
Muốn tìm hiểu văn hóa một dân tộc hay một cộng đồng ở một miền nào, hãy khảo sát nền văn chương truyền khẩu của họ. Loại thi ca này phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, phong thái, nếp sống của hầu hết cư dân trong vùng. Đó là tiếng nói chung, tiếng nói chân thành nhất của mọi người cùng sống trong một hoàn cảnh và sinh hoạt xã hội.
Với Bình Định, Thi ca bình dân, có đủ các thể loại như: Ca dao, Tục ngữ, Câu đố, Câu thai, Vè, Hát ru, Hát đối đáp, Hò, Lý, Sắc bùa; đóng góp đáng kể trong nền Văn học dân gian Việt Nam.
Với Bình Định, Thi ca bình dân, có đủ các thể loại như: Ca dao, Tục ngữ, Câu đố, Câu thai, Vè, Hát ru, Hát đối đáp, Hò, Lý, Sắc bùa; đóng góp đáng kể trong nền Văn học dân gian Việt Nam.
Thế nhưng, trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi chỉ đề cập đến Ca dao, là phần thứ nhất trong 10 thể loại của dân ca của tỉnh nhà.
I - Nhận Diện Ca Dao Bình Định
Ca dao là thơ của quần chúng dưới hình thức câu hát nhưng không theo nhịp điệu nhất định, không biết tác giả là ai, và được phổ biến qua sự truyền miệng. Thể loại này chiếm phần lớn trong kho tàng dân ca Bình Định, hầu hết là thể thơ lục bát. Để được xác nhận là ca dao của Bình Định, phải có một trong 5 điều kiện: địa danh, thổ ngữ, thổ âm, sự tích và sự kiện, phổ quát và truyền thống.
1 - Địa danh:
Bình Định có nhiều ca dao gắn liền với địa danh trong tỉnh, chẳng hạn như:
- 01/ Nước sông Côn chảy về Đông Lạc,
Chảy sang Thiên Hạt, chảy xuống Thạch Đề [1].
Ai về nhắn với Bình Khê,
Sao không giữ nước cho về Văn Phong [2].
Chảy sang Thiên Hạt, chảy xuống Thạch Đề [1].
Ai về nhắn với Bình Khê,
Sao không giữ nước cho về Văn Phong [2].
Các địa danh trên thuộc huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), xem thêm ở ghi chú số 1 và 2.
2 - Thổ ngữ:
Cũng như các tỉnh khác, Bình Định có nhiều thổ ngữ, cấu tạo bởi hai yếu tố: biến thể hoặc biến nghĩa.
a/ Biến thể từ một tiếng đã có sẵn, nhưng vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa:
- 02/ Ai dìa ai ở mặc ai,
Áo già ở lại ảnh mơi mới dìa.
“Dìa” là thổ ngữ của Bình Định, biến thể từ tiếng (đi) “về”; và “ảnh mơi” cũng là thổ ngữ, chuyển hóa từ tiếng “sáng mai.” Mặc dù biến đổi từ ngữ, nhưng cả hai vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa.
b/ Biến nghĩa, tức từ ngữ không biến đổi, nhưng hiểu theo một nghĩa khác với nghĩa chữ ban đầu:
- 03/ Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch, trang 191, đề cập đến việc Ký lục Chính dinh Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ ở xứ Quảng Nam, vào tháng Tư năm Bính Ngọ (1726), có định rõ chức lệ cho các thuộc (là đơn vị hành chánh tương đương với tổng). Sách đã dẫn: “Mỗi thuộc đều lấy những thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ họp lại (nậu nghĩa là làm cỏ ruộng, tục gọi đám đông người là nậu, ý là hợp nhiều người để làm ruộng).”
Theo nghĩa trên đây, tiếng “nậu” chỉ dùng để gọi những người cùng làm ruộng. Nhưng ở Bình Bịnh, đại danh từ “nậu” được dùng rộng rãi: gọi những người cùng giới, cùng nghề nghiệp, cùng chỗ ở, cùng sinh hoạt, hay cùng hoàn cảnh. Vậy “nậu” luôn luôn ở ngôi thứ ba số nhiều, và phải đi kèm với một danh từ theo sau nó mới đủ nghĩa. Chẳng hạn như: “nậu nguồn” là tiếng gọi chung những người ở miền thượng du, “nậu hạ bạn” chỉ chung cho dân sống ở vùng cửa sông đổ ra biển, “nậu rổi” (phát âm sai thành “nậu rẩu”) là những người đàn bà chuyên bán cá ở các chợ, “nậu hàng xén” là giới bán hàng tạp hóa ở vỉa hè hay ở chợ, “nậu bạn hát” chỉ chung cho nam nữ diễn viên chuyên nghề Hát bội.
c/ Trường hợp ngoại lệ, vừa biến thể vừa biến nghĩa:
Tiếng “nẫu” là hiện tượng vừa biến thể (biến đổi thanh điệu) chuyển từ dấu nặng sang dấu ngã, nhưng vẫn giữ âm trầm. Vừa lại biến nghĩa, dù tiếng “nẫu” vẫn còn là đại danh từ, nhưng ý nghĩa của nó rộng rãi hơn tiếng “nậu,” và không cần một danh từ đi kèm. “Nẫu” được dùng ở ngôi thứ ba, số ít (nó, anh ấy, người ấy), cả số nhiều (chúng nó, họ, người ta). Tiếng “nẫu” còn thấy ở ngôi thứ nhất (tôi, tao), và ngôi thứ hai (mầy, anh, em) nhưng dùng hạn chế.
* Tiếng “nẫu” ở ngôi thứ ba số ít, trong ca dao Bình Định có nhiều, chẳng hạn như:
- 04/ Thương chi cho uổng công tình,
Nẫu dìa xứ nẫu, nẫu bỏ mình bơ vơ.
Nẫu dìa xứ nẫu, nẫu bỏ mình bơ vơ.
* Tiếng “nẫu” được dùng ở ngôi thứ ba số nhiều, trong Bài chòi Bình Định, câu thai Ngũ trợt có đoạn:
- 05/ Ngó ra ngoài chợ,
Nẫu bán trạnh cày.
Roi mây lưỡi cuốc,
Nẫu bày nghinh ngang...
* Ở ngôi thứ hai số ít, tiếng nẫu được dùng với bạn thân, người yêu, có thể nói: “Nẫu đi đâu giậy (vậy)?” với giọng hạ thấp để biểu lộ sự thân mật, trìu mến.
Trong ca dao Bình Định cũng có câu:
- 06/ Nẫu về Bình Định chi lâu,
Bỏ tui ở lại hái dâu một mình.
* Đôi lúc còn thấy tiếng nẫu ở ngôi thứ nhất, khi bày tỏ giọng điệu nũng nịu, yêu đương. Thí dụ:
Chồng hỏi: “Nẫu đi ngủ chưa?” (ngôi thứ hai)
Vợ đáp: “Nẫu hổng đi ngủ!” (ngôi thứ nhứt)
* Cũng trong ngôi thứ nhất, có khi dùng “nẫu” để đáp lại với thái độ hờn lẫy, nhẹ nhàng: “Nẫu làm gì thây kệ nẫu, hỏi chi hé!”; nếu muốn xẵng hơn một chút, thì đáp gọn: “Kệ nẫu.”
Nậu và nẫu là thổ ngữ đặc biệt nhất của xứ Bình Định, vì vậy người ở các tỉnh khác gọi đùa người Bình Định là “dân nẫu.”
3 - Thổ âm:
- 07/ Đừng chê nậu rẩu (rổi) tanh hôi,
Có nhờ nậu rẩu mới rầu (rồi) bữa côm (cơm)
Vần ÔI người Bình Định phát âm thành ÂU, vần ƠM phát âm thành ÔM:
Các tiếng như “Cầu Đôi, thôi rồi, con đồi mồi...; ăn cơm, sáng sớm...” phát âm thành “Cầu Đâu, thâu rầu, con đầu mầu...; ăn côm, sáng sốm...”
- 08/ Cầu Đâu (Đôi) mà tháp cũng đâu (đôi),
Dễ chi nhân nghĩa mà rời được sao.
4 - Sự tích, sự kiện:
- 09/ Gió đưa mười sáu lá xoài,
Có chồng Bình Định cho dài đường đi.
Năm 1786, Nguyễn Huệ lấy được Thuận Hóa rồi, định giữ địa giới cũ Xứ Đàng Trong. Nguyễn Hữu Chỉnh bàn nên đem quân ra Bắc với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh.” Quân Tây Sơn bèn vượt sông Gianh tiến ra vùng Thanh Nghệ như vào chỗ không người. Các trấn tướng như Bùi Thế Toại, Tạ Danh Thùy bỏ cả binh sĩ chạy thoát thân. Nguyễn Huệ tiến quân ra Thăng Long dễ như trở bàn tay.
Ngày rằm tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), Lê Hiển Tông lập đại trào ở điện Kính Thiên [3], Nguyễn Huệ đem tướng vào lạy và dâng sổ quân dân. Vua phong Nguyễn Huệ chức Nguyên soái Uy Quốc Công, và gả công chúa thứ 21 là Lê Ngọc Hân (黎 玉 忻), mới 16 tuổi [4]. Đêm 17 tháng 8, lúc canh ba, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ rút toàn bộ thủy, lục quân về Nam. Phận gái, “xuất giá tòng phu,” đường về quê chồng xa vời vợi, Công chúa Ngọc Hân với bao nỗi niềm nhớ nhung xao xuyến:
Ngựa thồ thay mối xích thằng,
Ông Tơ bà Nguyệt dẫu giằng chẳng ra.
Một ngày một vắng quê nhà,
Sáng từng từng nhớ, tối tà tà trông.
(Ca dao hóa thơ Nguyễn Thời Thấu)
- 10/ Gió nồm thổi rộ tháng Ba
Giặc Mùa trong ấy kéo ra hãi hùng
Giặc Mùa trong ấy kéo ra hãi hùng
Từ năm Nhâm Tý (1792), cứ đến tháng 3, gió mùa Tây Nam thổi mạnh, Nguyễn Ánh, từ Gia Định đem binh thuyền ra đánh Qui Nhơn, dân trong vùng quen gọi là “Giặc Mùa.” Đầm Thị Nại [5] đã xảy ra 6 lần thủy chiến tàn khốc, giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh, trong những năm Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Ất Mão (1795), Kỷ Mùi (1799), Canh Thân (1800) và Tân Dậu (1801), còn để lại dấu ấn trong ca dao.
5 - Phổ quát và truyền thống:
Cũng có những câu ca dao không rõ nguồn gốc nhưng vẫn được thừa nhận là của Bình Định, vì đã phổ biến tại tỉnh nhà từ rất xa xưa.
- 11/ Trời mưa ướt ngọn dầu lai [6]
Con hư tại mẹ chứa trai trong nhà.
Con hư tại mẹ chứa trai trong nhà.
II - Phân Loại Ca Dao Qua Nội Dung
Xét về nội dung, ca dao Bình Định rất phong phú, gồm: Lịch sử, Địa lý, Địa hình, Phong thủy, Cảnh vật, Thời sự, Xã hội, Nhân vật, Tôn giáo, Phong tục, Ẩm thực, Lễ hội, Võ nghệ, Khoa cử, Công trình kiến trúc, Trang trí nội thất, Tướng số, Tâm linh, Tập tục kiêng cữ, Trữ tình, Tình yêu đôi lứa, Tâm lý, Trào phúng, Chống xâm lăng, Chiến sự, Đối kháng thời thế, Sinh hoạt nghề nghiệp, Làng nghề truyền thống, Kinh nghiệm trong đời sống, Hát xướng, Hát vui chơi, và Đồng dao.
01 - Lịch sử:
Với Bình Định, ca dao lịch sử phản ánh cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn nhiều đến nỗi có thể kết thành quyển sử viết bằng ca dao về triều đại này. Trong phạm vi đề tài này, chỉ nêu vài câu ca dao tiêu biểu:
a/ Lịch sử gắn liền với địa danh:
- 12/ An Khê nổi tiếng Hòn Bình,
Ngày xưa Nguyễn Huệ ẩn binh chốn này.
Theo Nhà Tây Sơn của Quách Tấn và Quách Giao, trong giai đoạn chuẩn bị khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc và Bộ Tham mưu đóng ở ngọn núi phía Nam, Nguyễn Huệ và Ban Quân sự đóng ở ngọn núi phía Bắc. Hai núi này cao và rậm, nằm phía Đông đèo An Khê, địa đầu Tây Sơn Trung, giáp Tây Sơn Thượng; nay thuộc xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn. Các địa danh “núi Ông Nhược” (chữ “Nhạc” nói trại), “núi Ông Bình,” gọi tắt là “Hòn Bình” có từ đấy và đi vào lịch sử.
- 13/ Cánh đồng Cô Hầu
Đàn trâu ông Nhạc
Ngựa lạc vang rừng
Voi dừng Tượng Đẫm.
Đàn trâu ông Nhạc
Ngựa lạc vang rừng
Voi dừng Tượng Đẫm.
Lập kế hoạch nuôi quân, Nguyễn Nhạc cho phá rừng Mộ Điểu ở Tây Sơn Thượng (nay thuộc huyện K’ Bang và thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) thành đồng lúa màu mỡ, rộng hàng ngàn mẫu, giao cho người vợ thứ tên là Ya Đố, người làng Cổ Yêm [7], con của vị đầu mục người Ba Na, cai quản, quen gọi là “Đồng Cô Hầu.”
b/ Lịch sử gắn liền với sự tích:
- 14/ Ấn vàng kiếm bạc
Nguyễn Nhạc trời trao
Mũ áo đại trào
Ai vô rừng cấm
Thấy tấm biển đề:
“Nguyễn Huệ vi tướng
Nguyễn Nhạc vi vương”
Đồn đại bốn phương
Tây Sơn dấy nghĩa.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã đến, cần thêm sức mạnh tâm lý để củng cố nhân tâm. Tương truyền Nguyễn Nhạc được Ngọc Hoàng ban chiếu phong vương ở hòn Trưng Sơn, còn gọi là hòn Bút (cao 422 mét, nay thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn). Một hôm, trên đường từ đèo An Khê về Kiên Mỹ (thuộc xã Bình Thành), Nguyễn Nhạc tình cờ thấy kiếm báu ở núi Ngang tức Hoành Sơn, xã Bình Tường; rồi lại được ấn vàng ở hòn Giải, còn gọi là hòn Ấn (núi nhỏ nằm trước mặt và phía Đông Bắc núi Ngang).
c/ Lịch sử kết hợp với sự kiện:
- 15/ Cây Ké phất cờ
Cây Cầy gióng trống
Tiền hô hậu ủng
Đất thủng đá nhào
Quân khao Hóc Yến
Thẳng tiến Lãnh Lương
Đầy đường bụi cuốn
Ruổi xuống Hòn Ngang
Vượt sông Đá Hàng
Đồ Bàn náo động [8].
Cây Cầy gióng trống
Tiền hô hậu ủng
Đất thủng đá nhào
Quân khao Hóc Yến
Thẳng tiến Lãnh Lương
Đầy đường bụi cuốn
Ruổi xuống Hòn Ngang
Vượt sông Đá Hàng
Đồ Bàn náo động [8].
Rằm tháng Tám năm Quý Tỵ (tháng 9 - 1773), Nguyễn Nhạc làm lễ xuất quân, lập đàn tế cáo trời đất giữa đèo An Khê, nơi ngoẹo Cây Khế có trảng đất rộng rợp bóng mát của hai cổ thụ, tục gọi là cây Ké và cây Cầy. Nguyễn Nhạc cho quân trực chỉ hướng Đông, dừng chân nghỉ đêm ở thung lũng chân núi Bà Phù, mở tiệc khao quân và đãi yến các tướng lãnh. Nhân đấy, Nguyễn Nhạc cải danh núi Bà Phù là Tâm Phúc, đến nay người địa phương vẫn quen gọi thung lũng này là Hóc Yến.
d/ Lịch sử gắn liền với nhân vật:
- 16/ Chợ Gò Phong Thạnh Mỹ Cao,
Gần sông gần núi biết bao nhiêu tình.
Nhớ quan Thiếu Phó quang minh,
Nhớ quan Đô Đốc trung trinh trọn đời.
Năm Kỷ Tỵ (1799), Nguyễn Ánh lấy thành Qui Nhơn, cải danh là thành Bình Định. Năm sau, tướng Tây Sơn là Thiếu phó Trần Quang Diệu vây chặt thành Bình Định và Đô đốc Võ Văn Dũng nắm thủy quân, giữ cửa Thị Nại. Để quân lính đỡ nhớ nhà, ngày Mồng 1 và Mồng 2 Tết, tướng Diệu và tướng Dũng dùng bãi đất rộng sát núi Trường Úc (tên chữ là Hàm Long) và sông Tọc, thuộc thôn Phong Thạnh (nay thuộc thị trấn Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cho vợ con binh sĩ đến thăm, có tổ chức trò chơi vui xuân và nhóm chợ. Truyền thống Chợ Gò, nay vẫn còn và có tên là Hội Tết Chợ Gò.
02 - Địa lý:
- 17/ Vững vàng tháp cổ ai xây
Bên kia Thủ Thiện, bên nầy Dương Long.
Từ đầm Thị Nại, ngược dòng Sông Côn đi về hướng Tây, tới địa đầu huyện Tây Sơn (Bình Khê cũ), chúng ta sẽ thấy ngọn tháp Thủ Thiện nằm cách Nam ngạn sông Côn chừng 1 km, nay thuộc thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi. Và nhìn sang Bắc ngạn, xa xa chừng 3 km, thấy khu tháp Dương Long, nằm giữa hai thôn Vân Tường, xã Bình Hòa và thôn An Chánh, xã Tây Bình, đều thuộc huyện Tây Sơn. Chùm tháp Dương Long [9] vươn cao lên nền trời xanh, như ba búp măng khổng lồ, bền vững với thời gian.
- 18/ Bên kia sông, quê anh An Thái
Bên này sông, quê gái An Vinh
Thương nhau chung dạ chung tình
Cầu xin cha mẹ cho chúng mình lấy nhau.
Thôn An Thái thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn [10]; còn thôn An Vinh thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn. Hai thôn cách nhau bởi dòng sông Côn, An Thái ở Nam ngạn, An Vinh phía Bắc ngạn.
03 - Địa hình:
- 19/ Ba dòng sông chảy, ba dãy non cao
Biển Đông sóng vỗ dạt dào
Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh.
Ca dao Bình Định có câu “Ba dòng sông chảy” là muốn nói đến các dòng sông mang tính lịch sử từ thời thành lập phủ Hoài Nhơn vào năm 1471. Phủ này coi 3 huyện: Phía Bắc là huyện Bồng Sơn, có sông Lại; phía Nam là huyện Tuy Viễn, tiêu biểu có sông Côn; và huyện Phù Ly nằm giữa ôm trọn dòng chảy sông La Tinh từ thượng nguồn đến hạ lưu.
Tương ứng với ba dòng sông, Bình Định cũng có “Ba dãy non cao.” Bắc Bình Định có dãy An Lão, hệ sơn trùng điệp, với núi Teup nằm ở phía Nam xã An Vinh (huyện An Lão) cao 979 m. Và dãy Kim Sơn ở huyện Hoài Ân cũng rừng núi trùng điệp, có núi Cà Lang cao 589 m.
Ở Nam Bình Định có dãy Nam San trải khắp huyện Vân Canh, với Núi Bà cao 1.122m, nằm giữa xã Canh Hiệp và Canh Thuận. Khoảng giữa Bình Định là dãy Vĩnh Thạnh, có ngọn Kon Wir Klang cao 840 m. Dãy Vĩnh Thạnh theo hướng Đông Nam đến huyện Phù Cát, rồi sơn mạch chạy ngầm dưới đồng bằng, qua khỏi chợ Gồm (thôn Vĩnh Tường, xã Cát Hanh) núi bỗng vụt dậy, tạo thành quần sơn trải rộng, và tiến dần về Đông cho tới sát biển. Trong vùng Bình Khê còn có dãy Tây Sơn với núi Hòn Nóc, đỉnh cao 913 m.
- 20/ Muốn về Hòa Đại, Hiệp Long,
Sợ khe Nước Nóng, sợ truông Ba Gò.
Sợ khe Nước Nóng, sợ truông Ba Gò.
Thôn Hòa Đại (和 大) và thôn Hiệp Long (合 隆), thời Minh Mạng thuộc tổng Trung Định, huyện Phù Cát, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Bịa bạ lập năm 1839); thời Đồng Khánh (1886 - 1888) hai địa danh này thuộc tổng Thạch Bàn, huyện Phù Cát, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Đồng Khánh Địa Dư Chí).
Hòa Đại và Hiệp Long đều nằm về phía cực Tây của huyện Phù Cát, ai muốn đến hai thôn này phải qua khe Nước Nóng ở thôn Hội Vân (nhiệt độ nước có thể luộc chín rau), và truông Ba Gò ngày xưa là một bãi rộng hằng trăm mẫu, ít cỏ cây, rất vắng vẻ và hoang vu, thường bị nạn cướp. Hiện nay (2020), thôn Hòa Đại thuộc xã Cát Hiệp, thôn Hiệp Long thuộc xã Cát Lâm, đều thuộc huyện Phù Cát.
04 - Phong thủy:
- 21/ Ngó ra Đá Dựng ai trồng
Gò Son ai tạc, Mũi Rồng ai xây.
Hòn Quy, Hòn Phụng thì đây,
Tứ linh còn đó, chốn này là ai.
Từ Núi Bà (cao 544 m, thuộc xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) dọc theo đường chim bay về hướng chính Bắc chừng 25 km, có hòn núi nhỏ tên là núi Kỳ Lân (tức Gò Son), bên cạnh là núi Mũi Rồng (người Pháp cũng gọi Point de Dragon) thuộc thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Cả hai núi này nhô ra sát biển. Cách núi Mũi Rồng 1 km về phía Đông, có đảo nhỏ, gọi là Hòn Quy (tức Hòn Tranh) và Hòn Phụng. Trên bản đồ tỉnh Bình Định thời Pháp thuộc, cũng ghi tên hai đảo nhỏ này là: “Ile de Tortue” (Đảo Rùa) và “Ile de Phénix” (Đảo Phượng).
Theo các nhà Phong thủy, thế đất tứ linh là có đủ Long, Lân, Quy, Phụng. Được gọi là địa linh, ắt sanh nhân kiệt, nên mới có câu ca dao trên truyền tụng.
05 - Cảnh vật:
- 22/ Bình Định có núi Vọng Phu*
Có đầm Thị Nại*, có cù lao Xanh*,
Có Cân*, có Cỏ*, có Gành*,
Có non, có nước, có mình, có ta.
Đề Gi có núi Lan Sơn*,
Có đầm Đạm Thủy* nước rờn rờn xanh.
Bình Định là miền đất duyên hải, kết thành chuỗi đồng bằng đan xen núi đồi, nên có nhiều phong cảnh đẹp: Hòn Vọng Phu thuộc núi Bà ở Phù Cát (khác với núi Bà ở Vân Canh). Đầm Thị Nại, cù lao Xanh, hòn Cân, hòn Cỏ và Gành Ráng thuộc Qui Nhơn. Núi Lan Sơn thường gọi là núi Cửa, ở Phù Cát. Đầm Đạm Thủy có tên Nôm là đầm Nước Ngọt (thực sự là nước lợ), phía Đông thuộc huyện Phù Mỹ, phía Tây và Nam thuộc huyện Phù Cát.
- 23/ Hầm Hô nước chảy trong xanh,
Dưới sông cá lội, trên cành chim reo.
Hầm Hô, một thắng cảnh hùng vĩ của tỉnh Bình Định, thuộc địa phận thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Bình Khê; nay thuộc thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, và cách thành phố Qui Nhơn chừng 50 km về phía Tây Bắc. Nơi đây là chỗ hợp lưu của nhánh sông Đồng Hươu và sông Cát, nhưng dòng chảy bị dãy đá cao lớn chắn ngang, bít kín như một con đập thiên nhiên, làm mực nước sông dâng cao, so với phía hạ lưu. Khiến dòng chảy phải luồn qua một đường ngầm dưới chân con đập để đổ nước vào một hầm đá có bề rộng khoảng 30 m, dài chừng 3 cây số, với vô số những tảng đá lớn dựng đứng, rồi dòng nước tiếp tục chảy qua để nhập vào sông Phú Phong. Nơi con sông phải chui qua đường hầm, là một cái miệng khổng lồ ngày đêm uống nước cả dòng sông, và phát ra âm thanh vang dội cả núi rừng, người ta gọi là “Miệng Hầm Hô,
hay Thác Cá Bay.”
hay Thác Cá Bay.”
06 - Thời sự:
- 24/ Anh về dưới Giã chiều hôm
Gánh phân đổ ruộng gió nồm bay lên [11].
Tiếng đồn “Tây Sơn dấy nghĩa” lan rộng khắp vùng, Trương Phúc Loan cử Nguyễn Khắc Tuyên, viên quan văn võ song toàn vào trấn thủ Qui Nhơn. Nguyễn Nhạc cho thám tử về miền duyên hải theo dõi tình hình. Một mật lệnh từ An Khê nhắn xuống Thị Nại. Thám tử vội lên báo cho Tây Sơn biết: “Quan Trấn Thủ được tăng viện, chuẩn bị tấn công An Khê.” Nguyễn Nhạc liền ban lệnh xuất quân, không để cho Nguyễn Khắc Tuyên ra tay trước.
- 25/ Cây Ké phất cờ
Cây Cầy gióng trống
Hòn Chiêng vang động
Hòn Trống đổ hồi
Lên ngôi Vương soái.
Cây Cầy gióng trống
Hòn Chiêng vang động
Hòn Trống đổ hồi
Lên ngôi Vương soái.
Hòn Một tức hòn Trống, hòn Dãi tức hòn Chiêng, là hai núi nhỏ ở xã Bình Tường. Tương truyền thời Tây Sơn treo trống, chiêng ở hai núi này để truyền hiệu lệnh, âm thanh vang xa.
07 - Xã hội:
- 26/ Có chồng ông nọ bà kia,
Không chồng như thúng, như nia bung vành.
Thúng đan bằng tre, miệng tròn và có chiều sâu, dùng để chứa nông sản; nia cũng đan bằng tre, miệng trẹt, rộng vành nhưng nhỏ hơn cái nong, dùng để gạn sảy lúa gạo. Thúng và nia nếu bị bung vành thì không còn sử dụng được.
- 27/ Ba năm quân cấp* một lần,
Ruộng xa mình bắt, ruộng gần về ai?
Ruộng gần thì có Thầy cai*,
Ruộng nhất Ông lý*, ruộng hai Ông trùm*.
Công điền sao vội đổ phân,
Làng chưa quân cấp biết phần về ai!
Ruộng xa mình bắt, ruộng gần về ai?
Ruộng gần thì có Thầy cai*,
Ruộng nhất Ông lý*, ruộng hai Ông trùm*.
Công điền sao vội đổ phân,
Làng chưa quân cấp biết phần về ai!
*Xã hội Việt Nam trong thời Quân chủ, làng nào cũng có một số ruộng công, trên nguyên tắc lấy tổng số diện tích công điền chia đều cho số dân đinh trong làng (nam giới từ 18 tuổi trở lên), gọi là “quân cấp” (均 給). Tuy diện tích thì chia đều, nhưng lại có ruộng tốt xấu không đều, lệ làng ưu tiên các hương chức được chọn phần trước, đầu tiên là “Thầy cai” người đứng đầu trong chính quyền tổng; rồi đến “Ông lý” thường gọi là Lý trưởng, người đứng đầu trong một thôn; tiếp theo là “Ông trùm” người giàu sang, có địa vị và có thế lực trong làng. Mục đích chế độ Quân cấp là để mọi người trong làng đều có ruộng cày, sau ba năm canh tác, công điền được thu hồi, để tổ chức lại Quân cấp.
08 - Nhân vật:
- 28/ Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm.
Ba năm quan Hậu thủ thiềng
Thành cô lửa dậy tôi hiền gởi thân.
Năm Kỷ Tỵ (1799), Nguyễn Ánh chiếm được thành Qui Nhơn (tức Đồ Bàn cũ), cải danh là thành Bình Định. Giao việc giữ thành cho Chưởng Hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu. Tháng Giêng năm Canh Thân (1800), Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vây thành Bình Định. Đến năm Tân Dậu (1801), trong thành hết cả lương thực, quân Gia Định sắp chết đói, quan trấn thủ Võ Tánh tự đốt mình ở lầu Bát giác, quan Hiệp trấn Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Tấm lòng trung kiên ấy, bia miệng ngàn đời khắc ghi.
09 - Tôn giáo:
- 29/ Thứ nhứt là tu tại gia,
Thứ hai tại chợ, thứ ba tại chùa.
Tu tại nhà là khó nhất vì phải lo cho người thân, làm sao dứt bỏ được để tĩnh tâm tu hành. Tu tại chợ cũng khó, vì chốn phồn hoa náo nhiệt, lòng ham muốn, sân si dễ dàng trổi dậy. Chỉ có tu tại chùa là dễ hơn cả, sống trong môi trường tĩnh lặng, đêm ngày hòa mình với lời kinh tiếng kệ, tâm hồn thoát tục.
10 - Phong tục:
- 30/ Em về Đập Đá quê cha,
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chàng.
Ba địa danh trên không vượt ngoài phạm vi của thị xã An Nhơn ngày nay. Thế hệ 1, cha ở Đập Đá ra Gò Găng, không đầy 5 cây số về phía Bắc, để cưới vợ. Thế hệ 2, con gái lớn lên gả chồng ở Phú Đa, cách Đập Đá khoảng 5 cây số về hướng Đông Nam. Người ta thường nói “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy” nên việc cưới gả, quen lệ quanh quẩn trong vùng.
- 31/ Rượu Phù Ly chân anh quỳ, tay anh rót,
Phụ mẫu uống rồi, em dời gót theo anh.
Phụ mẫu uống rồi, em dời gót theo anh.
Theo Địa Bạ Triều Nguyễn, lập năm 1815, huyện Phù Ly có 3 tổng: Thượng, Trung, Hạ, bao gồm 237 ấp. Năm 1832, huyện Phù Ly giải thể, chia thành 2 huyện là Phù Mỹ và Phù Cát, trực thuộc phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Lễ Vu quy, chàng rể phải quỳ dâng rượu cho nhạc phụ và nhạc mẫu để tạ ơn, rồi mới rước dâu về nhà mình.
11 - Ẩm thực:
- 32/ Ới bà con, cô bác
Hãy nghe đây của lạ vật ngon...
Này mỹ vị yến sào Tuy Phước,
Bún song thần An Thái cao lương,
Dày cơm nước ngọt tựa đường
Dừa xiêm khắp tỉnh phải nhường Tam Quan.
Trái ngọt thanh, Đại Ân xoài ngự
Cá thịt thơm, Kẻ Thử Vũng Nồm
Đề Gi món gỏi cá cơm,
Vừa ăn vừa thưởng gió Nam hẳn ghiền.
Lẩu sanh cầm Bàu Sen* thành cũ,
Lươn ngả tư (?) um với măng vôi,
Thú rừng ngon thịt hai nơi
Núi Bà thứ nhứt, nhì thời Đầm Voi.
Nước mắm nhỉ Gò Bồi tuyệt hảo,
Mật ong rừng An Lão sơn trân,
Của ngon vật lạ tuyệt trần,
Chẳng sao kể hết đâu chỉ có ngần ấy thôi.
Di tích Bàu Sen thuộc thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn. Bàu Sen là một hồ rộng và sâu, hình dạng như chiếc yên ngựa, ở ngay trước cửa Tân Khai, phía Nam của thành. Tương truyền, khi Nguyễn Nhạc cho xây thành Hoàng Đế, đã đào đất nơi đây để đắp lũy.
12 - Lễ hội:
- 33/ Rủ nhau đi Hội Đổ Giàn,
Ngày Rằm tháng Bảy đò ngang chật đò.
Trắng phau đôi cánh con cò,
Hội Giàn vui lắm trễ đò uổng công.
Hằng năm, cứ đến cuối tháng sáu âm lịch, hội từ thiện địa phương đã chuẩn bị xong cuộc làm chay đổ giàn. Tại Chùa Bà Hỏa [12] ở An Thái, giữa sân rộng, người ta dựng một giàn cao chắc chắn, lót ván, mỗi bề 12 thước, có thể chứa được nhiều người và có mái che mưa nắng. Trên giàn, lễ vật bày la liệt, nào hoa quả, bánh trái, nhang đèn,... Ngoài ra, đồ mã là nhiều nhất, chất đống cao như núi.
Từ sáng Mồng Một đến hết ngày Rằm tháng 7 âm lịch, các nhà sư nổi tiếng trong vùng thay phiên nhau lên đàn tụng kinh lễ Phật. Suốt đêm, đèn đuốc trên giàn sáng rực, tiếng mõ cầu kinh không lúc nào dứt, tiếng đại hồng chung sớm chiều lanh lảnh vang xa. Mờ sáng ngày 16 tháng 7, xong lễ cầu siêu, chấm dứt việc cúng chay, đến lượt các pháp sư lên đàn ngã mặn. Mười hai thớt heo còn nguyên con, một nửa đã quay, một nửa còn thịt sống, được sắp trên giàn cùng các thứ bánh mặn, chay lẫn lộn. Trên giàn, ngoài việc chủ tế do các pháp sư đảm trách, còn có các bô lão trong vùng mặc áo thụng xanh, đứng hầu đám cúng suốt ngày hôm đó.
Xong các thủ tục lễ bái, đến 9 giờ tối đêm 16, người ta đốt đồ mã, ngọn lửa cao sáng rực một vùng và kéo dài cả tiếng đồng hồ. Lễ đốt đồ mã vừa chấm dứt, đến lễ Đổ Giàn. Sau câu thần chú và bắt ấn của vị pháp sư, người ta xô từ giàn chẩn tế xuống đất 12 con heo và tất cả bánh trái, hoa quả, gạo thóc, tiền bạc... Dân chúng tranh nhau lượm lễ vật. Dù được một túi gạo, một gói muối, một đòn bánh tét, một cái bánh ít hay chỉ được một trái chuối, một trái nhãn... cũng mừng, vì đó là lộc của nhà chùa, sẽ đem lại vận may suốt năm ấy. Duy 12 con heo là phần tranh giành của làng võ Bình Định. Họ đoạt heo không phải để lấy thịt, mà vì danh dự của môn phái.
13 - Võ nghệ:
- 34/ Ai về Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định, múa roi đi quyền.
Câu ca dao trên, có người sửa lại:
- 35/ Ai về Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định cầm roi rượt chồng.
Do xảy ra vụ Dư Hựu trả vợ, sự việc diễn tiến như sau:
Năm Tám Cảng 20 tuổi, vẫn chưa được nơi nào dạm hỏi, dù cô rất có nhan sắc. Hương mục Ngạc thông cảm nỗi khổ tâm của con, tuyên bố với mọi người rằng nếu ai đánh bại được Tám Cảng, ông sẽ gả con gái cho và không đòi hỏi một lễ vật nào.
Có ba người xin đấu võ với Tám Cảng. Người thứ nhất bị Tám Cảng cho một cú đá, văng vào hàng rào. Người thứ hai, võ nghệ khá hơn, kịt ngựa [13] nhanh nhẹn, công thủ song hành, cầm cự được hiệp đầu. Sang hiệp thứ hai, Tám Cảng dùng ngón gia truyền, ép vào bể cạn, đánh gục. Người thứ ba là Dư Hựu (không phải tên Hựu, quân sư trong đảng cướp của Dư Đành) bị Tám Cảng đạp nhào vào hồ cá, đành bỏ ra về, tầm sư học đạo. Một năm sau, lại đến xin đấu, lần này Tám Cảng tung cước, Dư Hựu tóm được chân, ném trả vào hồ cá.
Dư Hựu thắng. Giữ lời hứa, ông Hương mục Ngạc làm lễ vu quy cho con gái. Năm ấy, Tám Cảng 22 tuổi. Hai người sống chung nhau được ba năm. Một hôm, vợ chồng lời qua tiếng lại. Tám Cảng ỷ giỏi võ, quen thói bướng bỉnh, trả lời khinh khỉnh, làm Dư Hựu điên tiết. Anh thuận tay chụp cái bình hoa, chưng trên sập gụ, ném mạnh vào mặt vợ. Nếu là người khác thì đã nát thây, nhưng Tám Cảng nhẹ nhàng đưa tay bắt lấy, đem đặt trên bàn và mỉa mai: “Bình xưa mà, làm ngơ không bắt, bể cũng uổng!”
Dư Hựu càng giận, với lấy cái chày đâm tiêu bằng đá, ném mạnh vào đầu vợ. Tám Cảng cũng đưa tay bắt, cười gằn giọng châm chọc: “Cái đầu mà quáng mắt lầm cái cối đâm tiêu hả?”
Dư Hựu giận lắm, mất hết trí khôn, chụp con dao phay, bằng thế võ rất lợi hại, phóng thẳng vào ngực vợ. Đường dao quá mạnh, Tám Cảng không thể chụp được, đành phải té ngửa để tránh. Con dao ngon trớn cắm phập vào vách đất, ngập đến cán. Dư Hựu sực tỉnh thì mọi việc đã xảy ra rồi! Suýt nữa gây nên án mạng. Tám Cảng lồm cồm ngồi dậy, còn Dư Hựu bỏ chạy một mạch đến nhà cha vợ. Gặp ông Hương mục Ngạc, anh ta sụp lạy, kể lại đầu đuôi câu chuyện và nhất quyết xin trả Tám Cảng mà không đòi hỏi một điều kiện nào.
Chuyện Dư Hựu trả vợ nhanh chóng lan truyền khắp vùng. Nhân đó, câu ca dao trên được sửa lại.
14 - Khoa cử:
- 36/ Tiếc công Quảng Ngãi đường xa
Để cho Bình Định thủ khoa ba lần.
Câu ca dao trên, sau được sửa lại:
- 37/ Tiếc công Bình Định xây thành
Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa.
Tại trường thi Bình Định, mặc dù có sĩ tử của năm tỉnh dự thi, nhưng chỉ có Quảng Ngãi và Bình Định tranh nhau thủ khoa. Suốt ba khoa thi đầu là Nhâm Tý (1852), Ất Mão (1855) và Mậu Ngọ (1858), Giải nguyên đều về tay người Bình Định, đó là Cao Văn Tuấn người thôn Thắng Công, huyện Tuy Viễn, nay thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn (khoa 1); Nguyễn Đăng Tuyển người thôn Chánh Trạch, huyện Phù Mỹ (khoa 2); Nguyễn Duy Lộc người thôn Xuân An, huyện Phù Cát (khoa 3). Sự bất quá tam, Bình Định đoạt thủ khoa 3 lần, trong khi Quảng Ngãi cố tranh sát nút nhưng chỉ đỗ Á nguyên ba lần, đó là Phan Văn Điển người thôn An Thổ, huyện Mộ Đức (khoa 1), Kiều Tòng người thôn An Đại, huyện Chương Nghĩa (khoa 2); Phạm Thúc người thôn Trà Bình, huyện Bình Sơn (khoa 3).
Đến khoa thứ 4, năm Đinh Mão (1867), Bình Định chẳng những đoạt cả Giải nguyên, Á nguyên, đó là Lê Đăng Đệ và Nguyễn Tạo cùng ở huyện Phù Cát; mà còn chiếm liên tục đến hạng 8, Quảng Ngãi chỉ chen được vị thứ 9, rồi liên tục từ 10 đến 13 lại là người Bình Định, lập thành tích Bình Định 14, Quảng Ngãi 4.
Bị thua liên tiếp 4 khoa, sĩ tử Quảng Ngãi quyết tâm vùng lên. Họ đã thành công rực rỡ ở hai khoa liền (5 và 6) mang lại vinh dự cho tỉnh nhà. Đó là khoa Mậu Thìn (1868), Nguyễn Luật người thôn Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, đoạt Giải nguyên và Nguyễn Duy Cung người thôn Vạn Tượng, huyện Chương Nghĩa, chiếm Á nguyên. Tiếp khoa Canh Ngọ (1870), Trương Đăng Tuyển người thôn Phú Nhơn, huyện Bình Sơn và Phạm Viết Duy người thôn Chánh Mông, huyện Chương Nghĩa, đoạt cả giải nhất nhì, và Quảng Ngãi còn vượt trội tỷ số đậu.
Sau đó, Bình Định và Quảng Ngãi còn liên tiếp tranh nhau ngôi thứ và tỷ số thêm 17 khoa nữa, cho đến khi chấm dứt vào năm 1918.
15 - Công trình kiến trúc:
- 38/ An Nhơn có ngọn Tháp Vàng*,
Có chùa Thập Tháp*, Đồ Bàn*, Cánh Tiên*.
Miền Bắc thị xã An Nhơn có 4 công trình kiến trúc mang tính lịch sử, gồm:
a/ Tháp Phú Lốc, hay là Thốc Lốc, Phốc Lốc, Phú Lộc, Phước Lộc; ngoài ra còn có tên là Tháp Vàng, bởi người Pháp gọi là Tour d’Or. Tháp này ở khu vực [14] Phú Thành, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn; là một trong bảy tháp Chàm trong tỉnh Bình Định. Bình đồ tháp Phú Lốc hình vuông, mỗi cạnh dài 9,7m, cao khoảng 15 m, và nằm trên một đồi cao chừng 80 m so với mực nước biển, trông rất bề thế.
b/ Chùa Thập Tháp, ngôi cổ tự to lớn nhất và lâu đời nhất không những của thị xã An Nhơn mà cả tỉnh Bình Định. Chùa do Thiền sư Nguyên Thiều, đời thứ 33 dòng Lâm Tế Chánh Tôn, sáng lập năm 1665 (tức năm Ất Tỵ, chúa Nguyễn Phúc Tần thứ 17), và tạo dựng năm 1683. Chùa có tên là Thập Tháp A Di Đà, gọi tắt chùa Thập Tháp, tọa lạc trên đồi Long Bích, nay thuộc khu vực (tương đương với thôn) Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn.
Năm 1749 (Kỷ Tỵ), đời Hòa thượng thứ 4 trụ trì chùa Thập Tháp là ngài Liễu Triệt, pháp danh Thật Kiến (1702 - 1764), trùng tu Đại Hùng Điện nguy nga đồ sộ, cột nhà cao to một người ôm không hết. Chánh điện dài 30 m, rộng 20 m, bốn mặt đều có hành lang kín bao quanh. Lối kiến trúc công phu, trang trí hoa mỹ, chọn gỗ toàn danh mộc và trên mỗi cây kèo, xiên, trính, quyết... đều chạm hoa văn chữ Phạn. Đây là lần xây cất hoàn bị và kiên cố hơn cả. Đến nay, những nét chính như cột và toàn bộ sườn nhà, bàn án, đồ thờ vẫn còn.
c/ Tháp Cánh Tiên ở trong thành Đồ Bàn, thuộc làng Nam Tân (Nam An và Tân Ninh sáp nhập), xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn. Tháp có bề mặt vuông, cao gần 20 mét, dựng trên ngọn đồi. Nhìn từ xa, tháp trông như một nàng tiên vươn đôi cánh bay trên nền trời xanh.
d/ Thành Đồ Bàn được xây dựng năm 982, vào thời vua Yangpuku Vijaya, tồn tại gần 5 thế kỷ. Năm 1471, thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Đồ Bàn vĩnh viễn về với Đại Việt. Năm 1775, Nguyễn Nhạc sửa sang và nới rộng thành Đồ Bàn. Tháng 2 năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nhạc xưng Tây Sơn Vương, đóng đô ở Đồ Bàn, và đổi tên là thành Hoàng Đế. Về cấu trúc, thành có 3 lớp tường bao bọc: Thành ngoại, chu vi khoảng 7400 m, Thành nội chu vi khoảng 1600 m, trong cùng là Tử cấm thành chu vi khoảng 700 m, tường thành cao khoảng 3 m. Nguyên thành cũ có 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc; Nguyễn Nhạc cho mở thêm một cửa nữa ở phía Nam, gọi là Tân Khai, đã một thời vang bóng:
- 39/ Tân Khai nay vắng bóng cờ
Nào đâu tướng soái thuở xưa ra vào.
Nào đâu tướng soái thuở xưa ra vào.
16 - Trang trí nội thất:
- 40/ Ngó lên nhà lá mái
Hai cái tô vôi,
Hai cột đèn dồi,
Hai đôi liễn cẩn,
Trên chạm long ẩn,
Dưới chạm thủy cà.
Thấy anh có chút mẹ già,
Không ai hôm sớm, thương đà quá thương.
Đây là bức tranh khắc họa cách trang trí theo luật cân đối, tại gian thờ của một nhà lá mái ở Bình Định. Việc trưng bày ở phòng thờ quan trọng nhất là 4 tấm liễn cẩn bằng gỗ mun, rộng chừng 40 cm, dày 4 cm, dài trên 2 mét, viền hoa văn và khắc câu đối chữ Nho nhận xa cừ. Cứ tấm liễn này viết vế đối, tấm kia viết vế xuất, họp thành cặp liễn đối; treo từng cặp ở hai cột hàng nhất trước và hai cột hàng nhất sau. Thường là thi đối hoặc phú đối, ít dùng tiểu đối, nội dung đề cập đến gia phong, gia đạo, quan niệm xử thế của dòng họ.
17 - Tướng số:
- 41/ Những người thắt đít lưng ong,
Vừa khéo chìu chồng lại khéo nuôi con.
Tướng “thắt đít lưng ong” là người đàn bà có thân hình gói ghém, gọn gàng, không ốm yếu, cũng không mập phệ. Với ngoại hình như thế thường khỏe mạnh, lanh lợi, vui vẻ; khi lập gia đình trở thành “nội tướng” đảm đang.
- 42/ Xem mặt mà bắt hình dong,
Râu xồm, mặt mốc khó lòng tôi trung.
Vì thế, trong Hát bội, khi diễn những vai nịnh thần và gian thần như vai Bàng Hồng trong tuồng Diễn Võ Đình, vai Tạ Thiên Lăng (Thái sư) và bốn người em là Tạ Ôn Đình, Tạ Lôi Phong, Tạ Lôi Nhược, Tạ Lôi Phong Vân trong tuồng Sơn Hậu, kép hóa trang những vai này đều sơn mặt trắng phếch, thuật ngữ gọi là “Kép trắng” hay “Kép mốc.”
18 - Tâm linh:
- 43/ Chim kêu dưới suối Đá Đàn*,
Em còn chút Mẹ, cậy chàng viếng thăm.
Người đời rất cảm động vì câu thơ trên mang tính tâm linh của đôi bạn cố tri, vừa là chiến hữu Cần Vương. Một người đã chết vì nước, hiện hồn về đối thoại với một người còn sống qua màn cầu cơ. Tuy nội dung lời cơ đậm nét trữ tình, nhưng vẫn dính dấp đến thời sự. Để tránh sự dòm ngó của mật thám Pháp và bọn tay sai, câu trên được sửa đổi cho kín đáo hơn, và trở thành ca dao lan truyền khắp tỉnh nhà:
44/ Ai lên thăm suối Đá Đàn*,
Để lòng tưởng tới can tràng người xưa.
Để lòng tưởng tới can tràng người xưa.
Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ Phong trào Cần Vương ở Bình Định. Năm 1887, bị triều đình Đồng Khánh kết tội “Dương vị Hàm Nghi khởi nghĩa, âm vị Huệ Nhạc phục thù.” Bản án trảm quyết 11 người thủ lãnh Cần Vương: Nguyên soái Mai Xuân Thưởng, Thống trấn Bùi Điền, Hiệp trấn Nguyễn Đức Nhuận, cùng với một số phó tướng, thống binh trở xuống. Gia tộc của Mai Xuân Thưởng cũng không tránh khỏi tội hình: Mai Xuân Quang (anh ruột), Mai Xuân Khánh (em ruột) bị xử tử với tội danh “không biết can ngăn”; 4 người anh em họ là Hòa, Vân, Nghị, Dao bị bị xử chém với tội danh “đã nhận chức hàm.” Các người khác trong Mai tộc tuy không can dự cũng bị liên lụy như 3 người bác là Chất (72 tuổi), Đức (65 tuổi), Hanh (62 tuổi); 4 anh họ thân là Dư, Dương, Tuyết, Ngân và 5 người em họ thân là Cẩm, Hoán, Dũng, Hóa, Phát đều bị giải về quê quán giao cho chính quyền địa phương quản thúc [15]. Bản án khắc nghiệt với Mai tộc chỉ vì Mai công có bà cao tổ cô Mai Thị Hạnh là vợ của Nguyễn Phi Phúc.
Riêng Hiệp trấn Nguyễn Trọng Trì thoát được, ẩn mình trong các buôn Thượng. Tám năm sau (1895), tình hình đã lắng dịu, triều đình Thành Thái bãi lệnh truy nã nghĩa quân Cần Vương ở Bình Định còn lẩn trốn, ông mới từ núi rừng Thuận Ninh trở về nhà.
Thế rồi, vào một đêm, tại Phú Phong, các nhân sĩ cầu cơ hỏi về thời thế. “Hồn Tiên” hiện về, ứng vào cơ, bảo đi mời ông Cử làng Vân Sơn đến đây. Mọi người phân vân chưa biết tính sao, vì từ đây đến làng Vân Sơn, nếu đi ngựa, nhanh nhất cũng phải sáng mai mới về tới Phú Phong. Cơ bảo, ông Cử Trì hiện có mặt tại nhà một người bạn ở làng bên, đi mời nhanh lên. Quả nhiên, người đến mời, gặp được ông Cử vì ghẻ ngứa, khó ngủ, đang nằm hóng gió và ngâm nga bài thơ “Ghẻ” vừa làm xong.
Ông Cử Vân Sơn vừa đến nơi, “Hồn Tiên” liền ứng vào cơ, họa nguyên vận bài "Ghẻ” của Tiên sinh. Qua văn phong bài họa, ông Cử rất kinh ngạc, nghĩ thầm “Hồn Tiên” có thể là một chiến hữu ngày xưa. Ông xin được biết danh tánh, nhưng “Hồn Tiên” không tiết lộ. Hai bên vẫn tiếp tục xướng họa đến quá khuya. Chờ cho mọi người ra về, chỉ còn lại ông Cử Trì và vài người thân tín. Lúc ấy, “Hồn Tiên” mới ứng vào cơ hai câu thơ trên.
Ông Cử hiểu ngay, “Hồn Tiên” là ai rồi. Ông ôm bàn cơ, gào lên trong uất nghẹn: “Mai Nguyên Soái, Mai Nguyên Soái ơi! Cố nhân ơi!... ” và khóc nức nở.
Suối Đá Đàn phát nguyên ở vùng núi Phú Lạc là quê hương của Mai Xuân Thưởng. Mẹ Mai công đang sống trong tuổi già cô quạnh, vì ba người con trai của Bà bị triều đình Đồng Khánh trảm quyết tại chợ Gò Chàm vào ngày Rằm tháng Tư nhuận năm Đinh Hợi, nhằm ngày 6 tháng 6 năm 1887.
19 - Tục kiêng cữ:
- 45/ Mùng năm, mười bốn, hăm ba
Đi chơi cũng lỗ, huống là đi buôn.
Người ta tin rằng các ngày ấy rất xui xẻo, cần kiêng cữ không nên làm những việc lớn.
20 - Trữ tình:
- 46/ Chiều chiều én liệng Truông Mây,
Cảm thương Chú Lía bị vây trong rừng.
“Chú Lía” là tiếng gọi thân mật của dân chúng Bình Định khi nhắc đến một tướng cướp ở tỉnh nhà, có tên là Nguyễn Văn Doan, người huyện Phù Ly, nay là Phù Mỹ. Có thể nói Lía là một Robin Hood [16] của Bình Định. Vì Lía chỉ đánh cướp những nhà giàu có mà gian ác, hay những nhà của bọn tham quan ô lại. Nếu chủ nhà biết điều, nộp tiền của và không chống cự, Lía chỉ lấy hai phần ba của cải, một phần để lại cho khổ chủ. Tài sản cướp được, Lía đem về sơn trại một nửa, nửa kia phân phát cho dân nghèo trong vùng. Lía cấm đàn em không được sách nhiễu dân chúng, cấm chặn đường cướp giật bừa bãi, hoặc thu tiền mãi lộ. Đối với bọn cường hào có thành tích hà hiếp dân đen, Lía cho thủ hạ trừng trị làm gương. Nhờ thế, tuy là tướng cướp, Lía vẫn được dân chúng ủng hộ và che giấu. Chính quyền địa phương tốn nhiều thì giờ và công sức, vẫn không trừ được đảng cướp của Lía.
Triều đình Chúa Nguyễn phải cử đại binh mới đánh dẹp được:
Truyền cho mười vạn binh hùng
Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng. (Vè Chú Lía)
Dưới cờ đại tướng binh nhung lên đàng. (Vè Chú Lía)
21 - Tình yêu đôi lứa:
- 47/ Giàu như nẫu* đi xe cùng kiệu,
Khó như mình, mình liệu, mình đi.
Anh đi một lễ Thỉnh kỳ*
Heo thì một cặp, gà ri một lồng.
Phía anh đừng mời chi đông,
Nội* cha với mẹ, vợ chồng ông mai.
Phái em đừng mời chi ai,
Nội* cha với mẹ, và hai đứa mình.
Thắp nhang khấn vái chung tình,
Cho cha mẹ biết phận mình là con.
“Nẫu” tương đương với tiếng “họ, người ta”; “Nội” tức là “chỉ có”; “Gà ri” là “gà ác” lông trắng, da thịt xám đen. Những tiếng này là thổ ngữ của Bình Định.
Lễ Thỉnh kỳ, tức lễ nhà trai đến nhà gái xin ngày cưới, một trong sáu lễ cưới vợ ngày xưa.
22 - Tâm lý:
- 48/ Thương chi cho uổng công tình,
Nẫu về xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ.
- 49/ Ai về nhắn với ông câu,
Cá ăn khôn giật để lâu mất mồi.
- 50/ Cưới vợ thì cưới liền tay,
Đừng để lâu ngày lắm kẻ gièm pha.
23 - Trào phúng:
- 51/ Chồng thấp mà lấy vợ cao,
Qua sông nước lớn: Cõng tao bớ mầy!
- 52/ Mít non giú ép chín bầm,
Trai tơ đòi vợ khóc ầm cả đêm.
Khóc rồi bị mẹ đánh thêm,
Vợ đâu kịp cưới nửa đêm cho mầy!
24 - Chống xâm lăng:
- 53/ Ngó vô Linh Đỗng* mây mờ
Nhớ Mai Nguyên soái dựng cờ đánh Tây.
Hầm Hô* cữ nước còn đầy
Còn gương phấn dũng còn ngày vinh quang.
*Linh Đỗng và Hầm Hô có địa thế hiểm trở, là hai căn cứ chống Pháp của Mai Xuân Thưởng, thuộc huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn).
- 54/ Hoài Ân có chợ Mộc Bài,
Có chùa Truông Sỏi, có nguồn Kim Sơn.
Có nhà ái quốc họ Tăng,
Cần Vương khởi nghĩa, Đông Du mở đường.
Có chùa Truông Sỏi, có nguồn Kim Sơn.
Có nhà ái quốc họ Tăng,
Cần Vương khởi nghĩa, Đông Du mở đường.
Phía Bắc của tỉnh nhà có Tăng Bạt Hổ, nguyên là cai cơ dưới triều Tự Đức, chỉ huy một đội quân đóng tại cửa An Dũ, nay thuộc phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn [17]. Được tin Dụ Cần Vương (1885), ông chiêu mộ thêm nghĩa quân, lên Hoài Ân lập căn cứ ở nguồn Kim Sơn. Bản doanh đặt tại núi Dinh, kho quân nhu đặt ở núi Trà Vinh, địa bàn hoạt động ở hai huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn.
Khoảng tháng 2 năm 1887, Cần Vương tan rã, ông vượt đường núi lên Cao Nguyên, sang Thái Lan, mưu cầu khôi phục đất nước. Khi tới đèo Dốc Đót, giáp với An Khê, gặp cọp đứng chận đường, ông quát lớn, cọp liền bỏ đi. Từ đó, ông được người đời tôn danh hiệu Tăng Bạt Hổ. Năm 1904, ông từ Nhật về nước, dưới chiếc áo thầy thuốc đi khắp nơi để liên lạc với các chí sĩ. Đầu năm 1905, ông dẫn Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính, từ cảng Đà Nẵng bằng đường thủy ra Hải Phòng, đến Hương Cảng, rồi sang Nhật [18], lập nên Phong trào Đông Du.
25 - Chiến sự:
- 55/ Không đi thì nhớ thì thương,
Ra đi thì sợ đoạn đường Phù Ly.
Những năm đầu thập niên 1970, tình hình chiến sự trong tỉnh Bình Định lan rộng, đoạn đường từ quận lỵ Phù Cát đến quận lỵ Phù Mỹ bị mất an ninh. Ban đêm du kích thường đặt mìn trên đường Quốc lộ 1, xe cộ chạy qua giẫm phải bị nổ tung.
26 - Đối kháng thời thế:
- 56/ Nước Ba Tơ chảy vô Bình Định,
Nhắn bạn chung tình tránh nịnh, chớ theo.
Câu này ám chỉ Nguyễn Thân người làng Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Một quan võ nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức, kế nhiệm cha giữ chức Tiễu phủ sứ miền sơn cước Quảng Ngãi. Ngày 5- 7- 1885, Kinh đô thất thủ, vua Hàm Nghi bôn đào, ban Dụ Thiên Hạ Cần Vương, khắp nơi ứng nghĩa. Lợi dựng cơ hội ấy, Nguyễn Thân trước theo Nghĩa Hội, quay sang tích cực ủng hộ Pháp, và vua Đồng Khánh do Pháp dựng lên, thẳng tay đàn áp Phong trào Nghĩa Hội ở Quảng Ngãi, và khủng bố trắng Phong trào Cần Vương ở Bình Định. Với “công trạng” ấy, y được thăng quan tiến chức rất nhanh.
- 57/ Chú phỉnh tôi rồi Chính phủ ơi,
Chú khiên lên hết chiến khu rồi.
Trong thời Việt Minh (1945 - 1954), tại Bình Định người ta rỉ tai nhau câu ca dao trên, một thái độ chống đối ngầm việc sưu dịch “Dân công tiếp vận.” Người dân phải gánh gạo lên chiến khu ở vùng núi cao rừng rậm, mỗi đợt công tác kéo dài cả tháng trời.
27 - Sinh hoạt nghề nghiệp:
- 58/ Anh về dưới vạn* Gò Bồi
Bán mắm, bán cá lần hồi cưới em.
*Vạn là nhóm người quần tụ và cùng làm một nghề. Dân chúng ở thị tứ Gò Bồi (thuộc huyện Tuy Phước) chuyên việc buôn bán hải sản nên gọi là “Vạn.”
- 59/ Ra đi cha mẹ dặn dò
Ruộng Rộc thì cấy, ruộng Gò thì gieo.
Ruộng Rộc thì cấy, ruộng Gò thì gieo.
Đồng bằng ở Bình Định đan xen với núi đồi nên đất canh tác ở miền này chia làm hai loại: điền trồng lúa nước cây mạ phải cấy, và thổ trồng hoa màu hoặc lúa cạn, hạt phải gieo.
28 - Làng nghề truyền thống:
- 60/ Bao giờ Trường Úc hết vôi
Đôi ta hết đứng hết ngồi với nhau.
Tại cầu Trường Úc có xóm Lò Vôi dọc theo tả ngạn Sông Tọc, thuộc thôn Trung Tín, tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (Địa bạ lập 1839); sang thời Đồng Khánh (1886 - 1888) thôn Trung Tín thuộc tổng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước (Đồng Khánh, Địa Dư Chí); từ ngày 13- 2- 1987 địa danh này thuộc thị trấn Tuy Phước. Nơi đây, từ xưa đến nay chuyên sản xuất vôi bột để xây nhà, và vôi nước để quét tường, ăn trầu, và làm chất xúc tác trong quá trình chế biến thực phẩm; cung cấp cho toàn tỉnh Bình Định và cả Tây Nguyên.
Người ta lấy San hô từ Biển Đông, dùng ghe chở vào đầm Thị Nại, rồi ngược dòng Sông Tọc đến cầu Trường Úc. San hô được chất đống cho khô nước, rồi đưa vào lò nung để trở thành vôi sống, rồi chế biến thành hai loại vôi bột và vôi nước.
Người ta lấy San hô từ Biển Đông, dùng ghe chở vào đầm Thị Nại, rồi ngược dòng Sông Tọc đến cầu Trường Úc. San hô được chất đống cho khô nước, rồi đưa vào lò nung để trở thành vôi sống, rồi chế biến thành hai loại vôi bột và vôi nước.
- 61/ Dòng sông Côn thấm tình non nước
Dân làng nghề cất được rượu ngon
Giữ nghề từng lớp cháu con
Trải qua dâu bể vẫn còn nghề tinh
Rượu đầy ly bọt trắng tinh
Chung vui đối tửu đất trời lung linh.
Dân làng nghề cất được rượu ngon
Giữ nghề từng lớp cháu con
Trải qua dâu bể vẫn còn nghề tinh
Rượu đầy ly bọt trắng tinh
Chung vui đối tửu đất trời lung linh.
Ở xóm Tân Long, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn có một chỗ đất trũng sâu, rộng khoảng 3000 m2, nước ngập suốt năm, xung quanh là bờ đá, nên có tên gọi là Bàu Đá. Người ta dùng nước Bàu Đá để chế biến một thứ rượu đặc biệt gọi là Rượu Bàu Đá. Đây là làng nghề truyền thống chuyên sản xuất một loại rượu đặc biệt mà thương hiệu Bàu Đá Năm Phượng đã đề ra: “Đậm đà vị Đậu, nồng nàn hương Quê” và xứng đáng với danh vị Quốc Tửu của Việt Nam.
29 - Kinh nghiệm trong đời sống:
- 62/ Cất nhà Bình Định
Chữa bịnh thầy Tàu
Lên mọi gởi trâu
Vườn Trầu mua nếp.
Khi cất nhà phải thỉnh thợ Bình Định vì chuyên cất nhà lá mái, một kiểu nhà cản nhiệt, mùa đông ấm, mùa hè mát, bão lụt không xiêu ngã, hỏa hoạn khó bắt cháy, và ngăn ngừa kẻ trộm đào ngạch.
Lúc bệnh nặng, phải rước thầy Tàu, thăm mạch hốt thuốc, bệnh mới khỏi. Sau vụ mùa cày cấy, nhà nông thường gửi trâu lên miền rừng núi, nơi người thượng ở, để trâu được ăn nhiều cỏ tươi, dưỡng lại sức lực.
Vườn Trầu, trước thuộc thôn Liên Trì, xã Bình Kiến; nay là Phường 9 và xã Bình Kiến đều thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Vườn Trầu, xa xưa là vũng do biển ăn sâu vào đất liền, lâu ngày được phù sa lấp cạn thành đồng ruộng lầy. Nơi đây rất thích hợp cho việc trồng cấy nếp.
- 63/ Đục lỗ thì kiếm thợ già,
Nhưng cần thợ trẻ dựng nhà mới xong.
Nhưng cần thợ trẻ dựng nhà mới xong.
Thợ già nhiều kinh nghiệm nên đục lỗ vừa vặn với con mộng, sườn nhà mới chắc. Thợ trẻ, tuy ít kinh nghiệm, nhưng có sức mạnh, cần vào việc dựng bộ giàn đóng nhà lá mái.
- 64/ Hát bội hành tội người ta
Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con.
Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con.
Trước kia, ở Bình Định, Hát bội trở thành tục lệ. Hằng năm, đình miếu cúng tế Xuân Thu nhị kỳ đều có Hát đình, thường kéo dài 3 ngày đêm. Ngoài ra còn tổ chức hát để tế lễ thần linh, gọi là Hát lễ. Chùa chiền cũng mở Hát bội vào dịp Rằm tháng Giêng, và nhất là Rằm tháng Bảy, gọi là Hát chùa. Hát bội còn là hình thức tạ ơn thần linh, khi lời cầu nguyện được thành đạt, gọi là Hát tạ. Khi khánh thành một công trình, tân gia, tân khoa, gia đình sum họp, hội hè,... đều có lệ Hát mừng. Và mỗi lần có đám Hát bội, bất kể trời mưa hay nắng, đều đông nghẹt người xem.
Có một lần, thôn Trung Định (nay thuộc xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) làm lễ Tế thu, tổ chức Hát bội 3 ngày đêm. Bất ngờ, suốt thời gian hát xướng, trời đổ mưa dầm, nhưng dân làng vẫn mang áo tơi, đội nón đứng dưới mưa xem hát cho đến khi mãn cuộc. Nước nguồn về, lụt lớn nhận chìm đồng lúa đang độ chín vàng. Vì thế, phần lớn hạt lúa rơi rụng hay bị cá ăn, số còn lại đều lên mộng. Vụ mùa năm ấy, Trung Định bị thất thu cũng vì Hát bội. Rút kinh nghiệm, từ ấy, các làng xã đợi xong mùa giặt mới tổ chức Tế thu và hát xướng. Nhân đấy, câu ca dao trên có người sửa lại để nhắc nhở tránh sự việc đáng tiếc:
- 65/ Hát bội hành tội người ta
Đàn ông trễ việc, đàn bà trễ cơm.
Đàn ông trễ việc, đàn bà trễ cơm.
30 - Hát xướng:
- 66/ Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình
Dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi.
Gánh hát ba anh em Chánh ca Gềnh, còn gọi là Chánh ca Gà, lập nghiệp ở thôn Kim Trì (nay thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), cũng từ Học Bộ Đình Vinh Thạnh (1904 - 1907). Ông hát hay, múa đẹp, có một không hai, sở trường trong các vai kép, lão và các vai đào, nhất là vai Đát Kỷ (Trầm Hương Các). Sau tách ra, mỗi người lập riêng, thành 3 đoàn hát: Gánh Bầu Nhàn của Chánh ca Gềnh, gánh Bầu Đông của Chánh ca Mi, và gánh của Nhưn Mỗ [19].
Đó là chuyện ở thời kỳ Hậu Đào Tấn, sang thời Việt Nam Cộng Hòa, lại xuất hiện hai nghệ sĩ nổi tiếng là Cửu Vị và Phạm Hoàng Chinh, cũng có câu ca:
- 67/ Cửu Vị đóng Lý Phụng Đình,
Dù chồng có đánh thì mình cũng đi.
Nói ra thì chuyện cũng kỳ.
Hoàng Chinh đóng kép mình thì mê ngay.
Dù chồng có đánh thì mình cũng đi.
Nói ra thì chuyện cũng kỳ.
Hoàng Chinh đóng kép mình thì mê ngay.
Một lợi điểm nữa, tiếng trống của Hát bội dồn dập vang xa như thúc giục, như mời gọi, làm náo nức lòng người. Bởi thế, bộ môn này có sức thu hút người xem, ca dao cũng đã chứng minh:
- 68/ Tai nghe trống chiến
Không khiến cũng đi
Nghe tiếng trống chầu,
Đâm đầu mà chạy.
31 - Những câu hát vui chơi:
- 69/ Chiều chiều con quạ lợp nhà,
Con cu chẻ lạt, con gà quăng tranh.
Chèo bẻo xắt bí nấu canh,
Chìa vôi đi chợ mua hành mua tiêu.
- 70/ Lô ầm lô ạt,
Thịt nạc dao phay,
Con nào hay để lại cày,
Con nào dở, dao phay nước mắm.
Khi hai con bò húc nhau, đám mục đồng thường hát ầm lên để cổ võ.
32 - Đồng dao:
Vào những đêm trăng, trẻ em trong xóm thường hẹn nhau ở sân đình hay sân nhà để tham gia các trò chơi, cùng hát những khúc đồng dao, tiêu biểu như:
- 71/ Dung dăng dung dẻ, Dắt trẻ đi chơi,
Đến cửa nhà trời, Lạy cậu lạy mợ,
Cho cháu về quê, Cho dê đi học,
Cho cóc ở nhà, Cho gà bươi bếp,
Xì xà xì xụp, Ngồi thụp xuống đây. (Đồng dao cổ)
Đến cửa nhà trời, Lạy cậu lạy mợ,
Cho cháu về quê, Cho dê đi học,
Cho cóc ở nhà, Cho gà bươi bếp,
Xì xà xì xụp, Ngồi thụp xuống đây. (Đồng dao cổ)
- 72/ Xúc xắc xúc xẻ, Đám trẻ hát ca,
Chúc ông chúc bà, Tuổi già vui vẻ,
Chúc cha chúc mẹ, Mạnh khỏe an hòa,
Hái một bông hoa, Chúc mừng thầy giáo,
Mua một chùm pháo, Rủ bạn đốt chơi. (Đồng dao mới)
III - Lời Kết
Trên đây, đơn cử 72 đoạn ca dao, chỉ là những văn liệu điển hình trong 32 loại ca dao của Bình Định. Thật vậy, kho tàng ca dao tục ngữ của tỉnh nhà rất phong phú.
Ngoài ra, Bình Định còn là cái nôi của hát Bài chòi. Bộ môn Bài chòi lấy ca dao làm câu thai. Ngược lại, ca dao cũng nhờ có Bài chòi, được dân Bình Định ưa chuộng đặt ra nhiều câu thai, nên ca dao phát triển nhanh chóng và phong phú.
Đơn cử câu thai trong pho Sách, có con bài Nhì nghèo, chú Hiệu khi gặp con bài này đã có hàng loạt câu câu thai khác nhau để hô:
- Dầu mà hai ngả phân ly
Mình ơi, hãy nhớ hồi khi còn nghèo.
- Chắp tay với chẳng tới kèo,
Cha mẹ anh nghèo chẳng cưới được em!
- Cây khô tưới nước cũng khô,
Vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo!
- Nhiều quan thêm khổ thằng dân,
Nhiều giàu thì lại chết trân thằng nghèo.
- Thấy anh, em cũng muốn theo
Chỉ sợ anh nghèo, anh bán em đi.
- Buồn từ trong dạ buồn ra,
Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo.
- Ngày thường thiếu áo thiếu cơm
Đêm nằm không chiếu, lấy rơm làm giường.
Dù dơi dép bướm chật đường,
Màn loan gối phụng ai thương thằng nghèo.
Thêm nữa, bộ môn Giã gạo Hát hò cũng rất thịnh hành tại Bình Định. Họ thường tổ chức Hát hò tập thể vào đêm trăng sáng. Hai dãy cối bày ra giữa sân, các tham dự viên vác chày đến nhập cuộc. Họ vừa giã gạo, vừa hát theo nhịp chày những câu ca dao có sẵn, nhiều lúc vì cao hứng mà ứng khẩu thành thơ dân gian. Bởi thế, cứ mỗi lần mở cuộc vui Hát hò lại có thêm những câu ca dao mới.
Và có thể nói, ở Bình Định, ca dao phong phú và đa dạng đến mức đã hình thành bộ Địa Phương Chí bằng văn vần cho tỉnh nhà.
Đào Đức Chương
(Trích Giai Điệu Hồn Quê, 2021 Tập biên khảo của Tác giả)
(Trích Giai Điệu Hồn Quê, 2021 Tập biên khảo của Tác giả)
Ghi chú
[1] Đông Lạc, Thiên Hạt, Thạch Đề: tên cũ các địa phương có dòng sông Côn chảy qua.
[2] Văn Phong: tên con đập ở địa đầu thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Dân trong vùng lấy tên của vị tiền hiền có công trong việc đắp đập, đào mương dẫn thủy nhập điền, đặt tên cho con đập này. Đập không lớn lắm, nhưng việc thủy lợi rất lớn, tưới được 2/3 ruộng của huyện Tây Sơn (Bình Khê cũ) nằm dọc theo Bắc ngạn sông Côn, từ thôn Phú Lạc (xã Bình Thành) cho tới thôn Bỉnh Đức (xã Tây Vinh). Ngoài ra còn cung cấp nước cho một số đồng ruộng của thị xã An Nhơn.
[3] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược ghi: “Ngày 7 tháng 7”; Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục ghi: “Ngày rằm tháng 7.”
[4] Thân mẫu của Ngọc Hân là Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
[5] Đầm Thị Nại ở phía Đông Nam tỉnh Bình Định, chiều dài khoảng 16km, từ cực Bắc huyện Tuy Phước đến thành phố Qui Nhơn. Thời ấy, đầm có hai cửa Cách Thử (nay đã bít) và cửa Thị Nại thông ra biển, phía bờ Đông lại có dãy Triều Châu như con rồng án ngữ che chở cho đầm sóng êm bể lặng. Vì vậy, nơi đây là một quân cảng tốt. Từ năm 1792 - 1801, Nguyễn Ánh đã 6 lần tấn công quân Tây Sơn qua cửa Thị Nại.
[6] Dầu lai là cây thầu dầu, còn gọi là cây đu đủ tía.
[7] Theo Quách Tấn; Nước Non Bình Định (Sài Gòn, nxb Nam Cường,
1967); trang 331: Tại quận An Túc (địa danh thời VNCH), phía trong Tú Thủy chừng 12 km, có làng Cổ Yêm.
[2] Văn Phong: tên con đập ở địa đầu thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn. Dân trong vùng lấy tên của vị tiền hiền có công trong việc đắp đập, đào mương dẫn thủy nhập điền, đặt tên cho con đập này. Đập không lớn lắm, nhưng việc thủy lợi rất lớn, tưới được 2/3 ruộng của huyện Tây Sơn (Bình Khê cũ) nằm dọc theo Bắc ngạn sông Côn, từ thôn Phú Lạc (xã Bình Thành) cho tới thôn Bỉnh Đức (xã Tây Vinh). Ngoài ra còn cung cấp nước cho một số đồng ruộng của thị xã An Nhơn.
[3] Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược ghi: “Ngày 7 tháng 7”; Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục ghi: “Ngày rằm tháng 7.”
[4] Thân mẫu của Ngọc Hân là Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
[5] Đầm Thị Nại ở phía Đông Nam tỉnh Bình Định, chiều dài khoảng 16km, từ cực Bắc huyện Tuy Phước đến thành phố Qui Nhơn. Thời ấy, đầm có hai cửa Cách Thử (nay đã bít) và cửa Thị Nại thông ra biển, phía bờ Đông lại có dãy Triều Châu như con rồng án ngữ che chở cho đầm sóng êm bể lặng. Vì vậy, nơi đây là một quân cảng tốt. Từ năm 1792 - 1801, Nguyễn Ánh đã 6 lần tấn công quân Tây Sơn qua cửa Thị Nại.
[6] Dầu lai là cây thầu dầu, còn gọi là cây đu đủ tía.
[7] Theo Quách Tấn; Nước Non Bình Định (Sài Gòn, nxb Nam Cường,
1967); trang 331: Tại quận An Túc (địa danh thời VNCH), phía trong Tú Thủy chừng 12 km, có làng Cổ Yêm.
[8] Các địa danh dưới đây đều thuộc huyện Tây Sơn (Bình Khê cũ), gồm:
- Hóc Yến ở chân đèo An Khê, một thung lũng hẹp, nằm giữa hòn Phòng và hòn Bằng Lăng.
- Lãnh Lương, tên ngọn núi ở thôn Tả Giang, xã Tây Giang (Bình Giang cũ), sát quốc lộ 19. Theo Nguyễn Xuân Nhân, Văn Học Dân Gian Tây Sơn, trang 22: nơi đây Nguyễn Lữ phát lương cho quân sĩ.
- Hòn Ngang: Ở phía Tây Bắc xã Bình Tường, và phía Đông Nam xã Tây Giang có dãy Hoành Sơn, cao 364 m, nằm ngang trải dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, dân trong vùng quen gọi là Núi Ngang, vì thẳng góc với dãy núi từ hòn Ông Nhạc đến hòn Lãnh Lương. Tương truyền hài cốt của thân phụ Tam Kiệt Tây Sơn được táng ở Núi Ngang.
- Đá Hàng là phụ lưu quan trọng của sông Côn, còn gọi là sông Hầm Hô, hay sông Đồng Hươu. Phát nguyên từ vùng núi cao ở xã Canh Liên (huyện Vân Canh), chảy theo chiều Nam Bắc đến xã Tây Phú thì gặp sông Cây Trâm từ xã Vĩnh An, chảy xuống theo chiều Tây Đông, hợp lưu tại Đồng Giang, xã Tây Phú. Rồi chảy theo chiều Đông Bắc đến thị trấn Phú Phong thì nhập vào sông Côn. Từ đèo An Khê xuống phủ lỵ Qui Nhơn (tức thành Đồ Bàn) phải qua sông này.
[9] Chùm tháp Dương Long, gồm 3 tháp Chăm đứng thẳng hàng trên một gò cao, tháp giữa cao 39 m, hai tháp bên cao 32 m, là cụm tháp cao nhất trong các tháp Chăm.
[10] Nghị quyết số 101/NQ-CP, ký ngày 28- 11- 2011, nâng cấp huyện An Nhơn thành thị xã An Nhơn, thuộc tỉnh Bình Định, gồm 5 phường: Nhơn Hòa, Bình Định, Nhơn Hưng, Đập Đá, Nhơn Thành; và 10 xã: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh.
[11] Nguyễn Xuân Nhân, Văn Học Dân Gian Tây Sơn, trang 25: ông Tư Quỳnh (ở Phước Bình, An Cửu, An Khê) cho rằng câu này là một trong các mật lệnh tình báo của Tây Sơn.
[12] Chùa Bà Hỏa, còn gọi là chùa Bà Sau. Bởi lý do nào, và thời gian nào đã lập ra ngôi chùa này? Từ lâu, An Thái là thị tứ công nghiệp, nổi tiếng sản xuất bún song thần, lạp xưởng, gạch ngói, khăn lông; những ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với củi lửa. Nhưng ngày xưa, chưa có thiết bị an toàn phòng cháy, nên hỏa hoạn là mối đe dọa lớn nhất. Vào cuối thế kỷ XVIII, ở thị tứ này xảy ra vụ cháy lớn, thiêu rụi cả làng nghề. Sau đó, người ta lập chùa thờ thần hỏa, cầu xin sự bình an. Hằng năm, vào dịp rằm tháng bảy Âm lịch, chùa này mở hội làm chay và đổ giàn, để tạ ơn Thần linh đã phù hộ một năm qua bình yên không có hỏa hoạn.
Ở An Thái còn một ngôi chùa Bà nữa, dựng lên thờ bà Thiên Mẫu, nhưng để phân biệt, gọi là chùa Bà Trước (chữ “trước” không phải để xác định vị trí không gian trước sau, mà tính theo thời gian lập chùa). Chùa có tên chính thức là An Hòa Tự, lấy tên trang (thôn) An Hòa (địa danh thời bấy giờ) đặt tên cho ngôi chùa, khai sơn năm 1760, do ba họ: Lâm, Trịnh, Quách gốc người Minh Hương tạo dựng.
[13] Kịt ngựa: thế võ tiến thẳng tới hoặc tiến sang bên phải, bên trái của đối thủ mà bàn chân không rời mặt đất.
[14] Khu vực là đơn vị hành chánh đồng cấp với thôn, nhưng lại trực thuộc phường, trong lúc thôn lại trực thuộc xã.
[15] Dương Kinh Quốc; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử (1858 - 1918), bản in lần thứ 2, Tập I (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001); trang 182.
[16] Robin Hood là một nhân vật anh hùng trong văn học dân gian của nước Anh. Ông là một tay bắn cung, đánh kiếm tuyệt kỹ và xuất chúng. Ông được nhiều người biết đến qua việc cướp của nhà giàu phân phát cho người nghèo khổ.
[17] Thị xã Hoài Nhơn: Nghị quyết số 932/NQ-UBTVQH14, ngày 22 tháng 4 năm 2020, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cải biến huyện Hoài Nhơn thành thị xã Hoài Nhơn có 17 đơn vị hành chánh, gồm 11 phường: Bồng Sơn, Hoài Đức, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Xuân, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam; và 6 xã: Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Phú, Hoài Sơn.
[18] Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, Quyển 5, Tập trung (Sài Gòn, Tác giả xuất bản, 1963); trang 361. Và Việt Sử Tân Biên; Quyển 7 (Sài Gòn, 1972 – Glendale, CA, cơ sở Đại Nam tái bản); trang 239.
[19] Nhưn: là thuật ngữ vừa là thổ ngữ của Bình Định, dùng để gọi thầy dạy hát và tập luyện điệu bộ cho con hát nhập vai tuồng. Nói một cách khác, ông Nhưn gần như người phụ tá cho đạo diễn.
- Lãnh Lương, tên ngọn núi ở thôn Tả Giang, xã Tây Giang (Bình Giang cũ), sát quốc lộ 19. Theo Nguyễn Xuân Nhân, Văn Học Dân Gian Tây Sơn, trang 22: nơi đây Nguyễn Lữ phát lương cho quân sĩ.
- Hòn Ngang: Ở phía Tây Bắc xã Bình Tường, và phía Đông Nam xã Tây Giang có dãy Hoành Sơn, cao 364 m, nằm ngang trải dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, dân trong vùng quen gọi là Núi Ngang, vì thẳng góc với dãy núi từ hòn Ông Nhạc đến hòn Lãnh Lương. Tương truyền hài cốt của thân phụ Tam Kiệt Tây Sơn được táng ở Núi Ngang.
- Đá Hàng là phụ lưu quan trọng của sông Côn, còn gọi là sông Hầm Hô, hay sông Đồng Hươu. Phát nguyên từ vùng núi cao ở xã Canh Liên (huyện Vân Canh), chảy theo chiều Nam Bắc đến xã Tây Phú thì gặp sông Cây Trâm từ xã Vĩnh An, chảy xuống theo chiều Tây Đông, hợp lưu tại Đồng Giang, xã Tây Phú. Rồi chảy theo chiều Đông Bắc đến thị trấn Phú Phong thì nhập vào sông Côn. Từ đèo An Khê xuống phủ lỵ Qui Nhơn (tức thành Đồ Bàn) phải qua sông này.
[9] Chùm tháp Dương Long, gồm 3 tháp Chăm đứng thẳng hàng trên một gò cao, tháp giữa cao 39 m, hai tháp bên cao 32 m, là cụm tháp cao nhất trong các tháp Chăm.
[10] Nghị quyết số 101/NQ-CP, ký ngày 28- 11- 2011, nâng cấp huyện An Nhơn thành thị xã An Nhơn, thuộc tỉnh Bình Định, gồm 5 phường: Nhơn Hòa, Bình Định, Nhơn Hưng, Đập Đá, Nhơn Thành; và 10 xã: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh.
[11] Nguyễn Xuân Nhân, Văn Học Dân Gian Tây Sơn, trang 25: ông Tư Quỳnh (ở Phước Bình, An Cửu, An Khê) cho rằng câu này là một trong các mật lệnh tình báo của Tây Sơn.
[12] Chùa Bà Hỏa, còn gọi là chùa Bà Sau. Bởi lý do nào, và thời gian nào đã lập ra ngôi chùa này? Từ lâu, An Thái là thị tứ công nghiệp, nổi tiếng sản xuất bún song thần, lạp xưởng, gạch ngói, khăn lông; những ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với củi lửa. Nhưng ngày xưa, chưa có thiết bị an toàn phòng cháy, nên hỏa hoạn là mối đe dọa lớn nhất. Vào cuối thế kỷ XVIII, ở thị tứ này xảy ra vụ cháy lớn, thiêu rụi cả làng nghề. Sau đó, người ta lập chùa thờ thần hỏa, cầu xin sự bình an. Hằng năm, vào dịp rằm tháng bảy Âm lịch, chùa này mở hội làm chay và đổ giàn, để tạ ơn Thần linh đã phù hộ một năm qua bình yên không có hỏa hoạn.
Ở An Thái còn một ngôi chùa Bà nữa, dựng lên thờ bà Thiên Mẫu, nhưng để phân biệt, gọi là chùa Bà Trước (chữ “trước” không phải để xác định vị trí không gian trước sau, mà tính theo thời gian lập chùa). Chùa có tên chính thức là An Hòa Tự, lấy tên trang (thôn) An Hòa (địa danh thời bấy giờ) đặt tên cho ngôi chùa, khai sơn năm 1760, do ba họ: Lâm, Trịnh, Quách gốc người Minh Hương tạo dựng.
[13] Kịt ngựa: thế võ tiến thẳng tới hoặc tiến sang bên phải, bên trái của đối thủ mà bàn chân không rời mặt đất.
[14] Khu vực là đơn vị hành chánh đồng cấp với thôn, nhưng lại trực thuộc phường, trong lúc thôn lại trực thuộc xã.
[15] Dương Kinh Quốc; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử (1858 - 1918), bản in lần thứ 2, Tập I (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001); trang 182.
[16] Robin Hood là một nhân vật anh hùng trong văn học dân gian của nước Anh. Ông là một tay bắn cung, đánh kiếm tuyệt kỹ và xuất chúng. Ông được nhiều người biết đến qua việc cướp của nhà giàu phân phát cho người nghèo khổ.
[17] Thị xã Hoài Nhơn: Nghị quyết số 932/NQ-UBTVQH14, ngày 22 tháng 4 năm 2020, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cải biến huyện Hoài Nhơn thành thị xã Hoài Nhơn có 17 đơn vị hành chánh, gồm 11 phường: Bồng Sơn, Hoài Đức, Hoài Hảo, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Xuân, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam; và 6 xã: Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Phú, Hoài Sơn.
[18] Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, Quyển 5, Tập trung (Sài Gòn, Tác giả xuất bản, 1963); trang 361. Và Việt Sử Tân Biên; Quyển 7 (Sài Gòn, 1972 – Glendale, CA, cơ sở Đại Nam tái bản); trang 239.
[19] Nhưn: là thuật ngữ vừa là thổ ngữ của Bình Định, dùng để gọi thầy dạy hát và tập luyện điệu bộ cho con hát nhập vai tuồng. Nói một cách khác, ông Nhưn gần như người phụ tá cho đạo diễn.
Tài Liệu Tham Khảo
01/ Bùi Văn Lăng; Địa Dư Mông Học Tỉnh Bình Định, in lần thứ nhì; Imprimerie de Qui Nhơn, 1935.
02/ . . . . . . . . . . . . . . .; Danh Nhân Bình Định; Hà Nội, Tác giả xuất bản, 1942.
03/ Cao Xuân Dục; Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch; Sài Gòn, nxb TP/ HCM, 1993.
04/ Dương Kinh Quốc; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1858 - 1918, Tái bản lần thứ nhất; Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001.
05/ Đào Đức Chương; Chuyện Làng Võ; “Nguyệt San Làng Văn” (Toronto, Canada) số 159, tháng 11- 1997, trang 48 - 55.
06/ Đặng Quý Địch; Nhân Vật Bình Định; Sài Gòn, Soạn giả xuất bản, 1971.
02/ . . . . . . . . . . . . . . .; Danh Nhân Bình Định; Hà Nội, Tác giả xuất bản, 1942.
03/ Cao Xuân Dục; Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch; Sài Gòn, nxb TP/ HCM, 1993.
04/ Dương Kinh Quốc; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1858 - 1918, Tái bản lần thứ nhất; Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001.
05/ Đào Đức Chương; Chuyện Làng Võ; “Nguyệt San Làng Văn” (Toronto, Canada) số 159, tháng 11- 1997, trang 48 - 55.
06/ Đặng Quý Địch; Nhân Vật Bình Định; Sài Gòn, Soạn giả xuất bản, 1971.
07/ Đỗ Bang; Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn; Huế, nxb Thuận Hóa, 1998.
08/ Hoa Bằng; Quang Trung Nguyễn Huệ; Glendale CA, Đại Nam tái bản, không đề năm.
09/ Hoàng Chương - Nguyễn Có; Bài Chòi Dân Ca Bình Định; Không đề nơi, nxb Sân Khấu, 1997.
10/ Nguyễn Đình Đầu; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn - Bình Định I, II, III; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.
11/ Nguyễn Xuân Nhân; Văn Học Dân Gian Tây Sơn; Không đề nơi. nxb Trẻ, 1999.
12/ Quách Tấn; Nước Non Bình Định; Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967.
13/ Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Quyển IX; Bản dịch, Tập 1, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, tái bản lần thứ nhất; Đà Nẵng, nxb Giáo Dục (chi nhánh), 2007.
14/ Tài Liệu; Đồng Khánh, Địa Dư Chí (同 慶 地 輿 誌); ấn bản PDF.
15/ Thạch Phương - Ngô Quang Hiển sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu; Ca Dao Nam Trung Bộ; Sài Gòn, nxb Khoa Học Xã Hội, 1994.
16/ Tổng Cục Địa Chánh; Tỉnh Bình Định - Bản Đồ Hành Chính, trọn bộ gồm 4 bản, mỗi bản khổ 78 x 106 cm; Không đề nơi, Nhà Xuất Bản Bản Đồ; tháng 12 - 2001.
17/ Trần Đình Thái; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ sách đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.
18/ Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ bảy; Sài Gòn, nxbTân Việt, 1964.
08/ Hoa Bằng; Quang Trung Nguyễn Huệ; Glendale CA, Đại Nam tái bản, không đề năm.
09/ Hoàng Chương - Nguyễn Có; Bài Chòi Dân Ca Bình Định; Không đề nơi, nxb Sân Khấu, 1997.
10/ Nguyễn Đình Đầu; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn - Bình Định I, II, III; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.
11/ Nguyễn Xuân Nhân; Văn Học Dân Gian Tây Sơn; Không đề nơi. nxb Trẻ, 1999.
12/ Quách Tấn; Nước Non Bình Định; Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967.
13/ Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Quyển IX; Bản dịch, Tập 1, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, tái bản lần thứ nhất; Đà Nẵng, nxb Giáo Dục (chi nhánh), 2007.
14/ Tài Liệu; Đồng Khánh, Địa Dư Chí (同 慶 地 輿 誌); ấn bản PDF.
15/ Thạch Phương - Ngô Quang Hiển sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu; Ca Dao Nam Trung Bộ; Sài Gòn, nxb Khoa Học Xã Hội, 1994.
16/ Tổng Cục Địa Chánh; Tỉnh Bình Định - Bản Đồ Hành Chính, trọn bộ gồm 4 bản, mỗi bản khổ 78 x 106 cm; Không đề nơi, Nhà Xuất Bản Bản Đồ; tháng 12 - 2001.
17/ Trần Đình Thái; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ sách đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.
18/ Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ bảy; Sài Gòn, nxbTân Việt, 1964.