kiếm nhất, có những thanh kiếm do người cha tức Doãn Thường nhưng có một số sau đây là do Câu Tiễn. Toàn những kiếm lịch sử. Chúng ta đã biết là Câu Tiễn đã dùng thanh kiếm Long Tuyền mà rạch vào đùi cho máu chảy xuống chân để tự phạt cái tội dám có một lúc lơ đễnh quên mất sự trả thù Ngô Vương.
3- Những thanh kiếm mà chúng ta đã nghe kể trên, là những thanh kiếm thường nghe nói đến rất nhiều, nhưng sau đây còn có tám thanh kiếm đặc biệt ít hay nghe nhắc đến. Sử chép ông đã bảo thợ đúc kiếm phải giết trâu trắng ngựa trắng tế Côn Ngô Sơn Thần để đúc ra tám thanh kiếm nầy. Đó là: Yêm Nhật, Đoạn Thủy, Chuyển Phách, Huyền Tiễn, Kình Nghê, Diệc Hồn, Khước Bang, Chân Cương.
Yêm Nhật: Theo truyền thuyết thì dùng thanh kiếm nầy chỉ vào mặt trời thì ánh sáng mặt trời trở nên u ám, vì kim là âm vật, mà âm thịnh thì dương phải diệt. Chất kim của thanh kiếm nầy không phải là loại kim khí tầm thường.
Đoạn Thủy: Kiếm nầy khi cắt nước thì nước phải chia đôi chảy thành hai giòng không hợp lại nữa.
Chuyển Phách: Kiếm chỉ lên mặt trăng thì bóng trăng bị dao động đảo chuyển.
Huyền Tiễn: Chim bay ngang qua mà gặp mũi kiếm là như gặp mũi tên treo sẵn chờ chim, phải chết ngay.
Kình Nghê: Kiếm xuống biển thì loại cá lớn như Kình Nghê cũng phải lặn sâu hơn để tránh mũi kiếm.
Diệc Hồn: Đi đêm lên núi mà có thanh kiếm nầy thì tất cả lũ Chi Mỵ Võng Lưỡng tức là các thần quái trên núi đều sợ hãi mà tránh xa.
Khước Bang: Thấy kiếm thì bất cứ loại yêu quái nào cũng phải lẫn tránh vì sợ uy lực của kiếm.
Chân Cương: Cắt ngọc, chặt vàng như chém vào gỗ vào đất, để nói sự cứng rắn của lưỡi kiếm.
Tám thanh kiếm nầy được gọi là thích ứng với bát phương.
4- Xưa hơn nữa, nếu đọc Tính Ác của Tuân Tử, chúng ta còn nghe nói đến những thanh cổ kiếm mang tên Hốt của Hoàn Công, Khuyết của Thái Công và Lục của Văn Vương,… Tất cả đều là tên của những thanh cổ kiếm.
Trước khi chấm dứt thiên Kiếm nầy xin hãy nghe một đoạn Trang Tử thuyết kiếm, để nhận thấy cái quan niệm của người xưa.
Kiếm có ba loại, thứ nhất là Thiên Tử Kiếm, kiếm của nhà vua, thứ hai là Chư Hầu kiếm tức là kiếm của các vị Chư Hầu và thứ ba là kiếm của thứ dân.
Kiếm của Thiên Tử là thứ kiếm mang cái sức nhọn của núi non thành dã nước Yên, cái sắc bén của ngọn Đại Sơn nước Tề, cái sườn là Tấn Ngụy, cái bao la của Chu Tống, cái hẹp của Ngụy Hàn. Bao kiếm là bốn phương di dịch, gói ghém được cả tứ thời, vòng quanh cả Bột Hải, chở được cả Đường Sơn, chế định Ngũ Hành, luận được Hình Đức, mở lối được Âm Dương, nắm trọn hai mùa Xuân Hạ, đẩy lùi được Thu Đông. Thanh kiếm của Trang Tử lúc dựng thẳng thì không có gì dám cản đằng trước, trên quét được phù vân dưới ngưng cả tuổi đất, không có gì để được bên trên cũng không có gì dám chèn bên dưới lúc vận kiếm thì chung quanh chẳng còn thấy gì.
Dùng thanh kiếm nầy chư hầu tất phải vào khuôn phép, thiên hạ phải tòng mệnh quy phục, đó là kiếm của Thiên Tử, đến Văn Vương cũng phải kinh hoàng.
Kiếm của Chư Hầu thì lấy cái dũng của kẻ sĩ làm sự nhọn, thanh liêm sĩ làm bén, hiền lương sĩ làm sườn, trung thành làm sự bao la rộng rãi, hào kiệt sĩ làm hạn hẹp. Kiếm nầy dựng cũng không có gì ở trên, nằm không có gì chèn dưới vận múa không có gì chung quanh.
Phép tắc ở trên thì làm cho trời tròn để thuận tam quang là ba thứ ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và của các tinh tú. Phép tắc ở dưới làm cho đất vượng để hợp bốn mùa, ở giữa thì hòa với lòng dân để an định bốn phương.
Kiếm nầy sử dụng thì như sấm sét lôi đình, ở trong đất phong của mình chẳng có ai là không tòng phục. Đó là kiếm của chư hầu.
Kiếm của thứ dân chẳng khác gì một trận đá gà, trên cắt cổ dưới mổ gan, không thể dùng để làm việc nước.
Cổ Kiếm còn dài, xin dành vào quyển hạ, sau đây, chỉ xin kết thúc bằng hai câu thơ của Giã Nghị làm để tế Khuất Nguyên, và cũng để thanh cho tình đời đen bạc, sự u mê, ham chuộng lời nịnh hót của những bậc cầm quyền:
Mạc Tà vi độn hề, duyên đao vi tiêm.
Ý nói rằng thanh kiếm quý như Mạc Tà thì cho là cùn, không bén nhọn còn với cây đao tầm thường thì cho là bén nhọn.
Không cần nói chúng ta cũng biết rằng tình đời bao giờ cũng thế và những người có tài đức thật sự thì hầu hết đều phải chịu cái số phận “vi độn” để nhường chỗ cho những thanh duyên đao, những kẻ biết luồn lọt, biết nịnh bợ. Cầu mong cho người đời cúi nhìn lịch sử qua vài trang sách nầy mà suy nghĩ thêm chăng.
Minh Đức Hoài Trinh