User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
1. Dẫn nhập
 
Văn hoá Việt chịu nhiều ảnh hưởng của Tam Giáo: Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Tinh thần Tam giáo đồng nguyên trở thành môt nét bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt trong nhiều thế kỷ. Và trong mỗi loại văn hoá đó thì luôn có chữ Ngũ. Ví dụ:
 
- trong Phật giáo, có khái niệm Ngũ Uẩn, Ngũ Căn, Ngũ Lực
- trong Nho Giáo, ta có Ngũ Thường với Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín cũng như Ngũ Phúc. Còn Ngũ Kinh có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.
 
- trong Lão giáo, có Ngũ Đại: trời, đất, nước, gió, lửa.
 
- trong âm nhạc, có Ngũ Âm như trong câu Kiều:
 
Cung, thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt, hồ cầm một trương
 
Ngày Tết, thường có mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên.
 
2. Chữ Ngũ trong Phật giáo
 
Trong Phật giáo, có nhiều khái niệm liên quan đến chữ Ngũ:
 
– ngũ uẩn (ngũ: năm; uẩn: tập hợp, nhóm lại) gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức với chi tiết như sau:
 
– sắc uẩn là yếu tố vật chất bao gồm vật lý – sinh lý, có bốn yếu tố vật chất căn bản là Địa (chất rắn), Thủy (chất lỏng), Hỏa (nhiệt độ), Phong (chất khí).
 
Các yếu tố do bốn đại tạo ra thuộc về sinh lý như: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; các đối tượng của giác quan như: hình sắc, âm thanh, mùi vị, vật xúc chạm.
 
– thọ uẩn, nói về tình cảm, cảm giác,
 
– tưởng uẩn, nói về các tri giác,
 
– hành uẩn tức các hành động và trạng thái của tâm
 
– thức uẩn tức các sự biết.
 
Bốn uẩn thọ uẩn, tuởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn họp nhau lại thành phần tinh thần, tức là tâm.
 
– ngũ cái (ngũ: năm, cái: che đậy) là 5 loại tình cảm phiền não che mờ tâm trí, còn gọi là 5 triền cái là tham, giận, buồn ngủ, dục, hôn trầm, hối tiếc, nghi ngờ
 
– ngũ căn (căn: gốc) là 5 yếu tố tâm lý căn bản có khả năng kiểm soát tâm, làm chủ tâm, làm nguồn gốc phát sanh ra tình cảm, hành động. Đó là tín căn (lòng tin, đức tin), tinh tấn căn (sự nỗ lực), niệm căn (sự nhớ nghĩ), định căn (tâm tập trung lại) và huệ căn (sự sáng suốt).
 
– ngũ lực. Khi mà ngũ căn được làm cho sung mãn thì sẽ biến thành ngũ lực, tức là tạo nên 5 sức mạnh, hỗ trợ hữu hiệu cho hành giả thực hành thiền định và thiền tuệ. Đó là: tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực và huệ lực
- ngũ chướng (chướng: trở ngại) nhưng trong kinh sách thường chỉ nói đến tam chướng là: phiền não chướng (nhất là tham, sân, si), nghiệp chướng (trở ngại do nghiệp, tức các hành vi lỗi lầm đã qua, cần sám hối) và sở tri chướng (hiểu biết ôm đồm, tà kiến).
 
ngũ dục là 5 thứ ham muốn như sắc dục (ham về sắc), thanh dục (âm thanh), hương dục (mùi hương), vị dục (thực phẩm), xúc dục (rờ cọ).
 
- ngũ giới: đó là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu
 
- ngũ đại là thủy đại, địa đại, hoả đại, phong đại, không đại , tức liên hệ đến nước, đất, lửa, gió và hư không.
 
– ngũ hương: khi thắp hương lạy Phật, ta nguyện giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương. Ba phần đầu của pháp thân là giới, định, huệ, hai phần sau là về sự giải thoát: giải thoát tâm khỏi các phiền não và giải thoát huệ khỏi các tri kiến sai lầm.
 
3. Chữ Ngũ trong Nho giáo
 
Nho giáo được xem là hệ tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến xã hội Việt và trong Nho giáo cũng có chữ Ngũ:
 
3.1 Ngũ thườngnhân, nghĩa, lễ, trí, tín:
 
– Nhân  tình thương: tình thương giàu sang, nghèo hèn không phân biệt của người quân tử.
 
– Nghĩa là hợp tình hợp lý . Khổng Tử nói: “Cách xử sự của người quân tử, không nhất định là phải như vầy mới được, không nhất định như kia là không được, cứ hợp nghĩa thì làm.”
 
– Lễ  qui tắc, nghi thức, kỷ luật tinh thần.
 
– Trí  sáng suốt. Khổng Tử nói: ”Người có đức nhân vui lòng làm điều nhân, người thông minh sáng suốt biết rằng đức nhân có lợi cho mình và cho người nên làm điều nhân.”
 
– Tín: đáng tin. Khổng Tử nói: Người mà không có tín thì không hiểu sao thành người được (hoặc làm nên việc gì được). Đây là lòng tin tưởng giữa người và người, là giữ trọn lời hứa để tạo lòng tin với nhau; không được bội ước, thất tín. Người mà không có chữ tín này sẽ đánh mất nhân phẩm, tư cách của đạo làm người. Khổng Nho nói: “Nhân vô tín, bất lập“; có nghĩa là người không giữ chữ tín thì không đặt để vào đâu được cả; ý nói là không thể đứng được trong thế gian, không thể làm người được nữa.
 
Tóm lại, theo quan niệm chung của nền minh triết Đông phương thì nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là năm yếu tố, điều kiện để hoàn thiện nhân văn, nhân bản: người không có Nhân thì sẽ thành kẻ độc ác; người không có Nghĩa sẽ thành kẻ bội bạc; người không có Lễ thì sẽ thành kẻ vô phép; người không có Trí thì sẽ thành kẻ ngu ngốc; người không có Tín thì sẽ thành kẻ giả dối.
 
3.2 Ngũ phúc. Ngũ phúc gồm có: thọ (sống lâu), phú (giàu có, địa vị tôn quý), khang ninh (thân an và tâm an), hiếu đức (lương thiện, nhân hậu) và cuối cùng là thiện chung (khi lìa cuộc đời không đau đớn, không vương vấn).
 
3.3 Ngũ hành. Đó là 5 yếu tố cơ bản trong vũ trụ: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ; 5 yếu tố này có nhiều mối tương quan hay tương khắc nhau. Quy luật tương sinh, tương khắc là sự chuyển hóa qua lại giữa Trời và Đất để tạo nên sự sống của vạn vật: Có thể nói rằng, tương sinh và tương khắc là hai quy luật luôn tôn tại song hành với nhau, có tác dụng duy trì sự cân bằng trong vũ trụ. Nếu chỉ có sinh mà không có khắc thì sự phát triển cực độ sẽ gây ra nhiều tác hại. Ngược lại nếu chỉ có khắc mà không có sinh thì vạn vật sẽ không thể nảy nở, phát triển. Do đó, sinh khắc tạo ra quy luật chế hóa không thể tách rời.
 
3.3.1 Tương sinh nghĩa là cùng thúc đẩy, hỗ trợ nhau để sinh trưởng, phát triển. Đó là quy luật phát triển của ngũ hành, tuy nhiên sinh nhiều quá đôi khi trở thành tai hại. Cũng giống như cây củi khô là nguyên liệu đốt để tạo ra lửa, thế nhưng nếu quá nhiều cây khô sẽ tạo nên một đám cháy lớn, gây nguy hại đến tài sản và tính mạng của con người. Đó là nguyên do tồn tại quy luật phản sinh trong ngũ hành:
 
- Kim hình thành trong Thổ, nhưng Thổ quá nhiều sẽ khiến Kim bị vùi lấp.
 
 - Hỏa tạo thành Thổ nhưng Hỏa quá nhiều thì Thổ cũng bị cháy thành than.
 
 - Mộc sinh Hỏa nhưng Mộc nhiều thì Hỏa sẽ gây hại.
- Thủy cung cấp dinh dưỡng để Mộc sinh trưởng, phát triển nhưng Thủy quá nhiều thì Mộc bị cuốn trôi.
 
- Kim sinh Thủy nhưng Kim nhiều thì Thủy bị đục.
 
Trong tương sinh luôn có mầm mống của tương khắc, và trong tương khắc luôn tồn tại tương sinh
 
3.3.2 Tương khắc là sự áp chế, sát phạt cản trở sinh trưởng, phát triển của nhau.
 
Tương khắc có tác dụng duy trì sự cân bằng nhưng nếu thái quá sẽ khiến vạn vật bị suy vong, hủy diệt. Vài ví dụ:
 
Thủy khắc Hỏa: Nước sẽ dập tắt lửa
 
 Hỏa khắc Kim: Lửa mạnh sẽ nung chảy kim loại
 
 Kim khắc Mộc: Kim loại được rèn thành dao, kéo để chặt đổ cây.
 
 Mộc khắc Thổ: Cây hút hết chất dinh dưỡng khiến đất trở nên khô cằn.
 
 Thổ khắc Thủy: Đất hút nước, có thể ngăn chặn được dòng chảy của nước.
Giản đồ sau đây trình bày các mối tương sinh và tương khắc.
 
chungu
4. Ngũ cung
 
Truyện Kiều có câu: 
 
Âm thương lầu bậc ngũ cung
Nghề riêng ăn đứt, hồ cầm một trương
 
5. Ngũ quả
 
Ngày Tết trên bàn thờ tổ tiên thường có mâm ngũ quả gồm 5 trái cây với sắc màu khác nhau, thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng.
 
6. Ngũ vị hương là một loại gia vị dùng trong ẩm thực của người Trung Hoa hay Việt Nam. Nó bao gồm năm loại vị cơ bản trong ẩm thực là: mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Thành phần của ngũ vị hương không giống nhau trong từng loại công thức pha chế. Nó có thể bao gồm bột của các loại thực vật sau:
  • Sơn tiêu (hay hoa tiêu hoặc xuyên tiêu, thuộc chi Zanthoxylum), (peppercorns)
  • Nhục quế (Cinnamomum aromaticum), hoặc quế
  • Đại hồi (Illicium verum), (star anises)
  • Đinh hương (Syzygium aromaticum), (cloves)
  • Tiểu hồi hương (Pimpinella anisum), ( fennel seed)
Thái Công Tụng
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com