User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
DĐTK nhận được bài viết này của cố Nhà giáo, nhà văn Đào Quang Mỹ, bút hiệu Hoài Mỹ (chủ nhiệm bán nguyệt san Ngàn Thông, đã mất tại California từ năm 2018) từ nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Thực ở Oslo, Na Uy.

Vì không thể liên hệ trực tiếp nên qua đây DĐTK xin gửi lời xin phép gia đình cố nhà văn Hoài Mỹ về việc đăng bài “Năm Mão lai rai chuyện Mèo” này nhân dịp Xuân Quý Mão 2023 và xin cảm ơn nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Thực đã giới thiệu một bài phiếm về mèo rất hay của cố nhà văn Hoài Mỹ.
***
chuyenmeohm
Mèo vờn cá vàng - Cat Pawing at Goldfish  Isoda Koryusai - 1770s
 
Nói về nguồn gốc tên gọi của 12 con Giáp, chỉ có Mèo là người ta thấy ngay được sự liên hệ giữa “chủ” và “danh”. Chẳng cần dài dòng văn tự hay vòng vo tam quốc hoặc phải tra cứu sách vở Đông Tây, ai cũng có thể giải thích đúng boong tại sao con Giáp thứ tư này lại gọi là Mèo hay Miêu – Thưa, chỉ tại tiếng kêu của nó: “Meo... mi-ao”. Thế thôi! Tuy nhiên, ấy là nói về tiếng Việt mới có sự đồng thuận ngon lành như thế, chứ trong ngôn ngữ khác thì... đành chịu tình trạng tranh cãi. Vả lại, mỗi dân tộc lại đặt một tên khác cho “loài động vật có vú nhỏ và ăn thịt” này, trừ danh pháp khoa học của Mèo – Felis silvestris catus – thì xài chung.

Tuy vậy, thiết tưởng cũng cần nhắc, ngày xửa ngày xưa Mèo còn có tên là Mãn, nhưng chẳng được mấy ai gọi. Nguồn gốc của từ Mãn là Mãnh đấy. Truy tầm lý lịch Mèo, người ta được biết Mèo có họ hàng ruột thịt với Hổ như sẽ kể ở phần dưới đây – mà Hổ, ngoài tên cúng cơm Cọp, còn có nhiều biệt danh, như Hùm, Ông Ba Mươi và ông Mãnh – nhưng vì có vấn đề xích mích bất khả hòa giải hòa hợp nên cuối cùng Mèo và Hổ chẳng những không có thể tiếp tục sống chung với nhau nữa mà còn tự biến hình đổi dạng cho đoạt tuyệt vể thể lý cũng như đoạn tình đoạn nghĩa luôn. Từ đó Hổ tự ông Mãnh vẫn to lớn còn mèo thì tự nguyện bé lại. Loài người vốn sợ oai Hổ nên cũng tự động tránh húy bằng cách gọi trại Mãnh thành Mãn – khi viết thì chặt bỏ mẫu tự “h” – nhưng vẫn giữ âm na ná nhau để ngầm chỉ về mối liên hệ máu mủ cố hữu của hai giống thú này. 

Ngoài ra vì Mèo có nhiều màu lông nên người ta cũng dựa vào đó để đặt tên đệm cho nó, chẳng hạn mèo mun, tam thể, đen hoặc bạch (trắng)...

Xuất xứ của Mèo – Theo Bách Khoa tự điển, loài mèo đã hiện diện trên trái đất này chừng hơn 40 triệu năm rồi đấy; nhưng theo dòng tiến hóa, mèo dần dần từ bỏ cuộc sống hoang dã để làm quen rồi gắn bó keo sơn với cuộc sống của con người – nhưng từ bao giờ, không ai biết chắc chắn, chỉ đoán khoảng từ 9.000 đến 15.000 năm nay. Được biết, người Ai Cập đi đầu trong việc biến mèo hoang thành gia súc. Mới đây giới khảo cổ vừa tìm được một bộ xương của một con mèo đã được chôn cùng với chủ nó cách nay 9.500 năm ở đảo quốc Cyprus, vùng Cận Đông, nơi mèo được thờ cúng.

Còn ở Việt Nam, mèo trở thành “bạn ta” mới chừng từ 4.000 tới 7.000 năm thôi. Mạn phép phát ngôn khơi khơi vậy thôi, chứ thật sự chẳng có di tích lịch sử nào hầu bảo đảm luận lý “nói có sách, mách có chứng”. Nhưng nói gì, cứ nói, còn hiện nay mèo đã là con vật phổ biến nhất trên thế giới và gần gũi với con người hơn cả mặc dù không được liệt kê vào danh sách “lục súc tranh công”, tức là sáu con vật nuôi ở trong nhà: Ngựa, trâu, dê, chó, lợn và gà. Do đó những mẩu chuyện lai rai này chỉ nhằm duy nhất vào “mèo nhà” mà thôi.

Còn theo truyện cổ, mèo vốn dòng giống nhà Trời cơ đấy. Thiên sử chép rằng chuột cũng là giống linh thiêng ở trên trời và được Thiên Hoàng giao phận sự coi sóc kho lúa. Chuột chẳng những không chu toàn bổn phận mà còn thường xuyên mở cửa kho cho đồng loại vào ăn nhậu tưng bừng khiến các vựa lúa vơi dần. Thiên Hoàng biết được, giận tím mặt, bèn đầy chuột xuống trần gian cho bõ ghét. Thế nhưng Thiên Hoàng vẫn còn chút ngây thơ nên tiếp tục sai chuột quản lý lẫm thóc của nhân gian. Không ngờ chuột vẫn chứng nào tật nấy, lại rủ nhau ngày đêm ăn rả rích thóc lúa của người khiến người phải vừa khóc vừa than: Chuột kia xưa ở nơi nao? Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này?. Thần Bếp phần động lòng trắc ẩn, phần cũng bị đói theo khi người ta bị mất gạo nên cũng xuống thang việc nấu nướng, bèn đáp cá Chép về trời để tâu trình mọi tai ương do chuột gây nên rồi xin Thiên Hoàng rút chuột về nguyên quán. Thiên Hoàng thở dài, trả lời đã lỡ quyết định rồi, nay không thể thay đổi được nữa, e thần dân trách tiền hậu bất nhất, đặc biệt sợ vợ chê thiếu... cứng rắn, nhưng rồi sau hết ngài cũng may mắn nghĩ ra được một phương án khác. Đó là việc Thiên Hoàng cử Linh Miêu xuống thế trị tội chuột bằng cách được quyền tha hồ ăn thịt chúng.

Lần đầu tiên thấy con thú lạ này, cổ nhân Việt Nam không biết đó là Linh Miêu, chỉ nghe tiếng kêu “me... mi-ao” thì nghĩ nó đã tự giới thiệu tên như vậy, bèn gọi nó là Mèo. Từ đó danh từ này “chết” luôn với Linh Miêu. Ngược lại, Linh Miêu nghe âm thanh “me... èo” cũng hay hay, vui tai nên không những chẳng thèm cải chính mà còn hoan hỉ nhận biệt hiệu mới ấy làm tên cúng cơm của mình.

Thời gian trôi, Linh Miêu hay Mèo cũng thế, ăn thịt chuột đã quá nhiều, đâm ngán đồng thời lại gây mối thù bất cộng đái thiên với loài chuột, nên tiếc nuối thưở vàng son trên thiên cung. Mèo ngửa cổ van xin Thiên Hoàng cho hồi hương – nào ngờ trước đó thần Bếp nhân một chuyến “công vụ 23 tháng Chạp” đã báo cáo với Thiên Hoàng là Linh Miêu làm được “good job”, nhờ thế chuột đã bớt phá hoại thóc gạo của nhân gian – thành ra Thiên Hoàng bác bỏ thẳng cẳng lời ca ảo não của Linh Miêu đồng thời còn tăng cường cho mèo nhiều đặc điểm sắp kể dưới đây cộng với một tấm bằng tưởng lệ “Mèo già hóa cáo”, ý khen càng thêm tuổi càng tinh khôn, ranh mãnh. Thất vọng, mèo buồn thối ruột khiến nhân gian nhìn thấy, phải thốt lên: “Tiu nghỉu như mèo mất tai”!

Ở đời, những vụ giận cá chém thớt vẫn thường diễn ra nhiều còn hơn cơm bữa. Mèo bởi thế giận sôi gan tím mật thần Bếp, nhưng không thể chính thức khai chiến hoặc công khai đụng độ, vì dù sao cũng gốc nhà trời mí nhau, lại cùng đẳng cấp thần. Mèo bèn thỉnh thoảng vào ị trong đống tro bếp để bụng bớt nặng khối thù thiên thu ấy, nhưng cũng từ đó Mèo bị người đời chê bai: “Mèo hay ỉa bếp”.

Đặc điểm của Mèo – Thưở sống trên trời, Linh Miêu bất tử, nhưng từ khi xuống trần gian, mèo cũng đương nhiên chịu tác dụng của luật đào thải, tức là cũng phải chết như bao sinh vật khác. Cuộc đời của mèo thông thường kéo dài từ 14 đến 20 năm, nhưng nếu “được” triệt sản và không đi hoang thì một con mèo có thể thọ tới 30 tuổi. 

Nhìn cảnh “lừ lừ như mèo nằm với người” qua hình ảnh ả mèo được một công chúa hay một mỹ nhân bồng ẵm, nhiều chàng trai đã thèm nhỏ dãi: Ước gì ta hóa ra mèo – để cho ai bế, ai đèo trên tay! Thế nhưng chớ quên trọng lượng kẻo gãy tay nàng nếu kẻ ấy được may mắn hóa kiếp thành mèo, bởi vì mèo thông thường chỉ nặng từ 2,5 đến 7 ký lô hay 5,5 – 16 pao. Dĩ nhiên nếu có con mèo đạt tới kỷ lục 23 ký (50 pao) thì cũng có con rất nhỏ, nặng chưa tới 1,8 ký hay 4,0 pao.

chuyenmeohm1Mùa hè: Con mèo trên lan can. Théophile-Alexandre Steinlen, 1909

Tính khí mèo thay đổi khôn lường tùy theo giống và môi trường. Chẳng thế mà người đời vẫn đem phái nữ ví với mèo. Y chang! Theo những nhà chuyên môn về động vật, mèo lông ngắn thường ưa hoạt động vì thế thân hình thon nhỏ, trong khi mèo lông dài lại to xác và lười chẩy thây khiến thành ngữ, tục ngữ cũng phải có những câu miêu tả sự biếng nhác ấy: “Lôi thôi như mèo sổ ruột” – hay: “Lèo nhèo như mèo vật đống rơm” –  và: “Ăn rồi lại nằm mèo”.

Nói vậy kể cũng hơi oan cho mèo. Sở dĩ mèo phải ngủ nhiều hơn đa số động vật khác là để duy trì năng lượng cơ thể nhất là khi mèo già đi. Trung bình trong ngày mèo ngủ từ 12 đến 16 tiếng, nhưng cũng có thể ngon giấc tới 20 giờ. Mèo hoạt động nhiều vào lúc hoàng hôn và càng về tối mèo càng hiếu động và quậy “mút mùa lệ thủy”. Thêm vào đó, mèo cũng thường đùa nghịch vào sáng sớm như kiểu tập thể dục cho giãn gân giãn cốt sau một đêm dài ngon giấc. 

Nhân nói về tính tình mèo, người ta phải đề cao sự sạch sẽ của loài này. Hãy chiêm ngưỡng hình ảnh một con mèo thực hành các nghi thức tự làm sạch và chải chuốt: Không chỉ khi ngủ dậy hay đi đâu về, mèo làm vệ sinh cho cơ thể nhiều lần trong ngày bằng cách thè lưỡi ra và tiết nước miếng vào chân rồi dùng chân chùi mặt và toàn thân với mục đích xóa sạch các vết bẩn, kể cả hơi tay của người vừa bồng bế mèo hoặc bất cứ mùi gì khác lạ. Ấy vậy, tuy được tôn vinh là loài thú sạch sẽ nhất nhưng mèo ghét tắm, bởi mèo không chịu nổi lông trên cơ thể ướt át. 

Vốn sợ nước thế mà trong cuộc bơi đua qua giòng Thiên Giang do Đức Phật tổ chức cho tất cả sinh vật để tuyển chọn 12 thí sinh nào bơi về trước làm thập nhị Giáp, mèo đã đứng hạng tư để mang danh Mão (chỉ sau Tí/chuột, Sửu/trâu và Dần/cọp) đủ chứng tỏ tài nghệ, nhất là ý lực của mèo đáng được ngả mũ chào!

Vâng, tính khí đã chẳng giống các loài thú khác, mèo cũng dị biệt về thể chất so với toàn thể động vật khác. Này nhé: Mắt mèo có nhiều màu nhưng phổ thông là vàng, cam và xanh lá cây. Tầm nhìn của mèo tốt nhất, tăng lên vào ban đêm và trong bóng tối nhưng kém vào ban ngày hay chỗ có nhiều ánh sáng do tròng đen khép hẹp lại. 

- Này nhé: Về khứu giác, số lượng tế bào ở mũi mèo nhiều gấp đôi của người, thành ra khứu giác mèo mạnh gấp 14 lần so với của người. Nhờ thế nhiều mùi, trong khi mũi chúng ta “điếc” còn mèo thì vẫn ngửi thấy rành rẽ. Chỉ duy một điều lạ, xúc giác của mèo khá mạnh; vị giác khá nhậy bén, nhưng vì thiếu “gen” cần thiết mà mèo (và thỏ) không cảm nhận được vị ngọt. 

- Này nhé: Mèo có tai vểnh cao. Đặc biệt nhất ở điểm mèo có thể vểnh mỗi tai về một hướng khác nhau hoặc quay mình về một hướng trong khi vẫn hướng tai về hướng khác. Ấy là nhờ mèo có đến 32 cơ dị biệt để điều khiển hướng nghe của tai. Khi giận dữ, sợ hãi, chơi đùa hay chú ý đến một tiếng động phát ra từ phía sau, mèo thường chĩa tai về phía sau; tuy nhiên nói chung, tùy pheo hướng phát ra tiếng động mà tai mèo có thể xoay về phía đó như thể máy ra-đa xoay chiều để “bắt” âm thanh vậy. Bởi thế không lạ khi chuột cứ thi đua mà “từ chết đến bị thương” trong móng vuốt vừa tài nghệ lẫn tàn bạo của mèo. 

- Này nhé: Chân mèo mới đặc biệt. Cả bốn chân mèo không có xương đòn cứng, nhưng điều đáng nhấn mạnh hơn cả là những móng vuốt vốn có thể giương ra hay thu lại theo nhu cầu. Mèo giương một hay nhiều vuốt những khi leo trèo, săn mồi, tự vệ hay để tăng ma sát khi bước trên những bề mặt trơn nhẵn. Trong những khi nhàn nhã, nghỉ ngơi thì mèo thu vuốt lại trong da và lông quanh đệm ngón. Khi đi, mèo bước trên đầu ngón chân, bước rất chính xác nhờ đặt bàn chân sau trực tiếp lên dấu chân bàn chân trước. Bởi vậy, mèo giảm thiểu được tiếng ồn và ít để lại dấu vết khi di chuyển. Cậy vào những ưu điểm kể trên cộng với đặc tính “luôn rơi chân xuống trước” mà mèo thích “nhào lộn”, ưa leo trèo và khoái ngồi ở các chỗ cao. Nếu có ngã, mèo sử dụng ngay cảm giác thăng bằng sắc bén và khả năng phản xạ để tự xoay thân tới vị trí thích hợp. Thiếu gì trường hợp mèo ngã từ độ cao, có khi từ tầng lầu thứ 5, thứ 10 mà vẫn sống nhăn, bình yên vô sự.

Mạn phép mở tạm dừng ở đây chút đỉnh. Người bình dân Việt Nam xưa, hiểu gì đâu về khoa học, biết gì đâu môn sinh vật, vậy mà nói trúng phoóc về vai trò lợi hại của tai và đuôi mèo. Như trên vừa mô tả, tai mèo xoay chiều đổi hướng được nhằm để “bắt” tiếng động. Đuôi giúp mèo giữ được “phản xạ thăng bằng” khi mèo rơi từ trên cao xuống. Nếu bị mất tai và đuôi, mèo kể như vất đi, vô giá trị. Điều này đã được cổ nhân ứng dụng vào con người qua ca dao: “Mèo lành ai nỡ cắt tai – Gái kia chồng lẫy khoe tài, chi em” – và: “Còn duyên anh cưới ba heo; hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi”.

- Và này nữa: Kết quả một cuộc nghiên cứu cho biết trí nhớ của mèo lưu giữ được hình ảnh hay dấu hiệu thông tin trong vòng 10 phút với điều kiện cơ thể nó vừa phản ứng đối với “đối tượng” ấy, chẳng hạn mèo mới bước qua một đồ vật. Nhưng chỉ sau vài giây, mèo đã quên béng những gì mèo ta đã nhìn thấy nhưng chưa kịp làm; tuy nhiên về trí thông minh, mèo được xếp ưu hạng cơ đấy – bằng chứng là người ta có thể dạy mèo hoặc mèo tự học một số việc làm đơn giản như mở cửa ra vào hay cửa tủ lạnh, giật nước trong nhà cầu, vờn trái banh, lấy mền đắp mình khi lạnh...

- Rồi sau hết: Mèo thích ứng nhanh, chỉ cần một tháng là đã làm quen được với một môi trường mới. Mèo cái đẻ mỗi lứa từ 2 tới 4 con, nhưng chừng trên 4 tháng là nàng mèo lại có thể mang thai lại. Mèo sơ sinh không nhìn thấy gì, phải mất khoảng hơn một tuần lễ mới mở mắt... nhìn đời. Chào đời được chừng một tháng, mèo con đã có thể chạy, nhảy, leo trèo trong lúc theo mẹ đi săn mồi... cho tới tháng thứ tư thì có thể “tự biên tự diễn” bắt chuột.

Đến thời kỳ sinh sản, mèo cái thường đi tìm mèo đực. Vào thời gian này, lông mèo cái trở nên bóng mượt; thân thể toát ra mùi “sex” như kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” và giọng kêu đặc biệt, nghe khàn khàn, nhựa nhựa nhưng cũng não nùng lắm để hấp dẫn mèo đực. Biết vậy, nhưng đố ai thấy được cảnh mèo “đi tơ”. Cũng vậy khi mèo cái sinh con, chẳng mấy người lấy được cái nhau mèo trừ khi chính mèo-phụ-sản đồng ý cho. Nghe nói, nhau mèo rất bổ, chữa bá bệnh, nhất là chứng suyễn kinh niên và sài đẹn, cọc còi. Ở nước ta, các tay đỏ đen cũng ao ước vớ được nhau mèo, bởi họ tin đó là điềm hên, xuất quân là chỉ có vơ bạc chứ không bao giờ phải móc hầu bao. 

Nhân đây cũng xin nói luôn là trong nhiều nền văn hóa Trung cổ, ở Ai Cập và một số quốc gia Bắc Âu chẳng hạn, mèo bị coi là ma quỉ, thường là tay chân trung tín của các mụ phù thủy. Ở Tây phương cho tới nay vẫn có nhiều người duy trì niềm tin dị đoan đối với mèo, nhất là mèo đen. Ra đường, gặp mèo đen, họ quay trở về ngay, bằng cứ đường ta, ta cứ đi, ắt sẽ gặp thất bại, tai nạn và những hệ lụy xúi quẩy khác.

Lại kể thêm tí nữa ở nước ta, trong gia đình có người qua đời, nếu nhà nuôi mèo đen thì người ta phải cột/buộc thật kỹ nó lại, đề phòng mèo đen... vô tình, vô ý mà nhảy qua thi hài, tức thì xác người chết sẽ tự động ngồi bật dậy ngay. Từ đó kẻ quá cố sẽ muôn kiếp không thể được siêu thoát còn con mèo đen ấy bỏ nhà chủ ra sống ở nghĩa địa – như người Việt mình đã có câu: “Mèo lành ở mả bao giờ; của yêu ai có bày ra ở ngoài” hay câu: “Mèo mả gà đồng” – cho tới ngày nó trở thành quỉ dữ bất tử, gần giống quỷ nhập tràng; chỉ khác quỷ nhập tràng thì chuyên hút máu, còn quỷ Hắc Miêu lại tạp thực, nghĩa là đụng gì ăn nấy, nhưng nếu gặp được món thịt hay những món tanh thì sướng mé đìu hiu. Phải chăng vì thế mà như trên đã kể, vào thời Cổ Đại, người Ai Cập cũng đã có tục lệ thờ cúng mèo thần.

Cô mèo cháu cọp – Đề cập đến mối liên hệ dòng giống với mèo, sách bách khoa viết là trong số những thành viên của họ mèo (Felis silvestris catus), đặc biệt có hổ là gần gũi hơn cả. Hai loài này có những đặc điểm chung như ăn thịt (Carnivora) nhờ sự thể hiện ở răng, móng vuốt, như có khả năng săn đêm xuyên qua đặc điểm về mắt. Ấy là nói về thời đại khoảng 40 triệu năm về trước. Riêng mèo, kể từ khi rời bỏ chốn hoang dã để thuần hóa thành mèo nhà (Felis catus domestica), kích thước cơ thể và một số đặc tính của nó cũng đã dần dần biến đổi theo môi trường mới, chẳng hạn: “Mèo nhỏ bắt chuột con” hoặc: “Ăn nhỏ nhẻ như mèo”.

Còn truyện tích thì khẩu truyền rằng ngày xửa ngày xưa, mèo với hổ hay cọp vốn là hai cô cháu. Mèo là cô, cọp là cháu. Hai cô cháu sinh sống ở cùng một khu rừng và nhất dạ thương nhau. Lần kia, cọp bắt được một con heo lớn lắm, đề nghị với cô nên để dành ăn dần, phòng cơ tích trữ. Mèo O.K. liền, nhưng khi cọp đi vắng, mèo ăn thùng bất chi thình. Khi trở về, cọp thấy con heo vĩ đại thế mà nay gần như chẳng còn gì đáng ăn. Giận quá, cọp xỉa xói mèo: “Cô gì mà cô? Cô lô cô lốc! Có miếng thịt nào, bỏ mồm cô hốc!”. Thế là hai cô, cháu “đấu võ miệng” khốc liệt, từ lúc bình minh cho tới khi hoàng hôn mới chịu... đình chiến để sửa soạn đi săn mồi ban đêm.

Từ đó, tuy là bề trên, nhưng mèo để bụng căm cọp, bèn nghĩ ra kế dụ khị cọp: “Cháu ơi, cô nghe thiên hạ ca tụng tài nghệ của cháu, nhưng phần cô thì chẳng được biết cháu mình tài giỏi những gì. Hay bây giờ, cô cháu mình thử vui chơi đọ sức với nhau. Vui thôi, chứ chẳng phải ăn thua đủ gì, cháu ạ”. 

Cọp nặng xác nhưng nhẹ dạ, to đầu mà bé trí nên vừa nghe những lời tâng bốc, đã tưởng mình đang ở trên mây xanh nên nhận lời ngay.

Mèo cười thầm trong bụng, chỉ tay, à quên, chỉ chân về phía một cây cổ thụ, nói: “Cô, cháu mình thử leo lên ngọn cây kia xem ai nhanh, chậm”. Nói xong, mèo phóng mình leo lên trước và leo thật nhanh. Cọp tỏ ra không kém, leo theo sát nút và cũng chỉ trong chớp mắt đã tới đỉnh cây. Mèo khen: “Quả thật danh bất hư truyền. Cháu của cô giỏi hết ý. Nhưng mình thi đua thêm một keo nữa, cháu nhé”. Cọp khoái trá, nhe răng nanh cười... hùm hùm đồng thời trả lời: “Chuyện nhỏ!”.

Giọng mèo êm nhẹ như rót mật vào tai thằng cháu vốn bản tính ruột để ngoài da: “Ta đã leo lên được ngọn cây ngon lành, bi chừ ta lại leo từ ngọn cây xuống tới gốc, xem ai nhanh, ai chậm”. Nói vừa xong, mèo liền quay đầu leo lộn xuống, rất trơn tru và mau chóng nhờ thân hình nhẹ và nhỏ. Tới lượt cọp, lúc leo lên thì dễ nhưng khi xuống, xác cọp bự, đầu cọp nặng nên vừa xoay mình chưa kịp “sang số” thì đã rơi tuột xuống như thể xe lao dốc đứt phanh. Mũi cọp đập phải một tảng đá, tóe máu. Cọp lồm cồm bò dậy, sờ mũi thì thấy mũi đã tẹt đằng nào mất. Khi đó cọp mới giác ngộ, giận quá, gầm lên: “Cô gì mà cô? Cô rô cô rứt! Cháu bắt được cô, không tha cả cứt!”

Mèo nấp sau gốc cây, nhận định tình thế đã hết thuốc chữa, lại sợ khôn tả, bèn lặng lẽ lỉnh xuống miền đồng không mông quạnh, đành tự ý dứt tình cô cháu. Nhưng cũng từ ngày đó, mèo vẫn lo lắng cọp tìm ra tông tích mình để trả thù nên mèo cố gắng giữ vệ sinh thân thể, nghĩa là dùng nước miếng lau chùi lông lá của mình, cốt không để hơi hướm lạ bám vào cũng như không để hơi mình lưu lại những nơi mèo đã đi qua, cương quyết không để lại “chút gì để thương, để nhớ” kẻo lại sa vào trường hợp “lạy ông tôi ở bụi này” – nhất là mỗi lần ị xong, mèo lại nhớ lời đe dọa của cọp, vội vùi phân cho thật kỹ trong tro bếp hoặc dưới đất cát. Người bình dân biết chuyện, kháo nhau: “Giấu như mèo giấu cứt”.

Mèo và chuột – Không con vật nào có mối xung đột sinh tử với mèo bằng chuột. Nói cách khác, hai loài này luôn tìm mọi cơ hội để hại nhau, cốt sao diệt chủng được nhau. Nguyên nhân là vì mèo đã đã được chính Thiên Hoàng cấp “Licence to kill” trọn giống chuột như đã kể ở đoạn xuất xứ của mèo trên đây. Phía chuột, lý do đơn giản nhưng chí lý, ấy là quyền tự vệ để sinh tồn. Hai bên đã trải qua những cuộc chiến đẫm máu mà truyện tích dân gian vẫn truyền lại cho tới nay. Chẳng hạn:

- Nguyên nhân 1 về mối tử thù truyền kiếp giữa mèo, chuột: Sau khi bỏ rừng xuống bình nguyên, mèo bơ vơ bỡ ngỡ, không biết ăn đâu, ngủ đâu, cứ nấp trong bụi cây luôn miệng gào: “Ngh...èo! Ngh..èo! Ngh...èo!”. 

May sao, một chú chuột trung niên đang nằm lai rai ba sợi trong hang, bỗng nghe được tiếng kêu não nề, động lòng xót xa thương tình, bèn bò ra, lớn giọng hỏi: “Ai vậy? Ai mà than thở thế?” – Mèo ngao ngao đáp lại bằng một cung điệu diễn ca: “Tên tôi vốn thực là mèo. Vì giận cháu cọp, tôi bỏ rú xuống nương. Tính tôi ham món thịt xương; phận tôi lại nghèo, tìm đường tôi kiếm ăn”.

Chuột tò mò hỏi lại: “Thế bác hay ăn thịt những giống nào?” – Mèo bèn trút bầu tâm sự: “Xưa nay tôi chỉ ăn thịt heo thôi, nhưng gặp đi đói thì vớ được con cá hay con nhái, tôi cũng chẳng dám chê”. Chuột tuy nhìn thấy nanh mèo nhọn, móng mèo sắc, cũng rét, nhưng vẫn động lòng trắc ẩn trước số phần của kẻ sa cơ lỡ bước này, bèn đề nghị: “Tôi thông cảm hoàn cảnh của bác lắm, nhưng trước hết bác làm ơn dẹp bộ nanh vuốt của bác lại, nhìn cứ... lạnh lùng sương gió làm sao í. Vâng, giờ tôi xin bật mí cho bác biết một nơi kiếm ăn khỏi chê vào đâu nổi. Số là tôi thường lui tới một ngôi nhà lúc nào cũng tràn đầy thịt cá, dư thừa ngô gạo. Bác tha hồ xơi những thứ hợp khẩu vị cho no, cho béo, chỉ sợ không đủ sức thôi”. 

Mới nghe vậy, nước dãi đã lũ lụt trong miệng mèo. Sau khi ra dấu cho chuột ngưng mô tả thiên đàng hạ giới đó, kẻo hết chịu nổi cơn cám dỗ, mèo bèn thúc đẩy chuột đưa ngay mình tới miền đất hứa đó. 

Chuột liền hướng dẫn mèo trực chỉ mục tiêu. Trên đường đi, đôi bạn mới này đã tạo thành một hình ảnh thân thương thật đẹp: “Quăn queo đuôi chuột, vênh vênh tai mèo”. Cả hai đã thành khẩn khai báo với nhau về các món ăn truyền thống của mình. Mèo thì nhận mèo chỉ khoái thịt cá; chuột nói chuột mê thóc gạo. Mèo cười: “Như vậy thì anh em mình không sợ đụng hàng. Cứ nói toạc móng heo như vậy lại hay; phần ai nấy ăn”. Tới nơi, mèo chuột giao kèo với nhau sau khi đã thề độc: Thịt cá để phần mèo, thóc gạo phần chuột. Ai đi vắng, kẻ kia có trách nhiệm phải bảo quản phần của bạn. 

Từ đó mèo, chuột ăn ở với nhau rất mực hòa thuận. Cho tới một hôm, mèo được đại gia Cáo mời đến nhà đánh chén. Hôm sau về nhà, mèo nhận ra chiếc đùi heo của mình lúc ra đi vẫn còn treo nguyên si một chỗ, nay đã bị mất một miếng to gần bằng cái chén. Mèo nghi ngờ chuột, liền gọi chuột đến trình diện: “Tại sao có sự cố này khi trong nhà chỉ có anh và chú? Số thịt bị mất cũng đáng giá ba quan tiền chứ ít sao!”

Lúc đầu, chuột giải thích rằng vì nó mải chơi nên chó đã lợi dụng dịp may hiếm có ấy mà tới ăn vụng thịt. Nhưng mèo nào phải giống dễ tin, cứ nhất định buộc tội chuột. Cuối cùng, chuột mới nói rằng: “Một mất mười ngờ, nếu bác cứ nghi em thế này thì bác cứ đi bói để biết thật hư”; rồi chuột cho luôn địa chỉ: “Vùng này có thầy Chồn tinh thông thiên địa, nức tiếng bói toán, tử vi. Bác thử tới đó xin bói một quẻ”. Chưa dứt lời, chuột đã nước mắt lưng tròng, giãi bày thêm: “Gì chứ, miếng thịt là miếng... nhục, các cụ mình đã dạy vậy, chúng ta đừng vì thế mà để tình huynh đệ sứt mẻ, bác ơi!”. 

Mèo nhìn nhận chuột có lý, lập tức tìm đến thầy Chồn. Quả đúng như lời chuột đã giới thiệu, khách khứa ra vào tấp nập, đủ mặt bá quan văn võ. Chỉ riêng nhìn khách xếp hàng chờ tới phiên mình vào xin được coi bói, cũng đủ khiếp, dễ dài cũng gần một dặm. Mèo cũng phải theo nếp sống có văn hóa chứ không phải kiểu sống trên rừng, trong bưng xưa kia, nên cũng lấy số rồi đứng nối đuôi các thân chủ khác. Mãi tới lúc mặt trời gần xế bóng mới tới lượt mèo. Thầy Chồn không thèm nhìn mèo, phán luôn: “Tôi nghe nói lúc nào cậu cũng kêu “ngh... èo” thì lấy tiền đâu trả tôi mà cũng đòi bói?” Mèo hỏi giá cả. Chồn đáp: “Muốn cho Thánh ứng vào quẻ, ít ra cũng phải cặp gà đi bộ”. Mèo lễ phép thưa: “Xin thầy cứ bói cho tôi, gà đi bộ thì dạo này hiếm tí, nhưng gà xí nghiệp thì bao nhiêu tôi cũng nộp đủ”. Chồn ngần ngừ một chút, nhưng nghĩ khách mới, cần xử đẹp để lấy tiếng và giữ miếng, bèn chép miệng: “Thôi đã biết danh thầy mà tìm đến đây thì thầy cũng bói giùm cho một quẻ... Vậy chẳng hay cậu tuổi gì?” – Mèo đáp: “Dạ, tuổi Mão”. 

Chồn, miệng lẩm bẩm câu thần chú, chân gieo quẻ, phán bằng thi ca: “Hôm qua là ngày Mồng Ba, anh mèo mất thịt, ắt là Tí chăng?”, đoạn mách nước thêm: “Tuổi Tí này cũng chẳng đâu xa. Chính là một kẻ cùng nhà đấy thôi”.

Trí óc mèo làm việc ngay: Tuổi Tí mà lại cùng ở chung một nhà ư? Thôi đích thị là thằng chuột rồi! Nghĩ ra, mèo giận lắm, tức tốc chạy về nhà. Vừa vào tới ngõ, mèo đã gầm lên: “Meo meo méo méo mèo mèo! Đứa nào ăn thịt của tao treo trong nhà? Tao về, tao bắt chẳng tha!...”

Nghe tiếng mèo gầm gừ, tuy sợ teo lại, nhưng chuột vẫn cố làm ra vẻ tỉnh bơ, mon men lại gần, hỏi vồn vã: “Thưa bác đi bói mới về? Thế thầy đoán làm sao, linh không ạ?”. 

Mèo liền nhe nanh, giơ móng, gằn giọng: “Cứ trong quẻ bói mà suy; hôm qua mất thịt, ắt thì chuột ăn”.

Chỉ mới nghe vậy, chuột đã kinh hãi mất mật (thành ra loài chuột từ đó không còn mật nữa), phải mếu máo thú thật:” Quả tình là em có chót dại nhấm nháp một ít thịt của bác. Còn phần mất khác là do con chó nó đớp dù bác đã áp dụng những lời hay ý đẹp: “Chó treo, mèo đậy” và: “Buộc cổ mèo, treo cổ chó”, nhưng con chó mình u thịt bắp, em không dám đụng trận... Xin bác cho em xin lỗi! Vả lại, nhà này thiếu gì thịt, mất miếng này, ta lấy trộm miếng khác. Hơn nữa, xin bác nghĩ lại cho em nhờ tí, vậy ai đã đưa bác vào cái nhà núi của này?”

Nghe chuột lý sự cùn, mèo điên tiết, vểnh râu, quạt liên thanh: “Thằng này láo! Mày dám giễu cợt là tao chỉ biết ăn trộm hả? Hèn chi, đêm đêm bọn con cháu mày cứ thấy tao đi tuần tiễu khắp nơi, lại thi đua rúc rích cười nhạo. Giờ mày lại khinh tao nên mới giở cái giọng cà bựa ấy ra. Tao cho mày biết, tao đây không phải tay mơ. Chẳng gì tao cũng là cô con cọp. Cọp to lớn như thế mà vẫn phải chào thua mưu cao của tao, huống hồ lũ chuột ranh chúng mày!”.

Chuột chợt thấy sự thể đã không xong, co cả bốn chân định chạy. Mèo liền nhảy xổ đến, chộp lấy chuột. Đúng lúc đó cơn đói cồn cào xông đến khiến mèo chợt nhớ suốt từ sáng đền giờ, phần giận mất thịt, phần bận rộn đi coi bói, mèo chưa có gì bỏ bụng. Mèo nhìn chuột rồi chẳng nói chẳng rằng, bỏ quách vào miệng nhai... Trời! Thịt chuột sao ngon hết sẩy thế này! Thịt heo thua xa! Trời hỡi, tuyệt!

Thề rồi từ hôm đó quen mùi, mèo cứ bắt chuột ăn, và tài nghệ bắt chuột của mèo đã đạt tới siêu đẳng.

Nào ngờ, câu chuyện giữa mèo, chuột đã được chủ nhà chứng kiến ngay từ đầu. Phần vì mèo là giống vật lạ lần đầu tiên trong đời ông chủ nhìn thấy nên ông rất quan tâm; phần thấy tuồng tích hay hay nên ông không can thiệp vào vì muốn theo dõi nhiều tập, cho tới khi mèo xơi tái chuột, chủ nhà bỗng nhảy bật lên, reo to: “Eureka! Eureka!”. Rồi, tuy biết mèo có tính làm biếng lại hay ăn vụng, nhưng chủ nhà vẫn nuôi nấng mèo tử tế, vì biết chỉ có mèo mới trị nổi loài chuột chuyên môn đục khoét, phá hoại mà đã từ lâu ông đã ao ước diệt trừ nhưng không xuể, cứ đành bó tay chịu trận.

Từ ngày được nuôi trong nhà với cơm canh ngày hai bữa với cá, thịt, cô mèo đã quên hẳn cháu cọp vẫn thui thủi một mình trên cõi sơn lâm. Bạn thân nhất của mèo bây giờ là chó, nhưng vì bản tính quỉ quyệt nên mèo thường sinh sự với chó, gạt lường chó, như có lần: “Con mèo sán vỡ nồi rang; con chó chạy lại nó mang lấy đòn”. Có lẽ vì thế mà chó đã tìm cách chơi lại mèo bằng cách phản tuyên truyền, tung ra điềm mê tín dị đoan rằng: “Mèo đến nhà thì khó – Chó đến nhà thì giàu”. Cuộc chiến mèo, chó diễn ra trường kỳ khiến chủ nhà bực mình, luôn miệng phải “chửi mèo, mắng chó”.

Hình ảnh mèo, chó không ngừng gấu gó nhau đã được người đời mang vào đời sống xã hội để rồi mỗi khi thấy cảnh bất hòa giữa hai người thân, lại mắng: “Cứ như thể chó với mèo không bằng!”.

- Nguyên nhân 2: Ban đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm xương máu nên chuột vẫn coi mèo chẳng có trọng lượng. Cứ thấy mèo, bầy chuột lại đồng ca chế giễu: “Con mèo con mẻo con meo, muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà” – “Mèo già ăn trộm, mèo ốm phải đòn” – “Cơm treo, mèo nhịn đói” – và: “Lôi thôi như mèo sổ ruột, lèo nhèo như mèo vật đống rơm” – “Mèo cào không sẻ vách vôi” – đặc biệt là những câu: “Mèo già lại thua gan chuột lắt” – “Khỉ ơi là khỉ, mèo vẫn hoàn mèo” – và rồi: “Mèo khen mèo dài đuôi; chuột khoe chuột nhỏ dễ chui dễ trèo”... Và khi nhìn cảnh mèo, chó tuy thân thiện đấy nhưng lại liền cấu có nhau, cả nhà chuột lại đàn trống mỉa mai inh ỏi: “Mèo đàng, chó điếm”, hay: “Chó khô, mèo lạc” – là: “Không chó, bắt mèo ăn cứt!... 

Câu chuyện “Mèo mắc mưu chuột” sau đây mới chứng tỏ thời kỳ loài chuột đánh giá mèo không bằng thứ mãn giấy. Số là ngày nọ, một chú chuột nhắt (hay lắt cũng vậy) đang thơ thẩn “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” thì bị một con mèo già tóm được, định ăn thịt. Vốn lanh lợi, chuột lắt vội van van lạy lạy mèo: “Bẩm ngài, khẩn ngài gia ân cho con sống thêm ít ngày nữa để con chu toàn đạo hiếu với cha mẹ, bởi mai là ngày giỗ song thân nên hôm nay con phải ra chợ mua mớ tôm tép thật tươi để về làm lễ vật cúng. Nếu ngài đại cảm thông cho hoàn cảnh thì nhân đây con kính cẩn mời ngài ngày mai quá bộ sang nhà con xơi cỗ”. 

Mèo già vừa nghe đến tôm tép tươi lại được thưởng thức cỗ bàn, liền hỏi lại: “Nhà mày cúng giỗ ở đâu?”. Chuột nhắt vội thưa: “Bẩm, nhà chúng con tổ chức cúng giỗ ở ngọn cây cau ngoài vườn. Mai ngài chiếu cố thì vạn hạnh cho nhà chúng con đã đành mà bữa tiệc cũng sẽ vô cùng vui vẻ”. Bản tính tham ăn bốc lên đùng đùng khiến mèo mất hết khôn ngoan và không còn tự chế khiến dãi rớt chảy tuôn ra như mưa nhiệt đới, mèo hoan hỉ thả chuột ra. Chỉ chờ vậy, chuột lắt phóng như bay vào sau cánh cửa nhà, biến mất.

Hôm sau, mèo già bỏ lệ điểm tâm rồi cũng bỏ luôn bữa trưa, dành bụng để chiều đi ăn một bữa cỗ giỗ để đời. Tới giờ, mèo chọn một đồ vía chỉnh tề, đội mũ phớt, cầm cây can thơ thới hân hoan xuất hành. Nhưng lúc ra vườn, trèo lên tận ngọn cây cau mà chẳng thấy họ hàng nhà chuột đâu, cũng chẳng thấy tiệc tùng tôm tép gì cả.

Mèo leo xuống, đứng dưới gốc cây gọi, kêu đến khản cả giọng, hết cả hơi mà tứ bề vẫn chỉ có tiếng gió rì rào như chế nhạo. Mãi đến tối mịt, mèo già mới vỡ lẽ là đã mắc mưu con chuột nhắt.

Tin “mèo già bị chuột nhắt chơi” nhanh còn hơn cuồng phong, được truyền nhanh khắp năm châu bốn bể. Cộng đồng chuột vô cùng hả hê, liên hoan hơn một tuần lễ. Chuột nhắt được gắn huy chương và tôn vinh làm anh hùng nhi đồng vĩ đại. Không những thế, câu chuyện còn vang vọng tới cả thế giới loài người, bởi thế mà sau này trẻ con vẫn thường hát chế giễu mèo rằng:

Con mèo mà trèo cây cao,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đằng xa,
Mua tôm, mua tép giỗ cha con mèo!

Bị cú đau hơn hoạn, dĩ nhiên mèo già căm lắm, bèn ra lệnh cho toàn thể mèo triệt để trả đũa. Thế là chiến dịch càn quét chuột được tiến hành trên toàn cõi. Chuột bị tử trận vô số kể. Ngược lại, mèo ăn không hết hoặc ăn nhiều thịt chuột quá đâm ngán, phát ói, bèn từ đó biến chuột thành đồ chơi. Những khi bắt được chuột, mèo chỉ vờn chuột trong nanh vuốt khiến từ xa, người xưa lầm tưởng mèo đang âu yếm chuột. Ấy cũng nhờ vậy mà tiếng Việt có thêm từ “mèo chuột” để ngầm chỉ cặp trai gái có những hành vi tình ái bí mật. 

- Chuột tìm phương kế phản công: Dân số chuột đã xuống dốc không phanh. Đứng trước họa diệt vong, chuột nhận thức phải vùng lên. Một đại hội nhân dân chuột được triệu tập cấp tốc ở một bãi rác rộng thênh thang thật xa làng xóm, nơi mà ban tổ chức tin chắc như đinh đóng cột là kẻ thù không thể đánh hơi được. Thôi thì đại biểu của mọi thành phần chuột từ khắp nơi đã đáp lời sông núi mà lén lút về tham dự. Nào chuột nhà, chuột cống, nào nhắt, nào chù và cả chuột bạch quí phái nữa, không thiếu giống nào. Hàng hàng lớp lớp lần lượt tiến vào hội trường. Biểu ngữ vô số kể được treo trên ngọn cỏ, dưới gốc cây, nhưng chỉ với duy nhất một lời nguyền sắt thép: “Giết một con mèo mà cứu vạn chuột”. 

Ông Cống được tín nhiệm nắm chức chủ tịch để điều hành đại hội. Mạn phép minh xác ngay rằng Cống đây không phải thứ chuột cống dơ bẩn đâu nhé, nhưng là bậc đại trí thức đấy. Vốn có lời tương truyền rằng: Những năm có khoa thi, chuột thường hay đột nhập vào tủ trong triều đình mà lục tóm những quyển thi, gậm nát cả. Quan trường tức cành hông nhưng không dám kêu tên nó ra mà chửi, sợ bị trả thù, càng nặng tội hơn nữa. Quan bèn đổi giận làm lành hầu mưu cầu hòa bình nên đã đặc cách cho chuột đỗ ngoại ngạch, tâng chuột lên bậc ông Cống, tương đương với bằng Cử Nhân thời nay. 

Vâng, ông Cống tằng hắng giọng, hạ thấp cặp kính lão xuống tận mõm, lớn tiếng tuyên bố: “Cái giống quái quỉ kia (ý chỉ mèo) thật ra cũng chẳng có gì đáng... sợ. Nó chỉ hơn ta ở điểm là trời đã gắn dưới bàn chân nó lớp nhung dầy nên khi nó đi không phát ra tiếng động rồi còn phú cho nó cái tài rình mò và khéo bắt lén. Nay ta cứ đeo một cái chuông nhỏ vào cổ nó để khi nào nó đến, nghe tiếng nhạc này, ta biết trước mà... chạy. Thử hỏi, vậy nó còn làm gì nổi ta nữa? Dám chắc, chẳng bao lâu nó sẽ lăn đùng ra mà chết không kịp ngáp; chết đói í mà, bởi tìm đâu ra nữa... thịt bà con ta mà ăn.”

Tức thì tiếng rúc rích thay tiếng hoan hô vang ầm lên giữa đêm khuya. Toàn thể đại biểu hiện diện đều khua đuôi, chu mõm để bày tỏ sự cảm phục cao kiến của ông Cống. Đại hội biểu quyết bằng cách giơ chân tán đồng phương án của ngài chủ tịch. 

Không đầy nửa tiếng đồng hồ sau, một chiếc chuông nhỏ bằng đồng được mang tới, do chuột tình báo kiếm được ở một nhà hàng xén. Đại hội chuột tái họp với khí thế bừng bừng như lửa thiêu. Các khuôn mặt hớn hở thấy rõ. Chuột nọ tâm tình với chuột kia về ngày thoát ly khỏi nanh vuốt đế quốc Mãn đã gần kề. 

Thế nhưng, khi chủ tịch đại hội đề cập tới nghĩa vụ đeo chuông vào cổ mèo thì lập tức tiếng cười, tiếng nói im bặt. Không một cái tai nào nhúc nhích. Không một cái răng nào nhe ra. Mãi sau, toàn thể đại biểu mới hoàn hồn, đồng đề nghị việc đại sự này nên dành cho ông Cống, bởi đó là tư duy độc đáo của ông. Không ngờ gió đổi chiều tai hại như thế, ông Cng giật bắn mình, nhưng bên ngoài ông vẫn giữ được dáng điệu bệ vệ của kẻ cả. Ông Cống xác nhận công tác ấy đúng là một vinh dự, nhưng vì ông thuộc hàng siêu trượng phu nên không thể đi làm một công việc xét kỹ ra cũng... tầm thường. Rồi không để ai phát biểu ý kiến nữa, ông Cống bán cái luôn cho chuột nhắt: “Tôi đề nghị anh Nhắt, anh vốn nhanh nhẹn, chắc chắn sẽ thành công, đại thành công”.

Nghe chưa hết câu của chủ tịch Cống, chuột nhắt đã tưởng trời sụp. Ruột trong bụng xoắn lại; tim gan đảo lộn tùng phèo. Nhưng chỉ một vài cái nháy mắt sau, Nhắt lấy lại được bình tĩnh, bèn lôi bản tính láu lỉnh bẩm sinh ra để đối phó với tình thế. Nhắt lý luận: “Vâng, tôi không bao giờ dám từ chối bất cứ công tác nào mà quí vị vì thương yêu trao cho. Tuy nhiên tôi nghĩ mình không thể tham lam, vơ vét mọi chiến công cho riêng mình sau khi tôi đã được hội đồng gắn cho Liệt Sĩ bội tinh nhờ đã cả gan đánh lừa mèo già, gây cho toàn thể kẻ thù của chúng ta xấu hổ muôn kiếp. Vậy nay tôi xin nhường vinh dự lớn lao này cho chú Chù. Chú tuy chậm thật đấy, nhưng cẩn thận nên chúng ta không lo hỏng việc”. 

Chù há hốc mõm kinh ngạc đến á khẩu. Ông Cống liền bắt ngay cơ hội bằng vàng này: “Chí lý! Chí lý! Chù à, mày nên biết là bọn mèo chỉ vờn chúng tao thôi, còn mày hôi hám thì nó thèm vào. Nhờ thế mày có thể thơ thới hân hoan mà đeo cả chục cái chuông vào cổ mèo cũng dễ hơn trở bàn chân. Nhận đi, không nói vớ vẩn nữa. Ta tuyên bố tạm ngưng đại hội, chờ tin chiến thắng của thằng Chù để cùng nhau ca khúc khải hoàn”. 

Chù tuyệt vọng nhưng vẫn đành vác chuông lê bốn chân nặng nề đi tìm mèo. Chẳng mấy chốc nó đã nhìn thấy tử thần đang nằm dài ở ổ rơm. Chù tính quay đầu chạy, nhưng chợt nhớ đến lệnh của đại hội, nếu không chu toàn thì sao tránh khỏi bản án tử hình ném đá; nó nhắm nghiền mắt lại, nín thở mà bò tới gần mục tiêu. Chân nó lê tới đâu, nước đái của nó vãi theo đến đó. Vì thế chù càng hôi hám hơn nữa. Quả đúng, mèo không theo thói quen mà đưa nanh vuốt ra vờn chù, nhưng vì mùi của nó nặng quá sức tưởng tượng khiến mèo nhe nanh, hắt xì. Chù sợ tột cùng, phản ứng tự nhiên là cắm cổ chạy, chạy bán sống bán chết, chạy vắt giò lên cổ, chạy xì khói... về được tới tổng hành dinh báo tin thất trận. Thế là toàn thể đại biểu chuột cũng hoảng sợ, bỏ chạy toán loạn, chẳng ai thắc mắc cái chuông đồng nhỏ đâu rồi, đã văng mất từ lúc nào...

Cũng từ thời điểm đó, lịch sử ghi dứt khoát chuột vốn sợ mèo, lại hoàn sợ mèo mãi mãi.

Đích thực mèo ăn những gì? – Qua các sự tích cũng như do chính mèo đã tự giới thiệu, mèo chỉ ăn thịt hoặc xuống cấp một chút thì tôm, cá cũng ngon miệng, trừ những khi kẹt lắm mới phải bất đắc dĩ nuốt cả thằn lằn, ếch nhái... Ngày nay trong siêu thị nào cũng có những quầy bán thực phẩm được chế biến đặc biệt cho mèo để chúng xơi đầy đủ sinh tố. Bởi thế không lạ khi nhiều người than phận mình còn thua xa con vật này. Thế nhưng, thực tế có cần phải vậy không? Khó tin! Các ông bà chủ cứ thi đua mà bắc thang cho mèo trèo trong khi nó vốn tạp thực, đụng gì đớp đó, kể cả trong truờng hợp “không chó, bắt mèo ăn... cứt” như cổ nhân ta đã phán quyết. Chuyện tích “con mèo của vua” dưới đây lại thêm một bằng chứng hùng hồn nữa:

Nhà vua có một con mèo rất đẹp nên vua quí lắm, cho nó ăn toàn những thứ cao lương mỹ vị và buộc cổ mèo bằng dây chuyền vàng.

Trạng Quỳnh vào chầu, nhìn cảnh người, mèo ôm nhau mà ngứa mắt, bèn rình cơ hội bắt trộm mèo về. Thay vì dây chuyền vàng, trạng cột mèo bằng thừng và nhốt lại một chỗ. Đến bữa, trạng bày ra hai bát cơm trước mặt mèo; một bát đầy thịt cá, một bát chỉ có cơm nguội với vài cọng rau muống luộc. Trạng Quỳnh cầm sẵn một cái roi. Hễ “mèo quen mùi thấy mùi ăn mãi” mà chạy lại bát cơm thịt cá thì trạng đánh. Mèo đói quá, phải ăn bát cơm nguội, rau luộc. Cứ như thế được hơn nửa tháng, trạng Quỳnh chẳng cần dùng đến roi vọt, chỉ trừng mắt là mèo đã răm rắp thực hành khuôn khổ.

Trong khi đó nhà vua bị mất mèo, tiếc đứt ruột, cho gia nhân đi tìm. Họ thấy nhà trạng Quỳnh có một con mèo giống hệt, bèn về tâu lại. Vua bắt Quỳnh đem mèo vào chầu. Vừa thấy mèo, vua chất vấn ngay: “Sao nó y chang mèo của trẫm thế? Hay khanh thấy mèo trẫm đẹp nên sa chước cám dỗ mà bắt về? Khai mau!”.

Trạng cúi đầu thưa: “Bệ hạ ơi, bệ hạ nghi cho hạ thần bắt trộm, thật là oan. Vậy xin bệ hạ cứ cho thử thì biết”.

Vua trợn tròn mắt: “Hả? Thử thế nào? Nói cho trẫm nghe”.

“Muôn tâu bệ hạ trường thiện, bệ hạ phú quí thì mèo cũng ăn thịt, ăn cá; còn hạ thần nghèo thì mèo chỉ được ăn cơm nguội, rau luộc thôi. Nếu mèo này...”.

Vua hiểu ý, vội ra hiệu cho Quỳnh ngưng nói thêm rồi truyền cho gia nhân đem hai bát cơm khác nhau ra. Trước cặp mắt nhìn như nẩy lửa của ông trạng, con mèo tự động theo đường xưa lối cũ mà ghé bến cơm nguội, rau luộc. 

Trạng Quỳnh reo lên: “Bệ hạ thấy tỏ tường rồi nhé!” – rồi ung dung bế mèo về nhà mình.

Ấy cổ tích thì truyền vậy, nhưng nói quanh nói quẩn chẳng bằng nói thẳng là không giới nào trong xã hội bằng người bình dân xưa, họ rất giàu kinh nghiệm về gia súc; chẳng thế mà khi nói về cách thức ăn uống của mèo, cổ nhân ta đã tỏ ra thông cảm với nỗi lòng của mèo: “Ăn nhạt mới biết thương đến mèo”, nhất là nhìn nhận mỡ là món đắc ý nhất của mèo, đến độ: “Nỡ nào mèo lại ăn than, bởi chưng có mỡ đổ tràn lên trên” để rồi mỗi khi thấy con cháu rất thèm muốn vật gì, lại ví: “Như mèo thấy mỡ!”...

Ăn thịt mèo được chăng? – Trên đây chỉ thấy đề cập tới việc mèo ăn thứ nọ, khoái khẩu thứ kia, bây giờ thử đặt ngược vấn đề: Vậy người ta có thể ăn được thịt mèo không? Để trả lời theo phương pháp nói có sách, mách có chứng, mạn phép nêu hai trường hợp như sau:

* Thứ nhất, đâu như vào năm 1930, thực dân Pháp đã sang đô hộ nước ta. Một quan khâm sứ Pháp nọ nhân một hôm muốn đãi một số ông tây, bà đầm hạng cao cấp một bữa ăn thịnh soạn. Quan đưa tiền cho anh đầu bếp người Việt để ra chợ mua thỏ về nấu món “civet” quốc hồn quốc túy Pháp. Anh hỏa đầu quân này vốn có quá nhiều máu đỏ đen nên đã uống thuốc liều mà nướng trọn số tiền ấy vào mấy canh xóc đĩa.  

Ra khỏi cơn mê, anh đầu bếp lo sợ toát mồ hôi muối khi nghĩ đến bữa ăn quan trọng buổi tối, nhưng vốn bản tính tháo vát lại quen thói thu cáy trong trò cờ bạc, anh ta đã nghĩ ra kế về nhà bắt mèo nhà mình và của hàng xóm để thay thế thỏ.

Sau khi dìm mèo xuống nước cho chết ngạt, hết kêu, anh đầu bếp dội nước sôi làm lông rồi đốt rơm lên thui cho thịt có màu nâu vàng. Những thứ phụ tùng trong bụng mèo và cả đầu, chân đều được chôn thật sâu dưới lòng đất ngoài vườn. Thịt mèo sau đó được nấu với rượu vang đỏ, hành tỏi – thơm ơi là thơm và bắt mắt can không nổi.

Vừa ăn, các ông tây, bà đầm vừa khen lấy khen để là món thịt ngon hết ý. Thực khách đòi đầu bếp trình diện để hỏi bí quyết. Anh đầu bếp Việt Nam ấp úng trả lời: “Oui, c’est... c’est... lapin anamite“ - Dạ, đó là... là... thịt thỏ an-nam đấy ạ!”

Từ đó, người Việt có câu ngầm ý châm biếm khả năng vị giác của người Pháp: “Miêu nhục hô danh ấy thịt mèo!”.

* Sau nữa, hai tác giả Nhất Thanh và Vũ Văn Khiếu đã viết trong cuốn Đất Lề Quê Thói ở trang 101–102: “Nước ta đã trải qua bao lần mất mùa, nạn chết đói thường khủng khiếp. Khi phải nhịn đói đến sắp chết thì việc ăn thịt mèo, thịt chuột, thiết tưởng không có gì lạ... Sau đó đến nạn đói năm 1945 thời Nhật ở xứ Bắc (Việt Nam), có những làng chết gần hết người, xem ra không còn sót lại một con vật nào, kể cả cóc, nhái, rắn, chuột... nói chi đến chó, mèo”.

Quẻ bói đầu năm – Tân niên mà không có một quẻ bói đầu năm là một thiếu sót lớn; còn chuyện bói đúng hay sai thì... hạ hồi phân giải. 

* Vậy trước hết mạn phép đề cập một cách tổng quát về những người cầm tinh con mèo, bởi năm nay Tân Mão, năm tuổi của họ.  

Vâng, người tuổi Mão, nói chung cả nam lẫn nữ, hầu hết coi trọng hình thức, thích chưng diện bản thân lẫn trang trí nhà cửa, khoái khoe của, mê “shopping”. Nếu có chuyên gia nào chịu khó nghiên cứu, ắt sẽ thấy trong bản thống kê, phe nữ tuổi Mão bao giờ cũng là khách đông đảo nhất ở các thẩm mỹ viện và cửa hàng “neo”. Các thành ngữ “nặng phần trình diễn” hay “hoa hòe hoa sói” mô tả chính xác người tuổi Mão. Thêm vào đó, người tuổi Mão còn thuộc loại đa cảm, đa tình nhưng hay thay đổi trừ phi gặp được thứ tình yêu, tình bạn chân thật thì lại gắn bó keo sơn, sấm sét đánh không nhả ra. 

Bởi bản tính dịu dàng, lễ phép, ít hiếu động, không hiếu thắng nên người tuổi Mão giao thiệp khéo, dễ đắc nhân tâm, nhưng vì thích khoe khoang kiểu “mèo khen mèo dài đuôi” nên cũng rất dễ bị dụ dỗ, bị lường gạt để rồi lúc tỉnh mộng mới vỡ lẽ “mèo lại hoàn mèo”. 

Nam tuổi Mão thì có dáng hào hoa phong nhã, tươi cười, lịch sự, biết mềm nắn rắn buông – nữ thì có ngoại hình xinh đẹp, duyên dáng, cử chỉ từ tốn, đặc biệt trong cách “ăn nhỏ nhẻ như mèo” nên cổ nhân mới so sánh: “Nam thực như hổ, nữ thực như miêu”. Họ đặc biệt tài giỏi nữ công gia chánh, nặng về “văn nghệ văn gừng” đồng thời khí chất thanh cao nên cũng thu hút mạnh mẽ các loại con tim, kể cả những thứ “trái tim mùa đông”...

Thế nhưng, người tuổi Mão thường không dư dả tiền bạc tuy bề ngoài họ vẫn mang vẻ phong lưu. Họ nhanh nhẹn nhưng không hay xoay xở, không khéo quản trị. Tuy có nhẫn nại và nghị lực không khác gì “sào gậy chống bè lim, mèo con bắt chuột cống”, nhưng không giữ được các đặc trưng này lâu bền và nhất là thiếu cương quyết hành động cho tới nơi tới chốn, bởi thế người tuổi Mão chẳng mấy khi trở thành các ông to, bà lớn. Tóm lại, khó mà tìm thấy những đại quí, đại gia, đại phú nơi hạng người tuổi con mèo. 

* Vận mệnh người tuổi Mão trong năm Tân Mão: Năm nay có sao Thái Tuế chiếu mệnh. Sao này tượng trưng cho những thay đổi lớn, bởi vậy nếu biết nắm được thời cơ thì vận lên như diều gặp gió, bằng không thì mệnh sẽ đen còn hơn mõm chó. Thế nhưng dù lên hay xuống thì cũng đừng quên hai câu thơ hợp tình hợp cảnh sau đây trong truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, bởi lý “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Hãy luôn cầu Chúa, khấn Phật, thực hành bác ái, từ bi và tránh làm những việc thất đức. Thành công thì vui là chuyện dĩ nhiên, nhưng chớ kiêu căng, khinh chê kẻ khác, bởi vì ở đời làm sao “biết mỉu nào cắn mỉu nào”. Ngược lại, thất bại, nếu có buồn hẳn cũng là lẽ thường tình thôi, nhưng cần thấu triệt luật thiên nhiên như thể “con mèo, con chó có lông; cây tre có mắt, nồi đồng có quai”, ắt sẽ được thảng thảng đãng đãng. Đời đầy dẫy cảnh bất công, thiên lệch khác chi “hùm mất hươu như mèo mất thịt” cho dù “mèo tha miếng thịt xôn xao, kễnh tha con lợn thì nào thấy chi” hay “mèo tha miếng thị thì đòi, kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng”... thì hãy cứ cố gắng nhìn thấy những ưu điểm nơi người khác, khám phá các khía cạnh tích cực trong mọi hoàn cảnh mà vui sống. Tóm lại, đời tuy không đẹp lắm, nhưng yêu được.

Ngoài ra người tuổi Mão năm nay cũng có quyền sống ung dung tự tại nhờ có thêm sao Thiên Ất quí nhân phù trợ và sao Văn Xương hoa mỹ song hành. Nhờ thế cuộc sống bình yên, thu được đại lợi về công danh sự nghiệp, nhất là về văn hóa nghệ thuật. Nói thế không có nghĩa cứ “ăn rồi lại nằm mèo”, há miệng chờ sung rụng, nhưng phải hoạt động tích cực đều đều. Thiếu ý chí, chẳng chịu khó kiên tâm khác chi không có vũ khí, “đánh giặc mà đánh tay không; thà về xó bếp giương cung bắn mèo”.

Cần nói riêng về tình duyên, người tuổi Mão phải hết sức để ý đấy, kẻo sai một ly, đi một dặm, cái sẩy nẩy cái ung. Người tuổi Mão năm nay phải cẩn thận trong việc giao dịch về tiền bạc, nhất là về tình cảm. Nữ từ tuổi 18 tới 24, nam từ 22 đến 36 sẽ phải đối đầu với lắm cuộc tấn công tình ái, nhưng hầu hết chúng chỉ “phất phơ tơ liễu buông mành”. Tuổi để quyết định tiến tới hôn nhân của nữ nên chờ tới 25 trở lên, nhưng đừng để quá 32; nam trong khoảng tuổi 36 – 42 thì tốt khỏi chê. Quan trọng nhất là phải tự xét mình là đã hoàn tất con đường học vấn chưa, công ăn việc làm có vững vàng không và đối tượng mình để ý chọn có hội đủ tiêu chuẩn chăng; được OK cả rồi thì hãy tiến tới, bằng không cứ tìm cách câu giờ, giữ thế hoãn binh, giậm chân, tử thủ ở khởi điểm hoặc rút lui có trật tự theo châm ngôn “tẩu vi thượng sách”. Thời nay, nam giới chớ có dại dột áp dụng lời khuyên bậy “cưới vợ thì lấy liền tay...”

Về đàng gia đạo, tương đối êm ấm và hạnh phúc tuy tài lộc năm nay không “nhập” nhiều lắm. Nói “tương đối”, bởi gia đạo có thể gặp sóng gió. Những người tuổi Mão từ 30 trở lên cần cẩn thận về tình cảm, tránh nông nổi mà làm đổ vỡ gia đình. Trong nhà, vợ chồng đối xử với nhau đừng bao giờ “như chó với mèo”, nhưng phải thuận hòa, tương kính, cảm thông và luôn giữ được mọi sự tốt đẹp của “thưở ban đầu lưu luyến ấy”. Ra ngoài, đã đành người vợ tuổi Mão rất trung thành trong tình yêu, nhưng đừng quá chủ quan để tránh dễ tin những lời đường mật của các kẻ háo sắc. Người chồng tuổi Mão thường “hung hăng con bọ xít”, bồng bột dấn thân vào các cuộc phiêu lưu mèo-chuột. Vậy chớ thấy gái mà cứ làm như thể “mèo thấy mỡ”. Đế chắc ăn trước các cơn mê “mèo mù vớ cá rán”, hãy thường xuyên nhẩm câu thần chú sau đây trong đầu óc: Ở nhà đã có “sư tử” rồi, chớ dại chơi trò “gậm chân mèo” để vớ thêm “mèo nhí” nữa kẻo bị bản án “buộc cổ mèo, treo cổ chó”! 

Sau hết, xét tình hình quốc tế, thế giới trong năm Tân Mão này vẫn xìu xìu ển ển. Kinh tế chỉ ngóc đầu lên được chút thôi so với năm ngoái nhưng hết kế hoạch nọ tới biện pháp kia cũng vẫn không thể hóa giải tình trạng suy thoái tài chánh và tệ nạn thất nghiệp, phải chờ Nhâm Thìn 2012 may ra kinh tế thế giới mới phất lên mạnh. Về chính trị, con mèo không hòa giải nổi các vụ tranh chấp lớn, trái lại Do Thái và Palestine, Tây phương, Hoa Kỳ với Iran, Bắc Hàn vẫn như “chó với mèo”. Các đảng cộng sản Trung quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cu Ba tiếp tục là những “mèo đàng chó điếm”. Mối bang giao giữa các cường quốc Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nga sô và một số quốc gia độc tài chuyên chế vẫn trong cảnh ngộ “mèo hoang lại gặp chó hoang; anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai”. 

Nhưng dù thế nào đi nữa, kẻ hèn này cũng xin cúi đầu khấn chúc quí vị độc giả, bạn hữu xa gần và tất cả người quen kẻ lạ một năm Tân Mão tràn đầy hạnh phúc, dồi dào sức khỏe, mãi mãi thịnh vượng và vạn điều may mắn, triệu sự tốt lành. –

Hoài Mỹ

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2023/01/hoai-my-nam-mao-lai-rai-chuyen-meo.html#more

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com