User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Ðời người, ai cũng đều hãi sợ cái chết, dù biết trước đây chỉ là một bước chuyển kiếp, từ thế giới này sang thế giới khác. Cho nên đó không phải là chuyện của riêng ai, kẻ chết hay người sống. Ðây là một tập tục của cá nhân, gia đình, xã hội và các tôn giáo, nhằm giúp người chết vượt tới cõi hư vô hoàn toàn, trong đó có việc làm cho người chết được mồ yên mả đẹp. Quan trọng nhất là từ năm 1963 tới nay, Giáo Hoàng Paul IV của Tòa Thánh La Mã, đã cho phép giáo dân được hỏa táng và tuyên bố việc này không làm hại tới đời sống tâm linh của những người theo đạo Thiên Chúa. Trước thế kỷ XVIII, có một số tôn giáo, không nhấn mạnh hay bắt buộc tín đồ phải tôn kính đối với người chết. Bởi vậy đã không có chuyện người sống đi thăm mộ phần thân nhân mình. Do đó, người chết gần như bị lãng quên và hoàn toàn phó mặc cho nhà thờ là nơi chôn giữ họ. Sự kiện này, mãi cho tới khi có cuộc cách mạng Pháp năm 1789 mới chấm dứt. Tóm lại trước đó, chính người chết tự tìm đến với người sống và những tiếng chuông, vang lên khắp các làng quê Âu Mỹ, Cận Ðông… vào ngày Thanh Minh hằng năm, 2 tháng 11, chỉ với mục đích, xua đuổi linh hồn của những người đã khuất, xa hẳn cõi sống trần gian, theo tập quán tín ngưỡng của họ. Trái lại tại Á Châu, việc thờ phụng người đã khuất rất được coi trọng, nhất là ở Trung Hoa và Việt Nam, qua quan niệm “Nhờ ơn Tổ Tiên, chúng ta mới có tất cả.”
 
Bởi vậy, mới có ngày Thanh Minh trong Tiết tháng Ba, hay là lễ Cô Hồn ta vào Rằm tháng Bảy âm lịch. Ðây là dịp để người sống biết ơn người đã khuất, như đi lễ tại các đình làng, nhà thờ. Ðồng thời, đem lễ vật, hương hoa tới cúng bái tại phần mộ, nơi nghĩa trang. Tập quán này, ngày nay cũng được các tín đồ Thiên Chúa phương Tây thực hiện hằng năm, vào ngày 2 tháng 11, gọi là Lễ Cô Hồn Tây, nhất là tại Mễ Tây Cơ, đã trở thành một ngày lễ chung của toàn quốc. Cùng chung ý niệm tôn giáo trên, tại các nước Âu Mỹ đã cử hành Lễ Hội Halloween, vào đêm 31 tháng 10, đêm trước Lễ Các Thánh (All Saints’ Day), hay còn gọi là All-Hallow Day, nhằm ngày 1-11. Theo sử liệu, đây là một Lễ Hội đã có từ lâu đời, bắt nguồn từ phong tục và mê tín của người Druid thuộc sắc tộc Celts cổ, sống tại nước Anh, Ái Nhĩ Lan và xứ Gaul. Người ta thường nói Đông và Tây chẳng bao giờ gặp nhau, ngoại trừ trong các dịp lễ Cô Hồn.
 
1. Những Huyền Thoại Phát Sinh Từ Lễ Hội Halloween:

halloween

Ðến nay, tác phẩm ác quỷ Dracula của nhà văn người Anh là Bram Stoker, đã trên 100 năm và đã trở thành một nguồn cảm hứng vô tận, chẳng những với các nhà văn, nhà báo, mà còn gây sôi nổi khắp thế giới, qua 154 bộ phim được sản xuất tại Hollywood và Âu Châu. Theo văn hào Pháp là André Malraux, thì trong thời đại của chúng ta, đã có ba nhân vật hoang đường ngự trị, đó là Ma Cà Rồng (Ác quỷ Dracula), Tên Sở Khanh Phong Nhã (Don Juan) và Những Kẻ Bán Linh Hồn Cho Quỷ (Faust). Ðây chính là phó sản của sự tưởng tượng, được phát sinh từ lễ hội Ma Quỷ xa xôi của người Âu Châu cổ. Thật ra, đây chỉ là một câu chuyện hoang đường nhưng về hình thức lại là một quyển tiểu thuyết hiện đại ở thế kỷ XIX, vì đã dùng máy đánh chữ đầu tiên, trong việc thực hiện tác phẩm, giống như triết gia người Ðức Nietzsche đã dám nói lên những sự thật về tôn giáo vào thời đó bị coi là cấm tuyệt. Ngoài ra, nhân vật quỷ nhập tràng, tức bá tước Dracula, đã được tác giả phác họa theo vóc dáng bạn mình là diễn viên kịch tên Henry Irving, lúc hóa trang trên sân khấu với lỗ mũi quặp dài, mặt màu sáng, răng nanh ló ra ngoài, ria trắng, môi đỏ. Tuy nhiên, trong 154 bộ phim quỷ đã ra đời, không có một phim nào, nhà đạo diễn đã dựng hình ảnh Dracula theo đúng nhân vật mà Bram đã dựng lên trong tiểu thuyết của mình. Ngay từ năm 1897, khi tiểu thuyết quỷ nhập tràng ra đời, lập tức hình ảnh Dracula đã gây kinh hoàng khắp nước Anh. Nhưng rồi hai kỳ thế chiến xảy ra, với không biết bao nhiêu là cảnh chết chóc tang tóc, khắp Âu Châu và hoàn cầu, khiến cho ngươi ta không còn sợ ma quỷ và tạo cơ hội cho giới làm phim hốt bạc, mà đạo diễn Tod Browming là người đầu tiên đưa quỷ nhập tràng lên màn bạc vào năm 1931, do tài tử Bela Lugost đóng vai chính Dracula.
 
Ta biết ma quỷ là chuyện hoang đường nhưng lại không phải là một vấn đề đơn giản. Học thuyết luân hồi quả báo của Phật giáo và câu chuyện con quỷ có sừng, cánh, tay cầm chĩa ba của Tây Phương, tuy có khác về hình thức, trái lại ý nghĩa, nội dung, gần như tương tự, vì cả hai đều xác nhận kẻ làm ác khi sống, lúc chết bị đày xuống các tầng địa ngục, bị ma quỷ hành hạ. Chẳng những thế, con người ngày nay còn tiến xa thêm trong cái thế giới hoang tưởng, với hậu chứng ma ám, các hội bắt ma quỷ, làm như chúng đã thoát khỏi địa ngục và đang hiện diện nơi trần thế này. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là hầu hết các nền văn minh của nhân loại đều cho rằng ma quỷ là không có thật, dù thiên hạ vẫn tin. Tóm lại, theo triết học, quỷ sứ là một thế lực đen tối, biểu tượng của sự tham, sân, si, do lòng tham không đáy từ con người tạo ra, khi mù quáng, điên dại, lọc lừa và tàn bạo. Theo thánh thư Tây Tạng, ma quỷ là biến tướng của trí tuệ chính ta hay Yidam của óc tưởng tượng, chẳng qua chỉ là một yếu tố tinh thần. Tại Ấn Ðộ, Ba Tư, miền Trung Á, thời gian khoảng 600 năm trước Tây lịch, ma quỷ gần như sống chung với con người. Niềm tin đó đã trở thành một yếu tố trong quan niệm cấu tạo vũ trụ học, tự nhiên như các yếu tố nước, lửa, cây cối. Ngày nay, quan niệm chỉ có những người ít học, dốt nát… mới tin có ma quỷ đã lỗi thời. Lịch sử đã cho thấy có nhiều vĩ nhân còn tin ma quỷ hơn ai hết, chẳng hạn như Napoléon vì sợ con số 17 nên đã phải dời ngày đảo chính một ngày. Những nhân tài như Chateaubrian, Schubert, Picasso… sợ mèo, sợ ma quỷ và tin dị đoan một cách mù quáng. Theo từ nguyên, danh từ mê tín (superstition) có gốc từ Superstare của Latin với nghĩa “ở bên trên.” Ðiều này cho thấy, sự mê tín dị đoan, vấn đề ma quỷ là một câu chuyện không tưởng, vô giới hạn. Ma Cà Rồng:

vampir

Người Hy Lạp gọi nó là Broncolaque, ở Bồ Ðào Nha là Bruxas, tại Lỗ Mã Ni thì kêu Norferat, người Ðức gọi Alp, Ba Lan là Oupir… Nói chung, mọi nơi trên thế giới đều tin và sợ Ma Cà Rồng. Trên màn ảnh, hai tài tử nổi tiếng Christopher Lee và Boris Karloff chuyên đóng vai ma quái, từ trong nhà mồ hay các quan tài chun ra hút máu những người sống. Ngoài đời đã có tên John George Haigh, tháng 8-1959 đã bị tử hình vì can tội giết 8 người để hút máu. Hiện lịch sử thế giới còn để lại nhiều tài liệu liên quan tới những thảm họa do ma cà rồng gây nên, đặc biệt trong thế kỷ XVIII, vào những năm 1706-1832 tại các xứ Hongrie, Serbie, Bohême, Grèce, Silésie... bỗng dưng có nhiều đàn ông cũng như đàn bà, đã chết lâu ngày, tự nhiên sống lại. Họ trở về nhà đập cửa, rồi khủng bố và tấn công những người sống trong gia đình. Tình trạng hỗn loạn, khiến cho nhà chức trách phải cho quật mộ người chết để khám nghiệm tử thi tìm hiểu sự thật. Sự kinh hoàng bao trùm khắp Châu Âu. Theo sự giải thích của Dom Augustin Calmet, một người Pháp, tác giả quyển “Luận về ma cà rồng”, là một trong số 14 cuốn sách viết về đề tài trên, xuất bản năm 1749 rất nổi tiếng. Theo ông, sở dĩ có hiện tượng trên vì hậu quả của sự chôn cất quá sớm, nhiều người chưa hoàn toàn chết hẳn, nên sau khi hồi tỉnh đã vội phá mồ, chui lên và lò mò trở về nhà. Mới đây, trên tạp chí Life của Mỹ cũng có đăng hình một người đàn bà Haiti, tên là Félicia Félix Mentor, chết năm 1917 nhưng đã sống lại sau 20 năm, tự tìm về nông trại của mình, trong tình trạng mất trí hoàn toàn. Lại có một người đàn ông Anh, tên là Ernest Wicks, năm 1915 đã hồi tỉnh ở nghĩa trang Regent’s (Luân Ðôn), sau 4 lần bị chôn sống. Các hiện tượng này, giờ được khoa học gọi là chứng Hystérie. Hiện tượng ma cà rồng đã làm bối rối nhiều triều đình khắp Âu Châu, cuối cùng phải ban hành lệnh trừ tà các xác chết bị nghi vấn, như hỏa thiêu, chặt đầu hay đóng cọc, khiến cho dân chúng càng thêm hoang mang lo sợ. Năm 1755, nhờ thiện chí của một vị thầy thuốc tên là Gerald Van Swieten tại thành Vienne.
 
Sau nhiều năm lặn lội điều tra, khám nghiệm. Cuối cùng, ông đã đúc kết thành một báo cáo y học về hiện tượng ma cà rồng, trình lên Nữ Hoàng Maria Therèse của nước Áo, giải thích trường hợp 30 tử thi, sau thời gian được chôn cất lâu ngày, nhưng chỉ khô lại chứ không bị rữa nát như thông lệ. Nhờ sự chống đối quyết liệt này, mà chính quyền đã ra lệnh bãi bỏ tất cả những biện pháp, gọi là trừ tà, đối với các xác chết như đã thi hành trước đây. Hành động tương tự cũng được Giáo Hoàng Benoit XIV tại Tòa Thánh La Mã ra lệnh chấm dứt những tin đồn nhảm và các biện pháp trừ tà. Riêng Triết Gia Voltaire thì cười ngạo và cho rằng, sự kiện ma cà rồng làm gì có tại thế giới của người nghèo. Mà đó là sản phẩm của bọn vua chúa trưởng giả, sống chết đều ngự trong các lâu đài nguy nga kiên cố, cách biệt với thế giới bên ngoài. Sự thêu dệt hoang đường này đã kéo dài nhiều năm tháng và thật sự được chấm dứt vào đầu thế kỷ XIX, cùng với sự tàn lụn của nhiều triều đại quân chủ phong kiến tại Âu Châu. Theo nhà phân tâm học Ernest Jones, đồng thời với Freud, đã giải thích rằng ác mộng ma cà rồng là do ẩn ức từ một khát vọng của chính kẻ nằm mơ, lại xét xử thủ phạm. Ðó là dục vọng có từ sự tưởng tượng tuỳ hứng, một thứ hôn ám kiểu Don Juan hay sự phản ứng của một nỗi khiếp sợ trong tiềm thức, trước một hành động vừa sợ lẫn đam mê thích thú, không muốn từ bỏ. Tại Việt Nam cũng có truyền thuyết về ma cà rồng nhưng chưa thấy ai dám tự xưng là mình đã chứng kiến. Câu chuyện thường được kể từ những kẻ giang hồ đây đó, mà phần lớn là chuyện đường rừng với ba thứ ma thường trực là ma lai, ma xó và ma cà rồng, mà huyền thoại cho tới nay vẫn chưa tiêu tán. Ðó là con ma cái, con của Chú Hỏa, một trong những thương gia Hoa Kiều, giàu có nhất tại Sài Gòn thời Pháp thuộc. Quỷ Nhập Tràng: Trong các truyện kể truyền miệng tại VN, thường làm cho người nghe vừa thích thú lẫn ớn sợ phải nổi da gà. Ðó là chuyện người chết được đắp chăn chiếu nằm trên giường hay phản gỗ chờ đem chôn, bổng bị chó hay mèo nhảy ngang qua mình, khiến tử thi bật ngồi dậy hay đi đứng loạn xạ trong nhà. Trường hợp này được dân gian gọi là quỷ nhập tràng.
 
Ðây là một trường hợp có thật và người chết vừa sống lại, vẫn còn là người, chứ chưa phải là ma. Hiện tượng này, lần đầu tiên đã được triết gia nổi tiếng thời cổ Hy Lạp là Platon đề cập tới, qua câu chuyện về xác chết của một người lính bị tử trận. Nhưng 10 ngày sau, khi xác đem về nhà, chuẩn bị đem chôn. Ðiều bất ngờ là khi đem xác đó để gần một đống lửa, thì anh ta sống lại. Nước Anh vào thế kỷ XIII, cũng có trường hợp tu sĩ tên Beta bị bệnh chết, nhưng qua một đêm thì sống lại. Năm 1906 tại Kansas, Hoa Kỳ, đã xảy chuyện người thanh niên tên Havey, 20 tuổi bị bạo bệnh chết nhưng rồi sống lại hẳn, cưới vợ đàng hoàng. Sự kiện này đã làm cho dư luận Mỹ lúc đó xôn xao và cho rằng nhiều bệnh nhân đã bị chết oan, do sự khám nghiệm ẩu tả của các bác sĩ. Tại nhiều bệnh viện, có những người chết được đem bỏ vào nhà xác, chờ chôn, bỗng ngồi dậy, cạnh các xác chết khác. Tất cả các hiện tượng trên, đều gọi chung là quỷ nhập tràng. Do có khá nhiều trường hợp người chết sống lại, nên tại Âu Châu, vào giữa thế kỷ XIX, các nhà quý tộc, trưởng giả, đã cho thiết kế những chiếc quan tài đặc biệt an toàn, có gắn thiết bị báo động bên trong, để đề phòng người chết sống lại, thì báo tin cho nguời ở ngoài biết. Theo Y Học, sự chết được chia thành 2 thời kỳ, đó là chết lâm sàng, trong điều kiện bình thường, kéo dài từ 5-10‘, qua sự ngưng hoạt động của các tế bào, tim và hệ thần kinh não tủy, chấm dứt quá trình oxy hóa, khiến cho năng lượng dự trữ cho sự hoạt động của não thành cạn kiện và chết dần. Nhưng đó là những thay đổi, có thể hồi phục được. Trường hợp không chửa được, thì cơ thể mới chính thức chuyển sang thời kỳ chết sinh vật. Mới đây, có bé gái tên Britany Eicheberger, 3 tuổi, tại thành phố Pittsburgh (Hoa Kỳ), vô ý té vào một hố tuyết, khiến cho thân nhiệt xuống còn 13 độ C. Em đã rơi vào trạng thái chết lâm sàng nhưng cuối cùng đã được các bác sỹ cứu sống. Tóm lại, theo khoa học ngày nay, hiện tượng gọi là quỷ nhập tràng, thật ra đó chỉ là thời kỳ chết lâm sàng của bệnh nhân, do sự phấn đấu, cơ thể có thể hồi phục tạm thời rồi chết lại hay sống hẳn, như nhiều trường hợp đã xảy ra trên khắp thế giới.
 
2. Lễ Táng, Nghi Thức Của Người Sống, Chuẩn Bị Cho Chính Mình:
 
Ngày nay, con người đang điên đầu vì nạn khan hiếm và cạn dần các nguồn lương thực dành cho sự sống. Nhưng đói thì đói, khắp nơi thiên hạ vẫn cứ hoang phí, thậm chí phải khánh kiệt vì người chết, qua việc ma chay, mồ mả và lo thêm hành trang để cho ma có phương tiện lập nghiệp ở bên kia thế giới. Ðây là một quan niệm bất khả thi của con người, không bao giờ ngưng ám ảnh, trước những bi kịch đời do sinh, tử, bệnh, lão gây nên. Thời tiền sử, dù chịu cảnh ăn lông ở lỗ, tổ tiên ta cũng đã phải dành một phần lương thực, để dâng cúng thần linh vô hình. Ngày nay, nhiều người đã phải bóp bụng, chịu cảnh nghèo cực, để lo cho thần linh người chết mà điển hình nhất là sự người Miên và Trung Hoa, qua sự cúng kiếng linh đình, đốt vàng bạc, đồ mã, số tiền tiêu phí hàng năm, không bút mực nào tính hết. Trên miền thượng du Miến Ðiện có bộ tộc Chiov, sống đói rách triền miên, vì gần hết lương thực mà gia tài kiếm được, đều dành cho người khuất mặt. Tại Bengale, người sống cúng người chết hằng ngày, bằng những thứ kiếm được, kể cả cái chổi quét nhà. Tại Phi Châu, quan niệm chết trước để được hưởng nhiều lễ Tết, là một trong những mốt thời thượng. Ðã vậy nhiều nơi ở Phi Châu xích đạo, trong đó hăng nhất là bộ lạc Ponéo, Pahouins, Fans… còn chơi sang, đem tiêu hủy tất cả những thứ mà người sống đã dùng qua, kể cả nhà cửa, cây cối, bàn ghế. Những thứ này được đem chôn với xác người chết. Nhiều nơi đám tang kéo dài rất nhiều ngày và có nhiều người Phi Châu đã tự tử chết, để không mất phần hưởng cúng lễ. Trong một đám tang ở Angola, khổ chủ ngoài việc giết nhiều bò cái, còn hạ luôn 50 con cừu dê và vô số gà vịt…
 
Cũng ở Phi Châu, ma chay lớn nhỏ đều tuỳ thuộc vào thu hoạch mùa màng. Vì vậy nhiều nơi, người ta phải ướp xác để quàng lại, có khi kéo dài đôi ba năm, để đợi tới khi đủ lễ vật. Ðồ cúng được ưa thích vẫn là súc vật. Người Madagascar giết hằng vạn bò trong dịp Tết Fandorana cũng như người Lobis trong ngày lễ Dono. Tại La Mecque, Népal, Bénares… trong các ngày lễ, các chủ trại chăn nuôi phải đem giấu bớt súc vật, vì người ta tha hồ giết chúng một cách vô tội vạ. Nhiều nơi không đủ súc vật hay các tín đồ theo Phật Giáo, thì lễ vật là ngũ cốc và hoa quả. Có nhiều nơi, người ta bỏ bạc vàng vào miệng người chết, làm lộ phí để hồn ma có tiền hối lộ các vị thần trên đường tới thế giới cực lạc. Ở Nga, nhiều vùng còn có phong tục quăng tiền vào mộ người chết. Nói chung, tiền ma chay trên khắp thế giới, nếu gộp lại có thể làm nghiêng lệch cán cân kinh tế hiện tại. “Nghĩa tử là nghĩa tận,” câu nói thông thường nhưng đầy triết lý của người Trung Hoa xưa, đã cho thấy một cách đầy đủ nhất, tấm lòng thành kính của người sống đối với kẻ khuất mặt… Vì thế, khắp nơi trên thế giới, bất kỳ là dân tộc nào, cũng đều tổ chức tang lễ hết sức trang trọng để tiễn đưa người chết về cõi vĩnh hằng. Do phong tục tập quán khác nhau, nên cũng có hơn 1001 tập tục kỳ lạ về tang chế. Tuy nhiên, dã man nhất vẫn là tục bắt buộc thiêu sống người vợ của kẻ quá cố tại Ấn Ðộ. Tục này dù bị cấm hẳn từ năm 1829 nhưng tới nay vẫn bị phát hiện, có nhiều trường hợp đã xảy ra tại Rajasthan. Nói chung, các truyền thống tang lễ, nhất là tại Châu Phi, làm thiên hạ không biết đâu mà mò. Tại BomBay-Ấn Ðộ và Tây Tạng, thi thể của người chết bị vứt ra đồng hay tại tháp vĩnh hằng, cho kên kên, diều hâu tùng xẻo. Còn người Hindu thì lại hỏa táng tử thi, trước khi tắm rửa sạch sẽ để tẩy uế bụi trần. Trong lúc đó, những người chết vì bệnh truyền nhiễm, phong dịch, lại bị quăng xuống sông, vì không ai muốn nhìn họ. Riêng những gia đình nghèo, mới đem chôn thân nhân mình. Có điều lạ là những người sống hay hành hương dọc theo hai bờ sông Hằng tại Ấn Ðộ, đã không thắc mắc gì, về những xác chết thối rữa, cứ ngày qua tháng lại trôi lềnh bềnh trên mặt nước, làm ô uế và gây dịch bệnh cho người sống quanh vùng. Tại Bắc Mỹ, từ năm 1880 các xác chết đã được ướp bằng cách tiêm chất hormone vào những động mạch của tử thi, để giữ được lâu ngày. Cũng ở Âu Mỹ, hiện có phong trào mua sẵn đất để dành chôn cất.
 
Tập tục này làm phát sinh nhiều dịch vụ béo bở, trong đó có những cửa hiệu bán hoa nhân tạo, dành phúng điếu người chết. Tại Paris đã có hẳn một khu vực dành cho tang lễ, gọi là trung tâm hội chợ thương mại quốc tế, của người chết. Dân Nhật ở thành phố Osaka, ngoài việc tổ chức tang lễ rùm beng tốn kém, còn chơi ngông khi đưa quan tài, bằng những tập tục khác lạ, như đặt quan tài trên một đường trượt như kiểu ném bóng bowling. Ngoài ra còn có kiểu vệ tinh, mà chi phí một giờ lên tới 70.000 đô-la. Về các nghĩa trang thì vui nhộn nhất là Sapinta của Lỗ Mã Ni. Nghĩa trang Brookwood ở Anh Quốc rất thơ mộng, được xây dựng từ năm 1852, rộng 170 ha, có đường xe lửa riêng, tới nay vẫn là nơi yên nghỉ lý tưởng của 231,360 người. Nhật Bản và Hy Lạp, đất hẹp người đông, nên muốn có một nơi yên giấc nghìn thu, người ta phải chi phí một khoảng đầu tiên về đất là 25.000 đô-la. Riêng nghĩa trang kỳ lạ nhất, vẫn là tại Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có mộ nhưng không có xác người, tại các nghĩa trang quân đội, bộ đội đã chết trong các cuộc chiến vừa qua. Tại thành phố Alexandrie của Ai Cập, trong lúc công nhân đang xây cất chiếc cầu nối liền xa lộ với thủ đô Le Caire, thì phát hiện được địa điểm Necropolis, mà theo Jean Yves Empereur, một nhà khảo cổ người Pháp, thì đây là một thành phố của người chết, đã có từ hơn 2000 năm trước tây lịch. Tại hiện trường, đã tìm ra một nghĩa trang rộng lớn, gồm 150 đơn vị “Loculi”, là những hộc vuông bằng đất, được đào sâu trong vách thành, làm nơi bảo quản các xác chết. Ngoài ra, còn có nhiều hộc nhỏ chứa tro cốt hỏa táng. Ðặc biệt, các nhà mồ trong nghĩa trang này đều được phủ các bức tranh vẽ có chú thích bằng chữ Hy Lạp. Có tất cả 7 tầng, chồng chất lên nhau, chứa đầy xương người và các vật dụng hằng ngày. Theo sử liệu và bút ký của nhà văn Strabon sống vào cuối thế kỷ I trước tây lịch, thì thành phố nghĩa trang này được xây dựng vào khoảng thế kỷ III-II trước TL, thời kỳ vua Ptolémé của Hy Lạp thống trị Cổ Ai Cập...
 
Tất cả di tích coi như còn nguyên vẹn. Viện bảo tàng kinh dị nhất thế giới tại Paris, cũng vừa được mở cửa. Đây là nơi trưng bày những xác người và thú vật chết, bị lột da một cách gớm ghiếc. Bảo tàng do Fragonard, một thú y sĩ kiêm nghệ sĩ, thực hiện từ năm 1799. Ðể giữ nguyên vẹn thi hài người và thú vật sau khi bị lột da, Fragonard đã tiêm vào vào đó nhiều loại thuốc và hóa chất kỳ lạ tự chế, mà đến nay vẫn còn là điều bí mật, vì ông ta đã mang xuống mồ. Tóm lại, cái chết khiến cho nhân loại hãi sợ, vì đó chính là hình ảnh của mình sau này. Vì vậy, một số phong tục lễ hội đã được phát sinh, với tâm nguyện giúp cho người quá cố vượt qua được đoạn đường cuối đời để bước vào thế giới hư không an nhàn. Lễ Cô Hồn Tây hay là Halloween, có nhiều nét tương đồng với Ngày Tết Trung Nguyên Rằm Tháng Bảy của VN, Trung Hoa và các nước theo Phật Giáo. Chỉ khác một điều là Lễ Cô Hồn Tây được tổ chức vào đêm 31-10 dương lịch hằng năm, tại các nước Âu Mỹ, trước các lễ các Thánh ngày 1-11. Theo các nguồn sử liệu, thì lễ hội Halloween bắt nguồn từ sự mê tín dị đoan của người Druid, một bộ tộc thuộc giống dân Celts cổ, đã định cư lâu đời tại nước Anh, Ái Nhĩ Lan và xứ Gaul. Giống như quan niệm của Ðông phương, người Druid tin rằng, đêm cuối tháng mười là thời điểm để linh hồn của người chết từ địa ngục thoát lên trần thế, vất vưởng phá phách. Ðể xua đuổi đám âm hồn này, thời đó người ta đốt lửa trong Halloween. Rồi Ðế quốc La Mã xâm chiếm quần đảo Anh-Ái, họ lại thêm vào lễ hội những tập tục và truyền thống mừng ngày mùa (Harvest Festival). Do ý nghĩa trên, ngày nay ta thấy trong đêm Halloween, mang đầy ảnh hưởng của cây trái. Khắp nơi, chỗ nào cũng có Lồng Ðèn Ma Chơi (Jack-O-Lantern) làm bằng trái bí ngô rỗng, gọi là Hollowed-out-pumkin, phía trong có chỗ để cắm đèn cầy trắng, còn bên ngoài thì khắc những khuôn mặt ma quỷ kỳ quái, ghê rợn, tạo thêm không khí ảm đạm, khiến cho mọi người có cảm tưởng đang sống trong cõi âm ty địa ngục, loạn thế trong thế giới của Sa Tăng. Trong khi đó ngày 1-11 hằng năm lại là Quốc Lễ của Mễ Tây Cơ, mang ý nghĩa giống như Ngày Hội Thanh Minh vào tháng Ba âm lịch của ta. Tại đây, người sống đón linh hồn của người chết, đang trở về dương thế, bằng cách đốt lửa hay thắp nến dẫn đường. Trong khắp mọi nhà, bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân quyến… được trần thiết một cách trang trọng với đầy lễ vật và hương hoa đủ loại, tinh khiết thơm ngát. Sau đó, vào ngày 2-11, mọi người mang tất cả những đồ ăn thức uống, dùng cúng người chết trong đêm qua, đến nghĩa trang, để cả gia đình cùng ăn uống ngay nơi phần mộ của thân nhân mình. Cũng trong dịp Quốc Lễ trên, tại thủ đô Mexico cũng như tất cả các thành phố lớn nhỏ trong nước, bán đầy Cúc Vạn Thọ là loại hoa mà người Mễ tin rằng, có mùi hương đặc biệt, có thể quyến rũ được những hồn ma đang lạc lỏng, tìm lối về với gia đình. Ngoài ra, còn có bán Ðầu Lâu chứa đường và những Bộ Xương Người. Tất cả các thứ trên đều làm bằng giấy bồi. Lại có bán loại bánh mì đặc biệt, gọi là Pan De Muerto, trông giống như các khúc xương người. Khắp Hoa Kỳ, đêm Halloween, đúng ra chỉ là một lễ hội của trẻ con. Bởi vậy, khi mặt trời vừa bắt đầu đi ngủ, nhường chỗ cho bóng đêm, cũng là lúc bọn nhóc Mỹ hóa trang, thành đủ loại Ma Quỷ, từ Ma Cà Rồng Dracula, Quỷ Nhập Tràng… cho tới Phù Thủy hay các hồn Ma Chơi, chết oan uổng, nên đã sống vất vưỡng khắp nơi. Tất cả bọn chúng được mở xích, sổ tù, nhởn nhơ đi lại khắp nơi, vai vác chổi phép, tay xách đèn lồng bí, ăn mặc rất kỳ dị, tụ tập thành nhóm, kéo tới từng nhà, đập cửa, đòi lễ vật. Bởi vậy trong đêm này, hầu như nhà nào cũng có chuẩn bị bánh kẹo, để phân phát cho các em vui chơi. Có nhiều thành phố trên nước Mỹ, đã đứng ra tổ chức đêm lễ hội, mục đích ngăn ngừa sự phá phách quá trớn cuả bọn “Nhất Quỷ, Nhì Ma, thứ ba là Học Trò.”
 
Dịp này, Cơ Quan Bảo Trợ Nhi Ðồng Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc tổ chức quyên góp để gây quỹ, bảo trợ cho các trẻ em nghèo trên thế giới. Ngày nay, lễ hội Halloween đã vượt ra khỏi biên giới của các quốc gia nói tiếng Anh, xâm nhập vào nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Pháp, một dân tộc luôn tự tôn tự đại, đối với các nước Mỹ, Anh, Ðức, Nga… về nền văn hiến truyền thống lâu đời của mình. Theo tin của AP, năm 1997, công ty điện thoại Telecom đã đứng ra tổ chức và bảo trợ đêm lễ hội Halloween 31-10 tại kinh đô ánh sáng Ba Lê của nước Pháp. Công ty này đã cho trưng bày khắp nơi, dọc theo phường phố, trong khu vực Trocadro, gần chân tháp Eiffel với 8000 quả bí đỏ khổng lồ. Sự trưng bày trên, ngoài ý nghĩa quảng cáo phô trương thanh thế của Hãng Ðiện Thoại, còn được một số đông người Pháp, đồng tình cho rằng đây là sự trở về Nguồn Cội của Âu Châu. Do trên, ta cũng đừng ngạc nhiên, vì sao Hoa Kỳ hằng năm đều tổ chức rất trọng thể Ðêm 31-10 Halloween, vì tổ tiên của Hiệp Chủng Quốc đã từ Âu Châu di cư lập nghiệp tại Tân Thế Giới. Trước đây, đêm Cô Hồn Tây không được tổ chức trọng thể như bây giờ nhưng theo sử liệu, vào thời điểm đó, trong đêm lễ, các cửa hiệu đều có trang hoàng những quả bí đỏ và những mặt nạ cũng như quần áo, mũ hia của ma quỷ. Tại các quán rượu, quang cảnh lại càng ghê rợn với vũ hội hóa trang, dành cho khách hàng đến vui chơi suốt đêm, qua y phục, mũ nón kỳ quái và những chiếc mặt nạ quái đản.
 
Mường Giang
Xóm Cồn Hạ Uy Di Tháng 10-2015
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com