User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
duongthuhuong
 
Hằng chục năm qua, nhiều người thiếu suy nghĩ chín chắn, chưa hiểu rõ ràng những tác hại của chủ nghĩa cộng sản, đã vội vàng đi theo đảng. 
 
Có ở trong chăn mới biết rận. Trải qua những tháng ngày tiếp cận với tổ chức đảng, dần dà họ phát hiện chủ nghĩa này chất chứa rất nhiều khiếm khuyết, không tưởng, chng đem lại lợi ích gì cho quê hương. Không đa nguyên đa đảng, không tam quyền phân lập, không tự do (tín ngưỡng, ngôn luận, bầu cử...), không tôn trọng dân chủ nhân quyền ... Tất cả những cái Không đó làm kìm hãm sự phát triển đất nước và tước đoạt các quyền cao cả thiêng liêng của người dân Việt.
 
Từ nhận thức thực tiễn đó, hằng vạn đảng viên đã lần lượt ly khai, rời bỏ hoặc tự ý ngừng tham gia sinh hoạt đảng. Thậm chí có người cương quyết không vào đảng dù được gọi mời.
 
Bài viết này xin ghi lại hoàn cảnh và những nguyên cớ thôi thúc việc lìa xa đảng của một số nhân vật nổi tiếng trong thời gian gần đây. 
 
1. Xuân Vũ (1930 - 2004)
 
Theo cộng sản từ 54. Vượt Trường sơn trở về Nam năm 65. Sau 6 tháng trèo đèo, lội suối, băng rừng, sốt rét, đói khát, thoát các trận oanh tạc của B52, Ông vào tới trung ương cục, được phân công về ban văn nghệ.
 
Ra hồi chánh năm 68. Làm việc cho báo Tiền Tuyến và đài Mẹ Việt Nam. Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 73 với tác phẩm Đường Đi Không Đến, mô tả hành trình gian truân đày ải của cán binh việt cộng với máu xương chồng chất khi phải vượt Trường Sơn theo sự lừa gạt của đảng cộng sản.
 
* Tác giả Minh Võ ("Tưởng Nhớ Xuân Vũ", 2.1.07, baoquocdan.org): Xuân Vũ có 72 tác phẩm đủ loại: kịch thơ, ký sự, hồi ký, truyện phim, truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài và trường thiên tiểu thuyết...đã được ít nhất 11 nhà xuất bản đua nhau phát hành. 13 nhà văn nổi tiếng hết lời ca ngợi văn tài của Ông.
 
Xuân Vũ từng viết: "khi về Saigon, tôi có nói rằng tôi sẽ dùng những ngày còn lại viết về chủ nghĩa cộng sản mà tôi phải chạy thục mạng để trốn thoát. Sống trong lồng cộng sản tôi đã thấy nó kỳ cục. Thoát ra rồi, ngoảnh nhìn lại, tôi thấy nó ngày càng trở nên siêu kỳ cục, đến quái gỡ".
 
* "Cảm nghĩ về tác phẩm Đường Đi Không Đến", Cựu Bộ Trưởng Chiêu  Hồi Hồ Văn Châm, 2.7.73: 
"Tôi nghĩ rằng mỗi độc giả, dù khen hay chê văn tài của tác giả, dù chăm chú hay hời hợt theo dõi diễn biến câu chuyện, đều không thể chối cãi một sự kiện hiến nhiên là nội dung cuốn sách đượm tính chất xác thực, không dài dòng lê thê, không hoa hòe hoa sói, không bịa đặt xuyên tạc, không phỉ báng mà cũng không ca tụng ai. Người viết chỉ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe cùng những cảm nghĩ của mình trên đường vượt núi rừng trở về Nam thi hành nhiệm vụ được giao phó. Tính xác thực này, những ai đã từng leo đèo vượt núi, những ai có liên hệ ít nhiều với dãy  Trường Sơn trùng điệp đều làm chứng cho tác giả. Nói cách khác, tập hồi ký này ghi lại trung thực một đoạn đời của nhà văn Xuân Vũ trong sự nghiệp phục vụ quê hương.
 
"Xuân Vũ đã tìm lại chỗ đứng trong lòng dân tộc, chen vai thích cánh với những người nặng lòng yêu nước thương dân.
 
* "Nhà Văn Xuân Vũ đi tập kết, về giải kết", Viên Linh, hocxa.com:
 
"Xuân Vũ đi vào làng văn làng bút Miền Nam Tự Do thật là đặc biệt. Tại Saigon, một buổi sáng Chủ Bút Phan Lạc Phúc giao người hồi chánh là Xuân Vũ cho tôi, dặn rằng từ nay Anh làm việc với thư ký tòa soạn. Bài Anh sẽ đăng trên trang 3 của Tiền Tuyến. Anh đưa ra xấp bài, nhan đề là Đường Đi Không Đến. Nhìn anh trước cũng như sau, cảm nhận của tôi không thay đổi: Anh người thấp, mặt vuông, vai u, lè phè, cử chỉ nhanh nhẹn, vầng trán cao, chịu lắng nghe và nói ít. Dung mạo như anh, tôi nghĩ, nhìn qua cái gì biết ngay cái ấy. Lông  mày rậm và ánh mắt tinh anh là điều dễ thấy nhất ở anh.
Tôi không chỉ làm việc biên tập với Xuân Vũ suốt thời gian anh viết Đường Đi Không Đến trên tờ nhật báo, mà sau này còn làm chung phòng như hai đồng nghiệp trong đài Mẹ Việt Nam, phát tuyến ở Đông Hà, phát thẳng ra Bắc, thính giả chính là cán bộ và bộ đội, "vì  dân miền Bắc làm gì có "đài" mà nghe" như người cố vấn Mỹ nói.
 
* "Nỗi Nhớ Qua 5 Tác Giả: Xuân Vũ, Hồ Trường An, Kiệt Tấn, Nguyễn Tấn Hưng, Phùng Nhân", Nguyễn Vy Khanh, 17.9.19, tongphuochiep.com:
 
Phần chính tác phẩm của Xuân Vũ là viết về kinh nghiệm kháng chiến và cộng sản Hà Nội. Ông đã vẽ lại chân dung và hành trình của những con người Nam bộ chân thành yêu nước bị lợi dụng, bị lừa suốt hai cuộc chiến tranh 45 - 54 rồi 57 - 75. Người đọc nhận chân những giả trá của việt cộng, những mưu mô mánh khóe, những "đòn" chính trị, cái tầm thường của những khuôn mặt "lớn".
Ngoài tác phẩm Việt văn, Ông còn viết truyện bằng Anh ngữ, The Survivor (Kẻ Sống Sót) như một tiếp tục sứ mạng với độc giả tiếng Anh.
 
* "Xuân Vũ, 'Kẻ Sống Sót' từ 'Đường Đi Không Đến', Nguyễn Mạnh Trinh, 7.5.08, bienxua.wordpress.com
 
Đọc văn Xuân Vũ, tôi có cảm giác như nghe một Ông già Ba Tri của  đất Nam bộ kể chuyện. Ông viết với tâm hồn dồn nén đau thương.  Câu hỏi mà bất cứ người Việt nào cũng có: Tại sao dân tộc chúng ta lại cứ bị trầm luân đắm chìm vào đau thương như vậy? Những cái chết thản nhiên hằng ngày, những thân xác phơi hoang đồng nội, cuộc sống lây lất của những người bị lừa gạt hoặc dồn đẩy vào con đường thiên lý mịt mù phục vụ cho mưu đồ cuồng vọng của những lãnh tụ đỏ. Với suy nghĩ và tâm thức của "Ông già Ba Tri", ý tưởng như nồng nàn hơn và ngôn ngữ như bàng bạc cay đắng hơn của cả một thế hệ bị dẫn dắt lầm lạc đi con đường vào Nam cứu nước theo ý đồ của cộng sản quốc tế.
 
*"Xuân Vũ, Một Ngôi Sao Văn Học Đã Tắt !", Lê Tùng Minh, anhduong.net, 2.2.23:
 
Nhà Sử học kiêm Tình Báo Gia Lê Tùng Minh, từng ngồi tù cộng sản hơn 15 năm rồi sang tị nạn chính trị tại Mỹ theo diện RD (Rapid Departure). Đến 95 đi Little Saigon xem Chợ Hoa Xuân, thấy tên Xuân Vũ trên các tạp chí Xuân và nhiều tác phẩm khác của Ông được trưng bày đầy kệ sách của nhà sách Văn Nghệ trong chợ Phước Lộc Thọ...khiến cõi lòng vui lên vì bất ngờ gặp tên bạn cũ.
 
Qua cuộc điện đàm ban đầu, Lê Tùng Minh bộc bạch: "Sang tới xứ Cờ Hoa, đặc biệt khi đến Saigon Nhỏ, vùng "đất ấm tình nồng" Cali, tôi đã thấy tên Ông nhan nhản hầu khắp các hiệu sách...Tôi mừng cho Ông có đất dụng võ, bù lại những năm tháng ở Hà Nội...
 
Nhà Sử Học hết lời khen ngợi Xuân Vũ: "Nhà Văn này có sức sáng tác khác thường ! Chỉ trong vòng 8 năm (96 - 03), tuy đã 70 tuổi nhưng mỗi năm Ông vẫn cho ra đời trung bình 4 tác phẩm mà văn tài không hề sút kém".
 
* Ý Kiến của một số nhà văn khác:
 
- Văn Thi Sĩ Trương Anh Thụy: nói về sức sáng tạo và số lượng tác phẩm lớn lao của Xuân Vũ: Anh đánh Đông, chinh Tây, viết ào ạt, viết đủ thứ...đều đặn có mặt trên khoảng 20 - 30 tờ báo hải ngoại.
- Nữ Sĩ Mặc Bích: Xuân Vũ viết gần 100 cuốn. Người đọc có hiểu được bao nhiêu tơ mà tằm đã nhả ra? Làm việc suốt ngày với trí tuệ, không chỉ cần mẫn mà còn say mê. 
 
- Nhà Văn Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông lúc nào cũng thấy như mình không còn nhiều thời gian để viết. Viết, viết, viết, như thể Ông vẫn còn quá nhiều điều để nói mà vẫn chưa nói hết.
 
2. Lê Hiếu Đằng (1944 - 2014)
 
Theo wikipedia, Ông là luật gia, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ Quốc, lãnh tụ sinh viên tranh đấu chống chính quyền Việt Nam Cọng Hòa trước 75.
 
Đi tiên phong trong phong trào phản kháng Trung quốc xâm lược Biển Đông vì cho rằng chính phủ Hà Nội không đủ dũng khí trước Bắc Kinh. Bị đàn áp bắt bớ, Ông lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền khi trấn áp các cuộc biểu tình này.
 
* Với bài viết "Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh", Lê Hiếu Đằng, 13.8.13, tvtsonline.com.au: Ông công khai nói lên quan điểm của mình: 
▪︎Chủ nghĩa Mac Lê đã lạc điệu, bị sụp đổ tan tành ngay trên quê hương Xô viết, chủ nghĩa xã hội chỉ là ảo tưởng, đảng cộng sản đã phản bội lý tưởng cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội những người từng góp phần xây dựng nên chế độ, cũng như sự cần thiết phải dân chủ hóa, xây dựng thể chế đa đảng để cứu nước khỏi tình thế nguy cấp hiện tại.
▪︎Đồng tình với nhận xét của nhiều nhà báo, nhà văn, học giả 
Miền Bắc, kể cả Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc: Thật sự là Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lãnh vực, nhất là kinh tế, văn hóa tư tưởng...
▪︎Vạch trần tội ác của đảng và nhà nước: sau thời gian dài đảng và nhà nước nhận chìm các tầng lớp nhân dân từ bắc chí nam dưới chế độ quản lý kinh tế bao cấp, đi ngược lại tất cả quy luật tự nhiên, cop-py mô hình kinh tế của Liên Xô và Trung Quốc 100%. Dân chúng lầm than rên xiết. Các đợt cải tạo tư sản X1, X2 đã làm tan nát biết bao gia đình, đẩy dòng người vượt biên ngày càng nhiều và vô số thuyền nhân phải chết trên biển cả, hoặc bị bọn hải tặc làm nhục hãm hiếp trước mắt chồng con. Tất cả điều đó là tội ác của đảng và nhà nước, không thể nói khác được.  
▪︎Đề cao quyền tự do của người dân: mất tự do thì con người chỉ là một đàn cừu, không tự do thì không thể có khoa học, văn học, nghệ thuật, báo chí...thật sự. Ông kêu gọi giới lãnh đạo Đảng cần suy nghĩ ý kiến từ Luận Văn Thạc sĩ Văn học của Nhã Thuyên đệ trình năm 2014: "Trong chế độ thuộc Pháp lại có một thời báo chí, văn học nghệ thuật phát triển mà đến nay chưa có thời kỳ nào có thể so sánh được dù cho chế độ gọi là "tự do gấp vạn lần" như bà Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn thị Đoan đã nói một cách hàm hồ, thiếu suy nghĩ", chỉ làm trò cười cho thiên hạ!
▪︎Về việc đổi tên đường: đổi tên đường từ Trần Quý Cáp thành Võ Văn Tần, Phan Đình Phùng thành Nguyễn Đình Chiểu...là việc làm thiếu cân nhắc, nếu không nói là ngu xuẩn, chà đạp lên lịch sử, xúc phạm những chiến sĩ tuy không phải là cộng sản nhưng đã đấu tranh bảo vệ đất nước trong các phong trào Cần Vương, Duy Tân. 
 
Đến tháng 12.13, Ông tuyên bố từ bỏ đảng vì "đảng bây giờ thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, nhân dân".
 
Ông từng nêu ý kiến thành lập chính đảng mới: "Một khi cơ sở hạ tầng bao gồm những thành phần kinh tế khác biệt, trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau, họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Đó là quy luật tất yếu, vì thế không thể không đa nguyên đa đảng được, và như vậy điều 4 hiến pháp hiện nay là vô nghĩa.
 
* "Luật Sư Lê Hiếu Đằng Gởi Các Bạn Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh", 21.12.13, vietthuc.org:
 
... Đất nước hòa bình hơn 1/4 thế kỷ, thời gian dài đủ để đưa Việt Nam "cất cánh" sánh vai cùng các nước Đông Nam Á. Nhưng nay thì bọn tham nhũng cường quyền tước đoạt hết tất cả của cải, tài nguyên, giang sơn gấm vóc ông cha ta đã đổ biết bao xương máu để lại. Cái chế độ toàn trị do đảng cộng sản dựng lên cướp hết các quyền tự do, dân chủ, dân sinh, phá nát, cướp đất, tài nguyên, môi trường, các quyền cơ bản mà loài người tiến bộ trong đó có thanh niên sinh viên học sinh đi tiên phong đang hàng hàng lớp lớp tiến lên phía trước không ngừng nghỉ, không khoan nhượng lùi bước trước bạo lực áp bức, dù phải chịu tù ngục, đánh đập, tra tấn dã man, kể cả cái chết để bảo vệ đất nước.
 
* "Về Việc Lê Hiếu Đằng Từ Bỏ Đảng" (baotiengdan.com, 29.10.18), Giáo Sư Nguyễn Đình Cống nhận định: Trước khi chết, Ông Đằng bỗng ngộ ra con đường mình đã chọn, tưởng là đúng đắn, nhưng thật sự là sai lầm. Ông vội tin chủ thuyết cộng sản là lý tưởng, đảng cộng sản là tổ chức ưu tú. Nhưng rồi ông nhận ra thực chất, rằng đã bị nhầm, một sự nhầm lẫn quá tai hại. Làm đảng viên 45 năm, nay ông sám hối, phản tỉnh. Ông phải rũ bỏ chất cộng sản trước khi sang thế giới khác. Chắc có lúc nào đó Ông tin rằng có chất cộng sản trong nghiệp chướng, linh hồn dễ sa vào địa ngục, khó được siêu thoát.
 
* "Lê Hiếu Đằng và Bi Kịch của một thế hệ", Nguyễn Trần Sâm, daohieu.wordpress.com: Cuộc đời Lê Hiếu Đằng có nét đặc trưng nhất là bi kịch. Bi kịch chung cho tất cả những ai đã từng dấn thân vào cuộc tranh đấu chống lại một xã hội chưa hoàn hảo và còn nhiều khuyết điểm, để hướng về một xã hội khác, lúc đầu tưởng như là vô cùng tốt đẹp, nhưng ngày càng để lộ ra những mặt trái và bản chất không những không thể tự hoàn thiện mà mỗi ngày một suy đồi. Đúng như nhà văn Đào Hiếu đã nhận định: họ tưởng rằng những lời nói mỹ miều về một thứ chủ nghĩa cao siêu và tốt đẹp chưa từng có là thật, để rồi tẽn tò nhận ra tất cả chỉ là hão huyền, lừa mị.
 
"Nhiều đảng viên cộng sản vẫn còn im lặng, tiếp tục chịu dằn vặt, vò xé lương tâm. Nhưng Lê Hiếu Đằng, trước khi nhắm mắt, đã quyết dứt khoát từ bỏ thực tại, can đảm cất lên tiếng nói thay cho hằng vạn người đã nhận nhầm lớp mặt nạ là bộ mặt nhân hậu, từ bi, thông tuệ. Bằng những lời tuyên cáo hùng hồn, Ông đã bước ra khỏi bi kịch.
 
"Trong lịch sử, những người vấp váp sa ngã như ông không phải là ít: Nhà Triết học Trần Đức Thảo, Luật Gia Nguyễn Mạnh Tường đã từ Pháp quay về cố hương phục vụ cho cái thể chế độc tài độc đảng, để rồi người thì bị vắt chanh bỏ vỏ, kẻ hứng chịu hành hạ suốt đời. Thêm nữa, học giả Hoàng Xuân Hãn khi nhận ra sự phản phúc của cộng sản, đã quyết định ở lại Pháp từ 1951.
 
Trường hợp Nguyễn Mạnh Tường, xem hồi ký Kẻ Bị Khai Trừ.
 
Riêng Trần Đức Thảo, xin hãy xem bài viết "Trần Đức Thảo nghĩ gì về đế quốc và 30/4?" từ bbc.com, 28.4.18, tóm lược ý kiến trong hồi ký "Những Lời Trăn Trối" của Ông:
 
   + Phê phán tư tưởng Mao đã bị phá sản về mặt đạo lý, gây ra nạn diệt chủng 3 triệu dân Campuchia do bọn Khmer đỏ tiến hành. 
 
   + Về việc chia đôi của Triều Tiên và Việt Nam: sau khi trở lại Paris năm 90, Ông nói: cả hai nước đều là nạn nhân của nhóm đế quốc Liên Xô, Mỹ và Trung quốc. Nay chúng ta phải sáng suốt mà phân tích, suy nghĩ về hoàn cảnh và các yếu tố chia cắt, chia rẽ này, để thấy rõ chúng ta chỉ là những nạn nhân, đau đớn thuộc về những kẻ có trách nhiệm làm lịch sử. Có thể nói họ đã làm hỏng lịch sử. Họ đây chính là lãnh đạo.
 
   + Theo hồi ký, Ông không được trọng dụng, thậm chí bị nghi ngờ, theo dõi, giám sát.
 
   + Xuất thân là một nhà Marxist, Ông Thảo đã đi đến chỗ bác bỏ chủ thuyết cách mạng không tưởng, vì cả tin vào sự đam mê cuồng tín, cả tin vào khả năng giải phóng bằng bạo lực của hận thù. Báo Le Figaro cho hay, trước khi qua đời năm 93, Ông quyết định ở lại hẳn bên Pháp.
 
* "Thư Gởi Anh Lê Hiếu Đằng", Nguyễn Bá Chổi, danlambaovn.blogspot.com:
 
Cảm phục anh đã can đảm cất tiếng nói "phản tỉnh" sau những năm dài lầm đường lạc lối. Trong khi biết bao người "chống Mỹ cứu nước" cùng thời với anh, nay cũng đã "sáng mắt sáng lòng" - nhưng chỉ ngậm bồ hòn mà không còn có được chút dũng khí của "khi xưa em còn bé"... dại xuống đường để mạnh dạn cất lên lời thống hối ăn năn.
3. Chế Lan Viên (1920 - 89)
Quê Quảng Trị. Nhưng sinh ra và lớn lên ở Bình Định, nơi còn ghi lại dấu tích nhiều đền đài, thành quách, tháp cổ của nền văn minh Champa với những năm tháng huy hoàng rực rỡ. Chính nơi đây đã xảy ra vô số trận đánh khốc liệt giữa hai lân quốc Việt Chiêm suốt thời gian dài. Mãi đến khoảng thập niên 30 của thế kỷ 19, cuộc binh đao mới chấm dứt.
 
Trải qua tuổi thơ với những tháng ngày dong ruổi lang thang quanh khắp thôn làng phố thị của Bình Định, Ông trở nên yêu mến quê hương thứ hai này. Chính vì vậy mà lúc mới 17 tuổi đã hoàn thành tập thơ Điêu Tàn, gây tiếng vang lớn trong làng thơ thời tiền chiến. Qua đó, Ông để tâm hồn đắm chìm theo dòng lịch sử nước Chiêm, ghi lại bao nhiêu hình ảnh xa xưa của giống dân Hời, những hồn ma bóng quế như quanh quẩn đâu đây, ngày đêm còn rên than thương tiếc cho nước cũ người xưa, một thời vàng son đã mất. Nếu không biết tên Ông là Phan Ngọc Hoan thì chắc có người tưởng lầm tác giả mang gốc gác  Chiêm Thành vì Ông lấy bút danh Chế Lan Viên, nghe như dòng dõi họ hàng gì với Chế Bồng Nga, hoặc Chế Mân, Nhà Vua mệnh yếu từng cưới Công Chúa Huyền Trân.
 
Trong nền văn học Việt Nam, Điêu Tàn xuất hiện khá sớm rồi đến Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên là những tác phẩm đặc sắc, lột tả được nỗi buồn vong quốc của dân tộc Chàm từng chiếm lĩnh vùng đất trải dài từ Quảng Bình tới tận Phan Thiết.
 
Xin đọc bài thơ trích từ tập Điêu Tàn để biết thi tài của tác giả:
 
Trên Đường Về 
 
Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ 
Quay về xem non nước giống dân Hời:
...................................
...................................
 
Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi 
Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian 
Những sông vắng lê mình trong bóng tối 
Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than 
 
Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn 
Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn 
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui!
 
Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận 
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm oán hận 
Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn 
 
Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm quốc 
Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp 
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui
 
Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng 
Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng 
Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành 
 
Đây, trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo 
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà 
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo 
Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa
 
Những cảnh ấy Trên Đường Về ta đã gặp 
Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi
Và từ đấy lòng ta luôn tràn ngập 
Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời
 
Song hành cùng phong trào thơ mới những năm đầu thập niên 30, thế kỷ 20, với hồn thơ nhân bản, sáng tạo, tự do, phảng phất khuynh hướng tượng trưng, đưa tên tuổi Ông thăng hoa nở rộ. Rồi chẳng may vận nước điêu linh, Ông đi theo Việt Minh từ 1945, che đậy bằng chiêu bài kháng chiến chống Pháp dành độc lập, buộc phải tự khai tử con người chân chính, xin vào đảng, hùa theo đám văn nghệ sĩ lầm lạc khác, để chỉ một đường nhắm mắt cổ vũ cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, cung kính rạp mình tung hô lãnh tụ thần thánh và ca tụng đảng quang vinh.
 
Mãi cho đến sau 1975, do trực tiếp sinh sống với đồng bào miền Nam, nhận thức thay đổi dần, chuyển hóa từ người cộng sản mù quáng trung kiên, đứng vào hàng ngũ những văn nghệ sĩ sám hối.
 
Dẫu cho có muộn màng, sự thức tĩnh của Ông trong những năm cuối đời cũng đáng được trân trọng, hoan nghênh. Còn hơn nhiều kẻ khác phạm lắm tội ác tày trời với đất nước, vẫn không hề mở miệng một lời ăn năn hối tiếc về việc làm sai trái của mình. Họ thua xa Nhạc Sĩ Tô Hải, dám mạnh dạn thú tội qua bút ký Thằng Hèn!
 
Nói theo Nhà Phê Bình Đỗ Trường, nếu không có phần di cảo này, thì Chế Lan Viên cũng vẫn là "một cái loa phường", chẳng khác chi Tố Hữu và rất nhiều văn nô khác, chỉ biết viết rập khuôn theo chỉ đạo của đảng.
 
* "Hiện Tượng Sám Hối của Những Người Cộng sản Phản Tỉnh", Đại Nghĩa, huongduongtxd.com:
 
Trong lần phỏng vấn của Mặc Lâm (RFA) hôm 12.1.12, Nhà Văn Trần Mạnh Hảo cho rằng: Chế Lan Viên, trong suốt đời đi theo cộng sản đã tích cực tạo ra cái nghiệp làm cho biết bao người vì nghe lời ông khuyến dụ mà đã bỏ thây nơi chiến địa nhưng công trạng của họ sau này không được ai đoái hoài. Nhà Thơ đã bị mặc cảm tội lỗi ray rứt.
 
Mặc Lâm nói với Trần Mạnh Hảo: Một điều đáng kinh ngạc là Chế Lan Viên có thể là người duy nhất thừa nhận rằng do những vần thơ tuyên truyền ca tụng của Ông mà hàng ngàn người đã chết trong Mậu Thân. Đây chính xác là lời sám hối của một người có lương tri dám nhìn sự thật về tác hại từ những lời giả dối của mình trong thơ ca, xin ông đọc cho nghe bài thơ hiếm có này:
 
Ai? Tôi!
 
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng 
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi ! Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm 
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ 
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời 
Tôi ú ớ 
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ 
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ 
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười. 
1987
 
4. Phạm Chí Dũng 
 
Theo wiki, Phạm Chí Dũng là nhà văn, nhà báo, tiến sĩ kinh tế. Trước 2013, đã nhiều năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Từng viết và trả lời các cơ quan thông tấn hải ngoại về những vấn đề bị cho là tế nhị ở Việt Nam như tự do báo chí, kinh tế, tham nhũng, nhóm lợi ích, phê phán giới lãnh đạo.
 
Sự nghiệp văn chương: xuất bản 6 tác phẩm và viết hằng trăm bài báo phân tích, bình luận về thời sự nóng bỏng tại Việt Nam.
 
Tháng 7.14, được đề cử giữ chức Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam.
 
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vinh danh trong danh sách "100 anh hùng thông tin" của năm 2014, bao gồm các nhà báo và blogger ở 65 quốc gia.
 
Ngày 5.12.13, Ông tuyên bố từ bỏ đảng với nhận định rằng: "Những gì Đảng thể hiện vai trò "lãnh đạo toàn diện" trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.
 
"Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đẩy nền kinh tế vào chỗ suy vong và cạn kiệt các nguồn tài nguyên của đất nước. Cơn ung hoại kinh tế làm cho xã hội suy đồi toàn diện. Đảng cộng sản đã thất bại, hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích. Đảng không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân.
 
"Tôi cho rằng thái độ từ bỏ đảng là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với người dân. Một công dân tốt có ý nghĩa hơn so với một đảng viên tồi.
 
Là đảng viên từ 20 năm qua, Ông gây chấn động khi công bố tâm thư từ bỏ đảng và kêu gọi đa đảng.
 
* "Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị cấm xuất cảnh dự hội thảo nhân quyền", vietinfo.eu:
 
Tối 1.2.14, tại sân bay Tân Sơn Nhất Ông đã bị công an giữ lại và tịch thu hộ chiếu khi đang làm thủ tục đi dự hội thảo quốc tế nhân quyền tố chức tại Geneva với tư cách diễn giả theo lời mời của UN Watch - một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ có chức năng giám sát các vấn đề nhân quyền và dân chủ thuộc Liên Hiệp Quốc.
 
Ông là cây bút nổi tiếng với nhiều bài viết về tình hình kinh tế, chính trị tại Việt Nam.
 
Theo Thụy My/RFI, hôm 2.2.14, UN Watch đã lập tức ra thông báo phản đối chính quyền Việt Nam về vụ việc này. Họ nêu ra sự kiện Ông Dũng là nhà báo độc lập có uy tín và là người ủng hộ cho xã hội dân sự, sở hữu một hộ chiếu hợp lệ và đã có visa vào Thụy Sĩ tối 1.2 nhưng bị công an ngăn chận.
 
Giám Đốc điều hành của UN Watch tuyên bố: "Chúng tôi lo lắng trước việc chính phủ Hà Nội nổ lực dập tắt tiếng nói của Ông Dũng. Việt Nam đang vi phạm một trong những nguyên tắc đã nêu ra trong tiến trình kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc, đó là bảo đảm sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó có tổ chức phi chính phủ. Vì vậy chúng tôi kêu gọi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng phản đối sự vi phạm thô bạo này, đồng thời bảo vệ những nhà hoạt động nhân quyền dũng cảm ở Việt Nam.
 
Thông cáo cũng nhắc lại, Phạm Chí Dũng là nhà nghiên cứu độc lập, có nhiều bài viết chất lượng đăng trên các đài phát thanh quốc tế. Ông còn là nhà văn sung sức và cây bút bình luận chính trị sâu sắc.
 
Đến năm 2019, Ông bị bắt và bị kết án 15 năm tù do lập trường chống đảng.
 
* "Mục tiêu tối hậu: Vào đảng cộng sản để thăng quan tiến chức?", Diễm Thi, RFA, 30.10.20:
 
Ngày 29.10.20, một số báo mạng nhà nước Việt Nam có đăng bài viết cảnh báo tình trạng đảng viên nghỉ hưu, thôi việc là nghỉ hẳn sinh hoạt đảng đang diễn ra tại một số địa phương.
 
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A: cái chuyện người ta về hưu rồi bỏ sinh hoạt đảng thì nó rất phổ biến, trừ những người phải làm chức gì đấy như tổ trưởng dân phố..., còn đa số thì cứ lặng lẽ bỏ sinh hoạt đảng. Số ấy đông lắm!
 
* "Thói Câm Nín Việt Nam Được Trung Quốc 'trả lễ' ra sao?", Phạm Chí Dũng, voatiengviet.com, 6.11.19:
 
"Thật đúng là họa trời đày cho thói câm trước Trung Quốc và tưởng đâu 'im lặng thì nó tha cho'.
 
"Trước thái độ hung hăng gây hấn và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp thủ đoạn luồn lách, đu dây chính trị của Hà Nội, Bắc Kinh vẫn ngày càng lấn tới, dần dà bước sang giai đoạn 2 của chiến dịch bóp cổ "kẻ cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của mình", chuyển từ thăm dò địa chất sang việc chuẩn bị hạ đặt giàn khoan dầu khí.
 
"Nguyễn Ngọc Khởi, một "ngư dân bám biển" bị tàu lạ bắn chết khi đang trên tàu đánh cá ở vùng biển Kiên Giang, nhưng các lực lượng hải quân không có bất kỳ cuộc điều tra nào, và toàn bộ báo chí nhà nước chẳng dám nói lên cái tên 'tàu Trung Quốc'.
 
"Sau đó là những vụ chết chóc tang thương của ngư dân Việt bị 'kẻ lạ mặt' trên tàu mang cờ Trung Cộng xả súng hủy diệt, và hàng loạt lần đâm va của 'tàu lạ' vào tàu cá Việt Nam tại vùng biển Quảng Bình hay Côn Đảo, khiến nhiều dân chài rơi xuống biển mất tích.
 
"Thêm lần nữa, thói câm nín của giới chóp bu Việt Nam đã được Bắc Kinh 'đáp lễ' đầy hậu hĩ. Một cán bộ lão thành trên 50 tuổi đảng thốt lên nghẹn ngào: "Thật không thể tưởng tượng nỗi ! Đến nước này mà cả 'thằng Khoa và thằng Lịch' (Trung Tướng Trần Việt Khoa, Giám Đốc Học Viện Quốc Phòng và Đại Tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ Trưởng Quốc Phòng) cũng không hé nỗi một từ về Trung Quốc. Đúng là những thằng hèn!"
 
Tiến Sĩ Dũng đành than thở: "Thật là nhàm chán thấy gã chủ nhà câm như hến không dám kêu cứu khi bị kẻ cướp xông vào tấn công cướp phá. Thái độ khiếp nhược này đã tạo cơ hội cho 'đảng anh' không thể buông tha 'đảng em' một cách êm ái, mà sẽ phải là một kiểu 'sống không ra sống, chết không ra chết'.
 
5. Lê Phú Khải
Nhà báo nổi tiếng. Cả đời cương quyết không vào đảng cộng sản.
 
Tác giả cuốn hồi ký Lời Ai Điếu phát hành tại Mỹ năm 2016. Có hơn 10 tác phẩm: bút ký, biên khảo, chân dung nhân vật, bình luận sự kiện.
 
* "Lê Phú Khải, một cây bút từ 'lề phải' rẽ qua 'lề trái' !", Phi Long, 10.8.22, Vietluan.com.au:
 
Từng là nhà báo trong hệ thống báo chí của đảng. Viết cả ngàn bài đủ loại: tin, phóng sự. Nhưng rồi trở thành cây bút 'lề trái' khi nhận ra công cuộc đổi mới với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là trò lừa bịp. Nông dân, đội quân chủ lực năm xưa của cách mạng nay trở thành nạn nhân khốn khổ nhất của những thế lực mafia cướp đất, cướp ruộng tràn lan trên toàn dãi đất hình chữ S.
 
Ông có mặt trong các đoàn quân đi biểu tình đòi đất, phản đối dự án Bauxite ở Tây nguyên. 
 
Phi Long nhận xét Lời Ai Điếu có nhiều điều lý thú, những bộ mặt thật, sự việc thật từ lâu bị bưng bít, che giấu được tác giả khai quật.
 
× Nào là chân dung của Bộ Trưởng công an Trần quốc Hoàn mà Cục trưởng Cục trại giam Lê hữu Qua (chú ruột Khải) luôn gọi là "tên H lưu manh": "lưu manh dốt nát nhưng hay khoe mẽ, ích kỷ, dối trá, thích tâng bốc, ghét người trung thực, loại bỏ trí thức ra khỏi bộ máy".
 
× Bạn của Khải là học giả Nguyễn Kiến Giang, một con người quyết liệt, từ chỗ tín đồ ngoan đạo của chủ nghĩa Mác Lê, đến chỗ dứt khoát ruồng bỏ nó nên bị tù vì tham gia nhóm "xét lại chống đảng". Kiến Giang kể về Lê đức Thọ: "Lần cuối Thọ vào thăm tôi, ông ta nói: các cậu hay đề cao trí thức, phó tiến sĩ đi học nước ngoài về thì tớ cho thêm 5 đồng vào lương, thế thôi! Tôi nhìn thẳng Thọ rồi nói, xưa đảng vô học vì phải đi đánh giặc, nay có chính quyền mà đảng lại sùng bái sự vô học thì không được ! Thọ đứng lên ra về. Ít phút sau tay giám thị trại giam vào hoảng hốt nói, kỳ này thủ trưởng vào là để cho ông về. Xui quá chết rồi, Ông làm thủ trưởng phật lòng, vậy là tiếp tục tù dài!"
 
× Còn Phạm văn Đồng thì chính Khải nghe được tại Hội nghị khoa học năm 78. Ông đã chỉ đạo: "Ta làm khoa học theo kiểu Việt Nam, đi tắt đón đầu, đuổi kịp phương Tây trong vòng mười lăm, hai mươi năm nữa!"
 
Tác giả chua chát: Đất nước đi về đâu với những ông thủ tướng ba hoa, phét lác, lố bịch và hoang tưởng như thế... Còn đám trí thức ngồi dưới nghe chỉ biết vỗ tay và ngậm miệng ăn tiền!
 
× Kỷ niệm với Đỗ Mười: Năm 95, Khải dự khán buổi nói chuyện của Đỗ Mười. Khi ra về, Tổng Bí Thư nắm tay Ông lắc lắc: "sao cậu gầy thế!". Khải đáp: "có phải đảng viên đâu mà béo được!". Mười liền bảo: Thế là tốt!!!
 
Khải kể lại chuyện này với nhà thơ đại tá Trần thế Tuyển, Ông Tuyển nói ngay: Người ta bảo "tốt" là tốt cho đảng. Còn như Ông mà vào đảng chỉ có phá đảng thôi! Họ làm chính trị nên nói đến thế...Ông phải tự suy ra mà hiểu, lại đi khoe cái nỗi gì. Ông ngu quá!!!
 
Có lần Đỗ Mười nói chuyện với các trí thức tên tuổi của Saigon cũ. Khi giải lao, Tiến sĩ Nguyễn xuân Oánh và nhiều vị khác đến hỏi Khải về những điều Mười vừa nói, họ không hiểu Ông đã nói gì. Có lẽ vì Ông nói giọng Bắc và hay chuyện nọ xọ qua chuyện kia nên các vị ấy không hiểu. Tôi đành trả lời: Quả thật chính tôi cũng không biết Ông nói gì!!!
 
× Về Nguyễn văn Linh: nhà văn Trần đình Hiến, từng làm tham tán nhiều năm tại Bắc Kinh. Vào sáng 16.4.13 tại Hà Nội, ngồi uống cà phê với tôi và bác sĩ Phạm hồng Sơn, ông kể: Nguyễn văn Linh bán nước lâu rồi. Khi còn chiến tranh với miền Nam, mỗi năm ông ta sang Trung quốc một lần để báo cáo tình hình cho họ nghe (Hiến phiên dịch). Có những bí mật quốc gia nào thì Linh báo cáo hết.
 
Khi Liên Xô sụp đổ, Ông hốt hoảng dẫn đầu đoàn đảng và cán bộ sang Trung quốc xin làm chư hầu để mong giữ vững chế độ. Các lãnh đạo tiếp sau cứ theo vết xe đổ của Linh mà lần lượt cắt đất nhượng biển để giữ ghế.
 
× Lê Duẩn: Vào đầu những năm 80, Lê Duẩn vào Tiền Giang. Bí Thư Tỉnh Ủy dẫn ông vô thăm Đồng Tháp Mười. Đứng trước cánh đồng bao la bát ngát (90.000 ha), chỉ tay về vùng đất trước mặt, ông hỏi:
 
   - Trồng những cây gì thế kia?
 
   - Thưa Tổng Bí Thư, đó là rừng tràm ạ! (Tỉnh Ủy lễ phép trả lời).
 
Bỗng mọi người sững sốt khi nghe Ông quát:
 
   - Ngu! Ngu! Sao không trồng lúa!!!
 
Trước cơn thịnh nộ giận dữ của Duẩn, mọi người đành cúi đầu chết lặng. Ai dám cãi lại. Ai dám cả gan giải thích rằng Đồng Tháp Mười là đất phèn nặng, chỉ trồng tràm là phù hợp thôi!
 
× Trường hợp Nguyễn khắc Viện: theo cộng sản từ những năm 40 khi còn học tại Pháp. Sau về Hà Nội làm trong ngành y. Viết hằng trăm bài chuyện môn lẫn chính tri. Để lại di cảo chưa công bố với gần 30 thỉnh nguyện, tham luận hay thư gởi đảng và nhà nước, trong đó có kiến nghị giải tán đảng cộng sản  khiến Nguyễn văn Linh tức giận la lên: "Nước này có 2 thằng Nguyễn khắc Viện thì tan nát!".
 
Những năm đầu thập niên 90, cả nước có hai nhân vật nổi cộm chống đảng là Dương thu Hương và Nguyên khắc Viện. 
 
Để xoa dịu, năm 97 Đỗ Mười tới thăm Ông đang nằm tại bệnh viện. Mười ra về thì ông không chịu ăn gì nữa. Quá u uất thất vọng vì lầm lỡ theo cộng sản, ông chấp nhận vĩnh biệt đời vào tháng 5.97
 
×Trường hợp Tôn thất Tùng:
 
Trong một phiên họp rất căng do Bộ Trưởng Trần quốc Hoàn chủ trì, bác sĩ Tùng, vì quá sợ, mồ hôi vã ra như tắm. Ông rút khăn tay trong túi lau mặt khiến những gói bột ngọt nhỏ rớt ra. Ông thường cất những gói này trong người để mỗi khi ăn phở lấy một gói cho vào tô. Chú ruột Khải là tướng Qua thấy bác sĩ Tùng run cầm cập, liền cúi xuống nhặt giùm rồi để lại vào túi cho Ông.
 
Theo Phi Long, Lời Ai Điếu bộc lộ cái dũng khí của một người đã bị thôi thúc, đến mức không thể kìm hãm được những dồn nén đắng cay trong lòng mình trước cái xấu, cái ác. Suốt quãng đường đời đã chứng kiến những con người như thế đó tồn tại trong thời gian dài, một sự "nhầm lẫn" của lịch sử.
 
Điều đáng nói là vị lãnh đạo trực tiếp của Lê Phú Khải cho biết một chi tiết: có lúc Ông đề xuất Khải lên phó phòng nhưng Khải viện lý không đảng viên. Lãnh đạo nói tiếp: chưa đảng thì kết nạp chứ khó gì. Khải xua tay: "Để tôi tự do, có khi chưa vào đảng tôi tốt, có chút đảng lại thêm quyền, tôi thành người xấu, đếch dại!".
 
* "Thế lực Thù địch" - Mi là ai?, Lê phú Khải, vanviet.info, 2.8.18:
 
Những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin quốc doanh, luôn xuất hiện cụm từ "những thế lực thù địch" đang chống phá nhà nước Việt Nam.
 
Vậy những thế lực này từ đâu ra, sao ngày càng nhiều và gây lo sợ cho nhà cầm quyền đến thế?
 
  + Những nông dân đang sống yên lành trên thổ cư và ruộng đồng của họ, bỗng một hôm có kẻ vác bao tiền đến làm việc với chính quyền xã, huyện...Lên một "dự án". Duyệt xong, báo cáo cấp tỉnh và được thông qua. Thế là công an vội điều đến để giải tỏa mặt bằng. Mất nhà, mất ruộng rồi họ đi đâu, làm gì để sống. Dân oan khốn khổ kéo nhau đi kiện. Thế là thành "thế lực thù địch". 
 
  + Công nhân làm việc trong các nhà máy do nước ngoài đầu tư.  Nhưng công đoàn lại nhận lương từ chủ. Khi công nhân đấu tranh đòi quyền lợi, công đoàn cuội bênh vực chủ. "Tụ tập đông người" bị kết tội "thế lực thù địch".
 
  + Tín đồ các tôn giáo đòi hỏi tự do tín ngưỡng, thế là thành thế lực thù địch. 
 
  + Các nhà trí thức thấy hơn 40 năm đất nước thống nhất mà biển đảo vẫn mất dần. Họ:
 
"Nhìn vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa 
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi"!
(Thơ Bùi Minh Quốc)
 
nên họ phản biện ôn hòa lên các trang mạng tự do...Thế là thành thế lực thù địch 
 
  + Dân kéo nhau đi thắp hương dưới Tượng Đài Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo..., để tưởng nhớ các chiến sĩ và đồng bào hy sinh ở Hoàng Sa, Gạc Ma, thế là thành "thế lực thù địch".
 
  + Những sinh viên Saigon năm xưa theo cộng sản. Nay họ thấy chế độ chuyên quyền còn tồi tệ hơn cả chế độ Saigon, hèn với giặc, ác với dân, nên lại xuống đường...Các vị ấy không thể là "thế lực thù địch" được! Có chăng là thù địch với thể chế đảng trị độc tài mà thôi ! Chính thể chế này đã đẻ ra thế lực thù địch!
 
6. Trương Như Tảng (1923 - 2005)
 
Luật Sư. Bộ Trưởng Tư pháp trong chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Thất vọng với chính sách của cộng sản miền Bắc nên vượt biển năm 78 rồi sống lưu vong ở Pháp.
 
Viết chung với David Chanoff và Đoàn Văn Toại cuốn A Vietcong Memoir (Hồi Ký của một Việt Cộng).
 
* "Trương Như Tảng, Nhà Cách Mạng Chạy Trốn Cách Mạng" (chuyển ngữ từ "A Revolution Who Led the Revolution", Christian Science Monitor, Văn Toàn, facebook, 13.9.17:
 
Tuyên bố tại cuộc họp báo ở Paris năm 1980, ông Tảng nói: "Tôi phải cho quý vị biết rằng công cuộc giải phóng ở Việt Nam đã bị phản bội. Tôi kêu gọi mọi người Việt trong và ngoài nước hãy cùng nhau đấu tranh chống lại chế độ mới!"
 
Ông tóm tắt một số nhân tố đang phá hoại sự ổn định của chính quyền Hà Nội: 
 
   - đàn áp chính trị mà ông nhấn mạnh 'thậm chí còn tệ hơn chế độ Thiệu ở Saigon".
 
   - rạn nứt trong giới lãnh đạo cao cấp, đặc biệt về chính sách đối ngoại với Nga và Trung quốc 
 
   - tình hình ở Việt Nam: gia đình ly tán, xã hội phân ly, ngay cả đảng cũng chia rẽ. 
 
Ngày 15.5.75, khi tham dự cuộc duyệt binh từ lễ đài trong buổi chào mừng thắng lợi, ông bị cú sốc lớn: lá cờ Mặt Trận không thấy đâu cả. Hỏi Văn Tiến Dũng đang đứng bên cạnh về lý do tại sao chỉ có cờ miền Bắc tung bay và mấy "sư đoàn" du kích đâu rồi. Viên tướng trề môi trả lời một cách khinh thường: - "Hả. Mấy thứ đó hả? Quân đội đã được biên chế thống nhất rồi!"
 
Tháng 6.76, Tảng ra Hà Nội dự lễ phê chuẩn Văn Kiện Hiệp Thương Thống Nhất Nước Nhà, chợt có người vỗ vai ông, quay lại thì bắt gặp cái nhìn xa lạ trịch thượng của Trường Chinh: - Tôi trông đồng chí có vẻ quen quen?! Tảng trả lời ấp úng: - "Tôi là Bộ trưởng Tư pháp miền Nam !". Mắt Chinh sáng lên khoái trá: - "Thế à. Thế tên là gì? Bây giờ đồng chí làm cái gì?"
 
Kể tiếp là giai đoạn vỡ mộng: ông cố tập hợp ban chuyên gia pháp lý cho bộ Tư Pháp. Nhưng các luật sư, những người mà cộng sản không thích đều lặng lẽ bị đưa đến các "trại cải tạo".
 
Rồi nhiều người dân chất vấn, cầu khẩn ông với tư cách bộ trưởng, can thiệp cho bạn bè và thân nhân đang bị tịch thu tài sản hoặc bắt buộc đi vùng kinh tế mới. Ông buồn bã nói: "Tôi chứng kiến một chế độ độc tài đang được xây dựng lên" và "mặc dù cố tranh cãi nhưng tôi chẳng làm gì được. Các mệnh lệnh đều xuất phát từ Hà Nội, còn quân đội và công an luôn luôn sẵn sàng ủng hộ họ".
 
Năm 76 Việt Nam được thống nhất theo cách ông Tảng mô tả là "bạo lực và trả thù".
 
Trong số 24 thành viên của chính phủ lâm thời vào lúc ký hiệp định Paris, chỉ 3 người được trao chức vụ trong chính phủ mới, đám còn lại sống trong cảnh ẩn dật và họ rất ghê tởm những gì đã diễn ra.
 
* "Trương Như Tảng: Phản Tỉnh -  Phản Kháng", Minh Võ, 22.5.21, baoquocdan.org:
 
Được cha cho qua Pháp du học. Đậu cao học chính trị và cử nhân luật năm 51. Gia đình ông điêu đứng vì cộng sản. Cơ sở làm ăn buôn bán bị chúng phá sạch. Vì vậy khi hay tin ông theo cộng sản Pháp, cha ông gọi về nhưng ông không nghe. Mãi đến 54 ông mới chịu hồi hương. Năm 58 bắt đầu hoạt động cho cộng sản. Bị bắt rồi được phóng thích. Ra bưng năm 60, làm việc với họ đến 76.
 
Sau khi Saigon thất thủ, ông liên lạc về gia đình thì được biết cha vừa qua đời. Con gái ông tên Loan cùng học chung lớp với ái nữ Tổng Thống, được đệ nhất phu nhân bảo trợ cho du học Mỹ. Ông Thiệu có nói riêng với Loan: "Cháu yên tâm. Ba cháu và tonton là kẻ đối nghịch. Nhưng cháu luôn được coi như con cháu trong nhà, chuyện kia không ăn nhằm gì cả". 
 
Nhà Văn Phan Nhật Nam ("Ba cuốn sách, Không Đủ Một Nửa Sự Thật", 11.05, isach.info) nêu nhận xét: À, hóa ra chế độ và con người (ở miền Nam) bị cả thế giới chê trách, bêu xấu lại tốt đẹp gấp vạn lần so với người và chế độ ở Hà Nội!
 
Nhiều đêm không ngủ được, buồn rầu nhớ lại lời thân phụ nói lúc vào thăm ông trong nhà tù của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia năm 67:
 
- "Con à, ba không thể hiểu được. Con bỏ gia đình êm ấm, hạnh phúc, giàu có để đi theo bọn cộng sản. Rồi đây, chúng sẽ không trả lại cho con được mảy may những gì con đã hiến dâng. Chúng sẽ phản bội và con phải đau khổ suốt đời".
 
Sau 75, Ông thấy lời hứa hẹn, cam kết của bọn lãnh tụ Hà Nội là giả dối. Họ ngang nhiên giải tán chính phủ của nhóm Ông. Không có hòa hợp hòa giải, không có chính phủ 3 thành phần, mà chỉ một đảng duy nhất. Từ danh xưng Đảng Lao động đổi thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Hằng vạn người bị bắn giết. Hằng trăm ngàn bị giam giữ không xét xử, kể cả anh em ruột thịt của ông và đám tai to mặt lớn trong mặt trận.
 
* "Nỗi Ân Hận Cuối Đời của Đoàn Văn Toại - Lãnh Đạo Phong Trào Sinh Viên Cộng sản", Đoàn Văn Toại, (honviet.co.uk): Tại buổi họp báo tháng 5.80, ông Tảng nói: Tôi đã biết MT là một tổ chức do cộng sản chi phối và tôi đã quá ngây thơ khi cho rằng Hồ chí Minh và đảng của ông ta sẽ đặt quyền lợi quốc gia lên trên ý thức hệ và quyền lợi nhân dân Việt Nam lên trên quyền lợi của đảng. Nhưng tôi đã sai lầm.
 
Tỉnh mộng rồi. Hết tin tưởng vào đảng. Ông lặng lẽ vượt biên, bắt đầu cuộc sống tha hương.
 
Nhà Văn Minh Võ thắc mắc: 
 
- Tại sao một trí thức miền Nam giữ chức Bộ trưởng lại tỏ ra quá ngây thơ Trong cái vai trò làm con rối bung xung cho cộng sản Hà Nội.
 
- Tại sao mãi đến 76 ông mới nhận thức mình bị lừa. Trong khi nhà văn Vũ Thư Hiên, qua Đêm Giữa Ban Ngày, đã nói rằng: Ngay cả trẻ con cũng biết mặt trận là do miền Bắc dựng nên, nghĩa là công cụ của đảng.
 
* "Trí Thức Miền Nam Theo MTGP", Hứa Hoành, nongnghiephaingoai.com:
 
Trước khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược, không có một người nào đủ uy tín để tập hợp  những phần tử trí thức miền Nam theo họ. "Mượn đầu heo nấu cháo", cộng sản lôi kéo một số người tên tuổi theo họ làm bình phong, rồi tuyên truyền dối trá, lợi dụng tiếng tăm các vị ấy, lập mặt trận này, liên minh kia. Thực ra chỉ là những tổ chức hữu danh vô thực, những con bù nhìn. Sách lược của cộng sản  trước sau như một, không thay đổi: "sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng việt cộng không bao giờ hết lừa bịp".
 
Trương Như Tảng nói về kinh nghiệm của ông: "người cộng sản là chuyên gia của nghệ thuật chiêu dụ, họ cố làm bất cứ cách nào để dụ bạn về phe họ một khi họ chưa nắm được chính quyền. Nhưng khi  đã nắm rồi thì lập tức họ trở thành sắt máu và tàn nhẫn".
 
Các trí thức miền Nam nhẹ dạ, tin lời xảo quyệt của Việt cộng mà bị  lợi dụng. Khi đã trốn ra bưng, họ bị kìm kẹp, không bao giờ có dịp "hồi chánh".
 
Biết rõ như vậy, Việt cộng phải tạo chiêu bài mới: "Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam" để lừa dối đồng bào và dư luận cả trong lẫn ngoài nước. Chúng cưỡng ép một số thân hào nhân sĩ tiêu cực, đối lập, bất mãn với chính quyền quốc gia, trốn ra bưng rồi gắn cho cái chức ủy viên trung ương để họ hăng hái tiến hành chiến tranh du kích. Lúc đó họ giấu kín tung tích khiến mọi người hiểu lầm rằng Mặt Trận là tổ chức không phải cộng sản. Cái gian hùng và đại bịp của Việt cộng khiến nhiều trí thức cả tin, lầm lạc mà trót theo họ. Để rồi sau 75, phải bỏ tất cả sản nghiệp, bôn đào ra ngoại quốc một cách tức tưởi.
 
* "Vài Bí Mật Chưa Được Tiết Lộ của MTGPMN", Hứa Hoành, vanhoavutvbqgvn.wordpress.com
 
"Từ "MTGPMN" qua "Liên Minh Dân Chủ" rồi đến "Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam" đều là những màn trình diễn bịp. Thành viên của 3 tổ chức trá hình đó đều là những tên múa rối, bị điều khiển bởi bọn cán bộ núp sau hậu trường.
 
Kỹ sư Hồ Văn Bửu, Bộ Trưởng, hồi chánh năm 70 kể lại những âm mưu thủ đoạn đó:
 
Phần đông sinh viên du học Pháp cuối những năm 40 còn quá ấu trĩ về chính trị, chưa hiểu cộng sản là gì, đến khi có người tuyên truyền, họ nghe bùi tai, thích thú nên theo. Liên hiệp Việt kiều của Nguyễn khắc Viện vẽ ra trước mắt họ đủ thứ hào nhoáng rực rỡ khi về phục vụ đất nước, thế là một số bác sĩ kỹ sư vừa ra trường hớn hở hồi hương. Tới Hà Nội, đám trí thức ấy được bổ nhiệm dưới quyền những tay cộng sản bần cố nông, không hề biết chuyên môn. Hằng ngày họ bị nhồi sọ chính trị, thường xuyên kiểm thảo. Do thuộc thành phần tiểu tư sản, họ không bao giờ được tin cậy hoặc cho giữ chức vụ chỉ huy nào cả.
 
Khi về nước, ông Bửu làm chuyên viên Viện Khảo Cứu Cao Su. Ông có dịp tới lui nhiều đồn điền khuất vắng của các tỉnh Đông Nam Phần, là nơi du kích, cán bộ cộng sản lén lút hoạt động. Gặp họ rồi bị rỉ tai, ngã theo Mặt Trận, công cụ của Bắc cộng mà ông tưởng là tổ chức của người Quốc Gia yêu nước, có khuynh hướng độc lập, chống lại sự xâm nhập vào nội tình nước nhà của người Mỹ.
 
Thấy bị mắc vào rọ, Ông tìm cơ hội vượt thoát. Nhờ người dẫn đường trốn qua Miên, bị giam một thời gian, rồi trục xuất sang Lào. Cuối cùng được giải giao cho Việt Nam Cọng Hòa.
 
Từ 75 đến 80, ông bị tù. Sống không hộ khẩu 10 năm. 1990 vượt biên vào Thái, nhưng bị bác tư cách tị nạn chính trị. Thật bi thảm cho một nhân tài chịu số phận hẩm hiu vì quyết định sai lầm đi theo cộng sản!
 
Phạm Văn Duyệt
 
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com