User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
thuy sy
 
Năm 1978, đạo diễn Rolf Lyssy người Thụy Sĩ cho ra thị trường một cuốn phim với đề tựa: Die Schweizermacher (The Swissmakers; Les Faiseurs de Suisses) Dịch nôm na ra tiếng Việt là “Những người nhập tịch Thụy Sĩ “, nội dung cuốn phim mô tả những thủ tục hành chánh rất phức tạp kèm theo nhiều góc cạnh mù mờ trong diễn biến liên quan đến việc xin vào quốc tịch của người ngoại quốc tại Thụy Sĩ. Thời gian và đường di chuyển của đơn xin qua các cơ quan chính phủ trung ương (Federal); tiểu bang (Kanton) cuối cùng là làng xã (Gemeinde) là những vấn đề mà người xin phải vượt qua với rất nhiều khó khăn.
 
Việc thẩm xét không chỉ dựa trên giấy tờ, tài liệu cá nhân mà còn soi mói vào những điều riêng tư nơi làm việc, nơi sinh sống của người xin và có cả những cái mập mờ do cá tính của nhân viên xét đơn. Kết quả tốt hay xấu, kéo dài lê thê trong vô vọng… người xin cũng chỉ biết chấp nhận mà thôi. Trong khuôn thước một cuốn phim khoảng 90 phút dĩ nhiên không thể lột tả được tất cả những khác biệt hoàn cảnh của những người xin vào quốc tịch Thụy Sĩ nhưng cũng đủ cho người xem hiểu một cách khái quát về những nỗi trần ai khi muốn nhập tịch Thụy Sĩ. Nội dung cuốn phim kín đáo cho người ta biết một ứng viên muốn có quốc tịch Thụy Sĩ phải có những đức tính liên quan đến:
 
- Tánh chăm chỉ (hard working);
- Tánh ngăn nắp (tidy);
- Tánh trầm lặng (quiet);
- Tánh đàng hoàng (decent);
- Sự sạch sẽ (clean);
- Tánh tự lập (defensive);
- Tánh trung thực (intimate),
- Tánh khách quan (neutral) và
– Lòng yêu Thụy Sĩ (fatherland-loving).
 
Với những tiêu chí đó, ứng viên nhập tịch Thụy Sĩ, người trí thức hay lao động chân tay khi muốn thành công để lấy quốc tịch Thụy Sĩ họ phải hoàn toàn trong sạch trong xã hội, ít nhất không có một vết bụi nhơ nào liên quan đến pháp luật và tội phạm.
 
Trong phạm vi bài viết này tôi muốn nêu lên những điểm khái quát về đời sống, xã hội cũng như tổ chức chính trị của Thụy Sĩ để người đọc có cái nhìn trung thực về một quốc gia Thụy Sĩ nhỏ bé nhưng rất đáng nể, xứng đáng là một góc nhỏ của thế giới với quá nhiều ưu ái của thượng đế. Nơi đây người dân được bảo vệ gần như tuyệt đối trong cuộc sống, an toàn trong chính trị và kinh tế. Tôi sẽ dựa vào chính con đường Swissmaker của cá nhân tôi, kèm theo những hiểu biết về một vài người khác. Họ có thể là một người Việt Nam đến Thụy Sĩ dưới dạng tỵ nạn như tôi hay một người nhập cư khác từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy ..v..v.. đến Thụy Sĩ làm việc, học hành… rồi vì một lý do nào đó họ cũng mong muốn nhập tịch Thụy Sĩ .
 
Vài hàng sơ lược về đất nước Thụy Sĩ
 
Thụy Sĩ là một quốc gia nhỏ ở trung tâm Âu Châu, diện tích khoảng 41300 Km vuông (tương đương đồng bằng sông Cửu Long của VN), nằm kẹp giữa 2 dãy núi lớn của Âu Châu. Dãy núi Alpes chạy dọc theo biên giới vùng Đông và Đông Bắc với Pháp, Ý, Áo và Đức và dãy núi Jura theo bên giới hướng Tây với Pháp. Hầu hết lãnh thổ của Thụy Sĩ đều là vùng cao nguyên nên khí hậu của Thụy Sĩ lạnh như vùng cận Bắc Âu Châu.
 
Thụy Sĩ chiếm trọn thượng nguồn của 2 con sông lớn là sông Rhine và sông Rhône, với khoảng 1500 hồ nước lớn nhỏ, 2 hồ nổi tiếng và lớn nhất Âu Châu là hồ Lehman (còn gọi là hồ Genève) và hồ Bodensee, diện tích mặt nước chiếm khoảng 6% toàn Thụy Sĩ. Với 48 ngọn núi cao trên 4000m, Thụy Sĩ đúng nghĩa là quốc gia của núi và cao nguyên, đỉnh Rosa cao nhất Thụy Sĩ với 4634m trong dãy Alpes, không xa ngọn Mont Blanc cao nhất Âu châu (cao 4811m).
 
Dân số Thụy Sĩ khoảng 8,5 triệu, với 23% (1.9 triệu) là dân ngoại quốc (không có quốc tịch TS), phần lớn là dân Âu Châu như Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… dân Tamil (Siri Lanca) khoảng trên 30000 người, là người gốc Á nhiều nhất. Khoảng 20000 người gốc Á khác gồm Việt Nam, Cambodge, Lào và Tibet, họ đến Thụy Sĩ dưới dạng tỵ nạn, phần lớn đã nhập tịch Thụy Sĩ.
 
Thụy Sĩ có 4 ngôn ngữ chính thức là Đức (73% dân số); Pháp (21%); Ý (5%) và Roman (1%). Thành phố lớn của Thụy Sĩ là Zuerich với gần 400000 người; tiếp theo là Basel khoảng 200000 người; Genève 160000 người và Thủ đô Bern khoảng 150000 người. Là quốc gia nhỏ trên thế giới nhưng nền kinh tế rất vững mạnh và an toàn về mọi lãnh vực, phân chia lợi tức có sự cân bằng xã hội thuộc hàng nhất thế giới, gần như không có người vô gia cư. Tổng sản lượng (GDP) của Thụy Sĩ luôn luôn thuộc top 5 của thế giới. Những sản phẩm made Thụy Sĩ luôn luôn được khắp thế giới tín nhiệm và yêu dùng như Dược phẩm, Vàng bạc, Đá quý, Máy móc, Điện khí, Hoá chất; Đồng hồ, Thiết bị y tế, Thực phẩm, Chocolate, Babyfoods ..v..v… Ngoài ra các dịch vụ như Khách sạn, Du lịch; Ngân hàng, Bảo hiểm… đều thuộc top thế giới. Chỉ có khoảng 35% dân Thụy Sĩ có căn hộ hay nhà riêng, thuộc hàng thấp nhất Âu Châu vì bất động sản tại Thụy Sĩ rất mắc do đất đai nhỏ hẹp. Tỷ lệ thất nghiệp của Thụy Sĩ thường ở khoảng 2 – 3%, hàng năm có nhiều trăm ngàn người lao động đến Thụy Sĩ làm việc dưới dạng theo mùa (giấy phép làm việc 3 – 6 tháng), phần lớn đến từ các quốc gia Âu Châu yếu kém kinh tế hơn như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ..v..v...
 
Mọi cấp độ trong nền giáo dục của Thụy Sĩ, từ Mẫu Giáo, Tiểu Trung Học đến cấp Đại Học cũng như hệ thống trường dạy nghề của Thụy Sĩ có thể nói vào hàng nhất thế giới nhờ chương trình học rất qui mô bài bản từ khâu lý thuyết đến thực hành. Một quốc gia nhỏ mà đã có hơn 100 giải Nobel đủ lãnh vực đã nói lên vị trí đáng cảm phục của một nước Thụy Sĩ nhỏ bé tại Âu Châu.
 
Về môi trường thiên nhiên, Thụy Sĩ có chính sách bảo vệ môi trường thiên nhiên rất nghiêm ngặt, máy móc lớn nhỏ của cá nhân, công xưởng liên quan đến môi trường đều được kiểm soát hàng năm. Với 56% năng lượng từ Thuỷ điện, 39% từ điện hạt nhân và khoảng 5% từ dạng năng lượng khác, hiện nay năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, nước ngầm…) đang được sử dụng càng lúc càng phổ biến. Với kết quả đó, có thể coi Thụy Sĩ là quốc gia duy nhất không có chất thải vào môi trường.
 
Liên bang Thụy Sĩ được thành lập đầu tiên vào năm 1291 với 3 tiểu bang, hiện nay có 26 bang gồm 20 tiểu bang và 6 bán tiểu bang. Theo hiến pháp liên bang thì các bang đều bình đẳng về chính trị và địa vị trong liên bang. Mỗi bang đều có hiến pháp riêng, hội đồng nghị viên (quốc hội), Toà án (tư pháp) và chính phủ (hành pháp) riêng cho mỗi bang. Mỗi bang lại phân chia ra những làng xã (Gemeiden) có nhiều quyền hành độc lập với chính quyền tiểu bang và liên bang. Tóm lại hệ thống phân chia quyền hành chính trị của Thụy Sĩ rất chi tiết, nhưng nhờ tinh thần trọng luật lệ, trọng ý kiến riêng tư và bản chất văn hoá của vùng miền nên guồng máy hành chánh của Thụy Sĩ rất trôi chảy. Vấn nạn đình công hoàn toàn không có tại Thụy Sĩ bởi vì giới công nhân và chủ nhân đồng ý với nhau phải giải quyết bằng cảm thông và bàn thảo.
 
Theo hiến pháp Liên bang năm 1848 thì Thụy Sĩ được điều hành bởi 3 cơ quan chính trị:
 
- Cơ quan lập pháp gồm 2 viện do dân bầu ra, Viện Liên bang (Bundesrat) gồm 46 đại biểu, nhiệm kỳ 4 năm, mỗi tiểu bang 2 vị và bán tiểu bang có 1 vị. Viện Tiểu bang (Nationalrat) cũng do dân bầu ra, nhiệm kỳ 4 năm, số lượng tuỳ theo dân số.
 
- Chính phủ Liên bang (cơ quan hành pháp) gồm 7 thành viên, do lưỡng viện bầu ra từ 46 vị nghị viên liên bang. 7 vị này là cơ quan chính quyền trung ương, gồm 1 vị Tổng Thống, 6 vị khác là bộ trưởng của liên bang, cũng có nhiệm kỳ 4 năm. Riêng vị nắm vị trí Tổng Thống được thay đổi luân phiên trong 7 vị của chính phủ và mỗi nhiệm kỳ là 1 năm.
 
- Toà án Liên bang (tư pháp) có nhiệm vụ phân xử những bản án quan trọng do kháng nghị từ toà án liên bang hay tiểu ban gửi lên. Các vị thẩm phán của toà án liên bang được lưỡng viện quốc hội bầu ra với nhiệm kỳ là 6 năm.
 
Với hệ thống chính trị như vậy, Thụy Sĩ là quốc gia đa đảng có sự phân quyền rất rõ ràng dựa trên nền móng của một nền dân chủ khắt khe, trực tiếp từ người dân. Với 50000 chữ ký có thể đề nghị bầu lại một đạo luật của liên bang. Với 100000 chữ ký có thể đề nghị sửa đổi hay đưa ra một điều lệ mới trong hiến pháp của liên bang. Cũng với hệ thống phân quyền tương tự như vậy, tại các tiểu bang và làng xã những thay đổi hay thêm vào luật lệ mới trong địa phương, ý kiến của người dân luôn luôn được tham khảo. Việc bỏ phiếu để bầu đại diện trong hệ thống hành chánh, chính trị của Thụy Sĩ rất thường xảy ra, 5,6 lần trong một năm là chuyện bình thường. Có thể bỏ phiếu bằng thư hay trực tiếp đến trong phiếu bầu luôn luôn có 3 vấn đề liên quan đến làng xã, tiểu bang và liên bang.
 
Ngoại kiều và quốc tịch Thụy Sĩ
 
Gần 2 triệu ngoại kiều đến Thụy Sĩ với nhiều mục đích khác nhau, nên Thụy Sĩ phân chia ra từng dạng thức để cấp phát các loại giấy nhập cư theo từng trường hợp. Chẳng hạn thẻ G (Grenzgaenger) cho dân cư sát biên giới sang Thụy Sĩ làm việc; Thẻ L (Kurzaufenthalt) cho người làm việc theo mùa; Thẻ N (Asylsuchende) cho người chờ xét đơn xin tỵ nạn..v..v.. Bài viết đề cập nhiều đến 2 dạng thẻ cư trú khác quan trọng và thông thường hơn:
 
1.- Thẻ tạm trú B (Aufenthalts-bewilligung B hay Ausweis B).
 
Thẻ B dành cho sinh viên du học, tỵ nạn, làm việc...v..v.. tại Thụy Sĩ lâu hơn 1 năm, thẻ này phải xin gia hạn hàng năm. Khi làm việc hay thay đổi chỗ ở phải xin phép tiểu bang.
 
2.- Thẻ định cư C (Niederlassungs-bewilligung C hay Ausweis C).
 
Thẻ C dành cho người được cư trú dài hạn, giống như thẻ xanh tại Mỹ. Mỗi 3 năm xin gia hạn một lần, có quyền làm việc và cư trú như dân Thụy Sĩ trừ một số việc dành riêng cho dân Thụy Sĩ như quân đội, cảnh sát …
 
3.- Điều kiện đổi từ thẻ B sang thẻ C.
 
Theo luật định thì cần 10 năm cư trú, làm việc và kèm theo điều kiện làm việc tốt, không phạm luật… sẽ được chuyển từ tình trạng tạm cư (thẻ B) sang cư trú định cư (thẻ C). Tuy nhiên có vài trường hợp ngoại lệ thu ngắn thời gian:
 
- Với những công dân thuộc các quốc gia bên cạnh như Pháp, Ý, Đức, Áo, Lichstenstein hay kết hôn với công dân Thụy Sĩ hay người ngoại quốc đã có thẻ C thì thời gian chuyển tử B sang C chỉ cần 5 năm.
 
- Người tỵ nạn đến Thụy Sĩ dưới chương trình nhận người tỵ nạn như người Hung Gia Lợi (1956); người Tibet (1961); người Tiệp Khắc và Nam Tư (1968); người Uganda (1972); Người Chile (1973) hay người Vietnam, Cambodge và Lào (năm 1975-1979), khi vào Thụy Sĩ họ được ngay thẻ tạm cư B và sau 5 năm được chuyển sang thẻ C.
 
Nhóm người khác, họ đến Thụy Sĩ dưới dạng bộc phát, không có chương trình thu nhận tỵ nạn của Thụy Sĩ, chẳng hạn như người Tamin (Sri Lanka) hay người từ các quốc gia Bắc Phi Châu vượt biển rồi tìm cách vào Thụy Sĩ. Nhóm người này thuộc diện “chờ xét đơn tỵ nạn” với thẻ N (Ausweis N, Asylsuchende). Họ được phép đi làm nhưng với khá nhiều điều kiện khắt khe và có thể bị hồi hương nếu điều kiện cho phép. Dạng thẻ N này cũng phải chờ 10 năm kèm theo khá nhiều điều kiện khó khăn mới được chuyển sang thẻ C.
 
4.- Điều kiện nhập quốc tịch Thụy Sĩ
 
Gần như hầu hết người nhập tịch Thụy Sĩ thường đã có thẻ C. Theo luật lệ muốn nhập tịch phải cư trú tại Thụy Sĩ ít nhất 12 năm, kèm theo nhiều điều kiện khác của tiểu bang (Kanton) hay làng xã (Gemeinde). Phần lớn người tỵ nạn Đông Dương nhập tịch không có gì khó khăn nhờ sự cảm thông của chính quyền, trừ một số ít vì có vấn đề với pháp luật, không hoà thuận với hàng xóm, dựa dẫm vào trợ cấp xã hội, trên 60 tuổi..v..v.. nhưng họ vẫn sở hữu thẻ định cư C. Kết hôn với công dân Thụy Sĩ hay đến Thụy Sĩ ở tuổi từ 10 đến 20 tuổi, thời gian sống tại Thụy Sĩ được tính gấp 2 lần (6 năm thay vì 12 năm).
 
Thời gian xét đơn nhập tịch không được xác định rõ ràng, tuy nhiên với người tỵ nạn nếu không có gì bất thường thì cần khoảng 1 đến 2 năm. Đơn xin nhập tịch sẽ được thẩm xét từ làng xã đến tiểu bang và sau cùng lên liên bang. Khi Liên bang xét và chuẩn thuận sẽ chuyển trở lại cho tiểu bang rồi làng xã để thẩm xét lại một lần nữa kỹ lưỡng, chi tiết hơn để chấp nhận hay từ chối người xin là công dân của tiểu bang và làng xã hay không. Giai đoạn thẩm xét này rất quan trọng vì trải qua nhiều thủ tục rất tế nhị của tiểu bang, nhất là của làng xã. Người xin sẽ phải gặp trực tiếp nhân viên của chính quyền tiểu bang và làng xã nhiều lần, như sở cảnh sát, sở thuế hay cơ quan hành chánh để khảo sát về khả năng ngôn ngữ, hiểu biết về văn hoá, xã hội Thụy Sĩ, xét đoán trực tiếp phẩm chất của người xin nhập tịch...v..v.. Cuối cùng, đơn xin nhập tịch được quyết định bởi phiếu bầu của các nghị viên làng xã.
 
5.- Những góc cạnh thực tế
 
Thụy Sĩ là quốc gia thịnh vượng, thu nhập cao, yên bình, xã hội và chính trị không lộn xộn… nên nhiều người trên thế giới kể cả những quốc gia giàu có Âu Mỹ cũng mong có có dịp để sở hữu quốc tịch Thụy Sĩ, vì vậy việc nhập tịch Thụy Sĩ rất khó khăn vì thủ tục phiền phức từ những rào cản của diễn giải luật lệ trong thực tế. Bài viết cố gắng thu gom những hiểu biết thực tế để giúp cho những ai có ý định đến Thụy Sĩ định cư, hiểu rõ vấn đề một cách rất trung thực để không bị thất vọng vì toan tính của mình không như ý. Có thể nói đến Thụy Sĩ mong tìm được thẻ định cư C của một người ngoại quốc cũng đã là chuyện rất khó khăn rồi, còn việc nhập tịch để thành dân Thụy Sĩ, đúng là một chuyện gần như rất hiếm hoi vậy.
 
Tôi biết một gia đình Việt Nam gồm bố mẹ và 5 người con, người con trai cả và 2 cô em gái kế đều trên 20 tuổi, họ đến Thụy Sĩ trong chương trình tỵ nạn vào năm 1978. Gia đình được nhóm bảo trợ giúp tìm nhà ở, việc làm cho ông bố và 3 người con lớn. Có lẽ vì khác biệt văn hoá, ý thức cộng đồng chưa tốt với nếp sống mới nên rất thường có những rắc rối với dân cư sống trong cùng chung cư. Những cảnh ồn ào vì âm nhạc, phim ảnh, karaoke, tụ họp bạn bè đánh bạc, ăn nhậu, đi tối về khuya… gây nhiều phiền hà cho chung cư. Nhất là ông con trai nhiều lần rắc rối tiền bạc với dịch vụ mua bán trả góp. Cảnh Sát khu vực đã phải nhiều lần đến tận nhà giải quyết vì những lộn xộn với hàng xóm và công ty bán trả góp. Nhưng cũng đúng 5 năm theo nguyên tắc ưu ái cho người tỵ nạn họ đều được thẻ định cư C như hầu hết người Việt tỵ nạn khác. Nhưng khi đủ 12 năm, xin nhập tịch, đơn của họ đã bị từ chối ngay tại điểm khởi đầu (làng xã) với lý do không đủ phẩm chất, còn bố mẹ vì trên 60 tuổi. Với hiểu biết của tôi qua khá nhiều người quen biết gốc Nam Tư, Italy, Spanien… đã qua mấy thế hệ nhưng con cháu họ vẫn là người ngoại quốc tại Thụy Sĩ dưới dạng thẻ định cư C. Với gia đình người Vietnam này, tôi nghĩ họ cũng sẽ như vậy vì họ đã làm mất sự ưu ái đặc biệt của chính phủ Thụy Sĩ dành cho người tỵ nạn Đông Dương để có pasport Thụy Sĩ.
 
Một trường hợp khác, cũng rất đặc biệt mà tôi có chút liên quan. Vào khoảng năm 1986, tôi làm việc cho một viện khảo cứu về dinh dưỡng, thời gian đó tỷ lệ thất nghiệp của Thụy Sĩ ở khoảng 0.5 – 1.0% là vấn đề khốn khổ cho chúng tôi, vì tìm không có nhân viên thí nghiệm. Nếu tìm được một người, mất 3, 4 tháng đầu tiên chỉ dẫn họ vừa quen công việc thì đúng lúc họ làm đơn xin nghỉ vì tìm được nơi khác nhiều quyền lợi hơn. Chính vì vậy thời gian đó tôi “cày” muốn phờ phạc, đi sớm về khuya, nhiều khi cuối tuần cũng phải dẫn vợ con chơi đùa trong khuôn viên của viện còn mình lên labor làm cho xong việc.
 
May mắn, qua giới thiệu chúng tôi tìm được một cô Thái Lan vừa tốt nghiệp Sinh Hoá (Biochemistry) của Đại Học Bern và vừa xong 6 tháng thực tập tại một công ty hoá chất. Qua thư xin việc và phone tôi được biết cô ta có thẻ B và là con gái của một nhân viên cao cấp của Toà Đại Sứ Thái Lan tại Thụy Sĩ. Cô ta theo gia đình đến Thụy Sĩ học vài năm cuối Trung Học rồi ở lại Thụy Sĩ tiếp tục học Đại Học dù ông bố hết nhiệm vụ đã về lại Thái Lan. Chúng tôi cấp giấy tờ cho cô ta bổ túc hồ sơ xin giấy phép làm việc của kanton Zuerich vì cô ta có thẻ B. Tưởng rằng mọi chuyện trôi chảy, nhưng cơ quan Sảnh Sát không đồng ý. Vì quá cần nhân viên nhất là cô ta quá chuẩn cho công việc, ông Viện Trưởng đã viết thư, điện thoại trực tiếp lên Sở Di Trú của tỉnh và được họ cho biết là cô ta đã đến Thụy Sĩ lúc 18 tuổi, học Đại Học và thực tập tại công ty Hoá Học tổng cộng 5 năm, như vậy tổng cộng thời gian sống tại Thụy Sĩ theo luật thì chỉ còn khoảng gần 2 năm nữa là cô ta được quyền chuyển từ thẻ tạm cư B thành thẻ định cư C, điều này thành phố không muốn cho cô ta giấy phép làm 1 năm mà chỉ cho phép 6 tháng mà thôi. Rồi với rất nhiều than van, thảo luận, cuối cùng Sở Di Trú bằng lòng cấp giấy 1 năm và là nhân viên lâu dài của viện, nhưng chỉ được làm có lương 6 tháng sau đó viện sẽ cho cô ta nghỉ không lương để về Thái Lan hay đi đâu ngoài Thụy Sĩ khoảng 6 tháng. Khi trở lại tiếp tục làm việc thì cô ta đi lại từ đầu với thẻ B (theo luật không sống ở Thụy Sĩ quá 6 tháng) và không thể xin dễ dàng thẻ C được.
 
Vì quá cần nhân viên, nhất là cô ta quá tốt cho công việc nên chúng tôi đành phải chấp nhận giải pháp “xiêu vẹo“ đó. Dĩ nhiên chúng tôi cũng nói rõ vấn đề cho cô gái Thái Lan hiểu rõ sự việc. Cô ta bằng lòng vào làm việc, chỉ sau vài tuần lễ, cô ta bắt nhịp với chúng tôi rất tốt. Rồi đúng 6 tháng làm việc cô ta phải về Thái Lan như dự định. Nhưng chỉ khoảng 3 tháng sau từ Thái Lan, cô ta điện thoại cho biết là không có ý định sang Thụy Sĩ làm việc nữa vì đã có được một công việc rất tốt tại một bệnh viện quốc tế tại Bangkok và chuẩn bị lập gia đình với một người bạn cùng ngành từ Mỹ về. Dù không còn làm việc với nhau nhưng gia đình tôi và gia đình cô ta cho đến nay vẫn giữ tình bạn rất thân thiết, thăm viếng nhau mỗi khi có dịp.
 
Trường hợp khác cũng tương tự, một người bạn Nhật thân thiết của gia đình tôi, khoảng năm 1987 anh ta làm cho chi nhánh ngân hàng Mitsubishi tại Zuerich vào lúc kinh tế Nhật Bản phát triển rất mạnh. Nhưng khi kinh tế Nhật Bản suy thoái anh ta bị mất việc và xin vào làm cho ngân hàng UBS của Thụy Sĩ được khoảng 3 năm, nhưng sau đó khi xin gia hạn thẻ B, cũng bị vấn đề tương tự như cô Thái Lan. Cuối cùng anh ta phải chuyển sang làm việc cho chi nhánh UBS tại Luxembourg khoảng 1 năm rồi mới trở lại Thụy Sĩ cũng với thẻ tạm trú B và đi lại từ đầu.
 
Đó là sự thật, tôi chỉ nêu lên vài trường hợp điển hình để nói lên cái góc cạnh thực của thực tế. Việc vào Thụy Sĩ mong có một cái thẻ định cư C cũng không dễ huống chi cuốn Passport của Thụy Sĩ! Với khoảng gần 2 triệu người ngoại quốc trong một quốc gia với khoảng 6 triệu dân bản xứ, phải có những rào cản cho việc nhập cư cũng là lẽ tự nhiên mà thôi. Nếu suy nghĩ sẽ thấy một hãng xưởng hay cơ quan không thể nào thu nhận một người vào làm việc trong một vị trí tàm tạm là cao cấp khi người đó chỉ có thẻ B với tình trạng cư trú tạm thời. Ngay cả với người có thẻ C, trên lý thuyết có quyền hạn gần như dân bản xứ nhưng thực tế vẫn có những khác biệt tế nhị mà người ta phải hiểu rõ. Đó cũng là một rào cản dành ưu tiên cho người có quốc tịch Thụy Sĩ mà thôi, nhất là Thụy Sĩ chỉ cần thành phần lao động trong sản xuất hơn là giới quản trị ở phía trên.
 
Thực tế là như vậy, nó hoàn toàn không đúng với một lần ngẫu nhiên tôi tạt vào một đại sảnh đường trên đường Đồng Khởi (Công Lý cũ). Hàng trăm ông cha, bà mẹ cùng với những đứa con đến nghe một nhóm người của một công ty dịch vụ du học Thụy Sĩ, nói về những ưu ái, tốt đẹp khi du học Thụy Sĩ. Nào là vừa học vừa làm thêm kiếm ít nhất 2000 hay 3000 USD/tháng dư đủ cho tiền học phí, bảo hiểm và nhà cửa..v..v.. Rồi khi tốt nghiệp xin được việc làm với số lương èo nhất cũng 4000 – 5000 USA/tháng kèm theo biết bao nhiêu phụ cấp..v..v.. và ..v..v.. Nghe họ quảng cáo, tôi lắc đầu, thở dài im lặng rời xa, bởi vì đó chỉ là những cái bánh vẽ không bao giờ có thật! Dĩ nhiên cũng có sự may mắn nào đó, nhưng chỉ là một trường hợp rất hiếm hoi, đặc biệt mà thôi.
 
Tôi, một Swissmaker
 biafilmthuysi
 
Tôi cũng như nhiều người VN tỵ nạn khác tại Thụy Sĩ, đã là những Swissmakers thành công, dù con đường đến đích của mỗi người có những khác nhau nho nhỏ. Sự khác nhau đó có thể từ luật lệ của địa phương nơi mình sinh sống hay vì bản chất tốt xấu của mỗi người trong sự thẩm xét của nhà cầm quyền Thụy Sĩ..v..v…Tuy nhiên không ai dám phủ nhận yếu tố may mắn hay xui xẻo đã đóng góp vào sự nhanh chóng hay dài lâu, khó khăn hay dễ dàng cho sự việc. Trong phần này tôi sẽ mô tả về con đường Swissmaker với vài điều rất lý thú của tôi, như kể một câu truyện tìm vui trong tuổi già của một ông lão đã bước vào tuổi 75 khơi lại một kỷ niệm cuối đời của mình trước khi ra đi về với cỏ cây, cát bụi. Có lẽ trước khi vào chủ đề con đường Swissmaker của mình, tôi muốn tóm tắt sơ sài con đường đến Thụy Sĩ của tôi để câu truyện có phần thoáng khoát, dễ hiểu hơn cho người đọc.
 
Đầu năm 1979 tôi từ Nhật Bản đến Thụy Sĩ với visa du lịch, rồi nhờ có thân nhân tại đó tôi đã nộp đơn xin tỵ nạn, nhờ vài ba người bạn Thụy Sĩ, nhất là những tờ giấy giới thiệu (references) tuyệt hảo về phẩm chất và chuyên môn của tôi từ vị Giáo Sư đỡ đầu chương trình học của tôi và cũng là Giám Đốc phân khoa thực phẩm của Đại Học Kagoshima nơi tôi đã tốt nghiệp. Đặc biệt sau khi tốt nghiệp ông giới thiệu tôi đi làm và giúp tôi tham dự vào một chương trình cộng tác khảo cứu của ông với một nhóm Giáo Sư Đại Học Canada sự đào thải hợp chất Thuỷ Ngân ra khỏi cơ thể con người sau khi bị nhiễm do ăn hải sản lậm độc tại các vùng biển gần khu kỹ nghệ. Công việc của tôi là dựa vào sự hấp thụ quang phổ của nguyên tử thuỷ ngân trong phẩm vật khi bị đốt cháy bởi nhiệt độ cao qua máy đo (Atomic Absorption Spectrophozometer AAS), loại máy rất tân tiến thời bấy giờ, được Mỹ phát minh khoảng 5, 6 năm. Công việc của tôi là đo lường chất độc hại này được thải ra khỏi cơ thể con người bằng đường râu, tóc, lông, còn các phòng thí nghiệm khác đo lường sự đào thải qua phân, nước tiểu, qua da, qua máu..v..v... Đó là một vấn đề liên quan đến môi trường đang được thế giới chú ý và lo lắng ở thời điểm đó.
 
Với những lời giới thiệu quá tốt của vị Giáo Sư, cũng phải kể đến những giấy khen tặng của công ty nơi tôi làm việc tại Nhật Bản. Thêm vào sự giúp đỡ của người bạn Thụy Sĩ tôi đã được nhận vào Thụy Sĩ dưới dạng người VN tỵ nạn rất nhanh chóng và làm việc khảo cứu cho Đại Học Bách Khoa Zuerich (ETHZ) dưới vị thế một người phụ khảo (Assistant). Làm việc ở đó được khoảng gần 4 năm tôi theo vị Giáo Sư sang làm cho viện khảo cứu về dinh dưỡng (Intitute of nutrition) được khoảng gần 10 năm thì viện khảo cứu đóng cửa, tôi được chuyển về Trung Tâm Kiểm Tra Thực Phẩm (Central Labor) chuyên đo lường những chất độc hại còn sót trong thực phẩm biến chế. Làm việc tại đây được khoảng hơn 2 năm tôi bị di ứng với hoá chất quá mạnh, phải giảm thời gian làm việc trong phòng thí nghiệm từ 50%, rồi 75% và chấm dứt vào năm1995 khi tôi chuẩn bị tuổi 50. Tôi phải giã từ công việc liên hệ đến hoá chất, người bạn tâm giao, chân thành đã theo tôi từ ngày còn cực nhọc sống, làm việc tại VN, rồi theo tôi sang Nhật Bản, tiếp theo là Thụy Sĩ nơi đã dang rộng bàn tay đón nhận, cho tôi chốn định cư để tiếp tục mày mò với hoá chất… Đúng như vậy Thụy Sĩ đã nuôi sống tôi, cho tôi biết bao nhiêu niềm đam mê, học hỏi về hoá thực phẩm và dinh dưỡng. Nhưng biết làm sao khi căn bệnh lạ kỳ đã chen vào bản nhạc đam mê của tôi, để rồi tôi phải rời xa người bạn tâm giao đó trong tiếc nuối.
 
Đúng 12 năm cư trú tại Thụy Sĩ, đủ điều kiện, tôi làm đơn xin nhập tịch để thành một Swissmaker và tôi đã thành công một cách ngoạn mục, nhanh chóng không ngờ khi đó tôi vừa 47 tuổi. Chỉ với khoảng khoảng 11 tháng trời sau ngày nộp đơn tôi đã có cuốn Passport màu đỏ chói của một công dân Thụy Sĩ, so với rất nhiều người khác phải chờ đợi nhiều năm. Trong cái khoái cảm của một người may mắn, tôi sẽ dùng khả năng văn chương, chữ nghĩa để mô tả con đường đi Swissmaker của tôi, qua những giai đoạn mà mỗi khi tôi nhớ lại vẫn cho tôi cái cảm giác thú vị, cười vang.
 
Nếu nhớ không lầm, tôi đã tốn khoảng 700 Sfr phí tổn (thời điểm 1992) cho hồ sơ xin nhập tịch của tôi và 3 đứa con nhỏ dưới 10 tuổi (vợ tôi không xin). Khoảng hơn một tháng sau tên chúng tôi đã có trong danh sách người xin nhập tịch trên tờ công báo Zuerich – Tageblatt, nghĩa là đơn xin đã bước vào vòng đi, tức là vòng thẩm xét sơ khởi của thành phố rồi lên tiểu bang và Liên bang. Sau khi Liên bang thẩm xét tổng quát sẽ gửi trở lại cho tiểu bang và cuối cùng là thành phố, đó là vòng về. Vòng này rất quan trọng với những cuộc thẩm vấn, điều tra rất kỹ lưỡng, thất bại hay thành công đều do vòng này quyết định. Với con đường đi của vòng về, tôi đã được gọi lên văn phòng của tiểu bang và thành phố tổng cộng 3 lần.
 
a.- Lần thứ nhất, sở cảnh sát tiểu bang (Kanton Polizei). Có lẽ khoảng 4,5 tháng sau khi có tên trên báoTageblatt tôi nhận được giấy mời lên văn phòng cảnh sát tiểu bang (Kanton-Polizei). Phỏng vấn tôi là một sĩ quan cảnh sát, với một xấp hồ sơ trên bàn, ông ta hỏi tôi về tất cả những diễn tiến của đời tôi, từ nơi sinh ra, học hành, làm việc, vào quân đội… tại VN cũng như tại Nhật Bản. Sau đó ông ta hỏi sự hiểu biết của tôi về Thụy Sĩ liên quan đến lịch sử, văn hoá, kinh tế..v..v.. Qua khoảng gần một giờ đồng hồ hỏi đáp tôi có cảm tưởng mục đích của họ là muốn chứng thực lời khai của tôi trong hồ sơ khi xin tỵ nạn cũng như xét đoán hiểu biết căn bản của tôi về Thụy Sĩ, đồng thời qua đàm thoại cũng biết được khả năng ngôn ngữ của tôi ra sao.
 
b.- Lần thứ hai, sở cảnh sát thành phố (Stadt Polizei). Sau đó khoảng hơn 1 tháng, tôi nhận được giấy mời của cảnh sát thành phố, vào lúc 10 giờ sáng tại một căn phòng gần trung tâm thành phố, một cuộc phỏng vấn khó quên. Hôm đó tôi đến khá sớm nên ngồi ở chiếc ghế dài sát cửa căn phòng thẩm vấn được vài phút thì một người VN cũng vì nhập tịch mà đến theo giờ hẹn. Anh ta là người tỵ nạn, đến Thụy Sĩ sau tôi khoảng 1 năm khi ở tuổi 15, có tật ở chân là thợ điện. Gia đình tôi và anh ta rất thân vì nhiều lần vợ tôi nhờ anh ta bắt điện cho trường nhà trẻ (Kindergarten) của vợ tôi gần trung tâm thành phố. Qua vài câu nói chuyện, tôi có chút ngạc nhiên, vì lý do gì mà đến nay anh ta mới xin nhập tịch? Theo luật lệ khi đến Thụy Sĩ với tuổi từ 10 đến 20, thì thời gian cư trú sẽ được nhân lên 2 lần, nghĩa là anh ta chỉ cần 7 năm trời là đủ điều kiên xin nhập tịch. Đang định hỏi anh ta lý do vì sao mà bị chậm trễ, đúng lúc một sĩ quan cảnh sát đứng tuổi mở cửa căn phòng, ra dấu cho tôi vào phòng.
 
Ngồi đối diện với ông ta qua một chiếc bàn khá lớn và một xấp hồ sơ khá dầy được mở rộng. Đưa mắt nhìn tôi ông ta cho biết là hồ sơ xin nhập tịch của tôi đã được chấp nhận của liên bang và tiểu bang, hiện nay đã xuống thành phố và ông ta được chỉ định thẩm xét. Ông ta cho biết qua những bản điều tra về sự hoà nhập vào xã hội, con người tại nơi cư ngụ, nơi làm việc của tôi được coi là rất tốt, chưa bao giờ dựa vào sự hỗ trợ của xã hội, việc làm rất chắc chắn… nói chung cuộc sống của tôi hoàn toàn tốt. Đưa tay lật nhẹ vào trang hồ sơ, ngước mắt nhìn thẳng tôi, chậm rãi ông ta nói:
 
- Nhưng ông đã có 3 lần bị liên luỵ đến cảnh sát!
 
Nghe ông ta nói, tôi thẫn thờ, cau mắt nhìn ông ta ra vẻ hoàn toàn không nhớ gì về chuyện mà ông ta vừa nói. Lấy tay vỗ nhẹ vào tập hồ sơ, ông ta nói tiếp:
 
- Ông đã lái xe nhưng không mang biển số, bị cảnh sát bắt giữ!
 
Nghe ông ta nói, trí nhớ kéo tôi trở lại, khoảng 7, 8 năm trước, khi gia đình tôi còn sống ở căn nhà liền kề (Reihen-Haus) của chính phủ cấp, không có garage tôi phải đậu xe dọc lề đường gần nhà. Một buổi sáng, như bình thường tôi lái xe đi làm, chạy khoảng 10 phút, chưa ra khỏi thành phố, thình lình có xe cảnh sát chạy phía sau, phát dòng chữ màu đỏ yêu cầu tôi dừng lại. Sau khi kiểm soát giấy tờ cá nhân của tôi họ cho biết bảng số phía sau xe của tôi không có! Lúc đó tôi mới biết nó bị rơi mất hay bị ai tháo mất từ khi nào. Kết quả tôi bị phạt khá mắc cho sự lơ đễnh và chính cảnh sát họ gọi garage đến cẩu xe tôi đến sở giao thông để xin đúc số mới.
 
Khi đã nhớ ra sự việc, tôi nhìn vị cảnh sát và nói vài lời giải thích. Ông ta nghe cho có, rồi nói tiếp với tôi:
 
- Lần thứ hai đó là vụ lộn xộn vì chụp ảnh tại trạm biên giới Thụy Sĩ và Đức thuộc tiểu bang Schaffausen!
 
Đúng như vậy, đó là một chuyện vô tình đã làm cho tôi khốn khổ. Vào khoảng mùa hè năm 1986 (?), một nhóm 6 người thầy, cô giáo tỉnh Yokohama, Nhật Bản, nhân dịp du lịch Thụy Sĩ họ nhờ tôi liên hệ với vài ngôi trường Tiểu Học để thăm quan, học hỏi, mọi việc xảy ra rất tốt đẹp. Rồi cuối tuần tôi lái xe chở cả nhóm đến tỉnh Schaffausen thăm viếng thác Rheinfall lớn nhất Âu Châu. Từ Zuerich nếu đi xa lộ thì khoảng 50km nhưng nếu đi tắt, xuyên qua một dải đất của Đức ăn sâu vào Thụy Sĩ thì chỉ khoảng 30km, phong cảnh lại đẹp và cũng muốn cho nhóm bạn biết tí sinh hoạt của vùng biên giới nên tôi đã chọn con đường ngắn này.
 
Khi xe chúng tôi vào Đức, qua trạm kiểm soát, tôi xếp cả 6 passports Nhật Bản và thẻ du hành cho người tỵ nạn (Reiseausweis) của tôi, cảnh sát Đức chỉ nhìn qua xấp passports Nhật, khoác tay cho qua, kèm theo câu từ giã “Sayonara”! Tiếp tục đi khoảng 10 phút, chúng tôi lại đến biên giới, lần này từ Đức vào Thụy Sĩ. Cũng vậy với xấp passports, cảnh sát Thụy Sĩ cũng chỉ nhìn qua và cho chúng tôi đi qua.
 
Với sự nhập và xuất quá đơn giản như vậy đã làm mọi người thích thú và muốn có dấu đóng vào Passport để kỷ niệm. Tôi thấy cũng hợp lý nên chạy xe đến chỗ parking sát bên trạm kiểm soát rồi thu tất cả passorts mang vào trạm kiểm soát xin đóng dấu để kỷ niệm. Mọi việc chẳng có gì khó khăn, người cảnh sát trong trạm cũng vui vẻ đáp ứng. Nhưng khi mang xấp passports ra phân phát cho mọi người, chuẩn bị lùi xe ra khỏi chỗ đậu, đúng lúc đó 2 người cảnh sát chạy vội ra với thái độ giận dữ, ra dấu cho tôi dừng xe. Với vài câu nói gần như quát mắng của hai người cảnh sát, tất cả chúng tôi đã hiểu nguyên do. Khi tôi mang xấp Passport vào xin dấu đóng kỷ niệm, các ông bà giáo đã quay phim, chụp ảnh trong khu vực an ninh không được phép. Với thái độ lạnh lùng và quyết liệt của 2 người cảnh sát, cả nhóm chúng tôi bị dẫn vào một căn phòng trong trạm. Tôi dùng đủ mọi lời lẽ, phân trần cho sự vô tình, thiếu ý thức của nhóm bạn nhưng vẫn vô ích. Họ cho biết đây là một hành động không đơn giản và họ đã liên hệ với cảnh sát tiểu bang Schaffausen chờ gửi người đến giải quyết.
 
Khi cảnh sát tiểu bang đến, cả nhóm chúng tôi bị khám xét, hỏi cung như kẻ tội phạm, tuy nhiên có lẽ họ nhìn thấy các ông bà giáo Nhật Bản (dân Âu Châu rất quí mến dân Nhật Bản) quá sợ và chẳng ai nói được một câu tiếng Anh! Còn tôi thì ngôn ngữ Đức cũng chỉ đủ nói để họ hiểu ở mức tối thiểu mà thôi. Cuối cùng họ đưa ra quyết định là ngoài tiền phạt vi cảnh cho mỗi người, còn phải huỷ bỏ tất cả phim ảnh trong máy ảnh, máy quay phim trước sự kiểm chứng của họ. Thế là các ông bà giáo muốn khóc vì biết bao nhiêu hình, phim ảnh kỷ niệm của cả tuần lễ coi như thành mây gió, với tôi là một bài học nhớ đời.
 
Câu chuyện xảy ra 5, 6 năm trước, tưởng rằng im lặng đi qua, nhưng câu nói của người cảnh sát đã kéo ký ức tôi trở lại, với vẻ lo lắng tôi nói vài câu ân hận biện minh cho lần vô tình sai trái đó. Hình như cũng nhìn thấy vẻ buồn chán trong mắt tôi, ông cảnh sát im lặng, đưa bàn tay lật qua, lật lại vài trang hồ sơ, ông ta nói với tôi:
 
- Lần thứ 3, ông cũng đã làm việc với phòng cảnh sát thành phố (Stadt Polizei), ông có nhớ không?
 
Tôi cau mày, lắc nhẹ đầu nhẹ, ông ta mỉm cười, vẻ thân thiện lộ ra rõ ràng trên khuôn mặt, nói với tôi:
 
- Ông khỏi lo, lần này ông đến phòng cảnh sát với một việc rất tốt. (Chẳng để tôi thắc mắc, ông ta nói tiếp) Đó là lần ông nhặt được cái bóp có tiền và đã đem nó nguyên vẹn đến nhờ cảnh sát trả cho người bị mất. Một hành động tuyệt vời, tốt không ngờ! (Ông ta dùng chữ Đức gốc tiếng Nhật: Subarashii, das ist Unmöglich!).
 
Nghe ông ta nói, trí nhớ kéo tôi về một lần khó quên trong đời tôi. Hôm đó vào ngày cuối tuần, tôi lái xe cùng với gia đình đi mua sắm tại môt siêu thị trong thành phố. Khi lái xe vào chỗ đậu, thằng con trai 6 tuổi của tôi, khi mở cửa xe đã nhặt được một cái bóp khá cộm, có thể do người đậu xe trước đánh rớt ngay dưới nền chỗ cửa xe. Thằng bé mở ra xem, mừng vui nó nói to:
 
- Bố ơi, trong chiếc bóp có rất nhiều tiền…!
 
Vợ chồng tôi bàng hoàng, cầm lấy chiếc bóp từ tay thằng con. Đúng như vậy, với 4 tờ 100 Sfr,1 tờ 50 Sfr và khá nhiều tiền “kim loại“, tổng cộng cũng khoảng gần 500 SFr. Ngoài ra còn 6 tấm thẻ đủ loại, thẻ ngân hàng UBS, thẻ kiểm tra, thẻ bảo hiểm…v..v.. Thành thật khi nhìn thấy giá trị của cái bóp đã làm tôi ngẩn ngơ, cảm giác gặp may mắn với món tiền “trời rơi xuống“ đã làm tôi ngạc nhiên với vui mừng (Có lẽ tôi xấu xa chăng??!!). Nhưng đưa mắt nhìn 3 đứa con, nhìn vợ và nhìn vào những giấy tờ cá nhân của nạn nhân đã làm tôi suy nghĩ và sự vui mừng, tham lam đã biến mất ngay, thay vào đó là những tính suy theo hướng của thiện tâm!
 
Tôi tự nghĩ, nếu chiếm đoạt món tiền đó sẽ nói gì với vợ, với con? Những đứa con tôi có thể còn bé, còn ngây ngô chưa hiểu gì, chúng nó sẽ vui vẻ cùng với bố khi có một món tiền từ trời rơi xuống. Nhưng khi lớn khôn, biết suy nghĩ phải trái, nhớ lại việc làm của bố, chúng sẽ nghĩ sao, có còn tôn trọng kính yêu ông bố mà chính chúng đã chứng kiến hành động không đẹp đó không? Với người vợ, đã 3,4 thế hệ làm nghề giáo của một quốc gia thuộc hàng đạo đức trên thế giới, còn nhìn tôi với ánh mắt kính yêu, nể trọng nữa hay không? Rồi tôi mường tượng ra những khốn khổ, phiền phức của nạn nhân với 5, 6 loại giấy tờ phải khai báo, làm mới bao nhiêu là phiền phức và tốn kém. Tôi có đành lòng không? dù chẳng biết họ là ai. Suy nghĩ xa hơn, tôi tự hỏi với khoảng gần 500 Sfr, món tiền đó có làm thay đổi cuộc sống của tôi không hay chỉ đủ mua một vài món quà, thêm một bữa ăn đơn sơ cho cả gia đình tại nhà hàng rẻ tiền vào cuối tuần mà thôi! Nghĩ như vậy, tôi quyết định tìm cách trả lại chiếc bóp toàn vẹn cho người mất để làm gương cho lũ con và giữ được sự tôn trọng của vợ tôi.
 
Cuối cùng vợ tôi và 2 đứa con gái vào siêu thị mua sắm, tôi lái xe cùng với thằng con trai 6 tuổi đến một chi nhánh ngân hàng UBS không xa siêu thị. Khi tôi đưa cái bóp có giấy tờ và tiền bạc cùng cái thẻ ngân hàng UBS cho nhân viên, họ nhìn tôi có chút ngạc nhiên và cho tôi biết, nếu chỉ có thẻ ngân hàng thì rất đơn giản cho họ và cả cho tôi, vì chỉ thông báo cho nạn nhân đến lấy thẻ là xong. Nhưng vấn đề là có món tiền khá nhiều, thêm nhiều loại giấy tờ khác thì việc báo tin, trả lại không đơn giản. Họ khuyên tôi nên mang đến văn phòng cảnh sát rất gần, ở ngay phía sau ngân hàng của họ, nó đơn giản và chính xác hơn. Thấy họ nói có lý, tôi để xe tại ngân hàng, cùng với thằng con đi bộ đến chi nhánh cảnh sát ở con đường sát phía sau.
 
Khi chúng tôi bước vào phòng đầu tiên sát cửa ra vào của trạm cảnh sát, một cảnh sát viên duy nhất trong phòng, khá đứng tuổi đang cúi đầu chăm chỉ làm việc trước bàn đánh máy. Tiếng động mở cửa đã làm ông ta ngước đầu im lặng nhìn bố con chúng tôi. Tôi lễ phép nói với ông ta là có vấn đề xin ông giúp đỡ, ông ta chau mày với vẻ không vui, hất nhẹ đầu, dùng lối văn nói coi thường, không lịch sự:
 
- Mày muốn cái gì? (Was willst du?)
 
Thái độ lạnh lùng, giọng nói xấc xược làm tôi có chút bực mình, nhưng cũng phải trả lời ông ta:
 
- Thưa ông, tôi nhặt được một cái bóp, trong đó có khá nhiều tiền trong bãi đậu xe, xin ông tìm người mất, trả lại cho họ hộ tôi.
 
Có lẽ thấy tôi cầm chiếc bóp để lên quầy gỗ, nghe tôi nói trong bóp có nhiều tiền, đã làm ông ta ngạc nhiên, dừng vội công việc, đôi mắt chau lại ngước lên nhìn chúng tôi, rồi bước ra khỏi chiếc bàn làm việc tiến đến chiếc quầy mà chúng tôi đang đứng. Vẫn vẻ rất ngạc nhiên nhìn chúng tôi, ông ta đổi ngay lối nói xấc xược bằng thể lịch sự “Sie” thay vì “Du” lúc ban đầu để hỏi tôi về sự việc. Tôi chậm rãi kể rất kỹ sự việc cho ông ta nghe. Rất rõ ràng, ánh mắt nhìn, lời nói, câu văn, ngôn từ sử dụng của ông ta hoàn toàn êm nhẹ và lịch sự khi đối thoại với tôi. Cuối cùng, ông ta đưa mắt rất thân thiện, miệng cười vui nhìn bố con tôi, ông ta nói:
 
- Nói thật với ông, hơn 20 năm làm cảnh sát, rất nhiều lần tôi đã được người ta mang đến đủ mọi thứ, nào là Passport, thẻ ngân hàng, đồng hồ và cả ví đựng tiền..v..v… yêu cầu tìm người mất để trả lại. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một người nhặt được một cái bóp có tiền, mà còn nhiều tiền nữa! Đúng là một sự lạ kỳ khó tin!
 
Rồi với sự cảm mến chúng tôi ra mặt, ông ta nói chuyện với tôi và cả thằng con trong không khí rất thân thiện, ông ta hỏi tôi từ đâu đến. Dĩ nhiên tôi cho ông ta biết là tôi từ Việt Nam. Khi vừa nghe tôi trả lời là người Việt Nam, ông ta nhíu mắt nhìn tôi rồi chậm rãi tâm tình:
 
- Ông đã làm tôi rất ngạc nhiên, một người Việt Nam đặc biệt. (Với tí ngần ngừ ông ta nói tiếp), xin lỗi ông, tôi đã bao lần khốn khổ với nhiều người Việt Nam tỵ nạn, họ làm phiền hàng xóm, đánh nhau, ăn nhậu, cờ bạc… cuối cùng cảnh sát chúng tôi phải đến tận nhà giải quyết!
 
Dĩ nhiên nghe ông ta nói điều không đẹp về đồng hương của mình cũng cho tôi cảm giác buồn, nhưng biết làm sao hơn khi đó là sự thật! Nhưng có lẽ một điều mà rất rất nhiều người bản xứ họ không hiểu là phần rất lớn người VN đến tỵ nạn tại Thụy Sĩ vào khoảng 5, 6 năm sau 1975, phần lớn là giới lao động ra đi từ những vùng quê nghèo hay vùng biển… trình độ văn hoá của họ không cao, khi bước vào một xã hội văn minh và giàu có như Thụy Sĩ thì làm sao tránh được những lủng củng xảy ra được? Vì vậy chê bai hay kết án họ là một sự sai lầm rất vô lý, khó cảm thông. Với suy nghĩ như vậy, tôi đã chậm rãi nói cho vị cảnh sát hiểu rõ vấn đề. Cuối cùng tôi đưa ra một thí dụ và hỏi ông ta, nếu ông là một người VN giống như họ, sống ở một vùng quê không điện nước, không TV, Tủ lạnh, Video, máy quay phim…v..v.. Rồi một lần nào đó, cũng như họ, ông được đón chờ tại một nơi có điều kiện để có những món đồ trong mơ hay tưởng tượng của ông. Rồi ông được đi làm việc trong nhàn nhã, lương cao, dư dả… vậy ông có ngại ngần hay đắn đo mà không bỏ tiền ra mua những thứ mà ông ao ước không?? Đã thế ông còn được trả góp quá dễ dàng thì làm sao ông phải từ chối nhỉ?
 
Cuối cùng với lời tâm sự, trần tình rất thực tế của tôi, ông cảnh sát nhìn tôi gật gù ra vẻ rất thông hiểu, ông ta cũng không quên hỏi về cuộc đời tôi khi còn ở VN. Dĩ nhiên tôi cũng chẳng có gì để phải giấu giếm, tôi nói rõ về mình tất cả những gì ông ta muốn biết. Cuối cùng ông ta nói với tôi:
 
- Cám ơn ông Vũ, ông đã giúp tôi hiểu rõ vấn đề, tôi đã cảm thông với người VN hơn.
 
Rồi ông ta trở lại bàn làm việc điện thoại cho ai đó, quay ra nói với tôi:
 
- Tôi vừa điện thoại cho người bạn, anh ta sẽ xuống và làm việc với ông về cái bóp mà ông đem đến, xin ông chờ tí chút nhe.
 
Đúng như vậy, một người cảnh sát trẻ tuổi hơn từ trên lầu đi xuống, hình như đã nghe ông cảnh sát nói qua điện thoại, anh ta rất vui vẻ, bắt tay tôi, lịch sư mời bố con tôi vào một căn phòng nhỏ phía sau để làm bài tường trình về món đồ mà tôi đem đến.
 
Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ người cảnh sat vừa hỏi vừa đánh máy theo lời kể của tôi về sự việc, rồi anh ta tóm tắt bài tường trình cho tôi nghe, yêu cầu tôi ký vào bản tường trình cùng với anh ta. Trước khi nói những lời cám ơn “có cánh“ với bố con tôi, anh ta cho biết theo luật lệ của Thụy Sĩ thì tôi sẽ nhận được 10% món tiền của người chủ nhân.
 
Đúng như vậy khoảng 2 tuần lễ sau, tôi nhận được một tờ check không phải 10% như luật lệ mà anh cảnh sát nói, mà là gần 300 Sfr! Tờ check chẳng có ghi tên hay địa chỉ người gửi mà từ sở cảnh sát thành phố gửi đến. Tôi chẳng hiểu sao lai nhiều hơn luật định như thế, rất có thể người mất tiền đã nhờ cảnh sát tặng cho tôi nhiều hơn chăng? Dĩ nhiên là tôi và cả lũ con rất vui vì đã có một món tiền “trên trời rơi xuống“ nhưng đầy trong sáng và trọn vẹn niềm hoan ca cho cả gia đình. Riêng cá nhân tôi ngoài niềm vui với món quà, tôi còn có tí chút tự hào về tánh ngay thẳng trong cuộc sống vốn dĩ buồn nôn này!
 
Hình như cảm thấy tôi đã nhớ lại câu truyện “nhặt được cái bóp đựng tiền“, ông cảnh sát tiểu bang nhìn tôi, ánh mắt khá nhiều thiện cảm với nụ cười nhẹ ông ta nói với tôi:
 
- Thật ra 2 chuyện rắc rối với cảnh sát của ông chỉ là những hình phạt vi cảnh (micro-police penalties), không phải là hình sự (Criminal offences). Với trường hợp thứ 3, ông là một người rất chính trực, chẳng có gì phải lo lắng, theo tôi hồ sơ xin nhập tịch của ông không có gì ngăn cản cả. Có lẽ vài ba tuần nữa hồ sơ của ông sẽ được quyết định trong cuộc họp thường kỳ của nghị viên thành phố.
 
Nghe ông ta nói, những áng mây đen, lo buồn trong lòng tôi như đã được thổi bay tất cả. Khi tôi chuẩn bị đứng dậy ra về, với chút ngại ngần, ông ta hỏi tôi:
 
- Ông Vũ, ông quen biết với người ngồi bên ngoài phải không? Nếu không có gì phiền phức xin ông vui lòng cho tôi biết vài điều về anh ta.
 
Dĩ nhiên tôi bằng lòng. Qua ông ta tôi mới biết người VN đó nộp đơn xin nhập tịch đã gần 7 năm nhưng hồ sơ vẫn bị dừng lại ở cấp tiểu bang vì những nghi ngại về lối sống của anh ta. Tôi chẳng tí ngại ngần cho ông ta biết, anh ta là một người rất chăm chỉ, nhiều lần đến bắt điện, sửa chữa máy móc cho nhà trẻ (Kindergarten) của vợ tôi tại trung tâm thành phố. Nhưng anh ta mang khá nhiều mặc cảm tự ti (Inferiority-complex) vì thân thể tàn tật nên bề ngoài có những luộm thuộm, một dạng người tốt đáng thương. Nghe tôi nói về người VN đó xong, ông ta nói vài lời cám ơn, bắt tay và tiễn tôi ra cửa.
 
Đúng như ông ta nói, khoảng 3 tuần lễ sau đó, tôi nhận được tờ giấy mời đến Nhà họp thành phố (Stadt Haus) để chứng kiến cuộc bỏ phiếu của hội đồng nghị viên thành phố Zuerich, cho đơn xin nhập tịch của tôi. Đúng ngày giờ hẹn, tôi và 5 người khác gồm một cặp vợ chồng người Italy khá đứng tuổi, còn lại 2 thanh niên và một phụ nữ đều còn trẻ người gốc Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Tư. Đúng giờ chúng tôi được một nhân viên từ trong phòng họp bước ra, mời cả nhóm chúng tôi vào ngồi ở dãy ghế sau cùng, sát cửa ra vào. Phía trên, khoảng 15, 16 nghị viên thành phố ngồi trên những dãy ghế vòng cung, đối diện là bàn của chủ tọa có 3 vị. Một vị đọc từng tên của mỗi chúng tôi kèm theo vài chi tiết cá nhân và yêu cầu bỏ phiếu cho từng người. Sau khoảng nửa tiếng đồng hồ, tất cả 6 người chúng tôi đều được các nghị viên giơ tay đồng ý thông qua, không một ai phản đối. Người đã mời chúng tôi vào phòng, đến bắt tay, nói lời chúc mừng và yêu cầu chúng tôi ra về, cuộc họp của các nghị viên vẫn tiếp tục cho các vấn đề khác.
 
Chúng tôi bắt tay nhau, chia sẻ vui mừng rồi hả hê đi về, có lẽ ai ai cũng mường tượng ra cuốn passport màu đỏ chói với dấu chữ thập trắng của Thụy Sĩ đã gần tầm tay với. Khoảng hơn một tuần sau tôi nhận được tờ giấy mời từ văn phòng hành chánh tỉnh (Stadt Verwaltung ) để làm thủ tục nhập tịch.
 
C.- Lần thứ 3, Phòng hành chính thành phố (Stadt Verwaltung)
 
Đây là lần thứ 3, cũng là lần cuối cùng tôi trình diện cơ quan công quyền Thụy Sĩ để hoàn tất con đường “Swissmaker” của tôi. Lần trình diện này không phải là văn phòng cảnh sát như 2 lần trước mà là phòng làm việc của một bà Thụy Sĩ khá trẻ khoảng trên dưới 35 tuổi. Đây cũng là cuộc gặp gỡ nhiều ấn tượng, đã kết nối tình thân rất khắng khít giữ chúng tôi và bà ta cho đến ngày nay.
 
Tôi đến đúng ngày giờ trong giấy hẹn, được bà Thụy Sĩ trưởng phòng với thái độ rất thân thiện, thay vì để tôi ngồi đối diện với bà ta qua chiếc bàn làm việc. Bà lại mang xấp hồ sơ ra bộ salon, đưa tay mời tôi ngồi vào chiếc ghế bành đối diện như là một người khách thăm viếng. Bà ta hỏi tôi rất nhiều về sự điều hành, tổ chức cũng như số lượng trẻ con Nhật Bản và lai Nhật Bản đang theo học tại trường Mẫu Giáo mà vợ tôi đang kinh doanh tại tầng trệt của một chung cư gần trung tâm thành phố. Dĩ nhiên tôi trả lời bà ta rất rành mạch từng chi tiết, nhưng tôi có cảm tưởng có điều gì đó lạ thường. Có lẽ sau cả nửa tiếng đồng hồ, bà ta mới giở tập hồ sơ của tôi và cho tôi biết tất cả đã hoàn thiện để nhập quốc tịch Thụy Sĩ, nhưng có một vấn đề khác liên quan đến phí tổn theo luật định mà tôi có chấp nhận hay không mà thôi.
 
Qua lời giải thích của bà ta, theo luật định của thành phố Zuerich, khi nhập quốc tịch ngoài tốn phí cho giấy tờ hành chánh, người nhập tịch nếu có tài sản trong bản khai thuế mới nhất nhiều hơn mức tối thiểu thì phải đóng vào quỹ tiểu bang 10% số tiền dôi dư đó. Với tình trạng của tôi, có tài sản cao hơn giới hạn nên tôi phải tuân hành nếu tôi muốn được cấp thẻ công dân Thụy Sĩ. Thành thật khi nghe bà ta giải thích tôi mới biết luật lệ này, có lẽ vì có sự khác biệt giữa tiểu bang với nhau nên trong tài liệu mà tôi tham khảo không ghi rõ thì phải? Dù nghĩ như vậy, nhưng tôi chẳng cần suy nghĩ khi quyết định ký vào bản hồ sơ xin nhập tịch, vì tương lai an định của chính mình và 3 đứa con.
 
Khi tôi ký vào tờ giấy, bà ta cười rất dễ mến với thái độ nồng nàn bắt tay tôi cùng những lời chúc mừng rất chân tình dành cho tôi. Rồi bà xếp tập hồ sơ vào kẹp giấy, nhìn tôi với nụ cười thân thiện cho biết chồng bà ta là người Nhật Bản, họ đã có 2 đứa con gái 3 và 5 tuổi. Qua thông tin của vài người Nhật, họ biết vợ tôi đang điều hành một nhà trẻ dành cho trẻ con Nhật Bản. Đã nhiều lần vợ chồng bà ta có ý định đến thăm viếng, xin cho 2 đứa con vào học nhưng chưa được. Ngẫu nhiên lạ kỳ, trong công việc bà lại là người thẩm xét khâu cuối cùng hồ sơ xin nhập tịch của tôi. Ban đầu bà ta không biết nhưng khi xem xét kỹ hồ sơ mới nhận ra tôi là chồng của người mà ta muốn gặp.
 
Thế là cuộc nói chuyện của tôi và bà Thụy Sĩ trưởng phòng trở nên rất thân thiện. Vài ngày sau đó như đã hẹn, vợ chồng bà ta cùng với 2 đứa con gái đến thẳng nhà trẻ thăm quan và chơi đùa với lũ trẻ con Nhật bản khác cho đến khi tan trường (lúc đó tôi đang đi làm). Rồi mọi chuyện tiếp theo, 2 đứa con của bà ta đã lần lượt hoàn tất xong cấp nhà trẻ tại cơ sở của vợ tôi cho đến khi chúng nhập học vào cấp Tiểu Học Thụy Sĩ nên chỉ tham dự lớp học bố túc của trường học Nhật Bản tại Zuerich (Japanische Schule in Zuerich) mà thôi. Đứa con gái út là lớp nhà trẻ cuối cùng của vợ tôi vì sau năm đó luật giáo dục nhà trẻ của Thụy Sĩ bị cưỡng bách, không cho phép trẻ con theo học tại các trường tư thục ngôn ngữ ngoại quốc nữa. Đó là lý do tại sao cơ sở giáo dục Mẫu Giáo của vợ tôi bị đóng cửa, vợ tôi chuyển về dạy kèm tiếng Nhật cho vài ba trẻ con lai Nhật tại tư gia coi như vui thú là chính cho đến ngày nay.
 
Có một điều rất lạ lùng, đến nay tôi sở hữu quốc tịch Thụy Sĩ đã gần 30 năm nhưng tôi vẫn không hiểu là tại sao tôi không nhận được giấy báo đóng món tiền 10% tài sản như bà bạn Thụy Sĩ nói. Thật lạ kỳ với sự im lặng đó, và tôi cũng chẳng dại gì mà “thưa ông tôi ở bụi này“ để phải tốn kém. Theo tôi chẳng có chuyện sơ sót giấy tờ mà quên lãng! Mà cũng chẳng có chuyện vì tình thân nên bà bạn Thụy Sĩ đã giúp tôi. Thụy Sĩ không có chuyện đó, luật là luật và chẳng ai ngớ ngẩn đi ra khỏi luật để nhận lấy rắc rối vào mình, nhất là người có vị trí cao như bà ta trong guồng máy hành chánh trung ương. Theo tôi có thể là một sự thông qua tốt đẹp từ cấp nào đó cho trường hợp đặc biệt hay món tiền đó cũng chẳng đáng bao nhiêu mà bỏ qua cho một người đứng đơn có điểm nào đó tốt đẹp để thông qua như tôi (chủ quan, tự tin quá lố lắm sao?!).
 
Nhưng thế nào thì tôi vẫn nghĩ mình thật may mắn trong việc nhập quốc tịch Thụy sĩ. Chỉ với khoảng 11 tháng nộp đơn và chờ đợi mà tất cả diễn tiến rất xuôi chèo, thẳng lái. Đúng vậy tôi, một Swissmaker đến đích một cách nhanh chóng và rất bất ngờ, thú vị. Nhưng dù thế nào tôi cũng không phủ nhận được con đường Swissmaker của tôi có khá nhiều kỳ ngộ, ra ngoài dự đoán. Đúng hay sai không còn là điều quan trọng nhưng cuộc sống vẫn có những điều đến với mình không phải do tính toán vậy, đúng là: “Cố ý trồng hoa, hoa không nở! Vô tình cắm liễu, liễu xanh um!“.
 
Vài hàng kết luận
 
Nếu sự hiểu biết của tôi không sai lầm thì ngoài vài quốc gia nhỏ bé nhưng thịnh vượng trên thế giới như Monaco, Liechstenstein, Luxembourg… là những nơi việc nhập tịch coi như rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Còn lại, hai quốc gia Thụy Sĩ và Nhật Bản được coi là khó khăn nhất. Không phải khó khăn vì luật lệ trên giấy tờ mà khó khăn vì dẫn giải, thi hành những luật lệ đó trong thực tế. Với Thụy Sĩ thì qua những kể lể phần trên đã nói lên điều đó, còn Nhật Bản, với những ai sống, làm việc tại đó đã biết chính xác sự thật, theo tôi chỉ có con đường kết hôn với dân bản xứ và sống nhiều năm tại Nhật mới có cửa để nhập tịch mà thôi.
 
Chúng tôi có quen một phụ nữ gốc Hàn Quốc, ông nội cô ta đã định cư tại Tokyo từ trước Thế Chiến Thứ 2, cha của cô ta hiện nay đã làm chủ một cơ sở thương mại tại Tokyo, mấy người anh có người làm bác sĩ, kỹ sư và cô ta là một cô giáo âm nhạc cho một trường Trung Học tư thục tại Tokyo. Tất cả anh em họ hoàn toàn chẳng còn liên hệ gì với Nam và Bắc Hàn. Cá tính, ngôn ngữ, lối sống và cả suy nghĩ của họ hoàn toàn là người Nhật nhưng họ vẫn là người Hàn Quốc trên giấy tờ. Cách đây khoảng 12, 13 năm một người Thụy Sĩ du lịch Nhật Bản và quen biết cô ta, họ về Thụy Sĩ làm đám cưới, nhờ vợ chồng tôi làm chứng cho tờ hôn thú của họ, nhờ đó chúng tôi trở lên thân thiết. Đó là sự thật để nói lên sự khó khăn rất vô lý, kỳ lạ và hình như có tính bất nhân của xã hội Nhật Bản. Thụy Sĩ có phần nhẹ nhàng hơn đôi chút nhưng thực tế, cánh cửa để sở hữu cuốn Passort màu đỏ đậm có hình chữ thập trắng nho nhỏ ở bìa góc phải chỉ dễ dàng nếu đến bằng con đường kết hôn với dân Thụy Sĩ hay dưới dạng người tỵ nạn trong một chương trình Thụy Sĩ tiếp nhận tỵ nạn (như người VN, Tây Tạng, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc…) mà thôi. Còn những dạng khác cánh cửa không khoá kín hoàn toàn nhưng cũng rất nhỏ hẹp.
 
Tuy nhiên, nếu ai có dịp du lịch thăm viếng Thụy Sĩ, sẽ nhìn thấy những lâu đài sang trọng trên sườn đồi cỏ hoa xanh mướt hay bên bờ hồ nước trong xanh lãng mạn tại Genève, Montreux… của những vương gia Trung Đông. Gần đây trên báo chí cho biết tài tử điện ảnh Alain Delon của Pháp, nữ danh ca da đen người Mỹ Tina Turner hay ông vua xe đua thế giới Schumacher người Đức (hiện nay đang khốn khổ với đời thực vật vì tai nạn trượt tuyết) và nhiều danh nhân khác đã là công dân Thụy Sĩ sống tại những lâu đài sang trọng. Tôi không nghĩ nếu đem luật lệ ra xét đoán trường hợp của họ, như thời gian cư trú; bằng lòng đóng 10% tài sản..v..v.. họ có đủ điều kiện để nhập tịch. Nhưng theo tôi họ là những người vượt trội thế gian nên có những ưu ái của thượng đế về một hướng nào đó để họ toả sáng như một người siêu hạng (superman) giữa quần thể nhân gian tầm thường. Đó không phải là bất công mà là một biểu tượng trong mơ để cho nhân gian làm gương sáng mà tiến bước cũng như tạo sinh ra những người siêu hạng tiếp theo làm cho loài người tiến triển vậy./.
 
Tài liệu tham khảo:
 
- Handbuch für Fluechtlinge (Suisse)
- Switzerland (Wikipedia)
 
Lưu An, Vũ ngọc Ruẩn
(Switzerland, Zuetich November 2020)

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com