User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tetvietlnc
Hình trên net
 
Lời mở đầu: Nói đến Tết Việt Nam thì có rất nhiều bậc thức giả, trưởng thượng hiểu rõ nguồn cội, phong tục Tết hơn người sưu tầm. Thêm vào đó vì là một bài tóm lược nên không tránh khỏi thiếu sót, mong quý độc giả hoan hỷ cho cũng như trân trọng đón nhận sự chỉ giáo của quý vị. Xin cám ơn (L.N. Châu).
oOo
Tết Nguyên Đán (Tết Cả) là Lễ Hội lớn nhất trong các Lễ Hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội, giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhớ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng…
 
Tết Nguyên Đán Có Từ Bao Giờ?
 
Theo Nguyễn Đình Khang, nguồn gốc Tết Nguyên Đán (hay nói ngắn hơn là Tết) có từ đời Ngũ Đế, Tam Vương bên Trung Hoa. Đời Tam Vương, nhà Hạ, chuộng màu đen, nên chọn tháng đầu năm, tức tháng Giêng, nhằm tháng Dần.
 
Nhà Thương, thích màu trắng, lấy tháng Sửu (con trâu), tháng Chạp làm tháng đầu năm.
 
Qua nhà Chu (1050-256 trước Công nguyên), ưa sắc đỏ, chọn tháng Tý (con chuột), tháng Mười Một làm tháng Tết.
 
Các vua chúa nói trên, theo ngày giờ, lúc mới tạo thiên lập địa (nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người) mà đặt ra ngày Tết khác nhau.
 
Mãi đến đời Đông Chu, Khổng Phu Tử ra đời, đổi ngày Tết vào một tháng nhất định: tháng Dần.
 
Đến đời Tần (thế kỷ III trước Công nguyên), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi (con lợn), tức tháng Mười.
 
Cho đến khi nhà Hán trị vì, Hán Vũ Đế (140 trước Công nguyên) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần (tức tháng Giêng) như đời nhà Hạ, và từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa.
 
Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người, và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày Mồng Một cho đến hết ngày Mồng Bảy.
 
Những Lễ Tết Việt Nam
 
Dân tộc ta có nhiều ngày Tết. Tết là cách nói tắt hai chữ “Lễ Tiết”. Có Tiết Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, Thanh Minh, Đoan Ngọ, Trung Thu…
 
Dựa theo tài liệu sưu tầm trên Internet và của trang web Hà Phương Hoài, chúng tôi lần lượt giới thiệu tóm lược những cái Tết trong năm:
 
* Tết Khai Hạ (Mồng Bảy tháng Giêng):
 
Người giàu khai hạ, tớ khai bị
Hết rượu cho nên mới ngủ khì” (Vô danh)
 
Tết Khai Hạ có nghĩa là Tết mở đầu một ngày vui để chào đón một ngày Xuân mới. Theo cách bói toán của người xưa thì tháng đầu năm, ngày Mồng Một ứng vào Gà, Mồng Hai: Chó, Mồng Ba: Lợn, Mồng Bốn: Dê, Mồng Năm: Trâu, Mồng Sáu: Ngựa, Mồng Bảy: Người, Mồng Tám: Lúa. Trong tám ngày đầu năm, hễ ngày nào khô ráo, sáng sủa thì giống nào thuộc về ngày ấy, có năm được tốt. Cho nên, đến ngày Mồng Bảy thấy trời nắng ráo thì người ta tin rằng cả năm người được mạnh khoẻ, gặp nhiều may mắn tốt lành. Mồng Bảy hạ cây nêu để “bế mạc” Tết Nguyên Đán thì người ta mở ngày Tết Khai Hạ để mong mỏi một năm dài tốt lành, vui vẻ.
 
* Tết Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng):
 
Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng“. Đó là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, là Tết Rằm tháng Giêng hay Tết Thượng Nguyên. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa vì ngày Rằm tháng Giêng còn là ngày vía Phật Tổ A Di Đà. Thiện nam, tín nữ đi lễ rất đông.
 
* Tết Hàn Thực (Mồng Ba tháng Ba):
 
“Hàn thực” có nghĩa là đồ ăn nguội. Gốc Tết này vốn ở thời Xuân Thu cổ đại bên Trung Hoa. Tích cũ kể: “Vua Văn Công nhà Tấn khi gặp cảnh long đong hoạn nạn được người hiền sĩ Giới Tử Thôi hết lòng phù hộ. Khi vua Văn Công đói quá, Giới cắt thịt đùi mình nấu cháo dâng vua ăn. Trải qua 19 năm trời nay trú Tề, mai náu Sở, một ngày Văn Công lại về làm vua Tấn. Mọi người có công giúp vua đều được ban thưởng nhưng rủi thay vua lại quên mất Giới Tử Thôi đang cùng mẹ ở ẩn trong núi Điền Sơn. Khi vua Tấn nhớ ra, cho người vào tìm, mời mãi Giới không chịu rời núi. Vua bèn cho đốt rừng, hy vọng Giới sẽ ra, nhưng Giới Tử Thôi đã cùng mẹ già chịu chết cháy trong đó. Vua vô cùng thương xót, cho lập đền thờ trên núi. Và cứ mỗi năm vào ngày Mồng Ba tháng Ba, ngày giỗ Giới Tử Thôi, có nước lại tổ chức cúng ông. Hôm đó, kiêng đốt lửa, ăn thì dùng đồ nguội đã nấu sẵn từ hôm trước”.
 
Từ thời Thăng Long của Đại Việt, dân ta đã ăn Tết này. Người ta làm bánh trôi, bánh chay, thay cho đồ nguội, cúng gia tiên là chính, chứ ít ai biết đến ông Giới Tử Thôi.
 
* Tiết Thanh Minh (Mồng Chín tháng Ba):
 
Thanh Minh trong tiết Tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh“.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
 
Thanh Minh có nghĩa trời độ ấy mát mẻ quang đãng. Ta cũng nhân dịp ấy mà đi thăm mộ những người trong dòng họ đã mất. Tết Thanh Minh là lễ tảo mộ. Đi thăm mộ thấy có rậm thì phát quang đất khuyết thì bồi đắp, rồi về nhà thắp hương cúng gia tiên.
 
* Tết Đoan Ngọ (Mồng Năm Tháng Năm):
 
Còn gọi là Tết Đoan Dương, cho nên mới có câu thơ:
 
Chưa ăn bánh Tết Đoan Dương
Áo bông chẳng dám khinh thường cởi ra“.
 
Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ được coi trọng, xếp vào hàng thứ hai sau Tết Nguyên Đán. Vì vậy các cụ thường nói “Mồng 5 ngày Tết”. Học trò “tết” (biếu quà) thầy, con rể “tết” bố mẹ vợ… quanh năm cũng chỉ tập trung vào hai Lễ Tết đó.
 
* Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy):
 
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô“.
(Nguyễn Du, Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh)
 
Tết Rằm tháng Bảy có tên khác là Tết Trung Nguyên, người xưa gọi là ngày “Xá Tội Vong Nhân”. Do đó vào ngày này, tại các chùa thờ Phật thường làm chay chẩn tế và tụng kinh Vu Lan. Còn các nhà thì bày cỗ cúng gia tiên, đốt vàng mã và các đồ dùng bằng vàng mã để người thân khuất mặt ở âm ty hưởng dụng.
 
Theo kinh Vu Lan thì một trong các đệ tử của Đức Phật là tôn giả Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công, có nhiều phép thần thông. Mục Kiền Liên tưởng nhớ mẫu thân là bà Thanh Đề đã qua đời, muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng thần thông nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác lúc còn sống ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, Mục Kiền Liên đem cơm xuống tận Âm Ty để dâng mẹ. Nhưng vì đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng bỗng hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên quay về tìm Đức Phật để hỏi cách cứu mẹ. Phật dạy: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ chư Tăng khắp mười phương hợp lực mới mong giải cứu được. Ngày Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Sau khi làm theo lời Phật dạy, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan “Xá Tội Vong Nhân” ra đời.
 
* Tết Trung Thu (Rằm tháng Tám):
 
Tết của trẻ con nhưng người lớn cũng gặp nhau để trà, tửu, ngâm thơ, ngắm trăng (gọi là “thưởng nguyệt”). Cỗ thưởng nguyệt (trông trăng) thường có chiếc bánh nướng hình trăng tròn, bưởi, hồng và nhiều thứ hoa quả khác. Đáng chú ý là các đồ chơi của các em như tiến sĩ giấy, voi giấy, đèn kéo quân, ngựa hồng, các loại mặt nạ, đèn ông sao… và tối đến trước khi phá cỗ là trò chơi múa rồng, múa sư tử, xem đèn kéo quân…
 
* Tết Trùng Cửu (Mồng Chín tháng Chín):
 
Tết này có nguồn gốc ở Trung Hoa, ra đời vào thời kỳ thịnh hành của đạo Lão. Chuyện xưa kể rằng: “Có người tên là Hoàn Cảnh muốn học được phép tiên. Học mãi đến ngày cuối cùng thì thầy bảo hãy may mỗi người một cái túi, hái hoa cúc bỏ vào rồi lên núi ẩn náu. Quả nhiên ngày hôm ấy, Mồng Chín tháng Chín, mưa to, ngập hết cả mặt đất, người chết đuối rất nhiều, còn gia đình Hoàn Cảnh thì vẹn nguyên”.
 
Thời Lý – Trần, nho sĩ Việt Nam theo tích đó cũng tổ chức leo núi, uống rượu hoa cúc gọi là thưởng Tết Trùng Cửu hoặc còn gọi là Tết Trùng Dương. Bây giờ ít có nơi tổ chức.
 
* Tết Trùng Thập (Mồng Mười tháng Mười):
 
Tết này các ông thày thuốc thường làm rất lớn. Theo sách cổ Dược Lễ thì vào mồng mười tháng Mười, các thầy thuốc mới tụ được khí Âm Dương, mới kết được sắc tứ thời (Xuân-Hạ-Thu-Đông) và dùng thật tốt. Ở nông thôn Việt Nam gọi là Tết Cơm Mới, có bánh dày, chè kho, gà luộc dùng cúng tổ tiên mừng được mùa lúa.
 
* Tết Ông Táo (Hai Mươi Ba tháng Chạp):
 
Tương truyền là ngày ông Táo (Táo Quân, Vua Bếp) lên chầu trời để tâu việc làm ăn cả xứ và của mỗi gia đình với Ngọc Hoàng. Chuyện cũ kể rằng: “Xưa có hai vợ chồng vì nghèo quá phải bỏ nhau. Sau người vợ lấy được chồng giàu, một hôm đang đốt hàng mã thì thấy một kẻ đến ăn xin. Người vợ nhận ra người ăn xin ấy chính là chồng xưa của mình, thương cảm bèn đem cho rất nhiều gạo thóc, tiền bạc. Người chồng mới nghi ngờ vợ, người vợ ức quá đâm đầu vào bếp lửa chết. Thương vợ cũ, người ăn xin cũng đâm đầu vào lửa chết theo. Ân hận và đau khổ, người chồng mới cũng nhảy vào bếp lửa đó chết. Ngọc Hoàng Thượng Đế nghe chuyện thương cảm ba con người có nghĩa kia, bèn phong họ làm Vua Bếp”.
 
Ca dao cổ có câu:
 
Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như Vua Bếp hai ông một bà“.
 
Theo tích ấy, vào ngày 23 tháng Chạp, người ta mua hai mũ đàn ông một mũ đàn bà bằng hàng mã, cùng một con cá chép, để Vua Bếp lên chầu trời. Cá chép thường là cá tươi, rất to, khi cúng, cúng cả con. Và bây giờ mỗi khi vẽ Táo Quân, người ta thường vẽ ông đội mũ cỡi cá bay trong mây, nhưng rất tiếc lại không có… quần. Bởi vậy mới có bài thơ vui:
 
Hăm Ba ông Táo dạo chơi xuân
Đội mũ mang hia chẳng mặc quần.
Thượng đế hỏi rằng sao chướng vậy
Tâu rằng: Hạ giới nó duy tân“.
 
Ông Táo, Vua Bếp hay Thần Bếp, là người mục kích sự làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm ông Táo phải thu xếp lên trời vào ngày 23 tháng Chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc Hoàng. Bởi thế cho nên, trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa “ông Táo”. Ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.
 
Cùng với tranh, hoa quả là yếu tố tinh thần cao quý thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa Ðào, miền Nam có hoa Mai. Hoa Ðào, hoa Mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình người Việt Nam. Ngoài cành Ðào, cành Mai, mấy ngày Tết người ta còn chơi thêm cây Quất chi chít trái vàng mọng, đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc…
 
Tết trên bàn thờ tổ tiên của mọi gia đình, ngoài các thứ bánh trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường gồm có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam (hoặc quít), hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là năm loại trái cây: dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung hoặc một loại trái cây khác. Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.
 
Và sau cùng, chúng tôi xin giới thiệu đến quý thính giả ý nghĩa Tết Nguyên Đán và những nét đặc thù của ngày Lễ Tết này:
 
Phong Tục Ngày Tết
 
Ngày Tết, tức là nói tắt Tết Nguyên Đán, trước hết là Tết của gia đình. Theo tập quán, dầu ai bất cứ ở đâu, làm bất cứ nghề gì, hàng năm mỗi khi Tết đến cũng mong muốn tha thiết được trở về nhà sum họp với gia đình trong ba ngày Tết. Tết Việt Nam là ngày nhớ nhau, ngày hội đoàn tụ, đoàn viên ấm cúng.
 
Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong mỹ tục, như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ… từ trẻ tới già ai ai cũng biết. Sau đây là một vài phong tục đáng được duy trì phát triển:
 
– Tống Cựu Nghênh Tân: Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, lau giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.
 
– Con cháu trong nhà từ phút Giao Thừa (bắt đầu năm mới) trở đi được nhắc nhở là không được nghịch ngợm cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy. Anh chị, cha mẹ cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành.
 
– Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xí xóa hết. Dầu có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành.
 
– Hái lộc, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi: Ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Nhiều nhà tự đi hái lộc ở chốn đình chùa, nơi tôn nghiêm, về nhà tự “xông đất” nhà mình hay dặn trước người “nhẹ vía” mà mình thích để nhờ đến “xông” nhà. Nhiều người không tin tục “xông” nhà nhưng cũng dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay lại đổ tại mình “nặng vía”. Chính vì vậy, sáng mùng Một thường ít khách.
 
– Sau Giao Thừa có tục lệ mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ. Ông bà cũng chuẩn bị ít tiền để mừng tuổi con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc Tết thường là sức khoẻ, phát tài phát lộc. Nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.
 
– Ngày Tết có phong tục biếu quà để tỏ ân nghĩa tình cảm, học trò “tết” thầy giáo, bệnh nhân “tết” thầy thuốc, con rể “tết” bố mẹ vợ v.v…
 
– Lễ Mừng Thọ: Ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở Việt Nam thời xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu Xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thấp tuần, cửu tuần… Ngày Tết cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.
 
– Cũng vào dịp đầu Xuân, người có chức tước “khai ấn”, học trò, sĩ phu “khai bút”, nhà nông “khai canh”, người buôn bán “mở hàng lấy ngày”. Sĩ, Nông, Công, Thương, Tứ dân bách nghệ của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thông, làm ăn suôn sẻ. Sau ngày Mùng Một, dù có mải vui Tết cũng chọn ngày “khai nghề”, “làm lấy ngày”. Nếu như Mùng Một tốt thì chiều Mùng Một bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ Hoàng Đạo không kể Mùng Một là ngày tốt hay xấu.
 
– Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè, nhưng trong dịp Tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì cha mẹ cho phép vui chơi. Tam cúc, cờ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm… ai thích trò nào chơi trò ấy. Ðến lễ Khai Hạ (hạ cây nêu), tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm…
 
– Vì sao có tục lệ kiêng hốt rác đổ đi trong ba ngày Tết: Trong “Sưu thần ký” có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyên, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mùng Một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó có tục lệ kiêng không hốt rác ngày Tết cũng vì sự tích này.
 
Lê Ngọc Châu

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com