
James Younger bắt gặp sao băng đầy màu sắc này vào ngày 26 tháng 7 năm 2020, trên biển Salish, từ bờ biển British Columbia ở Canada. Ảnh: James Younger.
Ai đưa kiếm vút ngang mày hư không
(Bùi Giáng)
Rồi có người thắc mắc:
- Tại sao lấy tên là sao Khuê? sao Khuê là sao nào vậy?
Sao Khuê thì chỉ ù ơ ví dầu cho qua: Sao Khuê là sao chủ về văn học…
Cũng có người bảo:
- Sao bà dám lấy tên là Sao Khuê, như vậy là sấc (láo, phạm thượng) đấy nhé...
Với vị này thì… hì hì:
- Thì you đi mà thưa đi…
Nhưng mới đây thì:
- A! chị là Sao Khuê hả, vậy chị có biết sao Khuê là gì không, chị có biết bài ca sao không…
Chả kịp chờ trả lời, ông A cất giọng ca:
Sao tua chín cái (ối a) nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về là về với cha
Sao vua sáu cái nằm xa
Thương em từ thuở người ra (ối a) người vào
Sao mơ sáu cái (ối a) nằm chầu
Sao Khuê mấy cái (ối a) nằm đâu?.....
- Chị có biết sao Khuê ra sao không?
- Không, tôi dốt thiên văn địa lý nên chưa biết sao Khuê ra sao, ở đâu:
Sao Khuê mấy cái (ối a) nằm đâu?
Sao Khuê chín cái (ối a) nằm dài
Thương em từ thuở tình ngoài, tình ngoài nghĩa trong
- Đôi khi tôi cũng lấy tên là Sao Mai. Tôi nghe người ta nói sao Mai và sao Hôm chỉ là một ngôi sao, tùy theo tối hay sáng mà người ta gọi là sao Mai hay sao Hôm. Ông A tiếp tục:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao buồn…
- Chị biết không, Sao ở đây còn có nghiã là tại sao, tại sao lại buồn, tại sao lại mờ…
Nửa tin nửa ngờ về lời giải thích này nên Sao Khuê về gõ đầu ông Google hỏi cho ra lẽ thì Ông Google cho biết:
Ngày nay, người ta xác định được nó bao gồm mười sáu ngôi sao sắp xếp khúc khuỷu giống hình chữ Văn 文. Nên trong sách Hiếu kinh có ghi: Khuê chủ văn chương. Về sau người ta coi sao Khuê là người đứng đầu của quan văn. Trong văn hóa Đông Á và Việt Nam, sao Khuê là biểu tượng của văn chương, học thuật. Khuê Văn Các được xây dựng tại Quốc Tử Giám, trường Đại Học đầu tiên của Việt Nam. Những bậc bác học lỗi lạc trong lịch sử được ví là sáng như sao Khuê; một trong số đó là Nguyễn Trãi, đã được Lê Thánh Tông cho tạc bia: Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (tấm lòng ức Trai sáng tựa sao Khuê).
Hoàng Bào đại vương là tên của sao Khuê khi hạ phàm làm yêu tinh trong Tây du ký.
Hèn chi lấy tên là Sao Khuê bị la là sấc sược vì chỉ những bậc bác học lỗi lạc trong lịch sử mới được ví sáng như sao Khuê… hay là bây giờ mình đổi tên là Hoàng bào đại vương… nhưng e xưng đại vương lại bị la là xưng ẩu, hay chỉ lửng lơ Hoàng bào… vì bề gì thì họ ngoại cũng là họ Hoàng, vậy thì từ nay Sao Khuê sẽ là Hoàng bào, chữ bào không viết hoa nghe quí vị nhưng mà quí vị coi chừng đấy, sao khuê còn là sói, là cọp trắng nhưng đồng thời sao Khuê còn là sao Kim mà sao Kim là gì quí vị biết không?... Lại gõ đầu ông Google mà hỏi:
Sao hôm le lói (ối a) đầu hè
Thương em từ thuở em về là về với ai
Sao mai le lói (ối a) ngọn cây
Thương em từ thuở về xây (ối a) tình người
Tên tiếng Việt của sao Kim theo tên do Trung Quốc đặt, dựa vào nguyên tố kim của Ngũ Hành; chữ Nho viết là 金星. Nhưng người Việt còn gọi là sao Hôm, khi hành tinh này mọc lên lúc hoàng hôn, và sao Mai, khi hành tinh này mọc lên lúc bình minh.
Tây phương dùng tên thần Venus (tiếng Việt là Vệ nữ), vị nữ thần của sắc đẹp và của tình yêu trong thần thoại La Mã, chỉ sao Kim. Người Hy Lạp cổ đại tuy biết Sao Kim xuất hiện trên bầu trời cả ban ngày lẫn ban đêm nhưng, giống như người Việt, vẫn đặt tên riêng cho Sao Hôm là Hesperus và cho Sao Mai là Phosphorus.
Trong thần thoại Trung Quốc, Thái Bạch Kim Tinh là tinh chủ của sao Kim (Kim Tinh).
Các nền văn hóa cổ khác như Ai Cập, Babylon, Maya, Ả Rập, Trung Hoa, Ấn Độ... cũng có tên riêng cho Sao Kim, và cả cho Sao Hôm và Sao Mai.
Tuy vậy, sự thật thì sao Hôm và sao Mai chỉ là một ngôi sao duy nhất và là sao Kim (được gọi là Venus – thần sắc đẹp và tình yêu).
Sao Kim và Trái Đất đều quanh xung quanh Mặt Trời nhưng do vòng quay của sao Kim nhỏ hơn Trái Đất (gần Mặt Trời hơn) khiến sáng ra khi Mặt Trời chưa mọc, ta thấy nó ở bên Đông, chiều đến Mặt Trời chưa lặn thì chúng ta đã thấy nó đằng Tây. Vì vậy mà dân gian xưa đã nhầm lẫn và coi đó là hai ngôi sao khác hẳn nhau. và “Sao hôm sao mai” vẫn được sử dụng trong tiếng Việt để chỉ “sự xa cách giữa hai người do cảnh ngộ gây nên”.
Tò mò, Sao Khuê gõ đầu ông Google hỏi tiếp về những vì sao trong bài ca sao nhưng có lẽ nhưng vì sao này mang tên dân gian (do dân đặt ra) hơn là tên khoa học nên ông Google chỉ có biết:
- Sao Algieba, γ Leo là sao đôi gồm hai sao thành phần màu cam.
- Tua Rua là tên gọi dân dã của chòm Kim Ngưu (Taurus). Ở Việt Nam sao Tua thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch và là một đám nhỏ nhiều sao lờ mờ. Tua Rua còn được nông dân miền Bắc gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào lúc gieo mạ lúa mùa Tua rua thì mặc tua rua; Mạ già, ruộng ngấu không thua bạn điền”
- sao Vua: sao Regulus, α Leo. Regulus trong tiếng Latinh có nghĩa là hoàng tử hay vị vua nhỏ, do nằm ở vị trí trái tim hình con sư tử trên chóm sao nên trong tiếng Ả Rập nó mang tên Al Kalb al Asad, nghĩa là tim sư tử. Regulus cùng Aldebaran, Fomalhaut, Antares làm thành bốn ngôi sao vua để chia một năm thành bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Tuy vậy Sao Mộc – Jupiter – được đặt theo tên của vị thần vĩ đại nhất trong thần thoại La Mã, là hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời (đường kính gấp 11 lần và khối lượng gấp 300 lần Trái đất, được xem là vua của các hành tinh nhưng Sao Regulus là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Sư tử (được đặt theo chữ “regal”, nghĩa là (thuộc) đế vương, vua chúa) được xem là vua của các vì sao. Các ngôi sao này hội ngộ vào năm mới của người Do Thái (khoảng tháng 8, 9 Dương lịch) có thể coi là “sứ giả” báo tin tốt lành về một vị vua sắp chào đời: Jesus
Vâng thưa quí vị chúng ta đều biết sao ở trên bầu trời và thường nhìn thấy được vào những đêm trời đẹp.


* Đây là ngôi sao David, ngôi sao 6 cánh biểu tượng của người và đạo Do Thái. Ngôi sao này do 2 hình tam giác lồng vào với nhau.
* Sao Giáng Sinh
Ba nhà thông thái và cuộc hành trình theo ngôi sao Giáng sinh
Kinh Thánh (Matthew 2: 1-10) viết rằng:
Khi Chúa Jesus giáng sinh ở Bethlehem, dưới thời vua Herod, có ba nhà thông thái từ phương Đông đi sang Jerusalem gặp Herod và hỏi nhà vua: “Xin Ngài cho biết vua của người Do Thái (tức là Jesus) được sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao sáng của nhà vua ấy xuất hiện ở phương Đông nến muốn đến đó để tôn vinh nhà vua”. Vua Herod và mọi người trong thành Jerusalem lúc ấy đã rất ngạc nhiên và bối rối trước câu hỏi của các nhà thông thái. Herod đã triệu tập tất cả các thầy tu và các nhà thông thái trong thành Jerusalem, yêu cầu họ dự đoán nơi mà Jesus sẽ được sinh ra. Họ bảo cho Herod biết rằng, theo dự đoán của một nhà tiên tri thì Jesus sẽ giáng sinh tại Bethlehem, thuộc nước Do Thái (nước Israel ngày nay). Thế là Herod chỉ đường cho 3 nhà thông thái đến Bethlehem để tìm hài nhi vừa giáng sinh, và dặn rằng khi tìm được thì báo cho Herod để ông cùng đến tôn vinh Jesus. Sau đó, ba nhà thông thái lên đường, đi theo hướng của ngôi sao sáng mà họ đã nhìn thấy. Ngôi sao ấy luôn ở phía trước họ, dẫn đường cho họ đến Bethlehem và cuối cùng ngôi sao dừng lại ngay đúng ở nơi mà Jesus đã giáng sinh.
Các ngôi sao được vẽ theo hình năm cánh (hình ngôi sao) nhưng ngôi sao giáng sinh có 6 cánh tuy vậy khi làm đèn thì đèn 5 cánh dễ làm, dễ vẽ cho đều đặn nên dần dần người ta làm đèn ngôi sao 5 cánh.
Có rất nhiều sao chổi nhưng sao chổi nổi tiếng nhất là sao chổi Halley mà có người tin rằng khi sao này xuất hiện thuờng có chiến tranh hay tai ương. Năm 1997 sự xuất hiện của sao chổi Hale-Bopp khiến một nhóm người thuộc một giáo phái đã tự tử tập thể.
Sao Khuê có bà bạn, bà này thường nói: bà (chỉ Sao Khuê) mà sao Khuê nỗi gì, bà là là sao chổi, sao quả tạ. Sao chổi thì quí vị nhìn thấy ở bên, có hình như cái chổi, còn sao quả tạ chắc có hình như quả tạ, sao này chưa thấy trên bầu trời vì chẳng may sao chổi có xẹt ngang thì chỉ quét người ta một cái còn sao quạ tạ mà rớt trúng đầu ắt bể đầu nên để chỉ lúc vận xui người ta thường than là bị sao quả tạ chiếu.
Người Đông phương tin rằng các vì sao có ảnh hưởng đến vận mạng của con người nên hàng năm nhiều người cúng sao giải hạn để tránh sao xấu chiếu:
Tính chất Sao Hạn
Thái Bạch: Sao Kim Tinh: lại rất vui cho những người mang mệnh Thuỷ mệnh Kim, vì có quý nhân giúp, nên gặp sao này đi làm ăn xa có tiền tài của cải, trong gia đạo thêm người. Đối với người có mệnh Hỏa hay mệnh Mộc và nữ mạng sẽ gặp bất lợi, đề phòng tiểu nhân mưu hại hay hao tài tốn của, nhất là ở tháng 5 âm lịch.
Mỗi tháng vào ngày Rằm (15) sao Thái Bạch giáng trần, khi cúng viết bài vị màu trắng như sau: “Tây Phương Canh Tân Kim Đức Tinh Quân”. Có thể thay 2 chữ Kim Đức bằng 2 chữ Thái Bạch cũng được. Làm lễ cúng lúc 19 – 21 giờ. Thắp 8 ngọn đèn, lạy 8 lạy về hướng chánh Tây.
Sao Thái Dương: Mỗi tháng cúng ngày 27 âl, khi cúng phải có bài vị màu vàng, được viết như sau: “Nhựt Cung Thái Dương Thiên Tử Tinh Quân”. Thắp 12 ngọn đèn, lạy 12 lạy về hướng Đông mà cúng. Làm lễ lúc 21 tới 23 giờ.
Sao Thái Dương là tinh quân Tốt nhất trong các Sao Hạn như Rồng lên mây, chiếu mệnh tháng 6, tháng 10, lộc đến túi đầy tiền vô. Mệnh ai chịu ảnh hưởng của sao này, đi làm ăn xa gặp nhiều may mắn, tài lộc hưng vượng, phát đạt.
Sao Thái Âm: Hàng tháng vào lúc 19 tới 21 giờ tối vào ngày 26 âl, dùng 07 ngọn đèn, hương hoa trà quả làm phẩm vật, cúng day mặt về hướng Tây vái lạy 7 lạy mà khấn vái. Khi cúng phải có bài vị màu vàng, được viết như sau: ”Nguyệt Cung Thái Âm Hoàng Hậu Tinh Quân”. Hạp tháng 9 âl – Kỵ tháng 11 âl.
Sao Kế Đô: Sao này kỵ nhất nữ giới, nhớ cúng giải hạn mỗi tháng hay vào tháng Kỵ là tháng 1, 3, 9 âl nên cúng giải vào ngày 18 âl ngày sao Kế Đô giáng trần. Khi cúng viết bài vị dùng giấy màu vàng như sau: “Thiên Vỉ Cung Phân Kế Đô tinh quân”, thắp 20 ngọn đèn, lạy 20 lạy về hướng Tây.
Cách Khấn: Cung thỉnh Thiên Đình Bắc vỉ cung Đại Thánh Thần vỉ Kế đô Tinh quân vị tiền. Cúng lễ vào lúc 21 đến 23 giờ.
Sao La Hầu là khẩu thiệt tinh: sao này ảnh hưởng nặng cho nam giới về tai tiếng, thị phi, kiện thưa, bệnh tật tai nạn. Mỗi tháng hay vào tháng Kỵ là tháng 1, 7 âl nên cúng giải vào ngày 08 âl, là sao La Hầu giáng trần. Khi cúng viết bài vị dùng giấy màu đỏ như sau: “Thiên Cung Thần Thủ La Hầu Tinh Quân”. Thắp 9 ngọn đèn lạy 9 lạy về hướng Chánh Bắc. Cúng làm lễ lúc 21 đến 23 giờ.
Sao Thủy Diệu sao Thủy Tinh, là sao Phúc Lộc tinh. Nữ giới mang mệnh Mộc sẽ rất vui mừng, đi làm ăn xa có lợi về tiền bạc.
Mỗi tháng hay vào tháng Kỵ tuổi là tháng 4, 8 âl, nên cúng giải hạn vào ngày 21 â.l, sao Thủy Diệu giáng trần. Khi cúng viết bài vị dùng giấy màu đỏ như sau: “Bắc Phương Nhâm Quý Thủy Đức Tinh Quân”. Thắp 7 ngọn đèn, lạy 7 lạy về hướng Chánh Bắc. Cúng làm Lễ lúc 21 đến 23 giờ.
Sao Thổ Tú tức sao Thổ Tinh. Khắc kỵ vào tháng 4 và tháng 8 âl, trong nhà nhiều chuyện thị phi, chiêm bao quái lạ, không nuôi được súc vật, chẳng nên đi xa và đêm vắng. Mỗi tháng cúng ngày 19 âl, lúc 21 giờ, dùng 5 ngọn đèn, hương hoa, trà quả làm phẩm vật day về hướng Tây mà khấn vái. Lạy 5 lạy. Bài vị viết như sau: ”Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Tinh Quân”.
Sao Mộc Đức tức sao Mộc Tinh. Mỗi tháng cúng ngày 25, sao Mộc Đức giáng trần. Khi cúng có bài vị màu vàng (hoặc xanh) được viết như sau: “Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Tinh Quân”. Lúc cúng thắp 20 ngọn đèn, đặt bàn day mặt về hướng chánh Đông lạy 20 lạy. Cúng lễ lúc 19 -21 giờ.
Sao Vân Hớn tức Hỏa Dực Tinh. Một hung tinh, đến năm hạn gặp sao này Nữ giới sinh sản khó, vào tháng 2, tháng 8 xấu, nên đề phòng gặp chuyện quan sự, trong nhà không yên, khó nuôi súc vật.
Mỗi tháng hoặc tháng 4 và 5 âl cúng ngày 29 âl, viết bài vị màu đỏ: “Nam Phương Bính Đinh Hỏa Đức Tinh Quân”. Thắp 15 ngọn đèn day về hướng Chánh Đông mà cúng. Lạy 15 lạy. Cúng lúc 21 đến 23 giờ.
Cách Khấn: “Cung Thỉnh Thiên Đình Minh Lý Cung Đại Thánh Hỏa Đức Vân Hớn Tinh Quân Vị Tiền”.
…Trong tiếng Việt sao ngoài nghĩa chỉ ngôi sao còn nhiều nghiã khác: tại sao, vì sao, tuỳ theo vị trí trong câu mà ý nghĩa thay đổi:
Quí vị hãy thử đảo lộn vị trí từng chữ (từ ) trong câu: Sao không thấy em lại thành… lại sao không thấy em, em lại sao không thấy, không thấy em lại sao, thấy em sao không lại, sao lại không thấy em, thấy em lại không sao... vân vân và vân vân… quí vị sẽ thấy có bấy nhiêu chữ mà đồi qua đổi lại ý sẽ thay đổi hẳn đi.
Hàng ngày quí vị nói tiếng Việt… rau ráu, hiểu rành rẽ tiếng nước ta bây giờ quí vị thử đoán xem những câu sau có nghiã gì nhé:
1. Có sao không? Không có sao (khi em bé bị té, khi ra ngoài ban đêm…)
2. Sao thế? thế sao!
3. Sao nhớ dai thế? nhớ dai thế sao?
4. Vì sao? vì sao.
5. Sao vậy? vậy sao!
6. Cớ sao buồn này Kim?
7. Nó đi rồi sao?
8. Sao lại ra nông nỗi này?
9. Bây giờ bắt được lại bảo bỏ đi là làm sao?............................
Sao, ngoài ra còn có nghiã sao chép, sao lục, sao y bản chính một tài liệu.
Sao thuốc bắc là bỏ chảo rang với lửa nhỏ.
Sao còn nhiều nghĩa, đôi khi rõ rệt đôi khi mơ hồ như một tiếng chỉ để đệm và nghiã thế nào thì nhiều như sao trên trời ấy mà.
Quí vị bảo sao? Sao Khuê sao mà cũng lắm chuyện thế sao…
Thưa rằng:
Vũ trụ khôn cùng sao nhỏ hẹp
Sao thì một chữ nghĩa mông mênh
Quí vị không tin thì đọc thử những hàng chữ này xem có điên cái đầu không nhé:
Gặp Nó Sao Không Hỏi Gặp Nó Hỏi Sao Không Gặp Nó Không Hỏi Sao Gặp Nó Hỏi Không Sao Gặp Sao Không Hỏi Nó Gặp Sao Nó Không Hỏi Gặp Không Hỏi Nó Sao Gặp Hỏi Nó Không Sao Hỏi Nó Sao Không Gặp Hỏi Nó Sao Gặp Không Hỏi Nó Không Gặp Sao |
Hỏi Sao Nó Không Gặp Hỏi Sao Nó Gặp Không Hỏi Sao Không Gặp Nó Hởi Không Gặp Nó Sao Hỏi Gặp Nó Sao Không Hỏi Gặp Nó Không Sao Nó Không Hỏi Sao Gặp Nó Không Gặp Sao Hỏi Nó Hỏi Sao Không Gặp Nó Hỏi Không Gặp Sao Nớ Gặp Sao Không Hỏi |
Sao Gặp Nó Không Hỏi Sao Gặp Nó Hỏi Không Sao Gặp Không Hỏi Nó Sao Không Gặp Nó Hỏi Sao Nó Gặp Không Hỏi Sao Hỏi Nó Gặp Không Không Gặp Nó Sao Hỏi Không Gặp Hỏi Nó Sao Không Gặp Sao Hỏi Nó Không Gặp Sao Nó Hỏi Không Hỏi Sao Nó Gặp |
Một ông sao sáng hai ông sáng sao ba ông sao sáng bốn ông sáng sao…
Sao... quí vị ngủ rồi hả? coi kìa, dậy mà xem sao băng chứ. Thưa quí vị sao băng, sao rơi, sao rụng, sao đổi ngôi, sao sa cũng là một thứ cả mà thôi.
Sao băng ngã xuống (ối a) gầm trời
Thương em từ thuở mẹ ngồi, mẹ ngồi nghĩ xa
Sao sa, sa xuống (ối a) vườn hoa
Thương em từ thuở người ta (ối a) lại gần

Sao băng, hay sao sa, là đường ánh sáng nhìn thấy của các thiên thạch và vẩn thạch khi chúng đi vào khí quyển Trái Đất (hay của các thiên thể khác có bầu khí quyển như trái đất). Luồng ánh sáng chuyển động của các thiên thạch này là do nhiệt phát sinh ra bởi áp suất nén khi chúng đi vào khí quyển.. Với vận tốc cao, các phân tử không khí trên đường đi của thiên thạch bị nung nóng hoặc bị nén quá mạnh đến mức nhiệt độ của sóng tăng lên đến hàng ngàn độ phát ra ánh sáng.
Người ta bảo khi thấy sao băng mà nguyện ước sẽ đạt được. Quí vị ráng cầu nguyện cho ngắn gọn để lời nguyện chấm dứt trước khi ánh sáng của “vì sao” rơi tắt thì lời nguyện cầu mới được linh ứng nhé…
Sao rơi rớt rụng vai em ướt mềm…
…Một vì sao sáng trong đêm lạnh lẽo…
Quí vị nào có thể kể hết những bài hát có chữ sao trong đó không nhỉ.
Sao Khuê thì chịu thua, xin nhường lời cho quí vị.
Thưa quí vị, toàn bộ nội dung của bài này là của ông Google. Viết bây giờ… dễ thật, chả còn phải moi óc ra, chỉ cần klick, klick, klick là dư tài liệu để viết, quí vị có thấy bây giờ hàng ngày chúng ta nhận được biết bao nhiêu là bài viết gởi tới không, đúng là tiến bộ vượt bực, thông tin đi nhanh hơn sao xẹt đâu có lẹt đẹt như…………………………………Sao Khuê
(2012)