Trung thu có nghĩa là giữa mùa Thu. Tết Trung Thu (Mid-Autumn Festival) là ngày Tết vào giữa mùa Thu, ngày 15 tức là ngày Rằm tháng Tám, của mỗi năm âm lịch (lunar calendar). Không nên nhầm với Lễ Trung Nguyên vào ngày 15 tháng Bảy.
Có thể nói Tết Trung Thu là ngày lễ lớn thứ hai của Việt Nam, sau Tết Nguyên Đán.
Ngoài Trung Hoa và Việt Nam, nhiều quốc gia Á Đông khác đều có ngày lễ tương tự như Tết Trung Thu này, tuy mỗi quốc gia có mừng ngày vui một cách khác nhau, khác ít hay khác nhiều. Thí dụ ở Đại Hàn là Lễ Tạ Ơn Chusok, ở Nhật Bản là Hội Zyuyoga…
1. Nguồn Gốc Tết Trung Thu
Tết Trung Thu có lẽ bắt nguồn từ nước Trung Hoa. Có nhiều chuyện được truyền tụng về nguồn gốc của Tết Trung Thu, nhưng câu chuyện Đường Minh Hoàng Du Nguyệt Điện sau đây có lẽ được nhiều người biết.
Hàng ngàn năm trước, bên Trung Hoa, đời nhà Đường, vua Đường Minh Hoàng (713 Đường Minh Hoàng -741 Tây Lịch), nhớ Dương Quí Phi đã qua đời, thành đi dạo chơi vườn Ngự Uyển, vào một đêm Rằm tháng Tám. Nhìn mặt trăng to và đẹp, ông Vua ngắm trăng, mê thích quá và tự nhiên buột miệng nói ra ước muốn được đi thăm mặt trăng. Tình cờ một ông Tiên (có chỗ nói là Đạo sĩ La Công Viễn và có chỗ lại là Pháp Sư Diệu Pháp Thiện) nghe được và đã dùng cầu vồng nối lên mặt trăng cho vị Vua được lên Cung Trăng. Ở trên Cung Trăng, nhà Vua được xem các Tiên Nữ hát và múa “Tây Thiên Điệu Khúc.” Trong đám tiên nữ múa, nhà vua nhìn thấy cả hình ảnh Dương Quý Phi. Khi quay về lại quả đất, vua nhớ lại và họp thêm “Khúc Hát Bà La Môn” do Trương Kính Thuật, Tiết Độ Sứ Tây Lương, vừa triều tiến cùng lúc, để chế thành thành “Khúc Nghê Thường Vũ Y” (Nghê là cầu vồng, Thường là xiêm váy). Rồi thương nhớ Dương Quí Phi, vua mở tiệc có cung nữ múa hát. Và để nhớ lại dịp được đi thăm mặt Trăng, nhà vua đặt ngày Rằm Tháng Tám mỗi năm là ngày Tết Trung Thu cho mọi người cùng vui mừng đón và ngắm trăng. Cũng vì vậy, ngày Tết này còn được gọi là Tết Trông Trăng.
Một chuyện khác cũng hay được nhắc và cho là nguồn gốc Tết Trung Thu. Ngày xưa ở Trung Hoa, thời Tây Hán, đang lúc chiến tranh, hết lương thực, Lưu Tú phải cầu xin nhờ Thượng Đế, thành quân lính tìm được khoai môn và bưởi để ăn trong dịp Rằm tháng Tám. Về sau Lưu Tú dẹp được giặc, lên làm vua Quang Võ, nhà Hậu Hán và ông đã nhớ tổ chức lễ tạ ơn mỗi năm vào ngày này.
Dần dần Tết Trung Thu thành ngày lễ lớn ở Trung Hoa. Đó thường trùng với dịp gặt lúa thành cũng là dịp mừng vui hàng năm của các nông gia. Sau một thời gian bỏ hết thì giờ và công sức cực nhọc gặt lúa, đây là lúc bỏ thì giờ làm lễ tạ ơn trời phật, thần tiên mặt trăng.
Tết Trung Thu của Việt Nam thì khác vì trở thành một ngày lễ chính của trẻ em và cũng là lúc người lớn để ý săn sóc đến con cái còn nhỏ. Tuy nhiên, người lớn cũng có những thú vui cùng dịp. Họ sửa soạn thức ăn, thức uống rượu hay trà, để làm tiệc ngắm trăng. Sau khi trẻ con đi ca hát, rước đèn Trung Thu về thì “phá cỗ” lúc mặt trăng lên cao nhất.
2. Trăng Trung Thu Và Tiên Tri
Ngày Rằm tháng Tám Âm Lịch, Tết Trung Thu, trăng tròn lớn và sáng. Ngày xưa, dịp Trung Thu, khi ngắm trăng, người ta nhìn màu sắc để đoán tương lai năm sau.
Nguời ta tin là nếu màu trăng vàng thì năm tới sẽ trúng mùa màng tốt, và do đó có câu:
“Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng Rằm Tháng Tám.”
Khi trăng màu xanh thì sẽ bị thiên tai. Và, nếu trăng màu cam thì đất nước sẽ thanh bình.
3. Đèn Trung Thu
Tết Trung Thu đặc biệt có đèn Trung Thu. Các đèn Trung Thu được chế tạo cho trẻ em với thiên hình vạn trạng như đèn lồng, đèn xếp, đèn quả dưa, đèn ngôi sao, đèn mặt trăng, đèn con cá (nhất là đèn cá chép), đèn con giống, đèn kết hoa… Đủ thứ loại đèn, sặc sỡ muôn màu.
Một trong những loại đèn Trung Thu đáng kể nhất là đèn kéo quân, loại đèn có hình ảnh của quân sĩ và tướng tá quay quanh trục đèn. Bài dân ca “Đèn Cù” có thể bắt nguồn từ cái đèn kéo quân.
Những ngày gần đến Tết, trẻ em đã được thắp đèn ở nhà. Một hai tối trước và đúng tối ngày Rằm tháng Tám, các trẻ em rủ nhau đi rước đèn Trung Thu. Các em cầm đèn Trung Thu có ngọn nến thắp sáng ở giữa, đi thành từng đoàn ngoài ngõ khắp đường phố, vừa đi vừa đồng ca hát, thật là náo nhiệt.
Trước 1975, đèn Trung Thu nổi tiếng sản xuất từ Phú Bình, quận 11 của Sài Gòn. Những người làm đèn Trung Thu ở đây là dân di cư năm 1954 từ làng Báo Đáp, tỉnh Nam Định, Bắc Việt. Họ đã làm đèn Trung Thu bán cho cả nước.
Nhưng, đèn Trung Thu đầu tiên ở Việt Nam là bắt đầu ở Hội An, Trung Việt từ xưa khoảng thế kỷ 16 hay 17, khi người Trung Hoa di dân sang lập nghiệp tại thành phố này. Đèn Trung Thu Hội An thay vì bọc giấy thì dùng lụa Hà Đông, làm ánh sáng đẹp hơn.
4. Đồ Chơi Trung Thu Khác Cho Trẻ Con
Những ngày Trung Thu cũng là lúc trẻ con hay được cho đồ chơi. Ngoài đèn Trung Thu kể trên, có đủ loại đồ chơi khác nhau.
Đáng kể nhất là Ông Tiến Sĩ Giấy là một đồ chơi bằng giấy làm thành người đàn ông, trông có vẻ có… học thức cao. Ông Tiến Sĩ Giấy thường được để vào chỗ giữa và cao nhất trong mâm cỗ Trung Thu gồm những món ăn uống ngon nhất là bánh trái, hoa quả của ngày lễ. Chữ “tiến sĩ giấy” dùng sau này, để ám chỉ những người muốn “lòe” người khác, tự cho mình có bằng cấp, mà thật không có bằng, là từ đây mà ra.
Những đồ chơi cho trẻ con đặc biệt khác trong dịp Trung Thu làm bằng giấy bồi, có đủ thứ và đươc chế thành các hoa quả, đình chùa, người…
Rồi phải kể đến các con giống, tức là thú vật kể cả con thiềm thử… nặn bằng bột và được tô đủ màu.
Xong đến các mặt nạ giả những nhân vật trong truyện xưa nổi tiếng của Trung Hoa, như Tôn Ngộ Không (khỉ), Trư Bát Giới (heo)… trong truyện Tây Du Ký hay Quan Công, Trương Phi… trong truyện Tam Quốc Chí.
Dĩ nhiên còn rất nhiều đồ chơi khác nhau như súng phun, trống bỗi, chong chóng, dao kiếm bằng nhựa… và không thể nào kể hết được.
5. Bánh Trung Thu
Bánh ngon, đặc biệt nhất trong dịp lễ này dĩ nhiên là bánh Trung Thu (mooncakes). Được biết bánh Trung Thu có thể bắt nguồn từ thời Trung Hoa bị người Mông Cổ xâm nhập. Vì bị người Nguyên cai trị, người Trung Hoa âm mưu nổi dậy, định vào một ngày rằm tháng 8. Để tập hợp các lực lượng nổi dậy cùng lúc, một trong những người cầm đầu là Lưu Bá Ôn đã cho bán bánh và trong ruột bánh có mảnh giấy đề “đêm 15 tháng 8 khởi nghĩa”, như là một cách truyền tin. Nhờ vậy người dân nhiệt liệt hưởng ứng và đã lật đổ đươc chính thể cai trị hà khắc của người Mông Cổ. Từ đó bên Trung Hoa có tục lệ mỗi năm họp gia đình ăn bánh ngày rằm tháng 8 để kỷ niệm chuyện này.
Bánh Trung Thu lúc đầu tròn như mặt trăng, được gọi là bánh “đoàn viên” vì là bánh cho cả gia đình ăn, khi đoàn tụ ngắm trăng.
Bánh Trung Thu lúc đầu tròn như mặt trăng, được gọi là bánh “đoàn viên” vì là bánh cho cả gia đình ăn, khi đoàn tụ ngắm trăng.
Ngày nay, bánh Trung Thu gồm hai loại bánh dẻo có nhân đậu, hạt sen hay bánh nướng có nhân thập cẩm. Khi làm vỏ bánh Trung Thu phải đổ bột vào khuôn để bánh có hình mặt trăng, mặt trời, hoa quả… và cần thợ làm bánh khéo tay.
Bánh dẻo màu trắng, tượng trưng cho mặt trăng. Bánh dẻo có vỏ làm bằng bột nếp. Nhân hạt sen hay đậu xanh, vỏ cam… Bánh dẻo ngọt và thơm.
Bánh nướng màu vàng, tượng trưng cho mặt trời. Bánh nướng có vỏ là bột mì. Nhân bánh nướng thường thập cẩm như lòng đỏ trứng muối, thịt heo, lạp xưởng, hạt dưa… Bánh nướng hương vị mặn mà.
Bánh Trung Thu mua để cho gia đình ăn, nhưng cũng là quà mọi người mua biếu họ hàng, người thân hoặc để biếu các người ân nhân hay “ân nhân.”
6. Trái Cây Trung Thu
Trong ngày Tết, người ta hay bày cỗ bàn với nhiều món trái cây tươi, như chuối, hồng, thị, na, mía… nhưng đặc biệt nhất là bưởi. Ngày xưa tép bưởi được phơi khô, xiên vào tre hay dây thép, phơi thật khô và đêm Trung Thu đem ra đốt cho sáng. Tép bưởi cũng dùng để xếp đặt xây thành hình các con thú vật, thường là hình con chó. Nước hoa bưởi được dùng pha vào vỏ bánh dẻo cho thơm.
Tạm kể thêm vào chỗ này một món ăn ngon mùa Thu, không thể thiếu trong dịp Trung Thu ở ngoài Bắc, là cốm thơm dẻo và ngon, nhất là cốm làng Vòng.
7. Múa Lân Hay Múa Sư Tử
Trung Thu có những trò chơi. Vui nhộn nhất là Múa Sư Tử hay Múa Lân (Unicorn Dance), thường thấy ở ngày Tết Trung Thu (và ở những ngày Tết Nguyên Đán). Lân là một trong bốn con vật quý. Theo triền thuyết, Tứ Quý gồm Long Lân Qui Phượng. Lân tức là kỳ lân với kỳ là con đực và lân là con cái. Đầu lân có một sừng rất to. Nhìn thoáng qua đầu lân giống đầu sư tử thành ở miền Bắc Việt gọi là múa sư tử. Đám múa lân có một người cầm đội một đầu lân to bằng giấy màu sắc sặc sỡ. Đầu lân nối với đuôi lân là một mảnh vải màu dài do một người khác cầm. Hai người này, người ở đầu lân múa đầu và người ở đuôi lân phất đuôi, theo nhịp trống và thanh la. Thường có thêm một người thứ ba đeo mặt nạ giả làm Ông Địa (Earth Lord). Ông Địa, có mặt tròn xoe như mặt trăng trông vui và ngộ nghĩnh, vẫy quạt, đùa, trêu gọi cho con lân đuổi bắt.
Có thêm những người khác trong đám múa lân đi theo để đánh thanh la, cầm cờ nhiều màu, cầm kiếm, cầm côn…
Khi con lân đi qua một nhà nào có treo tiền ở cao, nó dừng lại để trèo lên cao lấy tiền. Các người thuộc đám múa lân sẽ khéo léo đứng trồng lên nhau, đội và đưa lân lên cao để con lân sẽ “há miệng” rồi “ngậm” xong “nuốt” tiền thưởng.
Bên Trung Hoa, không có múa lân nhưng có điệu múa rồng (Dragon Dance).
8. Hát Trống Quân
Ở miền Bắc, ngày xưa, vào dịp Tết Trung Thu, thanh niên thanh nữ thường rủ nhau hát Trống Quân. Hai bên nam nữ hát đố, đối đáp với nhau, nhiều khi là những câu hát hò ứng khẩu, nhưng vẫn có ý tưởng và theo vần, thường theo thể thơ Lục Bát. Họ hát và đập vào sợi dây gai hay dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, thành ra những tiếng động giống như tiếng trống làm nhịp, thường là ba nhịp “thình thùng thình” cho câu hát.
Hát Trống Quân, đặc biệt của và chỉ có ở Việt Nam, nghe nói bắt nguồn từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng.
Vua Quang Trung, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, trong chuyến đem quân ra Bắc đại phá quân Thanh, đã cho quân giả làm con gái, để rồi như là trai gái hai bên hát trống quân, cho quân lính đỡ nhớ nhà. Và từ đó ông cũng đã làm hát trống quân trở thành thịnh hành trong dân gian.
9. Thơ Trung Thu
Xin kể 4 câu của Tản Đà:
“Có bầu có bạn can chi tủi
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười”
Cùng gió cùng mây thế mới vui
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám
Tựa nhau trông xuống thế gian cười”
10. Truyện Cổ Tích Trung Thu
Tết Trung Thu cũng là lúc ông bà hay kể chuyện cổ tích cho con cháu.
Truyện cổ tích Trung Hoa về mặt trăng hay được nhắc đến trong dịp Tết Trung Thu là chuyện Hậu Nghệ-Hằng Nga. Hằng Nga (có chỗ gọi là Thường Nga) là vợ Hậu Nghệ và cả hai đều là thần tiên sống trên trời. Lúc đó có Ngọc Hoàng Thượng Đế có 10 người con là 10 mặt tròi, chiếu sức nóng quá độ xuống quả đất. Để cứu dân khỏi sức hủy hoại của sức nóng, Hậu Nghệ đã bắn cung làm rơi 9 mặt trời chỉ để lại một. Vì vậy Hậu Nghệ và Hằng Nga bị Ngọc Hoàng đầy xuống trần gian. Hậu Nghệ gặp và được tiên Tây Vương Mẫu cho viên thần dược, trường sinh bất tử, uống vào là bay lên trời, lại thành tiên. Nhưng Hậu Nghệ không uống vì muốn ở dưới trần với vợ yêu Hằng Nga và Hậu Nghệ đưa thuốc cho Hằng Nga giữ. Bồng Mông là người xấu, tấn công Hằng Nga để lấy viên thuốc. Hằng Nga sợ thuốc lọt vào kẻ gian đành tự nuốt viên thuốc. Sau khi uống thuốc, Hằng Nga biến thành tiên bay lên mặt trăng, xa cách với Hậu Nghệ mãi mãi. Trên mặt trăng Hằng Nga sống ở Cung Quảng Hàn, gặp và làm bạn với một con thỏ trắng đẹp gọi là Thỏ Ngọc (Ngọc Thố).
Một trong những chuyện cổ tích khá nổi tiếng là chuyện Cá Hóa Long, chuyện của một con cá chép nhờ sự cố gắng mà đã được biến thành rồng. Câu chuyện thường dùng để khuyến khích trẻ em học tính chuyên cần cố gắng, để được thành công trong tương lai.
Chuyện cổ tích về chú Cuội như sau. Ngày xưa nhà Cuội có cây đa. Một hôm chú Cuội đi vắng nhà, không biết sao, cây đa bật gốc bay lên trời. Chú Cuội vừa về đến, nhảy lên bám rễ đa níu lại nhưng không được và bị cuốn theo lên mặt tăng luôn. Nhìn lên mặt trăng, người ta dường như thấy có bóng cây đa và bóng người ngồi dưới gốc coi như là Chú Cuội.
Một chuyện cổ tích khác, cũng về Chú Cuội nhưng lại có… vợ, hay được nhắc đến trong dịp Trung Thu, là Chuyện Chị Hằng. Ngày xưa có người tên là Chú Cuội tìm được một cây đa ở sau nhà có mãnh lực làm lành những vết thương. Vì cây đa có phép lạ như vậy, không ai được phép tiểu tiện ở gốc cây. Vợ của Chú Cuội là Chị Hằng, một lần tình cờ quên và không nhịn được đã tiểu tiện vào cây. Sau đó Chị Hằng leo lên cành cây ngồi và bất thình lình, cây đa mọc thật nhanh, thật cao lên đến mặt Trăng đem theo Chị Hằng. Từ đó chị Hằng, bị phạt, phải sống trên Cung Trăng mãi mãi.
11. Đồng Dao Ca Dao Trung Thu
Một trong những bài đồng dao Trung Thu ngày xưa là:
“Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp
Có tệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có chiếu bám dù
Thằng cu xí xoài
Bắt trai bỏ giỏ
Cái đỏ ẵm em
Đi xem đánh cá
Có rá vo gạo
Có gáo múc nước
Có lược chải đầu
Có trâu cầy ruộng
Có muống thả ao
Ông sao trên trời …”
Xuống chơi với tôi
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp
Có tệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có chiếu bám dù
Thằng cu xí xoài
Bắt trai bỏ giỏ
Cái đỏ ẵm em
Đi xem đánh cá
Có rá vo gạo
Có gáo múc nước
Có lược chải đầu
Có trâu cầy ruộng
Có muống thả ao
Ông sao trên trời …”
Ca dao hay được nhắc đến trong dịp Trung Thu:
“Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên”
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên”
Ý nghĩa bài ca dao là không nên bỏ những chuyện nhỏ, nhưng thực tế đi lo những chuyện lớn, nhưng viển vông.
Ca dao khác về “thằng Cuội”:
Ca dao khác về “thằng Cuội”:
“Thằng cuội đứng giữa cung trăng
Cầm rìu cầm rựa đốn săng kiền kiền”
Cầm rìu cầm rựa đốn săng kiền kiền”
“Săng” là cây gỗ (tiếng miền Trung), còn “kiền kiền” là một loại gỗ tốt. Ý nghĩa chắc là ai cũng phải làm việc, ngay cả Cuội cũng phải đốn gỗ mà sống.
Câu ca dao tình tứ sau thì dễ hiểu:
“Trăng tròn chỉ có đêm rằm
Tình ta tháng tháng năm năm vẫn tròn”
12. Nhạc Nhi Đồng Trung Thu
Về sau này, khi có đài phát thanh radio, vào dịp Trung Thu,nhiều bài hát về trẻ em thường được trình bày. Nhiều nhất là những bài nhạc Tuổi Thơ do nhạc sĩ Lê Thương sáng tác như Thằng Cuội:
“Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng cuội già
Ôm một mối mơ…
…Có con dế mèn
Suốt trong đêm thâu
Hát xẩm không tiền
Nên nghèo xác xơ…
… Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi Ông Trời
Cho mượn cái thang”
Có cây đa to
Có thằng cuội già
Ôm một mối mơ…
…Có con dế mèn
Suốt trong đêm thâu
Hát xẩm không tiền
Nên nghèo xác xơ…
… Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi Ông Trời
Cho mượn cái thang”
Các bài khác cho nhi đồng của Lê Thương hay được hát vào dịp Trung Thu là Ông Ninh Ông Nang, Tuổi Thơ…
Nhưng, bài tân nhạc nổi tiếng, hay được hát nhất vào dịp Trung Thu là bài Rước Đèn Tháng Tám:
“Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi
Em đốt đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung Trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh xanh với đèn trắng trắng
Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu”
Em đốt đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung Trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh xanh với đèn trắng trắng
Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu”
Bài hát này, từ xưa vẫn biết của nhạc sĩ Văn Thanh. Tuy là gần đây có nghe nói nhạc sĩ Văn Thanh cải chính cho biết bài này do Vân Thanh cũng là nhạc sĩ Đức Quỳnh (tác giả bài nhạc luân vũ Thoi Tơ phổ thơ Nguyễn Bính) sáng tác.
Phạm Anh Dũng
2010
Santa Maria, California USA
Santa Maria, California USA